sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 10 phần 2

Hầu hết các đồng sự trong nội các của tôi đều chống lại can thiệp này. Chin Chye và Eddie Barker phản đối can thiệp này bởi vì về mặt chính trị điều này quá tai hại. Ngay cả Keng Swee là người có quan điểm cứng rắn và thiết thực, Kim San là người thực dụng đều không nhiệt tình lắm. Họ sẽ sát cánh cùng tôi nếu tôi chọn giải pháp can thiệp, nhưng tại sao phải gây ra một sự công kích chứ? Họ nhớ lại những rắc rối mà chúng tôi đã gặp phải với các trường học tiếng Hoa và Nantah trong những năm 60. Tôi sửng sốt khi Ong Pang Boon, một người học tiếng Hoa ở trường Trung học Confucian, Kuala Lumpur cũng tỏ ra nghi ngờ. Ông ta tán thành với các nghị sĩ từng tốt nghiệp ở Nantah của chúng tôi về tính nghiêm trọng của tình trạng này, nhưng lại âu lo vì phản ứng dữ dội về mặt chính trị của những người đóng góp và ủng hộ Nantah ở Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, tôi không thể chấp nhận viễn cảnh hàng trăm sinh viên ra trường mỗi năm bỏ phí tương lai của họ. Do Nantah không thể đổi chương trình dạy từ tiếng Hoa phổ thông sang tiếng Anh, nên tôi thuyết phục hội đồng Nantah và các thành viên trong ban giám hiệu chuyển toàn bộ đại học này từ giảng viên đến sinh viên sang khuôn viên Đại học Singapore. Cả giảng viên lẫn sinh viên đều sẽ bị buộc phải dùng tiếng Anh khi được gộp chung với đa phần giảng viên và sinh viên nói tiếng Anh ở khuôn viên Bukit Timah của trường.

Dù đội ngũ giảng viên và sinh viên Nantah có nghi ngờ điều gì đi nữa thì họ đã được hòa nhập vào một môi trường nói tiếng Anh ngay đầu năm học 1978. Đa số phụ huynh và sinh viên nói tiếng Hoa chấp nhận đổi từ một đại học nói tiếng Hoa sang một đại học nói tiếng Anh vì điều này là không thể tránh khỏi. Về mặt tình cảm, chống đối nhiều nhất là các nam sinh Nantah. Các nam sinh ở Singapore thông hiểu hơn mặc dầu họ không công khai ủng hộ sự thay đổi này. Song các nam sinh người Malaysia giận dữ và gay gắt trong việc lên án điều họ cho là phản bội. Về phần tôi, tôi buồn vì đã không thể hành động sớm hơn để có thể cứu được hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp Nantah khỏi tình cảnh kinh tế eo hẹp của họ, hoặc bị hụt hẫng bởi vốn liếng tiếng Anh không đáp ứng được yêu cầu công việc của họ.

Đó là một cuộc điều chỉnh gây khó khăn cho sinh viên nhiều hơn là cho đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên Đại học Singapore đảm trách phần lớn việc giảng dạy cho đến khi các giảng viên Nantah lấy lại khả năng lưu loát tiếng Anh của họ. Tôi đã hai lần nói chuyện với các sinh viên để bày tỏ sự cảm thông với những khó khăn của họ và khuyến khích họ bền chí. Cuối cùng khoảng 70 % trong số họ đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp liên trường. Tôi thực hiện một cuộc thăm dò ở những sinh viên đã thi đỗ xem họ muốn nhận bằng của Đại học Singapore, bằng của Nantah hay bằng liên trường, đa số đều muốn nhộn bằng của Đại học Singapore. Tôi quyết định sáp nhập hai trường này thành Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và phát bằng NUS cho họ. Khuôn viên Nantah trở thành Học viện Công nghệ Nanyang, gắn liền với đại học NUS. Vào năm 1991, nó trở thành Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Một số nam sinh Nantah muốn nó được đổi tên lại là Đại học Nanyang, song điều này không còn là vấn đề có tính thiết yếu nữa. Tên gọi cũ có thể được phục hồi lại nếu đó là mong muốn của những người từng tốt nghiệp Nantah và NTU. Những người sử dụng Lao động hiểu rằng sinh viên tốt nghiệp NTU ngày nay hoàn toàn đủ tiêu chuẩn dù cho tên gọi trường học của họ là gì đi nữa.

Tôi có ưu thế về mặt chính trị khi thực hiện những thay đổi ở Nantah, không giống như nhiều người ủng hộ tiếng Hoa gửi con vào trường Anh, ba đứa con tôi hoàn toàn được học hành ở các trường tiếng Hoa. Những năm cuối của thập niên 60, lúc tôi diễn thuyết trước sinh viên và giảng viên ở Nantah trong khuôn viên trường, tôi đã nói rằng tôi chưa bao giờ hy sinh nền giáo dục của các con tôi vì mục đích chính trị. Tôi nhận thấy rằng học ở trường tiếng Hoa rất tốt cho chúng bởi vì chúng có thể thông hiểu tiếng Anh ở nhà. Tuy nhiên, về mặt đào tạo đại học, tôi đã nói rằng tôi sẽ không cho chúng học trường tiếng Hoa. Bởi vì tương lai chúng phụ thuộc vào việc thông thạo ngôn ngữ dùng trong những quyển sách giáo khoa mới nhất, đó là tiếng Anh. Tất cả các bậc phụ huynh, dù là người được học hành bằng tiếng Hoa hay tiếng Anh sẽ có cùng kết luận như vậy. Nhờ tôi đã phát biểu điều này ở Nantah và được báo chí thuật lại, nên có thể tôi đã ảnh hưởng đến việc chọn lựa trường đại học của các bậc phụ huynh và sinh viên trường tiếng Hoa.

Nếu các con tôi không đỗ đạt ở các trường tiếng Hoa, tôi đã không thể phát biểu với vẻ quả quyết như vậy. Nhiều năm sau đó, tôi hỏi cả ba đứa con tôi xem chúng có hối tiếc vì đã học trường tiếng Hoa thay vì học trường tiếng Anh không, cả ba đều cho rằng chúng may mắn vì đã được học trường tiếng Hoa.

Nantah cho ra trường tổng cộng 12.000 sinh viên. Nếu tất cả sinh viên đều được học bằng tiếng Anh, có thể họ đã có những nghề nghiệp như mong muốn và có những đóng góp lớn hơn cho Singapore và Malaysia. Vấn đề là ở chuyện thể diện. Nhiều kỳ vọng đã được đặt vào Nantah từ những ngày đầu thành lập, song dòng lịch sử đã chống lại nó. Không một quốc gia nào ở Đông Nam Á cần một trường đại học tiếng Hoa. Ngược lại, họ đang từng bước hủy bỏ các trường này. Cơ hội kiếm việc cho những sinh viên tốt nghiệp các trường trung học và đại học tiếng Hoa đang giảm nhanh chóng. Thậm chí các ngân hàng giao dịch bằng tiếng Hoa cũng chuyển sang sử dụng tiếng Anh để duy trì công việc kinh doanh.

Sau khi hai trường đại học được sáp nhập, tôi bắt buộc mọi trường tiếng Hoa phải chuyển sang dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính, và lấy tiếng Hoa làm ngôn ngữ phụ. Điều này tạo nên một làn sóng tự vấn lương tâm ở những người học bằng tiếng Hoa, kể cả những nghị sĩ của đảng PAP. Không ai có thể chấp nhận được cảnh giảm giờ dạy tiếng Hoa ở các trường này, song tất cả đều nhất trí rằng các học sinh phải thông hiểu tiếng Anh để có thể tiếp tục học lên đại học và trường bách khoa mà không phải bỏ thêm một năm nữa vì trình độ tiếng Anh yếu kém. Tôi cảm thông với họ về tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, nhưng một khi họ đã chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc, thì phải chấp nhận những hệ quả kéo theo này.

Khi những thay đổi này xảy ra, tôi sợ chúng tôi đang dần mất đi điều gì đó quý giá trong hệ thống trường Hoa. Tôi muốn gìn giữ những gì tốt đẹp trong các ngôi trường này, chẳng hạn: tính kỷ luật, sự tự tin và những giá trị đạo đức và xã hội dựa trên những truyền thống, những giá trị và văn hóa của người Hoa mà họ thấm nhuần cho các sinh viên. Chúng tôi phải truyền những giá trị này vào các sinh viên ở những ngôi trường song ngữ, nếu không chúng tôi sẽ làm cho các em bị ngoại lai. Khi chúng tôi dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy, những giá trị nho giáo truyền thống không thể được củng cố trong trường học bởi vì cả giáo viên lẫn học trò đều là những người thuộc nhiều chủng tộc và sách giáo khoa không được viết bằng tiếng Hoa.

Ngoài ra, những giá trị đạo đức truyền thống trong sinh viên chúng tôi đang mất dần đi qua việc gia tăng tiếp xúc truyền thông phương Tây, việc quan hệ với khách du lịch nước ngoài ở Singapore cũng như qua những chuyến đi nước ngoài của họ. Còn những giá trị của một xã hội tiêu thụ Mỹ thì đang lan khắp Singapore, lan nhanh hơn các quốc gia còn lại trong khu vực bởi nền giáo dục bằng tiếng Anh của chúng tôi.

Những giá trị và quan điểm đã đổi thay ở các giáo viên trẻ đã làm vấn đề này trầm trọng hơn lên. Thế hệ nhà giáo lớn tuổi hơn đã trải qua khó khăn và đã thấy được quả là khó khăn để đem lại sự ổn định và cân đối cho một xã hội đa sắc tộc của Singapore. Năm 1979, tôi viết cho Keng Swee khi ông ấy còn đảm nhiệm chức Bộ trưởng Giáo dục rằng: ”Họ dạy triết lý sống, gieo vào các học sinh ý thức quyết tâm, bổn phận và trách nhiệm.”[11] Những giáo viên trẻ được học hành bằng tiếng Anh, còn tiếng Hoa chỉ là ngôn ngữ phụ nên họ đã quên đi những giá trị truyền thống này.

[11] Những giáo viên trường tiếng Hoa có động cơ mãnh liệt hơn những người dạy bằng tiếng Anh.

Chúng tôi muốn gìn giữ những giá trị truyền thống riêng biệt của các nền văn hóa khác nhau của chúng tôi. Người Nhật có thể hấp thụ ảnh hưởng của người Mỹ mà vẫn duy trì bản sắc của riêng họ. Thanh niên của họ lớn lên trong sung túc và không còn tận tụy với những công ty mà họ đang làm việc như cha ông họ, song bản chất họ vẫn là người Nhật, làm việc cần cù và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn thanh niên châu Âu và người Mỹ. Tôi tin tưởng rằng nếu người Nhật làm được, chúng tôi cũng làm được.

Tôi quyết định giữ lại chín trường tiếng Hoa tốt nhất đặt dưới sự bảo trợ của một chương trình trợ giúp đặc biệt, hay còn gọi là SAP. Các trường thuộc diện SAP này sẽ nhận 10 % học sinh dẫn đầu trong kỳ thi hết cấp tiểu học. Họ sẽ dạy tiếng Hoa theo trình độ ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng lại dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy như những trường khác. Chúng tôi điều thêm về cho họ giáo viên để khuyến khích các em học tiếng Anh và tiếng Hoa thông qua các chương trình mở rộng đặc biệt. Các trường này đã thành công trong việc gìn giữ lễ nghi, khuôn phép kỷ luật và những nghi thức xã hội của các trường tiếng Hoa truyền thống. Những đặc điểm này trong các trường tiếng Hoa cao hơn so với trường tiếng Anh, những trường Anh ngày càng chểnh mảng trong những vấn đề này. Ngày nay, hầu hết các trường thuộc diện SAP, kể cả trường trung học tiếng Hoa trước kia do cộng sản kiểm soát đều là những học viện hàng đầu với những dụng cụ hiện đại xứng đáng với lịch sử và truyền thống đáng tự hào của họ.

Sau khi hai đại học Nanyang và đại học Singapore sáp nhập năm 1978 tôi quyết định đây chính là thời điểm thích hợp để khuyến khích người Hoa dùng tiếng Hoa phổ thông thay vì thổ ngữ. Điều này giúp sinh viên ở trường dễ dàng thông hiểu tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông nếu như họ nói tiếng Hoa phổ thông ở nhà và không còn bị nặng gánh thổ ngữ nữa. Hằng năm, tôi phát động phong trào “Tháng nói tiếng Hoa phổ thông”.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Hoa phổ thông, tôi ngăn chặn những bài diễn văn bằng tiếng Phúc Kiến. Chúng tôi ngưng phát những chương trình bằng thổ ngữ trên tivi và radio. Tuy nhiên, vì có những người lớn tuổi, chúng tôi vẫn phát tin tức bằng thổ ngữ. Đáng tiếc là vào thời điểm bầu cử chúng tôi phải nói bằng thổ ngữ, nếu không các ứng cử viên phe đối lập sẽ chiếm lợi thế. Cho đến cuối cuộc chạy đua tổng tuyển cử tháng giêng 1997, một số bài dành được sự hưởng ứng nồng nhiệt nhất là những bài diễn văn bằng tiếng Phúc Kiến. Rõ ràng thổ ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ thật sự của thế hệ trước.

Chuyển đổi ngôn ngữ dùng trong các gia đình người Hoa bằng cách học tiếng Hoa phổ thông quả là điều khó khăn. Cho đến những năm 70, khoảng 80 % người Hoa ở nhà vẫn còn nói thổ ngữ. Các thanh niên đi làm, khi được phỏng vấn trên tivi lại không thông thạo tiếng Hoa phổ thông, vì họ đã quen nói thổ ngữ ở nhà cũng như nơi làm việc. Tôi dùng uy tín của mình trong nhân dân để thuyết phục họ thực hiện cuộc chỉnh đổi. Họ biết rằng ba đứa con của tôi đều thông thạo tiếng Hoa phổ thông, tiếng Anh và tiếng Malay, vì thế họ ngưỡng mộ quan điểm giáo dục con cái của tôi. Trong những lần dạo chơi ở công viên và vườn hoa công cộng, các ông bố bà mẹ thường nói chuyện với con cái bằng thổ ngữ, nhưng khi thấy tôi và Choo họ có vẻ mắc cỡ và chuyển sang nói tiếng Hoa phổ thông, họ mắc cỡ vì đã không nghe theo lời khuyên của tôi. Công cuộc chỉnh đổi này đặc biệt gây khó khăn cho các ông bà cha mẹ, nhưng đa phần đã cố gắng nói chuyện với con cháu bằng thổ ngữ và hiểu chúng bằng tiếng Hoa phổ thông. Nếu không có phong trào nói tiếng Hoa phổ thông tích cực này, nhất định chính sách song ngữ của chúng tôi sẽ không đáp ứng được yêu cầu của các sinh viên người Hoa. Các gia đình nói tiếng Hoa phổ thông tăng từ 26 % vào năm 1980 lên đến hơn 60 % vào năm 1990, và vẫn còn tăng nữa. Tuy nhiên các gia đình nói tiếng Anh cũng tăng từ 20 % năm 1988 lên đến 40 % năm 1998.

Chính sách mở cửa của Trung Quốc đã đem lại một thay đổi quy định trong quan điểm học tiếng Hoa phổ thông của người Hoa. Những người có chuyên môn và những nhà giám sát thông hiểu cả hai thứ tiếng Anh và Quan thoại được một lợi thế lớn lao: Không còn sự than phiền về việc nói tiếng Hoa phổ thông và không được nói thổ ngữ. Năm 1965 khi hoàn toàn độc lập, chúng tôi đã thực hiện một quyết định đúng đắn là dạy tiếng Hoa phổ thông như ngôn ngữ thứ hai. Bảy thổ ngữ chính của người miền Nam Trung Hoa dùng ở Singapore giúp cho việc thuyết phục tất cả mọi người chuyển sang dùng tiếng Hoa phổ thông trở nên dễ dàng hơn. Nếu chúng tôi giống như Hong Kong với 95 % người dân nói tiếng Quảng Đông thì việc chuyển đổi quả là điều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể được. Đối với nhiều người Singapore gốc Hoa, thổ ngữ là tiếng mẹ đẻ thật sự của họ, và tiếng Hoa phổ thông là ngôn ngữ phụ. Tuy nhiên trong hai thế hệ tiếp theo, tiếng Hoa phổ thông có thể trở thành tiếng mẹ đẻ.

Chính sách song ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Malay, tiếng Hoa hay tiếng Tamil đều là gánh nặng lên vai con cái chúng tôi. Ba ngôn ngữ mẹ đẻ này hoàn toàn không can hệ gì đến tiếng Anh. Song, nếu chúng tôi sử dụng một thứ tiếng trong các ngôn ngữ mẹ đẻ của mình thì chúng tôi không thể kiếm sống được. Nếu chúng tôi chỉ sử dụng mỗi tiếng Anh, thì chúng tôi sẽ gặp bất lợi lớn là đánh mất đi đặc tính văn hóa của mình, đó là lòng tự tin về bản thân cũng như về miền đất chúng tôi đang sống.

Do đó, mặc dù có nhiều chỉ trích cho rằng người dân chúng tôi chẳng thông thạo một ngôn ngữ nào, đó là cách tốt nhất để chúng tôi tiến lên. Tiếng Anh đóng vai trò như một ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn những xung đột nảy sinh giữa các sắc tộc với nhau và đã đem lại cho chúng tôi ưu thế cạnh tranh, vì đó là ngôn ngữ giao dịch, đàm phán và là ngôn ngữ của khoa học, kỹ thuật quốc tế. Không có nó, chúng tôi sẽ không có nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới cũng như hơn 200 ngân hàng hàng đầu thế giới ở Singapore. Và người dân chúng tôi sẽ không được tiếp cận với máy tính và Internet quá dễ dàng như vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx