sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm - Chương 01

“Thông thái... thú vị... Rất cảm động, rất đáng khen - và rất khôi hài.”

- Oliver Sacks

“Một truyện trinh thám khác biệt... Haddon đã trao cho nhân vật không giống ai của mình một giọng nói thuyết phục và cho cuốn truyện trinh thám một bước ngoặt hấp dẫn.”

- The Economist

“Hãy nhớ đến Huck Finn, Bắt trẻ Đồng xanh, hay những chương đầu của David Copperfield.”

- Houston Chronicle

“Hơn cả những tiền bối như Âm thanh và Cuồng nộ hay Hoa tặng Algernon, Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm là một thử nghiệm triệt để về sự thấu cảm.”

- The Village Voice

“Một câu chuyện đầy những bất ngờ táo tợn và hài hước nhẹ nhàng...”

- Milwaukee Journal Sentinel

“Tôi chưa bao giờ đọc được cái gì từa tựa như cuốn sách thú vị và trung thực đến đau đớn của Mark Maddon, chưa bao giờ gặp một người kể chuyện sinh động và đáng nhớ đến vậy. Tôi khuyên bạn nên mua hai cuốn: bạn sẽ không muốn cho mượn cuốn của bạn đâu.”

- Arthur Golden, tác giả Hồi ức của một Geisha

“Rất đáng yêu... Haddon đã rọi sáng cốt tủy của sự đau đớn thông qua cái nhìn thấu triệt, tập trung mà bó hẹp của một cậu bé chẳng biết dùng từ ngữ để diễn tả những đau đớn về tình cảm.”

- Daily News

“Đánh lạc hướng độc giả rồi dắt dẫn trở lại để tạo ra hiệu quả không ngờ... Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm vừa hồi hộp vừa đau đớn đúng chất của Conan Doyle.”

- Jay Mclnerney, The New York Times Book Review

“Lay động lòng người... hãy tưởng tượng Âm thanh và Cuồng nộ kết hợp với Bắt trẻ đồng xanh cùng một trong những câu chuyện đời thực của Oliver Sacks.”

- Michiko Kakutami, The New York Times

“Một thành tựu tuyệt vời. Anh quả là một nhà văn uyên thâm và dí dỏm kinh khủng với thiên bẩm hiếm có về thấu cảm.”

- Ian McEwan, tác giả Atonement

“Khôi hài, buồn và hoàn toàn thuyết phục.”

- Time

Mark Haddon sinh năm 1962 tại Northampton, Anh. Ông là nhà văn, minh họa cho nhiều sách thiếu nhi và kịch truyền hình. Hồi còn trẻ ông đã từng làm việc với những người bị chứng tự kỷ. Ông dạy viết văn cho Arvon Foundation và hiện sống ở Oxford, Anh.

Tác phẩm Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm (The Curious Incident of the Dog in the night-time) đoạt giải Whitbread Book năm 2003 và giải thưởng cho tác phẩm đầu tay của Commowealth Writers.

2. Bảy phút sau nửa đêm. Con chó nằm giữa bãi cỏ trước nhà bà Shears. Mắt nó nhắm. Trông như nó đang chạy nghiêng nghiêng một bên, kiểu như mấy con chó chạy khi chúng tưởng mình đang đuổi theo một con mèo lúc nằm mơ. Nhưng con chó không chạy hay đang ngủ. Con chó đã chết. Một cái bồ cào cắm vào mình nó. Răng cái bồ cào chắc phải đâm xuyên qua con chó và ghim vào đất, vì cái chĩa không đổ xuống. Tôi chắc rằng con chó có thể đã chết vì cái bồ cào vì tôi không thấy vết thương nào khác trên mình con chó, và tôi không nghĩ có ai lại đâm cái bồ cào làm vườn vào một con chó sau khi nó đã chết vì một lý do nào đó, như ung thư chẳng hạn, hay vì tai nạn xe cộ. Nhưng tôi không dám chắc về việc này.

Tôi đi qua cổng nhà bà Shears, đóng cổng lại sau lưng. Tôi bước trên bãi cỏ của bà và quỳ bên cạnh con chó. Tôi đặt tay lên mõm con chó. Nó vẫn còn ấm.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Con chó tên là Wellington. Nó là con chó của bà Shears, bà là bạn của chúng tôi. Bà sống đối diện bên kia đường, chệch về phía trái hai căn.

Wellington là một con chó xù. Không phải là loại chó xù nhỏ tỉa lông kiểu cách mà là chó xù lớn. Lông nó quăn màu đen, nhưng khi đến gần ta có thể thấy bên dưới bộ lông có làn da màu vàng rất nhạt, như da gà.

Tôi vừa vuốt ve Wellington vừa tự hỏi ai đã giết nó, và tại sao.

3. Tên tôi là Christopher John Francis Boone. Tôi biết tất cả các nước trên thế giới và tên các thủ đô và tất cả các số nguyên tố đến 7057.

Tám năm trước, khi tôi gặp Siobhan lần đầu, cô cho tôi xem hình vẽ này.

Và tôi biết nó có nghĩa là “buồn”, như tôi đang cảm thấy khi tôi tìm thấy con chó chết.

Rồi cô cho tôi xem hình vẽ này.

Và tôi biết nó có nghĩa là “vui”, như khi tôi đọc về những chuyến du hành không gian trên tàu Apollo, hay khi tôi còn thức lúc 3 giờ sáng hay 4 giờ sáng và có thể đi loanh quanh trong phố và giả vờ rằng tôi là người duy nhất trên toàn thế giới.

Rồi cô vẽ một số hình khác.

Nhưng tôi không thể nói những cái này có nghĩa là gì.

Tôi nhờ Siobhan vẽ rất nhiều những khuôn mặt này rồi viết bên cạnh chính xác chúng biểu đạt gì. Tôi giữ tờ giấy trong túi và khi ai đó nói điều gì mà tôi không hiểu thì tôi lại lấy ra. Nhưng rất khó quyết định hình vẽ nào giống khuôn mặt họ đang biểu lộ vì mặt người thay đổi rất nhanh.

Khi tôi nói với Siobhan rằng tôi đang làm như thế, cô lấy một cây bút chì và một tờ giấy khác ra rồi nói có lẽ nó làm cho người ta cảm thấy rất...

Rồi cô cười. Vì thế tôi xé mảnh giấy ban đầu vứt đi. Và Siobhan xin lỗi. Bây giờ thì mỗi khi tôi không biết người ta đang nói gì, tôi hỏi họ muốn nói gì hoặc tôi bỏ đi.

5. Tôi rút bỏ cái bồ cào ra khỏi con chó, nâng nó lên và ôm nó. Máu chảy ra từ các lỗ bị cái bồ cào đâm.

Tôi thích chó. Ta luôn luôn biết một con chó đang nghĩ gì. Nó có bốn trạng thái. Vui, buồn, cáu kỉnh và tập trung. Chó còn trung thành nữa, và chúng không nói dối vì chúng không biết nói.

Tôi ôm con chó được bốn phút thì nghe có tiếng hét. Tôi nhìn lên và thấy bà Shears đang từ hiên nhà chạy đến tôi. Bà mặc bộ áo ngủ và áo khoác trong nhà. Móng chân bà sơn màu hồng tươi và bà không đi giày.

Bà hét: “Mày làm cái chó gì với con chó của tao đấy?”

Tôi không thích người ta quát tôi. Điều đó làm tôi cứ sợ là họ sắp đánh tôi hay đụng vào tôi và tôi không biết việc gì sắp xảy ra.

“Buông con chó ra,” bà quát. “Vì Chúa, buông con chó khốn kiếp ra.”

Tôi đặt con chó xuống bãi cỏ và lùi lại hai mét.

Bà cúi xuống. Tôi nghĩ bà sắp tự mình bế con chó lên, nhưng không. Có lẽ bà nhận thấy máu chảy nhiều nên không muốn bị dính bẩm. Thay vào đó, bà lại bắt đầu la hét.

Tôi lấy hai tay bịt tai và nhắm mắt và khom tới trước đến khi gập cong người, trán gí vào cỏ. Cỏ ướt và lạnh. Thật dễ chịu.

7. Đây là một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Siobhan bảo tôi nên viết ra những gì mà chính tôi cũng muốn đọc. Tôi thường đọc sách về khoa học và toán. Tôi không thích tiểu thuyết thông thường. Trong tiểu thuyết thông thường người ta nói những chuyện như: “Tôi hằn lên những đường gân với sắt, với bạc và với những vệt bùn tầm thường. Tôi không thể co tay thành quả đấm rắn chắc mà những người không cần tác nhân kích thích sẽ làm được[1].” Như thế nghĩa là gì? Tôi không biết. Cha cũng không biết. Siobhan hay thầy Jeavons cũng không. Tôi đã hỏi họ rồi.

[1] Tôi tìm thấy câu này trong một cuốn sách khi Mẹ dắt tôi đến thư viện trong phố năm 1996.

Siobhan có mái tóc dài màu vàng và đeo kính làm bằng nhựa màu xanh lá cây. Và thầy Jeavons có mùi xà phòng và đi đôi giày nâu có khoảng sáu mươi lỗ tròn bé tí trên mỗi chiếc.

Nhưng tôi thích tiểu thuyết trinh thám. Vì thế tôi viết một quyển tiểu thuyết trinh thám.

Trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám có người phải tìm ra kẻ sát nhân là ai và bắt họ. Đó là một câu đố. Nếu nó là một câu đố hay, đôi khi ta có thể tìm ra câu trả lời dù chưa đọc đến cuối cuốn sách.

Siobhan bảo cuốn sách nên bắt đầu bằng cái gì đó gây sự chú ý của người ta. Vì thế tôi mở đầu bằng con chó. Tôi cũng mở đầu bằng con chó vì chuyện đó đã xảy ra với tôi còn những việc không xảy ra với tôi thì tôi thấy khó tưởng tượng được.

Siobhan đọc trang đầu tiên và nói rằng nó thuộc một loại khác. Cô để mấy chữ này trong hai ngoặc kép bằng cách làm dấu nháy nháy với ngón trỏ và ngón giữa. Cô nói trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám án mạng luôn luôn có người chết. Tôi nói rằng có hai con chó bị chết trong cuốn Con chó săn của dòng họ Baskerville[2], con chó săn và con chó tai cụp của James Mortimer, nhưng Siobhan bảo chúng không phải là nạn nhân của vụ án mạng, mà là ngài Chales Baskerville. Cô nói đó là vì độc giả chú ý đến người hơn là chó, vì thế nếu trong cuốn sách có một người bị giết thì độc giả sẽ muốn đọc tiếp.

[2] Tiểu thuyết trinh thám của Aurthur Conan Doyle. (Các ghi chú dấu * đều của người dịch).

Tôi nói tôi muốn viết về cái gì đó có thật và tôi có biết một số người đã chết nhưng tôi không biết một người nào bị giết, ngoại trừ ông Paulson, cha của Edward ở trường, nhưng thật ra ông ấy chết vì trượt chân chứ không phải bị giết trong một vụ án mạng, và tôi không biết ông ấy rõ lắm. Tôi cũng nói rằng tôi lưu tâm đến các con chó vì chúng thông minh và lý thú hơn một số người. Steve chẳng hạn, nó đến trường mỗi thứ Năm, nó cần người giúp cho ăn và thậm chí không tìm được một cây gậy. Siobhan yêu cầu tôi đừng nói điều này với mẹ của Steve.

11. Rồi cảnh sát đến, tôi thích cảnh sát. Họ mặc đồng phục có số hiệu và ta biết họ đang định làm gì. Có một bà cảnh sát và một ông cảnh sát. Bà cảnh sát có một cái lỗ nhỏ trên chiếc quần bó ở chỗ mắt cá chân trái, ở giữa cái lỗ có một vết xước màu đỏ. Ông cảnh sát có một lá cây lớn màu cam dính vào đế giày thò ra bên cạnh.

Bà cảnh sát quàng tay quanh người bà Shears và dìu bà về nhà.

Tôi ngẩng đầu lên khỏi đám cỏ.

Ông cảnh sát ngồi xổm xuống bên cạnh tôi và nói: “Anh bạn trẻ, làm ơn nói cho tôi nghe chuyện gì đây?”

Tôi ngồi dậy và nói: “Con chó chết rồi.”

“Tôi thấy rồi,” ông ta nói.

Tôi nói: “Tôi nghĩ có người giết con chó.”

“Cậu bao nhiêu tuổi?” ông ta hỏi.

Tôi đáp: “Tôi mười lăm tuổi ba tháng và hai ngày.”

“Và chính xác thì cậu đang làm gì trong vườn?” Ông ta hỏi.

“Tôi đang ôm con chó,” tôi đáp.

“Tại sao cậu ôm con chó?” Ông ta hỏi.

Đây là một câu hỏi khó. Tôi thích làm điều đó. Tôi thích chó, tôi buồn khi thấy con chó chết.

Tôi cũng thích cảnh sát, và tôi muốn trả lời câu hỏi một cách đích đáng, nhưng ông cảnh sát không cho tôi đủ thời gian để tìm ra câu trả lời đúng.

“Tại sao cậu ôm con chó?” Ông ta lại hỏi.

“Tôi thích chó,” tôi nói.

“Có phải cậu giết con chó không?” Ông ta hỏi.

Tôi nói: “Tôi không giết con chó.”

“Có phải đây là cái bồ cào của cậu không?” Ông ta hỏi.

Tôi nói: “Không.”

“Cậu có vẻ rất buồn vì chuyện này,” ông ta nói.

Ông ta hỏi quá nhiều câu và ông ta hỏi quá nhanh. Các câu hỏi chất đống trong đầu tôi như mấy ổ bánh mì trong xưởng chú Terry làm việc. Xưởng là lò bánh mì chú chạy máy cắt lát. Và đôi khi một máy cắt làm việc không đủ nhanh nhưng bánh mì cứ đến và xảy ra tắc nghẽn. Đôi khi tôi nghĩ trí óc mình như một cái máy, nhưng không phải lúc nào cũng như một cái máy cắt lát bánh mì. Như thế thì dễ giải thích với người khác xem điều gì đang xảy ra bên trong nó.

Ông cảnh sát nói: “Tôi sẽ hỏi cậu một lần nữa...”

Tôi lăn xuống bãi cỏ và lại gí trán lên mặt đất và làm tiếng động mà Cha gọi là rên rỉ. Tôi làm tiếng động này khi có quá nhiều thông tin từ thế giới bên ngoài xâm nhập vào đầu tôi. Giống như khi ta bực tức, ta giữ chặt chiếc radio vào tai và vặn giữa hai dải tần sóng để chỉ nghe thấy tiếng đó mà thôi và khi ấy ta biết mình an toàn vì ta không thể nghe thấy điều gì khác nữa.

Ông cảnh sát nắm lấy cánh tay tôi và kéo tôi đứng lên.

Tôi không thích ông ta đụng vào tôi như thế.

Thế nên tôi đánh ông ta.

13. Đây không phải là một cuốn sách khôi hài. Tôi không biết nói đùa vì tôi không hiểu chúng. Chẳng hạn đây là một câu đùa. Nó là một trong những câu nói đùa của Cha.

Mặt nó được vẽ nhưng tấm màn là thật[3].

[3] Nguyên bản tiếng Anh: His face was drawn but he curtains were real (*).

Tôi biết tại sao nó có nghĩa khôi hài. Tôi đã hỏi. Nó khôi hài vì chữ drawn có ba nghĩa, đó là (1) vẽ bằng bút chì, (2) mệt mỏi, và (3) kéo qua cửa sổ, và nghĩa (1) dùng được cho cả khuôn mặt và tấm màn, nghĩa (2) chỉ nói tới khuôn mặt, và nghĩa (3) chỉ nói tới tấm màn.

Nếu tôi thử nói đùa với chính mình, làm một chữ mang ba nghĩa khác nhau cùng một lúc, thì thật là không thoải mái, khó hiểu và không thú vị giống như tiếng rè rè. Nó giống như ba người cố nói với bạn cùng một lúc về những thứ khác nhau.

Và đó là tại sao không có câu nói đùa nào trong cuốn sách này.

17. Ông cảnh sát nhìn tôi một lúc mà không nói gì. Rồi ông nói: “Tao sẽ bắt mày vì tội tấn công cảnh sát.”

Việc này khiến tôi bình tĩnh hơn rất nhiều vì cảnh sát thường nói như vậy trên truyền hình và trong phim ảnh.

Rồi ông ta nói: “Tao thành thật khuyên chú mày nên chui vào sau xe cảnh sát, vì nếu mày định làm trò khỉ đó nữa, đồ cứt đái, tao sẽ nổi nóng thật sự. Hiểu chưa?”

Tôi bước đến chiếc xe cảnh sát đậu ngay ngoài cổng. Ông ta mở cửa sau và tôi chui vào. Ông ta leo lên ghế tài xế và gọi radio cho bà cảnh sát vẫn còn đang ở trong nhà. Ông ta nói: “Thằng nhóc khốn kiếp mới bợp tôi, Kate à. Bà ở lại với bà S. trong khi tôi thả nó ở đồn được không? Tôi sẽ bảo Tony ghé ngang đón bà.”

Và bà ta nói: “Ừ. Tôi sẽ gặp anh sau.”

Ông cảnh sát nói: “OK,” và chúng tôi lái đi.

Chiếc xe cảnh sát có mùi nhựa nóng, mùi nước hoa bôi sau khi cạo râu và mùi khoai tây rán ở cửa hàng bán thức ăn mang về.

Tôi nhìn bầu trời trong khi chúng tôi lái tới trung tâm thị trấn. Đêm hôm đó trời trong và ta có thể thấy Dải ngân hà.

Một số người nghĩ Dải ngân hà là một đường dài các ngôi sao, nhưng không phải. Ngân hà của chúng ta là một cái đĩa khổng lồ gồm các vì sao cách nhau hàng triệu năm ánh sáng, và thái dương hệ nằm đâu đó gần mép bên ngoài đĩa.

Khi ta nhìn hướng A, thẳng góc 90o với cái đĩa, ta không thấy nhiều ngôi sao. Nhưng khi nhìn hướng B, ta thấy nhiều ngôi sao hơn vì ta đang nhìn vào phần chính của ngân hà, và do ngân hà là một cái đĩa nên ta thấy một lằn các ngôi sao.

Rồi tôi nghĩ về chuyện đã từ lâu các khoa học gia lúng túng vì sự kiện bầu trời ban đêm lại tối cho dù có hàng tỉ ngôi sao trong vũ trụ và hướng nào ta nhìn cũng có các ngôi sao, do đó bầu trời đáng lẽ phải đầy ánh sao vì có rất ít thứ cản đường ánh sáng đến quả đất.

Rồi họ phát hiện ra rằng vũ trụ đang nở ra, tất cả các ngôi sao đều chạy xa nhau ra sau vụ Big Bang, và các ngôi sao càng xa chúng ta thì càng di chuyển nhanh gần bằng tốc độ ánh sáng, vì thế ánh sáng của chúng không bao giờ đến chúng ta.

Tôi thích sự kiện này. Nó là thứ mà ta có thể tự luận ra trong trí óc chính mình bằng cách chỉ cần nhìn lên bầu trời trên đầu vào ban đêm và suy nghĩ mà không cần phải hỏi ai.

Và khi vũ trụ đã ngừng dãn nở, tất cả các ngôi sao sẽ di chuyển chậm dần lại, như một quả bóng ném lên không trung, chúng sẽ ngừng hẳn lại và sẽ bắt đầu rơi xuống lại trung tâm của vũ trụ. Và khi đó sẽ không có gì ngăn cản ta thấy tất cả các ngôi sao trên thế giới vì chúng hết thảy đều di chuyển về hướng chúng ta, càng lúc càng nhanh hơn, và chúng ta sẽ biết rằng chẳng bao lâu thế giới sẽ chấm dứt vì khi ta nhìn lên bầu trời vào ban đêm sẽ không có bóng tối mà toàn là ánh sáng chói lòa của hàng tỉ tỉ ngôi sao đang rơi.

Ngoại trừ một điều là sẽ không có ai nhìn thấy việc ấy vì sẽ không còn ai trên quả đất để nhìn nó cả. Lúc ấy người ta có thể đã tuyệt chủng. Và ngay cả nếu có còn sống, họ sẽ không thấy nó vì ánh sáng quá chòi lòa, và nóng đến nỗi mọi người đều bị thiêu đốt tới chết, cho dù họ sống trong các đường hầm đi nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx