sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thức Giấc

Bác sĩ còn nghe thấy tiếng sóng gầm ngoài khơi xa. Âm vọng đều đều, buồn nản. Với cái áo ấm choàng sơ trên vai, ông theo lối đi rải san hô ra đến bờ nước. Giờ này ắt hẳn mọi người đều an giấc, kể cả người vợ và mấy đứa con thân yêu còn ít tuổi của bác sĩ. Cô nữ y tá có phiên trực đêm nay có lẽ lười biếng nằm đọc tiểu thuyết hay thơ tình không hay biết gì về việc riêng của bác sĩ. Đôi giày của bác sĩ chạm trên đá cuội và san hô nghe lạo xạo, tiếng động gãy và thanh. Bất giác bác sĩ như nghe lại một điệu trong một tấu khúc diễn tả bước chân vang trên sỏi của một đôi tình nhân trong đêm khuya. Ông tưởng tượng đến mái tóc người con gái đang ngã vào vai anh con trai dìu nhau đi, dìu nhau đi. Chỉ có những đêm như đêm nay bác sĩ mới cảm thấu được cái ma lực của âm nhạc. Ông cũng nhận biết con gái mình say mê nhạc bởi nó đã bắt được cái giây phút thiêng liêng vi diệu kia. "Thật đáng quý hóa!", bác sĩ nói một mình. Người chồng của Mai – con gái bác sĩ cũng say mê nhạc như Mai. Anh ta chỉ trạc bằng tuổi Đức – con trai lớn của bác sĩ – nhưng cao lớn hơn nhiều. Anh chỉ biết có âm nhạc và bất kể mọi thứ trên đời. Vậy mà từ lâu bác sĩ đã khinh thường anh ta. Khinh thường đến ra mặt. Cho nên không đời nào Ngạc – tên anh chàng – muốn về cái miền thành phố này, mặc dù ở đây anh có nhiều chỗ quen thuộc và nhất là nhiều kỷ niệm, mà kỷ niệm sâu xa nhất là những ngày đầu tiên đến với Mai và nói chuyện âm nhạc với Đức. Bác sĩ đã viết cho Mai đại ý không nhìn nhận con gái nữa. Mai vẫn liều sống chung với Ngạc, không phải vì nàng đã hiến thân cho Ngạc mà bởi Mai không thể sống xa Ngạc, thế thôi. Mai bán lần hồi tất cả nhẫn, xuyến, đồng hồ để hai người có phương tiện sống chung với nhau. Mai thuộc loại con gái bất cần đời và khinh thường tất cả. Mai không cần biết mình đã hành động theo tình cảm hay lý trí. Nàng chỉ hành động theo lý tưởng. Chỉ hơi phiền Ngạc. Anh chàng có thái độ lạ lùng với xã hội trước đời sống: anh không thèm thi cử gì hết và bất cần làm việc gì hết. Bước chân vào đại học chỉ có mấy ngày, anh tự ý rút lui, không tỏ vẻ khinh khi hay hờn giận chi hết. Việc đó xảy ra cách đây đã hơn ba năm. Cuối cùng, túng thế, Ngạc vào làm tạm ở Usom. Hai người tặn tiện ăn tiêu và sau ba năm họ đã tậu được một cây piano. Họ thuê một căn nhà khá sang ở một building. Tất cả thì giờ rỗi họ đều dành cho việc nghiên cứu âm nhạc và chơi đàn. Để vấn đề tài chính khỏi đe dọa, Mai còn bỏ một ít thì giờ dịch bất cứ thứ gì mà các báo – nhất là các báo phụ nữ – cần đăng. Từ cuộc đời bán mạng của một Brigitte Bardot đến cuộc đời xả thân của một Albert Schweitzer, từ nghệ thuật làm dáng của đàn bà cho đến cách nấu ăn Đông Tây kim cổ – những tài liệu đầy dẫy trong các báo Anh, Pháp – Mai không từ bỏ thứ nào. Dĩ nhiên là Mai đã ký tên người dịch hay sưu tầm hàng chục thứ tên. Nhiều khi Mai mỉm cười một mình với cuộc sống ngoại hạng đó. Nhiều lúc đầu tháng có nhiều tiền họ dẫn nhau đến những hiệu cơm sang trọng. Nhưng cũng có lúc cạn túi, họ phải ăn toàn bánh mì với chuối hay cả đến bánh mì khô. Cuộc sống đó cả hai người đều không muốn ai biết đến. Họ ngại nhất là những con mắt tò mò tọc mạch của người quen biết – trừ bạn bè – có thể làm thương tổn đến hạnh phúc kia. Song Mai vẫn còn nuôi một ước vọng. Nhiều lúc Mai gửi thư về mẹ để gián tiếp khuất phục người cha để đạt ước vọng đó. Đó là một ngôi nhà, nhỏ thôi, nhưng bằng đá cất theo kiểu nàng thích. Nhà hầu như chỉ có một căn phòng nhưng khá cao khỏi mặt nước, trên một ghềnh đá dòm ra biển. Mai gián tiếp hứa với cha là sẽ không làm phiền cha bất cứ điều gì nữa. Lâu lâu Mai sẽ về đó một mình hay cùng chồng hay một người bạn gái hay trai – trong bất cứ khoảng thời gian nào. Sáng, chiều, đêm hoặc giữa khuya. Nàng sẽ đi vòng theo lối mòn sau lưng bệnh viện mà vào đó. Nàng sẽ không đi qua phòng làm việc của mẹ nàng hay của các em. Nghĩa là Mai không muốn quấy rầy ai hết. Nàng tưởng tượng trong đêm khuya, lúc biển lặng hoàn toàn hay sóng gầm xô cao lên, nàng sẽ một mình hay cùng một người bạn đi ra đó ngồi bên đàn lắng nghe niềm bí mật ngàn đời của vũ trụ. Tưởng tượng thôi Mai cũng thấy lạnh người vì cảm khoái. Nàng hết sức bày tỏ với mẹ. Mẹ thì thương con nhưng làm sao hiểu nổi. Còn người cha – vị bác sĩ kia – thì tức tối khi đọc xong những cái thư kia. "Hỏng, hỏng! Lãng mạn! Hay là nó điên, nó điên thực mà!".

Đêm nay một mình giữa trời biển bao la, bác sĩ nhớ hết lại những lời mắng mỏ kia. Bác sĩ tự hỏi: "Ta điên hay con Mai ta điên?". Để rồi tự trả lời: "Chẳng lẽ cả hai cùng điên". Bác sĩ phân vân lắm. Ông đi từng bước ngắn, cúi đầu suy nghĩ. Bác sĩ như luyến tiếc, như ân hận một thời nào xa xăm. Bác sĩ lẩm bẩm: "Phải chi còn trẻ, khi còn trẻ… đã muộn rồi chăng?". Ông nhìn ra đại dương đen thẳm. Sóng vẫn vỗ đều đều buồn nản. Từ đáy biển vang lên những âm vọng xa xôi. Nhìn lại khoảng đường đã đi qua, ông bùi ngùi muốn khóc. Ông nhìn lên trời cao. Những vì sao nhấp nháy lưa thưa tự bao giờ. Một vài cái thỉnh thoảng đổi ngôi bay xẹt qua bằng một nửa vòng cung rộng thật huyền ảo. Bao nhiêu thế đại đã đi qua và hằng hằng thế đại cũng sẽ đi qua, tất cả đều tắt biến nhanh như những vì sao kia. Bác sĩ cảm thấy cái bé bỏng, cái mong manh và tự nhiên bác sĩ cảm thấy một nguồn ân hận mênh mông trùm xuống tâm hồn. Ông đã bỏ qua tuổi trẻ một cách oan uổng.

Khi mà những người bạn cùng lớp đã sống hết cho tuổi trẻ của mình thì bác sĩ lại giam nó trong căn phòng kín vây quanh bởi những chồng sách dày cộm. Hồi đó, những lần ở trường về hoặc những lần đang nằm trong căn phòng dĩ vãng kia bắt gặp tấm thiệp mời của bạn bè nhân một ngày vui có mở bal, chàng sinh viên trường thuộc kia thản nhiên cầm lấy, thảng hoặc mới liếc nhanh qua một cái rồi nghiêm nghị xé bỏ đi. Bạn bè lần hồi chán bỏ đi mất hết. Tuổi trẻ bác sĩ khô như đá vì ông chỉ nhìn con đường trước mặt. Nhưng con đường đó sẽ dẫn bác sĩ đến đâu? Người khách bộ hành kia chừng đã mỏi mệt rồi. Nhìn ngút về quá khứ, bác sĩ chỉ thấy bóng mình mù lấp. "Ôi thanh xuân! Ôi thanh xuân!", bác sĩ nói một mình và nằm dài trên cát. Ông bỗng nhiên nghĩ đến đứa con trai lớn: Đức. Người cha già đó đã có ý nghĩ lạ lùng. Ông ân hận. Ông nhận thấy tội lỗi đã bắt buộc đứa con trai và cả đứa con gái đi đúng con đường mà nhiều lúc nản lòng ông tin nó không dẫn đến đâu cả trước đau khổ xác thân thật ra chưa giảm thiểu được chút nào qua bao nhiêu thế kỷ trước nỗ lực phi thường của y khoa. Người ta đã từng gần như tiêu diệt được một vài căn bệnh này thì một vài căn bệnh khác lại xuất hiện trầm trọng hơn. Hình như có một cái luật bù trừ rất bất nhân muôn đời trong trời đất. Cũng có lẽ một phần vì mơ màng cảm thấy điều này mà một Lỗ Tấn và một Somerset Maugham đã bỏ nghề mổ xẻ đi làm kỹ sư tâm hồn chăng? Nhiều lúc vì tự ái – và chính cũng vì tự lừa mình – ông không muốn nhận lấy điều đó. Một khi đã lựa chọn một con đường đã đi rồi thì tốt hơn hết là không nên lưỡng lự: cứ cắm đầu đi dù đã mơ hồ cảm thấy ở ngút đầu đường kia chỉ có toàn ảo ảnh. Vả lại, trên con đường đang đi, cứ cố gắng đi cho hết sức, luôn luôn lục lạo tìm kiếm hết mình thì ít ra cũng hưởng được những nỗi vui nhỏ dọc đường. Có điều bây giờ bác sĩ cảm thấy cần giải phóng mình tức khắc, giải phóng cho mình và cho cả đứa con thân yêu: Đức. Mỗi người sinh ra không ai giống ai. Ngay đến cha mẹ và con cái cũng vậy. Có thể giống nhau về hình xác, đức hạnh, nhưng còn một phần cao hơn là tâm hồn và khí chất thì không. Bắt buộc người khác đi theo con đường riêng của mình thì thật là ích kỷ. Bao năm qua bác sĩ đã cố ý bóp nắn đứa con trai và cả đứa con gái cho đúng mẫu người ông đã nghĩ, nghĩa là phải tiếp tục con đường của ông, sẽ hình thành một lý tưởng ông đã thấy hiện lên trong trí tưởng. Bây giờ nhất định ông phải giải phóng nó. Còn cái bệnh viện do ông làm giám đốc và sở hữu chủ, trước khi chết ông sẽ bán đứt lại cho bất cứ một bác sĩ nào khác. Tiền đó một phần ông sẽ phân phát cho một cơ quan từ thiện nào đó, một phần sẽ dành cho các con còn nhỏ tuổi và một phần sẽ dành cho Mai và Đức.

Còn công việc bác sĩ đã tìm kiếm từ khi mới ra trường – dạo mới hai mươi sáu tuổi – cho đến bây giờ, ông sẽ ghi lại rõ ràng những công thức cho bất cứ kẻ nào đến sau có thể khám phá và tìm kiếm kỹ càng hơn để đi đến thành công.

Bác sĩ đã đặc biệt chú ý, lưu tâm đến bệnh cùi.

Mấy mươi năm không đi đến đâu, bây giờ bác sĩ nản chí lắm. Bao nhiêu cuốn sổ tay ghi những phương thức, những tên các thứ dược liệu hiếm hoi, bao nhiêu chai lọ, nhiều lúc nổi khùng bác sĩ muốn vứt ra biển hết. Bác sĩ cảm thấy nguồn sinh lực trong người đã bắt đầu giảm hẳn cường độ và cạn đi. Những nếp da tay đã nhăn rúm. Còn những móng thì cứng và dầy lên. Có những lúc ngồi trong phòng thí nghiệm một mình, cởi phăng áo quần đi, bác sĩ đến trước một tấm gương lớn quan sát. Cử chỉ dị tặc đó gợi ông nhớ lại hồi niên thiếu, lúc nhà vắng, anh con trai đó cũng đã làm như vậy. Nhắm mắt một cái, mấy chục năm đã kéo nhau đi qua. Bác sĩ đã hiểu gì về ông, về con người? Bác sĩ nghĩ nếu bây giờ ông thình lình chết đi vì một nguyên nhân nào đó, chắc khoảng thời gian sống trên mặt đất này của bác sĩ thật phí phạm. Trong những đêm ân ái cùng vợ bác sĩ vẫn thấy một sự ngăn cách bao trùm. Ông luôn luôn cô đơn. Điều đó do ảnh hưởng một phần bởi cái nếp quen của chức nghiệp. Phần này người vợ chắc cũng cảm được. Nhưng còn một phần nữa tham dự vào cái xa lạ kia thì chính bác sĩ cũng không thể nào hiểu nổi. Và nếu bây giờ bác sĩ chết đi, người vợ cũng không đời nào hiểu gì ở ông. Cả Mai và Đức cũng thế. Mỗi người chết đi mang hết theo cả sự xa lạ, niềm đơn độc riêng tư của mình. Và những người còn sống, những người thân yêu kia thì không cần ai tìm biết làm gì. Họ đã nói chuyện với nhau về những lần chung sống, về những kỷ niệm vui buồn, về những mộng ước xa xôi, nhưng họ làm gì bắt gặp được nguyên vẹn bản thể của nhau.

Bác sĩ đứng lên, đi đi lại lại trên bờ cát. Những vảy cá trôi dạtt vào bờ sáng nhấp nháy vì dát đầy lân tinh. Bác sĩ lẩm bẩm: "Ta điên mất rồi chăng?". Rồi bác sĩ giơ hai bàn tay lên trong đêm đen. "Ôi hai bàn tay này, hai bàn tay đã từng mổ xẻ, khám nghiệm không biết bao nhiêu cơ thể, đã giết chết không biết bao nhiêu vi trùng công phá những cơ quan hiểm hóc trong bao nhiêu con bệnh, bàn tay đã múc ra không biết bao nhiêu viên đạn mắc trong xương thịt của những người thương binh, bàn tay đã rút ra và nâng lên không biết bao nhiêu đứa trẻ ngo ngoe khóc chào một thế giới mới lạ mà không ai biết chúng đã từ đâu đến… Bàn tay này... Bàn tay này… mọi người đều nghĩ nó hữu dụng lắm… nhưng riêng ta… giờ phút này… ôi ta không hiểu gì ta cả".

Bác sĩ nhìn ngắm từng ngón. Bác sĩ vẫn quen thuộc với bàn tay của mình lắm. Vẫn những ngón hơi mập, nhưng móng hơi dài, tầm thường. Bác sĩ ngắm mãi để thấy chúng lạ lùng. Như khi đọc mãi liên tiếp một danh từ nào đó để thấy nó lại mất nghĩa, trở thành lạc lõng, bơ vơ. Té ra suốt đời tận tụy làm việc, trừ những giây phút sảng khoái mà con người đã mệnh danh là tình nhân loại, một thứ đạo đức rộng mở có sức thu hút rất mạnh, vô hình và từ đàng xa, từ trên cao. Bác sĩ vẫn không hiểu gì hết. Nhiều lần bác sĩ nhắm nghiền mắt lại. Bác sĩ vẫn sợ những giây phút đố lắm. Bác sĩ bỗng có một cử chỉ vô thức: bức một sợi tóc trắng cầm chơi.

Bây giờ gió ngoài khơi thổi vào từng luồng mạnh. Đêm nay sắp có bão chăng? Thời tiết mấy hôm rồi vẫn thay đổi thất thường. Bác sĩ bỗng cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ đến vùng quê hương biển mặn nơi đây, nơi mà cả một dòng họ đã sống và đã phụng sự một nghề nhân đạo: nghề thuốc. Bác sĩ bỗng băn khoăn: hình như trong hơi gió có tiếng nói thì thầm… thì thầm… nhỏ to… như trong một tấu khúc diễn tả niềm yên lặng đời đời của biển cả. Bác sĩ tự nhiên nhớ đến Mai và Đức và cái say mê lạ lùng của hai đứa con. Ông trở vào bệnh viện với ý nghĩ giải phóng lâng lâng trong đầu khi nghe cô ý tá trực đêm nay ấm ứ trong miệng một đoạn nhạc nổi tiếng mà ông biết là của Ngạc, thằng con rể ông chưa một lần thấy mặt. Như hơi lạnh thiên thu ở vùng biển già cỗi từ muôn đời này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx