sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 04 - Phần 3

17. Áp dụng vào đánh giá

Katharine Briggs và con gái của mình là Isabel Briggs Myers đã phát triển một loại hình trắc nghiệm trên giấy và bút chì để giúp một người tìm ra nhân cách của mình. Đây là loại trắc nghiệm có tên gọi Nhận định tuýp nhân cách Myers–Briggs, đây là loại trắc nghiệm rất phổ thông, được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi.

Đây là bản trắc nghiêm gồm có 125 câu hỏi, tuỳ theo câu trả lời phù hợp với khả năng tính cách sẽ có mười sáu loại nhân cách. Đôi lúc người ta sẽ thấy mình rơi vào hai đến ba nhân cách khác nhau. Nhân cách được xác định sẽ giúp một cá nhân tìm cho mình những cơ hội chọn nghề, hoặc nhân cách ấy sẽ có một bản tuyên ngôn triết lý sống cá nhân. Người trải qua trắc nghiệm sẽ tìm ra điều mình thích đề mưu cầu hạnh phúc và xác định được điều mình ghét để né tránh. Đây là trắc nghiệm rất khách quan, được sử dụng như một dụng cụ để tự khám phá mình chứ không phải để so sánh với người khác để biết mình vượt trội hay sút kém.

Bài trắc nghiệm có bốn nấc đo:

– E–I (hướng ngoại – hướng nội). Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 75% người tham gia trắc nghiệm có xu hướng nhân cách hướng ngoại.

– S–N (cảm giác – trực giác). Kết quả cho thấy 75% các người cho mình cho biết họ xử lý dữ kiện trên kênh chức năng cảm giác.

– T–F (tư duy – cảm xúc). Kết quả cho thấy có sự đồng đều giữa hai thái cực, tuy nhiên một điều thú vị là 2/3 nam giới cho rằng họ là người có nhân cách tư duy và 2/3 nữ giới tin rằng họ là người có nhân cách cảm xúc. Tất nhiên ta nên tránh kết luận thành kiến. Theo các nhà tâm lý nhóm Jungians thì nhân cách tư duy và nhân cách cảm xúc đều có những mặt mạnh của mình. Và một điều cần cân nhắc là xã hội có những quan niệm và đánh giá rất khác nhau về tư duy và xúc cảm.

– J–P (đánh giá – cách nhìn): Đây không phải là đại lượng nguyên thủy của Jung. Myers và Briggs đã phát triển thêm để giúp một cá nhân trong việc xác định được chức năng nhân cách chủ lực của mình. Đây là một đại lượng giúp tự đánh giá bản thân một cách chính xác và trung thực hơn về những mặt mạnh và mặt yếu của mình. Chẳng hạn người có nhân cách cái nhìn sẽ nhạy bén nhưng thường cẩu thả hơn nhiều.

Mỗi người sau khi trải qua bản trắc nghiệm sẽ có một hệ mã số bao gồm bốn chữ cái cho mình.

Người hướng ngoại, trực giác, cảm xúc, đánh giá: ENFJ: là những người dễ dàng đối thoại, họ thường lý tưởng hóa bạn bè, họ có thể là những tư vấn viên tâm lý tốt, có thiện chí giúp người khác thường là những giáo viên làm tốt công tác dạy dỗ. Họ sẽ là những bậc cha mẹ tốt, có phần hơi nhiệt tình quá mức, sẽ là những ông sếp tốt, và là người có khả năng giỏi trong tiếp thị.

Người hướng ngoại, trực giác, cảm xúc, cách nhìn: ENFP: là người thích mới mẻ và bất ngờ. Họ là người rất giàu cảm xúc và khả năng biểu diễn cảm xúc. Họ là người hay có những căng thẳng cơ bắp và có khuynh hướng cảnh giác cao độ. Họ thường có khuynh hướng cảm thấy tâm trạng ý thức về bản thân. Họ là người thành công trong kinh doanh, quảng cáo, làm chính trị và đóng kịch.

Người hướng ngoại, trực giác, tư duy, đánh giá: ENTJ: là người nắm quyền hành trong nhà, là người đòi hỏi nhiều nơi người thân. Họ thích cơ cấu tổ chức guồng máy có cấu trúc. Họ có thể là những ông sếp tốt và là những người làm công tác quản lý giỏi.

Người hướng ngoại, trực giác, tư duy, cách nhìn: ENTP: họ là những người hoạt bát, không bừa bộn mà không nghiêm ngặt, họ là người hơi liều lĩnh, nhất là về mặt kinh tế. Họ là người có khả năng phân tích và có thể làm tốt trong việc tự thành lập công ty. Họ thường có xu hướng thích làm việc chỉ một mình.

Người hướng ngoại cảm giác, cảm xúc, đánh giá: ESFJ: là mẫu người thích dĩ hòa vi quý. Có khuynh hướng đặt nặng về điều nên hoặc không nên. Họ có thể là người lệ thuộc, trước là vào cha mẹ, sau đó lệ thuộc vào vợ con. Họ là người ruột để ngoài da và thành công trong công việc liên hệ đến những hợp đồng cá nhân.

Người hướng ngoại, cảm giác, cảm xúc, cách nhìn: ESFP: là người rất xốc nổi đến độ liều lĩnh. Họ chịu đựng lo lắng rất kém. Là những người đầy nhiệt huyết trong công việc, yêu thích công việc liên hệ đến tiếp thị công cộng (PR), họ thích nói chuyện qua điện thoại. Họ không thành công lắm trong công việc học tập, nhất là những ngành khoa học.

Người hướng ngoại, cảm giác, tư duy, đánh giá: ESTJ: đây là những người bạn có tinh thần trách nhiệm, là phụ huynh tốt và trung thành với công việc của cơ quan, họ là người thực tế và bình dân, ngăn nắp và là người yêu mến những giá trị truyền thống. Họ thường là người tham gia vào những phong trào địa phương, lối xóm.

Người hướng ngoại, cảm giác, tư duy, cách nhìn: ESTP: họ là những người hiếu động, thường uyên thâm trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đôi lúc có phần quá nguyên tắc trong chuyên môn. Họ là những người bạn sôi nổi và vui vẻ, nhưng rất kém về mặt gắn bó và trung thành. Họ là người giỏi trong việc cổ động viên, làm chủ doanh nghiệp, và có thể là những tay lừa đảo cừ khôi.

Người hướng nội, trực giác, cảm xúc, đánh giá: INFJ: họ là những người học trò nghiêm túc, làm việc hết mình, luôn sẵn lòng cống hiến vào công việc. Họ khép kín và rất dễ bị tổn thương. Họ sẽ là những người vợ chồng tốt, nhưng có phần co cụm, họ có thể trở thành bác sĩ, nhà trị liệu, giáo sĩ, họ là người rất tâm lý.

Người hướng nội, trực giác, cảm xúc, cách nhìn: INFP: là những người thực tế, sẵn sàng xả thân, tương đối lạnh lùng và khép kín. Họ là người chuộng giá trị gia đình, nhưng rất ít chịu nghỉ ngơi. Họ là người của những của lĩnh vực tâm lý, kiến trúc, và tôn giáo, nhưng không bao giờ làm thương mại. Đây là tuýp người của riêng cá nhân Jung.

Người hướng nội, trực giác, tư duy, đánh giá: INTJ: đây là những mẫu người rất độc lập trong mọi công việc. Họ rất chuộng lôgíc và những ý tưởng liên hệ đến những phương pháp nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên họ thường là người cứng rắn trong nếp nghĩ và có xu hướng một chiều.

Người hướng nội, trực giác, tư duy, cách nhìn: INTP: họ là người trung thành, rất hay ưu tư về một vấn đề và thường chóng quên các tiểu tiết. Họ là những con mọt sách. Họ là người thường có những chuẩn xác trong ngôn ngữ nói. Họ là những người giỏi về lôgíc và toán học, có thể trở thành những nhà triết học, các nhà học thuyết, nhưng không thể là nhà văn hay người bán hàng được.

Người hướng nội, cảm giác, cảm xúc, đánh giá: ISFJ: là những người có tinh thần phục vụ và yêu công việc. Họ có thể là người làm đến quên mệt nên dễ ngã quỵ. Họ thường bị lôi kéo vào những nan đề. Họ thường là những y tá, giáo viên, thư ký, thầy thuốc, nhân viên thư viện, quản lý cấp trung hoặc là những người nội trợ.

Người hướng nội, cảm giác, cảm xúc, cách nhìn: ISFP: là những người hay mắc cỡ và co cụm, thường ít nói nhưng có những hành động rất nhạy cảm. Họ yêu thích hội họa, vẽ, điêu khắc, soạn nhạc, làm thơ, khiêu vũ. Họ yêu thích thiên nhiên. Họ thường không thích gắn bó với những công việc, họ thường mau chán.

Người hướng nội, cảm giác, tư duy, cách nhìn: ISTJ: là những người có thể là chỗ dựa vững chắc cho người khác. Họ thường góp ý xây dựng người thân và bạn bè của mình. Họ là những người làm tốt trong ngành ngân hàng, kiểm toán, kế toán, nhân viên thuế vụ, giám thị, trong thể thao, huấn luyện viên.

Người hướng nội, cảm giác, tư duy, cách nhìn: ISTP: là những người rất thích mạo hiểm. Họ luôn tìm kiếm cảm giác mạnh. Họ là người xốc nổi và rất liều lĩnh. Họ rất thích đồ nghề (tools) và vũ khí. Họ thường rất giỏi về chuyên môn thợ máy. Họ không thích nói chuyện và thường bị đoán sai là người ham đọc sách và rất hiếu động. Họ thường không thành công lắm trong trường học.

Mặc dù không cần trải qua trắc nghiệm này, bạn cũng sẽ nhận ra mình thuộc loại nhân cách nào. Khi bạn hỏi người quen, họ có thể trả lời khá chính xác về chúng ta. Tuy nhiên nếu bạn thật sự muốn thử trắc nghiệm trên mạng internet, bạn chỉ cần một số vốn liếng tiếng Anh là đủ. Khi muốn thử các bản trắc nghiệm trên mạng, bạn chỉ cần đánh cụm từ personality test – sẽ có nhiều trang web miễn phí cung cấp cho bạn dịch vụ này.

18. Thảo luận

Một số rất ít người tìm thấy những giá trị áp dụng thực tiễn của Jung vào bối cảnh tâm lý. Chỉ có những nhà văn, nghệ sỹ, nhạc sĩ, các nhà làm phim, các nhà thần học, các giáo sĩ, sinh viên thần thoại học và một số nhà tâm lý là những người tìm đến những tư tưởng của ông. Nói chung họ là những người có hứng thú trong sáng tạo về đời sống tâm linh, những hiện tượng tâm lý, về vũ trụ học, hoặc những ai tìm thấy ở ông một trái tim nhân hậu.

Các nhà khoa học, bao gồm cả một số nhà tâm lý có những bất đồng khá rõ nét đối với Jung. Không phải chỉ vì ông đề xướng khái niệm hướng thiện mà ông còn đi sâu hơn vào địa hạt huyền bí và về những sự liên hệ thiêng liêng của khái niệm cơ duyên. Nhất là việc ông đề xướng cõi vô thức, một đại lượng vốn không thể kiểm chứng được bằng thí nghiệm. Ngoài ra khái niệm vô thức tập thể được ông đề xuất là một đại lượng không bao giờ được thẩm định qua khung ý thức. Hơn nữa Jung còn là người đã chọn con đường đi ngược lại với những nhà học thuyết theo trường phái lý luận phân tích: Jung đã bắt đầu lý giải ở tầng thấp nhất là tâm lý và sinh lý rồi sau đó tổng hợp vào tầng cao nhất là đời sống tâm linh tinh thần.

Ngay cả những nhà tâm lý chú ý đến hiện tượng hướng thiện (teleology) của ông và những người đi theo trường phái lý luận tổng hợp cũng không hoàn toàn tìm thấy Jung sự thuyết phục. Giống Freud, Jung muốn gộp tất cả mọi sự vào học thuyết của mình. Vì thế ông đã chừa ra quá ít khoảng trống cho những ngoại lệ (những điều ngoài sự cố, tai nạn, những trường hợp hoàn cảnh đặc trưng bất ngờ…). Nhân cách vì thế đã được giải thích quá rộng theo chủ thuyết của Jung.

C. George Boeree (2006) cho rằng chỉ có những học sinh tìm thấy sự hấp dẫn của học thuyết này. Nhiều người khi đối điện với thực tế xã hội đã co cụm trốn tránh vào tháp ngà ảo tưởng. Nhiều người đã thối chí, chạy đi tìm những hướng giải quyết mang đậm tính trừu tượng, siêu nhiên, tôn giáo, và những điều lẩn quẩn khác. Những chỉ trích này tuy nhiên vẫn không thể phá hủy được những nền tảng đóng góp của ông – người đã tạo ra những thế hệ mới cẩn thận hơn trong việc tìm đến với học thuyết này.

19. Những đóng góp tích cực của Jung

Hai tác giả Myers–Briggs và bản trắc nghiệm nhân cách dựa theo đường lối của Jung về những chức năng nhân cách, cho phép con người tự khám phá bản thân một cách trung dung, không quá tự đề cao (mình rất tuyệt vời) và cũng không khiến họ lo lắng (mình sao tệ quá). Bản trắc nghiệm này chỉ khiến con người cảnh giác về nhân cách của họ nhiều hơn.

Các nguyên mẫu mới thoạt nhìn là những ý tưởng xa lạ, nhưng có thể nói là những lời giải thích có ý nghĩa trong việc phân tích các giai thoại, chuyện cổ tích và văn chương nói chung, cùng với những biểu tượng nghệ thuật khác. Các nguyên mẫu này đã cho phép chúng ta có những "đơn vị đo lường khả năng sáng tạo" cần thiết để chúng ta giải thích được những hiện tượng phức tạp.

Các nguyên mẫu này còn giúp chúng ta trong việc xây dựng những cấu trúc căn bản của cấu trúc tâm lý nơi người ở một mức độ sâu hơn.

Từ lăng kính sinh lý, chúng ta có thể bước vào thế giới của ông, đến với một cấu trúc hoàn toàn khác biệt qua cách chúng ta nhìn và nghe về một sự việc. Từ đó chúng ta sẽ xử lý các dữ kiện theo một lối hoàn toàn khác. Chúng ta sẽ ứng xử một cách toàn diện hơn. Đơn giản là nếu các tế bào não của chúng ta, tuyến nội tiết các cơ bắp đều được thiết kế và tuân theo một hệ thống luật định sinh học hoàn toàn khác hẳn, Jung đã cung cấp những giải thích hoàn toàn mang tính chất hiện tượng học. Một số tâm lý gia theo trường phái nhận thức tư duy đã nhìn nhận rằng học thuyết của họ đã có những liên hệ đối chiếu với cấu trúc trong học thuyết của Jung.

Sau cùng, Jung đã mở cửa để chúng ta nhìn vào thế giới phát triển của trẻ em và phát triển nơi người lớn. Jung đã cung cấp những giải thích rất gần gũi với não trạng mà trẻ em vẫn đem theo chúng: Tại sao lại như thế? Cái gì thế kia? Loại gì mà lại vậy? Và lớn lên chúng ta vẫn có nhu cầu phân biệt ấy. Jung đã cung cấp những lý giải và những mẫu "đơn vị sáng tạo" để ta nhìn thấy mình qua một lăng kính khác.

Jung đã tạo cho chúng ta một khung sườn để người trưởng thành có thể tìm ra ý nghĩa của sự liên kết với các bộ phận xã hội, từ đó vượt qua chính sự mâu thuẫn của mình. Càng lớn, chúng ta càng muốn tìm ra những điểm nối giữa những liên hệ, sự vận hành của cuộc sống và cả những điều lớn lao hơn chính chúng ta. Con người luôn muốn thâu tóm ý nghĩa cuộc đời qua những phạm trù rất riêng. Chúng ta muốn cắt nghĩa và lý giải ý nghĩa làm người của mình. Jung đã giúp chúng ta giải bài toán cuộc đời. Nếu như trẻ con hăng hái trong việc khám phá, cắt tung và xé toạc cuộc đời thì về già chúng ta lại tận tụy ân cần trong việc sắp xếp các mảnh vỡ để hàn gắn, sửa lại những gì ta đã phá vỡ ngày xưa.

20. Những điểm nối

Một mặt nào đó, Jung vẫn còn liên hệ với Freud qua những nền tảng rất cơ bản. Ông đã bàn luận và nhấn mạnh về cõi vô thức nhiều hơn Freud đã đào sâu trước đó. Có thể nói rằng Jung là người đã đi sâu hơn và tiếp tục khai phá rộng thêm những khoảng đất mà Freud đã khai hoang. Jung đã cho rằng những hành vi của chúng ta có ảnh hưởng của cõi vô thức, và đây cũng là điều đã được Freud nhắc đến. Chính Freud cũng đã sử dụng thần thoại (hội chứng khủng hoảng Oedipus) cho thấy sự liên hệ giữa thần thoại và tâm lý hiện đại mà hai người đã ứng dụng.

Mặt khác, Jung có rất nhiều điểm chung với những nhà tâm lý không đi theo đường hướng của Freud. Các nhà nhân học và những người theo chủ trương hiện sinh cũng có những liên hệ gần gũi với Jung. Ông tin rằng con người về bản chất là hướng về điều tốt đẹp, tiến đến chiều hướng tích cực, chứ không chỉ dừng lại ở chỗ thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện sống như vẫn thấy ở trường phái Freudian hay những nhà tâm lý thuộc nhóm hành vi. Khái niệm nhận ra mình chính là khái niệm rất giống với trạng thái giác ngộ mà hiện nay nhiều người bắt đầu quan tâm đến.

Khái niệm cân bằng hay giảm thiểu những xung đột đối nghịch mà ông đã đề xướng có những đối tác trong các học thuyết khác. Các nhà học thuyết tâm lý nhân cách như Alfred Alđer, Otto Rank, Andreas Angyal, David Bakan, Gardner Murphy và Rollo May đều nhắm đến quá trình cân bằng giữa hai xu hướng mâu thuẫn để tìm lại ổn định trên bình diện cá nhân trong cách tìm đến những dung hòa với môi trường xã hội. Rollo May nói về tâm thức là một tổng hợp gồm nhiều những ông thần nhỏ, đại diện cho những đam mê về quyền lực, tiền tài, dục vọng, và danh vọng. Tuy những phạm trù nhu cầu này vẫn có những giá trị tích cực nhất định nếu được điều tiết trong một khuôn khổ, và đừng để chúng khống chế và lũng đoạn con người. Nếu không, con người sẽ dễ bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến bệnh tâm thần.

Sau cùng, chúng ta phải nhớ đến công lao của ông là người đã xây dựng một hệ thống những giải thích về những giấc mơ, dù đó là những triệu chứng hay những giấc mơ để phân tích các quá trình liên tưởng tự do của thân chủ.

Nếu như Freud đào sâu và khoanh vùng các hướng giải thích trong bối cảnh tính dục thì Jung cho phép chúng ta nhìn ra rộng và xa hơn, nhất là qua lăng kính của thần thoại học. Và những phân tích của nhóm hiện sinh đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những khám phá của Jung.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx