Ngài Littmus mới chỉ là một thiếu niên khi trận chiến Fort Sumter nổ ra,” bà Franny bắt đầu câu chuyện.
“Fort Sumter?” tôi hỏi lại.
“Trận chiến ở Fort Sumter đã khơi mào cuộc nội chiến,” Amanda nói.
“Được rồi,” tôi nhún vai.
“Chà, ngài Littmus lúc bấy giờ mới mười bốn tuổi. Ông cao lớn và khỏe mạnh nhưng vẫn chỉ là một cậu bé. Cha của ông, Artley B. Block, đã đầu quân trước đó, và Littmus nói với mẹ rằng ông không thể cứ đứng ngoài nhìn miền Nam bị đánh, nên ông cũng phải tham gia chiến đấu.” Bà Franny nhìn quanh thư viện rồi thì thầm, “Đàn ông con trai luôn muốn chiến đấu. Họ luôn tìm cho mình một lý do để tham gia chiến tranh. Đó là điều đáng buồn nhất. Họ luôn có ý niệm rằng chiến tranh là cái gì đó rất vui. Và không một bài học lịch sử nào có thể thuyết phục họ khác đi được.”
“Dù sao thì ngài Littmus cũng gia nhập quân đội. Ông khai gian tuổi của mình. Đúng thế, như ta đã nói, ông là một thiếu niên cao lớn. Quân đội chấp nhận ông, thế là ngài Littmus ra trận, bỏ lại sau lưng mẹ và ba chị em gái. Ông ra đi để trở thành một anh hùng. Nhưng rồi ông nhanh chóng nhận ra sự thật.” Bà Franny nhắm mắt lại, lắc lắc đầu.
“Sự thật nào ạ?” Tôi hỏi.
“Cuộc chiến đó là địa ngục,” bà Franny nói, mắt nhắm nghiền. “Địa ngục hoàn toàn.”
“Địa ngục là một từ bậy,” Amanda nói. Tôi liếc trộm nó một cái. Mặt nó nhăn lại hơn cả bình thường.
“Chiến tranh,” bà Franny nói trong khi mắt vẫn nhắm, “cũng nên là một từ bậy.” Bà lắc đầu một lần nữa rồi mở mắt. Bà chỉ vào tôi rồi chỉ vào Amanda. “Cháu, cả hai cháu, đều không tượng tượng được đâu.”
“Không, bà ạ!” cả Amanda và tôi đồng thanh kêu lên. Chúng tôi nhìn nhau một cái thật nhanh rồi quay sang nhìn bà Franny.
“Các cháu không tưởng tượng được đâu. Littmus bị đói liên miên, luôn bị hành hạ bởi đủ loại sâu bọ, chấy rận. Vào mùa đông ông bị lạnh đến mức ông nghĩ mình sẽ đóng băng đến chết. Vào mùa hè, chà, không gì có thể tệ hơn chiến tranh vào mùa hè. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Thứ duy nhất khiến Littmus quên đi rằng mình bị đói, bị ngứa, hay bị nóng lạnh là khi ông bị kẻ thù nhắm bắn. Và ông đã bị bắn thật. Lúc đó ông vẫn chỉ là một đứa trẻ.”
“Ông có chết không?” tôi hỏi bà Franny.
“Trời ơi,” Amanda nhạo báng.
“Nếu lúc đó ông của ta bị giết chết,” bà Franny nói, “thì bây giờ ta đâu có ngồi đây mà kể chuyện này. Ta sẽ không tồn tại. Ông ấy phải sống, nhưng ông đã thay đổi để trở thành một người đàn ông khác hoàn toàn. Ông đi bộ trở về nhà khi chiến tranh kết thúc. Ông đi bộ từ Virginia về Georgia. Ông không có lấy một con ngựa. Không một ai có ngựa trừ những kẻ đến từ miền Bắc. Ông đã đi bộ suốt quãng đường ấy, thế nhưng khi ông trở về nhà, thì nhà đã không còn ở đó nữa.”
“Thế nó đâu rồi ạ?” tôi hỏi. Tôi không thèm quan tâm liệu Amanda có nghĩ rằng tôi ngu ngốc hay không. Tôi muốn biết câu trả lời.
“Sao chứ,” bà Franny kêu lên to đến mức khiến cả Winn-Dixie, Amanda Wilkinson và tôi đều nhảy dựng lên, “những kẻ đến từ miền Bắc đã đốt cháy nó! Đúng thế, đốt cháy thành tro bụi.”
“Những người chị em của ông thì sao?” Amanda hỏi. Nó đi quanh bàn rồi ngồi xuống sàn nhà, ngước lên nhìn bà Franny. “Chuyện gì đã xảy ra với họ?”
“Chết. Chết vì sốt thương hàn.”
“Ôi không,” Amanda kêu lên khe khẽ.
“Còn mẹ ông?” tôi thì thầm.
“Cũng chết.”
“Còn bố ông?” Amanda hỏi. “Chuyện gì đã xảy ra với ông ấy?”
“Ông chết trên chiến trường.”
“Littmus trở thành mồ côi?” tôi hỏi.
“Đúng thế, Littmus thành trẻ mồ côi.”
“Câu chuyện buồn quá,” tôi nói với bà Franny.
“Chắc chắn là như thế,” Amanda nói. Tôi ngạc nhiên rằng nó cũng có thể đồng ý với tôi về một điều gì đó.
“Ta vẫn chưa kể xong đâu,” bà Franny lên tiếng.
Winn-Dixie bắt đầu ngáy, và tôi phải lấy chân huých nó để bắt nó im lặng. Tôi muốn nghe nốt phần còn lại của câu chuyện. Tôi cần phải biết ngài Littmus đã sống sót như thế nào sau khi đánh mất tất cả những gì ông yêu quý.
@by txiuqw4