sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 35 phần 3

Sáng hôm sau, chúng tôi đi Diên An, căn cứ thần thoại của Bát bộ quân, và cái động hoàng thổ, nơi từng là phòng làm việc của Mao. Tại viện bảo tàng tưởng niệm này, cô hướng dẫn viên nói năng như một người truyền giáo nhiệt thành. Cô ta nhắc đến Mao với một sự nhiệt thành sùng kính như thể ông ta là Chúa và Chu Ân Lai và những người lính bất tử của cuộc Vạn Lý Trường Chinh là các thiên thần. Một con ngựa trắng nhỏ được nhồi bông và đặt trong tủ kính bởi vì Chu Ân Lai đã cưỡi nó một đoạn đường trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Lời kể của người hướng dẫn viên khó chịu đến nỗi cả Choo và Ling lảng đi chỗ khác, chỉ còn tôi phải tỏ ra quan tâm và phải có đôi lời hưởng ứng cho có lịch sự.

Chúng tôi nghỉ lại một đêm ở Yangchialing, thành phố lớn nhất gần Diên An. Một lần nữa chúng tôi nghe thấy những lời chỉ trích gay gắt “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản” của ông chủ tịch Ủy ban cách mạng quận. Chúng tôi bay trở về Tây An và lưu lại trong một khu nhà khách rộng mênh mông – ở đó tôi được bố trí ở một phòng khách sang trọng có phòng tắm rộng và phòng trang điểm. Họ nói phòng này được xây đặc biệt dành cho Chủ tịch Mao. Những nhà khách sang trọng này là đặc quyền cho các vị lãnh đạo tỉnh và Bắc Kinh.

Chúng tôi bay đến Thượng Hải, và một lần nữa được những nữ sinh mặc áo quần sặc sỡ, mang cờ và hoa múa đón chào. Vào bữa ăn tối, ông chủ tịch Ủy ban cách mạng Thành phố Thượng Hải, một người đàn ông trẻ, lại lên án “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản” với giọng giận dữ gay gắt. Chúng tôi được biết Thượng Hải là thành phố tả nhất trong tất cả các thành phố và các tỉnh, và là căn cứ của những người cấp tiến tập hợp xung quanh vợ chủ tịch Mao, Giang Thanh, và Bè lũ Bốn tên, những kẻ đã bị bắt và tống giam ngay sau khi Mao chết.

Vào cuối cuộc hành trình về tỉnh, một sự thân thiện đã nảy sinh giữa các quan chức của họ và những thành viên nói được tiếng Quan Thoại trong đoàn của tôi. Họ đùa giỡn khi chỉ vào đĩa thức ăn mời nhau trong bữa ăn tối, với giọng mỉa mai: “Zi li geng sheng”, một trong những khẩu hiệu của Mao có nghĩa là “tự lực cánh sinh”, hàm ý tôi sẽ tự gắp thức ăn cho mình, anh không cần phải phục vụ tôi. Băng đang tan. Đằng sau cái vẻ bên ngoài có kỷ luật của một cán bộ cộng sản là một con người biết thưởng thức những món ăn ngon, rượu nho ngon, những món mà họ được hưởng chỉ lúc nào có khách là nhân vật quan trọng đến thăm.

Rồi thì đến bữa ăn tối cuối cùng do các ủy ban cách mạng tỉnh Quảng Đông và thành phố Quảng Châu chiêu đãi. Cám ơn trời, chỉ còn một bài diễn văn và một lần cuối cùng vạch mặt “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản” nhưng hoàn toàn không gay gắt, không kết tội.

Sáng hôm sau, họ tổ chức một buổi tiễn rực rỡ màu sắc tại nhà ga Quảng Châu trước khi chúng tôi đáp tàu đặc biệt đi Thẩm Quyến. Lần cuối cùng, hàng trăm nữ sinh mang theo hoa, cờ nhảy múa và hát chào từ biệt. Tôi tự hỏi làm sao mà họ có thể cho phép học sinh nghỉ học cho những lần trình diễn như vậy. Hai giờ sau, chúng tôi đã có mặt tại Lo Wu. Khi chúng tôi đang đi bộ băng qua biên giới rời khỏi đất Trung Quốc, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, bỏ lại đằng sau những bài ca và những câu khẩu hiệu.

Tất cả chúng tôi đã rất háo hức được nhìn thấy nước Trung Quốc mới kỳ bí này. Đối với người Hoa ở Nam Dương, nó có sức hấp dẫn kỳ lạ, như là quê cha đất tổ vậy. Người Trung Quốc mặc quần áo đẹp nhất cho con cái họ để chào và tiễn chúng tôi tại các sân bay, các nhà ga, các trường mẫu giáo và những nơi khác mà chúng tôi đến thăm. Những chiếc áo dài, váy yếm và áo len dài tay màu sắc sặc sỡ chỉ mặc vào những dịp đặc biệt rồi cẩn thận cất để dành. Đa số người Trung Quốc mặc bộ vét kiểu Mao màu tím than hoặc xám đậm, xộc xệch dùng cho cả nam lẫn nữ. Lúc ấy chúng tôi không biết những ngày đấy là những ngày tháng cuối cùng của kỷ nguyên Mao. Sau đó 4 tháng ông ta mất – sau trận động đất Đường Sơn tháng 9 năm đó. Về sau, tôi lấy làm mừng vì đã có dịp nhìn thấy đất nước này trước lúc Đặng Tiểu Bình cho mở cửa Trung Quốc, đã được chứng kiến sự đồng dạng gượng ép trong trang phục, ăn nói và đã được nghe những bài tuyên truyền làm mụ cả người của họ.

Mỗi người mà chúng tôi gặp đều có một câu trả lời giống nhau cho những câu hỏi của chúng tôi. Tại Đại học Bắc Kinh, tôi hỏi các sinh viên rằng họ sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Câu trả lời dứt khoát: “Theo quyết định của Đảng và làm sao phục vụ nhân dân được tốt nhất”. Thật là bực mình khi nghe những câu trả lời như vẹt từ những người trẻ tuổi thông minh như thế. Những câu trả lời tất thảy đều đúng về mặt chính trị nhưng không thật lòng.

Đó là một thế giới kỳ lạ. Tôi đã đọc về Trung Quốc, đặc biệt là sau chuyến công du của Nixon. Những sự công kích không chùn bước của những khẩu hiệu chữ to được sơn hoặc dán trên tường, trên những áp phích khổng lồ cắm ngay giữa những cánh đồng lúa và lúa mì, tất cả đều bằng thứ ngôn ngữ cách mạng dữ dội – đây quả là một kinh nghiệm siêu thực. Những câu khẩu hiệu này phát ra om sòm từ những loa phóng thanh tại các nhà ga, các công viên và trên đài phát thanh đã làm tê liệt các giác quan. Chúng tôi nhận thấy người dân chẳng mấy nhiệt tình, ngoại trừ khi họ phải nói với chúng tôi về cuộc Cách mạng Văn hóa bằng một giọng bắt chước ca ngợi sôi nổi. Đấy là làng Potemkin[44] kiểu Trung Quốc.

[44] Làng Potemkin: Một làng quê nơi được Potemkin, một chức sắc địa phương dựng lên những công trình giả lộng lẫy để đón nữ hoàng Catherine – một hình thức tâng công gian trá. (ND)

Đại Trại là công xã kiểu mẫu của họ ở vùng Sơn Tây núi non, cằn cỗi thuộc khu Tây Bắc. Từ nhiều năm, vùng này thường được ca tụng trên phương tiện truyền thông đại chúng vì thường xuyên có những vụ mùa bội thu. Đại Thanh ở phía Đông Bắc là nơi có những mỏ dầu. Khẩu hiệu của Mao là: Học về nông nghiệp, hãy nghiên cứu Đại Trại. Học về công nghiệp, hãy nghiên cứu Đại Thanh (Nong ye xue Dazhai. Gong ye xue Daqing). Vì thế, tôi đã yêu cầu được đến thăm Đại Trại.

Mười năm sau, họ tiết lộ rằng Đại Trại là một sự dối trá. Sản lượng của Đại Trại cao hơn là do những đầu vào đặc biệt làm cho sản lượng nông nghiệp của nó cao như thế. Trong những mỏ dầu Đại Thanh, những công nhân kiểu mẫu đã không khai thác được sản lượng tối đa từ dưới đất bởi vì công nghệ lạc hậu và sản lượng của họ bị giảm xuống. Nhiệt tình cách mạng không thể bù đắp cho bí quyết công nghệ, cho dù trong nông nghiệp hay trong khai thác mỏ. Niềm tin trong kỷ nguyên Mao: “Hồng hơn Chuyên” là một lối ngụy biện, gian trá được áp đặt lên người dân.

Tại mỗi tỉnh lị, chủ tịch hội đồng cách mạng (hoặc thủ hiến, như người ta gọi ông ta sau khi Cách mạng Văn hóa đã chính thức kết thúc) đã tổ chức một bữa ăn tối chào mừng tôi. Mỗi người đều thốt ra cùng một lời chỉ trích và phỉ báng “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản”, ám chỉ Đặng Tiểu Bình. Chúng tôi đã không nắm được ý nghĩa của nó, lúc bấy giờ chưa hiểu được thứ ngôn ngữ mật mã mà họ dùng để lên án ông ta. Tôi đã quan sát những vẻ mặt nghiêm trang của những người đàn ông khi họ đọc to những bài diễn văn, mặt lạnh như tiền. Những thông dịch viên đã thuộc lòng những gì sắp được nói ra và chỉ việc lặp đi lặp lại những cụm từ tiếng Anh có sẵn. Tôi tự hỏi tình cảm thật của họ ra sao nhỉ nhưng chẳng ai để lộ những suy nghĩ của mình.

Đó là một mớ cảm giác hỗn độn đến nỗi chúng tôi phải mất một số thời gian mới chọn lọc được. Mỗi tối, tôi cùng Choo so sánh những điều ghi chép được. Nếu như họ đặt máy nghe trộm như người Nga đã làm ở Moscow năm 1971, thì họ cũng không để lộ nó. Con gái tôi, Wei Ling, lúc bấy giờ là một sinh viên y khoa năm thứ ba, tháp tùng chúng tôi. Con bé đã học ở trường hoàn toàn dạy bằng tiếng Trung Quốc ở trường Trung học nữ sinh Nanyang cho tới cấp O, 10 năm học chính quy bằng tiếng Trung Quốc trước khi chuyển sang tiếng Anh để có trình độ A đặng theo học ngành y khoa tại trường đại học. Con bé chẳng gặp trở ngại gì trong vấn đề ngôn ngữ nhưng lại cực kỳ khó khăn để thật sự hiểu họ, và những suy nghĩ trong lòng họ. Khi con bé lang thang một mình tại những thành phố tỉnh lẻ nơi chúng tôi tới thăm, đám đông tụ tập xung quanh vì tò mò. Cô ấy từ đâu đến? Singapore. Đó là ở đâu? Những phụ nữ tại các bữa tiệc cũng quan tâm đến Ling không kém. Nó trông giống người Trung Quốc, nói ngôn ngữ của họ, tuy nhiên cung cách lại không giống họ – chẳng chút e thẹn, nói năng thoải mái giữa đám người lớn. Nó ăn mặc đẹp so với họ, xông xáo, thẳng thắn như người từ cung trăng đến. Nó cảm thấy mình khác biệt với họ. Cũng như tôi, nó thấy đinh tai nhức óc khi nghe những tràng tuyên truyền liên tục phát ra từ các loa phóng thanh và đài phát thanh.

Con gái tôi phản ứng như thể nó vừa có phát kiến lớn. Nó đã từng học lịch sử và văn học Trung Quốc trước thời cộng sản ở một trường dạy bằng tiếng Trung Quốc và đang mong được nhìn ngắm những tượng đài lịch sử, những hiện vật văn hóa, những kỳ quan thiên nhiên, đặc biệt là những điều được nhắc đến trong những đoạn văn hay mà nó đã học thuộc. Nhưng thấy sự nghèo nàn nằm liền kề những ngọn núi và đền đài với những cái tên nghe sao mà lãng mạn đã khiến nó nghĩ rằng việc Trung Quốc nhấn mạnh là mình có một nền văn minh cổ xưa và liên tục nhất thế giới là một trở ngại ngăn họ bắt kịp với thế giới phát triển; rằng Singapore giàu có hơn bởi vì chúng tôi đã không có những chướng ngại vật như thế.

Con gái tôi ngạc nhiên nhìn thấy Trung Quốc khác xa ngay cả với các nước Đông Âu mà nó đã đến thăm cùng tôi – biệt lập với ảnh hưởng bên ngoài – và cũng ngạc nhiên khi thấy những người dân ở đây đã bị tiêm nhiễm sâu sắc đến nỗi dù là một quan chức trẻ hay người từ bất cứ tỉnh nào đến, một khi phải trả lời, họ đều đưa ra những câu trả lời chuẩn mực về chính trị. Nó ít có cơ hội tiếp xúc với người dân thường.

Bất cứ ở đâu mà nó đi thong dong hoặc chạy bộ đều có cận vệ đi theo bảo đảm an ninh và ngăn nó lại không cho tiếp xúc. Thứ nó chán xem là những khẩu hiệu chữ to, gấp năm bảy lần chữ thường mà hồi đó đang là thời thượng như: “Hãy phê phán Khổng Tử – Hãy phê phán Đặng Tiểu Bình”, “Hãy nghiền nát chủ nghĩa kinh tế tư sản” [đúng nguyên văn thế đấy], “Tư tưởng Mao Trạch Đông toàn thắng muôn năm”. Nó kinh ngạc trước sự phục tùng mù quáng của người dân đối với nhà cầm quyền. Vào cuối chuyến đi, nó lấy làm mừng là ông bà tổ tiên nó đã chọn tìm vận may ở Nanyang.

Trước chuyến thăm này, chính phủ chúng tôi đã nghiêm ngặt từ chối cho phép người Singapore dưới ba mươi tuổi đi thăm Trung Quốc. Khi tôi trở về, tôi chỉ thị rằng quy định này phải được xem xét lại, vì qua những gì mắt thấy tai nghe của bản thân và những phản ứng của Ling, tôi tin rằng cách tốt nhất để tẩy sạch những ý nghĩ lãng mạn về quê hương vĩ đại là cho phép họ về thăm, càng lâu càng tốt. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi đã bãi bỏ hạn chế này.

Tôi bị ấn tượng bởi diện tích bao la của Trung Quốc và những khác biệt lớn giữa 30 tỉnh thành của họ. Điều mà tôi đã không lường trước được là cái giọng quạc quạc của những phương ngữ khác nhau mà tôi tình cờ gặp phải. Thật khó hiểu được nhiều người trong bọn họ nói gì. Thủ tướng Hoa là người Hồ Nam nói giọng phát âm nặng. Ít ai trong số những người tôi gặp nói được tiếng chuẩn (tiếng phổ thông hay còn gọi là Quan thoại). Chỉ riêng tiếng phổ thông cũng có hàng loạt các thổ ngữ và cách phát âm khác nhau đến nỗi khi chúng tôi đến Quảng Châu, người phiên dịch tháp tùng tôi, một phiên dịch tuyệt vời, không thể hiểu vị ủy viên lớn tuổi của hội đồng cách mạng ở đảo Hải Nam nói gì, mặc dù ông ta đang nói thứ tiếng mà ông ta cho là tiếng phổ thông. Tôi thì lại hiểu ông ta nói gì bởi vì nước chúng tôi có nhiều người Hải Nam nói tiếng phổ thông giống ông ta, thế là tôi phải phiên dịch lại những gì vị ủy viên hội đồng cách mạng nói cho thông dịch viên của họ hiểu. Đây là một ví dụ nhỏ về việc thống nhất Trung Quốc bằng một ngôn ngữ chung. Về diện tích và dân số, Trung Quốc lớn hơn châu Âu lục địa từ 1,5 đến 2 lần. 90 % dân Trung Quốc là người Hán và có chung chữ viết. Nhưng họ phát âm nguyên âm và phụ âm theo những cách khác nhau cho cùng một chữ viết và đã hình thành nhiều thành ngữ và tiếng lóng tại các tỉnh khác nhau, thậm chí ở những thị trấn nằm liền kề trong cùng một tỉnh. Họ đã và đang cố thống nhất ngôn ngữ từ lúc Nhà Thanh bị lật đổ năm 1911, nhưng phải mất một thời gian dài mới có thể thành công. Với truyền hình vệ tinh, đài phát thanh và điện thoại di động, họ có thể đạt được mục đích trong một hoặc vài thế hệ nhưng chỉ thành công được ở thành phần dân số trẻ tuổi được học hành tốt hơn.

Chỉ hai tuần ở Trung Quốc mà chúng tôi phải di chuyển hàng ngày, được hộ tống bởi những chủ nhân khác nhau tại các địa phương khác nhau, được chăm lo bởi nào là cán bộ chuyên trách vụ Đông Nam Á, các phiên dịch, nhân viên lễ tân, nhân viên khuân vác hành lý và nhân viên an ninh là những người tháp tùng đoàn chúng tôi suốt chặng đường từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, về cuối, chúng tôi cảm thấy căng thẳng vì lúc nào cũng phải giữ thái độ lịch sự nhất. Trong đoàn, họ bố trí các quan chức nói được từng thứ ngôn ngữ và thổ ngữ của chúng tôi. Cho dù chúng tôi nói tiếng Phúc Kiến, Malay hoặc tiếng Anh, họ cũng có các quan chức từng sống ở Đông Nam Á, hoặc đã từng làm việc ở Indonesia nhiều năm và nói được tiếng Malay, tiếng Bahasa Indonesia, hoặc tiếng Phúc Kiến như người bản xứ, có thể nghe trộm và hiểu chúng tôi đang nói gì. Vì thế chúng tôi không thể đột ngột thay đổi ngôn ngữ để loại họ ra ngoài cuộc nói chuyện. Vào số buổi tối ít ỏi mà chúng tôi được ăn tối riêng với nhau, chúng tôi mới có thời gian vui vẻ bên nhau cùng đối chiếu những gì ghi chép được.

Tại mỗi điểm dừng chân, các quan chức Bắc Kinh có nhiệm vụ chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu của chúng tôi thường lôi cuốn những thành viên trong đoàn chúng tôi vào những cuộc trò chuyện để lần dò thái độ của chúng tôi về những vấn đề khác nhau và những phản ứng của chúng tôi đối với họ. Họ rất cặn kẽ. Các phóng viên của chúng tôi báo lại rằng đêm nào, về khuya cũng thấy họ thảo luận những điều phát hiện được trong ngày và viết những báo cáo chi tiết về những đàm thoại và những điều quan sát được trong ngày. Tôi tự hỏi ai sẽ đọc những cái này – hiển nhiên là phải có ai đó đọc bởi vì họ làm những báo cáo này rất nghiêm túc. Tôi kết luận: một lý do họ muốn tôi đến thăm Trung Quốc là để xem tận tường mặt đối mặt và đánh giá những cá tính và thái độ của tôi.

Khi chúng tôi chào tạm biệt họ tại nhà ga ở Quảng Châu, vị phụ trách vụ Đông Nam Á, người cao lớn, trông như người bị lao phổi, tuổi độ năm mươi, bảo K.C. Lee rằng sau khi quan sát tôi hai tuần nay, ông ta nhận thấy tôi rất cứng rắn. Tôi tiếp nhận lời nhận xét ấy như dấu hiệu của một sự kính trọng. Khi họ đồng loạt vỗ tay để hoan nghênh tôi, tôi vẫy tay chào lại. Tôi không vỗ tay như cách thức của họ. Tôi cảm thấy buồn cười khi vỗ tay đáp lại. Tôi cố ý cho họ hiểu tôi là người Singapore và khác biệt với họ. Chúng tôi đã phản ứng giống nhau: Choo và Ling cũng thế, và tôi cũng không cảm thấy bản thân mình là một trong số họ. Thật thế, trong chuyến đi đầu tiên ấy, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy sâu sắc hơn mình không phải là người Trung Quốc.

Thật là bối rối khi tham quan nhà máy hoặc đến một cuộc triển lãm được người ta đưa cho – theo phong tục của họ – một cây bút lông, một nghiên mực Tàu mài sẵn và một trang giấy thảo hoặc một trang sách trắng để mình viết cảm tưởng. Vì tôi chỉ làm quen với bút lông được vài tháng ở tiểu học, nên tôi từ chối và yêu cầu đưa cho một cây viết bình thường để viết lời cảm tưởng bằng tiếng Anh.

Cảm giác mình không phải là người Trung Quốc trở nên bớt căng thẳng khi tôi biết rõ họ hơn và không còn bị rối trí bởi những khác biệt trong cách nói chuyện, ăn mặc và cử chỉ. Nhưng trong chuyến đi đầu tiên đó, chúng tôi thấy bản thân họ và các cử chỉ thái độ của họ rất xa lạ. Với người Trung Quốc ở miền Nam, chúng tôi không bị chú ý vì có vẻ bề ngoài gần giống như họ. Nhưng thậm chí ngay cả như thế, chúng tôi vẫn cảm thấy rõ ràng rằng chúng tôi không phải là một người trong số họ.

Tôi cũng đã phát hiện ra rằng nhiều người trong số những sinh viên người Hoa trẻ tuổi trở về Trung Quốc trong những năm 1950 để góp phần vào cuộc cách mạng đã không bao giờ được xã hội Trung Quốc chấp nhận. Họ luôn luôn tách riêng vì Hoa kiều, hay người Trung Quốc sống ở nước ngoài là những người khác lạ, “ủy mị” không hoàn toàn hòa nhập. Thật là buồn; những người này đã trở về bởi vì họ rất muốn đóng góp và muốn hội nhập. Họ được hoặc có lẽ phải được đối xử khác bởi vì có những đặc quyền đặc lợi, những ưu tiên không giành cho công dân trong nước hoặc là do cuộc sống có thể đã trở nên quá khó khăn đối với họ. Và vì những đặc quyền đặc lợi đó mà họ bị oán ghét. Thật là khó cho cả hai phía. Tình cảm họ hàng là tốt đẹp với điều kiện những người bà con hải ngoại này sống hẳn ở nước ngoài và thỉnh thoảng về thăm tặng quà, hỏi han sức khỏe. Nhưng ở lại trong nước và trở thành một phần của Trung Quốc đã trở thành một gánh nặng trừ phi người bà con có nghề hoặc kiến thức đặc biệt. Nhiều người trở về với những tư tưởng lãng mạn cách mạng cuối cùng lại trở thành những người di cư sống ở Hong Kong và Macau, nơi họ cảm thấy cuộc sống thích hợp hơn, gần giống với cuộc sống ở Singapore và Malay hơn, nơi họ từng khinh miệt và đã ruồng bỏ. Nhiều người trong số họ đã kiến nghị được trở lại Singapore. Cục An ninh Quốc gia của chúng tôi đã kiên quyết đề nghị bác bỏ lời thỉnh cầu như vậy vì nghi ngờ đó là những phần tử được Đảng Cộng sản Malaysia cài vào để quấy rối. Như vậy là hiểu lệch hoàn toàn tình hình thực tế. Những người này đã hoàn toàn vỡ mộng với Trung Quốc và chính họ lẽ ra đã trở thành thuốc chủng ngừa của chúng tôi chống lại con virut chủ nghĩa Mao.

Về vẻ bề ngoài, chúng tôi rất giống người Trung Quốc ở các tỉnh miền Nam. Chúng tôi có cùng những giá trị văn hóa, trong thái độ đối với các quan hệ về giới tính, các quan hệ trong gia đình, lòng tôn kính đối với người lớn tuổi, và những chuẩn mực xã hội khác liên quan đến gia đình và bạn bè. Nhưng chúng tôi khác nhau trong quan điểm và cách nhìn nhận thế giới và vị trí của chúng tôi trong thế giới này. Đất nước của họ rộng lớn đến độ họ cảm thấy tuyệt đối tự tin sẽ có một ghế dành cho họ ở bàn đầu một khi họ đã tự điều chỉnh được bản thân và đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Không có người Trung Quốc nào nghi ngờ vận mệnh cuối cùng của họ sau khi họ phục hồi được nền văn minh của mình, một nền văn minh cổ xưa nhất thế giới với 4.000 năm lịch sử không bị gián đoạn. Chúng tôi, những người di trú, những người đã cắt đứt cội nguồn của mình và đem gieo trồng bản thân ở một miền đất khác, với vùng khí hậu rất khác, lại thiếu sự tự tin này. Chúng tôi có những nghi ngờ nghiêm túc về tương lai của chúng tôi, luôn luôn tự hỏi số phận nào sẽ tới trong tương lai của chúng tôi trong một thế giới không ổn định và thay đổi nhanh chóng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx