sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí mật tư duy triệu phú - Phần 01 - Quy tắc thịnh vượng 27 - 28 - 29

Quy Tắc Thịnh Vượng số 27:

Không bao giờ đặt giới hạn cho thu nhập của bạn.

Định luật này cũng áp dụng cho lĩnh vực dịch vụ cá nhân, nơi bạn thường được trả lương theo thời gian làm việc. Đó là lý do vì sao các luật sư, kế toán viên, các nhà tư vấn... – nói chúng là những người còn chưa phải là đối tác của doanh nghiệp, và vì thế không được chia lợi tức – dù nỗ lực lắm cũng chỉ có mức thu nhập trung bình. Giả sử bạn đang kinh doanh bút bi và bạn nhận được đơn hàng 50.000 chiếc. Bạn sẽ làm gì? Đơn giản là bạn sẽ gọi điện tới nhà cùng cấp, đặt mua 50.000 chiếc bút, gửi chúng cho bên đặt hàng và sung sướng ngồi đếm tiền lời. Giả sử bạn là một nhà trị liệu chuyên về xoa bóp và bạn may mắn có 50.000 người xếp hàng bên ngoài cửa chờ đến lượt. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó? Hẳn là bạn ân hận vì đã không kinh doanh bút bi! Bạn còn biết làm gì đây? Bạn đi mà giải thích với người đứng cuối hàng rằng họ hãy đến “muộn một chút”, và trong giấy hẹn của họ sẽ ghi: Thứ ba, lúc 3 giờ 15 phút, bốn thập kỷ sau!

Tôi không muốn nói rằng kinh doanh dịch vụ cá nhân là không nên. Chỉ cần bạn đừng kỳ vọng là sẽ làm giàu nhanh chóng, trừ khi bạn tìm ra cách để nhân bản chính mình. Tại các khoá học, tôi thường gặp những người được trả lương theo tháng hay tuần, và họ hay than phiền với tôi rằng họ không được trả công xứng đáng. Câu trả lời của tôi là: “Không xứng đáng theo quan điểm của ai? Tôi tin chắc sếp của bạn nghĩ rằng bạn đã được trả lương khá rồi đấy. Tại sao bạn không mạnh dạn quẳng phứt cái lối trả lương tháng đơn điệu ấy đi và yêu cầu được thanh toán tiền công dựa trên hiệu quả công việc của bạn? Ồ, nếu không được thế thì sao bạn không tự mở công ty rồi làm việc cho chính bạn? Khi đó, bạn sẽ biết chính xác giá trị bản thân thông qua những còn số lợi nhuận mà bạn tạo ra”. Xem chừng lời khuyên này không lay chuyển được những người đó. Có lẽ họ sợ phải kiểm tra giá trị thực của mình trên thương trường.

Nỗi sợ hãi của phần lớn mọi người về việc được trả lương dựa trên kết quả thường chỉ là sự lo lắng khi phá vỡ một trong các điều kiện đã hình thành trong tiềm thức của họ trước đây. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, hầu hết những người bám theo lối thỏa mãn của mức thu nhập ổn định đều giữ nếp tư duy cũ kỹ rằng đó chính là cách “tiêu chuẩn” để thanh toán cho công sức họ bỏ ra.

Bạn không thể đổ lỗi cho cha mẹ mình khi đã tạo cho bạn cách nghĩ đó. (Tôi đoán bạn có thể làm như vậy, nếu bạn đúng là một “nạn nhân” tốt). Phần lớn các bậc phụ huynh thường có xu hướng bảo bọc con cái quá mức, nên thật dễ hiểu khi họ làm mọi cách để con cái có cuộc sống bình yên. Có lẽ bạn cũng tự nhận ra. Bất cứ công việc nào không tạo ra nguồn thu ổn định đều bị cha mẹ phản ứng gay gắt: “Đến bao giờ con mới tìm ra một công việc thật sự cơ chứ?”.

Tôi còn nhớ khi mẹ tôi hỏi câu đó, tôi đã trả lời ngay rằng: “Con hy vọng là không bao giờ!”. Mẹ tôi rất giận, nhưng cha tôi lại nói: “Con nghĩ được như vậy là rất hay. Con sẽ không bao giờ giàu lên được nếu chỉ trông vào số tiền lương cố định hàng tháng khi làm việc cho người khác. Nếu con muốn đi tìm việc, hãy chắc chắn con được trả theo phần trăm số lợi nhuận mà còn tạo ra. Nếu không, hãy làm việc cho chính con!”.

Tôi cũng khích lệ bạn làm việc cho chính mình bằng cách bắt tay thực hiện công việc kinh doanh của riêng bạn, làm việc theo mức hoa hồng, theo phần trăm doanh thu hay lợi tức của công ty, hoặc chọn phương án phân chia cổ phần. Dù công việc hay lựa chọn của bạn là gì thì bạn cũng hãy tạo ra tình huống cho phép bạn nhận được tiền công dựa trên kết quả và công sức thực tế mà bạn bỏ ra.

Theo tôi, ai cũng có thể xây dựng một mô hình hay tổ chức một công việc kinh doanh riêng, dù là toàn thời gian hay bán thời gian. Lý do hàng đầu là tuyệt đại đa số triệu phú đã trở nên giàu có bằng việc phát triển chính doanh nghiệp của họ.

Lý do tiếp theo là việc làm giàu thật khó khăn khi các khoản thuế đã chiếm gần một nửa số tiền bạn kiếm được. Còn khi đã sở hữu doanh nghiệp riêng, bạn có thể tiết kiệm một số tiền đáng kể bằng cách khấu trừ các khoản chi phí để tránh thuế như xe cộ, du lịch, đào tạo, thậm chí cả ngôi nhà của bạn. Chỉ riêng lý do đó thôi đã đáng giá để bạn xây dựng một doanh nghiệp riêng rồi.

Nếu không tìm ra ý tưởng kinh doanh nào khả quan, bạn cũng đừng quá băn khoăn: bạn có thể sử dụng ý tưởng của người khác. Chẳng hạn bạn có thể trở thành người bán hàng ăn hoa hồng. Bạn có biết bán hàng là một trong những nghề có thu nhập cao nhất trên thế giới không? Nếu bạn giỏi giang, bạn có thể thu về cả gia tài từ công việc này. Bạn cũng có thể tham gia công ty tiếp thị theo kiểu mạng lưới. Trên thế giới hiện có hàng chục công ty dạng này đang hoạt động hiệu quả với tất cả sản phẩm và hệ thống sẵn có để bạn có thể bắt đầu công việc ngay lập tức. Chỉ với một số tiền nhỏ, bạn đã có thể trở thành nhà phân phối và được hưởng tất cả những lợi ích của việc sở hữu một doanh nghiệp, tuy bạn sẽ gặp khó khăn đôi chút trong vấn đề hành chính.

Nếu bạn cảm thấy phù hợp, thì mô hình tiếp thị kiểu mạng lưới có thể là phương tiện giúp bạn làm giàu đấy. Nhưng, và đây là một chữ NHƯNG lớn, bạn chớ nghĩ rằng bạn đã tìm ra công cụ kiếm tiền miễn phí. Mô hình tiếp thị kiểu mạng lưới chỉ hiệu quả nếu bạn làm việc hiệu quả, nghĩa là bạn phải bỏ công sức cho hoạt động đào tạo, dành đủ thời gian và năng lượng thì mới thành công được. Một khi bạn thành công, mức thu nhập trong khoảng 20.000 đến 50.000 đô-la mỗi tháng, vâng, mỗi tháng, là hoàn toàn có thể, và không ít người đã làm được như vậy. Chỉ riêng việc đăng kí và trở thành nhà phân phối bán thời gian đã đem đến cho bạn khá nhiều ưu đãi về thuế, và biết đâu bạn sẽ thích sản phẩm đến nỗi sẽ chào cho người khác và cuối cùng là kiếm được thu nhập khá, tạo đà để bạn bật lên.

Bạn cũng có một lựa chọn khác là trao đổi “công việc ổn định” lấy vị trí “làm theo hợp đồng”. Ông chủ của bạn có thể sẽ đồng ý thuê công ty của bạn, thay vì cá nhân bạn, để thực hiện về cơ bản những công việc mà hiện giờ bạn đang làm. Cách làm này đòi hỏi bạn phải thực hiện một vài thủ tục pháp lý, nhưng nếu bạn có thêm một vài khách hàng nữa, dù chỉ làm bán thời gian, thu nhập của bạn vẫn có thể tương đương một chủ doanh nghiệp chứ không phải người làm thuê, đồng thời bạn lại được hưởng các điều khoản miễn giảm thuế dành cho chủ doanh nghiệp. Ai mà biết được, có khi những khách hàng bán thời gian của bạn sẽ trở thành khách hàng toàn thời gian, đem lại cho bạn những cơ hội để bạn tự “nhân bản” hay phải thuê thêm nhân công mới đảm đương nổi những công việc đó. Và khi đó, bạn sẽ trở thành chủ doanh nghiệp và tự điều hành công việc kinh doanh của mình.

Có thể bạn nghĩ: “Sếp của mình không đời nào chấp nhận phương án đó đâu”. Nhưng tôi thì không tin như vậy. Bạn phải hiểu rằng, công ty phải bỏ ra rất nhiều loại phí để có một nhân viên. Họ không phải chỉ trả lương, mà còn phải nộp một khoản tiền không nhỏ cho nhà nước, trung bình vào khoảng 25% hoặc hơn, trên tổng số lương nhân viên được nhận, chưa kể các chi phí phúc lợi khác mà nhân viên được hưởng. Bạn sẽ giúp công ty tiết kiệm đến 50% chi phí nếu họ thuê bạn với tư cách một nhà tư vấn độc lập, thay vì một nhân viên toàn thời gian. Tất nhiên, bạn sẽ không được hưởng nhiều quyền lợi như khi bạn còn là một nhân viên, nhưng chỉ riêng khoản tiết kiệm từ thuế đã cho bạn khả năng tự mua những thứ tốt nhất bạn cần rồi. Sau cùng, cách duy nhất để có thu nhập thật sự tương xứng với giá trị bản thân là bạn hãy chọn phương án nhận tiền công dựa trên hiệu quả công việc. Cha tôi đã có lý khi nói: “Còn sẽ không bao giờ giàu lên được nếu chỉ trông vào số tiền lương cố định hàng tháng khi làm việc cho người khác. Nếu con muốn đi tìm việc, hãy chắc chắn còn được trả theo phần trăm số lợi nhuận mà con tạo ra. Nếu không, hãy làm việc cho chính còn!”.Đến giờ, đó vẫn là một lời khuyên thông thái!

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói... “Tôi muốn được trả công dựa trên hiệu suất làm việc.”

NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Nếu bạn đang có việc làm được trả lương theo giờ hoặc theo tháng, hãy đề xuất với chủ doanh nghiệp kế hoạch khoán cho bạn, sao cho bạn có thể được thanh toán tiền công dựa trên kết quả của cá nhân bạn, cũng như kết quả của công ty.

Nếu bạn điều hành doanh nghiệp riêng, hãy lập kế hoạch khoán cho nhân viên của bạn, kể cả các nhà cùng cấp chính của bạn, được trả công dựa trên hiệu quả của họ, cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp bạn.

Lập tức triển khai các kế hoạch đó.

2. Nếu hiện này bạn đang làm việc và bạn cho rằng mình không được trả công tương xứng với những giá trị mà bạn mang lại, hãy cân nhắc việc tổ chức công việc riêng của mình. Bạn có thể bắt đầu bằng cách làm việc bán thời gian. Bạn có thể dễ dàng tham gia vào các công ty kinh doanh theo kiểu mạng lưới hay trở thành giáo viên hướng dẫn mọi người những gì bạn biết, hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn độc lập cho chính công ty bạn từng làm việc. Lúc này, bạn hãy đề nghị được trả công dựa trên hiệu quả và lợi nhuận thực tế, thay vì dựa trên thời gian của bạn.

Câu chuyện thành công của Sean Nita

Harv thân mến,

Tôi không thể nói hết lời biết ơn với một người bạn của vợ tôi vì đã giới thiệu tôi đến khoá học Tư Duy Triệu Phú của anh. Khi đó, tiền lương hàng tháng của tôi vừa bị cắt giảm tới 10.000 đô-la. Chúng tôi rất hoảng sợ và cuống cuồng tìm cơ hội để bù đắp khoản thiếu hụt đó, nếu không chúng tôi sẽ không biết làm thế nào để sống qua ngày. Trong khoá học Tư Duy Triệu Phú, chúng tôi đã tìm thấy những công cụ có thể giúp chúng tôi tự do về tài chính. Chỉ cần chúng tôi sử dụng những công cụ đó một cách hợp lý, và điều kỳ diệu đã xảy ra. Trong vòng một năm sau đó, chúng tôi đã mua được năm căn nhà và thu lời ít nhất 18.000 đô-la mỗi căn. Ngôi nhà thứ năm giúp tôi thu về khoản lời 300.000 đô-la, gấp sáu lần mức lương hàng năm trước đây của tôi! Tôi đã có thể từ bỏ công việc mà tôi theo đuổi suốt 14 năm qua để trở thành nhà đầu tư bất động sản toàn thời gian. Công việc đó còn cho phép tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi để chăm sóc gia đình và giao lưu cùng bạn bè.

Phương pháp dạy dễ hiểu của ông đã trở thành chiếc chìa khoá giúp chúng tôi mở cánh cửa dẫn đến thành công. Tôi không thể ngồi chờ để xem những gì đang đợi mình phía trước! Tiếc rằng tôi không được học những điều đó khi ở độ tuổi 20.

Xin cảm ơn.

Thân ái,

Sean Nita

Seattle

Quy Tắc Thịnh Vượng số 28:

Người giàu tin rằng: “Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt, lại vừa được ăn chiếc bánh đó”.

Người trung lưu nói: “Bánh ngọt quá đắt, nên tôi sẽ chỉ có một miếng nhỏ thôi”.

Người nghèo không tin rằng họ xứng đáng có một chiếc bánh ngọt, nên họ gọi món bánh rán rỗng ruột rồi cứ nhìn vào lỗ thủng đó mà thắc mắc tại sao họ “không có gì”.

Tôi hỏi bạn, bạn có “chiếc bánh” để làm gì nếu bạn không ăn được? Vậy bạn định làm gì với nó? Đặt lên bàn và ngồi ngắm suốt buổi tối chăng? Bánh ngọt là để ăn và thưởng thức cơ mà.

Kiểu suy nghĩ quanh quẩn “chọn cái này hay cái kia” luôn tồn tại trong đầu óc những người tin rằng: “Nếu tôi có nhiều hơn, thì một người nào đó sẽ có ít đi”. Suy nghĩ này không là gì khác ngoài nỗi lo lắng và bản năng tự vệ hình thành trong tâm trí. Thật phi lý khi bạn cho rằng do người giàu trên thế giới tích cóp tất cả tiền bạc nên không còn gì để lại cho những người khác.

Một chi tiết mà những người có niềm tin sai lệch này không nhận ra là đồng tiền có thể quay vòng để tạo ra giá trị cho tất cả mọi người. Tôi dẫn ra đây một ví dụ thường được sử dụng trong các buổi hội thảo của chúng tôi. Tôi yêu cầu năm người bước lên bục và cầm theo một vật g. đó. Tôi bảo họ đứng thành vòng tròn rồi tôi đưa cho người đầu tiên một tờ 5 đô-la và yêu cầu họ dùng số tiền đó để mua thứ mà người thứ hai mang theo. Giả sử đó là cây bút. Giờ người thứ hai đã có 5 đô-la và anh ta lại dùng 5 đô-la này để mua, một bản hồ sơ chẳng hạn, từ người thứ ba. Theo cách đó, đồng 5 đô-la cứ thế chuyền đi cho đến khi qua hết cả năm người. Tờ 5 đô-la được sử dụng để mang lại giá trị cho những người có nó, nghĩa là 5 đô-la khi qua tay năm người khác nhau sẽ tạo ra giá trị 5 đô-la cho mỗi người, hay tổng giá trị 25 đô-la cho cả nhóm. Đồng 5 đô-la đó không mất đi mà chỉ luân chuyển để tạo ra giá trị cho tất cả mọi người.

Những bài học rút ra ở đây rất rõ ràng. Thứ nhất, tiền không bị mất đi; với cùng một số tiền, bạn có thể sử dụng nhiều lần từ năm này qua năm khác và tạo ra giá trị cho hàng nghìn người. Thứ hai, bạn càng có nhiều tiền thì bạn càng đưa nhiều tiền vào lưu thông, sau đó những người khác càng có nhiều tiền hơn để sử dụng số tiền đó trong việc mua bán và thu được giá trị lớn hơn.

Điều đó hoàn toàn đối lập với suy nghĩ “chọn một trong hai”. Ngược lại, khi bạn có tiền và sử dụng đồng tiền đó, cả bạn và người mà bạn đưa tiền sẽ đều tạo ra giá trị. Nói cách khác, nếu bạn lo lắng về người khác và về phần giá trị mà họ sẽ được nhận (nếu có phần đó), hãy làm tất cả những gì cần thiết để trở nên giàu có. Khi đó, bạn có thể phát tán tiền ra khắp xung quanh.

Tôi nhắc lại rằng bạn có thể vừa là một người tốt bụng, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người, hào phóng, có tâm hồn trong sáng, vừa là một người giàu thật sự. Tôi thật lòng khuyên bạn hãy xua đi cái ý nghĩ hoang đường rằng dù dưới bất kỳ hình thức nào thì tiền bạc cũng là thứ tệ hại, hay bạn sẽ bớt “tốt bụng” hơn hay ít “trong sạch” hơn nếu bạn giàu có. Niềm tin này tuyệt đối như món xúc xích  (nếu bạn đã mệt mỏi với từ vớ vẩn), và nếu bạn cứ tiếp tục ăn thì bạn sẽ không chỉ béo phì, mà bạn sẽ vừa bị béo phì, vừa túng quẫn.

Thưa các bạn, việc là người tốt bụng, hào phóng và biết yêu thương không có mối liên hệ nào với những thứ có hoặc không có trong ví bạn, mà lại có quan hệ mật thiết với những thứ nằm trong đầu bạn. Việc bạn là người trong sạch và có tâm hồn cũng không hề cân dự đến số dư trong tài khoản ngân hàng của bạn mà lại bắt nguồn từ những thứ chất chứa trong tâm hồn bạn. Cách nghĩ rằng tiền bạc biến đổi tính cách, khiến bạn trở thành người tốt hay xấu là cách nghĩ “một Trong hai”, là thứ “rác rưởi được lập trình” và không hề hỗ trợ cho hạnh phúc và thành công của bạn.

Điều đó cũng không giúp ích gì cho những người xung quanh bạn, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu bạn vẫn bảo vệ quan điểm cứng rắn đó và chọn cách trở thành một người tốt, hãy “tốt vừa đủ” để khỏi đầu độc thế hệ sau bằng thứ niềm tin làm suy yếu bản thân, thứ niềm tin mà bạn có thể đã vô tình tiếp nhận từ cha mẹ mình.

Nếu bạn thật sự không muốn tự nhốt mình trong một cuộc sống chỉ có các giới hạn, thì dù ở hoàn cảnh nào bạn cũng nên nhanh chóng thoát khỏi lối thỏa mãn của tư duy “chỉ một trong hai” và quyết tâm để có “cả hai”.

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói... “Tôi luôn suy nghĩ ‘‘cả hai’’!”

NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy tập suy nghĩ và sáng tạo ra những phương cách để có “cả hai”. Bất cứ khi nào bạn phải lựa chọn giữa hai khả năng, hãy hỏi bản thân: “Làm thế nào để có cả hai?”.

2. Hãy nhận thức rằng tiền bạc luân chuyển sẽ làm tăng giá trị cho cuộc sống của tất cả mọi người. Mỗi khi bạn tiêu tiền, hãy tự nói với mình: “Số tiền này sẽ qua tay hàng trăm người và tạo ra giá trị cho tất cả những người đó”.

3. Hãy nghĩ về bản thân như một mẫu người tốt bụng, hào phóng, biết yêu thương mọi người, và giàu có!

Quy Tắc Thịnh Vượng số 29:

Thước đo chính xác của sự giàu có là tổng tài sản, chứ không phải thu nhập từ việc làm.

Thước đo của sự giàu có là tổng tài sản, chứ không phải là thu nhập từ việc làm của bạn. Trước kia như vậy và sau này cũng sẽ mãi mãi là như vậy. Tổng tài sản là giá trị tài chính của mọi thứ bạn đang sở hữu. Để xác định tổng tài sản, bạn hãy cộng giá trị tất cả những tài sản mà bạn có bao gồm tiền mặt và các khoản đầu tư như cổ phần, trái phiếu, bất động sản, giá trị hiện tại của doanh nghiệp của bạn (nếu có), giá trị ngôi nhà bạn đang ở nếu bạn là chủ sở hữu, rồi sau đó đem trừ đi toàn bộ các khoản nợ của bạn. Tổng tài sản là thước đo tuyệt đối và chính xác nhất của sự giàu có, bởi vì nếu cần, những gì bạn sở hữu có thể được quy đổi thành tiền mặt.

Người giàu hiểu rõ sự khác biệt khổng lồ giữa thu nhập từ việc làm và tổng tài sản. Thu nhập từ việc làm là yếu tố quan trọng, nhưng chỉ là một trong bốn yếu tố làm nên tổng tài sản của bạn. Bốn yếu tố đó là:

1. Thu nhập

2. Tiền tiết kiệm

3. Các khoản đầu tư

4. Sự “đơn giản hoá”.

Người giàu biết rằng quá trình xây dựng tổng tài sản chính là khoảng thời gian cần có để giải phương trình chứa tất cả bốn ẩn số đó. Bởi vì tất cả đều giữ vài trò riêng nên chúng ta hãy xem xét lần lượt từng yếu tố.

Thu nhập tồn tại dưới hai hình thức: thu nhập từ việc làm và thu nhập thụ động. Thu nhập từ việc làm là số tiền bạn kiếm được từ lao động thực tế, bao gồm lương, nếu bạn là người làm công, hoặc là các khoản lợi nhuận hay thu nhập từ hoạt động kinh doanh, nếu bạn là chủ doanh nghiệp. Thu nhập từ việc làm đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian và công sức. Đây là khoản thu nhập quan trọng, vì không có nó thì bạn hầu như không thể đến với ba yếu tố kia được.

Có thể ví thu nhập từ việc làm như cách chúng ta đổ đầy “chiếc phễu tài chính” của mình vậy. Khi mọi chi tiết và giá trị được xem là tương đương nhau, thì khi nguồn thu nhập từ việc làm của bạn càng nhiều, bạn sẽ càng có điều kiện thuận lợi để tiết kiệm và đầu tư. Dù đóng vai trò chủ chốt, nhưng thu nhập này cũng chỉ có giá trị như một phần của toàn bộ phương trình tổng tài sản nêu trên. Đáng tiếc là người nghèo và nhiều người thuộc giới trung lưu chỉ chú trọng vào thu nhập từ việc làm mà xem nhẹ các yếu tố còn lại.

Thu nhập thụ động là số tiền bạn kiếm được mà không phải thật sự bỏ sức lao động. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn về thu nhập thụ động ở phần sau, còn bây giờ hãy coi đó như một nguồn thu nhập khác cùng chảy vào “chiếc phễu tài chính”, là thu nhập mà sau đó có thể được sử dụng để chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.

Các khoản tiết kiệm cũng là một thành phần thiết yếu của tổng tài sản. Bạn có thể kiếm được những khoản tiền lớn, nhưng nếu bạn không giữ lại được chút gì từ số tiền này, thì bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có. Nhiều người lập kế hoạch tài chính trong tâm thức nhưng chỉ hướng đến việc tiêu xài. Bao nhiêu tiền làm ra, họ đều tiêu sạch. Họ chọn sự thỏa mãn nhất thời, chứ không phải sự cân đối tài chính dài hạn.

Những người theo trường phái chi tiêu có ba câu cửa miệng là: “Đó chỉ là tiền thôi” - vì thế họ không có nhiều tiền; “Cái gì đi, rồi sẽ đến” - ít nhất là họ hy vọng thế; và “Xin lỗi, lúc này tôi không thể. Tôi đang khánh kiệt”. Không tạo ra thu nhập để rót vào “chiếc phễu tài chính” và không có các khoản tiết kiệm để giữ lại những gì bạn kiếm được, bạn sẽ không có tiền để phân bổ cho các thành phần tiếp theo của tổng tài sản.

Khi bắt đầu để dành được một phần kha khá trong thu nhập của mình, bạn có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo là làm cho số tiền của bạn tăng lên thông qua các kênh đầu tư khác nhau. Nói chung, bạn càng thành công trong lĩnh vực đầu tư, thì số tiền bạn có càng tăng nhanh hơn và sản sinh ra một tài sản lớn hơn. Người giàu luôn dành thời gian và công sức để tìm hiểu về hoạt động đầu tư và nghiên cứu, phân tích các vụ đầu tư. Họ tự hào mình là nhà đầu tư tuyệt vời, hay ít nhất là thuê được các nhà đầu tư tuyệt vời để giúp quản lý và đầu tư số tiền của họ. Người nghèo nghĩ đầu tư là lĩnh vực chỉ dành cho người giàu. Họ không bao giờ để tâm tìm hiểu về hoạt động đầu tư và kết quả là họ không bao giờ thoát khỏi cảnh bần cùng. Bạn thấy đấy, mọi yếu tố trong phương trình tổng tài sản đều quan trọng.

Thành phần thứ tư trong tổng tài sản của chúng ta là “chú ngựa đen” trên bàn cờ, bởi hiếm có người nhận ra tầm quan trọng của nó trong việc tạo nên sự thịnh vượng. Đó là thành phần “đơn giản hoá”. Yếu tố này song hành với việc tiết kiệm tiền, nhờ đó bạn có thể chủ động tạo ra một cách sống mà bạn không cần tiêu tốn quá nhiều tiền. Bằng việc cắt giảm hợp lý các khoản phí sinh hoạt, bạn sẽ làm cho số tiền tiết kiệm của mình tăng lên và như thế số tiền trong quỹ dành để đầu tư cũng tăng theo.

Câu chuyện dưới đây về một Trong những người từng tham dự hội thảo Tư Duy Triệu Phú sẽ mình họa cho sức mạnh của yếu tố “đơn giản hoá” trong việc tạo dựng tổng tài sản.

Khi Sue chỉ mới 23 tuổi, cô đã có quyết định của một người từng trải, thông thái và khôn ngoan: mua một căn nhà. Lúc ấy, cô chỉ phải trả chưa đầy 300.000 đô-la. Bảy năm sau, đúng thời điểm thị trường bất động sản đang sôi sục, Sue bán căn nhà đó với giá hơn 600.000 đô-la, nghĩa là cô lời hơn 300.000 đô-la. Cô nghĩ ngay đến việc mua một căn nhà mới. Tuy nhiên, sau khi tham dự buổi hội thảo Tư Duy Triệu Phú, cô nhận ra rằng nếu đầu tư tiền đó vào một tài sản thế chấp bảo đảm thứ hai với lãi suất 10% và đơn giản hoá cách sống của mình, cô sẽ có thể sống thoải mái bằng tiền lời từ các thương vụ đầu tư và thậm chí cô không cần phải làm việc nữa. Vậy là thay vì mua một căn nhà mới, cô chuyển đến sống với người chị gái. Giờ đây ở tuổi 30, Sue đã là người tự do về tài chính, nhưng không phải bằng cách kiếm ra một đống tiền, mà bằng cách giảm bớt chi phí sinh hoạt cá nhân một cách hợp lý và có ý thức. Tất nhiên, cô vẫn làm việc, nhưng là vì cô yêu thích công việc đó, chứ cô không buộc phải làm việc để mưu sinh. Mỗi năm cô chỉ làm việc sáu tháng, thời gian còn lại cô đến sống tại đảo Fiji, trước hết vì cô yêu nơi này, và còn một lý do nữa, cô nói, là vì tiền của cô tiếp tục tăng lên khi cô ở đó. Cô sống giản dị như những người dân địa phương, chứ không phải theo kiểu khách du lịch nên hầu như cô không mấy khi tiêu đến tiền. Liệu có bao nhiêu người được như thế: sống mỗi năm sáu tháng trên một vùng đảo nhiệt đới, không cần phải làm việc khi chỉ ở độ tuổi 30? 40 thì sao? 50? 60? Đến gìà? Sue làm được điều đó bởi cô đã tạo thói quen sống một cách giản dị và nhờ đó mà cô không cần đến một gia tài lớn để làm chỗ dựa.

Còn bạn, bạn cần bao nhiêu tiền để có cảm giác thoải mái về tài chính? Nếu bạn phải sống trong tòa biệt thự lớn, sở hữu ba căn nhà nghỉ, có mười chiếc xe hơi, hàng năm đi du lịch nước ngoài, ăn trứng cá hồi và uống sâm-bành ngon nhất để tận hưởng cuộc sống, thì tuy điều đó rất tốt, nhưng hãy công nhận rằng bạn đặt mục tiêu hơi cao và có thể sẽ cần rất nhiều thời gian mới đạt đến hạnh phúc theo mức chuẩn của bạn.

Mặt khác, nếu bạn không cần tất cả những “vật giải trí” kia mà vẫn có thể hạnh phúc, bạn sẽ có khả năng chạm tay vào mục tiêu tài chính sớm hơn nhiều.

Tôi nhắc lại, xây dựng tổng tài sản là cân bằng một phương trình có bốn ẩn số. Việc này tương tự như lái một chiếc xe bốn bánh vậy. Chiếc xe sẽ chạy thế nào nếu bạn chỉ điều khiển được một bánh duy nhất? Hẳn là chiếc xe sẽ di chuyển chậm chạp, dằn xóc, xẹt lửa và quay vòng vòng. Trải nghiệm này chắc bạn đã từng biết qua rồi phải không? Người giàu điều khiển chiếc xe tài chính với cả bốn bánh xe cùng hoạt động tốt. Đó là lý do tại sao xe họ chạy nhanh, nhẹ nhàng, thẳng hướng và nói chúng họ lái xe tương đối dễ dàng. Tôi lấy hình ảnh chiếc xe để so sánh, bởi vì một khi bạn thành công, mục tiêu tiếp theo của bạn là sẽ chở những người khác cùng đi với mình.

Người nghèo và trung lưu cũng tham gia vào cuộc chơi tài chính, nhưng chiếc xe của họ lại chỉ có một bánh hoạt động. Họ tin rằng cách duy nhất để làm giàu là kiếm ra thật nhiều tiền. Họ tin như thế chỉ vì họ chưa bao giờ đến cái đích đó. Họ không hiểu định luật Parkinson rằng: “Chi tiêu sẽ luôn tăng tỷ lệ thuận với thu nhập”.

Đây là chuyện rất bình thường trong xã hội chúng ta. Bạn có một chiếc ô tô; khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ tậu một chiếc tốt hơn. Bạn có một ngôi nhà; khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ mua một ngôi nhà to hơn. Bạn có quần áo đẹp; khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn mua nhiều quần áo đẹp hơn. Bạn có các kỳ nghỉ; khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ chi tiêu nhiều hơn cho những kỳ nghỉ đó. Tất nhiên, vẫn có một số ngoại lệ, nhưng rất hiếm hoi! Nói chung, khi thu nhập của bạn tăng lên, hầu như tất cả mọi chi phí đều đồng loạt tăng lên. Vậy nên bạn hiểu vì sao chỉ với một cách là kiếm thật nhiều tiền, bạn sẽ không bao giờ giàu có được.

Cuốn sách này có tựa đề Bí Mật Tư Duy Triệu Phú. Một triệu phú chọn thu nhập hay tổng tài sản? Tổng tài sản. Nếu mục tiêu của bạn là trở thành triệu phú hay hơn thế, bạn phải chú tâm vào việc xây dựng tổng tài sản của mình dựa trên nhiều yếu tố, chứ không chỉ thu nhập từ việc làm của bạn, như chúng ta vừa thảo luận ở trên.

Hãy lên kế hoạch kiểm soát từng đồng trong tổng tài sản của bạn. Ở đây, tôi giới thiệu với bạn một bài tập có thể thay đổi cuộc sống tài chính của bạn mãi mãi.

Bạn lấy ra một tờ gìấy trắng và ghi tiêu đề “Tổng tài sản”, rồi hãy lập một biểu đồ đơn giản bắt đầu từ số 0 và kết thúc bằng còn số mà bạn xem là tổng tài sản mục tiêu của mình. Sau đó, bạn ghi tổng tài sản hiện có. Rồi cứ mỗi ba tháng bạn lại điền vào đây con số về tổng tài sản mới của bạn. Chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu làm được như thế, bạn sẽ phát hiện ra mình đang ngày càng giàu lên. Tại sao? Bởi vì bạn sẽ theo dõi được tổng tài sản của mình.

Tôi vẫn hay nói với học viên trong các buổi hội thảo của chúng tôi là: “Ở đâu có sự chú tâm và nỗ lực, ở đó sẽ có thành quả”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx