sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm - Chương 03

43. Mẹ đã chết hai năm trước.

Một hôm tôi từ trường về nhà và không ai mở cửa, vì thế tôi đi tìm chiếc chìa khóa bí mật chúng tôi cất dưới chậu hoa phía sau cửa bếp. Tôi tự vào nhà và tiếp tục làm chiếc xe tăng airfix sherman tôi đang lắp.

Một giờ rưỡi sau Cha từ nơi làm việc về nhà. Ông trông nom một cửa hiệu và ông bảo trì hệ thống sưởi và sửa chữa thùng nước nóng cùng với một người làm công tên Rhodri. Ông gõ cửa phòng tôi và mở ra và hỏi tôi có thấy Mẹ không.

Tôi nói tôi không gặp Mẹ và ông xuống lầu và bắt đầu gọi vài cú điện thoại. Tôi không nghe ông nói gì.

Rồi ông lên phòng tôi và bảo ông phải đi ra ngoài một lát và không chắc là bao lâu. Ông nói nếu tôi cần gì thì gọi cho ông qua điện thoại di động của ông.

Ông đi trong 2½ tiếng. Khi ông trở lại, tôi xuống lầu. Ông ngồi trong bếp nhìn đăm đăm ra cửa sổ sau nhà trong xuống vườn tới hồ nước và hàng rào tôn múi và nóc tháp nhà thờ trên đường Manstead trông như một tòa lâu đài vì nó xây theo kiểu Norman.

Cha nói: “Cha e là con sẽ không gặp mẹ con một thời gian.”

Ông không nhìn tôi lúc ông nói. Ông cứ nhìn ra cửa sổ.

Thông thường người ta nhìn ta khi họ nói với ta. Tôi biết rằng họ đang tìm xem tôi đang nghĩ gì, nhưng tôi không nói được họ đang nghĩ gì. Giống như đang ở trong một căn phòng có tấm gương một chiều trong phim gián điệp. Nhưng thế này lại hay, Cha nói với tôi mà không nhìn tôi.

Tôi nói: “Tại sao không?”

Ông chờ một lúc rất lâu, rồi ông nói: “Mẹ con phải vào bệnh viện.”

“Mình đến thăm Mẹ được không?” Tôi hỏi, vì tôi thích bệnh viện. Tôi thích các bộ đồng phục và máy móc.

Cha nói: “Không.”

Và ông nói: “Mẹ cần nghỉ ngơi. Mẹ cần ở một mình.”

Tôi hỏi: “Có phải đó là bệnh viện tâm thần không?”

Và Cha nói: “Không. Bệnh viện thường, mẹ có vấn đề... vấn đề với tim của mẹ.”

Tôi nói: “Mình cần mang thức ăn đến cho Mẹ,” vì tôi biết thức ăn có trong bệnh viện không ngon lắm. David ở trường, có lần nó vào bệnh viện mổ chân làm bắp chân dài hơn để nó có thể bước đi tốt hơn. Và nó ghét thức ăn, vì thế ngày nào mẹ nó cũng mang thức ăn vào.

Cha lại chờ một lúc lâu và nói: “Ban ngày cha sẽ mang vào cho mẹ lúc con ở trường và cha sẽ đưa cho các bác sĩ và họ có thể đưa nó cho mẹ con, OK?”

Tôi nói: “Nhưng Cha không biết nấu ăn.”

Cha úp hai tay lên mặt và nói: “Christopher ơi. Nào, cha sẽ mua thứ bán sẵn ở Marks & Spencer’s đem vào. Mẹ thích mấy thứ đó.”

Tôi nói tôi sẽ làm cho bà một tấm thiệp Chúc Khỏi Bệnh, vì đó là điều ta vẫn làm cho người khác khi họ nằm bệnh viện.

Cha nói ngày mai ông sẽ mang nó đi.

47. Trên xe buýt đến trường sáng hôm sau chúng tôi vuợt qua bốn chiếc xe đỏ liên tiếp, có nghĩa hôm nay là Ngày Tốt, vì thế tôi quyết định sẽ không buồn vì Wellington.

Thầy Jeavons, chuyên gia tâm lý ở trường, có lần hỏi tôi tại sao có bốn chiếc xe đỏ liên tiếp làm cho hôm đó là Ngày Tốt, ba chiếc xe đỏ liên tiếp là một Ngày Khá Tốt còn năm chiếc xe đỏ liên tiếp là một Ngày Siêu Tốt, và tại sao bốn chiếc vàng liên tiếp là Ngày Xấu, là ngày tôi không nói chuyện với ai và ngồi lì với mấy quyển sách và không ăn trưa và Không Mạo Hiểm. Ông nói tôi rõ ràng là người rất logic, vì thế ông ngạc nhiên khi tôi nghĩ như thế vì nó không logic chút nào.

Tôi nói tôi thích mọi việc có thứ tự rõ ràng. Và cách để mọi việc có thứ tự rõ ràng là logic. Nhất là nếu những sự việc đó là các con số hay một lập luận. Nhưng có nhiều cách đặt mọi việc theo thứ tự rõ ràng. Và đó là tại sao tôi có Ngày Tốt và Ngày Xấu. Và tôi nói một số người làm việc văn phòng bước ra khỏi nhà vào buổi sáng và thấy mặt trời đang chiếu sáng và việc đó khiến cho họ cảm thấy vui, hay họ thấy trời đang mưa và việc đó làm họ cảm thấy buồn, nhưng sự khác biệt duy nhất là thời tiết và nếu họ làm việc trong văn phòng thì thời tiết chẳng dính dáng gì tới việc họ có một ngày tốt hay một ngày xấu.

Tôi nói buổi sáng khi Cha thức dậy ông luôn luôn mặc quần trước khi đi vớ và điều đó là không logic nhưng ông luôn luôn làm thế, vì ông cũng thích mọi việc có thứ tự rõ ràng. Cũng như mỗi khi lên lầu ông bước mỗi lần hai bậc, luôn luôn bắt đầu bằng chân phải.

Thầy Jeavons nói tôi là một cậu bé rất thông minh.

Tôi nói tôi không thông minh. Tôi chỉ để ý mọi việc như thế nào, và đó không phải là thông minh. Đó chỉ là có óc quan sát. Thông minh là khi ta nhìn vào sự việc và dùng cái mình nhìn thấy để tìm ra cái mới. Như vũ trụ đang nở ra, hay ai đã gây án mạng, hay nếu ta thấy tên một người và ta cho mỗi mẫu tự một số từ 1 đến 26 (a = 1, b = 2, vân vân) rồi cộng các con số lại trong đầu và thấy nó là số nguyên tố, chẳng hạn như Jesus Christ (151), hay Scooby-Doo (113), hay Sherlock Holmes (163), hay Doctor Watson (167).

Thầy Jeavons hỏi tôi có phải khi các sự việc luôn luôn trong thứ tự rõ ràng thì tôi cảm thấy yên tâm không, và tôi nói đúng vậy.

Rồi ông hỏi tôi có phải tôi không thích sự việc cứ thay đổi không. Và tôi nói tôi không màng sự việc thay đổi hay không nếu tôi trở thành phi hành gia chẳng hạn, đó là một trong những thay đổi lớn nhất mà ta có thể tưởng tượng ra, ngoài việc trở thành con gái hay là chết.

Ông hỏi tôi có muốn trở thành phi hành gia và tôi nói tôi muốn.

Ông nói trở thành phi hành gia rất khó. Tôi nói tôi biết. Ta phải trở thành sĩ quan trong lực lượng không quân và ta phải nhận rất nhiều chỉ thị và sẵn sàng giết người khác, mà tôi thì không thể nhận chỉ thị. Tôi cũng không có thị lực 20/20 mà ta cần để làm phi công. Nhưng tôi nói rằng ta vẫn có thể muốn một điều gì rất khó xảy ra.

Terry, anh của Francis ở trường, bảo tôi chỉ tìm được việc gom xe đẩy ở siêu thị hay dọn cứt lừa trong khu bảo tồn động vật mà thôi, và người ta không để mấy đứa đần lái những chiếc hỏa tiễn trị giá hàng tỉ bảng Anh. Khi tôi nói điều này với Cha, ông nói Terry ganh tị vì tôi thông minh hơn nó. Nghĩ như thế là ngu xuẩn vì chúng tôi không tranh đua với nhau. Nhưng Terry ngu, quod erat demonstrandum, tiếng Latin có nghĩa là đó là điều chúng ta cần phải chứng minh, nghĩa là vì vậy nó đã được chứng minh.

Tôi không phải một đứa đần, nghĩa là người bị chứng ngu, không như Francis là một đứa đần, và dù cho nếu tôi có thể không trở thành phi hành gia, tôi sẽ vào đại học và học toán, hay vật lý, hay vật lý và toán (là Trường Chuyên Tổng hợp), vì tôi thích toán và lý và tôi rất giỏi hai môn đó. Nhưng Terry sẽ không vào đại học. Cha nói Terry có vẻ rốt cuộc sẽ vào tù.

Terry có một hình xăm có hình trái tim với một con dao đâm qua chính giữa tim trên cánh tay.

Nhưng đây gọi là lạc đề, và bây giờ tôi sẽ quay trở lại sự kiện hôm nay là Ngày Tốt.

Vì nó là Ngày Tốt, tôi quyết định tôi sẽ thử tìm ra ai đã giết Wellington vì Ngày Tốt là ngày để vạch dự kiến và lập kế họach.

Khi tôi nói điều này với Siobhan, cô bảo: “Ừ, hôm nay mình định viết truyện, vậy sao em không viết về việc tìm thấy Wellington và đi tới sở cảnh sát đi?”

Và thế là tôi bắt đầu viết truyện này.

Và Siobhan nói cô sẽ giúp về chính tả và văn phạm và các chú thích.

53. Hai tuần sau Mẹ chết.

Tôi không vào bệnh viện gặp bà nhưng Cha đã mang rất nhiều thức ăn mua ở Marks & Spencer’s. Ông nói bà trông tàm tạm, hình như có khá hơn. Bà nhắn bà rất yêu tôi và để tấm thiệp Chúc Khỏi Bệnh trên bàn cạnh giường bà. Cha nói bà thích nó lắm.

Tấm thiệp có hình những chiếc xe ở mặt trước. Nó trông giống thế này.

Tôi làm tấm thiệp ở trường với cô Peters dạy mỹ thuật, nó cắt từ một miếng nhựa lót sàn nhà, làm bằng cách đầu tiên ta vẽ hình lên miếng nhựa sau đó cô Peters dùng con dao Stanley nhọn cắt chung quanh hình vẽ rồi ta bôi mực lên miếng nhựa và ấn nó lên tờ giấy, đó là lý do chiếc xe nào trông cũng giống nhau, vì tôi làm một chiếc và ấn nó lên giấy chín lần. Và ý tưởng của cô Peters là làm thật nhiều xe, mà tôi cũng thích ý tưởng đó. Và tôi tô màu đỏ cho tất cả các chiếc xe để làm nó là một Ngày Siêu Siêu Tốt cho Mẹ.

Cha nói Mẹ chết vì đau tim và việc này thật bất ngờ.

Tôi nói: “Đau tim loại nào?” vì tôi ngạc nhiên.

Mẹ chỉ mới ba mươi tám tuổi mà bệnh đau tim thường xảy ra cho người già hơn, Mẹ thì rất hoạt động và đi xe đạp và chỉ ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe và nhiều chất xơ và ít chất mỡ khó tiêu như thịt gà và rau và yến mạch.

Cha nói ông không biết Mẹ bị loại đau tim nào và bây giờ không phải lúc hỏi những câu hỏi như thế.

Tôi nói có thể là chứng phình mạch máu.

Đau tim là khi một số cơ tim ngưng nhận máu và chết. Có hai loại đau tim chính. Loại thứ nhất là tắc mạch máu. Đó là khi một cục máu làm nghẽn một trong các mạch máu đưa máu tới các cơ tim. Và ta có thể ngăn ngừa bằng cách uống aspirin và ăn cá. Đó là tại sao người Eskimo không bị loại đau tim này, vì họ ăn cá và cá ngăn không cho máu của họ đóng cục, nhưng nếu bị cắt sâu vào da thịt thì họ có thể chảy máu đến chết.

Nhưng chứng phình mạch máu là khi một mạch máu bị vỡ và máu không đưa được tới cơ tim vì chỗ thủng. Và một số người bị phình mạch máu chỉ vì trong các mạch máu của họ có chỗ yếu, như bà Hardisty sống ở số 72 trong phố chúng tôi, bà chỉ có một đoạn yếu trong mạch máu ở cổ của bà và chết chỉ vì bà quay đầu để lùi xe vào một chỗ đậu.

Mặt khác, nó có thể là tắc mạch, vì máu của ta rất dễ đóng cục nếu ta nằm lâu một chỗ, chẳng hạn như lúc ta nằm bệnh viện.

Cha nói: “Cha xin lỗi, Christopher ạ, cha thật sự xin lỗi.”

Nhưng đó không phải là lỗi của ông.

Rồi bà Shears sang nấu bữa ăn tối cho chúng tôi. Và bà đi xăng đan và mặc quần jeans và áo thun trên áo có chữ WINDSURF và CORFU[10] và hình một người lướt ván buồm.

[10] Corfu: một hòn đảo du lịch ở Hy Lạp (*).

Và Cha ngồi xuống và bà đứng cạnh ông và giữ đầu ông tì vào ngực bà mà nói: “Thôi, Ed ạ. Chúng mình sẽ giúp anh qua khỏi cảnh này.”

Rồi bà làm món mì Ý với xốt cà chua cho chúng tôi.

Và sau bữa ăn tối, bà chơi sắp chữ với tôi và tôi thắng bà 247 điểm trên 134.

59. Tôi quyết định tôi sẽ tìm ra ai giết Wellington mặc dù Cha đã nói tôi đừng xen vào việc của người khác.

Đó là vì không phải lúc nào tôi cũng làm điều người khác bảo tôi.

Và đó là vì khi người khác bảo ta làm gì thì câu nói thường khó hiểu và không có ý nghĩa gì cả.

Thí dụ, người ta thường nói “im lặng”, nhưng họ không nói ta im lặng trong bao lâu. Hay ta thấy tấm bảng ghi ĐỪNG ĐI TRÊN CỎ nhưng lẽ ra nó nên ghi là ĐỪNG ĐI TRÊN CỎ CHUNG QUANH TẤM BẢNG NÀY hay ĐỪNG ĐI TRÊN CỎ TRONG CÔNG VIÊN NÀY mới phải vì có nhiều chỗ ta được phép đi lên cỏ.

Hơn nữa, mọi người vi phạm luật lệ suốt. Thí dụ, Cha thường lái xe trên ba mươi dặm một giờ trong khu vực giới hạn ba mươi dặm một giờ và đôi khi ông vừa lái xe vừa uống rượu và ông thường không đeo dây an toàn trong khi lái chiếc xe tải của ông. Và trong Thánh kinh nói Ngươi không được giết người nhưng đã có những vụ Thập tự chinh lại còn hai trận thế chiến và Chiến tranh Vùng Vịnh và có những người Kitô giết người trong tất cả các vụ ấy.

Tôi cũng không biết Cha muốn nói gì khi ông nói “Đừng xen vào việc của người khác” vì tôi không biết ông muốn nói gì bằng mấy chữ “việc của người khác” vì tôi làm rất nhiều việc với người khác, ở trường và trong cửa hàng và trên xe buýt, và việc của ông là đến nhà người khác và sửa thùng nước nóng và máy sưởi của họ. Và tất cả những thứ này là việc của người khác.

Siobhan hiểu. Mỗi khi cô bảo tôi đừng làm điều gì, cô nói chính xác là cái gì tôi không được phép làm. Và tôi thích như thế.

Thí dụ, một bận cô nói: “Em không bao giờ được đấm Sarah hay đánh nó bằng bất cứ cách nào, Christopher. Dù nó đánh em trước thì cũng vậy. Nếu nó đánh em nữa, hãy tránh xa nó ra và đứng yên và đếm từ một tới năm mươi, rồi đến nói cho cô biết là nó đã làm gì, hoặc nói cho một giáo viên trong hội đồng giáo viên biết là nó đã làm gì.”

Hay, thí dụ, một lần cô nói: “Nếu em muốn lên xích đu mà đã có người ở trên xích đu, em không bao giờ được đẩy họ xuống. Em phải hỏi họ là em có thể chơi không. Rồi em phải đợi đến khi họ chơi xong.”

Nhưng khi những người khác bảo ta không được làm cái gì, họ không nói như thế. Vì vậy tôi tự quyết định điều gì tôi sẽ làm và điều gì tôi sẽ không làm.

Tối hôm đó tôi đi vòng quanh nhà bà Shears và gõ cửa và đợi bà ra.

Khi bà mở cửa bà đang cầm tách trà và bà đi đôi dép da cừu và bà đang xem chương trình đố vui trên truyền hình vì tivi đang bật và tôi nghe tiếng người nói: “Thủ đô của Venezuela là...(a) Maracas (b) Caracas, (c) Bogotá hay (d) Georgetown,” và tôi biết là Caracas.

Bà nói: “Christopher ạ, bác thành thật không nghĩ là bác muốn gặp cháu ngay lúc này đâu.”

Tôi nói: “Cháu không giết Wellington.”

Và bà đáp: “Cháu đến đây làm gì?”

Tôi nói: “Cháu muốn đến và nói với bà là cháu không giết Welllington. Và cháu cũng muốn tìm ra ai đã giết nó.”

Trà của bà sóng một ít ra thảm.

Tôi nói: “Bà có biết ai giết Wellington không?”

Bà không trả lời câu hỏi của tôi. Bà chỉ nói: “Chào Christoper,” rồi đóng cửa.

Khi ấy tôi quyết định làm một số việc điều tra.

Tôi biết bà đang nhìn tôi và đợi tôi đi khỏi vì tôi thấy bà đứng trong hành lang bên kia lớp kính mờ trên cánh cửa trước. Vì thế tôi bước xuống lối đi và ra khỏi vườn. Rồi tôi quay lại và thấy bà không còn đứng trong hành lang nữa. Khi chắc chắn không còn ai nhìn, tôi leo qua tường và bước dọc theo hông nhà vào vườn sau của bà tới chỗ nhà kho nơi bà cất tất cả dụng cụ làm vườn.

Nhà kho có khóa móc và tôi không vào trong được vì thế tôi đi vòng tới cửa sổ bên hông. Rồi tôi gặp may. Khi nhìn qua cửa sổ tôi thấy một cái bồ cào giống y như cái bồ cào đã đâm Wellington. Nó nằm trên băng ghế bên cạnh cửa sổ và đã được lau sạch vì không có máu trên đầu mũi. Tôi cũng thấy một số dụng cụ khác, một cái thuổng và một cái cào và một cái kéo xén dài người ta dùng để cắt cành tít trên cao. Và chúng đều có cán nhựa màu xanh lục giống như cái bồ cào. Điều này có nghĩa cái bồ cào là của bà Shears. Hoặc là như thế, hoặc nó là Vật đánh lạc hướng, nghĩa là một manh mối đưa ta đến một kết luận sai hay một thứ gì đó giống như manh mối nhưng thật ra không phải.

Tôi tự hỏi liệu có phải chính bà Shears đã giết Wellington không. Nhưng nếu chính bà đã giết Wellington, tại sao bà ra khỏi nhà la hét: “Mày làm cái chó gì với con chó của tao đấy?”

Tôi nghĩ bà Shears có thể không giết Wellington. Nhưng người giết nó có thể đã giết nó bằng cái bồ cào của bà Shears. Và cửa kho khóa. Điều này có nghĩa đó là một người có chìa khóa nhà kho của bà Shears, hoặc bà đã không khóa nó, hoặc bà đã để cái bồ cào nằm đâu đó trong vườn.

Tôi nghe một tiếng động và quay lại thấy bà Shears đang đứng trên bãi cỏ nhìn tôi.

Tôi nói: “Cháu đến để xem cái bồ cào có trong kho không.”

Và bà nói: “Nếu cháu không đi ngay bác sẽ gọi cảnh sát.”

Thế là tôi về nhà.

Khi về đền nhà tôi chào Cha và lên lầu rồi cho con chuột Toby của tôi ăn, và cảm thấy vui vì tôi là thám tử và đang điều tra.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx