sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết thành công của Microsoft là gì? - Chương 3 phần 1

Phần III. Phong cách quản lý độc đáo Bill Gates

Xuất thân từ cậu bé thông minh và tinh nghịch, ham mê lập trình đến mức độ điên khùng, từng tham gia tất cả các công đoạn của sản xuất phần mềm, Bill Gates hiểu một cách sâu sắc hơn ai hết về những đặc thù của công nghệ sản xuất phần mềm. Từ đó, ông đã đề ra một phương pháp tổ chức-quản lý vô cùng độc đáo trong công ty của mình. Và đó cũng chính là một yếu tố quyết định sự thành công chói lọi của Microsoft.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các khía cạnh chính của một Phong cách quản lý Bill Gates để hiểu rõ hơn về Cách tổ chức công ty Microsoft ra sao? Hoạt động của công ty này như thế nào? Và họ hướng đến mục đích cuối cùng gì?

Về định hướng tương lai

1. Chiếm lĩnh thị trường là mục tiêu tối hậu: bằng mọi cách chiếm lĩnh thị trường

Nguồn lực

2. Con người là nhân tố quyết định: con người giỏi số một thế giới

3. Tiết kiệm là nguyên tắc: luôn tiết kiệm vốn và thời gian

Sự thực thi

4. Bill Gates là “người cầm lái vĩ đại”: lãnh đạo sát sao

5. Vào cuộc phải hết mình: dồn lực phấn đấu

6. Thất bại là mẹ thành công: chấp nhận thất bại

Môi trường làm việc

7. Sự liên kết của các nhóm nhỏ năng động:

8. Ðoàn kết là sức mạnh: đoàn kết hiệp đồng

9. Việc hôm nay mới là quan trọng: không ngừng đổi mới, sáng tạo

10. Nơi làm việc là nhà của bạn: không khí thoải mái

11. Chấm dứt chủ nghĩa hình thức: không hình thức

Làm chủ thị trường

1. Chiếm lĩnh thị trường là mục tiêu tối hậu

Microsoft luôn đặt mục tiêu chiếm lĩnh toàn bộ 100 % thị phần sản phẩm mà nó đang bước vào. Tuy nhiên, đó phải là thị phần của số đông người dùng. Vâng, không dưới một triệu người dùng như có lúc Bill đã nói. Do đó, mặc dù rất "hiếu chiến" nó vẫn luôn dành đất hoạt động cho các công ty khác. Có thể ví như hổ thì chỉ tranh ăn với báo hay sói chứ không bao giờ để ý tới chim chó mà còn để phần lại cho chúng vậy!

Mục tiêu này được thể hiện ở mọi quyết định, trong mọi cuộc họp, trong mọi khâu từ phân tích, thiết kế đến sản xuất. Mục đích chung này đã cổ vũ mọi nhân viên Microsoft gắn kết với nhau tạo nên một lực lượng hùng mạnh, có thể động viên vào một cuộc chiến một mất một còn. Ðể thực hiện điều này, trong mọi cuộc họp, câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất luôn là: "Chúng ta cần làm gì để tăng thị phần lên?".

Nghe nói rằng, tại Microsoft người ta viết phần mềm không đặt mục tiêu vì tiền mà vì niềm vui tột đỉnh của việc đưa một công ty phần mềm máy tính lớn nhất này chiếm lĩnh thêm một thị trường, một trận địa mới. Ðấy cũng chính là lời phát biểu của Chris Peter, lãnh đạo nhóm lập trình Excel: "Chúng tôi không viết Excel để kiếm tiền, chúng tôi chỉ muốn đẩy công ty phần mềm lớn nhất lúc đó ra khỏi thị trường của chính nó". Có thể hiểu lời phát biểu đó bằng nhiều cách, nhưng có một cách lôgic hơn cả: đúng là nhiều khi việc tung mọi nỗ lực để chiếm lĩnh thị trường thì thường mâu thuẫn với lợi nhuận trước mắt.. Thí dụ, để lấy thị trường trình duyệt từ tay của hãng Netscape, Internet Explorer đã được Microsoft cung cấp miễn phí. Nhưng xét về lâu dài, với việc chiếm được thị trường trong tương lai, công ty sẽ thu được những lợi nhuận khổng lồ thừa đủ đền bù mọi chi phí trong cuộc chiến giành giật thị trường đó, như việc nối mạng bằng Internet Explorer đã tăng thêm giá trị cho Windows, mà không tốn phí gì cho người tiêu dùng.

Ðặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường là trên hết, Microsoft đã xác định một chính sách có thể gọi là: "sẵn sàng trả giá" gây rủi ro lợi nhuận "để làm tăng thị phần của công ty".

Tinh thần này ngấm vào mọi nhân viên của công ty động viên họ chấp nhận mọi rủi ro trong cuộc đấu tranh.

Mạnh dạn không có nghĩa là thiếu thận trọng. Ðôi khi Microsoft có thể rút lui ra khỏi thị trường, hoặc do thị trường đang co lại, hoặc là do sự cạnh tranh không còn đáng với cái nỗ lực của họ hoặc vô số các lý do khác.Nhưng một điều có tính nguyên tắc là Microsoft sẽ không bao giờ rút lui ra khỏi thị trường chiến lược chủ chốt.

Vậy phải làm gì đây? Câu trả lời là: Hãy xác định thị trường chiến lược cho mình. Với mỗi thị trường được xác định hãy vạch ra cách thức chiếm lĩnh chúng.

Gắn một sản phẩm chiến lược chưa có lợi với một sản phẩm mà làm ra được tiền để cho sản phẩmphù hợp sinh lợi được là một cái chiến thuật thường được Microsoft sử dụng nhưng cũng thường bị những công ty khác chỉ trích gay gắt.

Những quy tắc hoạt động sau đây là thông lệ của Microsoft để hướng đến mục tiêu cuối cùng của mình:

- Khi một nhân viên phạm phải một sai lầm, nếu đó là một sai lầm hợp lý cho việc theo đuổi làm tăng thị phần thì hãy ca ngợi điều đó và sử dụng chúng như là một tấm gương cho người khác nếu bạn cũng muốn những người khác làm như vậy.

- Yêu cầu nhân viên hàng ngày hay hàng tuần phải báo cáo rõ điều họ đang làm nhằm tăng thị phần của sản phẩm lên.

- Khi một nhân viên từ chối nhận rủi ro để làm tăng thị phần thì hãy giáng cấp nhân viên đó. Việc giáng cấp đó cũng là cách chuyển quan điểm tới tất cả các nhân viên và con đường an toàn không còn được chấp nhận tại công ty nữa.

Nguồn lực của Microsoft

2. Con người là nhân tố quyết định.

Cũng một đoàn quân khi ra trận, yếu tố thành bại ở đây chủ yếu là con người với trí thông minh và lòng quả cảm của họ. Chính sách tuyển dụng người tài bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu tại Microsoft.

Công ty Microsoft cố gắng thuê được những người thông minh, hay còn có thể gọi là khôn ngoan cũng được, tùy theo cách hiểu của mỗi người về hai từ đó. Tiêu chuẩn được nói một cách ước lệ ở đây là: những người nằm trong số 5 % thông minh nhất hành tinh trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Vậy thông minh nhất được hiểu như thế nào? Ðiều đó tùy thuộc vào công việc mà họ sẽ làm, là người quản lý sản phẩm hay lập trình, là luật sư hay kế toán... của công ty. Phải hiểu là chọn những người khôn ngoan nhất cho công việc của họ và từ khóa là khôn ngoan chứ không phải là biết nhiều.

Người thông minh thì có khả năng khởi động sớm bộ não để suy nghĩ. Họ có vai trò quan trọng chủ chốt, bởi vì những người này có thể nắm bắt được lỗi lầm sớm nhất và sẽ bắt kịp với cách làm việc hiệu quả hơn trong công việc, do vậy tiết kiệm thời gian trong hoạt động của chính mình và tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho công ty.

Tại Microsoft phải thật thông minh mới có thể thành công được. Những con người thông minh chỉ luôn mong được làm việc với những người thông minh. Các nhân viên tại Microsoft phải là những người thật giỏi bởi rồi họ sẽ phải làm việc với những người cũng rất thông minh. Một trong những điều thú vị là làm việc tại Microsoft cho dù là người thông minh đến mức nào thì họ vẫn luôn phải cố gắng hàng ngày tương xứng với công việc của mình.

Ðể tuyển được các nhân tài cho hãng, bộ phận nhân sự do David Pritchard làm giám đốc đặt nhiệm vụ áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhất để tuyển và đào tạo ra các siêu nhân. Việc lựa chọn người được tiến hành dưới nhiều hình thức. Hàng chục nhân viên làm việc theo kiểu săn đầu người chuyên theo dõi các chuyên gia giỏi nhất của các hãng nổi trội trong công việc mà bản lĩnh và tài năng đã được thừa nhận. Các nhân viên của Microsoft tiếp xúc công khai hoặc bí mật với họ; lôi kéo, mua chuộc bằng các ưu thế vật chất và tinh thần của Microsoft, vì biết rằng riêng cái tên Microsoft đã có sức lôi kéo rất lớn đối với đa số các chuyên gia tin học ở Mỹ cũng như ở nước ngoài. Những nhân tài này còn có thể tiềm ẩn trong số các sinh viên của các trường đại học, thông qua bảng điểm và khả năng sáng tạo qua các kỳ thi hay các hội chợ lớn. Nhưng việc lựa chọn không chỉ bó hẹp trong ngành chuyên môn tin học. Là một công ty hàng đầu, năng động, Microsoft còn nhắm cả vào đội ngũ các chuyên gia tài chính, marketing, tổ chức mạng lưới thương mại.... Ðiều bắt buộc đó là những người cực kỳ giỏi vì Pritchard đã từng nói: Khi tuyển nhầm những người có khả năng trung bình thì đó là chuẩn bị cho ngày tàn của Microsoft!.

Sau khi lọc lựa hàng nghìn hồ sơ để chọn một, nhờ có hệ thống xử lý thông tin tin học đánh giá một cách tổng hợp, các ứng cử viên phải qua một đợt phỏng vấn. Một nhóm 4-5 người của bộ phận nhân sự sẽ tiến hành phỏng vấn đối với những người dự tuyển. Mỗi người phỏng vấn một giờ và từng người phỏng vấn lần lượt. Tất nhiên câu hỏi rất khó, có thể làm nản lòng những người tự tin nhất. Song các giám khảo không cho câu trả lời đúng hay sai là quan trọng. Cái họ quan tâm là năng lực tư duy để xác định cách ứng xử thông minh và nhanh nhạy của mỗi ứng cử viên trước mỗi tình huống khó cần giải quyết. Ðối với cuộc phỏng vấn kỹ thuật có những câu hỏi về lập trình, câu hỏi nọ nối tiếp câu hỏi kia, trong lúc đó các ứng cử viên này phải viết ra một chương trình ngắn để trả lời. Ðối với vị trí của người quản lý phần mềm thì thí sinh này được trao cho các tình huống và cách họ sẽ giải quyết các tình huống đó như thế nào. Nếu những câu trả lời chung chung thì ứng cử viên sẽ được đẩy vào các tình huống đặc biệt và chứng tỏ ứng cử viên không biết rõ chủ đề. Mỗi người phỏng vấn ngay khi cuộc phỏng vấn kết thúc đều phải gửi e-mail cho tất cả những người phỏng vấn khác với chỉ một từ “thuê” hay “không thuê”.

Trong Microsoft có một số người tài hoa, một số người thậm chí còn chưa tốt nghiệp được trung học cũng như ngành tin học. Nhưng những người này lại được trả lương như những người có bằng cấp. Không có lý do gì trong bất kỳ một ngành công nghiệp nào mà lại không thuê một người có phẩm chất đơn thuần chỉ vì họ không có bằng cấp cả, tất cả vấn đề là những người ấy có thể thực hiện công việc tốt đến đâu.

Ðược nhận vào Microsoft, có thể ai đó đã tự hào là một nhân tài rồi đấy. Nhưng chưa phải là đã yên vị, còn phải biết cố gắng liên tục để giữ ghế. Cứ 6 tháng một lần, mọi người phải trải qua các cuộc đánh giá hiệu quả làm việc. Những cuộc đánh giá như vậy sẽ cho thấy một người có làm tụt hậu công ty không, nếu có chắc kết quả sẽ là gì rồi. Kết quả đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thăng tiến nghề nghiệp của bạn, mức lương, số cổ phiếu được phân phối.

Tóm lại, để làm việc được ở Microsoft bạn phải là một người thông minh, luôn biết cống hiến hết sức lực và tài năng của mình cho công việc của hãng, và bù vào đó bạn cũng được đền đáp một cách xứng đáng.

3. Tiết kiệm là nguyên tắc

Mặc dù là một công ty giàu có nhất thế giới, với vị chủ tịch là người giàu nhất hành tinh và là một công ty sẵn lòng bỏ ra đến 3 - 4 tỷ đôla một năm cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Thế nhưng một điều tưởng như trái ngược là Microsoft và Bill Gates vẫn luôn coi việc tiết kiệm là một vấn đề có tính nguyên tắc với quan niệm tiết kiệm là trách nhiệm của công ty đối với niềm tin của các nhà đầu tư đối với Microsoft và tiết kiệm là sự giảm bớt tối đa mọi chí phí không cần thiết, không đem lại hiệu quả thiết thực.

Dẫu cho trong hầu bao Microsoft bao giờ cũng nặng trĩu tiền bạc nhưng người ta lại nói đến hai vị lãnh đạo Gates và Ballmer là những nhà tỷ phú hà tiện bậc nhất: họ thường xuyên đi máy bay trong khoang ghế hạng phổ thông! Nhiều người cho là họ làm điều này để làm gương cho các nhân viên. Bill Gates thì không cho là như vậy. Anh nói, anh chỉ đi bằng vé hạng hai vì thứ nhất là ghế hạng hai đủ tốt đối với anh rồi, thứ hai vì anh quá nổi tiếng nên dù mua ghế hạng hai thì nhiều khi anh vẫn được người ta mời lên ngồi ghế hạng nhất (!), và thứ ba là khi máy bay vắng nằm dài trên những ghế hạng hai thoải mái hơn nhiều so với ngồi ở ghế hạng nhất.

Tiết kiệm là một triết lý cơ bản để duy trì khả năng cạnh tranh. Ðó là phương thức quản lý chặt chẽ: chi tiêu chỉ dành cho công việc chủ chốt. Mọi sự chi tiêu xa hoa lãng phí sẽ làm hao mòn tiềm năng kinh tế, không đem lại những bồi hoàn cho đầu tư và tiểm ẩn hiểm hoạ cho phát triển dài lâu.

Khi công việc tại Microsoft thực sự cần 5 người thì chỉ 4 người được bổ nhiệm. Ðây cũng là một hình thức tiết kiệm nguồn lực đến mức ngoại lệ. Ðiều này thực sự không chỉ là tiết kiệm tiền lương mà là nó luôn đặt công ty ở trạng thái khởi động như một doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy họ luôn đạt tới mức tăng trưởng rất cao, liên tục - điều mà không hề gặp tương tự ở những công ty lớn khác.

Có thể tìm thấy những cách tiếp cận về tiết kiệm khác nhau ở mọi nơi trong Microsoft. Bill Gates và các giám đốc điều hành đều để để xe ở bãi chung, ăn trong nhà ăn chung hoặc trong phòng làm việc, tự làm những công việc đáng ra dành cho các thư ký như xem thư, soạn thư, chuyển thư... Nhờ đó, họ huỷ bỏ được những "tầng nhân tạo" làm chậm lại các việc giao dịch và ra quyết định.

Có câu châm ngôn: "Mọi sự tiết kiệm chung quy lại là tiết kiệm thời gian". Bill Gates luôn chú ý tiết kiệm "tài nguyên" quý giá nhất này. Anh cho việc sử dụng hiệu quả thời gian của mình là một bí quyết quan trọng nhất của sự thành công.

Sự thực thi

4. Bill Gates là “người cầm lái vĩ đại”

Bill Gates luôn tham gia vào mọi quyết định mang tính chiến lược và vấn đề quản lý chủ yếu ở Microsoft cũng như giữ vai trò chủ chốt trong phát triển công nghệ, sản phẩm mới.

Bill kiểm soát công ty sát sao hơn bất cứ sự kiểm soát của một giám đốc điều hành ở một công ty lớn nào khác. Hàng tháng, lãnh đạo của các nhóm dự án và lãnh đạo riêng của từng dự án trao đổi e-mail để báo cáo về hiện trạng của từng dự án và những vấn đề nổi lên của nó. Mẫu báo cáo hàng tháng có định dạng sẵn và xoay quanh việc làm nổi lên hai vấn đề đáng quan tâm nhất: hiện trạng của dự án và những vấn đề phát sinh.

Ở Microsoft, sáng thứ bẩy hàng tuần, Bill thường dành ít nhất một tiếng mời các vị phó chủ tịch đến, nghe trình bày và “thọc” vào các chi tiết của từng dự án. Bill đặc biệt rất quan tâm về các hiệu suất công việc. Bill giữ được kiểm soát tới từng bộ phận thông qua các phó chủ tịch công ty.

Hàng năm, toàn thể công ty Microsoft được chở tới tụ tập ở những nơi có sân khấu biểu diễn bằng những chuyến xe buýt để vui vẻ nói chuyện với nhau về những vấn đề lớn nhất của công ty như mục tiêu chiến lược và chiến thuật thực hiện của Microsoft do Bill Gates trực tiếp diễn giảng. Các thành viên của nhóm cũng thoải mái thảo luận xem xét sắp tới nhóm mình sẽ đi về đâu. Nó tuy là những cuộc họp nhưng “không buồn ngủ” vì Bill nói chuyện rất vui và sâu sắc. Sau những buổi vui như vậy, mọi người đều hiểu hơn về tầm nhìn xa trông rộng của Bill Gates.

Có những cuộc họp của Bill chỉ là để Bill biết thêm về một dự án hay một vấn đề đặc biệt. Những cuộc họp này mang tính chất trực tiếp, tập trung và thẳng thắn đôi khi có những tranh luận kịch liệt. Bill nói chuyện trực tiếp với chính người thực hiện dự án, kể cả những chi tiếp lập trình. Ðặc biệt là Bill có thể nhớ tất cả về cuộc họp đã từng diễn ra trước đó.

Ðể tiếp xúc với Bill bạn phải sắc sảo cả về kỹ thuật lẫn kinh doanh. Ðôi khi để tiếp xúc thực tế, Bill tạt ngẫu nhiên thăm các nhóm làm việc để nhận thêm những hình ảnh chi tiết về một dự án và phỏng vấn tốt nhất về dự án, tham dự vào nhận tin của từng cá nhân. Bill có thể xuất hiện, bất kỳ lúc nào là một nhắc nhở với mỗi nhân viên Microsoft rằng Bill sẽ luôn ở bên bạn.

Tại Microsoft, những nhân viên điều hành khác cũng có những cách làm việc tương tự như phong cách của Bill. Ðiều này nói lên rằng với Microsoft bức tranh diễn ra hiện tại và tương lai với giới lãnh đạo là rất rõ ràng và sáng sủa.

Bill và các quan chức điều hành cấp cao khác đều là những người có các trang Web riêng của mình. Mọi người làm việc trong công nhiều năm đều có thể gửi e-mail cho Bill và anh sẽ hành động theo những e-mail này khi cảm thấy cần thiết. Ðiều này có nghĩa là Bill có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc, thường xuyên nhận được mọi thông tin cần thiết cho công việc điều hành và ra quyết định đúng lúc của mình.

5. Vào cuộc phải hết mình.

Sản xuất phần mềm là một ngành luôn phải đối mặt với một thị trường mà tính đặc thù của nó không có ở bất cứ một thị trường nào trước đó trong lịch sử loài người. Ðó là sự cạnh tranh gay gắt mang tính sống còn hàng ngày. Một thất bại trong lĩnh vực này có khi kéo theo sự sụp đổ của cả một công ty lớn. Lịch sử tuy ngắn của công nghiệp phần mềm nhưng đã có không ít những thí dụ để chứng minh điều đó.

Nhiều công ty lớn đang thống trị thị trường đột nhiên sụp đổ hay bị công ty khác mua lại, "nuốt mất". Lý do có nhiều, có thể là do nó không nhận ra một cơ hội đang xuất hiện cho sản phẩm mới và cơ hội đó bị đối thủ tiềm tàng của mình giật mất, cũng có thể là nó nhận ra cơ hội những không đủ sức để tận dụng cơ hội đó.

Trong cuộc chiến khi chỉ tồn tại hai khả năng thắng-sống và thua-chết thì cách duy nhất là phải huy động tổng lực cho trận chiến đó. Bao nhiêu công việc, toan tính khác cần phải dẹp hết, "phải đánh cược cả công ty vào một trận chiến cụ thể nào đó!". Ðấy chính là điều mà trong các cuộc họp công ty hàng năm, Bill Gates luôn nhắc đi nhắc lại không biết mệt mỏi. Như gần đây, Bill thường nói: "Chúng ta đặt cược cả công ty vào Internet!". Ðấy chính là tình huống mà xảy ra tích "Hàn Tín qua sông đốt thuyền" trong thời kỳ Hán Sở tranh hùng ở Trung Quốc vậy. Hai câu chuyện sau đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn bí quyết giành chiến thắng này của Bill Gates và Microsoft.

Microsoft thường được gọi là ngôi nhà được dựng lên từ sản phẩm MS-DOS. MS-DOS đã từng là nguồn lợi tức chủ yếu của Microsoft trong tất cả những năm đầu và MS-DOS đã chiếm tới 80-80% thị trường hệ điều hành cho máy PC hồi đó. Nó được cài đặt cho mọi máy PC mới, thực tế không đòi hỏi mất công nhiều hơn cho quảng cáo và những chi phí để phát triển cũng là tối thiểu.

Ngày nay, MS-DOS không còn được bán nữa. Bạn có thể hỏi: "Vậy công ty nào đã lấy mất nguồn lợi nhuận căn bản này từ tay Microsoft?" Xin trả lời "Chính Microsoft đã chủ ý làm điều đó!". Lại hỏi: "Tại sao ngay khi sản phẩm này chiếm được thị trường, mang lại lợi nhuận chính cho mình thì Microsoft lại bắt đầu vứt bỏ nó?" Trả lời: "Vì Microsoft thay thế bằng một sản phẩm tốt hơn, mà trong trường hợp này là Windows, thì một sản phẩm khác tương tự như Windows của hãng khác tất yếu sẽ ra đời, và khi đó sự tồn tại của Microsoft sẽ chấm dứt".

Trong câu chuyện trên ta thấy, Microsoft đã luôn chủ động "giết" các sản phẩm của mình, không bao giờ dành việc đó cho các đối thủ. Nói đúng hơn là họ thường xuyên cải tiến hoàn thiện những sản phẩm của mình dù nó đang chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường, như trường hợp Word và Excel. Hoặc thay thế hoàn toàn một sản phẩm nào bằng một sản phẩm khác hẳn, tức là chủ động "giết" các sản phẩm đó một khi họ thấy là cần thiết. Còn sau đây là câu chuyện "đặt cược cả công ty vào Internet" mà Bill luôn nói ở trên.

Internet xuất hiện, rồi sau đó một vài năm là World Wide Web. Microsoft đã quen dùng Internet và sống gần gũi với e-mail. Cho nên Internet không phải là mới hoặc không ai biết. Nhưng bỗng nhiên Web bắt đầu bùng nổ, không trường đại học kỹ thuật nào lại không dùng nó. Netscape với phần mềm duyệt Internet "Netscape Navigator" xuất hiện trong khung cảnh đó và đe doạ Microsoft và sự độc quyền của Microsoft về Windows, đe doạ quyền sở hữu chiến lược phần mềm cho máy tính để bàn và cuối cùng là đe doạ toàn mô hình kinh doanh của Microsoft bằng việc chuyển phần lớn tính toán để bàn sang chạy trên bộ phục vụ Web.

Thực ra Microsoft không có ưu thế nào trong trò chơi Internet và hoàn toàn đi sau Netscape. Tại đại bản doanh, Bill Gates nhìn vào Internet và nhận thấy những điều sắp xảy ra và những việc cần phải làm ngay. Lệnh hành quân thần tốc được ban bố: "Tương lai của công ty bây giờ là Internet!". Tất cả các kế hoạch cho những năm tới, các thiết kế dự án, các chiến dịch tiếp thị... đều bị cắt bỏ, thậm chí huỷ bỏ khi chúng cản trở mục tiêu mới.Kết quả là trong vòng 9 tháng Microsoft đã đi từ không có chiến lược Internet trở thành tập trunh vào Internet và đã áp đảo được đối thủ Netscape. Liệu có bất kỳ công ty nào trong hàng ngàn công ty hàng đầu thế giới có thể thay đổi tiến trình của mình 180 độ trong vòng 9 tháng không? hay thậm chí trong vòng 9 năm? Chỉ có mình Microsoft mới có thể làm được điều này!

6. Thất bại là mẹ thành công.

Ông cha ta thường nói: "Một lần ngã là một lần bớt dại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần!".

Ở Microsoft người ta không sợ thất bại và sai lầm, và đôi khi còn hơn thế nữa: sai lầm được coi là tất yếu, điều có thể xảy ra với tất cả mọi người. Nói cách khác, thượng đế không ban cho ai đặc quyền tránh được sai lầm hay thất bại. Các nhà lập trình làm sao lại không phạm lỗi vô ý nào đó trong chương trình máy tính được? Những lỗi này là do các điều kiện họ đã không xem xét tới, không hiểu một cách đầy đủ vấn đề hay hệ thống, sai phạm khi gõ vào máy... Các công ty phần mềm phải chấp nhận rằng các nhân viên của mình không phải lúc nào cũng tuyệt đối hoàn hảo và rằng sai hỏng là một phần thường xuyên của công việc tạo ra các phần mềm. Và chừng nào chúng không ngây ngô quá đáng thì về cơ bản chúng sẽ bị quên đi và bỏ qua. Vấn đề mấu chốt là tìm ra các hỏng hóc nhanh chóng nhất có thể được và tìm mọi cách để khắc phục chúng.

Ðể hiểu về những sai lầm được chấp nhận hay thậm chí còn được khuyến khích ở Microsoft ta hãy hình dung một tình huống có thể xảy ra tại các doanh nghiệp khác về việc tổ chức triển lãm của hãng. Nếu người điều hành chấp thuận một cuộc triển lãm và thế rồi cuộc triển lãm đó thất bại thì thường người này sẽ bị sa thải, nhưng nếu người đó không chấp nhận việc triển lãm thì công việc của người đó chẳng có rủi ro gì xảy đến cả. Ða số những công ty kinh doanh lớn đền làm việc và đánh giá nhân viên theo phương châm: "Thành công là tốt, nhưng thất bại thì không thể chấp nhận được".

Tại Microsoft nếu thất bại là nhanh chóng thì được chấp nhận nhưng thất bại chậm chạp thì lại không chấp nhận được. Nhưng thậm chí còn không chấp nhận được hơn là không thất bại. Nếu người ta không bao giờ thất bại thì người ta không thể cố gắng vươn lên. Thất bại có nghĩa là phải cố gắng làm theo một cách khác hay làm một cái khác trước. Trong phần lớn các trường hợp, bạn sẽ tìm ra một cách tiếp cận khác, một hệ thống khác, một giải pháp khác tốt hơn mà sẽ phải áp dụng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx