sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí mật của cảm xúc - Chương 32 - 33 - 34

- 32 -

SỰ TÙ ÐÀY CẢM XÚC VÀ TRẠNG THÁI THĂNG HOA CẢM XÚC

Các cú sốc cảm xúc thường là điểm khởi đầu cho trạng thái "TÙ ÐÀY CẢM XÚC".

Khi một cá nhân phạm tội, xã hội nhốt anh ta vào tù và cách ly anh với cuộc sống bên ngoài - cá nhân này bị tù đày về thể xác.

Trong nhiều trường hợp khác, mặc dù thân thể anh ta hoàn toàn tự do, nhưng anh lại là tù nhân trong chính những suy nghĩ, những cảm xúc của mình.

Sự tù đày về cảm xúc là một dạng đặc biệt của khái niệm "stress". Nó diễn tả các trạng thái cảm xúc xấu mà một cá nhân phải chịu đựng khi trở thành nô lệ cho các cảm xúc xấu của mình.

Tình trạng bị tù đày cảm xúc xảy ra khi cá nhân tự tạo cho mình niềm tin vào một điều xấu nào đó xảy ra cho họ và họ phải chịu đựng một cách tuyệt vọng.

Chúng ta hãy cùng tham khảo câu chuyện sau:

Anh V.Quang là nhân viên cao cấp của một doanh nghiệp liên doanh. Trong một lần đi hớt tóc, anh đã vô tình dùng chung dao cạo với bệnh nhân nhiễm HIV. Khi biết được việc này, ngay lập tức Quang rơi vào tình trạng SỐC CẢM XÚC. Anh lo lắng tới hoảng sợ. Anh lập tức tới gặp bác sĩ chuyên khoa để xin được chỉ dẫn.

Chưa bao giờ anh cảm thấy cuộc sống kinh hoàng như vậy. Không còn hứng thú gì trong ăn uống, vui chơi. Tất cả mọi thứ tiền bạc, chức vụ bỗng chốc trở nên vô nghĩa. Anh thấy cuộc sống chưa bao giờ lại có nhiều giá trị như lúc này. Hàng loạt những suy nghĩ về cuộc đời, hàng loạt những kế hoạch được phác ra. Rất nhiều tình huống được anh nghĩ tới: về gia đình, về con cái, về bạn bè, và cuối cùng tới sự tệ hại nhất là cái chết.

Nếu bạn đặt mình vào trường hợp của V.Quang, bạn sẽ làm gì?

Trong trường hợp V.Quang, anh ta đã bị giam hãm trong cảm xúc lo lắng và sợ hãi bằng một thông tin đơn giản: bị nhiễm HIV.

Có rất nhiều sự kiện tương tự xảy ra mỗi ngày, ví dụ như bạn tin vào số mạng bói toán, mọi thứ bạn làm đều phải được ông thầy nào đó xem xét và cho ý kiến. Nếu không có ý kiến của thầy thì bạn sẽ mất niềm tin vào việc mình làm, sẽ sợ hãi và cuối cùng làm hỏng việc do sự thiếu tự tin của bản thân. Trong những trường hợp khác, đó có thể là một thông tin về sự ngoại tình, thông tin về một âm mưu của người khác muốn hãm hại bạn, thông tin về những điều bí mật, những chuyện thầm kín bị tiết lộ trước công chúng.

Các cơ chế phản ứng của chúng ta rất nhanh và nhạy cảm trước những tình huống gây ra nguy cơ trực tiếp cho cá nhân, trước những nguy hiểm đe dọa tới tính mạng, những nguy cơ đe dọa tới danh dự, tới tài sản, tới những người thân thiết, tới tất cả những gì nằm trong sự sở hữu của chúng ta - tức tới những nguồn cung cấp cho chúng ta các cảm xúc tốt.

Cá nhân còn bị rơi vào tình trạng tù đày cảm xúc trong các trường hợp như sự chuyển đổi địa điểm sống, thay đổi nơi làm việc, ly dị, thất tình,... Những sự việc này sẽ tạo ra sự hụt hẫng cảm xúc do cá nhân đột ngột bị mất các nguồn cung cấp cảm xúc tốt - tức các mối quan hệ đang có trong công việc hay trong cuộc sống hàng ngày.

Sự cách ly các mối quan hệ xảy ra khi ông bà từ Việt Nam sang thăm con cháu ở Mỹ. Các cụ sẽ bị cách ly khỏi môi trường quen thuộc do không thể giao tiếp, không hiểu và trở nên cô độc trong cộng đồng người nước ngoài.

Cách đối xử "giết người" với các bệnh nhân HIV cũng là một trường hợp. Bản thân người bệnh hoàn toàn được tự do về thân thể, nhưng họ lại bị sự tẩy chay từ chính cộng đồng nơi họ sống. Tình trạng tẩy chay này làm cho người bệnh HIV bị mất hết những cơ hội được chia sẻ, được đồng cảm với người khác và do vậy họ không còn cơ hội có được các tác động từ cộng đồng để tạo ra cảm xúc tốt - nói một cách khác, họ đã bị mất đi một nguồn cung cấp cảm xúc tốt rất lớn là cộng đồng của mình. Chính điều này đã đẩy họ vào hoàn cảnh bị tù đày giữa mọi người. Rất nhiều người đã chọn cái chết để giải tỏa được những dồn nén cảm xúc xấu do hoàn cảnh này tạo ra.

Việc tự giải phóng mình khỏi những nhà tù cảm xúc phải được bắt nguồn từ sự ý thức và sự tự chủ của bản thân chúng ta trước những trường hợp lệ thuộc cảm xúc. Việc trước tiên cần làm là phải ý thức xây dựng sự tự tin và niềm tin của bản thân. Qua đó chúng ta sẽ có khả năng kiểm soát được cảm xúc, tạo nên sự tự do trong tư tưởng, xóa đi các mặc cảm, các ý nghĩ luẩn quẩn do sự tù đày về cảm xúc tạo nên.

Ðối nghịch với sự tù đày cảm xúc chính là trạng thái "THĂNG HOA CẢM XÚC", đó là khi bạn "được" tù đày trong các cảm xúc tốt đẹp.

Khi bạn nhận được một thông tin tạo cảm xúc tốt ở cường độ cao, thông tin này giúp bạn kích hoạt được hết năng lực, giải tỏa được mọi nỗi lo âu của bạn. Hãy đặt mình vào một trường hợp khi chúng ta mua vài tờ vé số. Bạn dò số vé khi có kết quả và phát hiện mình đã trúng một loạt vé cặp độc đắc trị giá hai tỷ đồng.

Bạn sẽ có những phản ứng ra sao trong hoàn cảnh này? Sẽ bỏ tiền ra khao bạn bè một chầu? Sẽ hạnh phúc, bị sốc cảm xúc đến nhói tim khi nghĩ tới những thứ mà mình sẽ có được, sẽ làm được với hai tỷ đồng mới trúng số này? Sẽ truyền con vi-rút cảm xúc - tức cái tin mới trúng số này đến mọi người trong gia đình, bạn bè thân quen?

Ðiểm đặc biệt của "Thăng hoa cảm xúc" là nó làm cho chúng ta có được sự tự tin, có được khả năng giải tỏa các cảm xúc xấu, giúp tạo nên những cảm hứng cao độ cho bản thân và cho những người xung quanh.

Trạng thái thăng hoa cảm xúc là một trạng thái cảm xúc thật mà cá nhân có được. Cho dù trên thực tế, việc trúng số là thật hay giả thì cũng đều cho chúng ta các cảm xúc thật và điều này sẽ tác dụng tích cực đến tất cả những người xung quanh.

Từ hai yếu tố: Một - cảm xúc rất dễ lây lan; Hai - cảm xúc tốt luôn tạo ảnh hưởng tốt. Nhiều người đã nhận thức được giá trị của các cảm xúc tốt và đưa ra những lời khuyên tích cực. Chúng ta cần phải có những thái độ và hành vi tích cực để tạo ra những niềm vui, những thành công trong cuộc sống. Ðây là vấn đề mà chúng ta sẽ cùng xem xét kỹ hơn ở những phần kế tiếp.

Với một tiêu chí sống chủ động, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn rất nhiều mỗi khi chúng ta có những niềm tin và những quan niệm tích cực. Chúng ta dám chấp nhận và ý thức học hỏi từ những thất bại, từ những khó khăn, khổ cực để lạc quan tiến tới tương lai.

Hãy giữ đừng để bộ não bị trì trệ, đừng tự đầu độc mình bởi những trạng thái cảm xúc xấu và đừng biến những vấn đề của bạn thành những bi kịch tâm thần.

- 33 -

ÐỊNH NGHĨA VỀ "HẠNH PHÚC”

Hạnh phúc là trên đường đi chứ không chỉ là lúc đến đích.

Quay về bản chất của cảm xúc:

"Hạnh phúc" là từ để chỉ cuộc sống với một chuỗi liên tục các cảm xúc tốt.

Ở đối cực khác, "Ðau khổ" là diễn tả cuộc đời ở trong một trạng thái phải chịu đựng một chuỗi dài liên tục các cảm xúc xấu.

Khi một người muốn gì được nấy, khởi điểm của họ xem ra có vẻ là một người hạnh phúc. Trong cuộc đời thực, chưa có một ai có thể thỏa mãn trọn vẹn tất cả mọi ước muốn của bản thân. Từ Chúa Giê-Su, Phật Thích-Ca, các vị thánh cho đến tất cả mọi người đều phải đối mặt với những cảm xúc xấu trong phần lớn thời gian của cuộc đời.

Nếu bản thân bạn không biết thế nào là đau khổ, chắc chắn bạn sẽ khó có được cảm nhận thế nào là sự sung sướng. Ðau khổ tạo cho bạn một hệ qui chiếu cảm xúc mới để nhìn nhận cuộc sống. Những người phải chịu đựng nhiều đau khổ là những người từng trải. Thường khả năng chịu đựng của họ sẽ cao hơn, họ có bản lĩnh hơn và dễ có được những niềm hạnh phúc lâu bền hơn.

Trong suốt cuộc hành trình để đạt tới mục đích, mỗi thành tựu, mỗi một nấc đạt được sẽ đều mang lại cho bạn cảm giác hài lòng, bạn đang "được", bạn sắp đến đích, bạn đang sắp có cái điều kiện luôn ao ước, nghĩa là bạn sẽ có cảm xúc sung sướng khi ở trong điều kiện đó. Những cảm xúc như hưng phấn, háo hức, rạo rực, hài lòng luôn có rất nhiều trong suốt cuộc hành trình đến đích.

Khi bạn đang yêu, bạn mong chờ, bạn ao ước có được những tín hiệu, những hành động, những thông điệp yêu thương từ đối tượng. Thời gian yêu đương quả là một chuỗi những phút giây kỳ diệu và bạn mong mỏi sớm tới ngày kết chỉ se duyên. Nhưng sau khi đã có được tình yêu và bước vào hôn nhân, mọi việc sẽ thay đổi nhanh chóng. Rất nhiều người đã trở nên thất vọng khi thấy thực tế cuộc sống gia đình không hề thơ mộng như trong trí tưởng tượng thủa ban đầu.

Trong nhiều trường hợp khác, tình trạng thất vọng cũng xảy ra tương tự. Bản chất của sự việc không hề thay đổi. Ðiều đã thay đổi chính là mức độ cảm nhận của chúng ta về thực tế sự việc. Khi chúng ta đang còn trong giai đoạn nỗ lực để đạt được điều mong muốn, trí tượng tưởng sẽ được phát huy tối đa để cho chúng ta những cảm nhận trong mơ về những gì mình sẽ được hưởng, về những cảm xúc thỏa mãn, sung sướng mà chúng ta sẽ có khi đạt được mục tiêu.

Thực tế luôn thô thiển và phũ phàng hơn nhiều so với cái mà chúng ta vẫn "tưởng". Trong giai đoạn ngay khi đạt được mục tiêu, tất nhiên là chúng ta có cảm xúc thoả mãn, hả hê. Nhưng các cảm xúc tốt kiểu mười lăm phút ngắn ngủi đó sẽ không thể nào che khuất được những trách nhiệm mới mà chúng ta phải đối mặt cùng lúc khi chúng ta đạt được những mong muốn của mình.

Khi trên đường đi, bạn chỉ dựa vào hoàn cảnh lúc đang đi và tưởng tượng ra viễn cảnh huy hoàng khi tới đích mà không hề ý thức về những trách nhiệm (đôi khi là rất nặng nề) bên cạnh những thành tựu. Kết quả của tình yêu là "Hôn nhân" luôn đi kèm với "Trách nhiệm gia đình". Kết quả của việc được thăng chức sẽ đi kèm với trách nhiệm nặng hơn trong công việc. Những sung sướng của người may mắn trúng số sẽ đi kèm với sự căng thẳng trong việc tính toán làm sao để sử dụng món tiền đó một cách hợp lý,...

Vì vậy trên thực tế, trong thời gian trên đường đi, mỗi khi chúng ta nỗ lực phấn đấu để đạt được thêm một bước gần tới mục tiêu sẽ mang lại một cảm xúc tốt, và chúng ta sẽ liên tục có được nhiều các cảm xúc tốt trên con đường đi tới mục tiêu. Những cảm xúc này sẽ có giá trị trong thời gian lâu dài hơn.

Nói như vậy không phải là khuyên bạn chẳng cần phấn đấu để đạt được mục tiêu. Phân tích trên đây muốn chỉ ra rằng bạn có thể dễ dàng tìm thấy các cảm xúc tốt ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống hàng ngày, dù bạn đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay tình thế khó khăn.

Trong các câu chuyện cổ tích kiểu hoàng tử lấy công chúa, luôn có câu kết rất hay là "họ cùng nhau sống trong hạnh phúc mãi mãi". Theo bạn, liệu trong thực tế thời gian "mãi mãi" đó sẽ kéo dài được bao lâu?

Ðiều quan trọng là hãy luôn đặt ra các mục tiêu hợp lý cho chính bản thân bạn. Trước khi một mục tiêu nào sắp hoàn thành thì chúng ta đã phải lên cho mình những mục tiêu mới kế tiếp.

Niềm hạnh phúc lớn là ở trên đường đi. Hãy ý thức rằng bạn luôn đang ở trên đường và nên chủ động làm giàu đời sống tinh thần của mình bằng những suy nghĩ tích cực.

- 34 -

BẢN CHẤT CỦA TÌNH BẠN - TÌNH YÊU - TÌNH THƯƠNG - MỐI QUAN HỆ GIA ÐÌNH

Chúng ta đã có nhiều định nghĩa rất hay, rất sâu sắc về tình yêu và tình bạn. Ở khía cạnh từ những qui luật của cảm xúc, cách chúng ta nhìn nhận về các mối quan hệ này sẽ bớt thơ mộng và thực tế hơn.

TÌNH BẠN

Dưới góc độ cảm xúc, tình bạn là sự ngầm cam kết một cách tự nguyện và không chính thức giữa hai hay nhiều cá nhân về việc người này luôn là nguồn tạo ra các cảm xúc tốt cho người kia, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và giúp người kia giải tỏa các cảm xúc xấu.

Ðã là bạn thân, bạn chí cốt của nhau thì thời gian và không gian sẽ không thể ảnh hưởng tới mức độ cam kết giữa các cá nhân. Tình bạn thường được xảy ra theo một tiến trình, qua thời gian, qua các thông tin tương tác và được củng cố, bồi đắp thông qua các sự kiện.

Khi anh A gặp anh B, qua trao đổi, chuyện trò, họ chia sẻ thông tin, họ hiểu thêm về nhau và cố tìm ra được nhưng điểm chung giữa hai người. Ðây là giai đoạn đầu tiên của sự quen biết. Họ trở thành những người mới quen, là bạn sơ giao.

Qua tiếp xúc và các quan hệ tương tác theo thời gian, khi cá nhân A tạo ra các cảm xúc tốt cho cá nhân B, anh B sẽ ghi nhận trong bộ nhớ của mình về mối nợ cảm xúc này. Là một người bình thường (tức không có các vấn đề về tâm thần) - anh B sẽ tìm cách giúp lại anh A, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ.

Nếu anh A tạo cho một anh C khác những cảm xúc xấu - cá nhân C sẽ bị tổn thương. Tùy mức độ bị tổn thương mà anh C sẽ coi anh A như một tác nhân tạo cảm xúc xấu, như một người khó ưa xấu tính, hay là coi anh ta như một kẻ thù, tức một tác nhân thường trực tạo ra những cảm xúc rất xấu hoặc rất nguy hiểm.

Sự giao du qua lại giữa các cá nhân mà kết quả là tạo ra các cảm xúc tốt cho cả hai bên sẽ thiết lập nên mối quan hệ TÌNH BẠN. Mức độ sâu sắc của tình bạn sẽ được đo bằng mức độ của các cảm xúc tốt đã được tạo ra trong mối quan hệ.

Như vậy - Tình bạn là mối quan hệ với những cam kết được nêu ra một cách không chính thức rằng các cá nhân trong mối quan hệ này sẽ luôn cố gắng chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau, giúp loại trừ các cảm xúc xấu để tạo ra các cảm xúc tốt.

[Tình bạn] = [Nguồn cung cấp cảm xúc tốt]+ [Nguồn giải tỏa các cảm xúc xấu]

Tình bạn là sự đồng cảm và cùng chia sẻ cảm xúc giữa các cá nhân. Các dạng tiếp xúc, đụng chạm giữa hai người bạn thường tạo ra và làm tăng các cảm xúc tốt, nhưng các cá nhân luôn ý thức tránh tiếp xúc vào những vùng nhạy cảm mang đặc trưng giới tính.

ÐỊNH NGHĨA TÌNH YÊU:

[Tình yêu] = [Tình bạn sâu sắc] + [Tình dục tự nguyện]

Tình dục tự nguyện là một nguồn tạo ra các cảm xúc tốt có cường độ mạnh hoặc rất mạnh.

Tình dục ở đây được hiểu là sự đụng chạm và tiếp cận có chủ ý và hướng tới sự tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan tính dục nhạy cảm nhất để tạo nên cảm xúc hưng phấn giữa hai cá nhân và kích hoạt cơ chế sinh sản như sự hội tụ của tinh trùng, hội tụ máu và tiết chất nhờn tại các cơ quan sinh dục.

Các cảm xúc tính dục có thể bắt đầu từ sự đụng chạm giữa hai đối tượng qua ánh mắt, tiếp xúc thân thể, ôm ấp, những nụ hôn... Quan hệ tình dục là dạng quan hệ tạo nên cảm xúc tốt có cường độ cao nhất trong các dạng biểu hiện của tính dục.

Khi hai cá nhân ở trong trạng thái tình bạn đích thực, các cảm nhận về tính dục sẽ không xuất hiện và cá nhân hoàn toàn không có cảm xúc tính dục. Tình yêu sẽ chỉ bắt đầu khi cá nhân bị kích thích bởi những cảm xúc tính dục. Trí tưởng tượng sẽ bị kích hoạt, phóng đại các cảm giác này lên nhiều lần.

Tình bạn sẽ rất khó chuyển thành tình yêu nếu cơ chế kích hoạt các cảm xúc tính dục không xảy ra. Khi đó cá nhân sẽ vẫn chỉ ở trong trạng thái tình bạn và không thể cảm được, không có được các cảm xúc tính dục.

Ở mặt khác, nếu chỉ có tình dục mà không có một tình bạn thực sự thì mối quan hệ này chỉ là sự gượng ép, hoặc một sự lợi dụng, mua bán hay trao đổi cảm xúc, hoặc một cách giải quyết nhu cầu sinh lý đơn thuần.

Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, tình yêu là một nấc cao hơn hẳn tình bạn.

Không bị lệ thuộc vào thời gian, khi hai cá nhân đã có một sự chia sẻ và cảm thông ở mức cao nhất của tình bạn - tức là ở mức độ rất thân thiết - mỗi người đều có những cam kết tự nguyện về việc sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ. Với tình bạn, mức độ trách nhiệm lại hoàn toàn tương đối và không được cam kết - Tôi sẵn sàng giúp bạn theo hết khả năng tôi có. Trong trường hợp hoàn cảnh hiện tại không cho phép tôi giúp anh, hoặc nếu việc giúp anh sẽ làm tôi bị thiệt hại, phải gánh chịu các cảm xúc xấu thì cá nhân tôi có thể từ chối mà anh sẽ phải hiểu và chấp nhận.

Khi hai cá nhân công khai thừa nhận tình yêu với nhau - họ đã chính thức tuyên bố về trách nhiệm của người này đối với người kia. Không chỉ dừng ở mức cam kết, cá nhân phải tự ý thức về trách nhiệm của họ đối với nhau trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, dù bị thiệt hại về tinh thần hay về vật chất hay thể xác để giúp đỡ, chia sẻ với người mình yêu.

Ðồng thời với sự tuyên bố về tình yêu, các cá nhân mặc nhiên sẽ hiểu là họ chấp nhận có các quan hệ tình dục với nhau tùy theo mức độ và hoàn cảnh cho phép.

Tình dục tự nguyện là một phần không thể thiếu được của tình yêu. Khi hai cá nhận quyết định bước vào mối quan hệ yêu đương, quan hệ tình dục sẽ làm thăng hoa các cảm xúc tốt, giúp thắt chặt trách nhiệm giữa các cá nhân và đồng thời làm tăng mức độ lệ thuộc cảm xúc giữa người này đối với người kia. Ðây chính là cơ chế bảo vệ giúp các cá nhân chung thủy với nhau trong tình yêu.

Tình yêu là hiện tượng cộng hưởng cảm xúc tốt trong tình trạng lệ thuộc cảm xúc cao độ giữa các cá nhân.

Ðám cưới và thủ tục đăng ký kết hôn là cách công khai hóa tình yêu ở cấp độ xã hội. Mối quan hệ giữa các cá nhân sẽ được ràng buộc bởi luật pháp.

Khi mà tình yêu đã chín muồi và các cá nhân thấy không còn nghi ngờ về những cảm xúc tốt mà họ sẽ có được khi cùng chung sống, sự lệ thuộc về cảm xúc giữa họ đã ở mức cao nhất, họ tuyên bố với cộng đồng về việc chính thức thừa nhận trách nhiệm của mình với nhau và cũng chính thức xác nhận sự trung thành với nhau trong cuộc sống và quan hệ tình dục.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng sự bền vững của tình bạn và tình yêu phụ thuộc chặt chẽ vào số lượng và chất lượng các cảm xúc tốt mà một cá nhân tạo ra hay nhận được từ đối tượng của mình.

MỐI QUAN HỆ GIA ÐÌNH

Hoàn toàn khác với tình bạn và tình yêu về ý thức trách nhiệm hay sự tự nguyện, khác với hôn nhân là trách nhiệm được ràng buộc bởi luật pháp, mối quan hệ gia đình được ràng buộc bởi đặc điểm có cùng chung dòng máu từ ông bà, cha mẹ, với anh em ruột thịt, anh em họ hàng, cô chú bác ruột,...

Ðây là một thứ trách nhiệm bắt buộc mà bạn phải chấp nhận hoàn toàn khách quan và không do bạn định đoạt. Bạn phải chấp nhận vì số phận đã đặt bạn vào gia đình của mình. Dù sự việc có tốt hay xấu thì bạn cũng không thể thay đổi được.

Theo qui chuẩn đạo đức của xã hội chúng ta, người trong một nhà phải thương yêu, hỗ trợ, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Người ở thứ bậc thấp hơn phải chấp nhận nhường nhịn hoặc hy sinh quyền lợi của mình cho người ở thức bậc cao hơn. Ngược lại, người ở thứ bậc cao hơn sẽ có trách nhiệm bảo vệ, dạy dỗ, chăm lo cho người có thức bậc kém hơn mình. Ðây là một đặc điểm tuyệt vời của tự nhiên thông qua các qui ước xã hội, bởi ngay từ khi ý thức được mối quan hệ huyết thống, dù bạn có thích hay không thích những người ruột thịt của mình, bạn đã tự cam kết và được những người họ hàng cam kết về trách nhiệm giữa bạn và họ.

Cuộc sống thường không đơn giản. Bạn có thể yên tâm gần như chắc chắn rằng người những người ruột thịt sẽ không phản bội bạn. Tuy vậy, đây là một mối quan hệ ép buộc nên mức độ hiểu, thông cảm, chia sẻ và cung cấp các cảm xúc tốt từ những người ruột thịt thường sẽ bị những hạn chế nhất định. Trong cuộc sống, chúng ta thường dễ dàng chia sẻ các cảm xúc, các giá trị tinh thần của mình với bạn bè, với người yêu nhiều hơn so với người nhà ruột thịt. Do không hiểu được điều này nên các bậc phụ huynh thường có những nhận định sai về con em mình, dễ có các quyết định mang tính độc đoán, tiêu cực như cấm chơi với người này, phải chơi với người khác.

Bởi có chung dòng máu - tức các cá thể đều được sinh ra từ cùng một tổ tiên, một nguồn gốc - nên trong mối quan hệ gia đình, các dạng tiếp xúc thân thể giữa các cá nhân trong cùng một gia đình là một cách để đồng cảm, chia sẻ cảm xúc, tạo ra các cảm xúc tốt, tạo nên các cảm giác an toàn, dễ chịu nhưng đây hoàn toàn không phải là tình dục. Dạng cảm xúc ở đây chính là TÌNH THƯƠNG.

Học thuyết của nhà phân tâm học Sigmund Freud là một lý thuyết hoàn toàn sai lầm về chuyện đánh đồng tình thương với tình dục. Do suy luận rằng loài người chỉ có một bản năng duy nhất là tìm cách sinh sản để duy trì sự tồn tại của giống nòi, do vậy Freud đưa ra một lập luận bệnh hoạn là tất cả mọi suy nghĩ và hành vi của con người đều xuất phát từ nhu cầu tính dục.

Trên thực tế con người còn có một bản năng quan trọng thứ hai là tìm cách duy trì sự tồn tại của bản thân. Do các cảm xúc tốt chính là định hướng bản năng cho các hành vi sống của cá nhân. Sự giao tiếp giữa cá nhân với những người thân quen sẽ tạo cho cá nhân cảm giác an toàn và yên tâm. Trong sự tiếp xúc trực tiếp giữa những người ruột thịt, các cá thể hoàn toàn ý thức và luôn tránh đụng chạm tới các phần thân thể nhạy cảm có thể tạo nên những cảm giác tính dục. Trong các tiếp xúc trực tiếp như nắm tay, ôm ấp, hôn lên má hay lên trán, giữa cha, mẹ với con trai sẽ tạo cảm xúc tốt ngang bằng giữa cha hay mẹ với con gái và không hề tạo ra những cảm xúc tính dục - tức cơ chế hoạt động tình dục không hề bị kích hoạt.

Một người cha xa nhà lâu ngày khao khát được ôm đứa con gái nhỏ bé của mình vào lòng. Một bé trai thích được ôm chân mẹ mỗi khi mẹ đi làm về,... Các hành vi này hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu tính dục bởi nó không hề kích hoạt sự hoạt động của các cơ quan sinh dục của cá nhân.

Trong các tiếp xúc giữa anh em trai với chị em gái cũng vậy, nhưng các tiếp xúc sẽ tế nhị hơn nhiều và trên nguyên tắc cơ bản là tuyệt đối tránh đụng chạm vào các bộ phận biểu tượng cho giới tính.

Có thể hiểu rằng: [Tình thương] = [Tình bạn] + [Quan hệ gia đình]

Trong tất cả các loại cảm xúc, tình thương chính là loại cảm xúc kỳ diệu nhất và là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn ở những phần sau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx