Sáng hôm sau, tôi chỉ mong ngóng Trí cho biết chương trình hành động ra sao. Hỏi thì anh bảo để phải hỏi kỹ lại Khiết một số chi tiết cái đã. Và rồi anh cứ đà đận đăm chiêu suy nghĩ cái gì đó. Bực mình vì phải chờ lâu, tôi vờ làm mặt giận dỗi ra vẻ không cần để ý gì đến cái chương trình đó nữa. Kỳ thực, tôi vẫn thấy làm lo lắm. Tất cả những gì dính dáng đến việc truy tầm bức mật thư đều khiến tôi lo ngại vô cùng.
Khi hai anh em xuống đến nhà dưới thì thấy bà nữ quản gia Năm Rằng đã dậy từ bao giờ và đang sửa soạn đi thăm người bà con trong họ. Được biết bà Năm chỉ đi chơi có hai ngày thôi mà sao bà thu xếp hành trang kỹ thế. Bà đem theo đồ dùng hằng ngày, áo quần thay đổi nhiều không biết bao nhiêu mà kể.
Ông Bích-Tâm, ba Trí, lái xe đưa bà ra bến xe đò Biên Hòa. Trí và tôi nhìn theo hút xe hơi. Chẳng ai bảo ai mà cùng thở ra một hơi dài khoan khoái. Lý do: từ khi con chó Lát-Si của Khiết tìm đến để ở bằng được với chủ, chúng tôi nhận thấy rằng khó mà giữ kín mãi sự hiện diện của Khiết tại tầng trên nhà kho, trong "phòng Thí Nghiệm". Nay đỡ phải ké né giữ gìn vì đôi mắt rất tinh của bà Năm, chúng tôi thích thú hơn tất cả cái gì hết.
Má Trí không nói gì về việc bà tới phòng ngủ kiểm soát chúng tôi đêm qua. Nhìn nét mặt bà, tôi nghi rằng bà đã nghe được một vài tiếng gì khác thường trong đêm tối nhưng giữ kín không muốn nói ra. Khi thấy Trí và tôi cúi đầu ăn vội vàng, bà ngạc nhiên lên tiếng khẽ la:
- Đi đâu mà ăn vội thế hả các con? Nói phải nghĩ mà ăn thì phải nhai chứ! Đau bao tử chết ạ!
Trí đáp nhanh:
- Chúng con có nhiều việc gấp lắm má à!
Bà chưa ăn hết bát cháo, chúng tôi đã láy mắt cho nhau, buông đũa đứng lên. Trí quơ nhanh hai hộp gì tròn tròn trong ngăn kéo buýp-phê. Tôi chưa kịp nhìn rõ là hộp gì, anh đã chạy bay ra ngoài sân. Tôi chạy theo anh sát gót:
- Anh lấy hai hộp gì vậy?
- Đồ ăn riêng của Lát-Si!
Khi hai anh em lên tới phòng Thí Nghiệm, Khiết cũng vừa thức giấc, đôi mắt còn hấp háy, bên nhắm bên mở. Con chó khôn ngoan Lát-Si vẫn tỉnh táo như thường. Nó vẫy đuôi, rít lên mừng tụi tôi tíu tít. Cả ông Nghị cũng ngoác mỏ "két" inh ỏi và vỗ cánh phành phạch. Chúng tôi phải moi đồ ăn đưa cho hai con, chúng mới chịu im. Trí quay ra nhìn Khiết:
- Khiết à! Đến bây giờ thì tôi dám chắc là bức mật thư của ba Khiết không để trong cái rương này đâu. Khiết cố nhớ lại coi! Khi trốn khỏi đoàn xiếc, Khiết có đem theo thêm đồ gì của ba Khiết, ngoài những cái này không?
Khiết lắc đầu:
- Không! Ngoài những thứ ở trong rương ra, không còn cái gì khác nữa đâu!
- Nhưng chắc là ba Khiết còn để lại nhiều thứ khác lắm chứ?
Khiết gật:
- Úi chà! Nhiều! Nhiều lắm! Ba Khiết để lại nhiều thứ lắm chứ!
- Kể thử coi nào!
- Thì... cả đoàn xiếc này, đoàn mãnh thú này, chim chóc... lừa ngựa, voi..., khỉ, vượn...
Trí nhíu cặp chân mày:
- Không, không! Tôi không muốn nói mấy thứ đó. Tôi chỉ muốn biết... ba Khiết... có để lại một cái bàn giấy nào không. Bàn giấy ba Khiết vẫn ngồi làm việc hàng ngày lúc còn sống đó.
- Ồ, ồ, có chứ! Ngày nào ba tôi cũng ngồi làm việc ở bàn giấy riêng. Trong đó để nhiều sổ sách giấy tờ lắm.
- Bây giờ, chắc tên Đồ-Tể đang dùng cái bàn giấy đó?
- Đúng rồi! Khi ba tôi mất, ông Tể lên làm Giám đốc là lập tức ngồi vào làm việc tại bàn giấy đó liền.
- Thế khi đoàn xiếc di chuyển chỗ này chỗ kia, chắc cũng chở cái bàn giấy ấy đi theo? Và chở bằng cách gì?
- Ừ, chở đi theo, bằng xe do ngựa kéo. Chiếc xe do hai ngựa kéo riêng của Đồ-Tể.
- Vậy bây giờ cái bàn giấy đó cũng đang còn ở trong chiếc xe ngựa riêng của lão ta?
- Không đâu! Mỗi khi đoàn xiếc hạ trại tại một địa điểm nào thì Đồ-Tể liền cho kê nhờ cái bàn giấy lão chiếm của ba tôi đó trong trụ sở Phường của địa phương ấy.
- À, nếu vậy thì hiện tại cái bàn giấy ấy chắc chắn đang đặt tại trụ sở Phường Thủ-Đức.
Khiết cau mày suy nghĩ:
- Thủ Đức! Trụ sở Phường Thủ Đức! A! Tôi nhớ ra rồi! Ông Xã Trưởng Phường Thủ-Đức quen biết ba tôi và quý gánh xiếc Tâm Lan của ba tôi lắm. Mỗi lần hạ trại tại đó trình diễn là bao giờ ông cũng dành cho ba tôi cả một gian rộng trong trụ sở xã, có thể kê được 3, 4 cái bàn giấy kia.
Trí hăm hở:
- Bàn giấy của Ba Khiết có cái gì đặc biệt không?
- Không! Chẳng có gì đặc biệt cả! Trông nó cũng giống như những bàn giấy khác ấy. Cũng hai hàng ngăn kéo hai bên, một ngăn kéo lớn ở giữa, màu nâu và cũ sì à.
- Biết rồi, biết rồi! Nhưng tôi muốn hỏi, ngoài những cái đó ra, nó còn có dấu tích gì phân biệt hẳn so với các bàn giấy khác không?
Nét mặt đăm chiêu, Khiết cau cau vầng trán rộng, trắng xanh, mấy ngón tay run rẩy lùa vào mớ tóc rối bời đã bay gần hết thuốc nhuộm, loang lổ chỗ nâu chỗ đen. Miệng nó lầm bầm:
- Dấu tích khác, dấu tích đặc biệt? Làm gì ra nhỉ?... Làm gì có à, à! - Khiết chợt tươi nét mặt, đôi mắt lộ ánh vui mừng, hai ngón tay bật kêu "pách" một tiếng. - À, tôi nghĩ ra rồi, phải! Phải! Đúng rồi! Mỗi ngăn kéo đều có một cái núm bằng đồng chạm hình mặt chú Bình-Be, vua hề của đoàn xiếc. Cái núm để nắm khi đẩy vào và kéo ngăn ra đó.
Trí giương to đôi mắt:
- Cũng hệt như cái núm ở quai xách cái rương nhỏ?... Trời! Vậy thì hay quá rồi!
Khiết ngạc nhiên:
- Mà tại sao anh lại hỏi tôi về những cái tỉ mỉ đó?
- Trí mỉm cười:
- Khiết chưa biết đấy thôi! Trong các truyện trinh thám tôi thường đọc, người ta hay nói đến những ngăn kéo bí mật làm kín trong những món đồ gỗ, bề ngoài trông rất thường như bàn, ghế, tủ, bàn giấy đó. Có thể trong bàn giấy của ba Khiết cũng có một cái ngăn kéo bí mật để cất giấu những giấy tờ cần thiết. Biết đâu chừng!
Đôi mắt sáng long lanh, Khiết sững sờ ngó Trí. Quả tình nó không nghĩ tới điểm đó. Phần tôi, tôi đã linh cảm thấy chương trình hành động của Trí sẽ như thế nên anh mới nói ra miệng như vậy. Và cái điều tôi linh cảm đó lại khiến tôi lo ngay ngáy.
Trí lờ đi, chẳng để ý gì đến tôi. Anh nhấc ống điện thoại do anh làm lấy, nối liền với đường giây trên phòng ba má anh. Tiếng bà Bích-Tâm ở đầu giây:
- Chính gọi má hả?
Anh nháy mắt nhìn tôi ranh mãnh:
- Má ơi! Chúng con thích đi xem xiếc quá má à! Ba giờ chiều nay họ trình diễn ở Thủ-Đức đó má. Má cho phép tụi con đi xem nghe, má! Chúng con đi xe đò Phước-Lộc-Thọ chắc chắn và mau lắm. Năm giờ rưỡi là chúng con đã về tới nhà kịp ăn cơm tối má à! Má chịu không?
Bà Bích-Tâm vui vẻ:
- Ừ, má cho phép hai anh em đó! Lên Thủ Đức mát lắm. Hai anh em tha hồ hít thở gió đồng rất tốt. Má để tiền ở trên bàn dưới bếp cho hai đứa đó nghe. Má cũng phải đi với ba bây giờ đây.
- Vâng, cám ơn má!
Dứt lời, Trí gác ống điện thoại. Vẻ mặt anh hớn hở như một học sinh loay hoay mãi với bài toán khó, giờ đây đã tìm ra cách làm. Riêng tôi, tôi lại cảm thấy băn khoăn lo ngại. Một cuộc mạo hiểm hứa hẹn nhiều pha gay cấn sắp sửa mở màn. Mà lực lượng của đối phương Đỗ-Tể, Dậu ghẻ, mới hồi tưởng lại vóc dáng sừng sững của họ thôi, toàn thân tôi đã rùng mình ớn lạnh rồi.
Tôi bàn soạn với Trí tìm cách lảng ra, nhưng anh cứ gạt đi. Bí quá, tôi đành phải viện cái lý do cuối cùng:
- Đến bốn giờ tôi còn phải đi đưa báo!
Trí thản nhiên:
- Nhờ người khác đi đưa giùm! Coi nào! Nếu tôi nhớ không lầm, thì thằng Bình đã nhiều lần giúp Chiêm làm cái việc đó rồi mà, phải không? Bảo nó đi đưa cho Chiêm, nhưng để chừa lại nhà Mai-Điên. Khi đi Thủ-Đức về, Chiêm sẽ thân hành tới đó.
Thế rồi, khi chiếc xe đò Phước-Lộc tách bến, trực chỉ hướng Thủ Đức chạy bon bon, chễm chệ ngồi trên hai chiếc ghế da êm ngay đằng sau tài xế, đã có Trí và vị phụ tá của anh là CT3, tức là tôi vậy.
Chẳng hiểu xe đò chạy có lẹ không mà chỉ thoáng một cái, chúng tôi đã tới Thủ Đức rồi. Trí óc tôi cứ cố hình dung lại cảnh vật thiên nhiên rộng bao la bát ngát vừa mới được nhìn ngắm, những thửa ruộng lúa xanh rờn chạy xa mãi tít tận chân trời. Mùi lúa non hòa lẫn mùi cỏ cây, bay theo gió, thoảng vào mũi làn hương đặc biệt, cái hương thơm đồng quê xanh mát của nước Việt, bao giờ cũng như bao giờ.
Tôi cố nhớ lại những hình ảnh đẹp mắt đó, cái hương quê nhẹ thơm mùi lúa sữa đó để quên đi phần nào giây phút hiện tại và chút xíu nữa đây chắc là gay cấn lắm. Nhưng kìa!... những băng vải quảng cáo căng ngang đường, trên cao, bích chương dán đầy tường phố như đập vào mắt khiến tôi càng cố quên thì lại càng nhớ rõ. Và bất giác, tôi lẩm bẩm đọc:
- Gánh xiếc Tâm-Lan vĩ dại nhất Việt-Nam, Giám Đốc Đỗ-văn-Tể! - Dưới hàng chữ lớn kẻ sơn đỏ, nhiều hàng chữ nhỏ hơn viết bằng sơn đen như sau:
"Sau cái chết đột ngột, thảm thiết của ông Phạm-trọng-Tâm, Giám Đốc sáng lập đoàn xiếc vĩ đại Tâm-Lan, Ông Đỗ-văn-Tể đã đứng ra lèo lái nghệ sĩ đoàn của tổ chức nghệ thuật thứ bẩy này. Sinh trưởng tại Đà-Nẵng (Trung Việt), Ông Đỗ-văn-Tể, tự thuở ấu thơ, đã mê say nghề trình diễn hát xiệc nhất là môn đu bay rất nguy hiểm. Vốn là một người ham chuộng thể thao, rất mê say câu cá, vị tân giám đốc này đã đem hết khả năng để cống hiến khán giả những pha trình diễn nghệ thuật có một không hai, từ xưa tới nay không một đoàn xiếc nào thực hiện nổi".
Phía trên, bên phải những chữ sắc như cắt này là bức hình chân dung Đỗ-văn-Tể.
Trí lẩm bẩm:
- Kỳ nhỉ! Ông Bình-Be nói với chúng mình Đỗ-văn-Tể sinh tại Cam-Pu-Chia kia mà. Sao đây lại ghi là Đà-Nẵng?
Tôi bực mình buông gọn:
- Sinh ở đâu thì sinh, ăn thua gì cái đó! Chỉ cần biết là tay gian manh này hiện đang có mặt tại đây. Và xin báo cáo với "sếp" là đúng người có cái mặt này hôm nọ tôi đã thấy ngồi trong chiếc xe hơi tiến vào phía nhà Mai-Điên đó.
Thủ-Đức là một quận lỵ nhỏ. Tìm địa điểm nơi đoàn xiếc hạ trại chẳng khó khăn gì. Và kiếm trụ sở Phường Xóm Chợ, chỗ Đỗ-văn-Tể đặt văn phòng lại còn dễ dàng hơn nữa.
Trí khẽ bảo tôi:
- Được, Chiêm! Còn dư thì giờ chán! Hai giờ rưỡi chiều mới trình diễn kia mà. Gần ba giờ, tụi mình mò vào bàn giấy của lão là chắc ăn. Thế nào lão ta cũng phải có mặt tại rạp để điều khiển các mục trình diễn chứ.
Tôi vẫn không quên một vấn đề quan trọng:
- Tụi mình kiếmcái gì ăn đã, đi!
Trí gật đầu. Phút sau, hai anh em đã mỗi người một ổ bánh mì kẹp chả lụa, rắc muối tiêu cẩn thận, vừa đi vừa cắn bánh nhai ngon lành.
Chúng tôi lượn qua cửa rạp xiếc. Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ khai diễn, phòng bán vé đã mở cửa. Một người đàn ông đang tíu tít xé vé bán và phân phát chương trình. Trí tạt vào ngay lấy một tờ.
Tôi ngạc nhiên:
- Anh định mua giấy vào xem thật hả?
Trí trừng mắt:
- Điên hay sao mà lại vào xem! Thì giờ đâu? Mình muốn cùng Chiêm coi kỹ lại bức hình lão Đồ-Tể xem có đúng là người Chiêm đã bắt gặp trên xe hơi bữa nọ không. Coi lại lần nữa xem nào, Chiêm!
Tôi đưa mắt nhìn kỹ. Bức hình in trong tờ chương trình, khổ 4x6, trông lại rõ hơn bức hình lớn trên tờ quảng cáo ngoài phố. Khổ mặt lão Tể to phì phị như mặt lợn ỉ, đôi mắt ti hí kiểu mắt lươn, miệng mím chặt trông như không có môi vậy. Đúng là người tôi đã bắt gặp lái xe chạy vào hướng nhà Mai-Điên.
Trí gấp gọn tờ chương trình cho vào túi:
- Rồi! Bây giờ chúng mình đã nhận rõ mặt lão rồi. Ta lên đường ngay đi, Chiêm! Theo tôi!
Trí vừa nói dứt, hai anh em đã đi tới một cái vườn bông. Nơi cuối vườn là trụ sở xã Xóm Chợ. Một tòa nhà không lớn lắm nhưng xây cất đẹp đẽ, khang trang. Qua một cái cổng lớn có mấy người nhân dân tự vệ vác súng đứng gác, chúng tôi đã đứng trước một dẫy nhà ngang khá rộng. Trên cửa, một tấm bảng sơn vàng kẻ chữ đỏ "Ban Trị Sự Đoàn Xiếc Tâm Lan". Tôi khẽ giật mình khi chợt nhận ra chiếc xe màu xanh da trời của lão Tể đậu bên hông nhà.
- Trí! Xe của lão Tể kia kìa! Chắc lão còn ở trong văn phòng đó!
- Ừ! Tôi cũng nghĩ như Chiêm vậy! - Vừa nói anh vừa tiến lại một chiếc ghế dài bằng xi- măng đặt dưới gốc cây phượng vĩ gần đó, - Tụi mình ngồi đây, Chiêm! Và giả bộ như bị mệt nhọc cần nghỉ chân ấy nghe, Chiêm!
Trí và tôi vừa ngồi yên chỗ, anh liền móc túi lấy tờ chương trình mở rộng ra:
- Nếu có người ra, chúng mình giả vờ chăm chú đọc chương trình hát xiếc, nghe! Cố sao cho họ đừng chú ý tới bọn mình đấy. Có lẽ Đỗ-văn-Tể sẽ ra đi ăn cơm trưa. Như vậy ta sẽ thi hành được công tác sớm hơn thời gian dự liệu.
Anh vừa nói xong, cửa gian chính giữa mở toang. Hai người đàn ông bước ra. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Đúng là Đỗ-văn-Tể. Lão vẫn mặc cái áo sơ mi vàng bữa nọ. Và tên kia, cao dong dỏng không thể là ai khác ngoài Dậu ghẻ!
Tôi liếc nhanh mắt cho Trí định nói để anh biết. Nhưng chưa kịp, Trí đã nhíu cặp chân mày thật nhanh ra ý bảo tôi đừng nói gì hết. Tờ chương trình vẫn mở rộng đưa ngang tầm mắt, tôi biết thừa là anh chẳng đọc gì hết mà thực ra đang chiếu tia nhìn về phía hai người đàn ông kia. Anh cẩn thận đề phòng thế cũng phải, nhưng có lẽ... hơi thừa: Đồ Tể và Dậu ghẻ đang nói chuyện cái gì mà mải mê lắm. Không thấy tụi họ nhìn về phía chúng tôi lần nào dù chỉ trong một tích tắc.
Rồi hai người quay ra, bước lẹ lên xe hơi. Xe rồ máy, lui ra, trực chỉ phía đoàn xiếc hạ trại, lăn bánh thật nhanh, tung lại đằng sau một đám bụi mù.
Chờ cho chiếc xe chạy khuất nơi đầu đường, Trí đứng phắt lên. Tiếng anh nói khẽ, nhưng âm thanh sắc gọn:
- Mau lên! Chiêm! Lợi dụng dịp may! Mau đi!
Tôi chùn bước:
- Này... Trí! Lỡ gặp người trong đó thì sao?
- Cứ việc nói chúng ta là hai phóng viên tờ bích báo của trường đến viết bài phóng sự về sinh hoạt của đoàn xiếc!
Tôi trợn mắt:
- Bích báo của trường? Tụi mình đang nghỉ hè mà? Viết bich báo để ai đọc?
"Sếp" tắc lưỡi:
- Chậc! Thì nói đại là... viết để dành sẵn cho ngày khai trường. Lấy bút chì và mấy tờ giấy trắng ra cầm đi! Làm bộ như đang mải mê ghi chép vậy đó!
Tôi đưa tay sờ nắn mấy cái túi:
- Trời ơi! Tôi chẳng có tờ giấy nào, bút chì cũng không nốt!
Trí hơi cau mặt khó chịu vì cái tính không biết lo xa, tật xấu kinh niên của tôi, anh móc ra mấy tờ giấy trắng:
- Đây, "ông"! Ông chỉ được cái bộ thế thôi! Còn bút chì? Tôi có mỗi một cây đây, mà tôi cũng cần ghi chớ! Thôi, để vào bàn giấy lão Tể, trong đó thiếu gì!... "Dô"! Chiêm! Làm bộ tự nhiên như không ấy, nghe!... Tươi tỉnh lên một chút coi nào!
Tươi tỉnh? "Sếp" bảo tôi tươi tỉnh lên!... Trời đất! Đi còn chưa chắc nổi đây... ở đó mà tươi tỉnh!
@by txiuqw4