sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 36 phần 2

Ông ta chuyển sang trình bày quan điểm của Trung Quốc về chiến lược toàn cầu của Liên Xô. Ông ta trấn an tôi rằng Trung Quốc sẽ góp phần mình vào việc làm giảm những mối ngờ vực và lo sợ của Malaysia và Indonesia đối với Trung Quốc. Mục tiêu của Liên Xô là kiểm soát các nguồn dầu mỏ và các tuyến đường trên biển, trong đó có eo biển Malacca, nhằm bóp nghẹt Nhật Bản và Tây Âu, và ở trong một chừng mực nào đó bóp nghẹt cả Hoa Kỳ.

Còn về các mối quan hệ giữa đảng với đảng, đây là một vấn đề lịch sử mang tính chất toàn cầu và Trung Quốc đang có những cố gắng chân thành trong phạm vi có thể để nó không ảnh hưởng đến các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Asean. Để giải quyết vấn đề này sẽ phải cần một ít thời gian. Ông ta muốn chính thức nói với tôi rằng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này, nhưng không phải một sớm một chiều.

Vấn đề Hoa kiều là một vấn đề khác tồn tại do lịch sử. Trung Quốc không ủng hộ chế độ hai quốc tịch và đã khuyến khích người Hoa sống ở hải ngoại nhận quốc tịch của nước chủ nhà. Nhưng nếu Hoa kiều vẫn giữ quốc tịch Trung Hoa, thì Trung Quốc không thể ngưng tiếp xúc với họ. Còn việc đóng góp của người Hoa ở hải ngoại vào công cuộc Hiện đại hóa của Trung Quốc, thì điều này không tiêu biểu cho chính sách của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trung Quốc sẽ cố gắng làm giảm bớt sự nghi ngờ của các quốc gia khác về vấn đề Hoa kiều. Tuy nhiên, cả hai bên nên quan tâm đến những vấn đề quan trọng hơn là chính sách của Trung Quốc đối với Hoa kiều. Về Campuchia, tôi sẽ gặp Đặng Tiểu Bình; ông ta sẽ giải quyết tất cả những điểm tôi muốn nêu lên; nói cách khác, Đặng là thẩm quyền tối hậu.

Sáng hôm sau tôi đã gặp Đặng Tiểu Bình trong hơn hai giờ đồng hồ tại một phòng khác trong Đại sảnh đường Nhân dân. Ông ta trông hoạt bát và khỏe mạnh. Ông đã được thông báo cặn kẽ từ trước nên giành phần nói gần hết buổi hội đàm. Ông ta nói những cuộc thảo luận của tôi với Triệu Tử Dương đã diễn tiến tốt, và thêm rằng tướng Ne Win cũng đã không đọc diễn văn ở bữa tiệc chiêu đãi ông ta tại Đại sảnh đường Nhân dân, nhưng đã có những “cuộc thảo luận tốt” với lãnh đạo Trung Hoa. Ông ta trấn an rằng việc hủy bỏ bài diễn văn của tôi chẳng có ảnh hưởng gì đến kết quả của những cuộc thảo luận của chúng tôi.

Đặng lập luận rằng Trung Quốc là một nước lớn với số dân rất đông. Trung Quốc không cần nguồn tài nguyên của các quốc gia khác. Trung Quốc đang bận tâm với vấn đề nâng dân mình vượt khỏi mức nghèo đói và lạc hậu, “một nhiệm vụ lớn, có lẽ phải mất đến nửa thế kỷ mới thực hiện được.” Trung Quốc quá đông dân. Quả là có quá nhiều việc phải làm. Ông ta hy vọng tôi sẽ giải thích lập trường “chân thực và trong sáng” của Trung Quốc cho Indonesia và Malaysia hiểu. Trung Quốc muốn nhìn thấy một Asean hùng mạnh, “càng hùng mạnh, càng tốt.” Trung Quốc có một “chiến lược toàn cầu” trong việc xử lý các mối quan hệ của mình với các nước Asean, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Âu. Ông ta hoàn toàn thông cảm với lập trường của Singapore về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, rằng chúng tôi sẽ làm như thế sau Indonesia. Những tính toán của Singapore là đúng đắn và phù hợp với những “tính toán chiến lược” của Singapore.

Chúng tôi đi ăn trưa; người ta dọn ra một món đặc sản của người Hoa, món tay gấu ngon tuyệt vời – chân gấu om mềm trong một thứ nước xốt tinh túy. Đây là bữa ăn ngon nhất mà tôi đã từng ăn tại Đại sảnh đường Nhân dân. Người đầu bếp đã cố gắng đặc biệt để làm vừa lòng các khách mời của Đặng. (Gấu hiện nay là một loài vật có nguy cơ bị tuyệt chủng tại Trung Quốc.)

Lễ tân Trung Quốc quả đã hành động đúng khi họ đưa tôi đến gặp Hoa Quốc Phong sau cùng. Ông ta vẫn còn là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc và do đó ở cấp bậc cao hơn Đặng, một phó chủ tịch. Nhưng qua vai trò quan trọng của các viên chức đang có mặt, tôi biết chắc tiếng nói của ai nặng ký hơn.

Triệu Tử Dương gặp lại tôi tại Bắc Kinh vào tháng 9/1980. Ông ta nhắc đến tôi như một “người bạn cũ” của Trung Quốc, cái nhãn mà họ gán cho những ai họ muốn tạo cảm giác thoải mái. Rồi ông ta yêu cầu tôi cho biết cảm tưởng về những nơi tôi đã tới thăm dọc đường đến Bắc Kinh.

Phong cách của ông ta như khích lệ tôi phát biểu ý kiến. Tôi nói rằng tôi có thể đưa ra những nhận xét vô thưởng vô phạt, gạt bỏ những lời phê phán, nhưng điều đó sẽ không có giá trị đối với ông ta. Trước tiên tôi nói lên những ấn tượng tốt đẹp. Thượng Hải có các cán bộ lãnh đạo trẻ hơn hồi 1976, đầy sinh lực và năng động; nhân dân trông sung sướng hơn và khá giả hơn trong những bộ quần áo màu sắc rực rỡ; đâu đâu cũng xây dựng nhà cửa; và vấn đề giao thông vẫn còn có thể quản lý được. Tôi có ấn tượng tốt về Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông, một con người đầy sinh lực, dám nghĩ dám làm, nhiều sáng kiến và kỳ vọng nâng cấp hạ tầng cơ sở của Sơn Đông. Ông ta có kế hoạch xây dựng các sân bay ở Giang Nam và Yantai, và đã đề nghị ba dự án kinh doanh cho giới doanh nghiệp của chúng tôi; bộ tham mưu của ông ta được tổ chức tốt.

Thứ đến tôi đưa ra những điểm tiêu cực: những tục lệ xấu trước đây vẫn không thay đổi. Nhờ làm thủ tướng trên 20 năm, tôi đã nghỉ lại tại nhiều nhà khách, và do đó nhìn vào tình trạng của chúng, chúng tôi có thể hình dung được cung cách quản lý. Khu nhà khách to lớn ở Giang Nam cho tôi ấn tượng về một sự lãng phí; tôi nghe nói phòng tôi với cái bồn tắm cỡ khổng lồ đã được xây đặc biệt dành cho Chủ tịch Mao khi Người đến thăm. Nhân lực để giữ cho khu vực này luôn trong tình trạng tốt đẹp có thể sử dụng tốt hơn bằng cách cho họ quản lý một khách sạn hạng nhất. Bởi vì khách đến nghỉ ít và lâu lâu mới có nên nhân viên không có việc để làm.

Sau nữa là, hệ thống đường sá kém. Trên con đường dài 150 cây số (xấp xỉ 90 dặm) từ Giang Nam đến Khúc Phụ (tỉnh Sơn Đông), sinh quán của Khổng Tử, có những đoạn chỉ là đường mòn lầy lội. Người La Mã đã xây dựng những con đường tồn tại 2.000 năm. Trung Quốc có nhân công và đất đá dồi dào, nên không có lý do gì để những đoạn đường mòn lầy lội nối Giang Nam, thủ phủ của tỉnh, với Khúc Phụ, một địa phương có tiềm năng du lịch.

Singapore có một nền văn hóa hay lịch sử khá mỏng và dân số chỉ vỏn vẹn hai triệu rưỡi, nhưng chúng tôi có ba triệu khách du lịch hằng năm (giữa thập niên 80). Các tượng đài và thành quách hoang phế của Trung Quốc còn đậm nét lịch sử. Kinh doanh phong cảnh, không khí mát mẻ, thức ăn tươi, các dịch vụ giặt ủi, những phẩm vật quý hiếm và đồ lưu niệm cho khách du lịch sẽ đem lại nhiều công ăn việc làm và trút tiền vào túi của nhiều người. Trung Quốc với số dân khoảng 1 tỷ, chỉ có 1 triệu khách du lịch mỗi năm – 800.000 Hoa kiều và 200.000 người nước ngoài.

Một cách dè dặt, tôi đề nghị rằng họ có thể gửi một số giám sát viên của mình tới Singapore. Những người này sẽ không gặp phải những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa và có thể quan sát tinh thần và thái độ lao động của chúng tôi. Triệu Tử Dương hoan nghênh đề nghị của tôi. Ông đề nghị các nhà quản lý, các chuyên viên ở cấp cao, cấp trung và cả dân thường của chúng tôi đến tham quan Trung Quốc để đánh giá các công nhân của họ trong một bối cảnh cụ thể của Trung Quốc. Tôi nói rằng các công nhân của họ có lẽ không tôn trọng các giám sát viên của chúng tôi, bởi vì những người này là “hậu duệ của đám cu li từ tỉnh phúc Kiến sang”, về sau, họ gửi một số đoàn cán bộ quản lý của các xí nghiệp quốc doanh của họ đến Singapore. Họ thấy một nền văn hóa lao động khác biệt, luôn coi trọng chất lượng của công việc.

Ông ta nói rằng Trung Quốc có ba nhiệm vụ kinh tế lớn: thứ nhất, xây dựng hạ tầng cơ sở như đường bộ và đường xe lửa; thứ hai, nâng cấp càng nhiều nhà máy càng tốt; và thứ ba, tăng cường tính hiệu quả của các cán bộ quản lý và công nhân của họ. Ông ta nói về vấn đề lạm phát. (Đây là một trong những nguyên nhân gây rắc rối ở Thiên An Môn bốn năm sau đó). Ông ta muốn tăng cường thương mại, hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa Trung Quốc và Singapore. Trung Quốc sẵn sàng ký với chúng tôi một hợp đồng ba năm để mỗi năm chế biến không dưới 3 triệu tấn dầu thô của Trung Quốc, và sẽ được nhập khẩu nhiều hơn các hóa chất và sản phẩm hóa dầu từ Singapore miễn là các mặt hàng này được bán theo giá quốc tế. Bằng cách đó họ đã bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp dầu mỏ của chúng tôi. Công ty dầu khí quốc doanh của họ đã lập một văn phòng tại Singapore để xử lý công việc kinh doanh và đồng thời buôn bán dầu mỏ.

Tôi được đưa đến gặp Đặng. Ông ta nói đùa về cái tuổi già tám mươi mốt của mình so với tuổi sáu mươi hai của tôi. Tôi trấn an ông rằng ông ta trông không già. Ông không lo lắng về tuổi tác. Trung Quốc đã sắp xếp thỏa đáng các thay đổi nhân sự: “Cho dù trời sập, Trung Quốc vẫn có người để gánh vác nó” về mọi mặt, sự phát triển trong nước của Trung Quốc khá tốt, với nhiều thay đổi trong năm năm qua. Mười nhà lãnh đạo lớn tuổi trong bộ chính trị đã nghỉ hưu, vị trí của họ đã được các nhà lãnh đạo trẻ hơn thay thế. Nhiều nhà lãnh đạo trên sáu mươi tuổi đã từ chức và 90 người mới, trẻ hơn đã được bầu vào ủy ban trung ương. Những thay đổi về lãnh đạo này đã liên tục được thực hiện trong bảy năm, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được với tình hình và cần cải tổ tiếp. Đúng ra, bản thân ông Đặng cũng nên rút lui, nhưng có một số vấn đề ông ta còn phải giải quyết.

Ông ta nhắc đi nhắc lại rằng ông ta đã tám mươi mốt tuổi, sẵn sàng đi gặp Mác; đấy là quy luật tự nhiên và mỗi người phải ý thức được điều này trừ ông Tưởng Kinh Quốc. Ông ta hỏi tôi lần cuối cùng tôi gặp Tưởng là lúc nào và liệu ông ấy đã giải quyết vấn đề lãnh đạo chưa. Chỉ lúc đó tôi mới nhận thấy rằng những nhận xét cởi mở của ông ta về tuổi tác không phải là lời đùa cợt bình thường mà là để dẫn đến chuyện Tưởng Kinh Quốc và Đài Loan. Tôi nói rằng tôi đã gặp Tưởng Kinh Quốc lần cuối vào tháng Giêng, tức tám tháng trước đó, và Tưởng mắc bệnh tiểu đường, điều này ai cũng biết, nhưng ông ta ý thức được tình trạng nguy tử của mình. Đặng tự hỏi thành tiếng liệu Tưởng Kinh Quốc đã sắp xếp nhân sự kế thừa mình chưa. Tôi biết tường tận – tôi nói – là ông ta đã làm điều đó, nhưng tôi không thể nói cuối cùng ai sẽ thay thế ông ta. Đặng sợ sẽ xảy ra cảnh hỗn loạn rối ren tại Đài Loan sau khi Tưởng ra đi. Lúc này, ít ra cả hai bên đều chia sẻ một cảm nghĩ chung là chỉ có một nước Trung Hoa. Cảnh hỗn loạn có thể dẫn tới sự xuất hiện hai nước Trung Hoa. Tôi hỏi làm sao lại có thể như vậy. Ông ta giải thích rằng có thể có hai diễn biến: thứ nhất, có những lực lượng ở Hoa Kỳ và Nhật Bản ủng hộ độc lập của Đài Loan; thứ hai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem Đài Loan như một trong những hàng không mẫu hạm không thể chìm của mình. Chính quyền Hoa Kỳ hiện nay (với Ronald Reagan là tổng thống) đã chưa hoàn toàn thay đổi chính sách của mình về Đài Loan. Họ xem Đài Loan là một căn cứ quân sự quan trọng và muốn duy trì nó trong vòng ảnh hưởng của mình. Đặng đã thảo luận về Đài Loan với Tổng thống Reagan năm trước và đã cố gắng thuyết phục ông ta từ bỏ chính sách hàng không mẫu hạm này; ông ta chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã có 10 hàng không mẫu hạm không thể chìm trên khắp thế giới. Đài Loan có tầm quan trọng quyết định đối với Trung Quốc.

Ông ta đã hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Caspar Weinberger liệu ông này sẽ phản ứng ra sao đối với những tình huống có thể xảy ra. Nếu Đài Loan từ chối thương thuyết về việc tái thống nhất, thì Trung Quốc sẽ phải làm gì? Và nếu Đài Loan trở thành độc lập, thì lúc bấy giờ sẽ thế nào? Do những tình huống có thể xảy ra này, mà Trung Quốc không thể từ bỏ việc sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan, nhưng sẽ dùng mọi nỗ lực để giải quyết vấn đề và thực hiện việc tái thống nhất bằng biện pháp hòa bình. Ông ta đã nói với cố Tổng thống Reagan lẫn Ngoại trưởng George Shultz rằng Đài Loan là điểm then chốt trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tháng 12 năm trước, ông ta đã yêu cầu Thủ tướng Anh Thatcher truyền đạt ý tưởng của Trung Quốc muốn Tổng thống Reagan giúp họ thành tựu việc tái thống nhất Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống. Ông ta cũng đã nói với Shultz và Weinberger rằng nếu họ thất bại trong việc xử lý vấn đề một cách đúng đắn và cho phép Quốc hội Hoa Kỳ can thiệp, thì sẽ nảy sinh xung đột trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể không đủ khả năng tấn công Đài Loan nhưng có thể phong tỏa eo biển Đài Loan. Hoa Kỳ có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột này. Ông ta đã hỏi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ liệu lúc đó họ sẽ làm gì, nhưng được đáp lại là Hoa Kỳ không trả lời những câu hỏi giả định. Thực sự có khả năng xảy ra một tình huống như vậy.

Biết rằng Tưởng Kinh Quốc và tôi là chỗ bạn bè thân tình, nên ông ta nhờ chuyển lời thăm hỏi của cá nhân ông ta đến “Ông Tưởng” khi tôi gặp ông này lần tới. Tôi đồng ý. Ông ta hy vọng có thể hợp tác với Tưởng, bởi vì cả hai đã từng học cùng trường Đại học tại Moscow năm 1926, mặc dù không cùng một lớp. Năm đó Tưởng khoảng chừng mười lăm hay mười sáu tuổi, còn Đặng thì hai mươi hai tuổi. (Một tháng sau đó, tại Đài Bắc tôi đã trực tiếp chuyển lời Đặng cho Tưởng. Ông này thinh lặng lắng nghe, và không trả lời).

Lúc tôi gặp Triệu Tử Dương lần tiếp theo, vào ngày 16/9/1988, ông ta đã được cất nhắc lên chức Tổng bí thư. Ông ta đã gặp tôi tại biệt thự tôi ở Diaoyutai, khu nhà khách của họ, để nói về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Ông ta lo lắng trước làn sóng mua sắm gây hỗn loạn khắp Trung Quốc vài tuần trước đó, tức vào hạ tuần tháng 8 và thượng tuần tháng 9. Họ đã phải giảm bớt việc xây dựng, kiểm soát sự gia tăng tiền cho tiêu thụ, và giảm mức tăng trưởng kinh tế. Nếu các biện pháp khác không có hiệu quả, thì chính phủ sẽ phải nhấn mạnh đến kỷ luật đảng – Tôi hiểu điều này có nghĩa là “trừng trị các quan chức cao cấp”. Tình trạng mua sắm hỗn loạn hẳn đã làm ông ta nhớ lại những ngày cuối cùng của chính phủ quốc gia (của Quốc Dân Đảng – ND) trong những năm 1947–1949.

Sau đó ông ta đưa tôi đến nhà hàng ở khu Diaoyutai để mừng sinh nhật lần thứ 65 của tôi. Trong bữa ăn, ông ta hỏi quan điểm của tôi về chương trình truyền hình nhiều kỳ mới đây mà ông đã gửi cho tôi, “Khúc bi thương Hoàng Hà”, do một số thành viên trẻ tuổi trong ban chuyên gia cố vấn chương trình cải cách của ông ta sản xuất. Bộ phim mô tả một Trung Quốc đắm chìm trong truyền thống phong kiến, bị trói buộc bởi dị đoan và hủ tục, một Trung Quốc sẽ không bao giờ có được một sự đột phá và đuổi kịp thế giới hiện đại trừ phi nó từ bỏ được những thái độ tuân thủ cổ xưa của mình.

Tôi cho rằng như thế là quá bi quan. Trung Quốc không cần từ bỏ những giá trị văn hóa cơ bản và niềm tin của mình để công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong và Singapore tất cả đều đã tìm cách bảo tồn các giá trị truyền thống của họ như tính tiết kiệm, làm việc cần cù, nhấn mạnh việc học, và lòng trung thành với gia đình, dòng họ và dân tộc, luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Những giá trị Khổng giáo này đã đưa đến sự cố kết xã hội, những lượng tiền tiết kiệm lớn và những khoản đầu tư, là những yếu tố dẫn tới năng suất và tăng trưởng cao. Những gì Trung Quốc cần thay đổi là hệ thống hành chính trung ương tập quyền quá mức, thái độ và nếp nghĩ của nhân dân để họ có khả năng tiếp thu nhiều hơn các ý tưởng mới, cho dù là của Trung Hoa hay của nước ngoài, sẵn sàng thử nghiệm các ý tưởng đó và áp dụng vào hoàn cảnh của Trung Quốc. Điều này người Nhật đã làm một cách thành công.

Triệu Tử Dương lo rằng nền kinh tế Trung Quốc không thể cất cánh như các nền kinh tế các nước mới công nghiệp hóa mà không gặp khó khăn do lạm phát cao. Tôi giải thích rằng sở dĩ như thế là vì, khác với Trung Quốc, các nước mới công nghiệp hóa chưa bao giờ phải điều chỉnh nền kinh tế được hoạch định với giá cả ấn định cho các mặt hàng cơ bản được kiểm soát ở mức thấp không thực tế.

Ông ta bộc lộ sự tin tưởng lặng lẽ của một đầu óc sáng suốt, mà nhận thức mau lẹ. Khác với Hoa Quốc Phong, ông ta là một con người lịch sự, chứ không phải võ biền, ông ta có một phong cách dễ chịu, không thô bạo, hống hách. Nhưng để sống còn ở cấp cao tại Trung Quốc, người ta cần phải cứng rắn và nhẫn tâm; và đối với Trung Quốc vào thời kỳ đó, ông ta là người quá lơi lỏng trong cách tiếp cận luật pháp và trật tự. Khi chúng tôi chia tay, tôi đâu biết chỉ trong vòng một năm, ông ta đã trở thành kẻ thấp cổ bé miệng.

Ngày hôm sau, 17/9/1988, tôi có cuộc gặp cuối cùng với Đặng. Ông ta bị rám nắng sau mấy tuần lễ ở Bắc Đại Hà, khu nghỉ dưỡng ở cạnh bờ biển về phía đông Bắc Kinh dành cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông ta trông khỏe mạnh và giọng nói trong vang. Tôi ca ngợi sự tiến bộ về kinh tế của Trung Quốc. Vâng, đã có “những kết quả khá tốt” trong thập niên qua, nhưng sự phát triển tốt đẹp về kinh tế đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mới. Trung Quốc phải kiềm chế lạm phát. Điều quan trọng là phải củng cố kỷ luật. Chính quyền trung ương phải áp dụng việc kiểm soát hữu hiệu nhưng không mâu thuẫn với việc mở ra với thế giới bên ngoài. Sau khi mở cửa, việc quản lý tốt càng quan trọng hơn, bằng không sẽ xảy ra tình trạng vô chính phủ và “đại hỗn loạn”. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn nhưng lạc hậu về kỹ thuật và cả về văn hóa. Trong thập niên qua, họ đã giải quyết được vấn đề cơm ăn áo mặc. Ngày nay họ muốn đạt tới giai đoạn “xiao kang” (tiểu khang – khá giả), tăng gấp bốn lần tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người năm 1980, lên khoảng từ 800 đến 1.000 đôla Mỹ. Trung Quốc phải học các nước khác, “bất cứ ai kể cả Nam Triều Tiên nữa”.

Tôi khen ngợi ông ta về những thay đổi đáng kể ở Trung Quốc, chẳng những trong lĩnh vực xây dựng nhà và đường sá mà quan trọng hơn là trong tư duy và thái độ của người dân. Họ có thái độ phê phán và thắc mắc nhiều hơn, nhưng lạc quan. Tôi nói chuyến thăm Hoa Kỳ của ông ta năm 1979, được truyền hình trong các chương trình nửa giờ hằng ngày, đã cho thấy điều kiện sống ở Hoa Kỳ, làm vĩnh viễn thay đổi những nhận thức của Trung Quốc về nước Mỹ.

Đặng nhận xét rằng người Mỹ đã tiếp đãi ông rất ân cần. Ông ta nói với Ngoại trưởng Shultz rằng quan hệ Trung – Mỹ đang phát triển êm đẹp, nhưng vấn đề chính vẫn là Đài Loan. Sau đó ông ta hỏi liệu tôi có biết “người bạn cùng trường của tôi và là bạn tri kỷ của ngài”, ông Tưởng Kinh Quốc, trong nhiều dịp đã phát biểu rằng ông ta (Tưởng) sẽ “tự biện minh với lịch sử”. Rõ ràng là Đặng muốn biết Tưởng đã trả lời như thế nào khi nghe những lời ông ta nhờ tôi chuyển tới Tưởng. Tôi không trả lời, bởi vì Tưởng đã không đáp lại. Đặng nói rằng mặc dù Hoa Kỳ đã tuyên bố công khai rằng họ không muốn can dự vào vấn đề tái thống nhất, nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp vào việc xử lý vấn đề này. Có nhiều trở ngại cho việc tái thống nhất, nhưng “trở ngại lớn nhất” là Hoa Kỳ. Ông ta nhắc lại quan điểm mà ông ta đã đưa ra khi tôi gặp ông ta lần vừa qua, nói rằng Hoa Kỳ đang sử dụng Đài Loan như một “hàng không mẫu hạm không thể chìm.” Khi ông ta bình thường hóa quan hệ trong chuyến thăm Washington năm 1979, Tổng thống Carter đã đồng ý rằng Hoa Kỳ sẽ làm ba việc: hủy bỏ hiệp ước liên phòng thủ với Đài Loan; rút quân Mỹ khỏi Đài Loan; và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Những cam kết này đã được thực hiện. Nhưng Hoa Kỳ thông qua Quốc hội của mình đã nhiều lần can thiệp vào vấn đề Đài Loan, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Luật về Quan hệ với Đài Loan và nhiều nghị quyết khác nhau nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông ta đã nói với Reagan và Shultz rằng họ phải xem xét lại chính sách duy trì “hàng không mẫu hạm không thể chìm” của họ. Đặng nói rằng ông tha thiết muốn đảm bảo việc tái thống nhất Đài Loan với lục địa trước khi ông ta đi gặp Các Mác.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx