sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Chánh Khách Trung Quốc Về Phía Người Quốc Gia - Phe Bạch Đạo, Tượng Trưng Cho Các Đoàn Thể Và Nhơn Vật Phía Người Quốc Gia

Trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, Triêu Dương Thần Giáo đã được Kim Dung dùng đểbiểu tượng cho Đảng Trung Cộng thì phe bạch đạo đối đầu lại giáo phái này dĩ nhiên là tiêu biểu cho các đoàn thể và nhơn vật về phía người quốc gia.

Phe bạch đạo rất thù ghét Triêu Dương Thần Giáo mà họ gọi là Ma Giáo. Sự thù ghét này phát xuất từ chỗ Triêu Dương Thần Giáo muốn bắt tất cả giới võ lâm thần phục mình và thẳng tay đối phó với mọi môn phái võ lâm khác, thành ra đã gây những cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bên. Phe bạch đạo nhiệt liệt tố cáo Triêu Dương Thần Giáo là có chủ trương và hành động trái đạo lý, lại luyện tập những công phu tàn độc, đồng thời áp dụng những phương pháp quái ác để đạt mục tiêu theo nguyên tắc: cứu cánh biện minh cho phương tiện. Bởi đó, phe bạch đạo đã chánh thức theo lập trường bảo vệ đạo lý và tình trạng đương hữu. Người của phe này thường kết án người của Ma Giáo là tà ngụy bất nhân, và có những chủ trương đi ngược lại nhơn tánh. Vậy, công khai hay mặc nhiên, người của phe bạch đạo tự xem là những kẻ bảo vệ đạo lý và tình trạng đương hữu. Họ cho là họ theo đúng chánh nghĩa và có những chủ trương thuận theo nhơn tánh.

Sự đối chọi nhau giữa Triêu Dương Thần Giáo và phe bạch đạo đã được Kim Dung dùng để biểu tượng cho sự xung khắc nhau giữa người cộng sản và người quốc gia ở Trung Quốc cũng như ở các nước khác trên thế giới hiện tại. Phe Cộng Sản chủ trương làm cách mạng, hủy diệt cả xã hội cũ để thực hiện chế độ cộng tản trên toàn thế giới. Phe Quốc Gia chống lại Cộng Sản vì Cộng Sản gây hấn và không dung nạp họ. Để chống lại phe Cộng Sản, phe Quốc Gia đã binh vực nền văn hóa và chế độ chánh trị xã hội đương hữu và công khai hay mặc nhiên tự xem mình là kẻ bảo vệ đạo lý cùng quan niệm sống bình thường của dân tộc mình.

Trong khi Triêu Dương Thầm Giáo tượng trưng cho Đảng Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế có một tổ chức thống nhất và chặt chẽ thì phe bạch đạo tượng trưng cho phe Quốc Gia ở các nước lại bi nạn phân hoá trầm trọng với sự đồng thời hiện diện của nhiều cá nhơn và đoàn thể khác nhau; bên trong một số đoàn thể lại còn có sự xung đột trầm trọng.

Trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, ta thấy có nhiều cá nhơn và đoàn thể được liệt vào phe bạch đạo. Về phía các đoàn thể, trước hết là hai tổ chức tôn giáo nổi tiếng về cả hai mặt đạo đức và võ thuật là phái Thiếu Lâm theo Phật Giáo và phái Võ Đương theo Đạo Giáo. Kế đó là các phái chuyên về kiếm pháp được gọi chung là Ngũ Nhạc Kiếm Phái và gồm có năm phái đặt căn cứ ở năm hòn núi lớn là Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn và Hằng Sơn. Sau nữa, là các phái nhỏ yếu hơn và ít danh tiếng hơn. Trong số này, chỉ có phái Thanh Thành là có một vai tuồng tích cực, còn các phái khác chỉ được Kim Dung nhắc qua mà thôi.

Sự hiện diện của nhiều đoàn thể trong phe bạch đạo đã được Kim Dung dùng để ám chỉ tình trạng chung của phe Quốc Gia ở các nước, kể cả Trung Quốc. Nói chung thì ở các nước chưa bị Cộng Sản chế ngự đều có nhiều đoàn thể chống lại Cộng Sản, nhưng họ thuộc nhiều loại khác nhau và không thể hợp nhất với nhau. Các chánh đảng gọi là Quốc Gia thường có nguồn gốc, thành phần đảng viên và lập trường khác nhau. Ngoài ra, lại còn có những đoàn thể áp lực như tổ chức tôn giáo, nghiệp đoàn v.v… Ta cũng có thể nhận thấy rằng trong phe Quốc Gia, còn có những nhơn vật nhiều khả năng và có chủ trương chống lại Cộng Sản, nhưng không chịu tham gia đoàn thể nào mà chỉ lấy danh nghĩa cá nhơn để hoạt động.

Một điều đặc biệt đảng lưu ý là trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ Cái Bang có được nói đến và đứng về phe bạch đạo, vì Bang Chủ Cái Sang là Giải Phong đã đến chùa Thiểu Lâm để giúp môn phái này chống chọi lại đám người chịu ảnh hưởng Triêu Dương Thần Giáo theo Lịnh Hồ Xung đến để giải thoát Nhậm Doanh Doanh. Tuy nhiên nói chung thì trong tác phẩm này, Cái Bang đã không có vai tuồng tích cực như trong các bộ truyện võ hiệp khác của Kim Dung. Điều này xác nhận thêm dụng ý của Kim Dung là dùng các môn phái thuộc phe bạch đạo để ám chỉ các đoàn thể quốc gia chống Cộng Sản. Phần Cái Bang thì đoàn viên vốn là những người ăn mày, tức là người vô sản. Do đó, tổ chức này chỉ có thể dùng để tượng trưng cho một đoàn thể thiên tả và có chung ý thức hệ với người cộng sản. Kim Dung bắt buộc phải đặt Cái Bang trong hàng ngũ bạch đạo, nhưng không thể đề cho nó tích cực chống lại Triêu Dương Thần Giáo tượng trưng cho Đảng Cộng Sản. Vi thế, ông phải đặt nhẹ vai tuồng của Cái Bang trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ.

Vì mỗi đoàn thể thuộc phe bạch đạo đều có nguồn gốc, thành phần và lập trường khác nhau nên chánh sách của họ cũng không giống nhau. Hai phái Thiếu Lâm và Võ Đương bình thường chỉ lo việc tu hành và không có tham vọng lãnh đạo giới võ lâm. Họ chỉ can thiệp vào việc đời khi thấy cần phải cứu giúp những người bi hiếp đáp. Mặt khác, không những chống lại Triêu Dương Thần Giáo, họ cũng không tán thành chủ trương thống nhứt giang hồ của phe bạch đạo. Trong khi đó, một số môn phái có chủ trương tích cực tham dự vào các việc liên hệ đến võ lâm, có môn phái còn nuôi tham vọng thống nhứt cả võ lâm và bắt mọi đoàn thể kể cả hai phái Thiếu Lâm và Võ Đương, phải thần phục họ.

Chúng ta có thể so sánh các môn phái có chủ trương tích cực tham dự vào các việc liên hệ đến võ lâm với các chánh đảng vẫn được thành lập để tranh thủ và sử dụng chánh quyền. Các môn phái âm mưu thống nhứt giới võ lâm là tượng trưng cho các chánh đảng theo xu hướng chuyên chế muốn giành độc quyền lãnh đạo quốc gia và có xu hướng hủy diệt các đoàn thể khác, hoặc bắt các đoàn thể khác phải giải tán và gia nhập hàng ngũ của mình, hay ít nhất cũng đứng vào một mặt trận do mình lãnh đạo và chấp nhận sự điều khiền của mình. Về hai phái Thiếu Lâm và Võ Đương, nó có thể so sánh với các đoàn thể áp lực tổ chức chặt chẽ và có thể lực lớn, nhưng không tham dự trực tiếp vào sự hoạt động chánh trị, tức là sự hoạt động để tranh thủ và sử dụng chánh quyền. Các đoàn thể này chỉ lo bảo vệ một số quyền lợi hoặc một giới người nhứt định trong xã hội. Họ chống lại chánh sách chuyên chế nói chung nên không phải chỉ xem Cộng Sản là kẽ địch mà còn phải đối phó lại các chánh đảng quốc gia có chủ trương độc tài.

Ngoài sự hiện diện của nhiều đoàn thể khác nhau, phe bạch đạo lại còn bị phân hóa vì những cuộc xung đột nội bộ của một số đoàn thể. Theo sự mô tả của Kim Dung trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, sự xung đột nội bộ này có nhiều lý do khác nhau.

– Nhẹ nhất là sự bất hòa vì tánh tình các nhà lãnh đạo không hợp nhau. Tượng trưng cho đoàn thể bị suy nhược vì sự bất hòa này là phái Hành Sơn. Chưởng Môn Nhơn của phái này là Mạc Đại Tiên Sinh với người sư đệ là Lưu Chánh Phong vốn không có thiện cảm đối với nhau. Vì Mạc Đại Tiên Sinh là người nghèo nàn trong khi Lưu Chánh Phong là người giàu có, Mạc Đại Tiên Sinh lấy cớ không muốn nhờ cậy sư đệ để từ chối không bước chân đến nhà Lưu Chánh Phong. Tuy là sư huynh sư đệ nhưng có khi hàng mấy năm, họ không gặp mặt nhau và không nói chuyện với nhau. Trong thực tế Mạc Đại Tiên Sinh không muốn gặp Lưu Chánh Phong là vì tánh nết hai người khác nhau. Cả hai đều tinh thông âm nhạc, nhưng Mạc Đại Tiên Sinh lại thích loại âm nhạc thảm sầu, trong khi Lưu Chánh Phong có tinh thần phóng khoáng hơn và khi chơi nhạc thì không phải chỉ biểu diễn một tình cảm duy nhất như sư huynh mình.

Sự bất hoà do tính tình không hợp đã làm cho các nhà lãnh đạo phái Hành Sơn không gặp gỡ nhau và do đó mà không hợp tác với nhau. Lúc Lưu Chánh Phong tuyên bố rửa tay treo kiếm, các môn phái đều cho người đến chúc mừng, riêng Mạc Đại Tiên Sinh và môn đồ ông tuyệt nhiên không tham dự. Tuy vậy, khi Lưu Chánh Phong bị cao thủ phái Tung Sơn là Phi Bân uy hiếp, Mạc Đại Tiên Sinh đã xuất hiện và giết Phi Bân. Như thế, loại bất hoà vì tính tình các nhà lãnh đạo không hợp nhau có làm cho đoàn thể suy yếu, nhưng chưa đến nỗi đưa đến sự tàn sát lẫn nhau.

– Tệ hại hơn là sự xung đột nội bộ phát xuất từ chỗ các nhà lãnh đạo tranh nhau cướp đoạt quyền chỉ huy đoàn thể.

Tiêu biểu cho các đoàn thể suy nhược vì loại xung đột này là phái Thái Sơn. Trong phái này, Chưởng môn nhơn là Thiên Môn Đạo Nhơn không được các sư thúc của mình tâm phục. Do đó, các vị sư thúc này đã âm mưu với nhau đã đưa một người trong bọn họ là Ngọc Cơ Tử lên làm Chưởng Môn Nhơn thay Thiên Môn Đạo Nhơn. Để thực hiện kế hoạch của mình, họ chẳng những đã lôi kéo một số đệ tử phái Thái Sơn theo họ mà còn ngầm liên lạc với Chưởng Môn Nhơn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền để nhờ sự giúp đỡ của ông ta. Việc tranh quyền lãnh đạo này đã làm cho Thiên Môn Đạo Nhơn thảm tử gây ra sự oán hận sâu đậm trong lòng của đệ tử ông ta đối với phe Ngọc Cơ Tử.

– Nhưng trầm trọng hơn hết là sự xung đột phát xuất từ chỗ bất đồng ý kiến về một nguyên tắc căn bản quan trọng làm nền tảng cho sự tổ chức và hoạt động của đoàn thể.

Tiêu biểu cho sự phân hoá loại này là sự xung khắc giữa hai phe Kiếm Tông và Khí Tông của phái Hoa Sơn. Phe Kiếm Tông cho rằng trong việc học kiếm pháp, điều cốt yếu là có những chiêu thức ảo diệu, trong khi phe Khí Tông lại nghĩ rằng việc tập luyện cho có một nội công thâm hậu mới là vẩn đề quan trọng bực nhứt. Vì sự bất đồng ý kiến này, hai phe của phái Hoa Sơn đã đánh nhau kịch liệt đến nỗi nhiều cao thủ bị giết chết và cả phái này phải suy vi. Phe Khí Tông đã thắng thế trong cuộc giao đấu và giành được chức vụ Chưởng Môn, nhưng phe Kiếm Tông vẫn không phục. Một số người trong phe Kiếm Tông còn sống sót sau vụ xung đột đẫm máu này như Thành Bất Ưu, Phong Bất Bình, Cao Bất Hoặc đã mưu đồ cướp lại chức Chưởng Môn này. Ngoài việc bí mật tự rèn luyện, họ còn dựa vào Chưởng Môn Nhơn phái Tung Sơn để đạt mục đích.

Sự phân hoá giữa các phái trên đây đã được Kim Dung dùng để ám chỉ sự phân hóa của các chánh đảng về phía người quốc gia, vì các chánh đảng này trong thực tế đã bi suy yếu vì những cuộc xung đột nội bộ phát xuất từ sự hiềm khích cá nhơn hay vì ý muốn tranh quyền chỉ huy giữa các nhà lãnh đạo, hoặc vì một sự bất đồng ý kiến có tính cách ý thức hệ. Trường hợp sau này đã xảy ra khi những người trong một chánh đảng đều theo một chủ nghĩa như nhau, nhưng lại có những quan điểm khác nhau trong việc giải thích chủ nghĩa ấy hoặc trong việc áp dụng nó ra các hoạt động của đoàn thể mình để tranh thủ và sử dụng chánh quyền.

Theo dõi các quyết định và hành động của các phái trong phe bạch đạo được Kim Dung mô tả trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, chúng ta có thể phân biệt họ làm hai loại: một số trong đó đã thành thật làm đúng theo những điều mình chánh thức chủ trương, một số khác lại nói một đường, làm một nẻo.

Trong các đoàn thể thành thật làm đúng theo những điều mình chánh thức chủ trương, phải kể các phái Thiếu Lâm và Võ Đương. Các nhà lãnh đạo hai phái này lúc nào cũng có một lập trường đứng đắn và đã tỏ ra là những bực tu hành đắc đạo lúc nào cũng hòa nhã và có tinh thần cởi mở khoan dung. Tuy cũng có quyết tâm diệt trừ Triêu Dương Thần Giáo mà họ xem là Ma Giáo gieo đại họa cho võ lâm, và cũng sẵn sàng dùng mưu kế để đối phó với tổ chức đối địch này, họ không nghĩ đến việc phục vụ quyền lợi cá nhơn hay đoàn thể của mình mà chỉ hướng đến việc phục vụ quyền lợi chung. Họ cũng sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù và không nghĩ đến việc báo oán.

Ngoài hai đoàn thể lớn trên đây, về phía các đoàn thể thành thật theo chánh đạo như mình công khai chủ trương, lại còn có phái Hằng Sơn là một trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Đệ tử của phái này là những vị nữ ni, nhưng lại có một tinh thần rất đặc biệt. Vì là phụ nữ họ có bản tánh hiền hòa, không sát phạt. Võ công cá nhơn của họ cũng không cao siêu lắm so với đệ tử các môn phái khác. Tuy nhiên, họ cũng có quyết tâm không kém ai trong việc bảo vệ danh dự của môn phái và phục vụ chánh nghĩa. Mặt khác, họ có tình thân thiết đối với nhau và thường nhường nhịn nhau chớ không tranh giành với nhau. Họ được luyện tập để tranh đấu chung nhau với một thế kiếm liên hoàn lập thành kiếm trận. Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và kỹ thuật tranh đấu tập thể này, nhiều khi họ đã chế ngự được những kẻ địch giỏi hơn và mạnh hơn.

Về phần các Sư Thái lãnh đạo phái Hằng Sơn thì trừ người Chưởng Môn Nhơn là Đinh Nhàn có hình cách từ hòa, còn các vị khác như Định Tĩnh, Định Dật đều là những người nóng nảy. Nhưng tất cả đều rất thẳng thắn. Họ đã cương quyết phục vụ cái mà họ xem là chánh nghĩa, nhưng cũng có sự suy xét để có thái độ hợp lý.

Khi biết rằng Lịnh Hồ Xung đã có công giúp phái Hằng Sơn khỏi bị phái Tung Sơn tiêu diệt, mà Nhậm Doanh Doanh là người yêu Lịnh Hồ Xung đang bi giam giữ ở chùa Thiếu Lâm, hai vị Sư Thái Định Nhàn và Định Dật đã tình nguyện đến chùa này để xin các nhà lãnh đạo Thiếu Lâm tha cho Nhậm Doanh Doanh. Lúc sắp chết, Định Nhàn Sư Thái đã khẩn khoản nài nỉ Lịnh Hồ Xung để truyền ngôi Chưởng Môn Nhơn cho ông này, mặc dầu phái Hằng Sơn lúc ấy chỉ gồm những nữ ni, vì biết rằng trong các đệ tử của mình, không có ai đủ khả năng lãnh đạo môn phái mình trong lúc giới giang hồ đang nổi sóng. Những điều trên đây cho thấy rằng Định Nhàn Sư Thái là người khoáng đạt, biết tùng quyền chớ không phải câu chấp, cố bám lấy các qui tắc lỗi thời.

Ta có thể nghĩ rằng Kim Dung đã dùng các môn phái Thiếu Lâm, Võ Đương và Hằng Sơn đề biểu tượng cho các đoàn thể theo lý tưởng dân chủ trong một nước theo chế độ tự do. Các nhà lãnh đạo các đoàn thể này thường có chánh sách cởi mở và tinh thần khoan dung nên chấp nhận các thay đổi cần thiết về mặt chánh trị và xã hội. Họ cũng noi theo đúng các qui tắc hoạt động của xã hội dân chủ tự do và như vậy, họ đã làm đúng theo những điều họ chánh thức chủ trương.

Bên cạnh các môn phái thành thật làm theo những điều mình chánh thức chủ trương, lại có các môn phái không làm đúng theo lập trường công khai mình đã đưa ra. Nói chung thì với tư cách là một thành phần trong phe bạch đạo, các môn phái này mạnh mẽ chống lại Triêu Dương Thần Giáo mà họ gọi là Ma Giáo. Lý do của sự chống đối này là chủ trương của các nhà lãnh đạo Ma Giáo muốn thống nhứt cả giới giang hồ, bắt buộc các đoàn thể khác phải phục tùng mình, lại theo những nguyên tắc hành động tàn độc, trái với đạo lý và ngược lại nhơn tánh. Việc chống đối Ma Giáo dĩ nhiên là phải có hình cách chánh nghĩa. Bởi đó, các môn phái thuộc phe bạch đạo đều nêu cao vấn đề đạo đức và có chủ trương làm theo lẽ phải, tức là trực tiếp hay gián tiếp có lề lối làm việc khác với Ma Giáo. Nhưng trong thực tế, một số các nhà lãnh đạo các môn phái tự xưng là thuộc phe bạch đạo lại không thật sự làm đúng theo lập trường công khai của mình. Trong các nhà lãnh đạo này, người biểu lộ thái độ rõ ràng nhất về mặt này là Tả Lãnh Thiền, Chưởng Môn Nhơn của phái Tung Sơn.

Trước hết, chúng ta có thể nhận thấy rằng phái Tung Sơn của ông tổ chức rất chặt chẽ và mở những cuộc điều tra kỹ lưỡng về các đoàn thể khác trước khi có hành động đối phó với họ. Các điều này có chỗ giống nhau với tổ chức Triêu Dương Thần Giáo mà phái Tung Sơn gọi là Ma Giáo, nhưng còn có thể xem như là những việc không trái với lập trường chung của phe bạch đạo. Đến việc nhà lãnh đạo phái Tung Sơn có một chủ trương giống hệt các nhà lãnh đạo Triêu Dương Thần Giáo là muốn thống nhứt tất cả các môn phái này dưới sự điều khiển của mình, nó đã khó có thể chấp nhận hơn. Tuy vậy điều này còn có thể biện minh được với lý do là vì Ma Giáo quá mạnh nên phe bạch đạo phải kết hợp nhau lại một cách chặt chẽ thì mới mong nắm phần thắng lợi trong cuộc tranh đấu được. Điều làm cho nhà lãnh đạo phái Tung Sơn hoàn toàn giống các nhà lãnh đạo Triêu Dương Thần Giáo bị ông gọi là Ma Giáo là chủ trương cứu cánh biện minh cho phương tiệnmà ông đã áp dụng để thực hiện mưu đồ của ông.

Chủ trương độc tài khắc nghiệt của nhà lãnh đạo phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền đã biểu lộ trong việc ông lấy danh nghĩa Minh Chủ của Ngũ Nhạc Kiếm Phái về ngăn chặn Lưu Chánh Phong không cho rửa tay treo kiếm sau khi kết bạn với một Trưởng Lão Triêu Dương Thần Giáo là Khúc Dương. Nhà lãnh đạo phái Tung Sơn đã cho người đến bắt quyến thuộc Lưu Chánh Phong và ép ông này phải tiếp tục phục vụ phe bạch đạo và chứng tỏ sự trung thành của mình bằng cách tự tay giết bạn là Khúc Dương. Vì Lưu Chánh Phong không chấp nhận việc này nên phái Tung Sơn đã sát hại hết gia quyến và môn đồ của ông. Trong dịp này, phái Tung Sơn cũng đã áp dụng một chánh sách của Triêu Dương Thần Giáo là dụ dỗ môn đồ và ngay đến đứa con Lưu Chánh Phong chịu quay lại kết án Lưu Chánh Phong để được tha cho khỏi chết, và họ đã thành công với đứa con nhỏ của Lưu Chánh Phong là Lưu Cần.

Ngoài ra. nhà lãnh đạo phái Tung Sơn còn áp dụng những thủ đoạn tàn độc không kém Triêu Dương Thần Giáo. Ông đã khai thác sự xung đột nội bộ của các phái khác bằng cách giúp phe chịu tùng phục mình lên nắm quyền hành. Mặt khác, ông đã cho đệ tử thứ ba là Lao Đức Nặc đến xin học với Nhạc Bất Quần, Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn để nằm vùng và điều tra về võ công của Nhạc Bất Quần, đồng thời dò la về hành động của phái Hoa Sơn. Ông cũng đã cho người của mình giả làm người của Triêu Dương Thần Giáo để uy hiếp hai phái Hoa Sơn và Hằng Sơn với mục đích đặt các phái này trong tình trạng phải chấp nhận tự giải tán để gia nhập một môn phái chung cho Ngũ Nhạc Kiếm Phái do ông lãnh đạo. Trong mưu đồ của mình, phái Tung Sơn đã không ngần ngại sát hại hết những người trong phe bạch đạo không chịu tùng phục mình.

Sau khi bị Nhạc Bất Quần đâm cho đui mắt để giành chức chưởng Môn Nhơn Ngũ Nhạc Kiếm Phái, nhà lãnh đạo phái Tung Sơn đã bày mưu độc giết hại hết người của các kiếm phái này, kể cả các đệ tử của chính mình. Nhưng tệ hại hơn hết là việc ông tìm mọi cách đề lấy TỊCH TÀ KIẾM PHỔ của nhà họ Lâm để bí mật luyện tập theo kiếm phổ đó với hy vọng có võ công áp đảo được mọi người hầu làm bá chủ phe bạch đạo và chiến thắng Triêu Dương Thần Giáo rồi lãnh đạo hết cả giới võ lâm. TỊCH TÀ KIẾM PHỔ của nhà họ Lâm và QUÌ HOA BẢO ĐIỂN của Triêu Dương Thần Giáo vốn cùng một gốc mà ra, và muốn luyện được công phu này, trước hết người phải tự thiến. Lúc đầu, Tả Lãnh Thiền chưa biết được điều bí mật trọng đại nhất của TỊCH TÀ KIẾM PHỔ. Nhưng sau khi cứu âm Bình Chi và được Lâm Bình Chi chỉ điểm, ông đã tự thiến để luyện theo kiếm phổ này. Vậy, ông ta đã làm y như Đông Phương Bất Bại là người lãnh đạo của một môn phái mà ông gọi là Ma Giáo.

Nếu Tả Lãnh Thiền là người đầu tiên trong giới bạch đạo đã biểu lộ ý muốn thống nhứt giang hồ, ông lại không phải là nhơn vật tranh đoạt được địa vị lãnh đạo sổ một mà ông thèm muốn. Tuy đã được bầu làm Minh Chủ của năm kiếm phái: Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn và Hằng Sơn, rồi âm mưu sáp nhập các kiếm phái ấy lại làm một với tên là Ngũ Nhạc Kiếm Phái, ông đã không đoạt được chức vụ Chưởng Môn Nhơn của kiếm phái thống nhất này. Người đã chiếm được chức vụ đó là Nhạc Bất Quần, nguyên là Chưởng Môn Nhơn của phái Hoa Sơn. Các dữ kiện liên hệ đến vấn đề này đã được dùng để ám chỉ cuộc giành quyền lãnh đạo quốc gia giữa các nhơn vật và đoàn thể không cộng sản ở Trung Quốc. Đó là một cuộc tranh đấu gay go giữa nhiều người thuộc nhiều phe phái và cuối cùng, người đã đoạt được địa vị cao nhất về phía người quốc gia để đương đầu lại phe Cộng Sản là ông Tưởng Giới Thạch. Bởi đó ta có thể nghỉ rằng Nhạc Bất Quần chính là biểu tượng của ông Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh đạo số một của phe Quốc Gia Trung Hoa.

Theo sự mô tả của Kim Dung thì Nhạc Bất Quần lúc đầu đã hiện ra như là một nhơn vật khả kính. Mặc dầu là một cao thủ võ lâm làm Chưởng Môn Nhơn của phái Hoa Sơn, ông có dáng điệu của một nhà nho hòa nhã, ngay đến lúc đấu võ với người cũng có một thái độ rất ung dung. Ông lại có lối ăn nói điềm đạm và phù hợp với đạo lý.

Đối với các đệ tử, ông tỏ ra nghiêm minh, nhưng lại có sự thân mật vui vẻ với họ chớ không cách biệt. Ông dạy họ phải thương mến nhau như người trong một nhà, tâm niệm lấy nhân nghĩa làm gốc và quên lợi riêng để phục vụ công lợi. Đối với các môn phái khác, ông chủ trương tránh sự đụng chạm và gây hiềm khích. Nói tóm lại, về cả hai mặt hình thái và tinh thần, Nhạc Bất Quần đều có phong độ của một bực chánh nhơn quân tử. Bởi đó, ông đã có ngoại hiệu là Quân Tử Kiếm và người trong giới võ lâm nói chung đều cho rằng ông xứng đáng mang ngoại hiệu này.

Tuy nhiên, Nhạc Bất Quần thật sự lại không phải là một bực chánh nhơn quân tử. Kim Dung đã kín đáo cho biết việc này từ đầu câu chuyện qua cái tên của vị cao thủ võ lâm lãnh đạo phái Hoa Sơn. Cứ theo quan niệm của Nho gia thì “quân tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng” (LUẬN NGỮ, Vệ Linh Công). Câu này có nghĩa là người quân tử có tinh thần cầu tiến nhưng không tranh đua với kẻ khác, và sẵn sàng hợp quần với kẻ khác nhưng không cùng kẻ khác kết bè kết phái. Vậy, trong sự giao thiệp với kẻ khác, hễ là người quân tử thì phải “quần” mà “bất đảng” và trái lại, kẻ “bất quần” tự nhiên là có tinh thần bè đảng thiên vị và không phải là người quân tử. Như thế, tên “Bất Quần” tự nó hàm ý là vị Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn chỉ là một “ngụy quân tử” tức là một quân tử giả hiệu. Nhưng tư cách ngụy quân tử nhơn vật này chỉ biểu lộ lần lần qua các chi tiết được Kim Dung nêu ra theo dòng diễn tiến của cốt chuyển trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ.

Đọc hết bộ truyện võ hiệp này, ta biết rằng Nhạc Bất Quần thật sự là một người hung ác và nham hiểm. Ông cũng nuôi mộng thống nhứt các môn phái bạch đạo dưới quyền ông và tiêu diệt Triêu Dương Thần Giáo để lãnh đạo tất cả giới giang hồ, và sẵn sàng làm mọi việc dầu tàn ác phi nhân để đạt mục đích. Nhưng ông kín đáo thâm trầm hơn Tả Lãnh Thiền nên đã che giấu được bản chất và ý đồ của mình, và cuối cùng đã thắng được Tã Lãnh Thiền để đoạt chức Chưởng Môn Nhơn Ngũ Nhạc Kiếm Phái.

– Ngay tử tức đầu, Nhạc Bất Quần đã lưu ý đến việc tranh đoạt bộ TỊCH TÀ KIẾM PHỔ của nhà họ Lâm cũng như một số môn phái bạch đạo khác. Bởi đó, ông đã sai Lao Đức Nặc và Nhạc Linh San giả trang đến gần Phước Oai Tiêu Cục và tạo một quán rượu nhỏ ở gần đó để thăm dò tin tức. Phái Hoá Sơn của ông đã chứng kíến việc phái Thanh Thành hạ độc thủ, giết hết các tiêu sư và gia dịch của Phước Oai Tiêu Cục và bắt vợ chồng Lâm Chấn Nam, nhưng không can thiệp để cứu họ. Sau đó, Nhạc Bất Quần đã ngấm ngầm theo dõi Lâm Bình Chi và ra mặt cứu Lâm Bình Chi khỏi tay Mộc Cao Phong, rồi nhận Lâm Bình Chi làm đệ tử với dụng ý qua Lâm Bình Chi mà truy ra được tung tích của bộ TỊCH TÀ KIẾM PHỔ. Tuy nhiên, khi Lịnh Hồ Xung thuật lại lời trăn trối của Lâm Chấn Nam nhắn lại cho Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần giả bộ không muốn biết những bí mật của nhà họ Lâm và bảo Lịnh Hồ Xung chỉ nên nói riêng cho Lâm Bình Chi biết lời trăn trối đó.

Nhưng thật sự thì Nhạc Bất Quần đã tích cực tìm kiếm bộ TỊCH TÀ KIẾM PHỔ. Lúc hai cao thủ phái Tung Sơn đến trụ sở của Phước Oai Tiêu Cục ở Phước Châu (trong tỉnh Phước Kiến) đành ngã Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San rồi tìm ra được kiếm phổ này, Lịnh Hồ Xung đã đuổi theo họ rồi đoạt nó lại được, nhưng lại bị đánh trọng thương và ngất xỉu đi. Nhạc Bất Quần và vợ đã cứu được Lịnh Hồ Xung. Nhơn cơ hội Lịnh Hồ Xung còn bất tỉnh, Nhạc Bất Quần đã lấy bộ TỊCH TÀ KIẾM PHỔ trong người Lịnh Hồ Xung. Sau đó, ông đã tự thiến để luyện tập theo bộ kiếm phổ này. Nhưng trái với Đông Phương Bất Bại đã ăn mặc như phụ nữ sau khi tự thiến để luyện tập theo QUÌ HOA BẢO ĐIỂN, Nhạc Bất Quần đã cố giấu sự thay đổi trong hình thể của mình. Ông đã mang râu giả để thay chòm râu đã bị rụng lần lần sau khi ông tự thiến.

– Mặc dầu đã khám phá rằng Lao Đức Nặc là người của phái Tung Sơn gởi đến làm đệ tư mình đề nội tuyến phái Hoa Sơn, Nhạc Bất Quần đã giả vờ như không hay biết việc này và tỏ ra thương mến tin cậy Lao Đức Nặc như thường. Ông lại chép một phần của TỊCH TÀ KIẾM PHỔ ra làm tài liệu để cho Lao Đức Nặc đánh cắp đem về cho Tả Lãnh Thiền. Trong tài liệu này, Nhạc Bất Quần đã bỏ qua không chép phần quan trọng nhất là người phải tự thiến trước khi bắt đầu luyện tập. Mặt khác, khi đấu kiếm với Lịnh Hồ Xung tại chùa Thiếu Lâm, Nhạc Bất Quần mặc dầu kém thế hơn, đã không sử dụng Tịch Tà Kiếm Pháp. Lúc bị Lịnh Hồ Xung đánh cho rớt kiếm, ông lại đá vào ngực Lịnh Hồ Xung, nhưng đồng thời tự làm gãy xương chôn mình. Mục đích ông là làm cho Tả Lãnh Thiền tưởng lầm rằng nội công và kiếm thuật của ông kém xa Tả Lãnh Thiền. Đến lúc Tả Lãnh Thiền mời các Kiếm Phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn và Hằng Sơn đến họp nhau ở căn cứ của mình để đặt ra vấn đề thống nhứt các phái này lại thành Ngũ Nhạc Kiếm Phái, Nhạc Bất Quần mới đứng ra đấu võ với Tả Lãnh Thiền để tranh ngôi Chưởng Môn Nhơn của kiếm phái thống nhất này. Vì chưởng lực kém Tả Lãnh Thiền, ông đã lén dùng độc châm để làm cho Tả Lãnh Thiền bị thương. Sau đó, hai bên đã dùng Tich Tà Kiếm Pháp để đánh nhau. Tả Lãnh Thiền vì chỉ được học theo bản TỊCH TÀ KIẾM PHỔ không đầy đủ do Lao Đức Nặc đánh cắp đem về nên đã bị Nhạc Bất Quần đâm cho đui mắt thành ra cuối cùng, Nhạc Bất Quần đoạt được ngôi Chưởng Môn Nhơn của Ngũ Nhạc Kiếm Phái.

– Để đạt các mục tiêu của mình, Nhạc Bất Quần đã tỏ ra kiên trì, kín đáo và khôn ngoan, nhưng cũng đồng thời biểu lộ một sự tàn nhẩn hiếm có. Vì các vị Sư Thái phái Hằng Sơn cương quyết chống lại việc thống nhứt các kiếm phái nên ông đã hạ sát họ. Mặt khác, sau khi lấy bộ TỊCH TÀ KIẾM PHỔ trong người Lịnh Hồ Xung lúc Lịnh Hồ Xung bị hôn mê, ông đã công khai tố cáo Lịnh Hồ Xung cướp đoạt tài liệu này để cho người khác không biết là ông giữ nó. Sau đó, ông lại đâm vào lưng Lâm Bình Chi cốt ý để không còn ai có quyền đòi hỏi tài liệu đó. Người đệ tử thứ tám của ông đã bị Lao Đức Nặc đâm trọng thương vừa tỉnh lại thấy việc này và kêu lên nên bị Nhạc Bất Quần hạ sát luôn. Nhạc Bất Quần định đâm thêm cho Lâm Bình Chi chết, nhưng vì Lao Đức Nặc nấp trong bóng tối tằng hắng lên nên ông phải hấp tấp vào nhà. Sau vụ này, Nhạc Bất Quần lại làm cho mọi người nghĩ rằng chính Lịnh Hồ Xung đã giết Lao Đức Nặc và người đệ tự thứ tám của ông và đâm vào lưng Lâm Bình Chi.

Trong khi cư xử tàn tệ với Lịnh Hồ Xung như vậy, Nhạc Bất Quần lại khai thác đúng mức tình cảm của Lịnh Hồ Xung đối với ông. Ông biết rằng mặc dầu ông đã công khai trục xuất Linh Hồ Xung ra khỏi phái Hoa Sơn, Lịnh Hồ Xung vẫn kính trọng thương mến ông và tha thiết muốn được ông nhìn nhận trở lại làm đệ tử. Bởi đó, ông đã tìm cách lợi dụng tình cảm này để thực hiện mưu đồ của ông. Lúc đấu kiếm với Lịnh Hồ Xung ở chùa Thiếu Lâm, ông đã không dùng Tịch Tà Kiếm Pháp, một mặt vì không muốn cho Tả Lãnh Thiền thấy bản lãnh ông nhưng một mặt cũng vì ông nghĩ rằng Lịnh Hồ Xung không dám đánh bại ông. Mặt khác, ông lại dùng ba chiêu kiếm đặc biệt để ngầm bảo rằng nếu Lịnh Hồ Xung chịu trở về làm đệ tử phái Hoa Sơn thì sẽ được mọi người hoan nghinh và được ông gả con gái là Nhạc Linh San cho. Chỉ vì Lịnh Hồ Xung nhớ đến tình nghĩa thâm trọng của Nhậm Doanh Doanh và biết rằng nếu mình thua Nhạc rất Quần thì Nhậm Ngã Hành và Nhậm Doanh Doanh đều sẽ bị chung thân giam giữ ở chùa Thiếu Lâm nên phân tâm và vô tình đánh rơi kiểm Nhạc Bất Quần.

Kế đó, Nhạc Bất Quần lại gả Nhạc Linh San cho Lâm Bình Chi. Từ trước, ông đã để cho Nhạc Linh San thân cận với Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San đã vô tình giúp cha theo dõi Lâm Bình Chi. Lúc gả Nhạc Linh San cho Lâm Binh Chi thì Nhạc Bất Quần đã có dụng ý dùng con gái để thử xem Lâm Bình Chi có lấy được TỊCH TÀ KIẾM PHỔ và tự thiến để luyện theo kiếm phổ đó hay không. Sau khi Nhạc Linh San bị Lâm Bình Chi giết chết, ông lại đổ cho Lịnh Hồ Xung cái tội giết con gái mình, và lấy cớ đó để tìm giết Lịnh Hồ Xung.

Khi ông gặp Lịnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh thì vợ ông đã bị người của Triêu Dương Thằn Giao bắt, nhưng ông không kể gì đến vợ, chỉ lo tìm cách giết Lịnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh. Lịnh Hồ Xung đánh thắng Nhạc Bất Quần nhưng không hạ sát ông và bỏ kiếm xuống rồi yêu cầu ông cùng lo cứu Nhạc Phu Nhơn. Nhưng Nhạc Bất Quần đã thình lình tấn công để cố hạ sát Linh Hồ Xung. Chỉ vì ông lọt vào cái hầm do phe Triêu Dương Thần Giáo đào sẵn để đợi ông, Lịnh Hồ Xung mới thoát chết. Với hành động này, Nhạc Bất Quần đã tỏ ra tàn nhẫn và đê hèn đến mức Nhạc Phu Nhơn đã cảm thấy xấu hổ và tự tử. Sau đó, Nhạc Bất Quần được tha ra, nhưng ông không nghĩ đến việc chôn cất vợ và phó mặc việc đó cho Lịnh Hồ Xung.

Nếu hai vị Giáo Chủ của Triêu Dương Thần Giáo là Nhậm Ngã Hành và Đông Phương Bất Bại đã được Kim Dung dùng để ám chỉ hai nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước Trung Cộng là hai ông Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ thì việc người tranh được chức Chưởng Môn Nhơn của Ngũ Nhạc Kiếm Phái là Nhạc Bất Quần biểu tượng cho ông Tưởng Giới Thạch, nhà lãnh tụ số một của phe Quốc Gia Trung Hoa, là việc rất tự nhiên. Chúng ta có thể tìm thấy trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ một số dấu hiệu cho thấy dụng ý của Kim Dung về mặt này.

Trước hết là họ Nhạc của Bất Quần. Nhạc có nghĩa là hòn núi lớn. Trong Hán văn, chữNhạc lại gồm hai chữ Khâu là gò và Sơn là núi. Cả ba chữ Nhạc, Khâu và Sơn đều chỉ những khối lớn do đó cấu tạo nên mà trong tên của nhà lãnh đạo phe Quốc Gia Trung Hoa có chữ Thạch nghĩa là đá.

Kế đó, nói chung thì đời sống chánh trị của ông Tưởng Giới Thạch có những nét chánh tương tự với đời sống Nhạc Bất Quần.

– Nhạc Bất Quần nguyên là Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn, mà Hoa Sơn là một trong năm hòn núi lớn của Trung Quốc được gọi chung là Ngũ Nhạc. Xét vị trí tương đối của năm hòn núi lớn này thì Tung Sơn ở chính giữa nên được gọi là Trung Nhạc, Thái Sơn ở phía đông nên được gọi là Đông Nhạc, Hành Sơn ở phía nam nên được gọi là Nam Nhạc và Hằng Sơn ở phía bắc nên được gọi là Bắc Nhạc. Phần Hoa Sơn thì ở phía tây nên được gọi là Tây Nhạc. Vậy, Nhạc Bất Quần là người lãnh đạo kiếm phái lấy Tây Nhạc làm căn cứ. Kiếm phái này đã được dùng để ám chỉ Trung Hoa Quốc Dân Đảng, và Chưởng Môn Nhơn của nó chính là lãnh tụ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Sở dĩ Kim Dung lấy phái Hoa Sơn tức là phái Tây Nhạc làm biểu tượng cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng là vì các nhà lãnh đạo của Đảng này là ông Tôn Văn cũng như ông Tưởng Giới Thạch kế vị cho ông về sau đều là người theo Đạo Tin Lành và chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Phương.

– Trong phái Hoa Sơn có sự xung đột mãnh liệt giữa hai phe Kiếm Tông và Khí Tông đề giành địa vị Chưởng Môn Nhơn. Phe Kiếm Tông cho rằng muốn thắng địch thủ, cần phải có những chiêu thức ảo diệu cao minh hơn các chiêu thức của địch thủ. Theo phe Khí Tông thì nội công thâm hậu mới là điều cốt yếu cho việc thủ thắng, vì người có nội công thâm hậu rồi thì có thể phát huy một kình lực mạnh, dầu chỉ dùng một chiêu thức tầm thường cũng có thể chế ngự được địch thủ. Hai phe Kiếm Tông và Khí Tông đã chiến đấu nhau một cách mãnh liệt và đẫm máu. Cuối cùng, phe Khí Tông đã thắng thế và giành được địa vị Chưởng Môn Nhơn. Nhạc Bất Quần là lãnh tụ phe Khí Tông. Nhưng sau khi địa vị Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn của ông đã được chấp nhận lâu rồi, người của phe Kiếm Tông vãn cỏn tìm cách tranh đoạt nó trở lại và đã không ngần ngại dựa vào phái Tung Sơn để đạt mục đích.

Cuộc xung đột nội bộ của phái Hoa Sơn đã được dùng để ám chỉ cuộc xung đột nội bộ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Trong Đảng này, từ lúc ông Tôn Văn còn sống và nhất là sau khi ông Tôn Văn đã chết, đã có sự tranh nhau giữao hai cánh Chánh Trị và Quân Sự để giành quyền lãnh đạo. Cánh Chánh Trị của Trung Hoa Quốc Dân Đảng có thể so sánh với phe Kiếm Tông của phái Hoa Sơn, vì nó nhấn mạnh trên nhu cầu phải có một đường lối chánh sách khôn khéo, trong khi cánh Quân Sự của Trung Hoa Quốc Dân Đảng cũng như phe Khí Tông của phái Hoa Sơn dựa vào cường lực trước hết.

Cũng như trong phái Hoa Sơn, phe Kiếm Tông đã thua phe Khí Tông, trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng, cánh Chánh Trị đã thua cánh Quân Sự sau những cuộc tranh đấu gay go và đẫm máu. Nhà lãnh đạo cảnh Quân Sự là ông Tưởng Giới Thạch đã được đưa lên làm lãnh tụ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, cũng như truyền nhơn của phe Khí Tông là Nhạc Bất Quần đã được đưa lên làm Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn. Nhưng cuộc tranh đấu giữa hai phe đối nghịch nhau bên trong đoàn thể vẫn chưa chấm dứt sau khi địa vị nhà lãnh đạo số một đã được công nhận. Cũng như một số người trong phe Kiếm Tông còn vận động đề tranh quyền Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn và không ngần ngại dựa vào phái Tung Sơn để thực hơn nguyện vọng, các nhà lãnh tụ thuộc cánh Chánh Trị của Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã tiếp tục tranh quyền lãnh đạo Đảng này và một trong các lãnh tụ đó là ông Uông Tinh Vệ đã đi đến mức hợp tác với người Nhật để chọi lại ông Tưởng Giới Thạch.

– Ngoài cuộc tranh đấu gay go để giữ địa vị Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn, Nhạc Bất Quần còn phải hao tổn nhiều tâm huyết và nghi lực mới tranh được địa vị Chưởng Môn Nhơn của Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Cuộc tranh đấu cuối cùng đưa đến kết quả này đã thực hiện ở Phong Thiền Đài núi Tung Sơn. Phong Thiền Đài vốn là nơi được thiết lập để các vị đế vương đời trước làm lễ phong cho các núi lớn. Như chúng tôi đã trình bày trên đây, trong năm hòn núi lớn, Tung Sơn là hòn núi ở chính giữa nên được gọi là Trung Nhạc. Tả Lãnh Thiền, Chưởng Môn Nhơn phái Tung Sơn lại được tôn làm Minh Chủ của năm kiếm phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn và Hằng Sơn. Qua các dữ kiện trên đây, ta có thể nghĩ rằng Kim Dung đã xem các kiếm phái của năm hòn núi lớn như là các lực lượng địa phương của Trung Quốc và kiếm phái Tung Sơn đặc biệt biểu tượng cho lực lượng ở thủ đô. Việc hợp nhứt năm kiếm phái làm một tượng trưng cho việc thống nhứt Trung Quốc và cuộc tranh đấu ở Phong Thiền Đài núi Tung Sơn chính là cuộc tranh quyền lãnh đạo cả Trung Quốc. Vậy, chức vụ Chưởng Môn Nhơn của Ngũ Nhạc kiếm phái đã được dùng để ám chỉ địa vị Quốc Trưởng Trung Hoa.

Với tư cách là lãnh tụ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, ông Tưởng Giới Thạch chỉ mới là người cầm đầu một đoàn thể chánh trị mà địa bàn hoạt động chỉ bao gồm một phần lãnh thồ Trung Quốc cũng như Nhạc Bất Quần làm Chưởng Môn Nhơn phái Hoa Sơn. Chỉ sau khi tranh đấu một cách gay go quyết liệt với các vi đốc quân làm chủ các địa phương lớn và với các đoàn thể khác, ông Tưởng Giới Thạch mới được công nhận làm Tổng Thống của Trung Hoa Dân Quốc, cũng như Nhạc Bất Quần cuối cùng đã được công nhận làm Chưởng Môn Nhơn của Ngũ Nhạc kiếm phái.

Lề lối làm việc của ông Tưởng Giới Thạch cũng có những điểm giống lề lối làm việc của Nhạc Bất Quần.

– Nhạc Bất Quần có ngoại hiệu là Quân Tử Kiếm. Ông công khai đề cao đạo lý và chánh nghĩa và có một thái độ bề ngoài đáng kính. Ông Tưởng Giới Thạch thì tên thật là Tưởng Trung Chánh vốn hàm ý thành tín ngay thẳng. Khi nắm quyền lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Trung Hoa Dân Quốc, ông Tưởng Giới Thạch đã chánh thức theo chủ nghĩa Tam Dân của ông Tôn Văn. Chủ nghĩa này gồm ba phần: Dân Tộc, Dân Quyền, và Dân Sinh. Nó nhắm mục đích làm cho dân tộc độc lập hùng cường và chủ trương tôn trọng dân quyền trong đó có quyền tự do của con người, đồng thời hướng đến việc phục vụ dân sinh,tức là làm cho người dân ấm no hạnh phúc. Về mặt đạo đức, ông Tưởng Giới Thạch đã hết sức đề cao các tư tưởng đạo lý cổ truyền của dân tộc Trung Hoa. Ông đã phát động phong trào Tân Nho Giáo và nhấn mạnh trên bốn đặc tánh lớn của người Trung Hoa là Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Chủ trương và thái độ công khai của ông Tưởng Giới Thạch phù hợp với chủ trương và thái độ công khai của Nhạc Bất Quần là phục vụ đạo lý và chánh nghĩa. Ngoại hiệu Quân Tử Kiếm của Nhạc Bất Quần cũng phù hợp với ông Tưởng Giới Thạch là một quân nhơn theo Tân Nho Giáo.

– Nhưng việc công khai đề cao đạo 1ý và chánh nghĩa của Nhạc Bất Quần chỉ là một nước sơn bề ngoài. Trong thực tế, vị cao thủ võ lâm này là một “ngụy quân tử” tức là một quân tử giả hiệu, có những hành động hoàn toàn trái với lập trường chánh thức của mình. Ông Tưởng Giới Thạch cũng làm giống như Nhạc Bất Quần. Tuy đề cao chủ nghĩa Tam Dân trong đó có phần Dân Quyền chủ trương tôn trọng sự tự do của người dân, ông Tưởng Giới Thạch đã thật sự theo tư tưởng quyền uy. Chánh sách được ông áp dụng ở Trung Quốc và ở Đài Loan sau này và được những người kế vị ông noi theo là chánh sách độc tài. Trong nước, không có chánh đảng nào khác hơn Trung Hoa Quốc Dân Đảng được dung nạp. Những người chổng đối chỉ trích thì bị bắt bớ, hành hạ, thủ tiêu.

Một vài việc gần đây đáng cho chủng ta suy gẫm. Một người Trung Hoa đã sang Mỹ từ lâu, nhập quốc tịch Mỹ và làm giáo sư ở một trường đại học Mỹ đã bị bắt và bị giết khi về thăm Đài Loan. Một người khác cũng đã sang Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ đã bị ám sát ngay tại Mỹ vì đã viết một quyển sách nói đến gia đình họ Tưởng với những phát giác không có lợi cho gia đình nay. Hiện này, Trung Hoa Quốc Dân Đảng chỉ còn giữ được đảo Đài Loan, lại mất lần lần thế lực trên trường quốc tế vì các nước bạn của Đài Loan lần lượt đoạn giao với chánh quyền Đài Bắc và thiết lập bang giao với Trung Cộng.

Nước Mỹ tuy cũng đã nhìn nhận Trung Cộng, nhưng vẫn còn yểm trợ Trung Hoa Dân Quốc và Trung Hoa Quốc Dân Đảng rất còn giữ cảm tình của dân Mỹ. Ấy thế mà họ không ngần ngại hạ sát những người Trung Hoa chống đối họ, mặc dầu những người này đã nhập quốc tịch Mỹ và một trong những vụ giết người này đã xảy ra ngay trên lãnh thổ Mỹ.

Qua việc này, chúng ta có thể suy đoán được những gì đã xảy ra cho người dân ở Trung Quốc lúc ông Tưởng Giới Thạch còn làm chủ lục địa Trung Hoa và có một thế lực lớn trên trường quốc tế. Về mặt đạo đức thì mọi người đều biết rằng Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã bị Trung Cộng đánh bại một phần cũng vì trong thời kỳ ông Tưởng Giới Thạch lãnh đạo Trung Quốc, xã hội Trung Hoa đã bị ung thúi vì nạn tham nhũng. Chánh quyền của ông Tưởng Giới Thạch đề cao Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, nhưng bên trong dung túng che chở cho những kẻ bóc lột hiếp đáp nhơn dân, cũng như cho giới buôn lậu và cho giới làm giàu về nghề chợ đen.

– Nói chung lại thì cũng như Nhạc Bất Quần, ông Tưởng Giới Thạch đã nói một đường, làm một nẻo. Đặc biệt đáng chú ý là lập trường của các nhơn vật này đối với tổ chức mà họ liệt vào hạng đại thù, là Triêu Dương Thần Giáo đối với Nhạc Bất Quần và Đảng Trung Cộng đối với ông Tưởng Giới Thạch. Để đối phó với Triêu Dương Thần Giáo, Nhạc Bất Quần phải có một lập trường chánh thức trái ngược lại lập trường của giáo phái này, nhưng bên trong ông lại làm theo nó. Nếu Giáo Chủ Triêu Dương Thần Giáo bị gọi là Ma Giáo đã tự thiến đề luyện tập theo QUÌ HOA BẢO ĐIỂN thì Chưởng Môn Nhơn của Ngũ Nhạc Kiếm Phái tự xưng là nhà lãnh tụ của phe bạch đạo cũng đã tự thiến để luyện tập theo TỊCH TÀ KIẾM PHỔ mà công phu có chung một nguồn gốc với công phu của QUÌ HOA BẢO ĐIỂN. Việc tự thiến để trở thành bất bại đã được Kim Dung dùng để ám chỉ một kỹ thuật tranh đấu có thể đưa một tổ chức chánh trị đến sự tất thắng, nhưng làm thương tổn đến nhơn tánh.

Điều này liên hệ đến thái độ thật sự của ông Tưởng Giới Thạch. Với tư cách là nhà lãnh đạo phe Quốc Gia Trung Hoa, ông nãy đã kết án Trung Cộng là tà ngụy bất nhân và có một kỹ thuật tranh đấu làm thương tổn nhơn tánh. Nhưng trong hành động thực tế ông đã áp dụng một chánh sách độc tài tàn ác với nguyên tắc cứu cánh biện minh cho phương tiện. Như vậy, ông đã bề ngoài có chủ trương khác với Trung Cộng,. nhưng bên trong lại làm y như Trung Cộng, nghĩa là áp dụng một chánh sách tà ngụy bất nhân và theo một kỹ thuật tranh đấu làm thương tổn nhơn tánh.

Như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, giữa lịch sử một quốc gia hay tiểu sử một nhơn vật và tiểu sử của cao thủ võ lâm mà Kim Dung dùng để biểu tượng cho quốc gia hay nhơn vật đó, không phải có sự trùng hợp hoàn toàn. Nhận xét này cũng áp dụng đối với Nhạc Bất Quần và ông Tưởng Giới Thạch. Trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, ta có thể nhận thấy vài điểm xác nhận điều này.

– Trước hết là vai tuồng của các bà vợ những người được nói đến. Trong phái Hoa Sơn, Nhạc Phu Nhơn đã có một địa vị quan trọng. Bà rất được Nhạc Bất Quần kính nể và thường được Nhạc Bất Quần nghe theo. Trong các cuộc họp mặt với các cao thủ võ lâm khác, bà không ngần ngại lên tiếng phát biểu ý kiến và chỉ nhường Nhạc Bất Quần khi ông này cần nêu lập trường hay hành động với tư cách là Chưởng Môn Nhơn. Tưởng Phu Nhơn là bà Tống Mỹ Linh cũng có một vai tuồng tương tự đối với chồng. Bà rất được ông Tưởng Giới Thạch kính nể và nghe lời. Ngoài ra bà đã tích cực hoạt động về mặt chánh trị đối nội cũng như đối ngoại để giúp chồng. Tuy nhiên, trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, Nhạc Phu Nhơn đã được mô tả như là một người rất đứng đắn và rất đáng kính. Cả Lâm Bình Chi và Lịnh Hồ Xung đều còn tôn trọng bà ngay đến lúc đã thấy rõ bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần và hết mến phục ông. Trong khi đó, Bà Tống Mỹ Linh đã không gây được hảo cảm của người Trung Hoa. Trong thực tếề, bà đã bị chê trách nhiều hơn ông Tưởng Giới Thạch về những điều xấu xa tệ hại đã xảy ra trong lúc Trung Hoa Quốc Dân Đảng nắm quyền cai trị Trung Quốc.

– Mặt khác, lúc Kim Dung kết thúc bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, cả ông Tưởng Giới Thạch lẫn Bà Tống Mỹ Linh đều còn sống. Nhưng trong bộ truyện võ hiệp này, Nhạc Bất Quần và Nhạc Phu Nhơn đều đã chết. Riêng cái chết của Nhạc Bất Quần rất đáng được lưu ý, nếu ta đem so sánh nó với cái chết của các nhơn vật tượng trưng cho ông Mao Trạch Đông là Nhậm Ngã Hành trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ và Hồng Giáo Chủ trong bộ LỘC ĐỈNH KÝ. Nhậm Ngã Hành đã vì bạo bỊnh mà chết sau khi đã đoạt lại được ngôi Giáo Chủ Triêu Dương Thần Giáo nghĩa là giữa lúc vinh quang. Trong khi đó, Nhạc Bất Quần đã bị giết sau khi Ngũ Nhạc Kiếm Phái mà ông là Chưởng Môn Nhơn đã bị thiệt hại rất nặng vì phần lớn các đệ tử của phái này đã bị hạ sát trong hậu động núi Hoa Sơn. Cái chết của Nhạc Bất Quần thật ra đã tương tự cái chết của Hồng Giáo Chủ.

Những cái chết trên đây đã mang một ý nghĩa đặc biệt. Trước hết, Kim Dung đã dùng cái chết của Nhậm Ngã Hành đối chiếu với cái chết của Nhạc Bất Quần đề ám chỉ việc ông Mao Trạch Đông đã hoàn toàn làm chủ lục địa Trung Hoa trong khi ông Tưởng Giới Thạch bị dồn ra đảo Đài Loan, không còn hy vọng gì trở lại lãnh đạo Trung Quốc.

Với cái chết của Hồng Giáo Chủ đối chiếu với cái chết của Nhạc Bất Quần, Kim Dung đã ngỏ ý kiến rằng cả hai ông Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch đều là những nhơn vật không còn đáng sống trong lòng của nhơn dân Trung Hoa vì đã lừa dối họ và phụ niềm tin tưởng của họ.

Nói chung thì hình ảnh mà Kim Dung đưa ra về Nhạc Bất Quần thật là xấu xa tệ hại. Độc giả bộ sách này có thể cho rằng đem vị ngụy quân tử này đề biểu tượng cho ông Tưởng Giới Thạch thì quả là bất công đối với nhà lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Điều này có thể đúng phần nào. Nhưng chúng ta không nên quên rằng Kim Dung vốn là một người thiên tả và có ác cảm với phe độc tài hữu phái. Trong thời kỳ viết bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, ông đã nhận chân sự thật về Đảng Trung Cộng, nhưng vẫn còn xem ông Mao Trạch Đông hơn ông Tưởng Giới Thạch. Khi sáng tác bộ LỘC ĐỈNH KÝ, ông đã chống lại Trung Cộng mạnh hơn và xem hai ông Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch cũng đều tệ hại như nhau.

Nhưng đây là ý kiến của Kim Dung và kẻ viết sách này chỉ nêu ra các nhận định của mình về các ẩn số chánh trị của Kim Dung trong các bộ truyện võ hiệp của ông mà thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx