sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 02 phần 1

2

XÂY DỰNG MỘT QUÂN ĐỘI TỪ ĐẦU

Khi nghị viện đến kỳ mở phiên họp vào tháng 12/1965, bốn tháng sau khi chúng tôi tách khỏi Malaysia, Lữ đoàn trưởng Syed Mohamed bin Syed Ahmad Alsagoff chỉ huy một lữ đoàn của Malaysia đóng tại Singapore ghé thăm tôi và khăng khăng rằng đoàn môtô dẫn đường của anh ta sẽ hộ tống tôi đến nghị viện. Alsagoff là một tín đồ Hồi giáo Ả Rập, thân hình chắc mập, vạm vỡ với bộ ria mép và là một người Singapore gia nhập Lực lượng Quân đội Malaya. Thật là ngạc nhiên, anh ta hành động như thể anh ta là Tổng tư lệnh quân đội Singapore, sẵn sàng nắm quyền điều khiển hòn đảo này bất cứ lúc nào. Vào thời điểm đó, hai trung đoàn bộ binh đệ nhất và đệ nhị của Singapore (SIR I và II), mỗi trung đoàn khoảng 1.000 người, đều đặt dưới quyền chỉ huy của Malaysia. Chính phủ Malaysia đã đưa 700 người Malaysia vào SIR I và II, và rút 300 lính người Singapore đưa vào các đơn vị riêng lẻ của Malaysia.

Tôi cân nhắc tình hình và kết luận rằng Tunku muốn nhắc nhở chúng tôi và các nhà ngoại giao nước ngoài sắp có mặt rằng Malaysia vẫn còn nắm quyền ở Singapore. Nếu tôi bảo anh ta bỏ cái thói kiêu ngạo đó đi, thì Alsagoff sẽ báo cáo lại cho cấp trên của anh ta ở Kuala Lumpur và họ sẽ tiến hành những bước khác để chứng tỏ cho tôi thấy ai là người nắm quyền thực sự ở Singapore. Tôi quyết định là tốt nhất nên đồng ý. Thế là, trong lễ khai mạc của nghị viện đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore, quân đội hộ tống của Malaysia đã “hộ tống” tôi từ văn phòng ở Tòa Thị chính đến tòa nhà nghị viện.

Không lâu sau sự kiện này, vào lúc 4 giờ chiều thứ Ba ngày 1/2/1966, Keng Swee đột nhiên đến văn phòng của tôi ở Tòa Thị chính với tin xấu rằng bạo loạn đã bùng nổ trong một trại huấn luyện quân đội ở Shenton Way, cạnh trường Bách khoa Singapore, ông ta kinh ngạc khi biết rằng 80 % tân binh mới tuyển cho tất cả các đơn vị đều là người Malay, Keng Swee đã ra chỉ thị dừng ngay tất cả các cuộc tuyển mộ, huấn luyện và giữ nguyên tình hình này. Viên chỉ huy quân đội hiểu sai ý này và chủ động chỉ thị cho viên thiếu tá người Hoa sa thải tất cả các tân binh người Malay. Viên thiếu tá tập họp mọi người ở quảng trường duyệt binh, yêu cầu những người không phải là người Malay rời khỏi hàng và bảo với những người Malay còn lại rằng họ bị sa thải. Những người Malay đứng chết lặng trong vài phút vì sự phân biệt đối xử này. Khi họ lấy lại được bình tĩnh sau cú sốc, một cảnh hỗn loạn nổ ra khi họ tấn công những người không phải Malay bằng cọc, gậy và các chai nước có ga, đốt hai xe môtô, làm hư hại một xe scuter và lật đổ một xe tải. Đáp lại một cuộc gọi khẩn, một chiếc xe hơi tuần tra của cảnh sát chạy đến lọt vào một đợt ném chặn bằng chai lọ và không thể băng qua được chiếc xe tải bị lật. Một chiếc xe chữa cháy đến sau đó cũng bị tấn công một cách tương tự.

Một đám đông lớn tụ tập dọc theo đường Shenton Way để xem. Các sinh viên Bách khoa bỏ học để ngắm nhìn toàn cảnh cuộc hỗn loạn từ ban công và nóc nhà. Vào khoảng 2 giờ 45 phút chiều, một đội chống bạo động đến bằng những chiếc xe bịt kín của cảnh sát và bắn hơi cay vào đám đông. Sau đó, đội cảnh sát đặc nhiệm chống bạo động đến, bắt những kẻ bạo loạn, nhét họ lên xe bịt kín của cảnh sát và giải đến CID (Cục điều tra tội phạm – Criminal Investigation Department). Những người này bị giam giữ ở sân trong tòa nhà CID để chờ chỉ thị xem là buộc tội họ và từ chối cho bảo lãnh hay là thả họ ra sau khi họ đóng tiền bảo lãnh.

Keng Swee lo sợ nếu họ được phép đi, khi về đến nhà ở Geylang Serai và các vùng Malay khác, họ sẽ khởi phát một cuộc bạo động giữa người Malay và người Hoa và lan truyền câu chuyện họ bị sa thải như thế nào. Ngay tức tốc, tôi gọi viên Cao ủy người Anh John Robb đến văn phòng tôi. Tôi yêu cầu ông ta báo động cho viên chỉ huy quân đội người Anh nếu như những cuộc bạo động mang tính cộng đồng xảy ra vượt ngoài tầm kiểm soát, vì lực lượng cảnh sát và quân đội Singapore đa phần là người Malay có thể đồng tình với các phần tử bạo động. Tôi cho ông ta biết tôi dự định đi đến tòa nhà CID để tự mình dàn xếp vấn đề. Nếu có khả năng làm lắng dịu tình hình, tôi sẽ để họ về nhà; bằng không, họ có thể phải bị buộc tội và bị tạm giam. Nếu trường hợp đó xảy ra, khoảng 365 gia đình sẽ trông mong con họ vào đêm đó và những lời đồn đại sẽ lan truyền khắp Singapore về việc người Malay bị đàn áp.

John Robb nói rằng anh ta sẽ báo cáo vụ việc này nhưng thận trọng cho biết lực lượng Anh quốc không thể can thiệp vào vấn đề an ninh nội bộ Singapore.

Tôi bảo với viên tổng tư lệnh cũng là sĩ quan chỉ huy đơn vị đồn trú Anh nên bảo đảm rằng quân đội Anh sẵn sàng ngăn chặn các phần tử bạo động, không để họ lọt ra ngoài tầm kiểm soát và quay sang chống lại những gia đình da trắng như họ đã làm trong cuộc bạo động tôn giáo liên quan đến một cô gái Hà Lan năm 1950.

Tôi phân tích phương pháp của mình với Othman Wok, Bộ trưởng các vấn đề xã hội, và bảo ông ta cùng tôi và Keng Swee đến gặp những kẻ bạo động ở CID. Tại sân trong tòa nhà CID, chúng tôi nói với họ bằng tiếng Malay thông qua một cái loa nạp ắc quy cầm tay, tôi nói rằng viên thiếu tá đã hiểu sai mệnh lệnh, các mệnh lệnh đó chỉ dành cho công dân Singapore. Anh ta đã nhầm lẫn khi cho rằng mệnh lệnh này có nghĩa là không một người Malay nào được tuyển mộ, trong khi người Malay nào là công dân Singapore đều có đủ tư cách được tuyển chọn. Mười người trong số đó bị nhận dạng là những kẻ cầm đầu nổi loạn bị cảnh sát bắt giữ và kết tội, số còn lại có thể về nhà. Họ chớ nên phao tin đồn khi về đến nhà. Nếu như bất kỳ ai trong số những người được phép về nhà, sau đó bị nhận dạng là kẻ nổi loạn, anh ta cũng sẽ bị bắt giữ. Tôi nói thêm rằng tất cả những ai là công dân Singapore phải trở về doanh trại vào ngày hôm sau để được huấn luyện như thường lệ. Chỉ có những công dân là có đủ tư cách và những ai không là công dân phải tìm việc làm ở Malaysia. Triển vọng việc làm đã mang lại sự hoan nghênh và cổ vũ. Tôi phải có quyết định ngay lập tức, sự chọn lựa ít rủi ro nhất là giam giữ và trừng phạt một vài kẻ cầm đầu nhưng cho phép đa số được về nhà. Tôi hy vọng họ sẽ biết cư xử cho phải phép vì triển vọng việc làm.

Tại buổi họp báo, tôi yêu cầu các phóng viên tường thuật vụ việc này một cách khéo léo, nhất là những tờ báo bằng tiếng Malay. Khi tôi đọc các nhật báo vào sáng hôm sau, tôi thở phào nhẹ nhõm. Mười bốn người bị truy tố về tội nổi loạn, song sau đó viên chưởng lý đã quyết định rằng tốt nhất là rút lại lời kết tội. Đây quả là lời nhắc nhở sâu sắc cho chính phủ rằng chúng tôi phải giải quyết những vấn đề chủng tộc với sự nhạy cảm tối đa.

Chúng tôi đã có một lần lo lắng khác vào tháng 11/1967, khi những cuộc đụng độ giữa người Hoa và người Malay nổ ra ở Penang và Butterworth, một thị trấn trên bán đảo đối diện đảo Penang. Tình trạng phân biệt chủng tộc trở nên xấu đi nhanh chóng ở Malaysia sau sự chia tách của Singapore. Sự giận dữ và oán hận của người Hoa ngày càng mạnh mẽ chống lại chính sách nói tiếng Malay của chính phủ. Với chúng tôi, đây là hồi cảnh báo để thành lập một hội đồng cấp bộ trưởng với Goh Keng Swee làm chủ tịch và những viên chức hàng đầu của ngành Cảnh sát và Quân đội làm thành viên, nhằm chuẩn bị cho những kế hoạch đối phó với những vụ việc bất ngờ, đề phòng những cuộc bạo động nổ ra ở bán đảo Malaysia và tràn qua Singapore.

Tan Siew Sin, Bộ trưởng Tài chính Malaysia đã quyết định một cách không thận trọng sau khi đồng bảng Anh bị giảm giá, cho dù có ít ảnh hưởng đi chăng nữa vẫn sẽ phải có một sự điều chỉnh giữa đồng tiền cũ vốn rớt giá khoảng 14 % do chính phủ thuộc địa Anh phát hành với những đồng tiền Malaysia mới. Sự việc này dẫn đến việc đóng cửa các cửa hiệu bất thường (ngưng làm việc để phản đối), và lần lượt dẫn đến những cuộc đụng độ sắc tộc. Người Hoa từ nông thôn chuyển vào thành thị và chúng tôi lo ngại rằng nếu như những cuộc đụng độ sắc tộc nổ ra phổ biến, thì lực lượng vũ trang Malaysia sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết rắc rối ở nhiều thành thị.

Mối lo ngại rằng các nhóm bạo động này có thể làm liên lụy đến Singapore, buộc chúng tôi nhanh chóng thành lập đoàn xe thiết giáp của chúng tôi. Vào tháng Giêng năm 1968, chúng tôi quyết định mua những xe tăng hạng nhẹ AMX–13 của Pháp do người Israel bán lại với giá hời vì họ đang nâng cấp xe thiết giáp của họ. 30 chiếc xe tăng mới tân trang đã về đến vào tháng 6/1969 và 42 chiếc khác về vào tháng 9/1969. Chúng tôi cũng đã mua 170 xe thiết giáp bốn bánh V200.

Người Anh không sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi xây dựng quân đội như họ đã giúp Malaya vào những năm 1950. Họ đã ủng hộ Singapore từ sau hậu trường trong liên bang Malaysia và gánh lấy sự tức giận của người Malaysia. Giờ đây, họ phải đối phó với một Malaysia không mấy vui vẻ với họ. Và do người Malaysia giúp đỡ chúng tôi trở thành thành viên của Khối Thịnh vượng chung và thành viên của Liên Hiệp Quốc, nên người Anh chắc đã đoán biết được rằng Malaysia cũng sẽ muốn làm thầy dạy quân sự cho chúng tôi, không vì lý do nào khác là để chắc chắn chúng tôi không được dạy nhiều hơn những gì mà họ biết “phòng thủ”.

Chúng tôi phải lấy lại hai trung đoàn bộ binh của chúng tôi và khôi phục lại tính đồng nhất Singapore của họ để đảm bảo lòng trung thành của binh lính. Goh Keng Swee, lúc ấy là Bộ trưởng Tài chính đã từng đề nghị được làm Bộ trưởng Quốc phòng ngay khi độc lập. Ông ta sẵn lòng xây dựng một quân đội từ đầu, mặc dù tất cả những gì ông ta biết về những vấn đề quân sự là từ kinh nghiệm khi là một hạ sĩ quan trong Quân đoàn Tình nguyện Singapore do người Anh chỉ huy cho đến khi nó đầu hàng vào tháng 2/1942. Tôi bảo ông ta cứ tiến hành. Keng Swee nhờ Mordecai Kidron, đại sứ Israel ở Bangkok giúp đỡ. Vài ngày sau cuộc chia tách vào ngày 9/8, Kidron bay đến từ Bangkok để giúp huấn luyện quân sự, Keng Swee đưa ông ta đến gặp tôi. Kidron có tiếp xúc với tôi vài lần trong những năm 1962 – 1963 để xin thiết lập một lãnh sự quán Israel ở Singapore. Ông ta quả quyết với tôi rằng Tunku bằng lòng và chúng tôi không cần phải đợi đến khi Malaysia được thiết lập trước. Tôi đáp lại rằng nếu như Tunku đã đồng ý thì sẽ không có gì rắc rối cho việc hình thành nó sau khi Malaysia được thiết lập, nhưng nếu như tôi làm như thế trước thì tôi sẽ tạo ra một vấn đề có nguy cơ gây kích động những thường dân Hồi giáo Malay và làm đảo lộn những kế hoạch hợp nhất của tôi. Ông ta rất thất vọng. Như tôi đã dự kiến, khi Malaysia thành lập, Tunku không thể và không cho phép thiết lập lãnh sự quán Israel.

Tôi lắng nghe dự thảo huấn luyện quân sự của Kidron, song lại bảo Keng Swee hãy chờ đợi cho đến khi Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri, và Tổng thống Ai Cập Nasser trả lời thư xin hỗ trợ khẩn cấp để xây dựng lực lượng vũ trang của tôi.

Tôi viết cho Shastri nhờ đưa một cố vấn quân sự đến giúp chúng tôi thành lập 5 tiểu đoàn. Hai ngày sau, Shastri phúc đáp, gửi “những lời chúc tốt đẹp chân thành cho hạnh phúc và sự thịnh vượng của nhân dân Singapore”, nhưng không đề cập đến thỉnh cầu của tôi. Còn Nasser, trong thư trả lời, ông ngỏ ý công nhận Singapore là một quốc gia độc lập và có chủ quyền nhưng cũng không đề cập đến lời yêu cầu một cố vấn hải quân để thiết lập sự phòng thủ bờ biển của chúng tôi. Tôi nửa tin nửa ngờ, có lẽ chính phủ Ấn Độ không muốn đứng về phe chống lại Malaysia. Xét cho cùng Ấn Độ cũng là nước láng giềng khá gắn bó ở châu Á. Nhưng tôi thất vọng khi Nasser, một người bạn tốt, đã không tham gia. Có lẽ điều này thể hiện tinh thần đoàn kết Hồi giáo với các lãnh tụ Hồi giáo Malaysia.

Tôi bảo Keng Swee tiếp tục làm việc với người Israel, song giữ cho vấn đề này không phổ biến công khai càng lâu càng tốt, để không gây ra mối ác cảm trong thường dân Hồi giáo Malay ở Malaysia và Singapore. Một nhóm nhỏ người Israel do Đại tá Jak Ellazari dẫn đầu đã đến vào tháng 11/1965, tiếp sau đó là một nhóm sáu người đến vào tháng 12. Để giữ bí mật sự có mặt của họ, chúng tôi gọi họ là “những người Mexico”. Trông họ cũng ngăm ngăm đen giống người Mexico.

Chúng tôi phải có một lực lượng tin cậy để tự bảo vệ mình. Tôi không lo sợ Tunku thay đổi quan điểm mà e ngại những lãnh tụ Malay có quyền lực khác như Syed Jaafar Albar, người đã phản đối kiên quyết việc chia tách đến nỗi ông đã từ chức tổng thư ký UMNO, có thể thuyết phục Lữ đoàn trưởng Alsagoff rằng tinh thần yêu nước đòi hỏi ông ta thủ tiêu việc chia tách. Viên lữ đoàn trưởng này với một lữ đoàn quân đặt căn cứ ở Singapore có thể bắt tôi và tất cả những bộ trưởng của tôi không mấy khó khăn. Vì vậy chúng tôi vẫn giữ thế im lặng không gây hấn, trong khi Keng Swee với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng đã hối hả làm việc để xây dựng một khả năng phòng vệ.

Chúng tôi phải đương đầu với một nguy cơ an ninh khác từ thành phần sắc tộc của quân đội và cảnh sát. Nước Singapore độc lập không thể tiếp tục là một thành phố với ba phần người Hoa lại được cảnh sát và quân đội Malay canh gác và bảo vệ như người Anh đã làm trước đây. Người Anh đã tuyển mộ đa phần người Malay sinh ở Malaya vốn có truyền thống đến Singapore đăng ký đầu quân. Người Malay thích đi lính trong khi người Hoa xa lánh, một di sản lịch sử do thói quen cướp bóc của lính tráng trong những năm loạn lạc và tranh bá xưng hùng ở Trung Quốc. Vấn đề là liệu quân đội và cảnh sát này có trung thành với một chính phủ không còn thuộc Anh hoặc Malay, mà là một chính phủ bị người Malay nhận thức như là của người Hoa. Chúng tôi phải tìm cách tuyển vào lực lượng cảnh sát và quân đội nhiều người Hoa và người Ấn cho tương xứng với sự pha trộn sắc tộc trong dân số.

Ngay sau cuộc chia tách, theo yêu cầu của chính phủ Malaysia, chúng tôi gửi tiểu đoàn SIR II đến Sabah làm nhiệm vụ trong cuộc đối đầu với Indonesia. Chúng tôi muốn chứng minh lòng trung thành và đoàn kết với Malaysia cho dù hiệp định phòng thủ chính thức chưa được ký kết. Việc này đã bỏ lại những doanh trại ở Camp Temasek trống không. Kế đó, chúng tôi đồng ý với đề nghị của Malaysia là một trung đoàn Malaysia phải được gửi đến Camp Temasek. Tiểu đoàn SIR II phải rút khỏi Borneo vào tháng 2/1966, và những dàn xếp được thực hiện ở cấp bậc tham mưu đối với việc rút quân của trung đoàn Malaysia. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia yêu cầu rằng thay vì quay về đóng tại Camp Temasek, chúng tôi nên gởi một tiểu đoàn Singapore đến Malaya để trung đoàn Malaysia duy trì đóng quân tại Camp Temasek. Keng Swee không đồng ý. Chúng tôi muốn cả hai tiểu đoàn của chúng tôi đóng ở Singapore. Chúng tôi cho rằng người Malaysia đã thay đổi quan điểm bởi vì họ muốn giữ một trung đoàn Malaysia ở Singapore để kiểm soát chúng tôi.

Người Malaysia từ chối chuyển đi, vì vậy nhóm tiền trạm tiểu đoàn SIR phải sống dưới những chiếc lều trại ở Farrer Park. Keng Swee gặp tôi để báo rằng nếu như quân đội chúng tôi sống trong lều vải quá lâu, cộng với tình trạng thiếu thốn phương tiện vệ sinh cá nhân, thì sẽ có nguy cơ nổi loạn hoặc binh biến. Ông ta tự so sánh mình như một vị tướng người Anh chỉ huy những đội quân đa số là người Italy. Người Malaysia có thể lợi dụng điều này và thông qua Lữ đoàn trưởng Alsagoff, dựng lên một cuộc đảo chánh. Keng Swee khuyên tôi dời nhà trên đường Oxley về Istana Villa trong khu Istana và gửi các cảnh vệ Gurkha đến canh gác chung quanh để đề phòng sự cố. Trong vài tuần kế đó, tôi và gia đình ở đấy với một nhóm Gurkha trực chiến.

Ngay sau đó, người Anh bỏ trống một doanh trại gọi là Khatib ở phía Bắc Singapore gần Sembawang. Chúng tôi trao nó cho người Malaysia và họ đã đồng ý vào giữa tháng 3/1966, họ sẽ dời ra khỏi doanh trại của chúng tôi và đến Khatib, đây là nơi họ đã ở trong 18 tháng trước khi họ tự nguyện rút quân vào tháng 11/1967.

Sự vô lý của họ làm chúng tôi càng quyết tâm xây dựng Lực lượng vũ trang Singapore (Singapore Armed Forces – SAF) để họ không thể dọa dẫm chúng tôi như kiểu vừa rồi được. Nó càng củng cố quyết tâm của chúng tôi và làm cho chúng tôi cứng rắn hơn.

Keng Swee, vẫn luôn là một chiến binh dũng cảm, đã viết trong báo cáo gửi về cho Defco (Hội đồng An ninh – Defence Council) như sau:

Thật là điên rồ khi tự cho phép chúng ta bị thôi miên bởi sự chênh lệch về tỷ lệ dân số giữa Singapore và những nước láng giềng. Điều đáng kể chính là sức mạnh chiến đấu của quân đội, chứ không phải ở quy mô dân số… Sau năm năm cưỡng bách quân dịch, chúng ta có thể đưa ra chiến trường được một đạo quân 150.000 người bằng cách huy động những người ở lực lượng dự bị. Bằng cách sử dụng những người lớn tuổi và phụ nữ vào những nhiệm vụ không trực tiếp chiến đấu, cuối cùng chúng ta có thể hình thành một đạo quân với sức chiến đấu của 250.000 quân bao gồm những người đàn ông từ tuổi 18 đến 35. Sức chiến đấu của một dân tộc nhỏ, can trường, có học vấn và có động cơ cao không bao giờ nên bị đánh giá thấp.

Đây là một kế hoạch nhiều tham vọng dựa trên thực tiễn huy động một con số tối đa trong một thời gian ngắn nhất có thể được của người Israel. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là làm cho người dân ở trong nước cũng như bên ngoài Singapore hiểu rằng mặc dù dân số chúng tôi ít, chúng tôi có thể huy động được một lực lượng chiến đấu hùng mạnh trong một thời gian ngắn.

Nhiệm vụ của chúng tôi không dễ dàng chút nào. Chúng tôi phải tái định hướng quan điểm của nhân dân để họ chấp nhận nhu cầu cần có một quân đội của nhân dân và khắc phục truyền thống không thích đi lính của họ. Mỗi gia đình người Hoa đều biết câu nói ”hảo hán bất đăng binh, hảo thép bất đả đinh”(người tốt không làm lính, thép tốt không làm đinh). Chúng tôi lập ra những đội thiếu sinh quân quốc gia và thiếu sinh quân cảnh sát quốc gia ở khắp các trường cấp II để các bậc cha mẹ đồng nhất ngành quân đội và cảnh sát với con cái họ. Chúng tôi muốn dân chúng xem người lính là những người bảo vệ cho họ, một sự thay đổi hoàn toàn so với thời kỳ những bộ đồng phục, cảnh sát và quân đội gây khiếp sợ và giận dữ như những biểu tượng của sự áp bức thực dân.

Người dân phải ngưỡng mộ sự dũng cảm của quân đội. Như Keng Swee đã buồn rầu nói “Phong cách sống của người Xpác–tơ[4] không tự nhiên có được trong một cộng đồng sinh sống bằng buôn bán”. Tôi phải làm người dân thay đổi thái độ. Chúng tôi còn phải cải thiện tình trạng thể chất của giới trẻ bằng cách khuyến khích chúng tham gia chơi thể thao và những hoạt động thể chất đủ loại, cũng như phát triển sở thích phiêu lưu và tích cực hơn, những hoạt động ly kỳ không phải không có nguy hiểm. Chỉ thuyết phục không thì chưa đủ. Chúng tôi cần những thể chế được tổ chức, trang bị nhân viên và định hướng tốt tiếp theo những lời hô hào và những bài diễn văn sôi nổi. Trách nhiệm quan trọng bậc nhất này thuộc về Bộ Giáo dục. Chỉ khi chúng tôi thay đổi được nếp nghĩ và quan điểm của người dân, chúng tôi mới có thể dựng nên một quân đội dân quân lớn mạnh như của Thụy Sĩ hoặc Israel. Chúng tôi tự cho mình một thập niên để hoàn thành điều này.

[4] Người Xpac–tơ (Spartan): những người nổi tiếng là anh dũng, gan dạ và bền bỉ, chiến đấu rất giỏi.

Vào ngày kỷ niệm Quốc khánh lần thứ nhất, chúng tôi tập trung tất cả những gì ít ỏi mà chúng tôi có được để đẩy mạnh nhuệ khí của quần chúng. Chúng tôi tổ chức Lực lượng Phòng vệ Quần chúng (People’s Defence Force – PDF) dưới sự lãnh đạo của một tập hợp gồm đủ thành phần như công chức, các nghị sĩ và những bộ trưởng, những người đã được trải qua một khóa huấn luyện sĩ quan sơ sài. Những binh sĩ là thường dân đa phần được học hành bằng tiếng Hoa, được tuyển mộ thông qua những trung tâm cộng đồng. Nhiều trung đội PDF diễu hành vào ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ nhất, ngày 9/8/1966. Họ tạo ra một màn trình diễn can trường, được những người phía sau lễ đài và đám đông đứng dọc theo các đại lộ hoan nghênh nhiệt liệt, bởi vì họ đã nhận ra được những bộ trưởng và nghị sĩ rám nắng trong bộ đồng phục, hăm hở bước những bước dài nhưng hơi thiếu tác phong quân sự.

Những người lãnh đạo cộng đồng đại diện cho tất cả các sắc tộc tham gia diễu hành mang theo băng cờ hay biểu ngữ. Người Hoa, người Ấn, người Malay và những người đứng đầu các doanh nghiệp người Anh tham dự trong nhóm nhỏ đi qua chủ tịch đoàn ở phía trước Tòa Thị chính. Họ được hoan nghênh nhiệt liệt. Có những đơn vị công đoàn, đảng PAP và các ủy ban hành pháp. Cảnh sát và lính cứu hỏa được đưa đến để thêm vào đạo quân đồng phục trình diễn. Người Malaysia có thể không khiếp sợ năng lực quân sự của chúng tôi, nhưng họ không thể không bị ấn tượng bởi quyết tâm và tinh thần của chúng tôi trong việc xây dựng lực lượng phòng vệ, bảo vệ quốc gia non trẻ của chúng tôi.

Kế hoạch ban đầu của Keng Swee là thiết lập một quân đội chính quy gồm 12 tiểu đoàn giữa những năm 1966 và 1969. Không tán thành kế hoạch này, tôi đề nghị nên thành lập một quân đội thường trực nhỏ cộng với khả năng huy động toàn dân, huấn luyện họ và đưa vào lực lượng dự bị. Keng Swee lập luận rằng, trước hết, chúng tôi phải huấn luyện một số lớn sĩ quan chính quy và sĩ quan không có quân hàm trong 12 tiểu đoàn của ông ta trước khi chúng tôi có thể huấn luyện thường dân trên quy mô lớn như vậy.

Tôi không muốn chi những phí tổn tái diễn định kỳ cho một quân đội lớn: Tốt hơn nên chi tiền vào hạ tầng cơ sở mà chúng tôi cần để nâng cấp và huấn luyện những tiểu đoàn nghĩa vụ quân sự. Nghĩa vụ quân sự sẽ đem lại những lợi ích xã hội và chính trị. Keng Swee có quan điểm quân sự chuyên nghiệp cho rằng mối đe dọa trực tiếp từ Malaysia phải được chống lại bởi một lực lượng chiến đấu chính quy vững mạnh được hình thành trong vòng ba năm tới. Tôi nói rằng không chắc người Malaysia sẽ tấn công chúng ta trong khi lực lượng Anh và Khối Thịnh vượng chung vẫn còn ở Singapore. Sự hiện diện của họ sẽ là một rào cản, thậm chí không cần đến một hiệp ước phòng thủ. Tôi muốn một kế hoạch phòng thủ nhằm vào huy động đại bộ phận quần chúng càng rộng lớn càng tốt để khích động tinh thần phòng thủ ở người dân trong tinh thần yêu nước mạnh mẽ mà họ có được nhờ những trải nghiệm mới đây.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx