sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hư Trúc Tức Hư Trúc Tử

Hư Trúc tức Hư Trúc Tử là con tư sinh của Huyền Từ Đại Sư, Phương Trượng chùa Thiếu Lâm và Diệp Nhị Nương. Vì lúc ông còn bé, Tiêu Viễn Sơn đã bắt cóc ông để báo thù nên Diệp Nhị Nương đã trở thành điên loạn và độc ác, đi bắt trẻ con về để nâng niu rồi sau đó, cắn cổ uống huyết và móc tim để ăn. Với một võ công rất cao và tâm tánh như vậy, Diệp Nhị Nương đã nhập bọn với nhóm Tứ Ác và được liệt vào hàng thứ nhì sau Đoàn Diên Khánh.

Phần Hư Trúc thì được Tiêu Viễn Sơn cho vào chùa Thiếu Lâm làm sư và học võ, nhưng Phương Trượng Huyền Từ vẫn không dè đó là con của mình.

Vì được học theo giáo lý nhà Phật nên Hư Trúc có tánh từ bi, sẵn sàng cứu giúp những người bị nạn. Ông gặp Diệp Nhị Nương đang bắt một đứa trẻ con để uống huyết nên can thiệp. Diệp Nhị Nương lúc đó chưa biết Hư Trúc là con mình nên bắt ông và phe Tứ Ác đã đưa Hư Trúc đến căn cứ của Tô Tinh Hà là đại đệ tử của Vô Nhai Tử, Chưởng Môn Nhơn phái Tiêu Dao. Theo lịnh Vô Nhai Tử cứ mỗi mười năm, Tô Tinh Hà lại mở cuộc đánh cờ để chọn người phá một thế cơ do Vô Nhai Tử nghĩ ra. Nhiều người trong giới võ lâm đã tề tựu về đó tham dự cuộc đánh cờ này. Thế cờ của Vô Nhai Tử rất đặc biệt nên không người nào tìm ra được cách phá nó. Hư Trúc vẫn không biết nhiều về cờ. Nhưng ông thấy Đoàn Diên Khánh đang bị mê loạn vì đánh cờ với Tô Tinh Hà nên muốn cứu Đoàn Diên Khánh và đặt bừa một quân cờ đen vào một chỗ làm cho nhiều quân cờ đen khác bị loại. Nước cờ này có vẻ bất lợi cho phía đen, nhưng chính vì chỗ nhiều quân cờ đen bị loại mà phía đen có nhiều thế hơn để đi và cuối cùng nằm phần thắng lợi. Vậy, ngẫu nhiên, Hư Trúc đã phá được thế cờ bí hiểm của Vô Nhai Tử.

Vì Hư Trúc phá được thế cờ nên Tô Tinh Hà đã đưa Hư Trúc vào gặp thầy là Vô Nhai Tử. Mặc dầu Hư Trúc vẫn muốn trung thành với phải Thiếu Lâm, ông không nỡ cự tuyệt một cụ già tha thiết muôn nhờ cậy mình. Cuối cùng, Vô Nhai Tử đã phải bỏ công lực mà Hư Trúc đã luyện theo lối Thiếu Lâm, truyền hết công lực dồi dào của ông vào người Hư Trúc, giao cho Hư Trúc đồ hình liên hệ đến phái Tiêu Dao và chức Chưởng Môn Nhơn phái này; với chiếc nhẫn biểu hiện uy quyền của chức vụ đó. Ông chỉ yêu cầu Hư Trúc một việc là giết Đinh Xuân Thu, một đồ đệ của ông nhưng đã trở mặt đánh thầy và sáng lập phái Tinh Tú chuyên làm những việc ác độc.

Sau đó. Hư Trúc định về chùa Thiếu Lâm, nhưng dọc trường lại lạc vào nơi hội họp của người thuộc 36 động, 72 đảo. Những người này đã bị Chủ Nhơn cung Linh Thứu là Thiên Sơn Đồng Mỗ cấy Sinh Tử Phù vào người để kềm chế và ức hiếp nên rất oán hận. Nghe tin Thiên Sơn Đồng Mỗ đang gặp một việc rắc rồi mà họ không đoán ra được là việc gì, họ bàn nhau tìm cách để đối phó. Người cầm đầu cuộc âm mưu này là Ô Lão Đại; đã lén vào cung Linh Thứu thám thính và bắt được một đứa bé gái nhỏ và câm. Ông đề nghị với đám quần hùng tham dự phiên họp là ai cũng cầm dao đâm hay chém vào mình cô bé mỗi người một lát để kết mối thù với cung Linh Thứu và không phản bội lời minh ước được. Hư Trúc vừa đi ngang qua đó đã động lòng bất nhẫn và cướp cô bé gái ấy mang đi.

Cô bé này chính là Thiên Sơn Đồng Mỗ. Vì luyện một môn võ công đặc biệt, bà này cứ mỗi 30 năm thì phản lão hoàn đồng một lần. Lúc trở thành bé nhỏ như vậy, bà không có công lực nên đã bị Ô Lão Đại bắt một cách dễ dàng. Bà cần phải có một thời gian để phục hồi công lực và trong lúc đó, phải có người bảo vệ cho bà. Về mặt môn phái thì bà chính là sư tỷ Vô Nhai Tử. Bà có mối hận với sư muội là Lý Thu Thủy, vì cả hai đều có lòng yêu Vô Nhai Tử và đã hại nhau vì mối tình này. Trong khi Hư Trúc mang Thiên Sơn Đồng Mỗ chạy trốn phe hội họp nhau để chống bà thì Lý Thu Thủy lại đến với mục đích sát hại Thiên Sơn Đồng Mỗ và đã làm cho bà bị thương. Hư Trúc phải làm theo sự chỉ dẫn của bà và mang bà vào ẩn núp ở một hầm nước đá bên trong hoàng cung nước Tây Hạ.

Trong lúc ở chỗ ẩn núp này, Thiên Sơn Đồng Mỗ lần lần phục hồi công lực. Bà đã tìm mọi cách bắt Hư Trúc phải ăn mặn. Bà lại bắt một cô con gái đến để ân ái với Hư Trúc, làm cho Hư Trúc phạm luôn vào giới cấm tà dâm. Thỉnh thoảng, bà lại đưa cô này vào hầm nước đá với Hư Trúc và Hư Trúc đã mê cô này, mặc dầu hai bên chỉ gặp nhau trong bóng tối và không thấy được mặt nhau, chỉ biết nhau với tên Mộng Lang và Mộng Cô.

Lý Thu Thủy đã phát giác được chỗ ẩn núp của Thiên Sơn Đồng Mỗ trước khi bà này hoàn toàn luyện xong môn võ đặc biệt của mình. Vì cùng chung một mối tình với Vô Nhai Tử, hai người ganh tỵ nhau và tranh nhau ráo riết về mọi mặt từ lúc còn ở trong hầm nước đá cho đến lúc đã ra ngoài. Do sự tranh nhau này mà họ đã dạy cho Hư Trúc hết tuyệt nghệ của họ về võ thuật, lại truyền hết công lực vào người Hư Trúc và cùng chết. Trước khi chết, Thiên Sơn Đồng Mỗ đã giao cho Hư Trúc chiếc nhẫn biểu hiệu của uy quyền Chủ Nhơn cung Linh Thứu.

Khi người của cung này đi tìm Thiên Sơn Đồng Mỗ và gặp Hư Trúc để đưa về cung thì Hư Trúc đã có một nội lực kinh người mà võ nghệ cũng đã rất cao cường. Ông về đến cung Linh Thứu đúng lúc phe hội họp nhau chống Thiên Sơn Đồng Mỗ mở cuộc tẩn công. Họ đã chế ngự được những người được để lại giữ cung.

Nhưng lúc ấy, các Sinh Tử Phù mà Thiên Sơn Đồng Mỗ đã cấy vào người họ phát tác làm cho họ rất đau khổ. Do sự dàn xếp của Đoàn Dự, hai bên đã tìm được phương thức hòa giải với nhau. Phe hội họp chống cung Linh Thứu chịu thần phục cung này và hứa từ đó về sau sẽ không sát sanh bừa bãi, còn Hư Trúc thì giải Sinh Tử Phù cho họ. Vì cần phải nghiên cứu thêm võ công của phái Tiêu Dao khác trong một mật thất để giải Sinh Tử Phù cho quần hùng, khả năng võ thuật của Hư Trúc lại càng tăng thêm. Trong dịp này, Hư Trúc đã kết nghĩa anh em với Đoàn Dự, và tuy không có mặt Tiêu Phong, họ vẫn đồng ý xem Tiêu Phong là anh cả.

Mặc dầu đã được nhận làm Chưởng Môn Nhơn phái Tiêu Dao, đồng thời làm Chủ Nhơn cung Linh Thứu, Hư Trúc vẫn trung thành với chùa Thiếu Lâm và quyết định trở về chùa này để thú nhận các tội phạm giới cấm của mình. Ông đã tình nguyện xin chịu sự trừng phạt của chùa này. Nhưng bốn người thị tỳ của cung Linh Thứu đã lên đến chùa Thiếu Lâm và giả làm nhà sư ở đó để uy hiếp vi sư coi về giới luật của chùa, làm cho ông này không dám hành hạ Hư Trúc. Ít lâu sau đó, Cưu Ma Trí lại đến chùa Thiếu Lâm và dùng võ thuật uy hiếp các nhà sư chùa này. Hư Trúc vì muốn binh vực các nhà sư chùa Thiếu Lâm nên đã đụng độ với Cưu Ma Trí. Nhưng khi chiến đầu với Cưu Ma Trí, ông đã dùng nhiều đòn của phái Tiêu Dao. Do đó, người của chùa Thiếu Lâm biết rằng ông có học võ công bên ngoài. Đó là một điều trái qui luật của chùa cho nên tuy ông thắng được Cưu Ma Trí, Phương Trượng chùa Thiếu Lâm là Huyền Từ Đại Sư đã phạt ông bị phế võ công của chùa Thiếu Lâm, bị đánh 100 gậy và không còn được xem là đệ tử phái Thiếu Lâm. Thầy của Hư Trúc cũng bị phạt đánh 30 gậy vì giáo dục không nghiêm. Nhưng Hư Trúc đã tình nguyện chịu đánh 30 gậy này thay thầy.

Chùa Thiếu Lâm chưa kịp thi hành quyết định trừng phạt trên đây đối với Hư Trúc thì quần hào lại ùa đền chùa này vì vấn đề tranh nhau ngôi Minh Chủ Võ Lâm. Trong cuộc xung đột tiếp theo đó, Hư Trúc đã đánh nhau với Đinh Xuân Thu và đã cấy được Sinh Tử Phù vào mình ông này. Do đó, Đinh Xuân Thu bị kềm chế và bị giao cho Viện Giới Luật của chùa Thiếu Lâm quản chế. Như thế, Hư Trúc đã phần nào thỏa mãn ý muốn của Vô Nhai Tử và chấm dứt mối lo của phái Tiêu Dao. Cũng trong dịp hội họp quần hào này, Hư Trúc được gặp Tiêu Phong và chánh thức kết nghĩa anh em với Tiêu Phong.

Lúc cuộc đánh nhau chấm dứt, chùa Thiếu Lâm thi hành lịnh trừng phạt Hư Trúc. Khi cởi áo ông ra để đánh gậy thì Diệp Nhị Nương thấy các dấu hiệu trong người ông và nhận ra đó là con mình. Do sự tố giác của Tiêu Viễn Sơn, Huyền Từ Đại Sư đã công nhận rằng mình chính là thân phụ của Hư Trúc và tự cắt đứt kinh mạch mà chết sau khi nhận sự trừng phạt mà chính ông đã ấn định với tư cách là Phương Trượng chùa Thiếu Lâm. Diệp Nhị Nương đã tự tử chết theo ông. Phần Hư Trúc thì sau khi nhận chịu sự trừng phạt của chùa Thiếu Lâm rồi thì không còn được xem là đệ tử chùa này và trở thành Hư Trúc Tử, Chưởng Môn Nhơn phái Tiêu Dao, đồng thời là Chủ Nhơn cung Linh Thứu.

Khi Đoàn Dự được triều đình Đại Lý bảo đi Tây Hạ dự cuộc kén chọn phò mã, Hư Trúc Tử đã cùng Tiêu Phong đi theo để giúp Đoàn Dự. Nhưng cuối cùng, Hư Trúc Tử đã được chọn làm phò mã vì vị công chúa Tây Hạ kén chồng lại chính là Mộng Cô. Sau đó, khi Tiêu Phong về Đại Liêu và bị bắt, Hư Trúc Tử đã mang người của cung Linh Thứu đến cứu. Nhờ công lực và võ nghệ siêu tuyệt, ông đã cùng Đoàn Dự xông vào giữa đám quân Đại Liêu để bắt nhà vua Đại Liêu và nhờ đó mà làm cho người Đại Liêu phải bãi binh.

Chương IV- MỘ DUNG PHỤC

Mộ Dung Phục Là con Mộ Dung Bác ở Cô Tô (tức là vùng Tô Châu trong tỉnh Giang Tô ngày nay). Ông là người thuộc chủng tộc Tiên Ti. Từ năm 307 đến năm 410, trong thời kỳ mà sử gia Trung Quốc gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa, người Tiên Ti do họ Mộ Dung lãnh đạo đã nhiều lần thành lập được một nước mà họ đặt tên là Đại Yên và lãnh thổ bao gồm các tỉnh Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, lại có thời lan rộng đến đông bộ tỉnh Thiểm Tây và góc đông bắc tỉnh Giang Tô ngày nay. Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục là hậu dụệ các nhà vua nước Đại Yên trước đây và nuôi giấc mộng khôi phục lại nước này. Để đạt mục đích, họ cố rèn luyện võ nghệ. Họ đặc biệt có một kỹ thuật làm cho kẻ đích tự hại mình với chính ngón đòn của mình. Kỹ thuật này được giới giang hồ gọi là đòn “gậy ông đập lưng ông”. Cha con Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục cũng gia công nghiên cứu và luyện tập võ nghệ của các phái khác. Ngoài ra, họ còn tìm cách tạo cơ hội thuận tiện cho việc cử đồ đại sự của mình.

Mộ Dung Bác nghĩ rằng nếu có cuộc xung đột giữa nhà Đại Tống với các nước Thổ Phồn và Đại Liêu thì tình thế rối beng và ông có thể thừa cơ hội thực hiện được giấc mộng của ông. Bởi đó ông đã đem 72 môn võ công tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm cho Cưu Ma Trí là quốc sư nước Thổ Phồn với dụng ý gây hiềm khích giữa Đại Tống và Thổ Phồn. Mặt khác, ông đã bảo một số cao thủ võ lâm người Hán là có một đoàn võ sĩ Khiết Đơn mưu đồ đến chùa Thiếu Lâm cướp đoạt các đồ phổ võ công với mục đích biết rõ kỹ thuật chiến đấu của người Hán và nhờ đó mà dễ đàng chế ngự người Hán khi họ dấy binh đánh nước Đại Tống. Vì tin theo lời Mộ Dung Bác, một số cao thủ võ lâm người Hán mớói rủ nhau ra núp bên ngoài cửa ải Nhạn Môn để đón đánh người Khiết Đơn và lầm lạc tẩn công gia đình Tiêu Viễn Sơn. Sau đó, họ biết mình bị gạt, và Mộ Dung Bác sợ họ chất vấn nên giả chết, để cho Mộ Dung Phục đứng ra điều khiển công việc của nhà họ Mộ Dung. Phần Mộ Dung Bác thì trá hình làm một nhà sư bịt mặt mặc áo trắng và lén vào ở trong chùa Thiếu Lâm để nghiên cứu thêm võ công của phái Thiếu Lâm.

Nối chí Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục lãnh đạo công cuộc mưu đồ tái lập nước Đại Yên với sự giúp đỡ của một số gia thần trung kiên, dũng cảm và võ nghệ cao cường. Với kỹ thuật “gậy ông đập lưng ông”, Mộ Dung Phục đã làm cho giới giang hồ kính trọng và nể sợ. Với câu ca ngợi “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung”, giới này mặc nhiên cho rằng võ công Mộ Dung Phục tương đương với Kiều Phong mặc dầu hai bên chưa hề so tài nhau.

Vương Phu Nhơn là cô của Mộ Dung Phục sợ bị liên lụy vì công cuộc mưu đồ tái lập nước Đại Yên nên tỏ vẻ lãnh đạm không chịu thân cận với Mộ Dung Phục. Nhưng Vương Ngọc Yến vì yêu Mộ Dung Phục nên cố công đọc hết các sách nghiên cứu về võ công của tất cả các môn phái. Bởi đó, tuy chính mình không có võ công, cô biết rõ võ công của các môn phái và có thể chỉ nhìn cách đánh của một người mà biết ngay là người ấy thuộc môn phái nào, lại biết phải dùng chiêu thức gì để đỡ một đòn của người ẩy hoặc để phản công người ấy. Mộ Dung Phục cũng có cảm tình với Vương Ngọc Yến, nhưng vì lòng tự ái, ông ít khi hỏi Vương Ngọc Yến về vấn đề võ thuật mặc dầu ông cố gắng học tập võ nghệ. Mặt khác, vì chỉ chú tâm đến việc tái lập nước Đại Yên, Mộ Dung Phục đã không để ý săn sóc đến Vương Ngọc Yến.

Đối với Đoàn Dự, Mộ Dung Phục ban đầu rất khinh thường. Lúc Vương Ngọc Yến bị người Tây Hạ định bắt và được Đoàn Dự cứu rồi đưa cô đi trốn, Mộ Dung Phục có dò theo. Ông giả làm một người Tây Hạ đế đánh nhau với Đoàn Dự và thử tài Đoàn Dự. Ông biết chắc là mặc dầu đương ở gần Đoàn Dự và mang ơn Đoàn Dự, Vương Ngọc Yến vẫn yêu ông hơn. Nhưng vì ông mang mặt nạ và dùng nhiều ngón đòn của nhiều môn phái khác nhau nên Vương Ngọc Yến không nhận ra ông, và ông rất phiền về chỗ Vương Ngọc Yến bảo rằng võ nghệ ông có nhiều khuyết điểm, lại khẳng định là Đoàn Dự tuy hiện còn yếu kém, nhưng về sau sẽ là người có võ công cao nhất. Dầu vậy, Mộ Dung Phục vẫn không giết Đoàn Dự vì ông đã thấy rõ là Đoàn Dự chỉ có thể chiến đấu một cách có hiệu lực khi có Vương Ngọc Yến chỉ cho cách đánh đỡ nên cho rằng Đoàn Dự không thể bằng ông được.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ tại chùa Thiếu Lâm lúc có cuộc tỷ thí giành ngôi Minh Chủ Võ Lâm, Mộ Dung Phục đã đụng độ với Đoàn Dự. Lúc ấy, Đoàn Dự vì nóng lòng binh vực thân phụ mà phát huy được công lực, lại được Tiêu Phong dùng lời chỉ dẫn cho lối đánh nên đã thắng được Mộ Dung Phục. Nhờ Vương Ngọc Yến yêu cầu Đoàn Dự nương tay nên Mộ Dung Phục không bị thương nhưng Mộ Dung Phục tức tối lại tấn công Đoàn Dự một cách bất ngờ và làm cho Đoàn Dự bị thương. Do đó. Tiêu Phong can thiệp, mắng Mộ Dung Phục là không có phong độ anh hùng hảo hán và xách Mộ Dung Phục ném ra xa. Mộ Dung Phục vừa thẹn vừa tức nên toan tự tử. Nhưng Mộ Dung Bác nấp dưới giả trang của nhà sư bịt mặt mặc áo trắng đã xuất hiện và nhắc Mộ Dung Phục là họ Mộ Dung không có ai nổi dõi ngoài ông ta ra, lại dạy rằng muốn lập sự nghiệp đế vương thì phải biết nhẫn nhục. Vì hành động này Phương Trượng chùa Thiếu Lâm đã đoán biết được chân tướng Mộ Dung Bác.

Tiếp theo đó, cha con họ Mộ Dung lại chạm mặt với cha con nhà họ Tiêu, và Mộ Dung Bác đã nói rõ ý mình với cha con nhà họ Tiêu. Theo ông, nếu Đại Liêu, Tây Hạ, Thổ Phồn và Đại Lý hợp tác với họ Mộ Dung thì các nhóm này có thể chia nhau lãnh thổ Đại Tống được. Trong trường hợp cha con nhà họ Tiêu chấp nhận sự hợp tác như vậy thì ông sẵn sàng tự tử để cha con nhà họ Tiêu nguôi cái hận về việc vì ông mà Tiêu Phu Nhơn bị giết oan. Nhưng Tiêu Phong đã bác bỏ đề nghị này. Lúc nhà sư già mặc áo xám xuất hiện và cho Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác biết rằng cả hai đều bị nội thương vì đã quá tham và học quá nhiều môn võ công thượng thặng thì Tiêu Phong đã xin nhà sư chữa cho Tiêu Viễn Sơn, trong khi Mộ Dung Phục đã quyết đinh đưa Mộ Dung Bác đi mặc dầu ông này đương thống khổ vì nội thương hành hạ. Nhưng rồi nhà sư áo xám cũng chữa trị cho Mộ Dung Bác và chỉ điểm cho ông này giác ngộ và qui y, trong khi Mộ Dung Phục vẫn giữ quyết tâm khôi phục nước Đại Yên.

Việc vua Tây Hạ kén phò mã đã được Mộ Dung Phục cho là một cơ hội hiếm có giúp ông thực hiện giấc mộng của ông. Bởi đó, ông đã nhút quyết tranh cho bằng được chức phò mã Tây Hạ, mặc dầu điều này làm cho Vương Ngọc Yến thất vọng đến mức toan tự tử. Chính vì thái độ Mộ Dung Phục trong việc cầu thân này mà Vương Ngọc Yến thấy rõ là tư cách Đoàn Dự hơn Mộ Dung Phục nhiều và cuối cùng đã bỏ Mộ Dung Phục để theo Đoàn Dự

Sau khi thất bại trong việc mưu cầu làm phò mã nước Tây Hạ, Mộ Dung Phục lại âm mưu mượn thế nước Đại Lý để khôi phục nước Đại Yên. Chính ông đã đóng vai chủ động trong việc xảy ra tại Mạn Đà Sơn Trang. Kế hoạch của ông là: giết Đoàn Dự để Đoàn Chánh Thuần không còn con nối nghiệp và nhận Đoàn Diên Khánh làm người kế vị, nhưng Đoàn Chánh Thuần sẽ phải ở lại Mạn Đà Sơn Trang với Vương Phu Nhơn thành ra khi vua Đại Lý là Đoàn Chánh Minh băng thì Đoàn Diên Khánh có thể lên ngôi tức khắc. Khi giúp Đoàn Diên Khánh được làm vua Đại Lý một cách danh chánh ngôn thuận như vậy, Mộ Dung Phục chỉ yêu cầu ông này giúp cho mình một số quân để có cái thế mà cơ đồ đại sự.

Vì Đoàn Diên Khánh không nhận kế hoạch của Mộ Dung Phục sau khi biết rằng Đoàn Dự là con mình, Mộ Dung Phục tưởng rằng Đoàn Diên Khánh còn do dự là vì không tin cậy nơi ông. Do đó, ông đã cho biết rằng ông sẵn sàng nhận làm con nuôi của Đoàn Diên Khánh và đổi họ lại thành họ Đoàn theo sự đòi hỏi của Đoàn Diên Khánh. Ngoài việc làm cho Đoàn Diên Khánh tin cậy ông, Mộ Dung Phục còn tính rằng làm như vậy, ông có thể làm vua nước Đại Lý sau này. Dự liệu của ông là lúc đó, ông sẽ trở về với họ Mộ Dung và đổi tên nước Đại Lý ra nước Đại Yên.

Nhưng khi thấy Mộ Dung Phục chịu làm con nuôi Đoàn Diên Khánh và đổi họ thành họ Đoàn, các gia thần của ông đã phản đối ông. Trong sổ các gia thần này, có Bao Bất Đồng là người hay nói thẳng. Ông đã phân tích quyết định và các tính toán của Mộ Dung Phục và cho rằng với kế hoạch của mình, Mộ Dung Phục đã tỏ ra bất trung, bắt hiểu, bất nhân và bất nghĩa. Do đó, Mộ Dung Phục đã giết ông và điều này làm cho các gia thần khác ức uất và bỏ đi.

Mộ Dung Phục đã không thực hiện được kế hoạch vì Đoàn Dự đã bứt được dây trói và dùng Lục Mạch Thần Kiếm đánh cho ông phải bỏ chạy. Vì các gia thần có khả năng đã bỏ ông hết nên Mộ Dung Phục không còn cách nào thực hiện giấc mộng của ông và cuối cùng đã hóa điên. Ông đã mua kẹo bánh cho trẻ con ăn và bắt chúng quì lạy tung hô mình là hoàng đế để thỏa mãn lòng mơ ước của mình.

Chương V- QUÁCH TĨNH

Quách Tĩnh là con Quách Khiếu Thiên, dòng dõi Quách Thạnh là một người trong các anh hùng Lương Sơn Bạc. Gia đình của Quách Khiếu Thiên ở vùng phụ cận Lâm An là kinh đô của nhà Đại Tống lúc đã dời về phương nam (nay là Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Triết Giang). Thời đó, nhà Đại Tống suy yếu và bị nước Đại Kim uy hiếp. Bởi vậy, một số quan lại Đại Tống vì tham phú quí vinh hoa, đã ngầm làm việc cho người Đại Kim. Do lịnh của Hoàn Nhan Liệt là một thân vương nước Đại Kim, một võ quan của nhà Đại Tống là Đoàn Thiên Đức đã sát hại Quách Khiếu Thiên.

Lúc Quách Khiếu Thiên chết, vợ là Lý Bình đương có thai và bị Đoàn Thiên Đức bắt theo mình. Vì bị sự lùng bắt của Khưu Xứ Cơ là một đạo sĩ phái Toàn Chân đã kết bạn với Quách Khiếu Thiên, Đoàn Thiên Đức đã mang bà Lý Bình chạy sang nước Đại Kim, rồi theo một phái bộ Đại Kim sang Mông Cổ. Phái bộ này đã bị địch tấn công và bà Lý Bình đã nhơn lúc hỗn loạn gây ra vì cuộc tấn công này mà chạy thoát được.

Bà Lý Bình đã sanh Quách Tĩnh trong sa mạc Mông Cổ và cùng con sống luôn tại đó. Cậu bé Quách Trĩnh đã tỏ ra gan dạ và trọng nghĩa khí khi toan cứu Triết Biệt là một tướng Mông Cổ đã chống lại Thiết Mộc Chân nhưng sau lại đầu hàng Thiết Mộc Chân. Nhờ việc này, Quách Tĩnh được đưa về sống trong trại quân của Thiết Mộc Chân và kết bạn với Đà Lôi là con trai Thiết Mộc Chân. Kế đó Quách Tĩnh đã cứu được con gái Thiết Mộc Chân là Hoa Tranh khỏi bị beo vồ. Sau hết ông lại có dịp cứu giúp Thiết Mộc Chân khi ông này bi sự chống đối và mưu hại của một số nhà lãnh đạo Mông Cổ khác bị sự mua chuộc của người Đại Kim. Bởi vậy, Thiết Mộc Chân rất tin yêu Quách Tĩnh và khi đã tự tôn làm Thành Cát Tư Hãn, ông đã cho Quách Tĩnh làm Kim Đao Phò Mã và hứa gả Công Chúa Hoa Tranh cho Quách Tĩnh.

Về võ nghệ thì Quách Tĩnh đã được Triết Biệt dạy cho về các khoa chiến đấu của người Mông Cổ, đặc biệt là bắn cung. Lúc còn trẻ, ông đã từng dùng một mũi tên mà hạ được hai con chim điêu bay trên mây và nhờ đó mà được nổi tiếng là Anh Hùng Xạ Điêu. Ngoài ra, Quách Tĩnh lại còn được sự dạy dỗ kín đáo nhưng tận tâm của một số cao thủ võ lâm người Hán thuộc phái Giang Nam. Họ nguyên có bảy người và được gọi chung là Giang Nam Thất Quái, nhưng lúc bắt đầu dạy Quách Tĩnh thì một người đã chết nên chỉ cỏn lại có sáu người thành ra Giang Nam Lục Quái.

Các cao thủ người Hán này đều có nghĩa khí và có tâm huyết. Họ đã cố công tìm ra tung tích của Quách Tĩnh để huấn luyện vì họ đã đánh cuộc với Đạo Sĩ Khưu Xứ Cơ thuộc phái Toàn Chân và ước hẹn khi Quách Tĩnh được 18 tuổi thì đấu võ với đệ tử Khưu Xứ Cơ để phân hơn kém. Do sự đánh cuộc này, họ đã cố sức dạy Quách Tĩnh và Quách Tĩnh cũng cố sức học tập. Nhưng Giang Nam Lục Quái không có phép luyện nội công mà võ thuật của họ đã phức tạp lại không mấy cao siêu trong khi Quách Tĩnh lại vốn trì độn nên kết quả thâu hoạch được rất ít. Quách Tĩnh chỉ tiến bộ mạnh mẽ về võ thuật sau khi được Mã Ngọc là Chưởng Môn Nhơn phái Toàn Chân bí mật dạy phép luyện nội công cho. Nhưng để tránh sự kiêng kỵ về phép thâu nhận đệ tử thời đó, Mã Ngọc đã không nhận mình là thầy Quách Tĩnh.

Khi Quách Tĩnh lớn lên, Giang Nam Lục Quái đã theo lời ước hẹn, cho Quách Tĩnh sang nước Đại Kim để đấu nhau với Dương Khang là đệ tử Khưu Xứ Cơ. Thật sự thì lúc ấy, về võ nghệ và sự ứng biến trong khi giao đấu, Quách Tĩnh đã không hơn được Dương Khang. Nhưng vì Dương Khang bi tội bất hiếu nên Khưu Xứ Cơ đã nhận thua phe Giang Nam Lục Quái.

Cuộc du hành kỳ này không những đưa Quách Tĩnh sang nước Đại Kim mà còn đưa ông về nước Đại Tống. Trong dịp đi mọi nơi như vậy, Quách Tĩnh đã gặp nhiều cơ hội may mắn.

Trước hết, ông đã gặp Hoàng Dung là con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, chúa đảo Đào Hoa. Cô này rất thông minh lanh lợi, nhưng vì bi cha quở nên đã bỏ đảo Đào Hoa ra đi. Cô đã gặp Quách Tĩnh lúc cô giả trai. Vì thấy Quách Tĩnh tánh tình hào hiệp và thành thật nên cô đem lòng yêu và tận lực giúp đỡ Quách Tĩnh.

Về mặt võ thuật, Quách Tĩnh đã tiến bộ vượt bực nhờ nhiều lý do. Trước hết, trong dịp đi tìm thuốc về chữa bịnh cho Đạo Sĩ Vương Xứ Nhút, ông đã ngẫu nhiên hút được huyết con rắn quí của Lương Tử Ông và nhờ đó mà tăng thêm công lực rất nhiều. Kế đó, nhờ sự khéo léo của Hoàng Dung, rồi nhờ sự chơn chất của mình, Quách Tĩnh đã được Bắc Cái là Hồng Thất Công thương mến và dạy cho môn võ Hàng Long Thập Bát Chưởng. Ngoài ra, ông lại được Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông kết nghĩa anh em và dạy cho hết cả hai phần của CỬU ÂM CHƠN KINH. Khi đi tìm Đoàn Nam Đế (lúc ấy trở thành Nhất Đăng Đại Sư) để yêu cầu ông này chữa thương cho Hoàng Dung, Quách Tĩnh lại được ông này giải thích cho nên hiểu được hết các câu tiếng Phạn chen lẫn trong bản Hán văn của bộ kinh này thành ra đã thông hiểu nó hoàn toàn. Và trong lúc cùng Hoàng Dung ra đảo Đào Hoa để tìm Hoàng Dược Sư, Quách Tĩnh đã nhờ chứng kiến cuộc tranh tài giữa Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong và Bắc Cái Hồng Thất Công mà hiểu hết các điểm ẩn ảo cao siêu của võ thuật. Sau hết. Quách Tĩnh đã nhờ tìm được bộ VŨ MỤC DI THƯ do danh tướng nhà Tống là Nhạc Phi sáng tác nên biết cách điều khiển quân sĩ đánh giặc.

Tuy nhiên, mối tình giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã gặp nhiều trở lực. Ban đầu, Giang Nam Lục Quái không muốn cho Quách Tĩnh gần Hoàng Dung vì cho rằng cô này không phải là người tốt. Sau đó, Đông Tà lại hận Quách Tĩnh vì Quách Tĩnh lúc nhỏ đã ngẫu nhiên hạ sát Trần Huyền Phong là đệ tử của ông thành ra ông đã có lúc muốn đem Hoàng Dung gã cho Âu Dương Công Tử là cháu của Tây Độc. Khi ông chấp nhận gã Hoàng Dung cho Quách Tĩnh thì Quách Tĩnh đã tỏ ra quả chơn chất không biết lên tiếng tôn ông làm nhạc phụ ngay. Sau đó, Đông Tà lại tưởng rằng Quách Tĩnh đã nói dối ông khi bảo rằng mình không biết CỬU ÂM CHƠN KINH trong khi Quách Tĩnh thật sự đã không biết rằng cái mà Lão Ngoan Đồng đem dạy mình chính là bộ kinh trứ danh này. Lúc bị Linh Trí Thượng Nhơn gạt và tưởng rằng Hoàng Dung đã chết khi vượt biển đi tìm Quách Tĩnh, Đông Tà càng thù Quách Tĩnh thêm và có ý định triệt hạ luôn thầy Quách Tĩnh là nhóm Giang Nam Lục Quái.

Về phần Quách Tĩnh thì cũng hiềm Đông Tà vì ông này đã có sự đụng chạm với phái Toàn Chân. Sau đó. ông lại nghĩ rằng chính Đông Tà đã giữ năm người thầy của mình trong nhóm Giang Nam Lục Quái nên quay ra hận hủi Hoàng Dung. Nhờ lanh lợi, thông minh và có nhiều mưu kế Hoàng Dung đã nhẫn nhục cứu giúp Kha Trấn Ác là người duy nhất cỏn sống sót trong nhóm Giang Nam Thất Quái và làm cho ông thấy rõ rằng thủ phạm giết năm người anh em kết nghĩa với ông là Tây Độc và Dương Khang. Đến lúc đó, Quách Tĩnh mới nhận thấy sự thật và yêu Hoàng Dung trở lại.

Nhưng mặc dầu lòng Quách Tĩnh chỉ yêu Hoàng Dung, ông lại còn vướng víu vì lời hứa cưới Hoa Tranh làm vợ. Vì muốn giữ lời hứa, ông đã về Mông Cổ khi không tìm ra tung tích Hoàng Dung lúc ấy đang bị Tây Độc bắt giữ. Quách Tĩnh đã được Thành Cát Tư Hãn phong làm tướng đi đánh giặc. Phần Hoàng Dung thì đã trốn khỏi sự kềm chế của Tây Độc. Vì đương giữ chức Bang Chủ Cái Bang, bà đã huy động được người của đoàn thể này ngầm giúp Quách Tĩnh, nhắc Quách Tĩnh sử dụng VŨ MỤC DI THƯ và nhờ đó mà lập công lớn với Thành Cát Tư Hãn, đồng thời giết được Hoàn Nhan Liệt báo thù cho cha. Quách Tĩnh đã đinh bụng lấy công trạng mình đã thâu hoạch được trong cuộc chiến đấu để đổi lại lời hứa cưới Công Chúa Hoa Tranh làm vợ và được kết duyên với Hoàng Dung. Nhưng vì ông bất nhẫn khi thấy người Mông Cổ tàn sát dân chúng của thành phố bị triệt hạ, ông đã lấy công ông để xin Thành Cát Tư Hãn tha cho dân chúng thành phố này.

Việc Công Chúa Hoa Tranh chỉ được giải quyết bằng một thảm kịch cho Quách Tĩnh. Mặc dầu không mấy hài lòng về việc Quách Tĩnh xin tha cho cho dân chúng, Thành Cát Tư Hãn vẫn cỏn tin cậy và quí mến ông. Bởi đó, nhà vua Mông Cổ này đã phong cho Quách Tĩnh làm tướng đi đánh Đại Kim với Đà Lôi, nhưng đồng thời có mật lịnh theo đó Quách Tĩnh phải kéo quân đánh luôn Đại Tống sau khi hạ Đại Kim. Theo mưu đồ của Thành Cát Tư Hãn, nếu Quách Tĩnh từ chối không tuân lịnh đánh Đại Tống thì ông phải bi hạ sát ngay. Do chủ trương này, Thành Cát Tư Hãn đã giữ Bà Lý Bình là mẹ Quách Tĩnh ở lại Mông Cổ. Mẹ con Quách Tĩnh đã biết được dụng ý Thành Cát Tư Hãn nên định bỏ trốn về Đại Tống. Vì sợ Quách Tĩnh đi luôn, Công Chúa Hoa Tranh đã tố cáo âm mưu này với hy vọng giữ mẹ con Quách Tĩnh lại. Nhưng bà Lý Bình không muốn cho con vì vướng víu mình mà bắt buộc phải phục vụ người Mông Cổ trong việc lấn đánh Đại Tống nên đã tự tử.

Do chỗ Công Chúa Hoa Tranh có trách nhiệm về cái chết của Bà Lý Bình mà Quách Tĩnh có thể quay về với Hoàng Dung. Nhưng khi thấy Quách Tĩnh xin với Thành Cát Tư Hãn cho dân khỏi chết thay vì xin khỏi lấy Công Chúa Hoa Tranh, Hoàng Dung lại nghĩ rằng Quách Tĩnh ham chức Phò Mã Mông Cổ mà phụ bạc mình nên bỏ đi và bị Tây Độc bắt trở lại. Quách Tĩnh phải đi tìm và giải thoát Hoàng Dung. Khi quân Mông Cổ vây thành Tương Dương, Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã đến phụ giúp vào việc giữ thành này. Quách Tĩnh đã lén vào đại bản dinh Mông Cổ với ý định hành thích chủ tướng Mông Cổ là Đà Lôi mặc dầu ông này đã kết nghĩa anh em với mình.

Nhưng lúc đó, Thành Cát Tư Hãn đương hấp hối và có lịnh gọi Đà Lôi về gặp mặt trước khi chết. Thành Cát Tư Hãn lại nhắn với Đà Lôi là nếu có gặp Quách Tĩnh thì cũng đưa về gặp mình và Quách Tĩnh đã trở về Mông Cổ để hội kiến với Thành Cát Tư Hãn trước khi nhà vua này băng hà.

Sau đó, Quách Tĩnh và hoàng Dung về đảo Đào Hoa và kết hôn với nhau sanh ra đứa con đầu lỏng là Quách Phù. Đông Tà Hoàng Dược Sư đã giao đảo Đào Hoa cho họ để đi chơi xa, không cho biết tin tức gì về mình. Lúc Quách Phù đã trên 10 tuổi, Quách Tĩnh và Hoàng Dung đã bỏ đảo Đào Hoa về Đại Tống thăm dò tin tức Đông Tà nhưng không tìm được ông. Khi người Mông Cổ đã diệt xong nước Đại Kim rồi chủ trương chinh phục Đại Tống, Quách Tĩnh và Hoàng Dung lại đến thành Tương Dương lúc ấy là địa điểm then chốt cho việc phòng thủ lãnh thổ Đại Tống. Họ đã ở đó trong hơn mười năm để giúp chánh quyền và nhơn dân chống chọi lại các đạo quân Mông Cổ đến tấn công. Đến lúc nhà vua Mông Cổ Mông Kha (tức là Nguyên Hiển Tông) bi tử trận khi công phá Tương Dương và thất bại, Quách Tĩnh và Hoàng Dung mới tạm thời rời bỏ thành này. Nhờ công ơn giữ thành giúp dân chúng nên Quách Tĩnh đã được tôn làm đại hiệp và được gọi là Bắc Hiệp để thay thể Bắc Cái đã chết trong số năm vị bá chủ võ lâm.

Cứ theo bộ CÔ GÁI ĐỒ LONG thì sau đó Quách Tĩnh và Hoàng Dung lại trở lại giúp chánh quyền và dân chúng Tương Dương giữ thành này và đã tử nạn khi quân Nguyên phá được thành. Nhưng trước đó, hai nhơn vật này đã dự liệu rằng thế nhà Đại Tống không thể chống cự nổi quân Mông Cổ. Để chuẩn bi cho việc đánh người Mông Cổ giải thoát Hán tộc trong tương lai, họ đã làm một bí kíp ghi võ công của CỬU ÂM CHƠN KINH và Hàng Long Thập Bát Chưởng giấu vào một thanh kiếm đặt tên là Ỷ Thiên, và đem VŨ MỤC DI THƯ giấu vào một thanh đao đặt tên là Đồ Long. Đồ Long hàm ý giết nhà cầm quyền Mông Cổ để giải thoát Hán tộc và Ỷ Thiên hàm ý thể theo ý trời mà trừ diệt những kẻ cầm quyền gian ác, tham nhũng, hại dân. Hai võ khí này được chế tạo bằng chất kim loại đặc biệt lấy từ cây Huyền Thiết Kiếm của Dương Quá nên rất sắc bén có thể chém gãy các võ khí khác, nhưng nếu dùng hai võ khí ấy để chặt nhau thì cả hai đều gãy và để lộ các bí kíp. Người Hán tộc thời Quách Tĩnh và Hoàng Dung vừa bị xâm lấn của người Mông Cổ, vừa bị khổ sở vì nạn tham quan ô lại của nhà Đại Tống. Do đó, khi chế tạo đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên, Quách Tĩnh và Hoàng Dung có dụng ý truyền lại cho kẻ có cơ duyên bộ VŨ MỤC DI THƯ để họ đánh đuổi người Mông Cổ khỏi đất Hán và các bí kíp võ công đế họ trừ gian diệt bạo, bảo vệ nhơn dân đối với bất cứ chánh quyền nào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx