sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1: Vào Tập

Đón tết Tân Mùi 1991 ờ miễn Xibêri giá lạnh 1, tôi bỗng thấy thời gian trôi quá nhanh, và thấy rằng nên bắt tay ngay vào một việc cần thiết là viết cuốn sách này.

Tại sao tôi cho đó là cần thiết? Và cần thiết cho ai: Đối với bạn đọc thì hình như không hẳn là như thế. Chỉ có những người từng gặp tôi và đọc những điều tôi viết mới có thể cùng chung nhịp đập con tim trước những hình ảnh và chi tiết mà tôi sẽ cố gắng ghi chép. Còn đối với những ai "ngoài cuộc", thì cứ xem đó đơn giản như việc tiếp xúc với một người từng hiểu biết và từng yêu mến Việt Nam. Nhưng đàng nào tôi cũng không dám khẳng định rằng cuốn sách này cần thiết cho bạn đọc.

Còn nếu nói cần thiết cho tôi thì đúng. Đã lâu tôi muốn trút xuống giấy trắng những điều day dứt trong tâm trí tôi với một niềm tin mỏng manh: khi viết xong tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Đặc biệt, qua những vụ việc mới đây, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam và Liên Xô, mà nhiều người không tán thành những điều tôi nói và làm- thì càng thôi thúc tôi viết. Không chờ đợi rằng sẽ có nhỉều người hiểu tôi hơn. Có lẽ nhiều khả năng nhất sẽ xẩy ra: ai đã chán tôi một thì sẽ chán tôi mười! Nhưng đồng thời ai đã hiểu tôi một thì - tôi rất hi vọng -cũng sẽ hiểu tôi mười vậy!

Từ sự hi vọng tận đáy lòng mình, tôi tin tưởng rằng, điều gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến với trái tim. Trái tim tôi đang phơi bầy trên trang giấy trắng này. Đó là những nỗi niềm về những người Việt Nam mà tôi đã từng được gặp.

Nhưng tôi rất lúng túng khi lấy gì làm cơ sở chọn lựa? Bởi vì trong khoảng thời gian gần một phần tư thế kỷ tôi đã gặp và đã nhớ rất nhiều người. Ngoài việc chọn lựa, điều còn làm tôi phân vân là hình thức viết: nên thể hiện những mẩu chuyện riêng rẽ hay viết như một cuốn truyện thống nhất chăng?

Bỗng có hai điều làm tôi rất thú vị (Đó vốn là qui luật hay xẩy ra với tôi là hễ đang tìm tòi, suy nghĩ cái gì thì vô tình gặp những điều khác lại gợi ý cho mình một cách kịp thời và chính xác lạ thường).

Cho nên tôi rất vui khi đọc một tạp chí khoa học Mỹ tả một khám phá thú vị của các nhà tâm lý học. Họ nghiên cứu phản ứng của con ngươi mắt. Hóa ra khi con người thu nhận một thông tin hay cảm nhận một hình ảnh gì đó thì phản ứng đầu tiên và chính xác nhất là ở con ngươi trong mắt. Nếu thích (mà họ gọi là phản ứng "cộng") thì con ngươi rộng ra, nếu không thích (phản ứng "trừ ‘) trù nó hẹp lại. Thú vị ở chỗ nhiều người thường quả quyết rằng rất thích cái gì đó hay yêu mến một người nào đó v.v... nhưng khi kiểm tra với máy phân tích phản ứng của mắt thì kết quả lại ngược lại. Sự kích thích ở đây rất đơn giản cho người được thí nghiệm đọc hay nghe bất cứ từ ngữ gì thì lập tức có phản ứng ở mắt biểu lộ rõ thích hay không thích.

Các nhà phát minh cho rằng khám phá này trong khoa học thì rất hay, nhưng trong đời thường thì nguy hiểm. Các tác giả bài báo đã dẫn ra vài trường hợp đáng buồn khi những cặp vợ chồng, bạn bè, hàng xóm thân thuộc v.v. tưởng là thích nhau, nhưng khi kiểm tra qua thí nghiệm, thì con ngươi trong mắt đã hẹp lại một cách rõ rệt.

Các tác giả không viết hết, nhưng ta có thể giả thiết là có cả các trường hợp ngược lại: người ta từng "tuyên chiến" với nhau song hóa ra có thái độ yêu mến lẫn cảm thông nhau.

Thế trở lại trường hợp của tôi thì sao? Tôi sẽ thu thập trong hồi ký này chỉ những người mà con ngươi mắt tôi có phản ứng "mờ rộng" mỗi khi gặp họ, nghĩ đến họ hay chỉ đơn giản nghe ai đó nhắc đến họ. Ngay những người tưởng là bị tôi phê phán hay chế riêu, nhưng trên thực tế, nếu nhìn vào mắt tôi, các bạn chỉ sẽ thấy tình cảm trìu mến.

Điều thứ hai làm cho tôi vui mừng và cũng bất ngờ đó là cuốn Alfabét của Urban vừa xuất bản ở Vácsava và làm chấn động dư luận Balan. Urban là một nhà báo chuyên viết cho mục văn hóa nghệ thuật trên báo chí Vácsava. Tác phẩm mới này của ông là tập hồi ký soạn theo thứ tự ABC, gồm những nhận xét ngắn về các văn nghệ sĩ Balan mà ông từng quen. Song mục đích của ông không phải là soạn một cuốn bách khoa toàn thư về nghệ thuật, mà chỉ là viết về những ai và những gì ông đã gặp. Như thế ngay từ đầu độc giả không nên hi vọng nhận được một bức tranh toàn cảnh khách quan, mà ngược lại, phải chấp nhận một luồng ghi chép đầy thiên vị, đôi khi có mặc cảm, thành kiến... Rất nhiều người chê quyển sách ấy là quá khích. Song những lời buộc tội này đã không làm giảm bớt mà chỉ tăng thêm sự xôn xao đối với nó.

Còn tôi - tôi không dám hi vọng ở một sự đón nhận táo bạo như thế đối với hồi ký của tôi. Trước hết là vì Urban có tài nhận xét sự việc và có ngòi bút mô tả các sự việc đó mà tôi không sánh nổi. Tôi chỉ dám mượn ở ông nguyên tắc viết mà thôi- về những người tôi đã gặp và những điều tôi đã nhớ.

Một điều nữa xin lưu ý: tôi viết về những người thuộc một dân tộc khác, bằng thứ tiếng khác mà đối với tôi là ngoại ngữ, nên càng dễ có nhiều thiếu sót hơn nữa. Song giống như bạn đồng nghiệp Ba lan đó, tôi cũng có thể tuyên bố rất chân thực: không biết ai sẽ hài lòng hơn ai khi được nhắc đến hay không được nhắc đến trong cuốn sách này.

° ° °

"Vạn sự khởi đầu nan" - tôi cũng đã rơi ngay vào tình thế đó. Và cũng như mọi người bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn bỡ ngỡ, đều hướng về một hình ảnh linh thiêng nhất - người Mẹ- tôi cũng sẽ mờ đầu cho trang sách này về người Mẹ với tất cả sự thiêng liêng của nó.

IRINA ZISMAN

--------------------------------

1 Thường thường vào dịp Tết Nguyên Đán, các phóng viên Ban Việt ngữ Đài phát thanh Mátcơva đều về các nơi hẻo lánh ở Liên Xô cùng đón Tết với công nhân Việt Nam. Độc giả Liên Xô và Việt Nam đã từng hoan nghênh bài "Tết trong ốp" của Irina đăng trên báo "Đại Đoàn Kết" ( Việt Nam) và "Sự Thật Thanh Niên" (Liên Xô) vào mùa xuân 1988 là bài báo đầu tiên nói rõ về chính sách "đem con bỏ chợ" của phía Việt Nam, và thái độ lộng quyền, bóc lột thậm tệ từ phía Liên Xô ("ốp" là ký túc xá, tiếng lóng của người Việt ở Liên Xô)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx