sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 29 phần 2

Nền dân chủ sẽ hữu hiệu ở nơi mà nhân dân có nền văn hóa hòa giải và bao dung, khiến một thiểu số chấp nhận quyền điều khiển của đa số, và kiên nhẫn, thanh thản chờ đợi đến lượt mình lên nắm quyền bằng cách thuyết phục nhiều cử tri hơn ủng hộ quan điểm của mình. Dân chủ được nhồi nhét ở những nơi mà người dân có truyền thống chiến đấu đến cùng, như Hàn Quốc, thì nó sẽ không hoạt động hiệu quả. Người dân Hàn Quốc đấu tranh trên các đường phố bất kể là họ có một nhà độc tài quân sự hay một tổng thống được bầu một cách dân chủ đứng đầu. Các cuộc cãi vã trong Quốc hội của Đài Loan, cộng với những vụ xô xát trên các đường phố, là những phản ánh của các nền văn hóa khác biệt của họ. Người dân sẽ phát triển các hình thức chính phủ ít nhiều có tính dân cử của riêng họ, phù hợp với phong tục và văn hóa của họ.

Năm 1994, ngay sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, khi người Mỹ trong trạng thái tự tin, họ đã thử mang đến cho Haiti một nền dân chủ đẻ non[36] bằng cách phục chức cho một vị tổng thống đã bị phế truất. Năm năm sau, người Mỹ lặng lẽ rút lui khỏi Haiti và kín đáo thừa nhận sự thất bại của mình. Như trong tờ New York Times có viết, Bob Shacochis – một tác giả người Mỹ hỏi: “Điều gì đã sai? Tạm thời bỏ qua một bên sự có tội của giới lãnh đạo người Haiti, thì các nhà hoạch định chính sách của Washington có lẽ biết rằng sự dân chủ hóa trong ống nghiệm là hành động mạo hiểm. Nền dân chủ của Haiti, ra đời một cách non nớt, sẽ không tồn tại nếu không có một hệ thống đa đảng đích thực, hệ thống ấy không tồn tại nếu không có một tầng lớp trung lưu vững chắc, tầng lớp đó không phát triển nếu không có một nền kinh tế vững mạnh, nền kinh tế như thế sẽ không tồn tại nếu không có một tập thể lãnh đạo đáng tin cậy đủ mạnh mẽ và khôn ngoan để vực đất nước ra khỏi sự sụp đổ”. Bởi vì chính quyền Mỹ đã không công khai thừa nhận sự thất bại này và nguyên nhân của nó, nên đây sẽ không phải là lần cuối cùng nó phạm phải sai lầm này.

[36] Instant democracy: nền dân chủ ngay tức khắc. (ND.)

Tại buổi thảo luận vào tháng 3/1992, tôi đã nhấn mạnh với Schmidt rằng nhân quyền thì khác; kỹ thuật đã mang các dân tộc trên thế giới vào chung một ngôi làng toàn cầu, tất cả đều theo dõi những hành vi hung bạo trên truyền hình khi chúng xảy ra. Vì các dân tộc và chính phủ đều muốn được người khác tôn trọng và kính mến mình nên họ sẽ dần dần từ bỏ những hành vi làm cho họ mang tai tiếng. Lần kế, Schmidt tới Trung Quốc, tôi chú ý rằng ông ta nhấn mạnh những tiêu chuẩn nhân quyền mang tính toàn cầu chứ không phải là dân chủ. Sau đó, Schmidt viết trong tờ báo của ông, tờ Die Zeit, rằng Trung Quốc không thể trở thành dân chủ ngay tức khắc mà phương Tây nên thúc ép để vấn đề nhân quyền của họ trở thành có thể chấp nhận được.

Mối quan tâm của Mỹ, phương Tây và cả Nhật Bản về nền dân chủ và nhân quyền đối với châu Á bắt nguồn từ sự lo lắng của họ đối với hậu quả ở Trung Quốc, chứ không phải ở Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong hay Singapore. Nước Mỹ muốn “những con hổ” Đông Á này là tấm gương cho Trung Quốc về những xã hội tự do có nền kinh tế thịnh vượng nhờ vào các thể chế chính trị dân chủ. Tờ New York Times, trong bài báo Huntington trích dẫn vào năm 1995, đã chỉ ra rằng Đài Loan và Singapore là hai xã hội người Hoa thành công nhất trong 5000 năm văn minh Trung Hoa, và rằng nước này hoặc nước kia rất có thể là mô hình tương lai của lục địa Trung Hoa. Điều này không phải như thế. Trung Quốc sẽ vạch hướng đi riêng tiến về phía trước. Họ sẽ lựa chọn và kết hợp những đặc điểm đó và những hệ thống mà họ thấy có giá trị và tương thích với tầm nhìn riêng về tương lai của họ. Dân tộc Trung Hoa có một nỗi sợ sâu sắc và triền miên về sự hỗn loạn. Do diện tích quốc gia rộng lớn, các nhà lãnh đạo của họ đặc biệt thận trọng, và sẽ sát hạch một cách cẩn thận, điều chỉnh và thích nghi trước khi kết hợp những đặc điểm mới này vào hệ thống của họ.

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về nhân quyền và dân chủ tập trung vào vấn đề Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Mỹ đã tạo đòn bẩy kinh tế cho Trung Quốc thông qua Hong Kong. Nếu Mỹ không được thỏa mãn rằng Hong Kong được cai trị một cách tách biệt với Trung Quốc, họ có thể cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu và các quyền lợi khác đối với Hong Kong. Số phận của 6 triệu người dân Hong Kong sẽ không ảnh hưởng gì tới Mỹ hoặc thế giới. Nhưng số phận của 1.200 triệu người Hoa ở Trung Quốc (rất có khả năng lên tới 1.500 triệu vào năm 2030) sẽ quyết định cán cân lực lượng trên thế giới. Người Mỹ tranh luận với Trung Quốc về việc “dân chủ” của Hong Kong nhằm tác động tới tương lai của Trung Quốc nhiều hơn đối với tương lai của Hong Kong. Tương tự, những người Mỹ theo phái tự do chỉ trích Singapore không phải vì họ quan tâm đến dân chủ và nhân quyền cho 3 triệu người dân của chúng tôi mà vì họ cho rằng chúng tôi là tiền lệ xấu cho Trung Quốc.

Từ năm 1993 đến năm 1997, chính sách của Clinton đối với Trung Quốc trải qua một sự thay đổi lớn. Đây là kết quả của cuộc khủng hoảng do sự thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan vào tháng 3/1996 và sự phản ứng của Mỹ bằng việc đưa hai đội tàu sân bay tới hải phận phía đông Đài Loan. Sự cách biệt này đã dẫn đến một sự xem xét lại lập trường của cả Trung Quốc và Mỹ. Sau nhiều cuộc tranh luận căng thẳng giữa các viên chức an ninh cấp cao của họ, mối quan hệ đã trở nên ổn định. Chủ tịch Giang Trạch Dân đã thực hiện một chuyến thăm thành công đến Washington vào tháng 10/1997, và Tổng thống Clinton cũng đáp lại bằng một cuộc viếng thăm đến Bắc Kinh vào tháng 6/1998, và ông đã ngạc nhiên một cách thú vị khi thấy Giang sẵn sàng trả lời cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp tại Washington. Khi ông đến Hong Kong trên đường về, ông nói Chủ tịch Giang Trạch Dân là “một người thông minh khác thường, có năng lực cao và tràn đầy sức sống. Ông có một phẩm chất hết sức quan trọng vào thời điểm lịch sử này của chúng tôi. Ông có một trí tưởng tượng tốt. Ông có một tầm nhìn, ông có thể mường tượng ra một tương lai khác xa với hiện tại.”

Tuy nhiên trong vòng vài tháng, sự nhiệt tình ấy trở nên lạnh nhạt khi bản báo cáo của Ủy ban Thượng viện điều tra vụ thất thoát bí mật tên lửa hạt nhân đã đổ lỗi sự việc này cho hoạt động tình báo của Trung Quốc. Sự tiết lộ bí mật của bản báo cáo đã gây nên tâm trạng thù địch trong Quốc hội đến nỗi Tổng thống Clinton đã bỏ qua lời đề nghị của Thủ tướng Chu Dung Cơ vào tháng 4/1999 ở Washington để kết thúc vụ Trung Quốc gia nhập WTO. Trong vòng hai tuần, vào tháng 5, Mỹ ném bom tòa đại sứ Trung Quốc ở Belgrade, một sai lầm bi thảm. Mối quan hệ trở nên gay gắt. Mối quan hệ gay go này giữa một quốc gia quyền lực nhất thế giới với một quốc gia có khả năng trở thành quốc gia quyền lực nhất thế giới trong tương lai gây lo lắng đối với tất cả các quốc gia ở châu Á.

Quan hệ Trung – Mỹ thay đổi theo chiều hướng đầy hứa hẹn vào tháng 11/1999 khi họ thỏa thuận về những điều kiện để Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Việc gia nhập của Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể các mối liên kết kinh tế của nó, dựa trên khuôn khổ các nguyên tắc được thiết lập với Mỹ và các nước thành viên khác. Điều này dẫn đến mối quan hệ lợi ích qua lại.

Thỉnh thoảng, chính quyền Mỹ có thể khó hợp tác như trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Clinton (1993–1996). Sau vụ rắc rối Michael Fay, Singapore đột nhiên trở thành người không được chấp nhận bởi vì chúng tôi không chịu theo đường lối tự do kiểu Mỹ đối với việc làm thế nào trở thành một đất nước dân chủ và phát triển. Tuy nhiên, mối quan hệ của chúng tôi đã trở nên nồng thắm trở lại sau cuộc khủng hoảng tiền tệ vào tháng 7/1997. Mỹ nhận thấy chúng tôi là một người đối thoại có ích. Singapore là quốc gia duy nhất trong khu vực có nguyên tắc pháp luật và điều lệ ngân hàng vững chắc với sự giám sát chặt chẽ đã khiến Singapore có khả năng trụ vững được trước sự tuôn chảy tư bản hàng loạt ra khỏi khu vực. Tại một cuộc họp khối APEC ở Vancouver vào tháng 11/1997, Tổng thống Clinton chấp nhận lời đề nghị của Thủ tướng Goh Chok Tong tổ chức một cuộc họp đặc biệt các quốc gia bị ảnh hưởng và các thành viên G–7 để thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế và giúp họ chấn chỉnh lại các hệ thống ngân hàng và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng Bộ Tài chính G22 được tổ chức ở Washington tháng 4/1998.

Khi cuộc khủng hoảng ở Indonesia trở nên trầm trọng hơn, các quan chức chủ chốt của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ có hội ý kín với các quan chức của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao của chúng tôi nhằm cố gắng chặn đứng sự giảm giá đồng rupi của Indonesia. Tổng thống Clinton đã điện cho Thủ tướng Goh trước khi ông cử Thứ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers đến gặp Tổng thống Suharto vào tháng 1/1998. Vào tháng 3/1998, Clinton cử cựu Phó Tổng thống Mondale với tư cách là người đại diện cho cá nhân Tổng thống để giải thích sự trầm trọng của tình hình với Suharto. Những nỗ lực của họ đều thất bại vì Suharto không bao giờ hiểu được Indonesia đang trở nên khốn khổ như thế nào sau khi ông ta cho mở tài khoản vốn và cho phép các công ty Indonesia vay khoảng 80 tỷ đôla Mỹ từ các ngân hàng nước ngoài.

Vào giữa cuộc khủng hoảng tài chính này, Singapore mở rộng tự do hơn cho các khu vực tài chính. Những gì chúng tôi làm là hoàn toàn theo nhận thức của riêng chúng tôi, nhưng nó trùng hợp với quy định của IMF và của Bộ Tài chính Mỹ về việc làm thế nào để phát triển một thị trường tài chính tự do. Chúng tôi được người Mỹ khen ngợi như là một tấm gương của một nền kinh tế tự do cởi mở.

Sẽ có sự thăng trầm trong mối quan hệ của Singapore với Mỹ bởi vì chúng tôi không thể luôn theo đuổi cách thức và hành động của họ như một mô hình cho sự tiến bộ. Singapore là một đảo nhỏ, dân cư đông đúc, định vị tại một khu vực không yên ổn, và nó không thể được quản lý giống Mỹ. Tuy nhiên, đây là những khác biệt nhỏ so với giá trị của sự có mặt của Mỹ ở châu Á, vốn bảo đảm an ninh và ổn định và làm cho nền kinh tế có khả năng phát triển. Mỹ thúc đẩy sự phát triển này bằng cách mở rộng thị trường đối với những mặt hàng xuất khẩu từ các quốc gia không theo chủ nghĩa cộng sản. Nếu Nhật chiến thắng trong cuộc chiến tranh, thì chúng tôi sẽ bị biến thành nô lệ. Nếu Mỹ không tham gia vào Thế chiến Thứ hai và người Anh tiếp tục tư cách là một cường quốc chính ở châu Á thì Singapore và khu vực sẽ không công nghiệp hóa một cách dễ dàng như vậy. Nước Anh không để cho các thuộc địa của mình tiến bộ về mặt công nghiệp.

Khi Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến Triều Tiên, đe dọa nền hòa bình và ổn định ở Đông Á, người Mỹ đánh trả lực lượng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên và dừng lại ở vĩ tuyến 38. Họ giúp Nhật tái xây dựng đất nước bằng viện trợ và các nguồn đầu tư và tạo điều kiện cho sự công nghiệp hóa của Nam Triều Tiên và Đài Loan. Mỹ tiêu phí máu và tiền bạc ở Việt Nam từ 1965 đến 1975 hầu ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Các công ty của người Mỹ đến Đông Nam Á để tạo những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho lực lượng Mỹ ở Việt Nam. Sau đó họ xây dựng những nhà máy sản xuất không liên quan gì đến chiến tranh Việt Nam, và xuất khẩu các sản phẩm của họ qua Mỹ. Đây là khởi sự của quá trình công nghiệp hóa ở Đông Nam Á, trong đó có Singapore.

Tinh thần rộng lượng của Mỹ nảy sinh từ tính lạc quan bẩm sinh rằng họ có thể cho và vẫn có nhiều hơn để cho. Không may, tinh thần này suy yếu vào cuối thập niên 80 do sự thâm hụt ngân sách và mậu dịch. Để hiệu chỉnh những thiếu hụt, Mỹ yêu cầu rằng Nhật và các NIE[37] khác mở cửa thị trường của họ, nâng giá tiền tệ, nhập khẩu nhiều mặt hàng của người Mỹ hơn và trả tiền bản quyền cho tài sản trí tuệ.

[37] NIC (Newly Industrialized Countries) hoặc NIE (Newly Industrializing Economies): các nước mới công nghiệp hóa hoặc các nền kinh tế mới công nghiệp hóa, ban đầu ám chỉ nhóm Bốn con hổ châu Á là Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan thời điểm họ mới nổi, khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước (hiện nay 4 nước này đều đã được công nhận và đứng vào hàng ngũ các nước phát triển. Theo wikipedia.org, hiện nay các nước NIC có thể kể đến (theo nhiều phân tích kinh tế và xếp hạng khác nhau) như Nam Phi, Mexico, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philipines, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Chile, Ai Cập, Indonesia và Nga.

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, người Mỹ trở nên cực đoan và giáo điều. Họ muốn khuyến khích nền dân chủ và nhân quyền ở khắp nơi, trừ nơi mà nó sẽ gây tổn hại đến chính họ như ở bán đảo Ả Rập nhiều dầu lửa. Ngay cả như thế thì Mỹ vẫn là nước nhân từ nhất trong tất cả các cường quốc, tất nhiên là nhẹ tay hơn so với bất kỳ cường quốc mới nổi nào. Do đó, cho dù bất kỳ sự khác biệt và bất đồng nào đi chăng nữa, tất cả các nước không cộng sản ở Đông Á đều thích Mỹ làm đối trọng chi phối cán cân quyền lực của khu vực hơn.

Sự dè dặt của tôi trong những năm 60 xung quanh quan hệ trực tiếp với người Mỹ là vì họ hành động như thể sự giàu có của họ có thể giải quyết mọi vấn đề. Nhiều quan chức của họ lúc đó hỗn xược và thiếu kinh nghiệm nhưng tôi lại nhận ra rằng làm việc với họ dễ hơn là tôi tưởng. Tôi không cần các thông dịch viên để hiểu họ. Họ cũng có thể hiểu tôi một cách dễ dàng. Nếu các bài diễn văn của tôi chỉ bằng tiếng Hoa hay tiếng Malay thì Bill Bundy, trợ lý Bộ trưởng về Đông Á, hẳn sẽ không đọc chúng và không khởi xướng mối quan hệ giữa chúng tôi với chính quyền Mỹ, bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa tôi với Tổng thống Johnson vào tháng 10/1967. Tôi may mắn được quan hệ thân thiện với hầu hết các vị tổng thống Mỹ và những phụ tá chính của họ, đặc biệt là các bộ trưởng. Vài người vẫn duy trì tình bạn với chúng tôi ngay cả sau khi họ đã rời khỏi chức vụ. Cùng làm việc vì các mục tiêu chung, chúng tôi tin tưởng lẫn nhau và trở thành bạn tốt của nhau.

Tuy nhiên, tiến trình chính trị của Mỹ có thể đang làm nản lòng những người bạn của Mỹ. Trong vòng 25 năm, tôi đã chứng kiến các vụ kiện bôi nhọ bắt đầu chống lại hai Tổng thống người Mỹ – Nixon năm 1974 và Clinton năm 1998. May mắn thay, không có tổn hại lớn đối với tình trạng đoàn kết. Nguồn gốc của mối lo lắng lớn chính là tốc độ thay đổi của các chính sách ở Washington cùng với những thay đổi các nhân vật quan trọng. Điều đó tạo ra các mối quan hệ không đoán trước được. Theo các nhà ngoại giao thân thiện ở Washington, các gương mặt mới này mang lại những ý tưởng mới và hành động như một “cơ chế tẩy rửa” nhằm ngăn chặn tình trạng củng cố hoặc xơ cứng của giới cầm quyền. Tôi cho rằng chỉ có một đất nước được thiết lập vững chắc và giàu có như Mỹ mới có thể vận hành một hệ thống như thế.

Bất kể tính công khai của tiến trình chính trị Mỹ, không một quốc gia nào biết được Mỹ sẽ phản ứng như thế nào đối với một cuộc khủng hoảng trong khu vực của họ trên thế giới. Nếu tôi là người Bosnia hay Kosovo, thì tôi sẽ không bao giờ tin rằng Mỹ sẽ dính líu vào Ban–căng. Nhưng họ đã nhúng tay vào, không phải để bảo vệ quyền lợi quốc gia cơ bản của Mỹ, mà là để giữ gìn nhân quyền và chấm dứt các tội ác phi nhân bản do chính phủ tối cao chống lại chính người dân của nó. Liệu rằng một chính sách như thế có thể chống đỡ được hay không? Và có thể được áp dụng khắp thế giới? Tại Rwanda, châu Phi, nó đã thất bại. Do đó, những người bạn Mỹ tiếp tục nhắc nhở tôi rằng chính sách đối ngoại của họ thường không phải được điều khiển bởi mối quan tâm về lợi ích chiến lược quốc gia, mà bởi thông tin đại chúng của họ.

Mặc dù có nhiều sai lầm và nhược điểm, Mỹ cũng đã thành công và thành công ngoạn mục. Vào những năm 70 và 80, các ngành công nghiệp của Mỹ giảm sút so với các ngành công nghiệp của Nhật và Đức, nhưng họ trở lại mạnh mẽ không ngờ vào những năm 90. Các công ty kinh doanh của người Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng máy vi tính và công nghệ thông tin. Họ đã khai thác cuộc cách mạng kỹ thuật số để san bằng và cơ cấu lại các tổ chức của họ, và gia tăng năng suất đến mức chưa từng có trước đây đồng thời vẫn giữ lạm phát thấp, lợi nhuận tăng mà vẫn đi trước người châu Âu và người Nhật trong cuộc cạnh tranh. Sức mạnh của họ là ở tài năng của họ, được nuôi dưỡng trong các trường đại học, những nhóm chuyên gia cố vấn, và trong các phòng thí nghiệm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của các công ty đa quốc gia của họ. Và họ đã lôi cuốn được một số trí tuệ sáng suốt nhất từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm nhiều người từ Ấn Độ và Trung Quốc, đến những khu vực phát triển cao, mới như thung lũng Silicon. Không một quốc gia châu Âu hoặc châu Á nào có thể cuốn hút và hấp thu nhân tài người nước ngoài dễ dàng như vậy. Điều này cho Mỹ một lợi thế quý giá, giống như có một nam châm để kéo về những con người giỏi nhất, thông minh nhất thế giới.

Phải mất một thời gian đáng kể để châu Âu công nhận tính ưu việt của nền kinh tế thị trường tự do của người Mỹ, đặc biệt là triết lý kinh doanh trong việc tập trung vào tỷ lệ lãi trên vốn cổ phần. Các ủy viên ban quản trị người Mỹ bị buộc phải không ngừng tìm cách làm tăng giá trị cổ đông thông qua tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Cái giá của hệ thống thành tích cao – phần thưởng cao này là xã hội người Mỹ bị phân hóa nhiều hơn xã hội châu Âu và Nhật Bản. Hai xã hội này không có giai cấp thấp tương đương như xã hội Mỹ. Nền văn hóa kinh doanh của châu Âu coi trọng sự thống nhất và hòa hợp xã hội. Các công ty Đức có các đại diện công đoàn trong ban quản trị của họ. Nhưng họ lại phải trả giá là tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư thấp hơn và giá trị cổ đông tệ hơn. Người Nhật thuê nhân công dài hạn và đánh giá cao lòng trung nghĩa của người làm công đối với họ và ngược lại. Mặt hạn chế là sự thừa nhân viên và mất tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, vào những năm 90, nhiều công ty châu Âu ghi tên vào Sở giao dịch chứng khoán New York. Điều này đòi hỏi họ tập trung vào lãi và giá trị cổ đông hàng quý. Việc chấp nhận những tiêu chuẩn của Mỹ trong việc quản lý công ty là sự ca ngợi mà những người châu Âu dành cho người Mỹ.

Miễn là kinh tế Mỹ dẫn đầu thế giới và Mỹ vẫn đi đầu trong đổi mới và kỹ thuật thì liên minh châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc cũng không thể thay thế vị trí ưu việt hiện tại của Mỹ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx