sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

02. Lời nói đầu - Phần 2

Văn của Paustovsky, cũng như sự tiếp nhận cuộc đời ở trong ông, những suy ngẫm của ông, mang một sắc thái đặc biệt.

Lần đầu đọc Paustovsky, trong cái đêm bão tuyết không ngừng gào thét, tung băng bụi ra khắp nơi và trùm lên tất cả, khi ngọn đèn đêm tỏa ánh sáng nhè nhẹ mơ hồ lên những trang giấy, trong cái thời gian mung lung làm cho con người dễ đi vào mình hơn cả, tôi cảm thấy cuộc sống vụt ngưng lại, nhưng bên cạnh nó lại hiện ra một cuộc sống khác, với đầy đủ đường nét, màu sắc, âm thanh và tình người. Cuộc sống ấy rõ nét đến nỗi ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy tất cả những gì thuộc về nó. Nhưng đồng thời nó cũng mơ hồ, huyền ảo, như một cái gì không thực, không dễ có thực, nhưng nó làm ta tin ngay rằng nó thật sự hiện hữu, sung sướng để mà tin. Bởi vì những cái đó đúng là có thực, nhưng lại là những cái, tiếc thay, ta không thể thấy được dễ dàng. Có lẽ, tôi đã nói điều mâu thuẫn. Nhưng, thú thật, tôi không biết diễn tả thế nào những cảm giác mới sinh mỗi lần đọc Paustovsky. Nguyễn Khải nói với tôi về Paustovsky thế này: "Hình như Paustovsky thích thả sương mù vào truyện của ông ta. Cái đó làm người đọc nhiều lúc tưởng những điều ông ta nói giống như những giấc mơ, để rồi sau khi suy nghĩ kỹ, mới tin là chúng có thật, lúc đó họ mới phát hiện rằng mình đã lớn thêm một chút trong tâm hồn". Tôi thấy đó là một nhận xét xác đáng. Cái hư mà thực, thực mà hư trong Paustovsky là thế. Nói cách khác, trong văn ông thực hư lẫn lộn - trong thực có hư, trong hư có thực.

Để làm được việc đó, nhà văn phải rất dày công nghiên cứu cuộc sống, nghiên cứu thật tỉ mỉ, đến chân tơ kẽ tóc, nhập tâm cuộc sống mà mình quan sát, rồi hòa mình vào nó, sống thực với nó. Đến khi ngồi vào bàn viết thì cuộc sống ấy đã thành của mình, còn hơn của mình nữa, vì nó được nghiên cứu, được suy ngẫm, để cuối cùng bật ra chỉ những đường nét chính, những màu sắc chính mà thôi. Đó là cuộc sống trong sự biểu đạt tiết kiệm, được đưa lên giấy chỉ những gì cần thiết nhất, tinh chất nhất, đẹp đẽ nhất.

Cách biểu đạt này của Paustovsky giống phong cách làm việc của những họa sĩ Trung Hoa cổ trong trường phái quốc họa. Khác với bạn đồng nghiệp phương Tây, những họa sĩ quốc họa Trung Hoa không bao giờ làm phác thảo cho những bức tranh sẽ vẽ. Họ an nhiên sống trong đời, lặng lẽ quan sát nó, lặng lẽ thu nó vào lòng, nói cách khác, họ sống như mọi người, nhưng chăm chú quan sát cuộc sống đến mức thuộc lòng nó, chỉ đến lúc ấy họ mới nhả tinh chất của nó ra trên giấy trên lụa. Cuộc sống được biểu đạt theo cách ấy hiện ra ở những điểm tập trung nhất, dường như không còn lệ thuộc chủ đề. Những gì không cần thiết, những tạp chất, đều bị họ gạt bỏ không thương tiếc. Nhưng khoan, cũng không hẳn là thế. Bên cạnh những cái thuộc tinh chất ta lại bắt gặp những nét tưởng chừng chẳng có liên quan gì tới chủ đề, có vẻ như thừa. Nhưng thử bỏ những cái thừa ấy đi mà xem - tác phẩm sẽ mất đi vẻ đẹp mà ta đã được thấy. Tức là, chúng là những cái thừa cần thiết, những cái thừa có chọn lọc bằng vô thức, những cái thừa xét cho cùng là cố ý của tác giả. Thiếu những cái thừa đó văn hết là văn. Nó thành xác chết.

Tôi sẽ không chứng minh điều này. Nó vô ích như khi ta cố chứng minh vẻ đẹp của một buổi bình minh chẳng hạn.

Mà cũng đừng hoài công kể lại những truyện ngắn của Paustovsky. Chúng ta hãy thử nhớ lại "Chú Bé Chăn Bò", "Gió Biển", "Chuyến Xe Đêm", "Người Đầu Bếp Già"... Liệu có thể kể lại những câu chuyện trong những truyện ngắn đó không nhỉ? Có người đã kể, kể rất hay, nhưng nghe xong, tôi nghĩ rằng sự mất mát trong câu chuyện được kể lại có thể tính bằng số bách phân là 90 phần trăm.

Paustovsky có thể từ một chi tiết rất nhỏ mà dựng thành một truyện ngắn. Nhưng qua truyện ngắn đó ta được biết không phải một người - nhân vật chính - mà nhiều người, và hơn thế nữa, dấu vết của cả một khoảng thời gian.

Cái "hư" trong văn Paustovsky có một đặc tính được nhiều người nhận xét. Dường như ông khám phá được trong tâm hồn ông, và trong tâm hồn người nói chung, sự ưa thích bản năng những cái không bình thường. Cho nên nói về cái bình thường bằng con đường tìm kiếm, lựa chọn để rồi đưa ra cái có vẻ không bình thường lại là con đường ngắn nhất của sự biểu đạt cái đẹp. Nhưng nếu cái không bình thường ấy quá xa lạ với trí tưởng tượng của người đọc thì cũng hỏng, người đọc sẽ đẩy nó ra và người viết thế là hoài công. Cần phải chọn cái không bình thường bình dị, nghĩa là cái có thể có, có thể xảy ra, dường như người đọc có thể thấy nó, nhưng do vô tình đã đi lướt qua nó, đi lướt qua cái đẹp, một cách hững hờ, và giờ đây, khi được nhà văn chỉ cho thấy, mới biết ra để mà nuối tiếc. Khả năng nhìn thấy cái không bình thường trong cái bình thường ở trong ông làm nên nét độc đáo của văn ông. Paustovsky thú nhận rằng khả năng đó bắt nguồn từ tính chuộng lạ vốn có trong ông từ thuở thiếu thời. Ông thuật lại:

"Thế giới sặc sỡ của những cái lạ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi".

"Môn học mà tôi thích nhất ở trường trung học là môn địa lý. Môn này khẳng định với tôi rằng trên trái đất có những xứ sở kỳ lạ. Tôi biết rằng cuộc sống nghèo nàn và vất vưởng của gia đình tôi hồi ấy không thể cho phép tôi nhìn thấy những xứ sở ấy. Mơ ước của tôi không thể thực hiện được. Nhưng không phải vì thế mà nó chết dần chết mòn đâu".

"Tâm trạng tôi khi ấy có thể định nghĩa bằng hai từ: hào hứng và buồn rầu. Hào hứng trước cái thế giới mà mình tưởng tượng ra, buồn rầu vì không thể nhìn thấy nó. Hai cảm giác ấy chiếm thế thượng phong trong những vần thơ thuở thiếu thời của tôi và trong những tác phẩm văn xuôi đầu tiên còn non nớt của tôi".

"Những năm tháng qua đi và dần dần tôi rời bỏ tính chuộng lạ, vẻ diêm dúa, hương vị làm ta mê mẩn, chất bốc của nó và thái độ dửng dưng đối với con người bình dị, không có gì đáng chú ý. Nhưng trong một thời gian dài, trong những truyện dài và truyện ngắn của tôi vẫn cứ còn rơi rớt những sợi chỉ mạ vàng của nó."

Paustovsky kể rằng lần cắt đứt quyết liệt và cuối cùng với tính chuộng lạ ở trong ông xảy ra trong lần ông đi xem nhà chiếu hình vũ trụ Moskva. Cũng như mọi người, ông bị lóa mắt bởi sức sáng tạo của con người với những máy móc kỳ diệu đó.

Ông ra về khi trời đã khuya. Một buổi tối tháng Mười với mùi lá rụng trên đường. Paustovsky ngẩng đầu lên. Ông bàng hoàng. Tưởng chừng ông được trông thấy,lần đầu tiên trong đời, một bầu trời thực sự - một bầu trời sống - với muôn vàn vì sao lấp lánh.

"Và thế là tôi thấy tất cả những gì tôi viết từ trước tối hôm đó chỉ là giả tạo, hệt như cái nhà chiếu hình vũ trụ với những chòm sao giả của nó".

Sau đêm đó, ông vội vã hủy đi một số truyện ngắn quá diêm dúa và giả tạo mà trước kia ông thích thú.

Tuy nhiên, không phải cái gì khác, mà chính lòng ham mê cái lạ trong buổi thiếu thời đã dạy cho ông biết cách nhìn thấy những nét đẹp, và hơn nữa, những nét hoàn toàn không dễ thấy đối với người khác, trong những sự vật tầm thường. Những nét đẹp đó chúng ta gặp luôn luôn trong những tác phẩm của ông, hầu như trên mỗi trang giấy. Chúng làm nên cái thần thái đặc sắc của văn ông. Ngay ở trong những truyện dài "Những Kẻ Lãng Mạn", "Những Vầng Mây Lấp Lánh", mà ông than phiền rằng trong đó tính chuộng lạ còn để lại nhiều dấu vết, chúng ta vẫn thấy những nét đẹp nhờ lòng ham mê tính chuộng lạ mà có. Có lẽ cái hại của tính chuộng lạ chỉ ở chỗ nó dễ làm người viết ham cái bề ngoài hào nhoáng mà quên mất cái bề trong còn đẹp hơn rất nhiều của cuộc sống.

Về vấn đề này Paustovsky viết: "Tôi cho rằng một trong những đặc tính thuộc sáng tác văn xuôi của tôi là cái thần thái lãng mạn của chúng"... "Cái đó, tất nhiên, là chất riêng của từng người. Đòi hỏi người nào cũng vậy, nhất là nhà văn, phải từ bỏ cái thần thái ấy là lố bịch. Chỉ có dốt nát mới đi đòi hỏi như thế"...

"Cái thần thái lãng mạn không hề sống chung dưới một mái nhà với sự quan tâm cấp thiết đối với cuộc sống "thô thiển" và tình yêu đối với cuộc sống ấy. Trong hết thảy lĩnh vực của thực tại và hoạt động của con người, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, bao giờ cũng sẵn có những hạt giống lãng mạn... Vì không nhận thấy những hạt giống ấy, người ta có thể giày xéo lên chúng, nhưng cũng có thể ngược lại, tạo điều kiện cho chúng nở rộ, cho chúng lấy mùa hoa của mình làm cho thế giới bên trong của con người đẹp thêm, cao thượng hơn ".

Ông phải bộc bạch tâm sự mình như thế, ông phải lớn tiếng bảo vệ phong cách lãng mạn trong văn học như thế là để tự vệ, để chống trả sức mạnh của trào lưu thời thượng "hiện thực xã hội chủ nghĩa" muốn áp đặt phong cách của nó như là một phong cách duy nhất cho nền văn học xô-viết. Paustovsky không rời con đường riêng mà ông đã chọn. Ông cho rằng nó hoàn toàn không có gì trái ngược với con đường chung của các nhà văn của bất kỳ nước nào, bất kỳ thời đại nào, là hướng tới và vẫy gọi mọi người cùng nhau hướng tới Cái Đẹp.[3]

[3] “Lời Nói Đầu” này được in trong lần xuất bản thứ nhất của bản dịch “Bông Hồng Vàng”. Lần xuất bản thứ hai nó bị bỏ đi, liên quan đến việc tên người dịch bị cấm. Trong lần xuất bản này có một số sửa chữa nhỏ.

Từ lâu Paustovsky đã có ý định viết một cuốn sách về nghề văn. Không phải một cuốn sách dạy viết văn, không phải thế, ông không có ý định dạy bảo ai, mà là một cuốn khảo cứu nghiêm túc nói về lao động đặc thù của những người cầm bút và vai trò của họ trong đời sống tinh thần của cộng đồng nhân loại. Trong bài "Thơ Của Văn Xuôi" đăng trong tạp chí "Ngọn Cờ" (Znamya) số ra tháng 9 năm 1953, ông viết rằng ý sáng tác một cuốn sách về nghề văn đã nảy ra trong ông ngay từ trước Thế chiến thứ hai. Ông đã bắt đầu, nhưng chiến tranh đã ngăn trở ông hoàn thành nó.

Trong một thời gian hơn mười năm Paustovsky dạy nhiều khóa học văn xuôi tại Học viện văn học Gorky. Nhiều vấn đề có liên quan tới nghề văn và tâm lý sáng tác đã được đề cập. Vì các bài giảng của thầy, cũng như những lời phát biểu của trò, đều không được ghi lại, Paustovsky lấy làm tiếc, mới nảy ra ý tập hợp những tư liệu phong phú đó, bằng hình thức này hay hình thức khác, miễn sao chúng trở thành có ích cho những người viết văn, nhất là cho những người viết văn trẻ, và cho cả những ai yêu thích văn học.

Mùa thu năm 1955, tại tỉnh Dubunty, một tỉnh nhỏ nằm bên bờ vịnh Riga, Paustovsky hoàn thành cuốn sách mà ông thai nghén từ lâu. "Bông Hồng Vàng" ra mắt bạn đọc lần đầu trong tạp chí "Tháng Mười"(Oktiabr).

Trong bản dịch này, giống như trong nhiều bản dịch ở các nước khác mà tôi được biết ("Bông Hồng Vàng" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng), tôi bỏ qua hai chương "Ngôn Ngữ Kim Cương" và "Những Cuốn Từ Điển". Tác giả dành hai chương này cho việc nghiên cứu những nét độc đáo của tiếng Nga liên quan tới sự thể hiện văn học, xem xét nhiều mặt ngữ nghĩa, các gốc từ, âm hưởng, tiết tấu... của văn ngôn tiếng Nga. Tôi rất tiếc những chương này, nhưng tôi nghĩ không có cách nào truyền đạt cái đẹp thuần khiết của từ ngữ thuộc một ngôn ngữ này bằng những phương tiện không tương thích của một ngôn ngữ khác.

Nói chung, trong khi dịch cuốn sách, cảm giác đuối sức là cảm giác tôi thường gặp. Thậm chí ở một vài đoạn tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Ai cũng biết rằng dịch nếu không phải là phản thì cũng là một cái gì mất mát so với nguyên bản. Trong "Bông Hồng Vàng", sự mất mát đó không phải là ít.

Khi bản dịch hoàn tất, tôi mới hiểu rằng trong việc làm này của tôi chính tác giả đã giúp tôi rất nhiều.

Bởi vì mỗi lần đọc đi đọc lại một đoạn văn khó, một hình ảnh đẹp được miêu tả một cách khác thường, cần phải tìm cách để truyền đạt cho tốt nhất, tôi lại phát hiện trong lòng mình một niềm vui, niềm vui này đã giúp tôi vượt qua những khó khăn.

Bởi vì trong khi dịch "Bông Hồng Vàng", tôi hiểu thêm được rất nhiều cái lao động nặng nhọc nhưng cao quý và vi thế tuyệt đẹp của nghề văn (nếu có thể coi nó là một nghề). Tôi sẽ sung sướng nếu qua bản dịch này những ý nghĩ tốt lành của tác giả tới được với bạn đọc.

Bởi vì, sau hết, tôi rất yêu Paustovsky.

VŨ THƯ HIÊN

Tặng Tatiana Alexeevna Paustovskaia

- bạn đời chung thủy của tôi

Văn học nằm ngoài những định luật của băng

hoại. Chỉ mình nó không công nhận cái chết.

Saltưkov Sheđrin_

Lúc nào cũng phải hướng tới cái tuyệt mỹ.

Honoré de Balzac[4]

[4] Nhà văn Pháp (1799-1850)

Nhiều điểm trong cuốn sách này trình bày còn rời rạc, và rất có thể, chưa được sáng sủa cho lắm.

Nhiều điểm sẽ còn phải tranh luận.

Cuốn sách này không phải là một công trình nghiên cứu lý thuyết, càng không phải là một kim chỉ nam. Đây chẳng qua chỉ là những ghi chép về cái nhìn của tôi đối với nghề văn và về kinh nghiệm của riêng tôi.

Những vấn đề lớn được dùng làm cơ sở tư tưởng cho nghề văn của chúng ta không được đề cập trong cuốn sách này vì ở nước ta không có những bất đồng lớn trong lĩnh vực đó. Đối với tất cả mọi người, tính chất anh hùng và ý nghĩa giáo dục của văn học đã rõ ràng.

Trong cuốn sách này tôi chỉ tạm kể chút ít những gì tôi kịp kể.

Nhưng nếu như tôi truyền đạt được tới bạn đọc, dù chỉ trong một chừng mực ít ỏi, khái niệm về bản chất tuyệt vời của lao động nhà văn thì tôi dám coi như đã làm tròn bổn phận của tôi đối với văn học.

Konstantin Paustovsky[5]

[5] Trong cuốn này những từ riêng của Nga được phiên âm theo cách đọc tiếng Việt (đối với những âm không có âm tương ứng, thì: Sh đọc như s rất uốn lưỡi, zh đọc như g(i) rất uốn lưỡi, tz đọc như tx, f đọc như ph). Những tên người, địa danh các nước khác được để nguyên dạng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx