sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13: Phan Nhật Nam

Trường hợp nhà văn Phan Nhật Nam, theo tôi cũng là một khả năng hợp tác bị bỏ phí một cách tàn nhẫn 1. Tôi đến tìm anh cách đây hơn một năm, sau khi anh từ trại "cải tạo" trở về. Người ta nói rằng gia đình anh đã đi Mỹ, và anh cũng sắp đi, nên tôi càng vội vã tìm gặp. Đó là một điều thường xẩy ra với tôi là đi tìm làm quen với một ai đó theo linh cảm hơn là theo lý trí. Nghe những mảnh tin lẻ tẻ ở đâu đó, chưa biết gì cụ thể, nhưng trong tôi bỗng có hình thành một ấn tượng vững vàng "nên gặp," chỉ có vậy thôi.

Rồi một điều lạ xẩy ra. Thực ra ở bạn đọc nào đã tâm đắc với cách nhìn nhận những dấu hiệu thầm hay những "điềm" kín trên đời, những trùng hợp vô tình mà có ý nghĩa v.v. như tôi đã quen nhìn sự việc thì sẽ không thấy có gì lạ, nhưng nếu bình thường thì vẫn là lạ. Tóm lại, sau mấy hôm tìm kiếm, cuối cùng khi tôi tới nhà anh, thì anh đã tiếp tôi trong tình trạng vừa bị gẫy chân đang bó bột. Hỏi thăm tại sao, anh lúng túng kế lại rằng: tự nhiên mấy hôm trước đó (mà cũng là vào ngày đầu tiên tôi được nghe về anh, và gây ra ý muốn tìm anh) tự nhiên anh có một động tác lạ: Đang chuẩn bị ra đường, anh phải xuống cầu thang - nhà anh trên lầu - song anh lại... nhẩy qua cửa sổ.

Hỏi tại sao? Anh cười, trả lời rằng: anh vốn là "sĩ quan nhẩy dù", nên muốn "thử xem có còn khả năng ấy không." Hỏi rằng: khi đó anh định đi đâu? Trả lời rằng không biết định đi đâu, nhưng có cảm giác nên chuồn nhanh để thoát kịp. Bạn cùng đi với tôi chắc hiểu rằng trong anh luôn có ám ảnh về nguy cơ bị bắt lại, nhưng tôi thì tôi biết ngay là anh định "thoát" khỏi cái gì....

Dù thế nào đi nữa, chân anh đã bị gẫy, và muốn hay không, anh phải ngồi tiếp tôi. Đầu tiên anh hỏi tôi đánh giá thế nào các tác phẩm của anh, và có vẻ rất thích thú khi nghe tôi trả lời rằng chưa được đọc tác phẩm nào cả. Có lẽ anh thấy nhẹ nhõm bởi không cần nói chuyện văn học hay chính trị cao siêu, mà chỉ nói chuyện đời thường. Nhưng sự nhẹ nhõm như thế thật quá chủ quan, bởi vì tôi vẫn dễ đàng lái được câu chuyện vào một hướng nặng nề, nặng nề với anh và nặng nề với tôi.

Nhưng trước hết, tôi xin kể với các bạn một chuyện: Cách đây khoảng chục năm, trong giới "thần bí học" Mạc Tư Khoa (mà chồng tôi hồi ấy là một trong những thủ lĩnh của họ) được biết về Anđrêev, một nhà trí thức Nga thuộc thế hệ già. ông vừa cho công bố nhật ký mà ông đã viết sau một thời gian bị giam tù. Thực ra nói "nhật ký" thì chưa chính xác, đúng hơn đó là một tác phẩm lý luận mà nội dung đó đã đến với ông trong hoàn cảnh rất độc đáo. Khi bị tra tấn (để "khai" những chuyện giả tạo do KGB nặn ra) ông đã có cách ra lệnh cho phần hồn của ông tựa như lìa khỏi cơ thể bay đi đâu đó, để không cảm thấy đau. Trong những giờ phút ấy mà bề ngoài trông ông như bị ngất đi, trong tâm trí ông lại hiện lên những hình ảnh, những thông số và sự kiện huyền bí. Lập đi lập lại vô số rân, ông mới hiểu đó là "bức tranh toàn cảnh thần thánh" về cấu tạo thế giới. ông đã cố gắng nhớ lấy nó, và nhiều năm sau, khi được phóng thích, ông đã ghi chép lại thành sách. Khi nghe chồng tôi kể chuyện này, tôi rất muốn tìm đọc, nhưng chúng tôi không kiếm nổi, bởi vì không in số lượng lớn, chỉ biết cuốn đó có đầu đề Bông Hồng Trần Gian, và nói về những bí ẩn của Thượng đế...

Nghe câu chuyện nặng nề của Phan Nhật Nam hôm đó, tôi bỗng cảm thấy run: anh kể rằng lúc anh bị tra tấn, anh cảm thấy đau quá, và khi suýt bị ngất, anh thường cảm thấy như tâm trí mình tách khỏi thân thể mà bay đi đâu đó để gặp gỡ những hình ảnh lạ, ngắm những cảnh tuyệt vời. Lập lại nhiều lần, vẫn những cảnh ấy mà anh được biết rõ đó là những cơ bản thuộc "chân lý thiêng liêng" về cấu tạo thế gian. Nghe câu chuyện này, chính tôi cảm thấy như sắp bị ngất, và chỉ hỏi anh một câu nhẹ nhàng: "Thế thì anh cảm thấy cấu tạo thế gian giống cái gì?" Anh nhăn mày một lúc, trả lời: "Giống hơn cả là một bông hồng khổng lồ."

Đến nay tôi vẫn chưa có câu trả lời tại sao có sự trùng hợp như thế. những cuộc tra tấn của cộng sản đưa lại cho con người khả năng hiểu thấu những công việc thầm kín của Thượng đế. Nói cho công bằng tôi không quan tâm đến câu trả lời, tôi quan tâm điều khác: tôi có thể làm gì, nói rộng ra đất nước tôi có thể làm gì để "rửa tội" cộng sản trước loài người?

Buổi đó, tôi chưa nói được gì với anh, chỉ nghe và hẹn những lần gặp sau. Anh vội vàng giải thích là sẽ phải đi nằm viện mấy ngày cho lành chân. Cho nên đợt sang Việt Nam lần đó chỉ có thế thôi.

Lần sau tôi đi Việt Nam chỉ một tháng sau, và chuyến đi đó rất bất ngờ đối với cả tôi. Tự đáy lòng tôi cầu mong anh chưa kịp đi Mỹ, và tôi sẽ lại gặp anh. Tôi còn chuẩn bị cả một bài "diễn thuyết" hùng hồn về vấn đề vốn làm tôi rất bức bối: nếu những người "hay nhất" cứ ra đi, thì rõ ràng để lại đất nước cho toàn là những người dở nhất", làm sao lương tâm người Việt Nam chấp nhận điều đó? Tôi vẫn nghĩ về việc này qua thí dụ của Liên Xô: tất nhiên mỗi gia đình ra đi là có hoàn cảnh và số phận riêng, nhưng nhìn chung, sau từng đợt ra đi như thế, dân tộc bị thiệt hại không lường được.

Ngoài bài "diễn thuyết" đó, tôi còn chuẩn bị biếu anh một hộp sôkôla to và rất đẹp, và đó là lý do tại sao mới đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn nóng bức (mà những phòng khách sạn tôi ở thường không có tủ lạnh để bảo quản sôkôla) vậy là tôi tìm gặp anh ngay. Tôi đến nhà anh như thế là hoàn toàn bất ngờ, nên anh không lập lại được bước nhẩy qua cửa sổ nữa - chắc là tinh thần cảnh giác bị "lơ là". Tôi đưa cho anh hộp sôkôla, và rất đỗi ngạc nhiên, khi anh cũng có quà cho tôi. Anh nói: "Tôi không bao giờ tặng ai cái gì, song sáng nay có người bán lược sừng rất đẹp, tự nhiên tôi mua biếu chị, mặc dù chưa biết khi nào chị lại sang."

Điều gì thú vị nhất, đố các bạn? - Là dòng chữ khắc trên lược, trước khi biết tôi sang "To Irina," và tôi rất cảm động bởi thế thì anh giàu linh cảm quá. Và tôi còn có thể cảm động hơn nữa, nếu như không biết phong tục Nga: tặng lược là biểu hiệu sự chia tay vĩnh viễn...

Người bạn cùng đi với tôi, chắc cũng có dịp đánh giá linh cảm lạ thường của anh Nam ở chỗ khi tới Việt Nam lần ấy, vừa đặt chân xuống phi trường, lập tức tôi phàn nàn với bạn là quên lược ở nhà, và phải mua ngay cái mới.

Cảm động về chuyện lược, tôi liền kể cho anh nghe về cuốn sách của Andrêev, mà đến đó tôi đã mượn đọc ở bạn bè. Anh cũng rất xúc động và liền cho biết rằng anh đã quyết định ở lại Việt Nam, không đi Mỹ nữa. Đã có một mảnh vườn nhỏ (hình như ở Bà Rịa thì phải) và anh sẽ sống ở đó. Và một điều khó tin nhất là anh đã mời tôi xuống đó chơi mấy hôm. Và một điều dĩ nhiên nhất - tôi vừa đi khỏi là anh đã tỉnh lại.

Hôm sau anh viết cho tôi một lá thư "cáo lỗi" không đi được, và nói chung trong thư có nhiều lời đẹp làm dịu lòng tôi. Anh gọi tôi (xin trích nguyên văn) là "người bạn Nga rất đáng mến và đáng kính bởi lòng người, tính trong sáng của một dân tộc vĩ đại" Và đã kêu gọi tôi "hãy khoan hòa và rộng rãi như bát ngát đất Nga." Đọc thư tôi cảm thấy nhức nhối, song tôi không nỡ theo đuổi anh nữa. Tôi vẫn nhớ rằng anh bắt đầu nhẩy từ trên cao mà không có dù - thật liều mạng! Nên cũng phải tôn trọng ý định của anh muốn "thoát". Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy tiếc làm sao!

Tác phẩm Bông Hồng Trần Gian của Andrêev vẫn được in ở Liên Xô. Một cuốn rất đẹp, dầy và đắt tiền. Khách mua thường chỉ giở mấy trang đầu thôi, đã không muốn mua: chữ bé tí, nội dung lại quá cao siêu. Còn những ai quan tâm đến nội dung như thế thì... thiếu.

--------------------------------

1 Phan Nhật Nam sinh năm 1943, là một nhà văn quân đội Sàigòn cũ. Nổi danh sau chiến dịch đường 9 Hạ Lào (Với những tác phẩm viết về chiến tranh của anh như Dấu binh lửa, Mùa hè đỏ lửa, Tù binh và Hoà bình v.v.. đã được người đọc biết đến như "một nhà văn bụi đời và phòng trần" nhất trước 1975


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx