sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 43

Ngữ về đến nhà vất cái xách lên divan liền cầm tờ Thép vào Tiểu khu ngay. Trung tá Thanh có mặt ở văn phòng. Thấy Ngữ bước vào, ông nói:

- Thế nào, chàng rể mới! Đám cưới có vui không?

Ngữ đáp:

- Cũng tàm tạm. Bà có gửi cho Trung tá vài thứ, nhưng vội quá tôi không mang theo đây.

Rồi Ngữ đưa tờ Thép cho Trung tá Tiểu khu phó, hỏi:

- Trung tá đọc bài này chưa?

Trung tá Thanh cầm tờ báo lên, đọc qua cái tựa bản tin chữ lớn cỡ 48 chạy hai hàng choán hết bề ngang tờ báo, mặt buồn buồn. Ông im lặng một lúc lâu, rồi nói:

- Ông Tỉnh cũng biết loạt bài này từ hồi tối. Ông ta hỏi cậu xin đi phép từ hồi nào.

Ngữ kinh ngạc hỏi:

- Sao Đại tá lại hỏi thế?

Trung tá Thanh nhìn Ngữ thật lâu, và đáp:

- Hình như bên Tỉnh họ nghi cậu có liên can vụ đăng báo này.

Ngữ bực quá, kêu lên:

- Vô lý. Hết người nghi hay sao lại nghi cho tôi!

Trung tá Thanh có vẻ mệt mỏi, ngả lưng vào thành ghế, mắt nhìn lên trần văn phòng, nói giọng đều đều:

- Không biết cậu nghĩ sao, chứ tôi cho chuyện tham nhũng chẳng qua chỉ là một căn bệnh nhược tiểu. Căn bệnh xưa như trái đất, giống như nghề xưa như trái đất là nghề mãi dâm. Khòng có nước nhược tiểu nào trừ tuyệt căn được căn bệnh này, cũng giống như hễ có tí đất, có tí nước là có cỏ dại. Ở các nước giàu có trình độ dân chủ cao, người cầm quyền phần lớn thuộc hạng giàu có, tiền bạc vất đi không hết nên chỉ muốn có quyền lực chính trị. Đã thế, cả một hệ thống dân cử và báo chí theo dõi kiểm soát từng đường đi nước bước của người cầm quyền, nên muốn tham nhũng cũng khó. Các nước nhược tiểu không được như vậy. Người cầm quyền phần lớn nhờ may mắn và thời cơ, và xuất thân từ tầng lớp không giàu có gì. Hệ thống kiểm soát của dư luận lại lỏng lẻo hay dễ mua chuộc, nên hễ có quyền lực là có cơ hội giàu có. Quyền lực đẻ ra tiền bạc, bằng cách này hay cách khác. Rồi chính nhờ tiền bạc mà quyền lực được củng cố. Một chính thể sụp đổ lúc nào cũng lôi theo một hệ thống kinh tài sụp đổ theo, để rồi một hệ thống khác thành hình làm nền tảng cho chính thể mới. Nhiều khi một người thanh liêm vào trong cái guồng máy ấy rồi thì hoặc phải chạy theo guồng máy để tồn tại, hoặc không làm được việc, không được che chở, phải tự ý rút lui hay bị đào thải. Tôi có cảm tưởng tôi là một trong những người sắp bị đào thải này. Tốt hơn hết, tôi nên tự ý rút lui trước khi bị đào thải.

Ngữ ngơ ngác không biết vì sao Trung tá Thanh có giọng chán chường như thế, vội vã hỏi:

- Vụ tờ Thép làm phiền Trung tá nhiều đến vậy sao?

Trung tá Thanh ngồi thẳng dậy, cầm tờ Thép liếc qua, bỏ xuống, nhìn Ngữ với ánh mắt thân ái. Ông nói:

- Không phải đâu! Sáng nay, Đại tá Tỉnh trưởng điện thoại cho tôi, cật vấn mãi là tôi có cung cấp tài liệu gì cho tờ Thép hay không. Tôi đáp là tôi không làm việc đó, không phải vì sợ ai nhưng vì không tin ở ảnh hưởng xây dựng của báo chí Sài gòn. Tôi nói thẳng là báo Sài gòn cử ngưòi đi các tỉnh với mục tiêu khác. Đại tá nói ông biết, vì tay ký giả đó lâu lâu lại gọi điện thoại ra cho ông.

- Nhưng nếu thế vì sao Trung tá định xin thôi?

- Tôi lầm khi ra khỏi phạm vi quân sự thuần túy… Tôi cứ tưởng ở địa vị Tiểu khu phó, tôi sẽ được dịp thử làm những gì tôi nghĩ là phải làm, nghĩa là đối phó với một cuộc chiến tranh toàn diện chứ không phải chỉ xài súng đạn. Tôi nghĩ đến sức hữu hiệu của một đạo quân chống giặc chẳng những bằng súng mà còn bằng những nụ cười, những lời thăm hỏi ân cần, những trạm y tế miễn phí, những lớp bình dân học vụ, những đêm lửa trại, những tối hát hò bên chái đình làng. Tôi lãng mạn quá.

Cái đẹp của vài ba năm đầu kháng chiến chống Pháp giành độc lập chỉ là một ánh chớp sáng lòa của lịch sử, không bao giờ tái diễn nữa. Lòng khao khát độc lập thời đó có cái gì thiêng liêng thần thánh, nên làm gì cũng được, mọi người cùng một lòng, mọi người cùng một giấc mơ chung. Bây giờ khác! Người ta đã thấy cái khởi đầu rực rỡ ấy đã dẫn toàn dân tới đâu! Người ta hết tin vào bất cứ điều gì! Không còn biết tin ai, người ta tin vào súng đạn và người ngoài. Ít ra hai cái đó có cái gì cụ thể, tạo được sức mạnh để giữ quyền lực. Tôi đã nói với Đại úy Thường bên Tỉnh đoàn như vừa nói với cậu chiều nay. Ông ta cũng đồng ý với tôi.

Ngữ vội vàng hỏi:

- Tờ Thép đăng loạt bài này chắc bên Tỉnh đoàn càng thêm kẹt?

- Chắc chắn rồi! Bên Bình định Phát triển kẹt từ trên xuống dưới, nên vụ này chỉ là hậu quả tất nhiên của các suy sụp từ trước. Ông Thường cũng biết thế, nhưng đã phóng lao phải theo lao. Như lỡ cưỡi cọp, hễ bước xuống là bị cọp vồ. Ông ta không buồn về việc tranh chấp kém thế với ông Tỉnh, mà buồn vì chính ông cũng không làm được việc gì. Như vụ bầu cử Hội đồng xã Nhơn mỹ. Cậu có theo dõi vụ này không? À, tôi quên, vụ này cậu không phụ trách hồ sơ.

- Lại rắc rối gì nữa, thưa Trung tá?

- Không phải là rắc rối! Chỉ là một kinh nghiệm xót xa. Xã Nhơn mỹ thuộc loại xôi đậu, đa số dân đều phải sống hai mặt, buổi sáng về nhà cày cấy ở những đám ruộng không xa quốc lộ Một, buổi chiều dắt díu nhau lên quốc lộ hay quận lỵ sống an toàn ở các trại tạm cư. Bên Bình định Phát triển nghĩ phải tổ chức bầu cử hội đồng xã và các chức vụ hành chánh xã thật dân chủ, để người dân tin tưởng nơi người cầm quyền, từ đó thành lập những tổ chức quân sự tự nguyện như nhân dân tự vệ xã, tổ chức chỉnh đốn rồi chờ cho người dân nhận thấy chính họ phải có trách nhiệm trở về dựng lại làng, bảo vệ làng, tảo thanh du kích cộng sản, thì mới mở hành quân bình định cho dân tạm cư hồi hương. Đó là một kế hoạch lý tưởng. Việc tổ chức bầu cử tiến hành tốt. Tới khi nhận đơn ứng cử, thì một lô mấy ông dưới thành phố lên ghi danh: chủ tiệm chạp phô gốc Hoa muốn trở thành ông hội đồng để trốn lính này, ông y sĩ quân y muốn đắc cử để giải ngũ về mở phòng mạch tư hốt bạc này… Phương tiện nhiều, tiền bạc lắm, tới thăm nhà nào họ cũng biếu xén trong khi những người địa phương sống lây lất nửa quê nửa tỉnh chỉ có tấm lòng. Kết quả mấy ông “dân” thành phố đắc cử cả. Nhưng chưa hết. Cái oái oăm là mấy ông dân cử giả hiệu ấy lại được việc hơn những người có lòng gốc địa phương. Họ có thần thế, nên đồng bào ở trại tạm cư nhờ điều gì, họ gọi một cú điện thoại, hay mở một bữa nhậu, là xong. Dân địa phương quần vá tiền đâu để chiêu đãi nhậu nhẹt với các quan lớn. Ông Thường tuyệt vọng vì cái thực tế không chối cãi được này, chứ không phải vì sợ hậu quả vụ tranh chấp dằng dai với ông Tỉnh.

- Nhưng ông ấy định làm gì nữa?

- Tôi không biết. Có thể nhờ báo Thép đăng loạt bài này mà cuộc tranh chấp sớm kết cuộc.

Ngữ hỏi gấp:

- Và ai thắng?

- Dĩ nhiên phần bại về phía Tỉnh đoàn. Tôi nghĩ tôi sẽ không còn ở đây lâu. Chắc cậu về trong đó nhà tôi có hỏi tình hình ngoài này để đem các cháu ra?

- Vâng. Bà có hỏi kỹ.

- Tôi sẽ viết thư bảo bà ấy khoan tính ra đây đã.

Có tiếng điện thoại reo. Ông Tiểu khu phó chậm rãi nhấc điện thoại lên, chậm rãi nói:

- Tôi là Trung tá Thanh, tôi nghe đây!

Ông lắng nghe một hồi rồi đáp:

- Vâng, tôi sẽ qua gặp Đại tá ngay. Tôi sẽ cho người ra các sạp báo hỏi xem tờ đó đã phát hành chưa…

Ông đặt ống liên hợp xuống chỗ cũ, và quay sang Ngữ nói:

- Ông ấy lại hỏi tới cậu. Chắc cậu sẽ gặp chút ít rắc rối. Tôi sẽ thanh minh là cậu không dính gì đến vụ đăng báo. Tôi đi đây!

Loạt bài đăng trên báo Thép hâm nóng thêm cái thành phố lúc nào cũng hối hả ồn ào và bụi bặm này. Sau giờ tan sở, và cũng là giờ chuyến phi cơ hàng không dân sự Air Việt Nam hàng ngày chở báo Sài gòn ra, người ta chen chúc nhau tranh mua báo Thép. Trước cửa các hiệu sách hoặc tiệm ăn vỉa hè cạnh các sạp báo, từng nhóm túm tụm nhau đọc báo không kiên nhẫn chờ đến lúc về nhà, đọc xong, hể hả bàn tán hoặc xì xào to nhỏ tùy theo mối liên hệ nghề nghiệp giữa người đọc với chính quyền tỉnh. Tại các quận lỵ, cảnh này lại tái diễn vào trưa hôm sau, khi báo Sài gòn về tới nhà tổng đại lý tại Qui nhơn được gửi về các quận bằng xe đò.

Nhưng nơi loạt bài báo đăng trên Thép làm đảo lộn sinh hoạt nhiều nhất là Tòa Hành chánh và Tiểu khu. Không có quân nhân công chức nào làm việc tại đó dại dột đến nỗi kẹp nách tờ Thép khi đến bàn làm việc. Họ giấu kỹ trong cặp, hoặc nhét ở ngăn hộc bên dưới yên xe Honda. Cẩn thận hơn, vài công chức già nhiều kinh nghiệm cắt bài báo ra, kẹp vào giữa trang sách hoặc tập công văn đang làm. Ở chỗ công khai, không ai hé môi nhắc tới loạt bài tố ông Tỉnh trưởng. Khẩu hiệu chung là “không nghe, không thấy, không biết”. Nhưng người này nhìn người kia mỉm cười thông cảm, vì biết tỏng là bạn mình nghe hết, thấy hết, biết hết. Khi xách gà-mên cơm đi ăn trưa, nếu phải trực ban, hoặc gặp nhau nhâm nhi ly cà phê để xóa tan cơn buồn ngủ buổi làm chiều, ở chỗ thân tình, đề tài hấp dẫn nhất vẫn là cột báo Thép phổ biến ngày hôm trước.

Sau số báo loan loạt phóng sự điều tra ở trang đầu, qua số sau, tờ Thép chuyển loạt phóng sự vào trang ba. Nhan đề vẫn hết sức nổ. Tuy nội dung vẫn chỉ ỡm ờ, mông lung, có vẻ như dạo quanh hóng mát để chờ phản ứng của đối phương. Độc giả địa phương càng nôn nao chờ đợi thì tờ Thép càng nhẩn nhà, liên tiếp hẹn ngày mai ngày mốt.

Trên số báo ra ngày thứ tư, ký giả loạt điều tra phóng sự ỡm ờ viết rằng một phần tài liệu tham nhũng anh ta thu thập được là nhờ khéo léo thăm hỏi và phỏng vấn “các giới chức có thẩm quyền” tại Tỉnh đoàn Bình định Phát triển.

Mấy dòng chữ in nhòe trên tờ Thép như một que diêm cháy vất vào kho xăng. Đại úy Thường ở vào thế kẹt. Ông thảo một sự vụ lệnh đưa qua cho Tòa Hành chánh, để xin ông Tỉnh trưởng cho phép vào Bộ có việc khẩn. Ông Tỉnh phó trình sự vụ lệnh lên văn phòng Tinh trưởng. Văn phòng Đại tá trả lại bản dự thảo sự vụ lệnh, với một cái gạch chéo bằng viết nỉ đỏ nét lớn. Không tìm được cách đi Sài gòn chính thức và hợp pháp để phòng thân nữa, ông Thường giao việc cho Tỉnh đoàn phó, tự ý xuất tiền túi mua vé máy bay về “tị nạn” tại Bộ. Ông Tỉnh trưởng điện về Sài gòn báo cáo Đại úy Thường đào nhiệm, đồng thời xin cử gấp người thay thế. Trung tá Thanh đã đoán đúng. Tuy chỉ mới loanh quanh vòng ngoài, tờ Thép đã giải quyết chóng vánh một cuộc tranh chấp dằng dai từ hơn một năm qua, để bắt đầu một cuộc mặc cả khác giữa tờ báo với ông Tỉnh.

Trong cuộc tranh chấp đấu trí này, Ngữ cũng bị liên lụy. Trên số báo ra ngày thứ bảy, ký giả báo Thép lại ỡm ờ viết rằng “Theo một sĩ quan tòng sự tại Tiểu khu, từng phục vụ tại một cơ quan ngôn luận của quân đội ở Sài gòn (mà vì lý do an ninh của đương sự, chúng tôi không tiện tiết lộ danh tánh) thì… Số báo ấy đến Qui nhơn chiều thứ bảy, thì sáng thứ hai chào cờ đầu tuần, Ngữ trở thành một kẻ đáng ngại trước mắt mọi quân nhân công chức ở Tiểu khu và Tòa hành chánh. Ngữ lại thấy trở lại những cái mỉm cười đồng lõa của những kẻ nhát gan nhưng ưa chuyện náo nhiệt, lại thấy những ánh mắt e dè xa lánh để khỏi bị liên lụy, lại nghe những lời xì xào sau lưng mình, lại nếm cái dư vị cay đắng vì cô đơn, như thời chàng làm việc ở Tiểu khu Thừa Thiên, lúc phong trào Phật giáo tranh đấu lên cao.Tờ Thép đăng loạt bài tố tham nhũng được đúng một tuần, thì đột ngột ngưng mà không báo trước. Độc giả Qui nhơn chen nhau giật cho được số báo ngày thứ Ba để chỉ đọc thấy ở trang ba một cái khung nhỏ bằng hai nhón tay với lời cáo lỗi đơn giản: “Thép tự ý tạm ngưng loạt bài điều tra tham nhũng vì vừa được bạn đọc cung cấp thêm các dữ kiện mới. Tòa soạn cần thời gian kiểm chứng. Xin cáo lỗi với quí độc giả”.

Mọi người tiu nghỉu, cảm thấy như vừa bị lừa, phải mua vé chợ đen để chen chúc nhau đi xem một màn đấu võ cuội.

Ở các công sở, công chức lại trở về cuộc đời trầm lặng nhàm chán “sáng vác xe đi tối vác về”, nhàm chán tới độ không biết làm sao cho nếp sống tẻ nhạt có chút gia vị nên lóng ngóng chờ những tin nổ sẽ tới. Chờ không được, họ tạo tin đồn. Trung tá Thanh trở thành mục tiêu mới. Họ dựng đứng những màn đấu khẩu giữa Đại tá Tiểu khu trưởng và Trung tá Tiểu khu phó, và nói cho ngay, óc tưởng tượng của họ có cảm tình với Trung tá Thanh hơn. Họ không dại dột tưởng tượng ra một ông đại tá đầy cả nết xấu. Họ không dại dột vuốt râu hùm. Trong các giai thoại vẽ vời giữa các cuộc trà dư tửu hậu, quân nhân công chức dưới quyền ông Tỉnh dán cho ông cái nhãn “khôn ngoan, thực tế”’, còn ông tiểu khu phó thì được cấp bằng “thẳng thắn, can đảm”.

Xem ra họ mơ ước được thẳng thắn can đảm, nhưng nhờ từng trải qua nhiều thời tỉnh trưởng, họ khôn ngoan thực tế đủ để giữ được cái ghế ngồi an toàn giữa thời buổi nhiễu nhương bất trắc.

° ° °

Khác với thời ở Huế, trong cơn khủng hoảng này, Ngữ còn có được một người bạn lớn để tâm sự là Trung tá Thanh. Sau loạt bài đăng trên báo Thép, hai người cảm thấy bị cô lập, nên chỉ còn biết tìm đến nhau. Sau giờ làm việc, Trung tá Thanh và Ngữ thường lái xe Jeep đến những chỗ ít người lai vãng ngồi nói chuyện với nhau hàng giờ. Câu chuyện của họ khơi khơi trên mây, tỏa ra cái tổng quát, dựa trên nguyên tắc, ôm lấy tổng thể chứ không để dính vào các chuyện thực tiễn trước mắt. Không nói ra, cả hai đều thấy bất lực trước những điều cụ thể, nên tìm yên tâm bằng cách đặt khó khăn cụ thể vào trong một cái khung lớn, và lo tìm giải quyết cái khung ấy trước.

Không có người thứ ba đứng ngoài quan sát và nghe những điều họ nói để phê phán, nên họ mặc sức bay lượn. Ông Thanh đem cái ý muốn thực hiện một cuộc chiến tranh chống cộng toàn diện ra bàn, đặt ra những điều kiện về thời cơ, về nhân sự, về lý thuyết lãnh đạo. Ông lôi cả lịch sử hiện đại ra mổ xẻ, và kết luận rằng thời hoàng kim của dân tộc sẽ không bao giờ tới nếu Việt nam không thoát ra được gọng kềm ác nghiệt của cuộc tranh chấp quyền lực quốc tế. Ông có vẻ sáng đối với những toàn cảnh, nhưng lại lạng quạng ở chỗ chật; thoải mái hăng say với giấc mộng vá trời lấp biển nhưng bối rối vụng về không biết làm sao để lấp một lỗ chân trâu. Ông thú nhận với Ngữ:

- Cuối cùng tôi khám phá ra một điều: tôi chỉ thích hợp với một chức năng thuần túy quân sự. Chỉ huy một đơn vị quân đội hay chỉ huy một cuộc hành quân đơn giản như là dự một trận đấu bóng tròn. Luật lệ sẵn, đá được vào gôn đối thủ thì thắng, thua điểm thì nhận thua. Tôi không thể giữ được những chức vụ như ông Tỉnh. Phải tới lúc tôi trở về đúng chỗ của mình. Phần cậu thì sao? Hôm qua ban Hai gọi cậu qua có chuyện gì vậy?

- Chắc đây là hậu quả của vụ báo Thép. Họ hỏi lung tung. Vụ Phật giáo! Vụ cái truyện ngắn “Vòng hoa dành cho Ngài lãnh tụ”. Cả vụ thằng Tường nữa. Có lẽ phải nhờ Trung tá nói cho một tiếng. Tôi thì sao cũng được, nhưng tôi ngại cho con Nam. Nó bị nhiều rủi ro, bây giờ vì tôi mà nó mất chỗ dạy, chắc nó phát điên lên mất.

Trung tá Thanh buồn rầu đăm chiêu một lúc, rồi nói:

- Được. Tôi sẽ lo cho cậu vụ này. Tôi với cậu hợp nhau mà không có duyên được làm việc với nhau lâu. Thôi, gác qua các chuyện đau đầu ấy đi. Chừng nào Quỳnh Trang ra đây?

Ngữ đỏ mặt khi đột ngột bị hỏi đến chuyện riêng, đáp lí nhí:

- Tuần sau, Trung tá!

- Sao hai cô cậu chịu được cái cảnh chàng Ngưu ả Chức thế? Tôi ấy à, lúc mới lấy vợ…

Ông cười ha hả, không nói hết câu.

Phần Ngữ, chợt nhớ cảnh đêm đêm vẫn thường đắp chiếc áo lót của Quỳnh Trang lên mặt hít mùi da thịt người vợ mới cưới và nôn nao với những kỷ niệm tân hôn, chàng đâm ngượng, tưởng ông Thanh biết hết, thấy hết. Chiếc áo lót thần diệu cũng là một môn thuốc hiệu nghiệm để Ngữ vượt qua được thời kỳ khó khăn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx