sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tiêu Phong (Tức Kiều Phong)

Tiêu Phong là con một nhà quý tộc của nước Đại Liêu và thuộc nòi giống Khiết Đơn. Lúc ông còn bé, gia đình ông đã bị một số cao thủ võ lâm người Hán là dân nước Đại Tống đón đường và tấn công ở bên ngoài cửa ải Nhạn Môn (ở địa phận tỉnh Sơn Tây ngày nay). Mẹ ông cùng các bộ hạ của gia đình ông bị sát hại, thân phụ ông nhảy xuống vực sâu tự tử sau khi đã giết hay đánh ngã hết những người tấn công gia đình mình. Các cao thủ võ lâm người Hán còn sống sót trong cuộc đánh nhau này đã ý thức rằng họ đã nhầm lẫn khi tấn công gia đình này. Do đó họ thấy có trách nhiệm phải dung tha và bảo bọc cho đứa bé còn sống và được cha nó vất trên mình của một người trong bọn họ. Họ đã giao nó cho một cặp vợ chồng nông dân không con họ Kiều nuôi làm con và đặt tên đứa bé là Kiều Phong.

Lúc bảy tuổi, Kiều Phơng đã bị một con chó sói sắp vồ, nhưng được một nhà sư ở chùa Thiếu Lâm là Huyền Khổ cứu rồi dạy võ công cho. Sau đó ông lại được Uông Kiếm Thông là Bang Chủ Cái Bang thâu nhận làm đồ đệ và cho vào Cái Bang. Nhờ thông minh dũng cảm, lại võ nghệ cao cưòng, Kiều Phơng đã lập được nhiều công lao cho Cái Bang và được Uông Kiếm Thông chọn làm người kế vị để điều khiển Cái Bang.

Với tư cách Bang Chủ Cái Bang, Kiều Phong được phần lớn người trong bang chúng mến phục. Tuy nhiên, vì không ưa nữ sắc, ông bị Mã Phu Nhơn là vợ của Phó Bang Chủ Mã Đại Nguyên thù hận, chỉ vì lý do bà là một phụ nữ sắc đẹp lộng lẫy, ai cũng ngắm nhìn một cách mê say mà riêng Kiều Phong lại không để ý đến bà. Mã Phu Nhơn biết rằng chồng bà có giữ một mật thơ của Uông Kiếm Thông dặn phải giám thị Kiều Phong và nếu thấy ông này có hành vi thân Liêu phản Tống thì phải hạ sát ngay. Bà đã xui giục chồng tiết lộ nguồn gốc Khiết Đơn của Kiều Phong để truất ngôi bang chủ của ông. Nhưng mặc dầu không thân cận với Kiều Phong vì tâm tánh không thích hợp nhau, Mã Đại Nguyên rất mến phục Kiều Phong nên không nghe lời vợ. Mã Phu Nhơn bèn tư thông với một Trưởng Lão của Cái Bang là Bạch Thế Kính và âm mưu với ông này giết Mã Đại Nguyên rồi vận động để hạ bệ Kiều Phong. Việc Kiều Phong gốc là người Khiết Đơn đã được công khai chứng minh trong một phiên họp sôi nổi của Cái Bang và mặc dầu một phần bang chúng vẫn còn mến phục ông, Kiều Phong đã từ chức Bang Chủ.

Từ lúc bé, Kiều Phong đã được người Hán nuôi dưỡng và dạy dỗ nên theo tinh thần người Hán, thù ghét và khinh thị người Khiết Đơn vốn bị người Hán cho là một giống người dã man hung ác. Khi hoạt động cho Cái Bang, ông đã mạnh mẽ chống lại người Khiết Đơn và đã phá được nhiều mưu đồ của họ. Bởi đó, Kiều Phong rất uất ức về chỗ ông bị cho là người Khiết Đơn. Tuy không thể bác bỏ các bằng chứng đã được đưa ra, ông vẫn chưa tin chắc rằng mình thuộc nòi giống Khiết Đơn. Thêm nữa, những người đã xác nhận ông là người Khiết Đơn trong phiên họp của Cái Bang đã không cho ông biết rõ về thân thế của ông. Họ cũng giấu tên người cầm đầu cuộc tấn công gia đình ông mà chỉ gọi đó là Thủ Lãnh Đại Ca. Vì thế, Kiều Phong cố điều tra tra để biết rõ hơn về thân thế thật sự của mình. Nhưng khi ông về thăm cha mẹ nuôi và thầy là Huyền Khổ Đại Sư thì tất cả đều bị giết và ông đã bị nghi là thủ phạm, thành ra phần lớn giới võ lâm người Hán đã lên án ông là tàn độc và vong ơn bội nghĩa.

Trong khi vào chùa Thiếu Lâm thăm thầy rồi bị nghi là đã hạ sát thầy và bị các nhà sư trong chùa lùng bắt, Kiều Phong đã gặp lại A Châu là người nhà của Mộ Dung Phục. Cô này vốn giỏi về thuật hóa trang nên đã trá hình làm một nhà sư Thiếu Lâm và lén ở trong chùa để đánh cắp bộ DỊCH CÂN KINH rồi lại tình cờ vào ẩn núp chung một chỗ với Kiều Phong. Do đó, khi bị các nhà sư Thiếu Lâm phát giác được chỗ ẩn nấp và mở cuộc tấn công, Kiều Phong đã mang A Châu chạy đi, nhưng cô này đã bị đánh trọng thương. Vì nhận thấy mình có phần trách nhiệm trong việc làm cho A Châu bị thương như vậy Kiều Phong nhứt đinh phải cứu cô khỏi chết nên đã mang cô đến Tụ Hiền Trang của nhà họ Du để nhờ một thần y nổi tiếng đương thời là Tiết Mộ Hoa chữa trị cho cô, mặc dầu biết rằng quần hào người Hán đang họp tập ở đó để luận tội ông. Kiều Phong đã đánh nhau với quần hào. Ông đã hạ sát nhiều người, nhưng chính ông cũng bị lâm nguy và chỉ thoát được nhờ sự giúp đỡ của một người bịt mặt mặc áo đen.

Khi đã bình phục, Kiều phong ra cửa ải Nhạn Môn để quan sát chỗ cha mẹ mình chết và gặp lại A Châu ở đó. Cô này nguyên đã được Tiết Mộ Hoa chữa trị cho vì sự uy hiếp của người thuộc Cái Bang chịu sự ủy thác của Kiều Phong, rồi đã trốn đi được khi lành bịnh. Cô đoán là Kiều Phong thế nào cũng ra ải Nhạn Môn nên đã đến đó để đón ông và quả nhiên đã gặp ông.

Lúc ấy, một đám dân Khiết Đơn bị một toán quân Đại Tống săn đuổi và tàn sát chạy ngang qua. Kiều Phong động lòng nghĩa hiệp ra binh vực những người dân này và do đó mà thấy trước ngực của một cụ già Khiết Đơn có xâm hình một cái đầu chó sói xanh, y hệt như hình xâm trên ngực mình. Điều này làm cho Kiều Phong tin chắc mình thuộc nòi giống Khiết Đơn. Nhưng lúc đó, ông đã đồng thời nhận chân rằng người Hán cũng có thể hung ác và tàn sát dân vô tội của nước khác chớ không phải chỉ có người Khiết Đơn là dã man như ông đã được dạy từ nhỏ. Nhận định này làm cho ông không còn lấy việc mình là người Khiết Đơn làm một điều xấu hồ. Mặt khác, vì thấy A Châu vẫn tỏ ra khâm phục mình và cảm kích mình mặc dầu biết mình là người Khiết Đơn, Kiều Phong bắt đầu yêu A Châu.

Khi đã biết chắc rằng cha mẹ mình đã bị hại một cách oan ức, Kiều Phong quyết định báo thù và cố tìm để biết Thủ Lãnh Đại Ca là ai. Nhưng những người có thể cho ông biết tên của vi cao thủ võ lâm đó đều bị giết chết. Riêng một người đã tham dự cuộc tấn công ở ngoài ải Nhạn Môn là Trí Quang Đại Sư đã gặp lại Kiều Phong và cho biết rằng thân phụ ông tên là Tiêu Viễn Sơn, nhưng không chịu cho biết tên của Thủ Lãnh Đại Ca và tự làm cho mình viên tịch. Khi đã biết thân thế của thân phụ, Kiều Phong đã trở về với họ thật của mình là họ Tiêu.

A Châu đã cố giúp Tiêu Phong tìm tung tích của Thủ Lãnh Đại Ca và được Mã Phu Nhơn bảo cho biết đó là Đoàn Chánh Thuần, em ruột của vua nước Đại Lý. Nhưng đến lúc tìm ra chỗ ở của Đoàn Chánh Thuần, A Châu lại phải giác rằng mình là con tư sinh của ông này với bà Nguyễn Tinh Trúc và ngoài mình ra hai ông bà này còn một đứa con gái khác nhỏ hơn tên là A Tử. Cô biết rằng cô không thể ngăn cản Tiêu Phong giết cha mình để trả thù, đồng thời cũng muốn cho Tiêu Phong thấy rằng ai cũng có thể vô tình gây nên tội và thứ lỗi cho cha mình nên quyết định chết thay cha. Cô trá hình làm Đoàn Chánh Thuần đến nơi ông này ước hẹn gặp Tiêu Phong và bị Tiêu Phong đánh trọng thương. Trước khi chết, cô xin Tiêu Phong chiếu cố cho em gái mình là A Tử. Tiêu Phong rất đau đớn vì đã có mối tình sâu đậm với A Châu. Ông càng hối hận hơn vì đã phát giác liền theo đó rằng Đoàn Chánh Thuần không phải là Thủ Lãnh Đại Ca. Nhưng vì ý muốn tìm cho ra chân tướng của nhơn vật này ông bỏ ý định tự tử theo A Châu.

Tuy nhiên, vì Mã Phu Nhơn đã chết trước khi ông hỏi được bà ta về việc này nên Tiêu Phong không còn cách nào tìm ra manh mối kẻ thù và quyết đinh trở về cửa ải Nhạn Môn…Lúc ấy A Tử đã yêu ông và nhất định theo ông. Vì có lời hứa với A Châu lúc cô này sắp tắt hơi nên Tiêu Phong không thể rời bỏ A Tử mặc dầu ông không thấy thích cô vì cô là đồ đệ phái Tinh Tú và bị ảnh hưởng của phái này nên rất ác độc và xảo trá. A Tử định phun độc châm vào người Tiêu Phong để ông bị tê liệt không tự đi đứng được và ông phải mãi mãi ở gần cô. Nhưng Tiêu Phong đã phản ứng để tự vệ và do đó mà làm cho A Tử bị trọng thương. Vì muốn cứu chữa cho A Tử, ông phải mang cô lên miền bắc lạnh lẽo để có thể tìm nhiều nhơn sâm, cao hổ cốt và mật gấu cho cô dùng.

Trong khi ở miền bắc, Tiêu Phong đã hợp tác với người Nữ Chân và nhơn một cuộc đi săn, đã bắt được một nhà lãnh tụ Khiết Đơn làm tù binh. Nhưng thay vì bắt ông này bỏ tài sản ra để tự chuộc mình, Tiêu Phong đã thả ông và kết nghĩa anh em với ông. Nhà lãnh tụ bị Tiêu Phong bắt chính là vua nước Đại Liêu. Khi Tiêu Phong sang nước này để gặp ông thì địa vị ông đang lâm nguy vì một cuộc biến loạn. Nhờ Tiêu Phong giúp, ông chế ngự được những người muốn cướp ngôi ông. Do đó, ông đã phong Tiêu Phong chức tước lớn nhứt trong triều đình là Nam Văn Đại Vương, lỵ sở ở Nam Kinh của nước Đại Liêu (tức là Bắc Kinh ngày nay).

Lúc này, A Tử đã hoàn toàn bình phục và bỏ đi mà không cho Tiêu Phong biết. Tiêu Phong phải đi về phía nam đế tìm cô và đến chùa Thiếu Lâm ngay lúc quần hào gặp nhau ở đó vì có cuộc tỷ thí để tranh ngôi Minh Chủ Võ Lâm. Trong dịp này, Tiêu Phong đã gặp được thân phụ mình là Tiêu Viễn Sơn. Ông này đã không chết khi nhảy xuống vực sâu nhờ rớt nhằm một cành cây, và không còn ý đinh tự tử nữa mà lại muốn báo thù. Ông đã trá hình làm một nhà sư bịt mặt mặc áo đen và lẽn vào chùa Thiếu Lâm ở đó trong 30 năm nên đã biết hết tự sự. Chính ông đã cứu Tiêu Phong khỏi bị quần hào giết ở Tụ Hiền Trang. Và cũng chính ông đã giết cha mẹ nuôi và thầy của Tiểu Phong cùng những người đã biết vụ xảy ra ở ngoài cửa ải Nhạn Môn mà cố tình che giấu tung tích Thủ Lãnh Đại Ca để bảo vệ cho ông này. Phần Tiêu Viễn Sơn thì đã biết đó là Huyền Từ Đại Sư, Phương Trượng chùa Thiếu Lâm. Tuy là một cao tăng, ông này đã tư tình với một thiếu nữ và có một đứa con trai. Tiêu Viễn Sơn đã bắt cóc đứa con trai này từ lúc nhỏ cho Huyền Từ và tình nhơn phải đau khổ. Đứa con trai đó là một nhà sư pháp danh Hư Trúc cũng tu trong chùa Thiếu Lâm. Trong cuộc hội họp quần hào kỳ này, Tiêu Viễn Sơn đã tố giác rằng cha Hư Trúc là một vị cao tăng. Thế chẳng đặng đừng, Huyền Từ phải công khai nhìn nhận rằng mình đã phạm tội tà dâm và tự quyết định sự trừng phạt mình là đánh 200 gậy. Ông đã nhận chịu hình phạt này rồi tự cắt đứt kinh mạch mà chết.

Sau đó, Tiêu Viễn Sơn nhờ sự chỉ điểm của một nhà sư già mặc áo xám trong chùa Thiếu Lâm mà giác ngộ và qui y ở chùa này. Ông căn dặn Tiêu Phong là phải cố giữ cho hai nước Đại Liêu và Đại Tống không đánh nhau. Vì đã bị mù, A Tử muốn đi chữa cho mắt sáng lại. Bởi đó sau khi đi Tây Hạ để giúp Đoàn Dự trong việc cầu thân với công chúa nước ấy, Tiêu Phong đã về nước Đại Liêu một mình. Lúc ấy, vua Đại Liêu nghe tin vua nhà Đại Tống có sự bất hòa với các đại thần và bị dân chúng oán thán nên có ý định dấy binh chinh phạt Đại Tống. Ông muốn phong cho Tiêu Phong chức Bình Nam Đại Nguyên Soái và giao cho Tiêu Phong nhiệm vụ chánh trong công cuộc xâm lăng này. Nhưng Tiêu Phong không muốn có sự chiến tranh giữa người Khiết Đơn với người Hán.

Trong khi đó, A Tử đã chữa được mắt nhờ một người mê say cô là Du Thản Chi cho cô cặp mắt của anh ta và cô đã trở về Đại Liêu. Tiêu Phong cho A Tử biết rằng ông chỉ yêu A Châu và tự xem như anh hay chú của A Tử. Ông khuyên A Tử nên nhận Du Thản Chi làm chồng. Sau đó, ông treo ấn từ quan nhưng bị vua Đại Liêu bắt giam. A Tử đã thoát được và huy động các bạn hữu của Tiêu Phong đến cứu ông. Họ đã giải thoát được Tiêu Phong khỏi ngục, nhưng bị quân Đại Liêu do chính nhà vua nước này điều khiển đuổi theo rất gấp. Để giải nguy, hai người bạn võ công cao cường của Tiêu Phong là Đoàn Dự và Hư Trúc Tử đã liều mạng xông vào giữa đám quân địch để bắt vua Đại Liêu đem về phía mình. Tiêu Phong đã đoạt lại được nhà vua này rồi yêu cầu ông ta công khai xem Đại Tống là nước anh em của Đại Liêu và chịu bãi binh, nếu không thì mọi người cùng chết. Vua Đại Liêu phải chấp nhận điều kiện này. Vậy, Tiêu Phong đã thực hiện được tâm nguyện của thân phụ và của chính mình. Nhưng vì muốn thực hiện tâm nguyện này, ông đã uy hiếp vua Đại Liêu nên tự xem là mình có tội đổi với Tổ Quốc và tự tử ngay tại chỗ. A Tử móc mắt trả cho Du Thản Chi rồi ôm thây ông nhảy xuống vực sâu để được mãi mãi ở gần ông như tâm nguyện của cô.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx