sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí mật của cảm xúc - Chương 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09

- 4 -

SỰ THIẾU HIỂU BIẾT VỀ CẢM XÚC

Nhiều người thường lẫn lộn giữa "cảm giác" với "cảm xúc". Các cảm giác trên thực tế chỉ là một phần khởi nguồn của cảm xúc.

Các cảm giác là những cảm nhận tức thời, xuất hiện khi cơ thể bị những nguyên nhân về lý tính và hóa tính từ môi trường bên ngoài tác động vào, còn cảm xúc sẽ bao gồm các cảm giác các và cả những cảm nhận được tạo nên từ phản ứng của chủ quan của chúng ta sau khi tiếp nhận hoặc bị tác động bởi các cảm giác.

Như vậy, cảm giác chỉ là những cảm nhận của chúng ta qua các giác quan trước mọi tác động từ môi trường bên ngoài như âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, các tác động về lực và từ trường. Chúng ta có các cảm giác nóng - lạnh, sần sùi - nhẵn mịn, ngọt - đắng, thơm tho - hôi thối, chói chang - tối tăm, ầm ĩ - du dương,...

Cảm giác chỉ là một góc của cảm xúc. Một mặt, cảm xúc bao gồm phần cảm giác và các phản ứng của não bộ khi có sự tác động của cảm giác đó. Ở khía cạnh khác, cảm xúc còn bao gồm những trạng thái khác của não bộ không do sự tác động từ bên ngoài - tức không có cảm giác - mà do sự kích hoạt của trí tưởng tượng bên trong. Có thể ví dụ như các cảm xúc yêu, ghét, vui vẻ, lo lắng, đau khổ,...

Mặc dù luôn bị cảm xúc tác động và dẫn dắt, nhưng hầu như chúng ta chưa quan tâm để hiểu về cảm xúc.

Giống như những đứa trẻ lên hai tuổi, không biết phải làm gì khác ngoài việc khóc to lên khi chúng bị đói, bị đau, bị nóng quá hoặc lạnh quá, chúng ta thường không biết phải làm gì để đối đầu với sự căng thẳng, sự lo lắng, sự đau khổ,... Cách chúng ta phản ứng lại các vấn đề thường hết sức đơn giản và theo bản năng. Làm gì để giải tỏa nỗi buồn, giải tỏa sự sợ hãi, sự giận dữ? Phải làm gì để tạo ra được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hài lòng?

Ðể tồn tại, mọi người đang dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc theo lời khuyên của người khác nhằm giải tỏa các cảm xúc của mình. Trong rất nhiều trường hợp, thay vì giải toả các cảm xúc xấu của mình thì chúng ta lại tạo ra thêm những rắc rối, những vấn đề mới lớn hơn.

Hãy cùng xem ví dụ sau:

Khi Madona bị bạn trai xúc phạm và bị phản bội. Cô phải chịu đựng một cách đau đớn và mất khả năng kiểm soát các cảm xúc của mình. Madona phản ứng theo bản năng và tìm cách trả thù lại. Cô đau khổ và giận dữ với những ý nghĩ tồi tệ về sự việc. Càng suy nghĩ, sự đau khổ và cơn giận của Madona càng tăng và lên đến đỉnh điểm. Cô khóc lóc vò đầu bứt tóc và la lối với tất cả mọi người. Trong đầu Madona lúc đó chỉ có một ý nghĩ duy nhất là tìm mọi cách để tên bạn trai đó phải trả giá, phải đau khổ, hối hận vì những hành động của hắn. Hàng loạt những thủ đoạn trả thù tàn nhẫn được vạch ra trong đầu cô.

Dù Madona có thực hiện thành công các hành động trả thù hay không thì các hành vi đó cũng có tác động rất tiêu cực đối với bản thân cô và những người xung quanh. Các phản ứng để trả đũa hay cố gắng chịu đựng đều tạo ra sự tổn thương về tinh thần cho Madona.

Liệu có cách nào khác tốt hơn không?

Thay vì chịu đựng và phản ứng một cách tiêu cực, Madona có thể dùng một cơ chế kiểm soát là biến đổi các cảm xúc xấu tiêu cực thành những hành vi tích cực như: gặp trực tiếp đối tượng? Bày tỏ thái độ tội nghiệp cho sự tệ hại của họ? Thông cảm với những hành động xấu của họ? Chia sẻ nỗi đau đớn của mình, sự chịu đựng của mình?

Vì không ý thức được các nhu cầu tinh thần của mình, con người thường không tự đáp ứng được các nhu cầu về cảm xúc tốt và thường xuyên rơi vào tình trạng đói cảm xúc. Trong đa số trường hợp, các cá nhân sẽ hành động theo kinh nghiệm, hoặc theo sự suy diễn của bản thân để tìm kiếm các cảm xúc tốt và giải tỏa cảm xúc xấu.

Tương tự như một người mù chữ nghèo khó, luôn chật vật xoay sở trong cuộc sống đói khổ, tình trạng "mù mờ về cảm xúc" khiến đa số mọi người không tạo được sự giàu có về cảm xúc tốt và luôn rơi vào những tình huống tự mình làm khổ mình. Thay vì phải góp ý, chúng ta lại chê bai, thay vì cần chia vui, chúng ta lại tức tối, ghen tỵ.

Theo bản năng của mình, con người luôn vô tình tạo ra nhiều vấn đề nhức đầu, những trục trặc, những đổ vỡ, thất bại trong các mối quan hệ. Kết cục là chúng ta tự gây ra cho mình một cuộc sống ít hạnh phúc mà nhiều khổ đau.

Ðây cũng chính là nguyên nhân tạo ra các vấn đề của anh chàng H.Song, của N.Huy và V.Thanh và cũng là nguyên nhân tạo ra tiền bạc cho những người như K.Thu.

Ở những trường hợp tệ hơn, tình trạng không hiểu biết và không kiểm soát được cảm xúc của bản thân dễ dẫn tới các hành động cực đoan như lừa đảo, bạo lực hoặc các hành vi tệ hại khác.

Câu hỏi tiếp tục được đặt ra là:

Chúng ta đã biết được gì về cảm xúc?

Dưới góc độ khoa học, cảm xúc là kết quả của những luồng thần kinh tác động lên các phần khác nhau của não bộ. Một số nhà nghiên cứu về hệ thần kinh (nervous system) đã tiến hành thí nghiệm dùng các xung điện tác động vào não qua các điện cực và tạo ra được những trạng thái cảm xúc khác nhau như cười, buồn rầu, căng thẳng,...

Xét về bản chất, định nghĩa về cảm xúc có thể phát biểu như sau:

---

Về bản chất - Cảm xúc chính là một trạng thái hoá học của não bộ.

---

Chuyện gì xảy ra khi anh chàng Kolia và một cô nàng Vera mười sáu tuổi lần đầu tiên trong đời hôn nhau?

Sự chạm nhẹ giữa hai làn môi khi hôn, trên thực tế chỉ là một tác động cơ học thuần túy, nhưng đây chính là mồi lửa cho sự bùng nổ về cảm xúc. Do cơ chế tự kích thích, cơ thể sẽ tạo ra một luồng thần kinh rất mạnh, được dẫn truyền theo các mạch thần kinh và tác động mạnh vào não bộ, tạo ra một cảm giác như bị sốc điện, có lẽ cũng không khác cảm giác bị sét đánh là bao.

Dưới tác động của luồng thần kinh này, một số loại hoóc-môn và một lượng rất lớn nội tiết tố endorphin sẽ được tạo ra và phóng thích vào não, tác động lên hệ thần kinh cảm nhận để làm cho cá nhân có cảm giác sung sướng vượt bậc.

Theo quan niệm của y học phương đông, trong cơ thể con người luôn có những luồng chân khí lưu thông. Khí sẽ tạo nên thần, tức thần thái, sắc mặt, thể hiện trạng thái tâm lý của con người.

Dưới góc độ khoa học, các luồng chân khí này chính là những luồng thần kinh liên tục luân chuyển trong cơ thể, còn các huyệt đạo là những nút giao lộ của các đường dây thần kinh.

Các cảm xúc là nguyên nhân tác động trực tiếp của cơ chế dẫn truyền thần kinh, là trạng thái khi các luồng thần kinh tác động lên não bộ mà hệ quả tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động của hệ thống hô hấp, hệ thống tuần hoàn và đến các cơ quan khác của cơ thể.

Cảm xúc là yếu tố tạo nên các trạng thái tâm lý của con người.

- 5 -

CẢM XÚC - MÓN ĂN TINH THẦN CHO TRÍ NÃO

Có được các cảm xúc là một nhu cầu không thể thiếu cho cơ thể của bạn, bởi vì cảm xúc là tác nhân chính giúp duy trì, kích hoạt và tăng cường sự hoạt động của cơ thể. Cảm xúc tốt làm tăng số lượng các tín hiệu thần kinh có lợi cho cơ thể, còn cảm xúc xấu thì ngược lại.

Cũng giống như ích lợi từ vòng tuần hoàn của máu và dòng luân chuyển của dưỡng khí (Oxy), cơ thể của chúng ta cũng cần duy trì đều đặn dòng luân chuyển của các tín hiệu thần kinh. Các tín hiệu thần kinh - gồm những tín hiệu tác động vào ý thức và cả những tín hiệu tác động vào vô thức - đây chính là những thông tin mà hệ thần kinh trung ương cần có để kiểm soát được tình trạng hoạt động của mọi cơ quan và các bộ phận trong cơ thể. Qua đó hệ thần kinh trung ương sẽ gởi những mệnh lệnh cần thiết tới các cơ quan, để điều chỉnh hay duy trì cho cơ thể luôn ở trong tình trạng hoạt động tối ưu.

Nếu không có được các cảm xúc thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành một dạng đời sống thực vật, tức chúng ta chỉ tồn tại chứ không phải là sống. Cảm xúc chính là sự khác biệt lớn giữa con người với các loài vật khác bởi vì hầu hết các loài vật chỉ có cảm giác.

Cảm xúc làm cho cuộc đời con người trở nên phong phú hơn, đẹp hơn và đáng sống hơn.

Ngày nay, có rất nhiều thông tin giúp chúng ta biết rõ rằng, về mặt thể chất, mỗi ngày bạn cần phải ăn bao nhiêu, uống bao nhiêu, cần những vitamin, những khoáng chất gì, cần có bao nhiêu calori năng lượng để tồn tại.

Vậy nhưng hầu như không ai trong chúng ta ý thức được là mỗi ngày, chúng ta cần phải "ăn" bao nhiêu các cảm xúc tốt - tức những món ăn tinh thần, để cơ thể có thể hoạt động tốt.

Khi nhận thức được việc này, chúng ta sẽ phải dùng một số những hệ đo lường cảm xúc (sẽ có dịp giới thiệu với bạn đọc trong tập sách Những Bí mật của Nền Kinh Tế Cảm Xúc) để đo được cường độ, độ lớn của các giá trị tinh thần. Qua đó, chúng ta sẽ xác định được nhu cầu hằng ngày của cơ thể về các loại cảm xúc - tức thức ăn tinh thần cho não bộ.

Theo bạn thì bạn sẽ cần được mấy loại cảm xúc tốt trong một ngày để có một cuộc sống hạnh phúc? Mỗi ngày bạn cần "ăn" bao nhiêu niềm vui? Bao nhiêu hạnh phúc? Bao nhiêu sự hài lòng?

- 6 -

BA DẠNG CẢM XÚC CƠ BẢN

Tùy theo từng thời điểm, các nội tiết tố khác nhau, mà thực chất là các chất hoá học được tiết ra, sẽ có tác dụng khác nhau lên não bộ, cụ thể là lên hệ thần kinh cảm nhận, và sau đó làm ảnh hưởng tới các quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Các cảm xúc được tạo ra từ những thay đổi rất phức tạp của não bộ và hệ thần kinh dưới tác động của các nội tiết tố và những loại hoá chất khác. Tuy nhiên, có một yếu tố ảnh hưởng rất mạnh đến cách mà não bộ cảm nhận được cảm xúc, đó là tốc độ dẫn truyền thông tin giữa các nơ-ron thần kinh (tức các tế bào thần kinh).

Dựa vào tính chất của các nội tiết tố được tạo ra mà tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh sẽ nhanh hay chậm. Tùy vào tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh, não bộ sẽ cho ta các dạng cảm xúc khác nhau. Chúng ta có thể phân các cảm xúc ra làm ba dạng cơ bản là cảm xúc tốt, cảm xúc trung tính và cảm xúc xấu.

1/ Cảm xúc tốt - Thức ăn bổ dưỡng cho não bộ

Ðây chính là các cảm xúc mà mọi người đều khao khát để có được.

Cảm xúc tốt là những cảm xúc mà các loại nội tiết tố được tạo ra sẽ tác động có ích cho cơ thể, giúp tăng nhanh tốc độ dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Cảm xúc tốt sẽ tăng cường và hoàn thiện các quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể hồi phục, đào thải các chất độc hại, trẻ hóa các tế bào, giúp các cơ quan chức năng hoạt động hoàn hảo.

Các trạng thái cảm xúc tốt bao gồm: hào hứng, vui vẻ, tự hào, sung sướng, hài lòng, yêu đương, hạnh phúc, và đặc biệt là các khoái cảm tình dục. Hoạt động tình dục là cách nhanh chóng giúp cho con người đạt được cảm xúc tốt ở mức cao nhất.

Các cảm xúc tốt giúp rút ngắn thời gian lành bệnh và kéo dài tuổi thọ. Các nghiên cứu khoa học tại Canada, New Zealand và Australia cho thấy cho thấy ở những người lớn tuổi nếu vẫn duy trì kéo dài được đời sống tình dục (khoảng 30% trong số các cụ ông từ bảy mưới tới tám mươi tuổi được hỏi đã có sinh hoạt tình dục trung bình năm lần trong một tháng - theo Psychology Today) thì tình trạng sức khoẻ của nhóm những người này tốt hơn và họ sống hạnh phúc hơn nhóm người không duy trì được đời sống tình dục.

Cảm xúc tốt chính là kim chỉ nam, là mục đích cho tất cả hoạt động, các nỗ lực của cá nhân trong cuộc sống.

2/ Cảm xúc trung tính - Sự cân bằng của cơ thể

Trong những điều kiện bình thường, cơ thể của con người là một bộ máy sinh học và có các hoạt động cần thiết để duy trì sự sống, sự tồn tại của bản thân. Trong tình trạng cảm xúc này, tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh được duy trì ở mức đạt tiêu chuẩn theo nhu cầu của cơ thể.

Trạng thái cảm xúc bình thường này chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống của bạn. Ðây chính là loại cảm giác trung tính. Trong trạng thái này, tất cả các cơ quan đều hoạt động bình thường, tạo cho chúng ta cảm giác "mọi việc đều ổn".

Cảm xúc trung tính giúp bạn nhận thức được sự hoạt động bình ổn của cơ thể và đây là trạng thái cân bằng về tinh thần và năng lượng.

3/ Cảm xúc xấu - Những liều thuốc độc

Cảm xúc xấu sẽ tạo ra những chất độc hại, có tác dụng xấu đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm tắc nghẽn các dòng dẫn truyền tín hiệu thần kinh, làm rối loạn vòng tuần hoàn máu và dưỡng khí. Cảm xúc xấu sẽ phá vỡ sự cân bằng của quá trình trao đổi chất, dẫn đến tình trạng làm suy yếu các cơ quan chức năng của cơ thể, hủy hoại các tế bào, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tạo ra hàng loạt các loại vấn đề về sức khỏe và các loại bệnh tật.

Trừ một số trường hợp đặc biệt, các cảm xúc xấu luôn là mối hiểm nguy, ảnh hưởng và đe doạ sự tồn tại của cá nhân. Do vậy cảm xúc xấu là loại cảm xúc mà tất cả mọi người đều né tránh, phòng ngừa hay tìm cách triệt tiêu những ảnh hưởng xấu của nó.

Ở một khía cạnh khác, cảm xúc xấu sẽ tạo ra tâm bệnh, mà đây lại là nguyên nhân chính tạo ra hầu hết các loại bệnh tật của con người.

Trong cuộc sống, các loại cảm xúc của con người là những trạng thái tâm lý rất phức tạp. Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng mỗi một cảm xúc đều được tạo ra từ việc bắt nguồn hay pha trộn lẫn nhau giữa những trạng thái cảm xúc khác nhau.

Có một số giả thuyết nêu ra rằng giống như việc hòa các màu sắc cơ bản với nhau, tùy theo tỷ lệ, chúng ta sẽ có hàng triệu màu sắc khác nhau, cảm xúc cũng sẽ có bốn loại căn bản: vui, buồn, yêu, ghét.

Tuy nhiên trong quá trình thử áp dụng để phân tích thì giả thuyết này không thể lý giải được những trạng thái cảm xúc khác nhau như: tự hào, dũng cảm, tin tưởng, tò mò,...

Dưới góc độ khoa học của lý thuyết về cảm xúc, các loại cảm xúc khác nhau mà chúng ta có được là do những tỷ lệ khác nhau của một số hoóc-môn chính trong não bộ mà endorphin và serotonin là hai loại đóng vai trò quan trọng nhất.

- 7 -

CÁC LOẠI NHU CẦU LÀ ÐIỀU KIỆN GIÚP TẠO RA CẢM XÚC

Theo bản năng tự nhiên mọi người sẽ cố gắng né tránh các tình huống tạo ra những cảm xúc xấu và nỗ lực tối đa để có được các điều kiện giúp cho chúng ta có những cảm xúc tốt.

Tất cả các điều kiện nhằm có cảm xúc tốt hoặc tránh được cảm xúc xấu hình thành nên khái niệm được gọi là "nhu cầu" của con người.

Theo công trình nghiên cứu nổi tiếng của giáo sư tâm lý học Abraham Maslow, nhu cầu của con người có thể ra thành năm nhóm cơ bản như sau:

Theo lý thuyết Maslow, mỗi cá nhân sẽ cần được thỏa mãn những nhu cầu theo các cấp độ từ một tới năm. Khi đã đạt được một nấc nhu cầu căn bản, cá nhân sẽ mong muốn được thỏa mãn nấc nhu cầu cao hơn.

MỨC 1 - Nhu cầu sinh học căn bản

Ðây là các nhu cầu cơ bản nhất để con người có thể tồn tại được trong xã hội như: ăn, uống, thở - hoạt động, đi lại - ngủ, nghỉ ngơi - suy nghĩ.

MỨC 2 - Nhu cầu về an toàn cá nhân

Ðây là nấc nhu cầu thứ hai của con người, là các điều kiện cần thiết để duy trì sự an toàn của cá nhân trong xã hội như: nhà ở - giày dép, quần áo - phương tiện đi lại - công việc (thu nhập) - các kiến thức nền tảng (đọc, viết).

MỨC 3 - Nhu cầu được chấp nhận và yêu thương

Hầu hết các xúc cảm tốt được tạo ra từ những mối quan hệ tương tác giữa người với người, do vậy cá nhân luôn có nhu cầu được thuộc về một tập thể lớn để được chia sẻ, được yêu thương, được đóng góp.

Mỗi cá nhân cùng lúc có thể tham gia vào nhiều tập thể khác nhau. Tùy theo các đặc thù riêng về chủng tộc, giới tính, địa phương, ngành nghề, tôn giáo mà cá nhân sẽ chọn cho mình những tập thể phù hợp.

MỨC 4 - Nhu cầu được tôn trọng

Khi cá nhân đã là thành viên trong tập thể, nấc nhu cầu kế tiếp là "được tôn trọng" - nói cách khác là "Ðịa vị xã hội". Ðịa vị xã hội cao sẽ cho phép cá nhân được tác động, sai khiến người khác làm công việc thay cho họ, tuân phục họ, ca ngợi họ. Theo tư tưởng phong kiến của Châu Á thì loại nhu cầu này được coi như nấc cuối cùng của xã hội.

MỨC 5 - Nhu cầu hiện thực hóa bản thân

Nhu cầu này chính là nấc nhu cầu cao nhất của con người - được làm "những điều vĩ đại - có ý nghĩa lớn lao - tác động đến xã hội" - được xã hội ghi nhận.

Trong xã hội Phương Tây, nhu cầu này đặc biệt được coi trọng và được khuyến khích. Ðây cũng chính là lý do tuy ra đời chậm hơn nền văn minh Châu Á, nhưng xã hội Phương Tây đã có những bước phát triển vượt bậc và vượt lên dẫn đầu trong vòng chỉ vài thế kỷ.

Các loại nhu cầu trên thực tế chỉ là bề nổi, là mặt bên ngoài, thể hiện các loại ham muốn của con người để có được các cảm xúc tốt. Trên thực tế, rất khó để tính hết được các loại nhu cầu cụ thể của con người.

Năm nhóm nhu cầu theo phân loại của Maslow giúp chúng ta thấy được những nhóm mục đích chính dẫn dắt các hành vi con người để hướng tới sự thoả mãn theo các tiêu chí do xã hội đặt ra.

Tuy nhiên, có một số điểm bất hợp lý trong lý thuyết về nhu cầu của Maslow:

Trong rất nhiều trường hợp của cuộc sống, con người cần các loại nhu cầu khác nhau, nhưng hoàn toàn không theo qui luật tháp nhu cầu, tức là phải đáp ứng xong nấc nhu cầu mức một rồi con người mới cần đến nhu cầu mức hai, thỏa mãn mức số hai xong mới có nhu cầu mức ba.

Ở từng tình huống cụ thể, các nhu cầu của mỗi cá nhân sẽ hoàn toàn khác nhau và đưa tới các hành vi khác nhau. Vì vậy, chúng ta không thể đoán trước hay giải thích được các hành vi theo ngẫu hứng của con người nếu chỉ dựa trên cách phân nhóm nhu cầu của Maslow.

Phương pháp xác định nhu cầu chính xác nhất là phải phân tích trên nền tảng các giá trị cảm xúc mà cá nhân có được trong những thời điểm cụ thể.

Tùy theo tình huống mà nhu cầu của các cá nhân sẽ khác nhau. Có những người sẵn sàng hy sinh, chấp nhận chịu đựng sự đói khổ ở nấc nhu cầu một để tạo uy tín cá nhân thuộc về nấc bốn, hoặc có khi cá nhân chỉ mới được thỏa mãn nấc một, nhưng họ lại có các nhu cầu ở nấc số năm. Ngược lại có những người đang ở mức số bốn lại muốn quay về được sống ở mức thứ hai trong (như trường hợp hy sinh tất cả vì tình yêu theo kiểu một túp lều tranh hai quả tim vàng).

Một thiếu sót lớn của lý thuyết Maslow là chỉ dựa vào bản năng căn bản số hai - tức bản năng duy trì sự tồn tại của chính cá nhân đó.

Trên thực tế bản năng lớn nhất, quan trọng nhất chính là bản năng số một - tức là duy trì sự tồn tại của giống nòi. Lý thuyết của Maslow đã không lý giải được những trường hợp mà cá nhân hành động theo bản năng này - ví dụ nhảy vào lửa để cứu đứa con của mình, hay trường hợp những cá nhân rất nghèo khổ, nhưng lại sẵn sàng cưu mang cho đứa trẻ bị bỏ rơi,...

Từ góc độ lý thuyết cảm xúc, mọi việc đều sẽ được giải thích một cách dễ dàng và rất khoa học về nguyên nhân và nguồn gốc các loại nhu cầu của con người.

- 8 -

QUI LUẬT NHU CẦU:

Ðể có các cảm xúc tốt, con người sẽ tự tạo ra cho mình những nhu cầu mới dựa trên nhận thức và kinh nghiệm sống, với tiêu chí có thêm các cảm xúc tốt và né tránh hay giảm bớt các cảm xúc xấu.

Nhu cầu sẽ biến mất một khi cảm xúc cần thiết đã được đáp ứng.

Do não bộ của con người đã phát triển ở mức rất cao nên các cảm xúc mà chúng ta có được vô cùng đa dạng. Sự tác động rất mạnh của cảm xúc tạo ra vô số các nhu cầu khác nhau cho mỗi cá nhân.

Ðiều kiện sống của con người ngày nay đã được xã hội bảo đảm ở mức cao nên bản năng số một - duy trì nòi giống, qua hàng chục ngàn năm tiến hóa, đã bị bản năng số hai - là duy trì sự tồn tại của bản thân - che lấp phần lớn.

Những đặc thù của xã hội hiện đại, tính ích kỷ và phong cách sống thực dụng của cá nhân đã có điều kiện để bản năng số hai phát triển tới mức tối đa, đặc biệt là trong các xã hội mà nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, khi mà các cá nhân thoả mãn được hầu hết các nhu cầu của mình.

Dựa trên việc phân nhóm, các nhu cầu cơ bản của con người hiện đại sẽ được gom vào hai dạng sau:

1/ Nhu cầu căn bản để có được các cảm xúc trung tính:

Ðây là nhu cầu cần phải có các điều kiện vật chất tối thiểu để con người có thể duy trì sự sống còn. Ðây chính các nhu cầu tương đương các nấc nhu cầu số một và số hai của tháp nhu cầu Maslow.

2/ Những nhu cầu có các cảm xúc tốt để thỏa mãn đời sống tinh thần:

Là tất cả các loại nhu cầu khác mà cá nhân có thể nghĩ ra nhằm đáp ứng cho việc tạo ra các cảm xúc tốt - bao gồm các nấc ba, bốn, năm của tháp Maslow và các loại nhu cầu khác,

- 9 -

NGUYÊN TẮC HY SINH CẢM XÚC

Con người luôn chấp nhận chịu đựng cảm xúc xấu hoặc hy sinh những quyền lợi vật chất để xây dựng và bảo vệ các nguồn tạo cảm xúc tốt cho bản thân.

Bạn có thể thấy điều này trong những trường hợp như: sẵn sàng nhịn đói để nhường cơm cho con cái, sẵn sàng hy sinh quyền lợi vì người mình yêu, sẵn sàng chịu cực khổ và tốn kém để có được một chút tình yêu từ người mình si mê, để có thêm tiền, thêm quyền.

Dựa trên nguyên tắc này, các tổ chức như gia đình, tôn giáo, tổ chức kinh tế, xã hội và các đảng phái đã đặt ra những tầm nhìn, sứ mệnh, những kinh kệ, những lý tưởng để đáp ứng và thỏa mãn cho nhu cầu tinh thần của các thành viên, bởi vì trên thực tế, khó có thể thỏa mãn các nhu cầu vật chất ngày càng tăng của các cá nhân.

Mức độ trung thành và cống hiến của một thành viên sẽ lệ thuộc rất nhiều vào niềm tin của thành viên đó đối với những tiêu chí mà tổ chức đặt ra. Vì vậy, yêu cầu hàng đầu của các tổ chức là luôn đòi hỏi, bắt buộc các thành viên là phải có lòng tin tuyệt đối vào các niềm tin vào các tư tưởng nền tảng của tổ chức.

Trong các tổ chức và trong gia đình, nếu có tồn tại các giá trị tinh thần mạnh mẽ thì các cá nhân sẽ dễ dàng có được sự thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần để có được cảm xúc tốt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx