sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 07 phần 2

Sau cuộc bầu cử năm 1980, tôi bổ nhiệm ông Goh Chok Tong vào vị trí Bộ trưởng Y tế. Ông ta đã được bầu là nghị sĩ vào năm 1976, và hoàn toàn đủ khả năng cho công việc này. Tôi đã giải thích suy nghĩ của tôi đối với dịch vụ y tế và đã đưa ông ta đọc một số đề tài nghiên cứu và một số bài báo về chi phí chăm sóc sức khỏe. Ông ta đã hiểu mong muốn của tôi: các dịch vụ y tế tốt với chi phí và lãng phí được kiểm soát nhờ vào: Nhà nước “cùng trả tiền với người sử dụng”. Việc trợ cấp dành cho chăm sóc sức khỏe là cần thiết, nhưng nó có thể rất lãng phí và làm phá sản ngân sách.

Khi vấn đề tiết kiệm dành cho y tế được thực thi vào năm 1984, mỗi “tài khoản đặc biệt” CPF đã tích lũy được một số tiền nhỏ. Chúng tôi đã tăng mức đóng góp hàng tháng vào tài khoản Medisave lên 6 % tiền lương, với một giới hạn tối đa là 15.000 đôla Singapore vào 1986. Giới hạn này được tăng lên theo định kỳ. Tiền tiết kiệm ngoài giới hạn này đã được chuyển vào tài khoản CPF chung cho các thành viên gia đình, mọi người có thể dùng nó để trả khoản tiền thế chấp nhà hoặc các khoản đầu tư khác. Để củng cố tình đoàn kết trong gia đình và trách nhiệm của mọi người đối với gia đình, tài khoản Medisave có thể được dùng để trả chi phí y tế cho gia đình trực hệ của một thành viên: ông bà, bố mẹ, vợ chồng và con cái.

Việc bệnh nhân cùng trả tiền với Nhà nước đã ngăn ngừa được sự lãng phí. Một bệnh nhân điều trị ở bệnh viện của nhà nước trả viện phí được trợ cấp ở mức đến 80 %, tùy thuộc vào loại phòng mà người đó chọn. Khi thu nhập tăng, những phòng có giá thấp, được hưởng trợ cấp nhà nước cao ít được chọn hơn, bệnh nhân thường chọn những phòng tiện nghi hơn nhưng trợ cấp ít hơn. Chúng tôi đã xem xét nhưng đã bác bỏ việc thẩm tra mức thu nhập của mỗi người để xác định loại phòng nào mà bệnh nhân được quyền sử dụng; vì nó sẽ rất khó để thực thi. Thay vào đó, chúng tôi đã khuyến khích mọi người nên chọn phòng hợp với túi tiền của họ bằng cách thực hiện sự khác biệt rõ ràng về tiện nghi giữa các loại phòng khác nhau. Thế là sự tự khai mức thu nhập lại có hiệu lực. Việc tăng thu nhập dẫn đến kết quả tiền tiết kiệm Medisave cao, khiến mọi người cảm thấy đủ sung túc để chọn những phòng thích hợp với họ hơn.

Chúng tôi đã cho phép dùng Medisave để trả lệ phí tại các bệnh viện tư, theo các khung giá cho các đối tượng khác nhau. Sự cạnh tranh này nhằm tạo sức ép các bệnh viện nhà nước nâng cao chất lượng dịch vụ của họ. Nhưng chúng tôi không cho phép dùng Medisave cho các dưỡng đường hoặc các bác sĩ đa khoa tư khám bệnh nhân ngoại trú. Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều người đi khám những bệnh nhẹ không cần thiết nếu họ có thể trả từ Medisave hơn là họ phải trả từ lương hàng tháng của họ.

Vào năm 1990, chúng tôi đã bổ sung thêm quỹ MediShield, một loại bảo hiểm không bắt buộc dành cho chi phí những căn bệnh ngặt nghèo. Phí bảo hiểm có thể được trả bằng tài khoản Medisave. Vào năm 1993, chúng tôi dùng ngân khố quốc gia để thành lập Medifund, quỹ này dùng cho những người đã dùng hết Medisave và MediShield và không có gia đình trực hệ để nuơng tựa. Họ có thể khước từ mọi lệ phí mà sau này sẽ được trả từ Medifund. Vì vậy, trong khi không có công dân nào bị tước đoạt sự chăm sóc y tế cơ bản, chúng tôi đã không bị tiêu hao tài chính vượt quá khả năng cũng như không có những người xếp hàng dài đợi giải phẫu.

Một vấn đề lớn khác mà chúng tôi cần phải giải quyết là lương hưu khi công nhân đã lớn tuổi, không đủ sức để làm việc. Ở châu Âu và Mỹ, chính phủ cung cấp những khoản lương hưu này bằng tiền của những người đóng thuế. Chúng tôi quyết định rằng mọi công nhân nên tích lũy tiền tiết kiệm riêng của họ trong CPF để dành lúc tuổi già. Vào năm 1978, chúng tôi cho phép được dùng CPF như một quỹ tiền tiết kiệm cá nhân để đầu tư. Đầu năm đó, chính phủ đã chỉnh trang lại các dịch vụ xe buýt của Singapore. Sau đó, chúng tôi đã thành lập Dịch vụ Xe buýt Singapore (Singapore Bus Services – SBS), được niêm yết trên thị trường chứng khoán, và cho phép các thành viên dùng 5.000 đôla Singapore trong quỹ CPF để mua cổ phiếu SBS trong đợt phát hành đầu tiên. Tôi muốn nó có quyền sở hữu cổ phiếu rộng lớn nhất để lợi nhuận sẽ quay trở lại với công nhân, những khách hàng thường xuyên của phương tiện giao thông công cộng. Điều này cũng làm giảm nhu cầu vé xe rẻ và nhu cầu tiền trợ cấp chính phủ cho phương tiện giao thông công cộng.

Sau thành công này, chúng tôi đã tự do hóa việc sử dụng CPF để đầu tư vào bất động sản tư nhân, thương mại, công nghiệp, chứng khoán của người tín thác, công ty đầu tư tín thác và vàng. Nếu tiền đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với lãi suất CPF, họ có thể rút số tiền thừa ra khỏi CPF. Chúng tôi đã có những biện pháp bảo vệ nhằm ngăn các thành viên bị thua lỗ hết số tiền tiết kiệm của họ. Đến năm 1997, đã có một triệu rưỡi thành viên CPF đầu tư vào cổ phần và cổ phiếu, đa phần là những cổ phiếu blue–chip trên thị trường chứng khoán của Singapore.

Khi chúng tôi thả nổi Công ty Singapore Telecom (Công ty Viễn thông Singapore) vào năm 1993, chúng tôi đã bán phần lớn cổ phiếu của nó với giá bằng một nửa giá trị của chúng trên thị trường cho tất cả các công dân trưởng thành. Chúng tôi thực hiện điều này để tái phân phối phần thặng dư mà chính phủ đã tích lũy qua những năm tăng trưởng đều đặn. Chúng tôi muốn người dân Singapore có cổ phần trong một công ty Singapore quan trọng và có một lợi ích hữu hình trong sự thành công của đất nước.

Nhằm ngăn cản nạn “đầu cơ cổ phiếu”, bán cổ phiếu ngay để lấy tiền, như đã xảy ra khi Anh quốc tư nhân hóa Công ty Viễn thông Anh quốc, chúng tôi đã thưởng cho các cổ đông phần lợi tức bổ sung sau năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ tư và năm thứ sáu, nếu họ không bán cổ phiếu gốc. Điều này đã mang đến kết quả là 90 % lực lượng Lao động đã sở hữu cổ phiếu của công ty Singapore Telecom, có lẽ đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Sau khi quan sát cách mọi người bảo quản căn hộ họ sở hữu hoàn toàn khác biệt với cách bảo quản các căn hộ họ đã thuê, tôi tin rằng ý thức sâu xa về quyền sở hữu đã trở thành bản năng trong mỗi con người. Trong suốt các cuộc bạo động chủng tộc vào những năm 50 và đầu những năm 60, những người tham gia vào cuộc bạo động, ném đá vào kính chắn gió xe hơi, lật tung xe và đốt chúng. Khi các cuộc bạo động nổ ra vào giữa những năm 60, sau khi họ đã sở hữu nhà và tài sản, họ hành động hoàn toàn khác. Tôi đã chứng kiến cảnh các thanh niên mang xe máy đậu trên đường để giữ gìn cầu thang của khu nhà HDB của họ. Tôi đã củng cố được quyết tâm cung cấp cho mọi gia đình tài sản mà tôi tin rằng họ sẽ bảo vệ, đặc biệt là nhà của họ. Tôi đã không lầm.

Chúng tôi đã tái phân phối của cải bằng cách tăng tài sản, chứ không phải trợ cấp cho tiêu dùng. Những người không chiến thắng các giải thưởng hàng đầu trong thị trường tự do vẫn nhận được những giải thưởng an ủi có giá trị vì họ đã tham gia vào cuộc đua maratông của cuộc đời. Những người muốn tiêu tiền có thể bán một số tài sản của họ. Điều có ý nghĩa đặc biệt là chỉ một ít người đã tiêu hết tài sản của họ. Thay vào đó, họ đã đầu tư và đã tăng nguồn tài sản, và họ chỉ tiêu phần lợi tức thu được. Họ muốn giữ số vốn để phòng lúc thiếu thốn, và sau đó sẽ để nó lại cho con cháu họ.

Số thành viên của CPF đã tăng từ 420.000 người vào năm 1965 đến hơn 2,8 triệu người với giá trị 85 tỷ đôla Singapore vào năm 1998, không kể 80 tỷ đôla Singapore đã được rút ra để trả cho các ngôi nhà HDB, các tài sản tư nhân và đầu tư vào cổ phiếu. Hầu như mọi công nhân đều có quỹ tiền hưu riêng. Sau khi qua đời, số tiền tiết kiệm CPF thừa của công nhân sẽ được quyết toán theo di chúc của họ không chậm trễ và không cần thủ tục tòa án.

Xem xét việc chi phí cho phúc lợi xã hội liên tục tăng của Anh và Thụy Điển, chúng tôi đã quyết định không dùng hệ thống không hiệu quả này. Chúng tôi nhận thấy vào những năm 70, khi các chính phủ đảm nhiệm phần lớn nhiệm vụ cơ bản của một trụ cột gia đình, thì sự nỗ lực của mọi người đã giảm xuống. Phúc lợi đã hủy hoại đức tính tự lực. Mọi người đã không phải làm việc cho sự tồn tại của gia đình họ. Việc nhận tiền trợ cấp đã trở thành một lối sống. Sự giảm sút liên tục xảy ra không ngừng khi động cơ và năng suất giảm. Mọi người đã đánh mất động cơ để thành đạt vì họ phải đóng thuế quá nhiều. Họ trở nên lệ thuộc vào chính phủ về những nhu cầu cơ bản của họ.

Chúng tôi nghĩ cách tốt nhất là củng cố truyền thống Nho giáo, rằng người đàn ông nên chịu trách nhiệm về gia đình của anh ấy – bố mẹ, vợ và con cái. Chúng tôi đã quen đối mặt với sự chỉ trích và sự công kích thường xuyên từ các Đảng đối lập và các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, qua những phóng viên của họ ở Singapore, về việc đã theo đuổi những chính sách hà khắc và từ chối trợ cấp cho tiêu dùng. Thật khó mà chống lại những lời hứa hấp dẫn về phúc lợi của phe đối lập trong suốt những cuộc bầu cử. Vào những năm 60 và 70, sự thất bại của hệ thống phúc lợi xã hội ở châu Âu vẫn chưa rõ ràng. Phải mất hai thế hệ cho những thiệt hại từ trước đến giờ bộc lộ và được biểu hiện qua thành tích của cá nhân giảm, tốc độ tăng trưởng chậm và thâm hụt ngân sách tăng. Chúng tôi cần thời gian để làm tăng tiền tiết kiệm CPF, và có nhiều người sở hữu nhà. Chỉ như thế thì mọi người mới không muốn gởi tiền tiết kiệm cá nhân của họ vào một quỹ chung dành cho tất cả mọi người để có “quyền” hưởng phúc lợi giống nhau, sở hữu cùng một loại nhà, hoặc được hưởng cùng mức độ tiện nghi trong bệnh viện. Tôi chắc rằng họ sẽ thích làm việc nhiều hơn để tăng thu nhập nhằm trả cho những nhu cầu của họ, như về kích thước và chất lượng của ngôi nhà hoặc về mức độ tiện nghi trong bệnh viện. Thật may mắn là tôi có thể vượt qua những chỉ trích này trong các cuộc bầu cử liên tiếp cho đến những năm 80, khi các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây chính thức xác nhận sự thất bại của hệ thống phúc lợi xã hội của họ.

Quỹ CPF đã mang lại một xã hội mới. Những người có nhiều tiền tiết kiệm và tài sản có một quan điểm về cuộc sống khác hẳn. Họ ý thức được về sức mạnh của họ và có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn. Họ không còn nhiễm “hội chứng hưởng thụ”, nghĩa là sau khi đóng phí bảo hiểm y tế, họ có thể được khám bệnh và trả tiền cho các thủ tục y tế thoải mái theo những kiểu mà họ hoặc bác sĩ của họ nghĩ ra.

Để đảm bảo tiền tiết kiệm của mỗi thành viên sẽ đủ dùng lúc về hưu, chúng tôi không đánh thuế vào khoản tiền thừa CPF và những tài sản được mua từ tiền CPF hoặc gán bất kỳ những khoản nợ hoặc khoản tiền bồi thường nào vào quỹ CPF. Các chủ nợ không có quyền lấy những căn nhà HDP được mua từ tiền CPF. Chỉ có HDB mới có thể buộc người sở hữu dùng CPF để trả khoản tiền thế chấp trả góp cho ngôi nhà của họ.

CPF đã cung cấp cho các công nhân một quỹ phúc lợi xã hội tự hạch toán toàn diện tương đương với hệ thống trợ cấp dưỡng lão hoặc chương trình trợ cấp bắt buộc, mà không chuyển gánh nặng cho thế hệ công nhân tiếp theo. Thật công bằng hơn và hợp lý hơn khi mỗi thế hệ trả các chi phí cho bản thân nó và mỗi người tiết kiệm cho quỹ hưu của mình.

Quỹ CPF và quyền sở hữu nhà đã đảm bảo sự ổn định chính trị – nền tảng của sự tăng trưởng và phát triển không ngừng của Singapore trong hơn 30 năm qua. Người Singapore không giống như những người dân sống ở Hong Kong, Đài Loan, Seoul hay Tokyo, mặc dù nhận được lương cao nhưng phải chi phần lớn tiền lương để trả tiền thuê những căn phòng nhỏ mà họ sẽ không bao giờ sở hữu được. Những cử tri như thế sẽ không tái bầu cho đảng PAP với đa số phiếu trong các cuộc bầu cử liên tiếp.

Để thực thi một hệ thống an sinh xã hội như CPF, nền kinh tế đòi hỏi lạm phát thấp và lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát. Mọi người phải tin rằng tiền tiết kiệm của họ sẽ không biến mất do lạm phát hoặc mất giá so với các đồng tiền khác. Nói cách khác, các chính sách ngân sách và tài chính hợp lý là những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của CPF.

Nếu chúng tôi không tái phân phối số tiền do quần chúng tạo ra nhờ cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường tự do, chúng tôi sẽ làm giảm ý thức đoàn kết của người Singapore, làm giảm cảm giác rằng mọi người cùng chia sẻ một vận mệnh chung. Tôi có thể giải thích rõ ràng hơn sự cần thiết về cân bằng giữa sự cạnh tranh cá nhân và sự đoàn kết tập thể bằng cách dùng phép ẩn dụ của biểu tượng phương Đông âm và dương, hình dạng hai con cá tạo thành một vòng tròn. Âm đại diện cho phái nữ và dương đại diện cho phái nam. Sự cạnh tranh của dương càng nhiều trong xã hội thì tổng số thành tích càng cao. Nếu người chiến thắng có tất cả, sự cạnh tranh sẽ rất mạnh mẽ, nhưng sự đoàn kết tập thể sẽ yếu đi. Sự đoàn kết của âm càng mạnh, với tiền thưởng được tái phân phối bằng nhau, thì sự đoàn kết tập thể càng mạnh hơn, nhưng tổng số thành tích càng giảm vì giảm cạnh tranh.

Trong xã hội châu Á của Singapore, cha mẹ luôn muốn con cái họ vào đời thuận lợi hơn bản thân họ. Vì gần như mọi người dân Singapore đều xuất thân từ dân nhập cư, nên khát khao về an ninh, đặc biệt cho con cái của họ, là rất mãnh liệt. Việc sở hữu tài sản thay vì sống dựa vào phúc lợi đã tạo cho mọi người quyền và trách nhiệm quyết định nên dùng tiền của họ vào việc gì.

Sẽ luôn luôn có những thành phần thiếu trách nhiệm và bất tài chiếm khoảng 5 % dân số của chúng tôi. Họ sẽ sử dụng phung phí bất kỳ tài sản nào, dù là nhà cửa hay cổ phiếu. Chúng tôi cố gắng giúp họ càng có khả năng độc lập càng tốt và không kết thúc cuộc đời tại các cơ sở phúc lợi. Quan trọng hơn, chúng tôi cố gắng cứu con cái họ tránh lặp lại con đường xấu của bố mẹ chúng. Chúng tôi đã sắp xếp giúp đỡ nhưng theo một cách mà chỉ có những người không còn sự lựa chọn nào khác mới nhận nó. Điều này hoàn toàn đối lập với quan điểm ở phương Tây, nơi những người theo chủ nghĩa tự do khuyến khích quần chúng tích cực đòi hỏi các quyền của họ mà không có cảm giác xấu hổ nào, khiến gây ra một sự bùng nổ về chi phí phúc lợi.

Các chính sách của chúng tôi đã giúp người dân nỗ lực để đạt những kết quả tốt nhất. Sự ổn định tiền tệ, một ngân sách cân bằng và mức thuế thấp đã khuyến khích sự đầu tư đa dạng và năng suất cao. Ngoài số tiền tiết kiệm cưỡng bách chiếm 40 % tiền lương, nhiều người còn gửi tiền tiết kiệm tự nguyện vào Ngân hàng Tiết kiệm Bưu chính, sau này được gọi là POS Bank. Tất cả điều này đã giúp chính phủ trả chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sá, cầu, sân bay, hải cảng lớn, nhà máy điện, bể chứa nước và một hệ thống giao thông công cộng nhanh của thành phố. Bằng cách tránh chi tiêu lãng phí, chúng tôi đã giữ được lạm phát thấp và không cần vay vốn từ các quỹ nước ngoài. Từ những năm 60, chúng tôi đã có thặng dư ngân sách hàng năm, ngoại trừ những năm 1985 đến 1987, khi chúng tôi đang trong cuộc khủng hoảng. Chi tiêu chính phủ đạt trung bình 20 % GDP, so với số trung bình là 33 % trong các nền kinh tế G7. Mặt khác, chi tiêu phát triển của chúng tôi thường cao hơn nhiều so với chi tiêu phát triển của các nước G7.

Trong hầu hết các năm, chúng tôi đã nhằm vào việc tăng thu nhập đủ để chi trả cho chi phí hoạt động và đầu tư phát triển, và cũng đạt sức cạnh tranh quốc tế trong cơ cấu thuế của chúng tôi. Vào năm 1984, thuế trực thu chiếm 2/3 tổng số tiền thu thuế. Chúng tôi đã giảm dần thuế thu nhập cá nhân và thu nhập công ty, cho đến khi thuế trực thu chiếm khoảng 1/2 tổng số tiền thu thuế vào năm 1996, so với mức 3/4 trong các nền kinh tế G7. Chúng tôi đã chuyển từ đánh thuế thu nhập sang đánh thuế tiêu dùng. Thuế suất thu nhập biên tế cho các cá nhân đã được giảm từ 55 % vào năm 1965 xuống còn 28 % vào năm 1996. Thuế suất các công ty là 40 % đã được giảm xuống còn 26 % trong cùng kỳ. Singapore không có vốn thu từ thuế. GST (Goods and Services Tax) của chúng tôi (thuế hàng hóa và dịch vụ, tương đương với VAT) là 3 %. Thuế nhập khẩu của chúng tôi khoảng 0,4 %.

Lúc đầu chúng tôi đã đánh thuế bất động sản, dựa vào triết học xã hội chủ nghĩa người Anh là đánh thuế nặng người giàu có. Nhưng những luật sư và những kế toán thuế giỏi đã làm cho các nhân viên thu thuế thu được rất ít. Vào năm 1984, chúng tôi đã giảm thuế bất động sản từ mức cao nhất là 60 % xuống giữa 5 % và 10 %, tùy thuộc vào giá trị của bất động sản. Chúng tôi đã thu được nhiều tiền thuế hơn vì những người giàu có nhận thấy không còn đáng trốn thuế bất động sản nữa. Chúng tôi có khoản thu ngoài thuế từ nhiều loại phí của người sử dụng. Mục đích của chúng tôi là thu hồi một phần hoặc toàn bộ phí tổn dành cho hàng hóa và dịch vụ mà nhà nước cung cấp. Điều này đã kiểm soát sự tiêu dùng quá độ các dịch vụ công cộng được trợ cấp và giảm sự lệch lạc trong phân bổ các nguồn lực.

Sự tăng trưởng liên tục bảo đảm sự ổn định, điều này đã khuyến khích đầu tư và những đầu tư này đã tạo ra của cải. Vì đã thực hiện những quyết định khó khăn ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã tạo được một chu kỳ hoàn hảo: chi tiêu thấp, tiền tiết kiệm cao; lạm phát thấp, đầu tư cao. Chúng tôi đã tích lũy được nhiều tài sản trong suốt 30 năm tăng trưởng mạnh vừa qua với một lực lượng Lao động tương đối trẻ. Trong 20 năm tới, sự tăng trưởng kinh tế của chúng tôi sẽ giảm vì dân số già. Mức tiết kiệm cá nhân sẽ giảm, và chi phí sức khỏe sẽ tăng lên nhanh chóng với nhiều người già, bởi vì lúc đó tỷ lệ người đóng thuế trong dân số sẽ giảm. Chúng tôi có thể giải quyết một phần của vấn đề bằng cách thực hiện các bước ngay từ đầu để đảm bảo người già sẽ có số tiền tiết kiệm Medisave lớn; giải pháp tốt hơn là thu hút những người nhập cư có trình độ và tài năng để mở rộng nguồn nhân lực có tài và tăng GDP và thu nhập tài chính. Chính phủ phải tăng cường hỗ trợ tài chính và quản lý hành chính cho nhiều công trình phúc lợi công cộng lên cao hết mức mà các tình nguyện viên xã hội có thể đảm trách việc hướng dẫn và giám sát. Tất cả sự điều chỉnh nhằm làm tăng vòng quay của nền kinh tế này sẽ không bao giờ có thể diễn ra nếu những người cộng sản vẫn giữ được ảnh hưởng tai hại của họ. Thay vì vậy, các nhà lãnh đạo trên mặt trận công khai của họ đã lúng túng và do dự sau khi Singapore trở nên độc lập năm 1965. Họ tự rút khỏi vũ đài hợp hiến, để mặc cho PAP hoạch định chương trình hành động. Chúng tôi đã nắm bắt cơ hội và định hướng lại nền chính trị của Singapore.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx