sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3: Báo Hại

"THẾ GIỚI" VÀ "CÔNG CHÚNG"

Lúc nhà xuất bản "Thế Giới" ra tờ "Chăm Học", tôi viết nhiều loại sách khác nhau cho Hợi, vui cười có, giáo dục có, y học có, văn hóa có. Thấy một mình Hợi vật lộn với tờ "Chăm Học" không bao giờ phàn nàn mệt nhọc, tôi giúp anh phần đọc các bài vở gửi về, chọn lựa và đặt thứ tự lúc làm "mi". Tất cả nhân viên thường trực của nhà xuất bản và báo chí chỉ có ba người: Nguyễn Văn Hợi, Cung Mạnh Đạt và tôi. Ban ngày, anh em làm không kể giờ giấc, nhưng bắt đầu từ sáu giờ chiều thì việc gì cũng bỏ đấy hết, ba anh em lái xe đi ăn cơm, khi Sài Gòn, lúc Chợ Lớn, khi Thủ Đức và tối nào cũng trở về Ngã Sáu, đường Lý Thái Tổ, thọc banh bàn hay chơi bi a, có khi đến một hai giờ sáng mới về. Thời kỳ này tương đối là thời kỳ êm ả nhất trong đời làm báo của tôi. Tình bạn hữu thắm thiết hơn ruột thịt. Bởi vậy, đến khi Hợi xin được tờ "Thế Giới" thì anh báo cho tôi biết tin trước nhứt và giục tôi lo liệu mọi thứ: vẽ ma két, tổ chức tòa soạn, viết bài. Tôi nhận luôn cả việc sửa mô rát nữa, vì chúng tôi muốn rằng tờ "Thế Giới" sẽ là một tờ báo đẹp cả về nội dung và hình thức, thứ nhứt là viết đúng ám tả và càng tránh được phốt typô bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Gần đúng với mong muốn của chúng tôi, tuần báo "Thế Giới" trình bày đẹp với tấm bìa in nhiều màu offset, còn bài vở bên trong thì được sự cộng tác quí báu của nhiều nhà văn nhà báo có tiếng, vừa già vừa trẻ, như Lê Hữu Thanh (biệt hiệu của một ký giả hữu hạng cùng với Trương Tửu cầm chịch nhóm Hàn Thuyên gồm có Nguyễn Quốc Ấn, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Tuân và cũng đã gây tiếng tăm một dạo cho tờ "Đời Mới" ở Sài Gòn, với bút hiệu là Hà Việt Phương) Lê Văn Siêu, Trần Văn Ân, Nguyễn Trần Huân, Hồ Hữu Tường, một chánh trị gia mà nhiều người biết tiếng, Thanh Thương Hoàng chuyên về phóng sự, Hà Ngưu Nữ Lang, một môn đệ của Hồ Hữu Tường, thi sĩ Uyên Thao. "Thế Giới" đã đăng nhiều bài mà bây giờ nhiều người còn nhớ, như Việt Đạo, Kinh Tế Sử Quan, Kim Dung, Trung Hoa và chúng ta, Hồ Xuân Hương, những tiểu thuyết như Cưới Trắng, Người thứ nhứt, những phóng sự như Đi Hoang hay những bài bổ ích cho thiếu niên như những bài trong mục "Dựa cột mà nghe" giải thích những danh từ mới thường hay dùng trong văn Việt... Dầu sao, một tờ báo đứng đắn mà lại nặng về giáo dục như "Thế Giới" chỉ có thể có một số độc giả hạn chế như tờ "Tri Tân" của Nguyễn Tường Phượng hay "Thanh Nghị" của nhóm Đặng Thai Mai, Vũ Văn Hiền thời tiền chiến... Nhưng "Tri Tân" ngày trước còn có trợ cấp của anh em, chớ Nguyễn Văn Hợi thì chỉ trông vào thực lực của mình, nên Nguyễn Văn Hợi làm tờ "Thế Giới" có tiếng mà không có miếng. Nhưng "lì" vốn là tính cố hữu của anh, Hợi cứ lo cho báo đứng mà không hề phàn nàn với ai bao giờ và nhứt định không chịu thay đổi đường lối, phương châm: tôn chỉ đã định thế nào thì cứ giữ nguyên như thế, mặc dầu có nhiều người lung lạc và định dùng tiền để lèo lái tờ "Thế Giới" thành một tờ báo chánh trị theo kiểu "Le Monde" của Pháp, làm cơ quan chính thức của bộ Ngoại giao. So với các nhà xuất bản khác có tiếng ở Hà Nội, như ông Vũ Đình Long chẳng hạn, anh Hợi trẻ hơn, nhưng tính toán công việc đâu ra đấy và được anh em tương đối tin yêu nhiều vì anh đối xử với các văn gia, ký giả với tính cách anh em nhiều hơn là với Tờ "Thế Giới" sống đều đều như thế được hơn ba năm thì xảy ra biến cố Tết Mậu Thân, khu Phạm Ngũ Lão tức là khu đặt nhà in và nhà báo, bị pháo kích nên "Thế Giới" phải ngưng xuất bản. Sau đó ít lâu, Hợi lại định tục bản theo đúng đường lối cũ với một hình thức khác, thêm sự cộng tác của nhiều ký giả, văn gia khác nữa, nhưng giấy phép đã quá hạn ba tháng, bộ Thông Tin không cho tục bản, trong khi bao nhiêu báo khác, cả nhật, tuần lẫn nguyệt báo, được phép xuất bản cho bằng thích, đến nỗi giấy báo hết sạch trơn, làm cho một số được giấy phép xuất bản hẳn hoi mà không có phương tiện ra chào đời.

Cho đến số chót, tôi viết bài đều đều cho "Thế Giới", nhưng thực ra thì từ khoảng đầu năm thứ ba tôi không đi lại được thường xuyên với báo, vì lúc ấy công việc ở nước ngoài buộc tôi thường vắng mặt. Đến khi phong trào nổi lên của Phật Giáo Ấn Quang ở miền Trung tạm yên, Nguyễn Chánh Thi đi Mỹ để chữa bịnh đau lỗ mũi, tôi về làm tờ "Công Chúng" - một tờ báo hàng ngày, mà ngay từ lúc chưa xuất bản đã mang tiếng là báo của hai ông Kỳ và Loan. Thực ra tờ "Công Chúng" được phép là do ông Kỳ lúc ấy làm chủ tịch hành pháp trung ương ký cho xuất bản; nhưng lúc ký, chính ông có lẽ không nghĩ đến việc lấy tờ báo ấy ra làm cơ quan cổ xúy cho mình. Cũng như tất cả những tờ báo mang tai mang tiếng như thế, "Công Chúng" lúc đầu không chạy lắm, dù là chủ bút Tô Văn và bỉnh bút số một Cát Hữu, đã xuất toàn lực ra để làm thành một thứ báo kiểu "Sept jours - Paris soir" phối hợp, đưa ra những tin kỳ lạ hay những tài liệu độc đáo "Những truyện chưa ai biết về Điện Biên Phủ". Anh em tòa soạn làm việc không mấy hăng, nhưng sau một thời gian sống tằng tằng, "Công Chúng" cũng đã có một thời kỳ nổi bật: đó là thời kỳ "Công Chúng" đã "dám" lên tiếng bênh vực những người bị đưa ra tòa nhânï "vụ án miền Trung", thuật lại tất cả những chi tiết vụ nổi lên của Phật Giáo miền Trung, trình bày rành rọt ai ngay, ai gian, ai phải, ai trái và kêu gọi các nhà hữu trách phải kịp thời xét lại thái độ để cho sau này không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Báo "Công Chúng" đơn phương làm việc đó nên nhiều người đọc, mặc dầu vẫn yên trí là báo của chính quyền; nhưng qua loạt bài ấy báo lại trở lại số in bình thường vì, trái với điều người ta mong đợi, "Công Chúng" không có một thái độ dứt khoát về hiến chương Phật Giáo - mà theo độc giả chỉ có tờ "Công Chúng" mới dám nói sự thật về hiến chương Phật Giáo mới thống nhất.

Vụ này khởi đầu từ việc thầy Thích Tâm Châu từ chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, thầy Thích Thiện Tường lên thay, đồng thời Lục Cả Lâm Em giữ chức Tăng Thống thay Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Hiến chương Phật Giáo Thống Nhất mới ra đời bị các thầy Ấn Quang đả kích, viện lẽ hiến chương mới chỉ có 5 thượng tọa ký, mà hiến chương cũ có 11 thượng tọa ký, cuộc tranh đấu giữa hai phe Phật Giáo bắt đầu.

Tăng ni tới trước dinh Độc Lập yêu cầu thu hồi sắc luật 23/67, thừa nhận hiến chương mới. Ấn Quang không chịu gặp Thích Tâm Châu; Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia duyệt y hiến chương mới. Các tăng ni biểu tình ngồi trước dinh Độc Lập. Các thượng tọa ký tên trong bản Tân Hiến Chương Phật Giáo lại viết thư cho Ấn Quang yêu cầu thảo luận để giải quyết vấn đề tranh chấp. Một số tăng ni lại tự thiêu, để lại nhiều thư cho Đức Giáo Hoàng, Tổng thống Johnson và Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, ngỏ ý đòi thu hồi tân hiến chương Phật Giáo.

Vụ tranh chấp kéo dài ra hàng năm. Trí Quang và Tâm Châu cùng theo một giáo mà coi nhau như cừu địch. Nguyên nhân tại đâu? Hội Đồng Dân Tộc Cách Mạng, nhóm bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, có biết nguyên nhân tại đâu không mà dám ra thông cáo quyết lập một ủy ban hòa giải để dàn xếp vụ "tranh chấp giữa Phật Giáo và Chính Phủ" Những người đọc báo "Công Chúng" không hiểu vì lẽ gì, hầu hết đều yên trí là báo "Công Chúng" am hiểu đầu đuôi vụ này và chỉ có báo "Công Chúng" nói ra mới rành rọt câu chuyện, nhưng báo đã không vì độc giả làm công việc đó, nên đến cuối năm Mùi thì bắt đầu xuống. Rồi biến cố Tết Mậu Thân xảy ra, báo ra chậm hơn các báo khác, để cho nhiều tờ khác vượt lên - trong số có tờ "Tiền Tuyến" có phương tiện và có tư thế để ra ngay hôm mồng hai Tết, cướp độc giả của rất nhiều báo khác.

Bánh xe lịch sử báo chí lại quay như hồi "Saigon Mai". Báo bị hạn chế ít lâu rồi lại xuất bản nhiều vô số kể, nhưng cũng như số phận các giai nhân, có nhiều tờ bạc mệnh như cô Kiều, cũng có nhiều tờ không đẹp ác liệt mấy, nhưng cứ sống đều đều như Thúy Vân, ăn no, ngủ kỹ trong khi cả nhà Vương ông lung tung tí mẹt vì Kiều phải bán mình chuộc tội cho cha.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx