sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 28

Những lần về phép trước, Ngữ thường ở chung với người bạn làm báo Tiền Tuyến trên căn gác bên Khánh hội. Lười thì ra đầu ngõ mua bánh mì gặm, uống một ly nước mía, rồi chui vào một rạp xi nê nào đó. Nhớ không khí gia đình thì lấy xe buýt lên thăm gia đình Thanh Tuyến, chuyện trò với người nào có mặt ở nhà, ăn cơm chiều rồi mua vé xe Lam về thẳng Thủ đức cho kịp giờ hết phép.

Một lần bà Thanh Tuyến hỏi kỹ Ngữ thường làm gì trong một ngày rưỡi phép thường kỳ. Bà nhăn mặt trách Ngữ sống không điều độ, có hại cho sức khỏe, và bắt hứa là từ đây nếu về phép phải ở nhà bà.

Dạo sau này, Ngữ ít được cơ hội hàn huyên với ông Thanh Tuyến. Từ khi đi lại được, ông thường vắng nhà. Hơn ba năm cấm cung, bây giờ ông như con ngựa khỏe vừa sổng chuồng. Ông thấy mình lỗi thời về đủ mọi mặt, nói cái gì, làm cái gì cũng không theo kịp người ta. Ông muốn đốt giai đoạn, cái gì cũng tò mò. Một lần Ngữ thấy ông vừa từ trên phố Sài gòn về, tay ôm một cái bì giấy. Bà Thanh Tuyến hỏi ông mua thứ gì vậy. Ông lúng túng, bảo là mấy tờ báo điện ảnh đọc cho đỡ buồn. Ông vào phòng nằm riết trong đó thật lâu, trong khi bà Thanh Tuyến và Ngữ tưởng ông vào thay đồ xong sẽ ra nhà trước vui vẻ góp chuyện với “ông khách người nhà” (gần đấy ông gọi Ngữ như vậy). Ngữ chờ không được, lại sợ làm rầy không cho bà Thanh Tuyến buôn bán xin về sớm. Lần sau ghé chơi, ông lại đi vắng. Bà Thanh Tuyến thấy Ngữ có vẻ mệt, bảo:

- Cháu vào phòng bác trai nằm nghỉ chốc lát đi. Có nóng thì vặn quạt máy.

Ngữ nằm trên tấm drap quá sạch của ông Thanh Tuyến, vì áy náy mà không ngủ trưa được. Táy máy tìm cái gì đọc, chàng mở những tờ Điện Ảnh Tin Ảnh ra xem hình nữ tài tử, hết số nọ đến số kia. Tới một số báo có bọc giấy nâu cẩn thận và chiều dày nhiều hơn, Ngữ nghĩ chắc đây là tờ Điện Ảnh số Xuân. Không phải. Một cuốn Penthouse còn mới, trang giữa chưa bị xé mất. Khám phá đó làm cho Ngữ vô cùng thích thú. Chàng mừng là đằng khác, vì đó là gì, nếu không phải là dấu hiệu của một sức sống đã phục hồi sau cơn khủng hoảng, một khát vọng tái tạo những gì tưởng đã mất. Sự tò mò, ray rứt nhục cảm không hề có ở những người đã thật sự già nua.

Năng lực hồi phục, máu kinh doanh của ông Thanh Tuyến lại nổi lên. Ông có ý trở lại nghề cũ. Ông bảo rằng số máy cassette qua các PX Mỹ, hiện đang lan tràn khắp nơi, nhà nào cũng sắm một chiếc. Có máy cassette thì phải có băng để nghe. Ông tiên đoán ngành kinh doanh sẽ phát đạt tột độ trong vài năm sắp tới là sản xuất băng nhạc và buôn máy truyền hình. Ông đang tìm hiểu ngành ca nhạc và ngành sản xuất băng nhạc. Khi đã chắc ăn, ông sẽ lao vào đầu tư. Ngữ bây giờ cũng trở thành một “ông khách người nhà”lỗi thời của ông. Gặp Ngữ ông vui, nhưng không gặp hay gặp mà không có thì giờ chuyện vãn lâu, cũng không sao. Ngữ biết rất ít về nhạc trẻ, và hoàn toàn “mù chữ”’ về thương trường.

Từ khi về phép tạm trú ở hiệu trà, Ngữ được bà Thanh Tuyến coi hẳn như người nhà. Nghĩa là nếu cần, không khách sáo, bà nhờ Ngữ đi giùm nơi này nơi nọ. Việc nhỏ, đi gần, thì bà nhờ Ngữ. Nếu việc phức tạp ở xa, bà nhờ Ngữ lấy Honda chở Quỳnh Trang đi hộ. Sự tin cậy ấm áp và tự nhiên. Đến những chỗ bạn bè buôn bán của bà, Ngữ ngồi ngoài xe chờ Quỳnh Trang giao dịch giải quyết công chuyện xong, lại đèo nàng đi. Có lúc Quỳnh Trang rủ Ngữ cùng đi mua sắm vài thứ lặt vặt.

Một hôm Quỳnh Trang rủ Ngữ lên thương xá Crystal cho nàng mua một ít đồ trang điểm. Sợ Ngữ ngại, Quỳnh Trang nói:

- Anh đi tới những chỗ bán những thứ lỉnh kỉnh của phụ nữ có ngại không? Có ngại thì qua hiệu sách xem sách đợi em!

Ngữ ngại, nhưng cách nói của Quỳnh Trang khéo quá, chàng bằng lòng đi theo Quỳnh Trang. Chẳng những vậy, Ngữ còn coi việc Trang rủ mình cùng đi mua phấn son là một biểu hiện thân tình đầm ấm cũng giống như bà Thanh Tuyến nhờ chàng đi mua giùm một lọ xì dầu. Những gian bán y phục phụ nữ, đồ lót và đồ trang điểm nằm ở lầu trên.

Quỳnh Trang tự nhiên lựa mua một thỏi son Elizabeth Arden mầu hồng nhạt, một lọ kem, và một cặp soutien giá trung bình. Cách đó mấy gian là một quầy bán băng nhạc, cặp loa Pioneer lớn đặt trước cửa quầy đang phát bài ca ăn khách của Nhật Trường, giọng ca Thanh Lan. Ngữ và Quỳnh Trang đi qua gian hàng băng nhạc, tò mò nhìn vào. Cả hai giật mình sững người. Ai như là Diễm! Mà Diễm thật! Diễm đang thu tiền của một người khách mua băng mặc đồ lính. Diễm bỏ tiền vào hộc, ngửng lên cười thật tươi và nói “Cảm ơn ông” thì cũng vừa trông thấy Ngữ với Quỳnh Trang. Diễm trố mắt, kêu lên:

- Ớ… anh… à… chị Trang! Sao chị biết em bán ở đây?

Quỳnh Trang cũng vui mừng nói:

- Ơ kìa, Diễm. Vào đây hồi nào?

- Một tháng rồi chị. Có cả anh Ngữ kìa! Anh không nhận ra Diễm hay sao mà ngơ ngác thế? Chừng nào anh ra trường?

Ngữ kinh ngạc hỏi:

- Sao Diễm biết?

- Anh làm gì mà em không biết. Nói đùa đấy! Tuần trước có ông bạn anh Mân tới nhà chơi, vô tình ông ấy có nhắc tới anh. Ông Thành, anh biết không?

- Thành nào?

- Đại úy Thành bên Tổng Tham mưu.

- Tôi không biết.

Quỳnh Trang chen vào hỏi:

- Diễm vào đây luôn à? Còn hai bác?

- Em vào đây luôn. Xin thuyên chuyển, họ cho cũng được, không cho thì thôi. Lo nhà cửa xong ba mạ em cũng sẽ vào.

- Cửa hàng này của… của Diễm à?

Diễm hãnh diện đáp:

- Của em chứ của ai nữa. Em làm áp lực lắm, anh Mân mới chịu sang cửa hàng này lại cho em trông coi.

Quỳnh Trang hỏi:

- Rồi ai trông coi cháu?

- Hiện giờ thì thuê người. Mạ em vào thì em nhờ mạ.

Ngữ nghe nhắc đến chuyện con cái của Diễm, giật mình nhìn Diễm chăm chú hơn. Chàng thấy Diễm mập ra, chiếc cằm thon ngày trước bây giờ hơi đầy, dưới cằm bắt đầu lờ mờ hiện thêm một ngấn cằm đôi. Diễm trang điểm kỹ lưỡng, mí mắt tô xanh, hàng lông mày con gái thuở trước được tỉa mảnh, đuôi mày có kẻ thêm một đường bút chì mỡ đen thành hình gần bán nguyệt. Diễm khoe với Quỳnh Trang:

- Chị buôn trà có khá không? Em mới mở hàng được nửa tháng, khách quen chưa có nhưng cũng khá lắm. Băng nhạc em đang mở cho khách nghe hiện rất ăn khách. Giọng Thanh Lan, chị nhận ra không? Thanh Lan là nhất!

Khi phát âm chữ NHẤT, Diễm uốn lưỡi cố bắt chước theo giọng Bắc. Bây giờ Ngữ mới nhận thấy thêm một điều mới lạ nơi Diễm: nàng không còn nói giọng Huế ròng nữa!

Tự thấy chưa nói được gì nhiều với Ngữ, Diễm quay về phía Ngữ hỏi:

- Anh còn nửa tháng nữa ra trường phải không?

Ngữ lại ngớ ngẩn hỏi:

- Sao Diễm biết?

Diễm cười rất tự nhiên:

- Em là gián điệp mà!

Ngữ cố tìm đề tài ít khách sáo hơn:

- Có dạo nghe Quỳnh Như cho biết Diễm sinh khó, anh… tôi hơi lo.

Diễm cảm động, nói rặt giọng Huế:

- Em cũng tưởng không qua khỏi… Đi học làm nữ hộ sinh, gặp trường hợp sinh khó em cứ nghĩ đó là chuyện thiên hạ, không liên can tới mình. Rồi chính em lại sinh khó. Con nó dễ thương lắm.

Quỳnh Trang hỏi:

- Diễm ở đâu, hôm nào rảnh chị lại thăm cháu xem sao!

Diễm trở lại giọng Huế lai Bắc:

- Em với anh Mân ở tận Bà Chiểu. Không biết từ nhà chị tới đó xa gần. Nhưng chắc hai vợ chồng em không còn ở đó lâu. Anh Mân đang tìm mua một căn nhà vùng Đakao. Khi nào dọn nhà mới, em sẽ tin cho chị. Nhà chị ở gần Ngã Bảy phải không?

Đến lượt Quỳnh Trang hỏi:

- Sao Diễm biết?

- Quỳnh Như ghi địa chỉ cho em, em vẫn còn giữ. Em cũng mừng cho Quỳnh Như. Hôm nó về dự đám cưới em, nó thiểu não quá. Ra Qui nhơn, Như nó có thường viết thư về không hở chị?

- Lâu lâu có viết.

Diễm quay sang hỏi Ngữ:

- Chắc Quỳnh Như ra đó ở chung với chị Nam?

- Vâng.

Có hai khách hàng vào hỏi mua cuốn băng mới của Khánh Ly. Quỳnh Trang đưa mắt thầm hỏi ý kiến Ngữ. Ngữ tiện tay chọn một cuốn băng thu toàn những bài do Thái Thanh hát, đưa cho Quỳnh Trang. Quỳnh Trang hiểu ý. Chờ hai cặp thanh niên trả tiền xong, nàng đưa cuốn băng cho Diễm, nói:

- Diễm cho chị “mở hàng” muộn cuốn cassette này.

Diễm thích thú, đáp:

- Chị phúc hậu, mở hàng cho em thì em làm ăn vững vàng. Còn anh Ngữ mở hàng thì bấp bênh. Chị cho em xin hai trăm rưởi, giá vốn đấy.

Ngữ mau mắn mở ví rút ra hai tờ giấy 200. Diễm cầm tiền hỏi:

- Anh Ngữ mua hay chị Trang mua?

Quỳnh Trang bực dọc nói:

- Ai mua cũng thế thôi. Cô này bày vẽ.

Diễm nghiêm mặt lại, quay hỏi Ngữ:

- Anh có 50 đồng lẻ không?

Ngữ lục ví nói:

- Có đây!

Diễm trả tờ 200 cho Ngữ và nhận tờ bạc 50. Cả ba người đều cảm thấy không còn được thoải mái nữa. Ngữ nói:

- Thôi để cho Diễm làm việc.

Diễm hỏi:

- Anh ở đằng nhà chị Trang à?

Trang nói:

- Thôi tụi này về đã.

Xuống khỏi cầu thang, Quỳnh Trang bảo:

- Sao Diễm nó thay đổi chóng thế!

Ngữ nói:

- Diễm mập ra!

- Ý em không phải thế!

° ° °

Ngữ trở lại chỗ gửi xe sau khi dặn Quỳnh Trang chờ mình ở trước nhà hàng Thanh Thế. Phố xá đông đúc, người ta chen lấn nhau, bộ hành không có chỗ đặt chân đi tràn cả xuống lòng đường. Xe cộ bóp còi inh ỏi. Ngay cổng tây của thương xá là một chợ vải lộ thiên nên các cô các bà đổ về đây lại càng đông. Quỳnh Trang cứ thắc thỏm sợ Ngữ không thấy mình, khi bị lấn giạt vào sâu phía trong lề đường lại cố chen để ngoi ra ngoài. Trong mấy phút nôn nao chờ Ngữ lẫn lo sợ Ngữ không tìm ra mình, Quỳnh Trang chợt thấy tâm trạng chờ đợi của mình không bình thường, không phải nỗi chờ đợi trong an nhiên như một hành khách chờ chuyến xe buýt. Mà như một bộ hành về trễ ngong ngóng chờ chuyến xe cuối. Không, còn hơn thế nữa. Như chờ một cái gì quí giá đã thuộc về mình, sợ mất đi nên nhìn đâu cũng thấy đe dọa. Năm phút, mười phút vẫn không thấy Ngữ. Mười lăm phút, khi Ngữ phanh chiếc Honda ngay sau lưng Quỳnh Trang, nàng cau có hỏi:

- Anh đi đâu để Trang chờ cả tiếng đồng hồ?

Ngữ chưa bao giờ nghe Quỳnh Trang nói với Ngữ với giọng gay gắt đó. Ngữ xin lỗi:

- Chạy tới đây nhìn quanh không thấy Trang đâu, tưởng Trang đứng ở hè bên kia, đường một chiều muốn trở lại, phải đi một vòng bên cửa Tây, xuống Lê Thánh Tôn, rồi trở lại.

Quỳnh Trang thấy mình bất công, ghé ngồi sau yên Honda, tay phải nắm lấy quai da bắc ngang qua yên, tay trái nắm chặt cái túi giấy đựng các món vừa mua. Người đông. Ngữ phải lách chiếc Honda khéo léo mới ra được đường Lê Lợi. Chiếc xe nhiều lúc nghiêng hẳn một bên. Quỳnh Trang sợ té, phải ôm lấy lưng Ngữ. Xe rẽ về phía chợ Bến Thành, qua nhà ga thì xe cộ thưa hơn. Quỳnh Trang đỏ mặt khi thấy mình ôm lấy lưng Ngữ, tay phải lại nắm lấy quai yên. Ngữ đã rẽ xe về đường Hồng Thập Tự. Bóng cây cao hai bên lề che rợp con đường rộng và thẳng phía dưới, cành lá giao nhau làm thành một vòm cung xanh mắt. Tiếng máy nổ đều. Ngữ cảm thấy phía sau lưng có hơi ấm của một phần vai Quỳnh Trang tin cậy dựa vào, thứ hơi ấm nhẹ nhàng như một tách trà ủ trong lòng tay về mùa đông. Rồi làn hơi ấm ấy loang rộng ra, như cả phần thân thể bên trên của Quỳnh Trang dựa sát vào lưng Ngữ. Ngữ cảm được (hay có thể là Ngữ đã tưởng tượng ra) qua hai lần áo, cả cái mềm mại của đôi vú, cả nhịp đập đều của trái tim. Ngữ tự hỏi: Đây là hạnh phúc, phải không? Thứ hạnh phúc đơn giản, chậm chạp, đến lúc nào không hay, tự nhiên như trái cây phải chờ nắng hè nung tới độ để chín, và khi đã chín rồi thì sẵn sàng rơi vào túi người có lòng chờ. Mải suy nghĩ, Ngữ không tránh kịp một ổ gà ở mép đường Lý Thái Tổ. Chiếc xe chao nghiêng. Quỳnh Trang vội ôm lấy hông Ngữ cho khỏi té. Ngữ lấy được thăng bằng, nhưng trước khi Quỳnh Trang kịp rút tay về, chàng thả một bên tay lái, nắm lấy bàn tay Quỳnh Trang, bóp nhẹ. Quỳnh Trang để yên bàn tay phải trong tay Ngữ. Phía sau lưng, Ngữ cảm thấy hơi ấm của cả một tấm thân ép sát vào, tin cậy. Họ lặng lẽ trao nhau lời tỏ tình đầu tiên, mà không phải dùng lời!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx