sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí mật tư duy triệu phú - Phần 02 - Tư duy triệu phú 01 - 02 - 03 - 04 - 05

TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 1

Người giàu tin: “Tôi tạo ra cuộc đời tôi”. Người nghèo tin: “Cuộc sống toàn những điều bất ngờ xảy đến với tôi”.

Nếu muốn tạo ra thịnh vượng, điều quan trọng là bạn phải tin rằng bạn là người cầm lái của cuộc đời mình, đặc biệt là cuộc sống tài chính của bạn. Nếu bạn không tin điều đó, nghĩa là bạn vốn dĩ tin rằng bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít cuộc sống của mình, và do vậy bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít khả năng thành công tài chính của bạn. Đó không phải là một thái độ để giàu có.

Bạn có bao giờ để ý rằng thông thường chỉ những người nghèo mới làm tiêu tan cả gia tài vào trò chơi xổ số không? Họ thành tâm tin rằng sự giàu có sẽ đến với họ nhờ ai đó sẽ đọc tên họ lên sau một cuộc rút thăm. Họ bỏ cả buổi tối thứ bảy để dán mắt vào ti-vi, hồi hộp theo dõi buổi xổ số để xem tuần này vận may có “rơi” trúng mình hay không.

Chắc chắn ai cũng muốn trúng số, và những người giàu thỉnh thoảng cũng vẫn chơi cho vui. Nhưng thứ nhất, họ không bao giờ chấp nhận bỏ ra một nửa thu nhập của mình để mua vé số, và thứ hai, việc trúng số không phải là chiến lược làm giàu chủ yếu của họ.

Bạn phải tin rằng bạn là người tạo ra thành công của mình, rằng bạn là người tạo ra sự khốn quẫn của bạn, và rằng bạn là người tạo nên những khó khăn xung quanh tiền bạc và thành công của bạn. Dù bạn có ý thức hay không thì vẫn chỉ là bạn đã làm nên tất cả những điều đó. Thay vì chịu trách nhiệm trước những gì diễn ra trong cuộc sống của mình, người nghèo thường chọn cách chơi trò đóng vai nạn nhân. Suy nghĩ chủ đạo của một nạn nhân thường là lời than thở “khốn khổ thân tôi”. Vậy là cầu được ước thấy, theo quy luật Sức mạnh của ý định, đó là tất cả những gì nạn nhân nhận: Họ nhận được sự “khốn khổ”. Hãy để ý rằng tôi nói họ chơi trò đóng vai nạn nhân, tôi không nói họ là nạn nhân. Tôi không tin ai đó là nạn nhân. Tôi tin rằng người ta tự nguyện đóng vài nạn nhân bởi vì họ nghĩ điều đó đem lại cho họ lợi ích gì đó. Chúng ta sẽ thảo luận điều đó chi tiết hơn ngày sau đây. Làm sao bạn biết khi nào thì người ta đóng vai nạn nhân? Thường thì họ sẽ để lại ba dấu hiệu nhận biết. Bây giờ, trước khi chúng ta nói về những dấu hiệu đó, tôi muốn bạn nhận ra rằng tôi hiểu không có cách cư xử nào ở đây liên quan với bất kỳ ai đọc cuốn sách này. Nhưng có thể, chỉ là có thể thôi, bạn biết một ai đó có thể có liên quan. Và có lẽ bạn biết người đó một cách tường tận! Dù sao, tôi cũng đề nghị bạn hết sức để ý đến phần này.

Dấu hiệu Nạn nhân số 1: Đổ lỗi

Khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình không thành công về mặt tài chính, hầu hết nạn nhân đều là chuyên gia trong “trò chơi đổ lỗi.” Điều chủ yếu của trò chơi này là tìm xem có bao nhiêu người và hoàn cảnh mà bạn có thể kết tội, nhưng không bao giờ nhìn lại chính mình. Sự việc này tựa như một cơn mưa và “trút nước” lên bất cứ người nào chẳng may lại có mặt tại đấy. Thông thường, những ai gần gũi với các nạn nhân sẽ dễ trở thành mục tiêu của họ. Những nạn nhân thường đổ lỗi cho nền kinh tế, họ đổ lỗi cho chính phủ, đổ lỗi cho thị trường chứng khoán, đổ lỗi cho những người môi giới, đổ lỗi cho chủ, cho người làm thuê của họ, cho quản lý, cho trưởng phòng, cho người đứng trên hay dưới mạng lưới của họ, cho dịch vụ khách hàng, cho phòng vận chuyển, cho đối tác, cho bạn đời, họ đổ lỗi cả Chúa, và tất nhiên họ luôn luôn đổ lỗi cho cha mẹ mình. Bao giờ cũng là ai đó khác hay cái gì đó khác có lỗi. Thế nhưng, vấn đề lại không nằm ở bất cứ sự việc, hiện tượng hoàn cảnh hay còn người nào khác, mà là ở chính họ.

Dấu hiệu Nạn nhân số 2: Bao biện

Nếu những nạn nhân không đổ lỗi thì bạn sẽ thấy họ là người hay bao biện hoặc lý giải tình huống của mình bằng những lời như: “Với tôi, tiền không phải là thực sự quan trọng”. Tôi chỉ muốn hỏi bạn câu này: Nếu bạn nói rằng chồng bạn hay vợ bạn, bạn trai hay bạn gái của bạn, đối tác của bạn hay bạn bè bạn không quan trọng với bạn, liệu bất cứ ai trong những người đó sẽ ở được bên bạn lâu dài không? Tôi không tin là có, và với tiền bạc cũng như vậy! Tại các hội nghị chuyên đề trực tiếp của tôi, một số người tham dự thường đến gặp tôi và nói: “Anh biết không, Harv, tiền bạc thực sự không quan trọng đến thế”. Tôi nhìn thẳng vào mắt họ và nói: “Bạn vừa bị khánh kiệt! Đúng không?”. Họ thường nhìn xuống chân mình và yếu ớt trả lời những câu gì đó như “Vâng, hiện thì tôi đang có một số thử thách tài chính, nhưng…”. Tôi ngắt lời: “Không, không phải chỉ hiện này, mà luôn luôn như thế; bạn luôn luôn túng quẫn hoặc gần như thế, đúng không nào?”. Đến đó thì họ thường gật đầu đồng ý và buồn bã trở về chỗ ngồi, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi, vì cuối cùng họ đã nhận ra hệ quả tệ hại mà niềm tin ấy gây ra cho cuộc sống của họ.

Tất nhiên là họ bị phá sản. Liệu bạn có mua một chiếc xe nếu nó không thực sự quan trọng đối với bạn? Tất nhiên là không. Liệu bạn có mua một đồ vật quý giá nếu bạn khẳng định là nó không quan trọng với bạn? Tất nhiên không. Cũng như thế, nếu bạn nghĩ tiền bạc là không quan trọng thì đơn giản là bạn sẽ không có đồng nào cả. Bạn có thể làm lóe mắt bạn bè mình bằng hiểu biết này. Hãy hình dùng bạn đang nói chuyện với một người bạn và người đó bảo: “Tiền bạc không quan trọng”. Bạn hãy đặt tay lên trán và nhìn thẳng lên như là bạn đang nhận thông điệp từ thiên đàng, và tuyên bố: “Anh đang túng quẫn!”. Điều đó sẽ làm người bạn của bạn bị sốc và kinh ngạc hỏi lại: “Làm sao anh biết?”. Bạn sẽ xòe bàn tay mình ra và trả lời: “Anh muốn biết thêm nữa à? Vui lòng trả năm mươi đô-la đi!”.

Để tôi nói toạc ra nhé: Bất kỳ ai nói tiền bạc không quan trọng đều không có xu nào! Người giàu luôn hiểu được tầm quan trọng của tiền bạc và vị trí của nó trong xã hội. Mặt khác, người nghèo lý giải cho sự bất lực trong tài chính của mình bằng những phép so sánh khập khiễng. Họ sẽ nói: “Tiền bạc không quan trọng bằng tình yêu”. Nào, sự so sánh này có mù mờ không? Cái gì quan trọng hơn, tay bạn hay chân bạn? Có lẽ cả hai đều quan trọng. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh với bạn một lần nữa rằng tiền bạc là thứ cực kỳ quan trọng trong những lĩnh vực mà nó phát huy tác dụng, và ngược lại, nó sẽ chẳng đóng vai trò gì trong những lĩnh vực nó không có tác dụng. Mặc dù tình yêu có thể làm cho thế giới này rung chuyển, nhưng chắc chắn tình yêu không thể nào trả tiền để xây dựng nhà cửa, bệnh viện, nhà thờ, trường học hay nhà ở. Và tình yêu cũng không nuôi sống con người.

TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 2

Người giàu tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng.

Người nghèo tham gia cuộc chơi chỉ để không bị thua.

Khi tham gia “cuộc chơi tiền bạc”, người nghèo thiên về phòng vệ thay vì tấn công. Tôi hỏi bạn: nếu bạn tham gia một cuộc đấu thể thao hay bất kỳ trò chơi nào mà bạn chỉ chăm chăm vào phòng thủ thì cơ hội chiến thắng của bạn là bao nhiêu? Ai cũng đồng s là hầu như không có cơ hội nào cả.

Nhưng đó lại là cách mà phần lớn mọi người dùng trong cuộc chơi tiền bạc. Quan tâm hàng đầu của họ là sống sót và an toàn thay vì tạo ra thịnh vượng và sung túc. Thế mục đích của bạn là gì? Đối tượng của bạn là gì? Dự định thật sự của bạn là gì?

Mục đích của người giàu là thực sự tích lũy một sự thịnh vượng lớn, thực sự sung túc. Không chỉ là có chút ít tiền, mà phải là thật nhiều tiền. Còn mục đích lớn của những người nghèo là gì? Là “có đủ tiền thanh toán các hoá đơn… và nếu đúng hạn thì càng tuyệt!”. Ở đây một lần nữa tôi muốn lưu ý bạn về sức mạnh của mục đích. Khi mục đích của bạn là có đủ tiền thanh toán các hoá đơn thì chính xác bạn sẽ kiếm được đúng số tiền ấy – chỉ đủ thanh toán các hoá đơn và không hơn một xu.

Những người thuộc tầng lớp trung lưu ít nhất còn đi xa hơn một bước, song đáng buồn thay, đó chỉ là một bước nhỏ. Mục đích lớn trong cuộc đời họ lại tình cờ trùng hợp với một từ được ưa thích trên cả thế giới rộng lớn. Đó là họ chỉ muốn được cuộc sống “thoải mái”. Trên thực tế, có một sự khác biệt rất lớn giữa sống thoải mái và sống giàu có. Phải thú nhận rằng không phải bao giờ tôi cũng biết điều đó. Nhưng một trong những nguyên do khiến tôi tin rằng tôi có thể khẳng định chắc chắn như vậy là vì tôi đã từng có nhiều trải nghiệm trrong cả ba phía của cái hàng rào vô hình giữa sự thoải mái với giàu có và nghèo túng mà ai cũng biết đó. Tôi đã từng cực kỳ túng quẫn, đến mức đã phải vay một đô-la để đổ xăng. Nhưng để tôi giải thích thêm một chút. Thứ nhất, đó không phải là xe của tôi. Thứ hai, một đô-la đó là bốn đồng 25 xu gộp lại. Bạn có hình dung một người trưởng thành phải trả tiền xăng bằng bốn đồng 25 xu sẽ bối rối như thế nào không? Cậu nhỏ làm việc tại trạm xăng đó đã nhìn tôi như thể tôi là kẻ trộm các máy bán hàng tự động, rồi chỉ lắc đầu và cười to. Tôi không biết bạn có thể cảm nhận được không, nhưng đó đúng là một trong những thời điểm kiệt quệ nhất của tôi và rất tiếc đó chỉ là một trong số những lần tôi khánh kiệt. Sau khi làm chủ được tâm trí và thống nhất được những hành động của mình, rồi tôi cũng đạt đến mức sống thoải mái. Sự thoải mái thật là dễ chịu. Ít nhất bạn cũng có thể đến một nhà hàng khá khá để thay đổi không khí. Nhưng sang lắm thì tôi cũng chỉ dám gọi món gà. Món gà là bình thường nếu đó đúng là món tôi thực sự muốn. Nhưng thường thì không phải vậy.

Thật ra, những người có mức thu nhập vừa đủ thoải mái thường chỉ quyết định họ sẽ ăn gì sau khi nhìn vào cột phía bên tay phải của thực đơn, phía đề giá tiền. “Anh muốn gọi món gì tối này?”. “Có lẽ tôi sẽ ăn món có giá 7,95 đô này. Thử xem đó là món gì. Ồ, ngạc nhiên chưa, đó là món thịt gà”. Và đây là lần thứ chín trong tuần đó! Khi túi tiền chỉ có chừng mực thì bạn sẽ không dám đưa mắt nhìn đến cuối thực đơn, vì nếu bạn làm thế, bạn sẽ vì phạm từ cấm kỵ nhất trong từ điển của giới trung lưu: giá cả! Và nếu bạn thông minh, bạn cũng sẽ không hỏi thực ra các món đó giá bao nhiêu. Thứ nhất, bởi vì bạn biết bạn không thể trả được. Thứ hai, bạn sẽ bối rối vì người bồi bàn sẽ không tin bạn khi anh ta bảo bạn món ăn đó giá 49 đô-la và bạn trả lời: “Anh biết không, vì một số lý do, tôi thực sự rất thèm ăn món gà tối này!”.

Tôi phải nói rằng với cá nhân tôi, một trong những điều tốt nhất khi giàu có là không phải nhìn sang cột giá tiền trong khi xem thực đơn để chọn món nữa. Tôi ăn đúng những gì tôi muốn ăn, không cần biết giá cả ra sao. Tôi có thể chắc chắn với các bạn rằng tôi đã không thể làm thế khi tôi khánh kiệt hay vừa đủ tiêu.

Tóm lại là thế này: Nếu mục đích của bạn là sống thoải mái, nhiều khả năng là bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có được. Nhưng nếu mục đích của bạn là giàu có, nhiều khả năng là bạn sẽ có cuộc sống vô cùng thoải mái.

TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 3

Người giàu quyết tâm làm giàu.

Người nghèo muốn trở nên giàu có.

TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 4

Người giàu suy nghĩ lớn.

Người nghèo suy nghĩ nhỏ.

Một giảng viên ở trung tâm của chúng tôi đã lập được kỳ tích khi có thể nhân số tài sản từ 250.000 đô-la lên 600 triệu đô-la chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm. Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông chỉ nói: ”Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi tôi bắt đầu suy nghĩ lớn”.

Để tôi giới thiệu với bạn Định luật về Thu nhập. Luật này cho rằng: “Thu nhập của bạn tỷ lệ thuận với giá trị mà bạn bỏ ra, tùy theo tình trạng thị trường”.

TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 5

Người giàu tập trung vào các cơ hội.

Người nghèo tập trung vào những khó khăn.

Người giàu nhìn thấy các cơ hội. Người nghèo nhìn thấy những khó khăn. Người giàu nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng. Người nghèo nhìn thấy nguy cơ mất tiền. Người giàu tập trung vào tiềm năng lợi nhuận. Người nghèo tập trung vào khả năng rủi do.

Điều đó dẫn đến một câu hỏi từ xa xưa như thế này: “Cái ly đang đầy một nửa hay đang vơi một nửa?”. Ở đây chúng ta không nói đến việc suy nghĩ tích cực, chúng ta chỉ bàn về quan điểm quen thuộc của bạn về thế giới. Người nghèo lựa chọn dựa trên nỗi sợ hãi. Trí óc họ liên tục “tua lại” những cảnh về những trở ngại hay những khó khăn, rủi do đã hay có thể nảy sinh. Hướng suy nghĩ chủ yếu trong đầu họ là: “Điều gì sẽ xảy ra nếu phương án này không đem lại kết quả?” hay thường xuyên hơn: “Không làm được đâu!”.

Những người ở tầng lớp trung lưu lạc quan hơn đôi chút. Kiểu suy nghĩ của họ là: “Tôi rất hy vọng việc này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp”.

Người giàu, như ta đã nói trên, nhận trách nhiệm về kết quả trong cuộc đời họ và hành động với suy nghĩ: “Việc này nhất định sẽ mang lại kết quả vì mình sẽ làm cho nó trở thành hiện thực”.

Người giàu luôn sẵn sàng để hành động tiếp. Họ có sự tự tin cao độ vào khả năng và sức sáng tạo của họ. Và họ cũng tin rằng dù có chuyện gì xảy ra thì họ vẫn sẽ luôn tìm được cách khác để đi tiếp.

Nói chung, phần thưởng càng cao thì rủi do càng lớn. Vì lúc nào cũng nhìn thấy cơ hội nên người giàu thường sẵn sàng chấp nhận rủi do. Người giàu tin rằng dù điều xấu nhất có xảy ra thì họ vẫn luôn có thể làm ra tiền. Trái lại, người nghèo luôn tiên đoán thất bại. Họ thiếu tự tin về bản thân cũng như năng lực của mình. Người nghèo tin rằng, nếu sự việc không tiến triển tốt, thì đó sẽ là tai họa. Và bởi vì luôn nhìn thấy trở ngại, họ thường không sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Mà không có mạo hiểm thì sẽ không có tưởng thưởng.

Nhưng hãy nhớ rằng sẵn sàng mạo hiểm không đồng nghĩa với việc bạn sẵn sàng chịu mất những gì mình có. Người giàu chấp nhận những mạo hiểm đã được tính toán. Tức là họ nghiên cứu, phân tích và cân nhắc mọi chi tiết liên quan rồi sau đó mới quyết định căn cứ vào những thông tin có kiểm chứng và những sự việc cụ thể. Người giàu có tính toán mãi không? Không. Họ làm tất cả những việc này trong khoảng thời gian ngắn nhất rồi tỉnh táo ra quyết định là có nên làm tiếp hay không.

Mặc dù người nghèo khẳng định là họ luôn tìm kiếm và nắm bắt cơ hội, nhưng những gì họ làm thường là trì hoãn. Họ sợ đến chết, họ do dự trong nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm, và thế là cơ hội tuột mất. Rồi họ lý giải tình huống bằng cách cho rằng: “Tôi vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng”. Đúng là như thế rồi, nhưng trong khi họ “vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng”, người giàu đã nhanh chóng nhảy vào, nhảy ra, và kiếm thêm một khoản hời lớn.

Điều tôi sẽ nói tiếp đây nghe có vẻ lạ lùng, nhất là khi tôi luôn rất đề cao tính trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi tin rằng có một tác động nhất định của ỵếu tố mà mọi người vẫn gọi là sự may mắn trong việc làm giàu, hoặc với việc trở nên thành công trong bất cứ lĩnh vực nào.

Trong trận bóng bầu dục, đó có thể là một giây lóng ngóng của đối phương trên khu vực cấm ở phần sân bạn khi chỉ còn chưa đầy một phút, cho phép đội của bạn giành chiến thắng. Trên sân golf, đó có thể là một cú đánh khiến quả golf bị va vào một cái cây ở đường biên và bật trở lại thảm cỏ, chỉ cách lỗ mấy bước.

Còn trong kinh doanh, bạn đã từng nghe về một kẻ bỏ tiền đầu tư vào một mảnh đất ở tận nơi khỉ ho cò gáy vùng ngoại ô, và mười năm sau có một tập đoàn lớn quyết định xây trung tâm mua sắm hay cao ốc văn phòng trên mảnh đất đó? Nhà đầu tư này trong phút chốc trở nên giàu có. Thế thì đó là một bước đi khôn ngoan hay chỉ là dịp may bất chợt của nhà đầu tư ấy? Tôi đoán là cả hai yếu tố trên đều có phần tham gia.

Điều đáng chú ý là sẽ không có may mắn nào xuất hiện trên con đường của bạn trừ khi bạn có một hành động nào đó. Để đạt được thành công về tài chính, bạn phải làm một điều gì đó, mua một thứ gì đó, hay thành lập một công ty nào đó. Và khi bạn thực hiện, có phải chính sự may mắn hay một sức mạnh siêu nhiên đã âm thầm giúp đỡ để bạn đủ can đảm và nỗ lực vì mục tiêu của mình? Theo tôi biết, không ai quan tâm xem yếu tố đó chính xác là gì. Chỉ biết việc gặp may như thế vẫn xảy ra!

Một nguyên tắc quan trọng khác là người giàu chú trọng vào những gì họ muốn, trong khi người nghèo lại tập trung vào những gì họ không muốn. Chúng ta đều biết Luật Tập trung của Vũ trụ cho rằng: “Bạn chú tâm vào điều gì thì điều ấy sẽ phát triển”. Vì người giàu bao giờ cũng chú tâm vào cơ hội Trong tất cả mọi thứ, nên cơ hội xuất hiện quanh họ. Vấn đề lớn nhất của họ là làm sao xử lý tất cả các khả năng kiếm tiền mà họ nhìn thấy. Ngược lại, vì người nghèo chú tâm vào những khó khăn trong mọi thứ, họ nhìn đâu cũng thấy trở ngại. Do đó, vấn đề lớn nhất của họ là xử lý tất cả những trở ngại mà họ nhìn thấy. Chỉ đơn giản vậy thôi. Lĩnh vực mà bạn quan tâm sẽ quyết định cái mà bạn tìm thấy trong cuộc sống. Chú trọng vào các cơ hội và đó sẽ là thứ mà bạn tìm thấy. Chú trọng vào các chướng ngại thì đó sẽ là cái bạn bắt gặp. Tôi không nói rằng bạn đừng quan tâm đến những vấn đề. Tất nhiên, bạn phải xử lý các rắc rối ngày từ khi chúng vừa phát sinh. Nhưng hãy để mắt theo đuổi mục đích của mình, tiếp tục bám sát mục tiêu. Hãy dành thời gian và sức lực để tạo ra những gì bạn muốn. Khi những trở ngại xuất hiện, hãy xử lý chúng, rồi nhanh chóng quay lại tập trung vào tầm nhìn của bạn.

Hãy dành thời gian và sức lực để tạo ra những kết quả mà bạn muốn thấy, chứ đừng biến cuộc sống của mình thành những chuỗi ngày dài mệt mỏi vì phải chạy đuổi theo vô số vấn đề cần giải quyết. Nói cách khác là bạn đừng dành hết thì giờ chỉ để làm mỗi một việc là “chữa cháy”. Những người cứ làm vậy, sẽ đi giật lùi. Bạn phải dành thời gian và sức lực cho việc suy nghĩ và hành động để tiến những bước chắc chắn đến mục tiêu của bạn. Bạn muốn có một lời khuyên đơn giản mà cực kỳ độc đáo? Đó là: Nếu muốn trở nên giàu có, bạn hãy tập trung vào việc tìm kiếm, giữ gìn và đầu tư tiền bạc của bạn. Nếu bạn muốn nghèo khó, hãy tập trung vào việc tiêu tiền. Bạn có thể đọc hàng nghìn cuốn sách, tham gia hàng trăm lớp học để thành công, nhưng rốt cuộc thì mọi việc vẫn tuân theo quy luật: “Bạn chú tâm vào điều gì thì điều ấy sẽ phát triển".

Người giàu cũng không biết trước mọi thông tin. Trong chương trình Enlightened Warrior (Chiến binh được khai sáng) chúng tôi đào tạo mọi người làm chủ sức mạnh nội tâm và hành động trong mọi tình huống. Trong khoá học đó, chúng tôi dạy nguyên tắc được biết đến với tên “Ready, Fire, Aim!”, nghĩa là: “Chuẩn bị - sẵn sàng, Bắn, Hiệu chỉnh!”. . chúng tôi là gì? Hãy chuẩn bị tốt nhất trong thời gian ngắn nhất rồi hành động, và điều chỉnh dần trong quá trình thực hiện.

Bạn tin rằng bạn có thể đoán biết hay cảm nhận tương lai để rồi chuẩn bị cho mọi tình huống và bảo vệ bạn khỏi ảnh hưởng tiêu cực của sự việc ấy? Suy nghĩ đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Cuộc sống của chúng ta cũng không bao giờ diễn tiến theo một đường thẳng. Nó chuyển động như một con sông uốn khúc. Thường thì bạn chỉ có thể nhìn ra chỗ uốn tiếp theo khi đi đến hết khúc uốn hiện này, và khi đó bạn mới có thể trông thấy những gì xa hơn phía trước. Thế thì bạn hãy mạnh dạn bước vào cuộc chơi với bất kỳ thứ gì bạn đang có, từ bất kỳ điểm xuất phát nào bạn đang đứng. Chúng ta tạm gọi sự tham gia này là “vào hành lang”. Ví dụ, nhiều năm trước tôi lên kế hoạch mở quán cà phê tại Fort Landerdale, Florida. Tôi nghiên cứu vị trí, thị trường và những trang thiết bị mình cần. Tôi cũng tìm hiểu về các loại bánh, nước, kem, cà phê hiện có bằng cách nếm thử tất cả. Vấn đề đầu tiên lớn đầu tiên mà tôi vấp phải là tôi lên cân vù vù! Tôi ngộ ra rằng việc ăn tất cả những món ăn đó chẳng giúp ích gì mấy cho mục tiêu mở cửa hàng kia. Thế là tôi tự hỏi: “Này Harv, anh có biết cách tốt nhất để nghiên cứu ngành kinh doanh này là gì không?”. Rồi tôi nghe cái gì tên Harv này (chắc chắn là người thông minh hơn tôi một chút) trả lời: “Nếu anh thật sự muốn tìm hiểu một ngành kinh doanh thì hãy lập tức tiến hành đi thôi, nhưng anh không nhất thiết phải ôm lấy toàn bộ công việc đáng nguyền rủa đó ngày đâu. Hãy bước vào hành lang của nó bằng cách kiếm một công việc đơn giản trong lĩnh vực đó, như… quét dọn nhà hàng hoặc rửa chén đĩa chẳng hạn. Anh sẽ hiểu cặn kẽ mọi việc chỉ sau một thời gian ngắn, và nó còn đáng giá hơn việc bỏ ra mười năm chỉ để đứng bên ngoài nghiên cứu như kiểu anh đang làm”. (Tôi đã nói anh chàng này khôn ngoan hơn tôi nhiều mà!).

Tôi đã làm theo đúng như vậy. Tôi xin việc tại tiệm bánh nướng Mother Butlers. Tôi ước g. có thể nói cho bạn rằng họ lập tức nhận ra tài năng siêu việt của tôi và cho tôi bắt đầu làm từ vị trí CEO. Nhưng họ đã không nhìn thấy, hoặc họ không quan tâm đến kỹ năng điều hành cấp cao của tôi, nên tôi đã bắt đầu từ chân sai vặt. Đúng thế, lau sàn nhà và rửa chén đĩa. Thật buồn cười, không biết quy luật Sức mạnh của Mục tiêu có hoạt động không? Bạn có thể nghĩ là tôi sẽ rất vất vả và phải nuốt niềm tự trọng của mình để làm việc, nhưng sự thực là tôi đã không nhìn sự việc theo cách đó. Tôi ở đó với sứ mệnh học việc kinh doanh. Tôi rất biết ơn vì đã có cơ hội để học bằng “vé” của người khác và kiếm thêm mấy xu tiền túi để khởi đầu. Trong thời gian làm người phụ việc, tôi đã dành thời gian nói chuyện với quản lý về lời lỗ, xem hộp thư để biết tên các nhà cung cấp, giúp người nướng bánh từ 4 giờ sáng để học và làm quen với thiết bị, gia vị và các sự cố thường xảy ra. Một tuần trôi qua và tôi đoán là tôi đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ khi người quản lý gọi tôi vào văn phòng, mời tôi bánh ngọt và đề nghị thăng chức cho tôi làm thu ngân! Tôi đã suy nghĩ ghê gớm và lâu, chính xác là một phần tỷ giây, rồi trả lời: “Cảm ơn, nhưng không, cảm ơn”. Lý do là gì? Đầu tiên, vì tôi không thể học được nhiều hơn khi bị kẹt trong quầy thu ngân. Thứ hai, tôi đã học được cái tôi cần học. Sứ mệnh đã hoàn thành!

Đó là những gì tôi muốn nói với cụm từ “vào hành lang”. Nó có nghĩa là hãy bắt đầu bằng cách thâm nhập vào lĩnh vực mà bạn muốn thành danh trong tương lai, tận dụng bất kỳ khả năng nào có thể, để bắt đầu. Đây là cách tốt nhất để tìm hiểu về một ngành nghề kinh doanh mới vì bạn có thể quan sát nó từ bên trong. Bên cạnh đó, bạn còn có cơ hội thiết lập các mối quan hệ cần thiết – những “mối nối” mà bạn không thể tạo ra từ bên ngoài. Ngoài ra, một khi bạn đã ở trong hành lang thì nhiều cánh cửa cơ hội khác có thể mở ra trước mắt bạn. Tức là nhờ được tận mắt chứng kiến mọi việc, bạn sẽ có thể khám phá một lĩnh vực nào đó phù hợp với bản thân mà trước đó bạn chưa hề nhận ra. Biết đâu bạn lại phát hiện ra mình không hề hào hứng với lĩnh vực mà trước đó bạn vẫn tưởng là bạn có, và ơn trời, bạn sẽ biết điều đó trước khi dấn thân vào quá sâu! Thế điều gì trong những điều trên đã xảy ra với tôi? Trong thời gian ở tiệm bánh Mother Butlers, tôi không thể chịu được mùi hay nhìn thấy bóng dáng những cái bánh ngọt. Thứ hai, người nướng bánh nghỉ việc một ngày sau tôi, gọi cho tôi và báo rằng anh ấy mới tìm thấy một loại thiết bị tập thể thao mới dạng đôi giầy và muốn biết xem tôi có quan tâm không. Tôi đã kiểm tra và thấy thiết bị “đôi giầy” đó rất tốt, nên tôi đã tham gia kinh doanh. Tôi bắt đầu bán những dụng cụ có hình giầy đó cho các cửa hàng thể thao. Tôi để ý rằng các cửa hàng bán lẻ đó đều có chúng một đặc điểm – thiết bị luyện tập rất tiêu điều. Đầu óc tôi rung chuông inh ỏi: “cơ hội, cơ hội, cơ hội!”. Thật thú vị khi chuyện lại diễn ra như thế. Chính là kinh nghiệm đầu tiên về việc bán thiết bị luyện tập đã dẫn tôi đến việc mở một trong những trung tâm rèn luyện thể hình đầu tiên ở Bắc Mỹ và mang lại cho tôi hàng triệu đô-la đầu tiên. Thử nghĩ xem, tất cả những điều này bắt đầu từ việc tôi đi làm chân sai vặt tại tiệm bánh Mother Butlers! Bài học thật đơn giản: hãy xông vào hành lang. Bạn không bao giờ biết cánh cửa nào sẽ mở ra cho bạn.

Tôi có một châm ngôn: “Hành động bao giờ cũng đánh bại bất động”. Người giàu luôn bắt tay vào cuộc. Họ tin tưởng rằng một khi đã bước vào cuộc chơi, họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt ngày thời điểm hiện tại, sửa chữa và điều chỉnh cánh buồm để còn thuyền của mình đi đúng hướng.

Trong khi đó, người nghèo không tin tưởng vào chính bản thân hay khả năng của họ. Họ nghĩ rằng muốn thành công thì phải biết trước mọi thứ. Mà điều này thì hầu như không thể, và họ cũng không muốn xông vào hành lang!

Cuối cùng, với quan điểm tích cực: “Chuẩn bị - sẵn sàng, Bắn, Điều chỉnh lại!” người giàu luôn mạnh dạn hành động và vì vậy thường chiến thắng. Còn người nghèo, rốt cuộc, với kiểu lập luận: “Tôi sẽ không làm bất kỳ điều gì trước khi tôi xác định được mọi vấn đề có khả năng xảy ra và biết đích xác phải làm gì với vấn đề đó”, nên họ không bao giờ hành động và vì thế lúc nào họ cũng thất bại.

Người giàu nhìn thấy cơ hội, nắm bắt cơ hội đó, và càng trở nên giàu có hơn. Còn người nghèo thì sao? Họ vẫn “đang chuẩn bị để sẵn sàng!”.

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói...

“Tôi tập trung vào cơ hội thay vì trở ngại!”

“Tôi sẵn sàng, tôi bắn, tôi điều chỉnh!”

NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy nhảy vào cuộc chơi. Hãy cân nhắc tình huống hay dự án mà bạn đang muốn bắt đầu. Hãy tạm thời gạt khỏi đầu óc những gì bạn đang chờ đợi hay băn khoăn. Hãy bắt đầu ngay bây giờ, từ bất kỳ vị trí nào bạn đang đứng, với bất cứ cái gì bạn đang có trong tay. Nếu có thể, trước tiên hãy thực hiện việc ấy trong khi làm việc cho ai đó hoặc với ai đó, để học những điều cốt lõi. Khi đã học xong thì đừng viện cớ trì hoãn gì nữa, hãy xông lên!

2. Hãy thực hành thái độ lạc quan. Hôm nay, dù mọi người có nói gì về các vấn đề hay trở ngại thì bạn cũng hãy biến nó thành cơ hội.

3. Tập trung vào những gì bạn có chứ không phải những gì bạn không có. Lập danh sách mười điều bạn biết ơn trong đời và đọc to nó lên. Sau đó, hãy đọc vào mỗi buổi sáng trong suốt ba mươi ngày tiếp theo. Nếu bạn không xem trọng những gì mình đang có, bạn sẽ không có thêm bất kỳ thứ gì và cũng không cần thêm bất cứ thứ gì nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx