sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 08 phần 2

Chúng tôi có lý do chắc chắn khi đòi điều tra Francia Seow. Chúng tôi biết ông ta nợ một ngân hàng Singapore khoảng 350.000 đôla Singapore, đó là số tiền vay không trả trong nhiều năm. Vào năm 1986, khi ngày bầu cử đến gần, ngân hàng đòi nợ và ông ta đã có khả năng chi trả. Số tiền đó từ đâu ra? Chúng tôi tịch thu sổ sách của ông ta để kiểm tra thuế thu nhập, rõ ràng ông ta không có tiền để thanh toán món nợ. Ông ta thề trong bản khai rằng món nợ đó do một người bạn gái của ông ta, hay như cách ông ta gọi là hôn thê của ông ta, cô Mei Siah đã trả. Vào năm 1989, sau khi Seow đào tẩu khỏi Singapore, ở Bangkok cô ta kể với Keng Swee rằng cô ta được một thương nhân Singapore yêu cầu cho Seow mượn tiền. Một Tổng giám đốc điều hành của một công ty lớn từng là nhân tình của Mei Siah trong vài năm kể với chúng tôi rằng cô ta cực kỳ chi li chuyện tiền bạc và chẳng bao giờ bỏ ra 350.000 đôla Singapore cho ai, và rằng cô ta vẫn còn nợ ông ta nhiều hơn số tiền đó. Điều này làm nảy sinh ý nghĩ cho rằng số tiền đó đến từ một cơ quan vụ lợi nào đó.

Một vấn đề cấp thiết là trực tiếp đối đầu với những kẻ buộc tội tôi tham nhũng hay lạm dụng quyền lực. Tôi luôn luôn đương đầu với những luận điệu như vậy. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, những luận điệu tố cáo hối lộ và tham nhũng ngay tại thời điểm bầu cử là chiêu thức kinh điển và đừng bao giờ đối phó với những luận điệu như vậy, vì e rằng sẽ gây bất lợi lớn hơn nếu người kiện không đương đầu nổi cuộc thẩm vấn tại tòa. Tôi chỉ tiến hành sau khi đã tham khảo ý kiến của những nhà tư vấn cả ở Singapore lẫn ở Anh, bởi vì nếu hành động của tôi thất bại thì bản thân tôi phải gánh chịu những chi phí nặng cho các luật sư riêng của tôi và những luật sư của đối thủ. Mặt khác, tôi chưa bao giờ bị kiện vì tội Phi báng vì tôi không bao giờ bôi nhọ ai một cách sai quấy. Khi tôi nói điều gì đó về đối thủ, tôi đã có đủ chứng cứ để hậu thuẫn cho câu nói của tôi và đối thủ của tôi biết điều đó.

Vụ kiện chống lại sự Phi báng đầu tiên của tôi vào năm 1960 là nhằm bảo vệ văn phòng thủ tướng, chống lại Syed Ja'afar Albar, khi đó là Tổng Thư ký của UMNO. Lúc ấy chúng tôi vẫn còn thuộc Malaysia. Ông ta đã phát biểu trên tờ Utusan Melayu, một tờ báo Malay do UMNO sở hữu, rằng: “Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu là một nhân viên của cộng sản và chế độ Djakarta, một chế độ có mưu đồ hủy diệt Malaysia. Lý Quang Diệu có mưu đồ hủy diệt Malaysia và chia rẽ người Malay với người Hoa ở Malaysia để họ chống lại nhau.” Albar và tờ Utusan Melayu không bào chữa, họ xin lỗi và chịu phí tổn hầu tòa cho tôi.

Tôi còn kiện các ứng cử viên phe đối lập đã buộc tội tôi tham nhũng trong các cuộc vận động bầu cử. Điển hình vào năm 1972, khi một người trong số họ phát biểu bằng tiếng Hoa rằng bất cứ ai muốn mua hoặc chuyển nhà kiểu HDB, hãy đến Lee & Lee, đó là công ty luật mà vợ tôi là một cổ đông lớn. Đa phần những ứng cử viên này là những người vô sản, họ không tự bảo vệ và chấp nhận mất tiếng tăm.

Luật sư J.B. Jeyaretnam là một ngoại lệ. Tại cuộc vận động bầu cử năm 1976, ông ta đưa ra luận điệu rằng tôi đã dành những khoản ưu đãi cho công ty Lee & Lee và gia đình tôi, rằng tôi thực hiện gia đình trị và tham nhũng, cũng như không thích hợp với cương vị thủ tướng. Tôi lại được tiền bồi thường và án phí. Jeyaretnam kháng án đến Hội đồng Cơ mật ở London và đã thất bại.

Vào năm 1988, sau hơn một thập niên, một lần nữa tại một cuộc vận động bầu cử, Jeyaretnam nói bóng gió rằng tôi đã đẩy Teh Cheang Wan (Bộ trưởng Phát triển Quốc gia) đến chỗ tự tử; rằng tôi muốn ngăn chặn một cuộc điều tra toàn diện về những luận điệu tố cáo tôi tham nhũng bởi vì những luận điệu như thế sẽ làm giảm lòng tin của dân chúng dành cho tôi. Ông ta đã có thể làm dấy lên vụ tự tử của Teh cách đó hai năm, nhưng đã không làm mà chờ mãi cho đến thời điểm bầu cử. Tôi lại được bồi thường danh dự và án phí.

Tôi kiện tuần báo Far Eastern Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông) do một người Mỹ làm chủ, đặt trụ sở ởHong Kong và biên tập viên của tờ báo là Derek David. Ông ta từ chối rút lại và xin lỗi về việc trích dẫn câu nói của Edgar D'Souza, một vị giám mục bỏ đạo cho rằng Chính phủ đã tấn công Nhà thờ Công giáo bằng việc giam giữ 16 người phản loạn theo chủ nghĩa Mark. Tôi ngồi vào ghế nhân chứng và bị QC[10] của tuần báo Review thẩm vấn liên tục hơn hai ngày. Rồi đến lượt biên tập viên Derek David trả lời, anh ta không cung cấp được chứng cứ khi bị thẩm vấn. Anh ta đã không yêu cầu D'Souza xác nhận những gì được đăng tải. Cuối cùng thẩm phán tuyên án chống lại tờ báo và biên tập viên.

[10] QC: Luật sư Hoàng gia Anh.

Một trường hợp khác là vụ kiện tờ International Herald Tribune (IHT), tờ báo này thuộc sở hữu của tờ New York Times và tờ Washington Post, về việc cho xuất bản trong số ra ngày 2/8/1994 một bài viết Phi báng của Philip Bowring, anh ta là người phụ trách chuyên mục trước đây của tờ Far Eastern Economic Review. Bowring viết: ”Trong hoàn cảnh của người Trung Hoa, lịch sử dường như bao gồm một trận chiến giữa nhu cầu tập thể của quốc gia với quyền lợi của những gia đình điều hành nó. Nền chính trị quân chủ hiển nhiên đã tồn tại ở Trung Hoa 'Cộng sản' cũng như ở Singapore, mặc cho những lời cam kết chính thức về một chế độ do những người có năng lực lãnh đạo”. Loong, con trai tôi được bầu vào nghị viện năm 1984 và rõ ràng đó là những gì Bowring muốn ám chỉ. IHT thừa nhận trên báo của họ rằng những lời nêu trên là Phi báng và có ý muốn nói tôi thu lợi cho dòng họ Lý bằng những thiệt hại trong nhu cầu chung của đất nước. IHT xin lỗi, bồi thường danh dự và án phí cho tôi.

Vào ngày 2/6/1996, tờ Yazhou Zhoukan (Tuần báo châu Á) tiếng Hoa trích dẫn lời phát biểu của luật sư Tang Liang Hong với giọng điệu cho rằng có sự tham nhũng trong việc tôi mua hai căn hộ. Ngay lập tức, tuần báo thừa nhận lời bôi nhọ và bỏ ra một số tiền lớn để dàn xếp vấn đề này. Tuy nhiên, Tang không chịu xin lỗi và rút lại lời nói. Sáu tháng sau đó, tại một cuộc mít tinh kết thúc cuộc vận động bầu cử, Tang càng lún sâu vào tội Phi báng bằng lời phát biểu rằng một khi anh ta chen chân vào được nghị viện, anh ta sẽ phanh phui vấn đề này ra, và rằng: “Đây là một đòn chết người”. Thẩm phán tòa án cho biết ngay sau khi bài phát biểu Phi báng được đăng trên báo, Tang đã chuyển một số tiền đáng kể từ tài khoản của vợ vào tài khoản của anh ta ở Johor Bahru, đây là nơi nằm ngoài pháp quyền của Singapore, để rút hết khả năng chi tiêu vượt mức của cô ta. Thẩm phán nói rằng: “Đây là chứng cớ rõ ràng của một thủ đoạn ranh ma”. Khi Tang trốn khỏi Singapore và không ra hầu tòa, phán quyết có lợi cho tôi. Về việc kháng án, luật sư Hoàng gia Anh của Tang ở London không phản đối ý nghĩa của lời bôi nhọ và kháng án được bãi miễn.

Các đối thủ của tôi chờ những cuộc bầu cử được tiến hành để tuôn ra những lời vu khống, với hy vọng giáng cho tôi một đòn nặng nề. Nếu tôi không khởi kiện thì những luận điệu này sẽ giành được lòng tin của dân chúng. Những nhà chỉ trích tự do phương Tây thuyết phục tôi rằng uy tín của tôi không thể nào bị bôi nhọ, bởi vì không ai tin vào những điều xấu xa mà họ đã nói về tôi, vì thế tôi nên rộng lượng bỏ qua thay vì kiện tụng đòi bồi thường danh dự. Nhưng người ta không tin vào những lời bôi nhọ là vì chúng bị tôi phản bác lại một cách hùng hồn. Nếu tôi không kiện, tôi sẽ bị coi như có điều gì mờ ám bên trong.

Trong trường hợp Tang, việc tôi mua hai căn hộ đã một thời là vấn đề chính trị nóng bỏng. Nếu tôi không kiện Tang về bài phát biểu trên tờ Yazhou Zhoukan thì trong cuộc tổng tuyển cử tiếp sau đó anh ta sẽ bước vào chính trường với những luận điệu ngông cuồng hơn. Khi đó sẽ quá muộn để bác lại anh ta, và ngay cả những người ủng hộ PAP cũng lo lắng rằng liệu tôi có phạm sai lầm hay không. Song, do dân chúng Singapore biết tôi sẽ luôn đấu tranh với bất kỳ điều Phi báng dối trá nào, nên khi Tang Phi báng tôi, ngay lập tức anh ta chuẩn bị cho hậu quả của việc làm sai trái này bằng cách chuyển tất cả tiền bạc ra khỏi Singapore.

Còn có một lý do chính yếu nữa để khởi kiện những kẻ Phi báng tôi là vì từ những thập niên 50, chúng tôi đã thiết lập một bầu không khí chính trị mà trong đó các chính trị gia phải biện hộ trước bất kỳ luận điệu dối trá hay sai phạm nào.

Các nghị sĩ ở phe đối lập cũng khởi kiện khi họ bị Phi báng. Chiam See Tong thắng kiện hai Bộ trưởng PAP là Howe Yoon Chong và S. Dhanabalan, người đã dàn xếp các vụ kiện cáo bên ngoài tòa án. Năm 1981, Jeyaretnam kiện Goh Chok Tong lúc đó là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, nhưng thất bại. Ông ta kháng án lên Hội đồng Cơ mật nhưng thua kiện. Các cử tri luôn chờ đợi bất kỳ luận điệu sai phạm hay dối trá nào được thử thách trước tòa. Các bộ trưởng PAP làm cho dân chúng phải nể trọng họ bởi vì họ sẵn sàng bị tra hỏi hay bị thẩm vấn trước tòa về bất kỳ việc làm sai trái nào bị lên án. Những người đưa ra luận điệu cho rằng các hành động chống lại sự bôi nhọ của tôi được đưa ra nhằm đập tan tiếng nói của phe đối lập đã không hiểu được rằng, trên đất nước này, nơi mà tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu và gia đình trị vẫn còn là một dịch bệnh thì những tố cáo dối trá về tham nhũng sẽ rất dễ được người ta tin.

Một vài người chỉ trích đưa ra luận điệu rằng các thẩm phán của chúng tôi quá dễ dãi và thiên lệch. Tuy nhiên, các thẩm phán xét xử những vụ kiện này là những thành viên lâu năm của tòa với vị trí và danh tiếng đã được công nhận. Những phán quyết của họ được đăng tải và phát hành trong các bản tin pháp luật và được trích làm án lệ trước sự xem xét kỹ lưỡng của hơn 2.000 luật sư tại tòa cũng như của các giáo sư và sinh viên khoa luật Đại học Quốc gia Singapore.

Luận điệu cho rằng chúng tôi dùng bộ máy tư pháp trong các vụ kiện Phi báng nhằm mục đích làm suy sụp những kẻ đối lập về chính trị của chúng tôi đã đến đỉnh điểm khi tờ International Herald Tribune (IHT) số ra ngày 7/10/1994 đăng bài viết của Christopher Lingle, một giảng viên người Mỹ thuộc Đại học Quốc gia Singapore, ông ta tấn công tôi: “Những hệ thống cai trị cố chấp trong khu vực cho thấy sự khéo léo đáng kể trong các phương pháp đàn áp sự chống đối của họ… Những kẻ tinh tế hơn thì dựa vào bộ máy tư pháp sẵn sàng tuân theo họ để làm suy sụp những chính trị gia thuộc phe đối lập”. Tôi kiện biên tập viên, nhà xuất bản và tác giả bài báo. Sự hiện diện của các phương tiện truyền thông của nước ngoài làm mở rộng tính công khai, cả biên tập viên lẫn nhà xuất bản thông qua luật sư của họ đã thừa nhận đó là điều Phi báng và đã xin lỗi tôi. Tòa xử IHT phải bồi thường. Để tránh bị thẩm vấn tại tòa, Lingle chuồn khỏi Singapore khi án lệnh ban hành.

Thay vì đàn áp phe đối lập hay các tờ báo tấn công một cách phi lý vào uy tín của tôi, tôi đã đặt cuộc sống riêng và những hoạt động xã hội của tôi dưới sự xoi mói khắt khe, bất cứ lúc nào tôi xuất hiện trước tòa với tư cách nguyên đơn. Không có lý lịch trong sạch, hẳn sẽ là một mối nguy không cần thiết. Nhờ giữ được lý lịch trong sạch và dùng các khoản tiền thắng kiện góp cho các tổ chức cứu tế xứng đáng được trợ giúp, nên tôi đã giữ được chỗ đứng của mình trong lòng nhân dân.

Để giữ vững trung lập và thắng cử, chúng tôi phải đảm trách các chương trình nghị sự chính trị. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách không để bị thua trong cuộc tranh luận với những người chỉ trích chúng tôi. Họ phàn nàn rằng tôi phê phán quá kịch liệt lập luận của họ. Song những ý kiến sai cần phải được làm rõ trước khi chúng ảnh hưởng đến dư luận và gây rắc rối. Những người vốn tỏ ra nhạy bén trong việc làm tổn hại chính phủ không nên than phiền nếu như những đối đáp của tôi cũng sắc sảo như những lời chỉ trích của họ.

Cùng lúc đó, đảng PAP tìm đến những người ngoài đảng, tìm đến thế hệ trẻ Singapore là những người được giáo dục tốt hơn và hiểu biết hơn, cũng như những người muốn tham gia bàn luận tình hình đất nước. Đa số phiếu trong nghị viện thuộc về đảng PAP cùng với một số lượng ít ỏi nghị sĩ của đảng đối lập đã khiến công chúng cảm thấy các quan điểm khác không được bộc lộ thích đáng trong nghị viện. Vào năm 1990, chúng tôi thay đổi hiến pháp nhằm tạo điều kiện cho một số ít nghị sĩ không tranh cử vào nghị viện, gọi là nghị sĩ được tiến cử (nominated), để phản ánh những quan điểm vô tư và trung lập của họ. Chiến lược này hóa ra rất hay, nó khuyến khích những người có phẩm chất tốt nhưng không thuộc đảng PAP bước vào nghị viện. Những nghị sĩ này đóng vai trò kiến thiết, xem xét thận trọng những sai sót của các chính sách nhà nước, phản biện để nhà nước nghiêm chỉnh sửa đổi. Điển hình là Walter Woon đã chuyển đến một dự luật được nghị viện thông qua và trở thành Đạo luật về tiền cấp dưỡng của cha mẹ.

Sau cuộc bầu cử 1984, chúng tôi thành lập Cơ quan Phản hồi để cho công chúng có thể bày tỏ quan điểm về các chính sách thông qua các diễn đàn và các phiên họp có phản hồi. Các nghị sĩ chủ trì các phiên họp tỏ ra nhiệt thành khẩn khoản xin ý kiến, chứ không phải thuyết phục công chúng. Điều này khuyến khích công chúng nói thẳng và nói thật. Không phải tất cả các ý kiến đối nghịch đều đảo lộn các chính sách của chính phủ, trái lại sự phản hồi giúp cho chính phủ cải tiến các chính sách của mình.

Sau khi tách khỏi Malaysia năm 1965 và khi lực lượng Anh bắt đầu rút quân vào năm 1968, các cuộc bầu cử thường là những cuộc trưng cầu dân ý để biết tỷ lệ người ủng hộ chúng tôi chứ không phải là liệu chúng tôi có thắng hay không. Tỷ lệ phần trăm số phiếu dành cho đảng PAP có khuynh hướng giảm xuống vào giữa thập niên 1980, chủ yếu vì số cử tri trẻ ngày càng gia tăng, những cử tri này vốn không trải qua các cuộc đấu tranh trước đây nên không gắn bó với đảng PAP. Họ muốn một đảng đối lập kiểm soát PAP, gây áp lực với chính quyền để có nhiều nhượng quyền hơn và để làm dịu đi các chính sách cứng rắn. Điều này chắc chắn dẫn đến ngày càng có ít người xứng đáng được bầu và quả thực điều này đã xảy ra.

Khi Thủ tướng Goh kêu gọi tổng tuyển cử năm 1991, phe đối lập thay đổi chiến thuật. Thay vì đưa ra những ứng cử viên, họ bỏ mặc cho đảng PAP giành đa số ghế không tranh trong ngày bổ nhiệm. Họ biết rằng dân chúng cần một vài nghị sĩ của phe đối lập nhưng cũng muốn chắc chắn có trong tay chính quyền PAP. Họ gọi đó là chiến lược bầu cử bổ sung và chiến lược đó có hiệu lực. Low Thia Khiang của đảng Công nhân, một người từng tốt nghiệp Đại học Nanyang và là một người Triều Châu giành được khu vực bầu cử Hougang với đa số người Triều Châu. Hóa ra anh ta là một lãnh tụ giỏi của quần chúng. Đảng SDP do Chiam đứng đầu thắng ba ghế và trở thành đảng lớn mạnh nhất của phe đối lập. Các nghị sĩ của đảng SDP mới không năng động và không đạt được những gì được mong đợi. Chiam thì có tính cầu tiến và có thể thiết lập một đảng chính trị tầm cỡ nếu như ông ta sắc sảo hơn trong việc đánh giá con người. Năm 1992, ông ta tự hào vì đã đào tạo được một diễn giả trẻ tuổi, đáng tin cậy làm ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử bổ sung của ông ta. Chỉ trong vòng hai năm, kẻ được ông ta bảo trợ đã hất cẳng ông ta để giành quyền lãnh đạo và buộc ông ta thành lập một đảng mới.

Trong cuộc bầu cử năm 1997, đảng PAP giành được 83 ghế, mất một ghế cho Khiang và một ghế cho Chiam, người lúc đó đại diện một đảng mới. Số phiếu hợp lệ của đảng PAP tăng khoảng 4 % đến 65 %, đảo ngược xu hướng đi xuống. Chúng tôi đánh bại hai nghị sĩ của đảng SDP, người đã từng chiến thắng vào năm 1991 nhưng bây giờ lại làm các cử tri của họ thất vọng. Đảng PAP phản công chiến lược “Bầu cử bổ sung” của phe đối lập bằng củ cà rốt bầu cử, đó là việc ưu tiên nâng cấp nhà cửa dân cư trong khu vực bầu cử phải phù hợp với lực lượng cử tri ủng hộ đảng PAP trong khu vực bầu cử đó. Chính sách này bị những người theo chủ nghĩa tự do Mỹ chỉ trích là không công bằng, như thể chính sách chi tiền của chính phủ cho các công trình công cộng để tranh thủ phiếu bầu không tồn tại ở những nơi khác.

Các lãnh đạo PAP hiện nay đang xúc tiến thiết lập các mối quan hệ với thế hệ trẻ. Khủng hoảng tài chính 1997 – 1999 trong khu vực là một thử thách đối với thế hệ này, vốn là những người chưa từng trải qua khó khăn gian khổ. Quần chúng và những người lãnh đạo cùng nhau khắc phục những khó khăn để xây dựng một chính quyền mạnh hơn. Cuộc khủng hoảng vừa qua và những khó khăn định kỳ của Malaysia khiến người dân Singapore nhận thức được thực trạng đời sống ở khu vực Đông Nam Á một cách sâu sắc.

Có phải hệ thống chính trị mà tôi và những người cùng chí hướng dày công tạo dựng sẽ ít nhiều còn nguyên vẹn trong thế hệ sau không? Tôi nghi ngờ về điều này. Kỷ nguyên khoa học công nghệ và toàn cầu hóa đang thay đổi cách sống và làm việc của người dân. Người Singapore sẽ có phong cách sống và làm việc mới. Là một trung tâm quốc tế có nền kinh tế dựa vào tri thức trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, chúng tôi luôn luôn bị những ảnh hưởng bên ngoài tác động.

Liệu trong tương lai đảng PAP có tiếp tục thống trị nền chính trị Singapore? Thử thách mà một phe đối lập dân chủ đưa ra sẽ to lớn như thế nào trong tương lai? Điều này sẽ tùy thuộc vào cách các nhà lãnh đạo PAP ứng phó với những đổi thay về nhu cầu và khát vọng của nhân dân có trình độ cao, cũng như những ước mơ dự phần lớn hơn vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Singapore không có nhiều chọn lựa đến mức sẽ có những bất đồng không thể vượt qua giữa những quan điểm chính trị khác nhau trong việc giải quyết những vấn đề của chúng tôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx