Ông Bình-Be đi trưóc, Trí và tôi theo sau, nối đuôi nhau đi trên con đường mòn mọc đầy cỏ dẫn tới căn lều gỗ. Căn lều mang cái tên đẹp "Xuân-Sơn", chủ nhân là ông Giám Đốc hãng Sao-Mai và người mướn là... Đồ Tể tức... Đỗ-văn-Tể giám đốc đoàn xiếc vĩ đại Tâm-Lan.
Đứng trong căn nhà nhỏ làm toàn gỗ lợp tôn đó, có thêm một cái gác lửng nữa thì phải, ngó ra, không thể trông thấy người từ phía ngoài đi vào được. Rừng cây rậm lắm, chỉ hơi khom người xuống là yên trí. Ba người chúng tôi nhón chân nhẹ như mèo, thận trọng đặt bước lúc nào cũng sẵn sàng nằm phục xuống, nếu bắt gặp một cái gì khả nghi.
Ông Bình-Be đi tiên phong. Dáng người to béo phục phịch thế mà ông chuyển mình rất lẹ, nhẹ nhàng nhanh nhẹn như một cái bóng. Đột nhiên, ông lao người nằm rạp xuống đất, chống cùi chỏ lết như rắn bò lại gần một cụm sim rừng rậm lá. Tôi và Trí cũng lật đật làm theo. Tôi lại cố ngóc đầu lên ngó xem cái gì đã khiến ông hề phải phục kích như vậy.
Thì ra chúng tôi đã tiến sát gần căn lều gỗ. Nhìn kỹ, căn lều gỗ này cũng chẳng có gì đặc biệt. Chỉ thêm được một tầng gác lửng và căn dưới nhà, cất nhô hẳn ra mặt hồ, có thêm một gian để chứa ca-nô. Tôi dí mũi sát mặt cỏ nói nhẹ như hơi gió:
- Tụi mình phải làm gì bây giờ đây?
Trí rỉ vào tai ông Bình-Be:
- Cháu đề nghị tụi mình luồn ra phía sau cái gian để xuồng máy kia kìa. Chỗ đó kín đáo, mà lại cao, có thể từ đấy đưa mắt quan sát tất cả khu nhà và bờ hồ được.
Ông Bình-Be ghé mắt nhìn quanh một hồi rồi gật đầu:
- Phải đấy! Chỗ đó lợi thế lắm! À, này! Hai anh em nhớ kỹ lời tôi đã dặn. Có cái gì nguy biến phải cấp tốc chạy ra xe hơi ngay, nghe!
Trí và tôi cùng gật nhanh đầu, theo ông hề bò lẹ về phía đầu hồi nhà, chỗ để xuồng máy.
Không khí tĩnh mịch bao quanh khiến tôi có cảm tưởng hơi thở của chúng tôi cũng đã bị một người nào đó nghe tiếng. Tiếng lá khô bị xéo nát, một cành cây nhỏ xíu bị gẫy, đối với tôi thật không khác gì tiếng bom hay đạn trái phá nổ... Nhưng thật may! Một cơn gió đẫm hơi nước mát từ mặt hồ đưa lại, khua động lá cành, khỏa lấp ngay những tiếng lắc rắc do ba bác cháu gây ra. Cả bọn thở ra một hơi dài như trút được gánh nặng trên vai khi bò tới, dựa được thân mình vào cái đà gỗ đỡ vách cây trong kho chứa.
Trí nhận xét rất đúng: địa điểm quan sát này quả thật là lý tưởng. Từ đó ghé mắt nhòm ra là thu gọn được vào tầm mắt quang cảnh bao quát trước nhà, rồi lại cả một quãng dài dọc theo bờ hồ. Áp mạn bờ, cách căn nhà câu Xuân-Sơn chừng 50 thuớc, một chiếc xuồng máy không người, bỏ neo, đang dập dềnh trên sông nước.
Chợt tia mắt tôi đụng ngay một chiếc xe hơi sơn màu xanh da trời, bỏ mui, đậu ngay trước nhà. Không thấy một bóng người lai vãng. Quang cảnh lặng trang u tịch có một vẻ gì đe dọa âm thầm. Tôi định lên tiếng hỏi Trí, bỗng một giọng đàn ông đột ngột vang lên ngay phía bên kia tấm vách cây, chỗ tụi tôi đang dựa lưng. Tiếng nói nghe như quát:
- Được rồi! Thì cứ đem ra thử coi nào!
Đúng tiếng nói ồm ồm của Đỗ-văn-Tể.
Tôi ghé mắt nhìn qua khe vách ván. Lão Tể đứng ngay trong kho chứa trên cái bệ xi-măng xây cao hơn mặt nước có tới gần một thuớc. Tôi hồi hộp, cố nín thở. Liếc nhìn ông Bình-Be và Trí: cả hai người cũng đang cố thu hình, dằn hơi thở như hai con mèo rình chuột.
Tiếng nói khác lại vang lên:
- Nhưng để thằng ranh con một mình ở đây có được không chứ?
Đúng là giọng của tên Dậu ghẻ.
Lão Tể quát lên giận dữ:
- Sao mà không được! Ngại gì kia chứ? Tao cột chặt như thế có tài thánh nó cũng không tự cởi trói lấy được. Vả lại, tụi mình chỉ ra chỗ kia chút xíu thôi mà, lâu lắc gì. Mày chỉ được cái lo "bò trắng răng" hoài! Hộ tao một tay na cái này ra xuồng đi. Lẹ lên!
Có tiếng giày bước đi sột soạt rồi là tiếng cửa đóng sập lại. Hai tên gian đã ra khỏi nhà kho. Tôi thò đầu ra mép vách ngó theo. Đỗ-văn-Tể và Dậu ghẻ đang khệ nệ khiêng bộ máy ca-nô tiến ra bờ hồ, chỗ xuồng đậu.
Ông Bình-Be và Trí đã đứng sát sau lưng tôi từ lúc nào. Cả hai cũng ngóng cổ nhìn theo lão Đỗ-Tể, Dậu ghẻ đang lúi húi đặt bộ máy vào trong chiếc xuồng.
Trí khẽ nói nhanh:
- Tụi gian chưa chắc về ngay đâu. Nhất định nhỏ Khiết bị cầm tù trong nhà này rồi. Chúng mình phải làm gấp đi.
Tiếng ông Bình-Be:
- Chiêm! Chạy ra mở thử cái cửa kia coi!
Tuy sợ nhưng tôi vẫn làm theo lời vua hề. Nắm quả đấm sứ tôi xoay thật mạnh. Cứng ngắc! Cánh cửa đã khóa bên trong!
Ông Bình-Be tặc lưỡi:
- Rắc rối thật! Đi cửa lối đằng trước thì lộ mất. Tụi cướp sẽ trông thấy chúng mình ngay.
Bỗng Trí khẽ reo:
- Kìa! Cái cửa sổ vẫn để mở kìa!
Tôi đưa mắt nhìn ra, chẳng thấy cửa sổ nào hết.
Còn đang ngơ ngác, đã nghe Trí nghiến răng:
- Trên kia kìa! Ông "tướng"!
Thì ra ô cửa sổ đó ở trên tầng gác. Trông hình dáng giống như một cái lỗ thông hơi vừa để làm cửa sổ hứng gió mát. Có lẽ vì thế nên bao giờ cái "cửa sổ" đó cũng... để mở.
Ông vua hề chép miệng:
- Trời đất! Cửa sổ bé tí xíu thế kia tôi làm sao lọt vô được?
Tôi buột miệng:
- Cháu nhỏ người chắc "dô" được. Kiếm cái gì làm thang đi bác!
Dứt lời tôi mới giật mình. Nhưng rút lại lời nói là một điều không tốt. Má tôi thường dạy tôi như vậy.
Ông Bình-Be nắm hai cổ tay và bảo tôi nhún chân nhẩy nhẹ một cái... Trong chớp mắt, tôi đã đứng ngất nghểu trên vai ông. Vua hề chắc đã nhiều lần luyện tập cái trò công kênh này khi còn ở trong đoàn xiếc.
Chưa đầy phút sau, hai tay tôi đã bám chặt vào bậu cửa sổ trên tầng gác. Và trong nháy mắt, tôi đã lọt vào trong... một phòng tắm không có cửa. Bốn bên chỉ quây bằng vải ni- lông. Một tiếng "bịch" khẽ vang phía sau lưng khiến tôi giật nẩy mình, quay ngoắt lại: tờ nhật báo Chuông Vàng thằng Bình đưa cho, tôi vẫn đút túi quần sau, rớt ra nằm chình ình trên sàn gác. Tôi lượm lẹ lên nhét vào như cũ. Để lại dấu vết trên những chỗ đã đi qua là một khuyết điểm mà nhân viên hãng thám tử CT2 không bao giờ được phép mắc phải.
Lẹ chân, tôi bước ra khỏi phòng tắm. Bên trong rộng rãi thoáng đãng. Việc tìm hướng đi không mấy khó khăn. Chỉ mấy bước chân, tôi đã đứng ngay đầu một chiếc cầu thang dẫn xuống nhà dưới. Nhẩy hai bậc một, im như ru nhờ đôi giầy vải đế cao su; chớp mắt đã xuống tầng dưới. Tôi đưa mắt tìm khuôn cửa ra vào ăn thông ra phía sau nhà. Đưa tay định mở cho ông Bình-Be và Trí, cánh cửa khóa cứng ngắc. Lại thêm hai chiếc khóa to đen trùi trũi. Hết đường! Chắc tên Tể hay Dậu ghẻ để chìa khóa trong túi mất rồi. Quay ra phía cửa sổ gian nhà bếp: cánh cửa bị ngấm nước mưa hở to, lấp cả khe, không thể nào đẩy ra được.
Chạy lên cầu thang, tôi nghiêng người ra ngoài khuôn cửa sổ "lỗ thông hơi", để tay che miệng khẽ gọi:
- Suỵt! Suỵt! Ông Bình-Be!
Và trình bày vắn tắt tình hình phòng tuyến bên địch.
Ông hề hỏi nhanh:
- Có thấy nhỏ Khiết trên đó không?
- Chưa có thì giờ đi kiếm!
Trí lập tức nhẩy lên vai ông Bình-Be, bước nhẹ lên mái tôn, bám chặt thành cửa sổ trèo vào. Liếc nhìn xuống, tôi thấy rõ ràng nét mặt băn khoăn của người nghĩa bộc. Và tôi đoán ông ta đang khổ tâm vì ý nghĩ: Lo quá! Càng cố tránh cho hai thằng nhỏ này mọi điều rắc rối thì tình thế lại càng xô mình tới chỗ phải đẩy chúng vào toàn động sói hang hùm. Tiếng nói ông hề hơi run:
- Hai cháu lẹ lên nghe! Để tôi theo dõi hai thằng cướp kia cho!
Trí khẽ nói:
- Tìm Khiết cái đã! Mau đi, Chiêm!
Bây giờ có Trí bên cạnh, tôi vững bụng đưa mắt quan sát tầng gác. Có tới ba cánh cửa ăn thông ra cầu thang. Hai cánh cửa mở toang hoác. Bên trong, phòng trống không. Cánh cửa thứ ba đóng im ỉm.
Trí khẽ gọi:
- Khiết! Khiết ơi! Trí và Chiêm này! Khiết ơi! Khiết!
Dứt tiếng gọi, anh lắng tai nghe ngóng. Đúng lúc đó, tôi nghe rõ ràng có tiếng rên rỉ từ phía sau cánh cửa đóng.
- Trí! Đây rồi! Mà làm sao mở được cánh cửa đó!
Nhẩy nhẹ một cái, Trí đã tiến sát ô cửa, đưa tay quơ nhanh lên vách ván. Chiếc chìa khóa tụi Đồ-Tể treo trên một cái đinh trên cao đã nằm gọn trong tay anh.
"Cách" một tiếng, quả đấm xoay mạnh, cánh cửa bật ra.
@by txiuqw4