sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 28 phần 2

Một lần nữa Reagan kéo tôi sang một bên trước bữa trưa cho một cuộc đàm đạo kéo dài một giờ đồng hồ không có người ghi chép. Không có ai ghi lại biên bản cuộc họp. Ông ta bàn luận về Trung Quốc và Đài Loan và lại là Trung Quốc và Liên Xô. Tôi nói rằng ông ta không nên bán đứng Đài Loan dù ông ta cần Trung Quốc để đối địch với Liên Xô. Hai mục tiêu không phải là không thể dung hòa với nhau được. Chúng thể được giải quyết và được kiềm chế.

Ông ta biết rằng tôi đã có cuộc gặp gỡ với những vị lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc cả ở đại lục lẫn lãnh thổ Đài Loan. Ông ta cũng tường tận rằng tôi là người chống cộng nhưng là người theo thuyết duy thực. Vì vậy ông ta đã kiểm tra những ý tưởng của ông ta ở nơi tôi. Tôi bảo ông ta rằng đặt các vấn đề Đài Loan sang một bên xem như là một cuộc xung đột không thể dàn xếp vào thời điểm này và nên để lại cho thế hệ sau như Đặng đã đề nghị với Nhật liên quan đến cuộc tranh chấp của họ về các hòn đảo Senkaku/Diaoyu (Điếu ngư). Tôi đề nghị Reagan nên giải thích với Bắc Kinh rằng ông ta đã từng là bạn cũ của Đài Loan và không thể chỉ đơn giản xóa sổ họ. Ông ta hỏi tôi xem thử ông ta có nên thăm Trung Quốc không. Tự ông ta thấy khó lòng để thực hiện chuyến viếng thăm này và cảm thấy ông ta có nghĩa vụ phải viếng thăm Đài Loan trong một chuyên công du nếu như ông ta quyết định phải thực hiện một chuyến như vậy. Tôi sững sờ khi nghe điều này. Tôi khuyên ông ta nên bỏ chuyện đi Đài Loan, đặc biệt là thực hiện trong cùng một chuyến công du. Như trước đây tôi đã nói với Bush, Reagan trước hết nên mời hoặc Thủ tướng Triệu hoặc Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang đến thăm Washington trước lúc ông ta đi thăm Trung Quốc. Sau khi một hoặc cả hai nhân vật này đã đến thăm Mỹ thì một chuyến viếng thăm đáp lễ của ông ta sẽ là một phản hồi thích hợp hơn.

Sau đó Reagan đã viết cho tôi: “Cuộc nói chuyện riêng trước bữa trưa ngày 21/7 thật hữu ích cho tôi. Tôi đã trông đợi lời cố vấn và lời khuyên khôn ngoan từ phía Ngài và tôi đã có được vào dịp đó. Sự thẳng thắn và bộc trực của Ngài thật sự đã chứng minh được sức mạnh của tình bạn giữa chúng ta và tôi đánh giá rất cao điều đó.”

Vào đầu năm 1984, Thủ tướng Triệu viếng thăm Washington và nhấn mạnh rằng Trung Quốc muốn đạt được các quan hệ kinh tế khắng khít hơn. Tháng 5, Reagan thăm đáp lễ Trung Quốc. Chẳng bao lâu sau đó, Paul Wolfwitz, trợ lý của Shultz đến Singapore để tóm lược cho tôi về chuyên viếng thăm của Reagan và thảo luận một số khía cạnh nào đó của chuyến đi mà người Mỹ nhận thấy khó hiểu. Đó là một chuyến đi có kết quả với những tiến bộ thật sự đạt được trong lĩnh vực kinh tế. Reagan đã không nhượng bộ đối với một số vấn đề toàn cầu, cả khi người Trung Quốc bất đồng với ông ta. Đặng đã nhấn mạnh rằng Đài Loan là một khúc mắc trong mối quan hệ Hoa – Mỹ phải được tháo gỡ. Tôi đáp rằng thật tuyệt khi Đặng đã có cơ hội để hiểu về Ronald Reagan. Người Trung Quốc hẳn sẽ nhận ra rằng họ phải sống với Reagan, không phải chỉ cho một mà cả hai nhiệm kỳ. Thật thế, Reagan đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

Sau khi Reagan tái đắc cử, Shultz đề nghị tôi thực hiện một chuyến viếng thăm chính thức đến Washington vào đầu tháng 10/1985. Tôi nhận ra Reagan vẫn sung sức. Ông ta trông trẻ trung với đầu tóc chải đẹp và giọng nói mạnh mẽ không tệ đi chút nào sau 4 năm tại nhiệm và với một viên đạn sượt qua ngực suýt nữa trúng tim. Reagan không quan tâm tới chi tiết. Thật vậy, ông ta nói rõ rằng ông ta không để bị bận tâm bởi các chi tiết có thể làm rối bức tranh toàn cảnh. Sức mạnh của ông ta nằm ở sự bền bỉ và kiên định trong các mục đích, ông ta biết mình muốn gì và sắp đặt để đạt được điều đó bằng cách thâu tóm quanh bản thân mình những người có khả năng chia sẻ suy nghĩ với ông ta và thành công trong những lĩnh vực chọn lựa của họ. Và nơi ông ta tỏa ra sự tự tin và lạc quan. Tám năm tại nhiệm của Reagan đã là những năm tốt đẹp cho Hoa Kỳ và thế giới. Chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” của ông ta đối đầu với Tổng thống Gorbachev và Liên Xô với một sự thách thức mà họ đã không thể hy vọng đương đầu. Chính điều đó đã giúp làm sụp đổ Liên Xô.

Như trước kia, trong một cuộc họp tay đôi, ông ta lại xoay ra tìm kiếm quan điểm của tôi về vấn đề Trung Quốc và Đài Loan. Ông ta nói rằng ông đã vạch một ranh giới cẩn thận giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – Đài Loan. Ông ta đã tuyên bố rõ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng Mỹ không thể bỏ rơi Đài Loan: “Mỹ là một người bạn của cả hai và sẽ tiếp tục ở trong vị thế đó.” Rồi ông ta yêu cầu tôi thuyết phục Tổng thống Tưởng tiếp tục duy trì Đài Loan trong Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sau khi vị thế của nó chuyển thành “Đài Bắc, Trung Quốc” khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được kết nạp làm thành viên của ADB. Tưởng đã muốn rút chân khỏi ADB, và Quốc hội đã đe dọa chiếm giữ khoản đóng góp của Mỹ nếu Đài Loan bị “trục xuất”. Sau này, tôi đã phải trải qua một thời gian khó khăn ở Đài Loan khi đề cập tình huống của Reagan với Tưởng nhưng cuối cùng thì lẽ phải cũng thắng thế. Vào tháng 1/1986, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở thành một thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Á và Đài Loan được đặt tên lại là “Đài Bắc, Trung Quốc”.

Trong chuyến viếng thăm của ông ta đến Trung Quốc năm trước đó, Reagan quan sát thấy rằng người Trung Quốc đã bắt đầu nhận ra họ phải tạo điều kiện cho người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi nói rằng đây là kết quả của những gì mà Hoa Kỳ đã đạt được ở Đài Loan thông qua sự đổ ào ạt vốn, công nghệ, chuyên môn, hàng hóa và dịch vụ vào đất nước này. Tôi chắc rằng Đặng đã đọc đâu đó về sự phát triển kinh tế tột bậc của Đài Loan và hẳn đã ngạc nhiên làm thế nào những người mà ông ta xem như là lũ cướp “thất thời, hư hỏng và vô tích sự” đã có thể đạt được thành tựu. Đặng hẳn đã nghĩ rằng Mỹ đã trợ giúp “đám cướp” này bằng vốn, công nghệ, và bí quyết kỹ thuật, và ông ta thiết tha muốn có công thức này chuyển giao sang cho Trung Quốc. Đặng biết Mỹ có thể vô cùng có giá trị đối với sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc.

Trong cuộc viếng thăm chính thức của tôi, tôi được vinh dự diễn thuyết tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Những nhân vật lập pháp của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này đã dành thời gian cho một nhà lãnh đạo của một hòn đảo bé xíu như tôi. Tommy Koh, đại sứ của chúng tôi, báo cáo rằng cả Reagan lẫn Shultz đã khuyến khích Diễn giả Tip O'Neil mời tôi. Tôi đã diễn thuyết về đề tài lúc ấy đang là vấn đề đỉnh điểm của chương trình nghị sự Mỹ – chế độ bảo hộ nền công nghiệp trong nước để duy trì công ăn việc làm và kiểm soát sự thâm hụt mậu dịch Mỹ với các nền kinh tế mới phát triển của Đông Á. Trong hai mươi phút, tôi đã mô tả vấn đề tự do mậu dịch thật sự là vấn đề của chiến tranh hoặc hòa bình cho thế giới ra sao.

Các quốc gia lúc phát triển lúc suy thoái. Tôi viện dẫn rằng nếu một quốc gia đang phát triển dư thừa năng lượng mà lại không được phép xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nó, thì giải pháp lựa chọn duy nhất của nước đó sẽ là bành trướng và chiếm đoạt lãnh thổ, sáp nhập dân số và hòa nhập họ để trở thành một đơn vị kinh tế lớn hơn. Đó là lý do tại sao các quốc gia có những đế chế mà họ khống chế như là một khối mậu dịch duy nhất. Đó là một con đường truyền thống của sự phát triển. Thế giới đã chuyển động ra khỏi con đường này từ cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai năm 1945. Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và những luật lệ mới đã tạo ra một nước Đức giàu mạnh bất chấp những người dân Đức từ phía Đông trở về với một vùng đất bị thu hẹp. Cũng thế với người Nhật, những người đã rời Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam châu Á và chen chúc trong một vài hòn đảo của Nhật Bản. Người Nhật và người Đức có thể sống nội trong phạm vi lãnh thổ của họ và phát triển nhờ thương mại và đầu tư. Họ đã hợp tác và cạnh tranh với các quốc gia khác và đã có thể trở nên phồn vinh thịnh vượng mà không cần đến các cuộc chiến tranh. Nhưng nếu việc mua bán hàng hóa và dịch vụ bị tắc nghẽn, thì Trung Quốc sẽ trở lại với giải pháp lịch sử của họ, nghĩa là các nước gây hấn chinh phục lẫn nhau để giành quyền thống trị nhiều đất đai và dân cư hơn cho đến khi họ trở thành một đế chế với thuộc địa khổng lồ. Về mặt lý trí, sự bình luận logic và chặt chẽ này hẳn có thể đã thuyết phục được các nhà lập pháp nhưng về mặt cảm tính, nhiều người trong bọn họ khó có thể chấp nhận vấn đề.

Một vấn đề khác mà Reagan đưa ra trong suốt các cuộc hội đàm của chúng tôi là vấn đề Philippines. Tổng thống Marcos đã trải qua một thời kỳ khó khăn kể từ khi vị lãnh đạo đối lập đã bị trục xuất, Benigno Aquino, bị bắn chết ở phi trường Manila lúc ông ta từ Mỹ về hồi tháng 8/1983. Marcos đã từng là người bạn tốt và người ủng hộ đường lối chính trị của Reagan. Trước đây khi Shultz thảo luận vấn đề này với tôi, tôi đáp Marcos bây giờ là vấn đề chứ không phải là giải pháp. Ông ta yêu cầu tôi nói thẳng với Reagan vì ông này đang lấy làm buồn trước viễn cảnh phải từ bỏ một người bạn cũ. Vì thế cố gắng hết sức tế nhị như tôi có thể làm được lúc đó, tôi mô tả cho Reagan rằng Marcos đã chuyển từ một thành viên tham gia chống cộng trẻ tuổi của những năm 60 để trở thành một kẻ chuyên quyền già nua tự mãn như thế nào. Ông ta đã cho phép vợ và những người bạn chí thân của mình vơ vét bòn rút đất nước mình, bằng một đế chế độc quyền tinh vi và đã đưa chính phủ ông ta cầm quyền vào tình trạng nợ ngập đầu. Điểm số tài chính của Philippines và chính phủ của ông ta đã tụt dốc. Reagan không mấy hài lòng khi nghe những lời đánh giá này. Tôi đề nghị vấn đề là làm thế nào tìm một con đường gọn gàng và êm đẹp để Marcos rời khỏi chính phủ, và có ai đó lập một chính quyền mới để có thể dọn sạch những mớ lộn xộn này. Ông ta quyết định cử một phái viên để trình bày mối bận tâm của Hoa Kỳ đối với Marcos trong tình huống tồi tệ đó.

Người Phillipines nổi dậy vào ngày 15/2/1986, sau khi việc Tổng thống Marcos tái đắc cử bị nghi vấn có sự gian lận. Đại sứ Mỹ, Stapleton Roy được chỉ thị thăm dò quan điểm của tôi. Tôi cho rằng Hoa Kỳ phải xử lý với Marcos cho dù ông ta được nhậm chức theo hiến pháp hoặc không, nhưng không nên gây sự thù địch với một khối đông đảo người dân Philippines, nhiều người trong số họ đã bỏ phiếu cho Corazan Aquino. Tôi nói rằng Mỹ không nên chấp nhận một cuộc bầu cử gian lận mà nên gây sức ép với Marcos, không nên dẫn đến một cuộc tranh cãi cuối cùng mà hãy tổ chức những cuộc bầu cử mới. Aquino nên được giữ “trong tình trạng động viên và tích cực” bởi vì bà ta là “sức mạnh cuối cùng”. Bà ta không được phép thất vọng.

Ngày hôm sau 16/2, Corazan Aquino tự công bố thắng lợi trong cuộc tuyển cử và tuyên bố một chương trình phản kháng bất bạo động trên toàn quốc để lật đổ chế độ Marcos. Trong một vận động chung, năm nước láng giềng của Philippines cùng phát đi những tuyên bố tương tự thể hiện mối quan tâm của họ đối với tình hình nguy cấp ở Philippines có thể dẫn đến đổ máu và nội chiến và kêu gọi một giải pháp hòa bình.

Tôi bảo Đại sứ Roy rằng Marcos nên biết cánh cửa đã rộng mở để ông ta ra đi. Nếu ông ta cảm thấy không có nơi nào để đi, ông ta có thể đấu tranh đến cùng. Vào ngày 25/2, Roy thông báo cho tôi rằng chính phủ của ông ta đồng ý với quan điểm của tôi và hỏi xem tôi có sẵn lòng thực hiện công tác điều phối một giải pháp Asean để đề nghị giúp Marcos một nơi tị nạn không. Raja, Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi đáp rằng sẽ khó lòng làm cho cả năm nước thành viên cùng thống nhất ý kiến. Thông qua đại sứ của chúng tôi ở Manila, lập tức tôi gửi cho Marcos một bức thư mời ông ta đến Singapore. Đó là một đề nghị, nếu được chấp nhận, sẽ giúp làm dịu đi tình huống nguy cấp đang lan tràn. Đồng thời Reagan cũng gửi thư riêng bảo ông ta không được dùng vũ lực và báo rằng ông ta đã thu xếp tất cả cho Marcos, bà con và những cộng sự của ông ta được tị nạn ở Hawaii. Marcos chấp nhận đi tị nạn ở Hawaii hơn là Singapore. Cùng ngày, tức là ngày 25/2, Aquino tuyên thệ nhậm chức tân Tổng thống của Philippines.

Một vài ngày sau khi Marcos đặt chân đến Honolulu, hành lý của Marcos gồm có nhiều va–li chứa bạc giấy peso mới cứng, bị hải quan Mỹ kiểm tra. Ông ta đánh hơi thấy sự rắc rối và đã gửi cho tôi một bức thư thông báo rằng ông ta muốn đến Singapore. Aquino, người vừa tiếp quản chức vị Tổng thống phản đối. Marcos lưu lại ở Hawaii để rồi phải đối phó với nhiều vụ kiện tụng.

Một vấn đề nảy sinh giữa Hoa Kỳ với Tổng thống Aquino là sự gia hạn hợp đồng thuê cho các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines. Bà ta tỏ ra có một lập trường chống đối các căn cứ quân sự một cách mạnh mẽ, hy vọng đạt được nhiều sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Điều này đã có phản ứng ngược lại với bà ta. Rốt cuộc khi bà ta đi đến thỏa thuận với Hoa Kỳ thì thượng viện Philippines phản đối; các nghị sĩ nói rằng sự hiện diện của các căn cứ quân sự của Mỹ đã làm tiêu tan ý thức dân tộc của họ.

Nghị sĩ Richard Lugar, lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng hòa trong hội đồng thượng nghị viện chuyên lo về quan hệ đối ngoại với mối quan tâm đặc biệt đối với việc phòng thủ, đã viếng thăm tôi ở Singapore vào tháng 1/1989 sau các cuộc thảo luận với Tổng thống Aquino ở Manila. Ông ta hỏi xem chúng tôi có thể giúp đỡ gì không nếu Mỹ phải rời bỏ Vịnh Subic. Tôi đáp chúng tôi có thể đề nghị Mỹ sử dụng các căn cứ của chúng tôi nhưng khuyến cáo rằng cả nước Singapore còn bé hơn cả căn cứ quân sự của Mỹ ở Subic. Chúng tôi không có chỗ để chứa các binh sĩ Mỹ. Tôi thuyết phục ông ta nên duy trì các căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines. Tôi cũng nói thêm rằng Singapore sẽ công khai đề nghị Mỹ sử dụng các căn cứ của chúng tôi nếu như điều đó làm cho chính phủ Philippines cảm thấy ít bị cô lập về mặt quốc tế để sẵn sàng cho phép các căn cứ quân sự Mỹ được duy trì.

Đại sứ của chúng tôi ở Manila đặt vấn đề với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Raul Manglapus. Ông ta nói ông ta hết sức hoan nghênh một tuyên bố công khai như vậy. Vào tháng 8/1989, tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao của tôi, George Yeo, tuyên bố công khai rằng chúng tôi sẵn sàng cho phép lực lượng quân đội Mỹ tăng cường sử dụng các căn cứ quân sự của chúng tôi. Sau tuyên bố này, Manglapus đã đáp trả rằng: “Singapore phải được đặc biệt chú ý và được đánh giá cao vì quan điểm quả quyết của họ.” Về sau, Tổng thống Aquino bảo tôi rằng quan điểm của tôi đã rất có ích.

Malaysia và Indonesia không mấy nhiệt tình. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Rithauddeen nói rằng Singapore không nên gây nguy hiểm cho tình hình hiện tại bằng cách cho phép gia tăng các lực lượng quân sự nước ngoài trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Ali Alatas hy vọng Singapore sẽ tiếp tục ủng hộ ý tưởng một khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á. Ông ta nói thêm rằng Indonesia sẽ phản đối lời đề nghị đó nếu nó có nghĩa là thêm một căn cứ quân sự mới.

Tại một cuộc mít–tinh lớn nhân dịp Quốc khánh được trực tiếp truyền hình vào ngày 20/8/1989, tôi đã tuyên bố rằng sẽ không có bất kỳ một căn cứ quân sự mới nào xuất hiện dành cho một số lượng đông đảo lính Mỹ. Singapore đã không có đủ chỗ. Chúng tôi đề nghị cho họ sử dụng các căn cứ quân sự có sẵn sẽ tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Singapore. Các căn cứ này sẽ không trở thành căn cứ quân sự Mỹ. Và ngay bản thân tôi, tôi cũng ủng hộ một khu vực phi vũ khí hạt nhân, một khu vực hòa bình, tự do và trung lập – đã lần lượt được đề nghị bởi Indonesia và Malaysia. Nhưng nếu người ta tìm ra dầu và khí ở quần đảo Spratly (Trường Sa) thì sẽ không tồn tại một khu vực hòa bình như thế đâu. Trước đó vào tháng 8, tôi đã gặp các Tổng thống Suharto và Thủ tướng Mahathir ở Brunei để làm rõ quy mô và bản chất lời đề nghị của mình.

Chính phủ Mỹ chấp nhận lời đề nghị. Trong khi đang lưu lại Tokyo để tham dự lễ nhậm chức của Nhật hoàng Akihito, ngày 13/11/1990, tôi đã ký một biên bản ghi nhớ với Phó Tổng thống Dan Quayle. Điều này diễn ra khoảng chừng hai tuần trước lúc tôi từ chức Thủ tướng. Điều này hóa ra có giá trị hơn những gì hoặc Mỹ hoặc Singapore đã dự kiến. Khi Mỹ rời khỏi căn cứ quân sự của họ ở Philippines vào tháng 9/1991, các cơ sở căn cứ quân sự của Singapore đã tạo cho Mỹ một chỗ bám chân trong vùng Đông Nam Á.

Nhận thức trong khu vực về giá trị của việc Mỹ tiếp cận các căn cứ của Singapore đã trải qua một cơn sóng gió sau khi Trung Quốc cho phát hành các bản đồ vào năm 1992, trong đó bao gồm luôn cả quần đảo Spratly (Hoàng Sa) như là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ba nước châu Á (Malaysia, Brunei và Philippines) cũng công bố chủ quyền trên các đảo này. Tháng 11 năm đó, Ali Alatas tuyên bố rằng Indonesia chẳng khó khăn gì mà không nhìn thấy các giá trị của vấn đề Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Singapore.

Tôi gặp George Bush lần đầu tiên vào tháng 6/1981 khi ông ta còn là Phó cho Tổng thống Reagan. Các mối quan hệ tuyệt vời của chúng tôi đã không thay đổi khi ông ta trở thành Tổng thống. Tôi biết ông ta là một con người hết sức nồng nhiệt và thân thiện. Ngược thời gian trở về năm 1982, khi ông ta biết tôi đang thực hiện chuyến công du đến Washington để gặp Reagan, ông ta mời tôi ở lại chơi với ông ta ở Kenebunkport, Maine – nơi Bush đang nghỉ hè. Tôi từ chối và cám ơn ông bởi vì tôi đang đi thăm cô con gái Ling hồi ấy đang sống ở Boston và đang công tác ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts. Ông ta gửi cho tôi một lá thư ngỏ ý muốn tôi mang theo con gái đi cùng và diễn tả ý định một cách rõ ràng. Vì vậy cả hai chúng tôi cùng ở lại nghỉ cuối tuần với Bush. Ling và tôi chạy bộ với ông ta cùng với nhóm tình báo. Chúng tôi nói về chính trị một cách thoải mái và hoàn toàn được nghỉ ngơi. Barbara Bush cũng thân thiện như chồng bà ta – thích giao du, hiếu khách, nồng nhiệt và không có tính khoe khoang. Cũng như chồng, bà ta thật sự vui sướng tiếp đãi bạn bè cùng ở lại với gia đình trong một kỳ nghỉ cuối tuần dài và khiến cho chúng tôi cảm thấy rất tự nhiên.

Sau khi I–rắc xâm lấn và chiếm cứ Kowait vào năm 1990, để xây dựng lực lượng quân sự của họ ở vùng Vịnh, Hoa Kỳ đã phải huy động nửa triệu quân đến khu vực vùng Vịnh một cách nhanh chóng. Dù bản Ghi nhớ vẫn chưa được ký kết nhưng chúng tôi đã cho phép máy bay và chiến hạm hải quân Mỹ chở quân đội và quân nhu vượt qua Thái Bình Dương quá cảnh ở Singapore. Chúng tôi cũng gửi đến Ả Rập Saudi một nhóm nhân viên y tế để thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với hành động này ở vùng Vịnh. Indonesia và Malaysia giữ thế trung lập. Đa số người dân theo đạo Hồi của hai nước này muốn thể hiện sự đoàn kết và cảm thông dành cho Saddam Hussein và người dân I–rắc.

Tôi đã đến thăm Tổng thống Bush ở Nhà Trắng ngày 21/1/1991 khi chiến dịch Bão táp Sa mạc đang đi vào giai đoạn kết thúc ngoạn mục với lực lượng quân Mỹ, Anh, Pháp đang bao vây lực lượng quân I–rắc. Chúng tôi ở lại một đêm trong tư dinh của ông ta lúc ấy có mặt cả Brent Scowcroft, cố vấn an ninh quốc gia của Bush. Chúng tôi đã thảo luận xa hơn về tình hình Ả Rập – Israel. Tôi chúc mừng ông ta đã thành công trong việc đã thống soái được các lực lượng hòa giải rộng lớn để cùng hỗ trợ cuộc hành quân này kể cả các quốc gia Ả Rập như Ai Cập, Syria, Ma Rốc và Vùng Vịnh. Tuy nhiên, tôi lo lắng người Hồi giáo sẽ tập họp lại xung quanh Sadam Hussein dù ông ta đã sai lầm. Người Israel tiếp tục xây dựng thêm nhiều khu định cư ở Bờ Tây, và điều này đã làm kích động dư luận Ả Rập và Hồi giáo. Các đồng minh và bạn bè của Mỹ hoảng sợ. Nơi nào đó cuối con đường cũng sẽ có thể xảy ra một vụ nổ. Tôi khuyến cáo nên nhấn mạnh sự ủng hộ của công luận của phía Mỹ dành cho giải pháp Trung Đông công bằng cho cả hai phía người Palestine và người Israel để cho thấy rằng giải pháp này không nhằm ủng hộ người Israel cho dù Israel đúng hay sai.

Lần kế tiếp chúng tôi gặp nhau là khi Bush đến thăm Singapore vào tháng 1/1992 trên đường đến Úc và Nhật. Các vấn đề của ông ta với Trung Quốc đã gia tăng sau sự kiện Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989. Đó là năm bầu cử và ông ta chịu nhiều áp lực kể cả áp lực từ những người ủng hộ tự do trong đảng Cộng hòa của chính ông ta. Để duy trì chính sách Trung Quốc của mình, ông ta cần sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc trong các lĩnh vực như trả tự do cho các thủ lĩnh chống đối sự kiện Thiên An Môn đang bị cầm giữ, sự gia tăng vũ khí hạt nhân, các tên lửa tầm cao, và mậu dịch, ông ta đang đương đầu với khó khăn ngày càng gia tăng trong việc duy trì quyền phủ quyết đối với nghị quyết của Quốc hội đòi rút lại quy chế Tối Huệ Quốc dành cho Trung Quốc. Vì Chủ tịch Dương Thượng Côn đang thực hiện chuyến viếng thăm đến Singapore, Bush muốn nhờ tôi yêu cầu ông ta thực hiện một hành động đơn phương trong việc trả tự do cho các tù nhân để bày tỏ sự hòa giải.

Hai ngày sau tôi gặp Chủ tịch Dương và chuyển đến ông ta thông điệp này. Dương đáp lại rằng áp lực của Mỹ đối với vấn đề nhân quyền chỉ là một nguyên cớ để áp đặt lên Trung Quốc hệ thống chính trị và các giá trị tự do và dân chủ Mỹ. Điều này không thể chấp nhận được.

Khi Bush thất cử trước Bill Clinton tháng 11 năm đó, tôi cảm thấy chúng tôi ở vào thế phải thay đổi thái độ và phong cách. Clinton đã hứa hẹn “một nước Mỹ sẽ không dung túng những kẻ bạo ngược, từ Baghdad đến Bắc Kinh.” Nhiều người trong số những ủng hộ viên của Clinton hành động như thể Trung Quốc là một nước nhận viện trợ Thế giới thứ Ba phải phục tùng các áp lực ngoại giao và kinh tế. Cuộc sống sẽ không dễ dàng cho cả phía Trung Quốc lẫn phía Mỹ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx