sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hai Thiếu Niên

Đến lượt tôi, đáng lẽ nếu tôi có hai mươi đồng thì tôi sẽ móc ra cùng với thẻ căn cước đưa cho nhân viên cảnh sát làm việc ở bàn giấy, lấy cái biên nhận đỏ đỏ xanh xanh gì đó, rồi đi ra phía ngoài đưa cho một nhân viên khác để lấy cái xe đạp, làm bộ dẫn đi chừng hơn trăm thước và rồi nhảy phóc lên yên đạp về nhà sau khi ném cái nhìn nhỏ nhỏ nhưng ý tứ lại đàng sau. Vâng, đáng lẽ tôi chỉ nên im lặng làm thế trước những tình cảnh vụn vặt trong đời sống xã hội nó làm phiền nhiễu mình không ít, vì biết lỗi dù sao cũng ở mình hoặc ý thức sự phí phạm vô ích trong bất cứ hành động cử chỉ chống trả nào. Chứ nếu thế xe đạp lại mà ra về không thì hoặc có thể mất xe hoặc sẽ bị tốn kém phiền phức sau đó lắm. Tôi nhìn đám đông cục cựa, quo que xung quanh tôi, lẫn lộn với tôi, ở trong tôi. Tôi có cảm tưởng khó chịu như vậy dù tôi là tên thợ sửa xe đạp hầu như luôn luôn sống gần đám đông và nhờ đám đông. Đám đông nổi lên xẹp xuống, phình lên, lép lại tùy theo con số bù trừ của những người mới được vào và những người đã nộp phạt trở ra. Đám đông rù rì rủ rỉ làm tôi thấy nóng ran ngực. Đám đông toát ra một mùi hôi hâm hẩm, tanh tanh, nhiều lúc inh ỉnh. Mùi hôi loãng ra, đặc lại tùy theo trương độ của gió từ bến tàu Saigon thổi vòng qua đây. Tôi liếc đồng hồ tay của ông cảnh sát trưởng – tôi đoán thế – đang đi lên xuống từ phòng trong ra phòng ngoài và thỉnh thoảng bước xuống đường nhìn những nhân viên cấp dưới làm phận sự mà kết quả của sự thi hành đã tạo ra đám đông và mang tôi vào đây. Khoảng 11 giờ đêm. Tôi nhìn quanh, nhìn thẳng, hy vọng sẽ thấy một tà áo dài thướt tha, một chiếc áo len hay một chiếc áo choàng quý phái rủi ro cũng bị mời vào đây. Tôi nhìn quanh, chờ đợi. Tôi biết, dù hoàn cảnh riêng đã mất đi mấy lúc gần đây, Saigon vẫn sống thực ở một khía cạnh nào đó và đêm khuya khoảng giờ này. Và một tà áo nào đó có thể thoát ra từ một rạp xi-nê lớn nào gần đây, như rạp Rex chẳng hạn, cỡi lên trên một chiếc gắn máy bị cháy bóng, băng ngang con đường Tự Do ở góc phòng thông tin, chạy thêm mười thước nữa, là chắc chắn phải trở vào đây với tôi. Tôi chờ mãi. Bây giờ đã gần 11 giờ 30. Đám đông vẫn động đậy, quo que mà thể khối không thêm không bớt ở một con số rõ ràng trông thấy. Nó giống nước sình ở một khoảng ao bùn: nó cũng hảy đi được một ít nhưng đồng thời cũng nhận được nước ở chỗ cao hơn chảy xuống nên nó chưa khô được. Vâng, đám đông lềnh lềnh, lỏng lỏng, lệt xệt. Nó giống như một thứ cháo khoai nhà nghèo đã bắt đầu có mùi thiu. Nếu cùng đường thì cũng phải ăn chứ sao. Cho nên tôi chờ một thứ gì thướt tha, dịu mát để át được phần nào mùi hôi đám đông xuất ra. Tôi chờ đợi.

Tôi ra phía ngoài, nhìn xa về phía đường Nguyễn Huệ. Người và xe cộ ở trong đó tương đối rộn hơn. Tôi nhìn gần. Tòa nhà Quốc Hội hơi tối vì thắp ít đèn. Hai cái nhà hàng thuộc loại nhất nhì ở Saigon nằm hai bên cũng không tỏa ra bao nhiêu ánh sáng. Ông cảnh sát trưởng vẫn đi đi lại lại, tình cảm hài lòng hiện lên mặt. Nhân viên cảnh sát có phận sự chận bắt cũng lộ vẻ sung sướng. Ông giống một người câu cá đang giựt một hơi liên tiếp mấy chục con cá đủ loại và không muốn làm sẩy con nào. Ông không đứng sát đường. Ông đứng tụt vào lề để những con mồi dễ lọt bẫy hơn. Tôi nhớ lời ông nói với tôi một cách dịu dàng vì thỏa mãn khi chận xe tôi: "Dừng lại đi, dừng lại đi, sao lại đi xe không đèn". Tôi đã không nói lời nào bởi biết lỗi ở tôi và tôi cũng biết thực sự tôi đã gây cho ông một nỗi hài lòng không thể chối cái.

"Cậu kia, đứng làm gì lâu vậy?"

Tôi nghĩ người ta đang gọi tôi và tôi đang đứng lơ ngơ trong vòng rào nhìn ra ngoài. Tôi thản nhiên quay lại về phía tiếng nói, không phản ứng gì hết về lời nói không được lịch sự của một nhân viên cảnh sát nào đó. Nhưng không phải họ gọi tôi. Tôi thấy ông trưởng bót ngánh này đang đăm đăm mắt nhìn về phía một anh chàng đáng tuổi em tôi đã bị bắt và đang đứng gần trụ sở bót, nơi một toán cảnh sát đang chận bắt xe đi không đèn. Tôi biết hắn đi học một lớp khuya nào đó. Nhìn hắn, tôi có cảm tình và tin ở tính hạnh hắn. Hắn quay lại trả lời:

"Tôi đi xe không đèn là lỗi ở tôi. Hiện giờ tôi chưa có tiền phạt đó cũng là lỗi ở tôi. Nhưng ông cấm tôi đứng chờ một người bạn đi ngang đây để mượn tiền nộp phạt lấy chiếc xe về hay sao?"

Bây giờ đám đông xao động. Ông trưởng bót ngánh cũng chạy đến can thiệp và nói với thiếu niên:

"Xin mời ông về ngay".

"Tôi về nhà bằng gì khi các ông giữ xe tôi?"

"Vậy thì xin ông cảm phiền ngủ lại đây mai tính, tôi nói lời cuối".

Tôi nhìn thấy rõ cái cử chỉ bực bội của tên thiếu niên và hành động sắp bung ra. Tôi lo ngại cho hắn. Hắn có thể dại dột. Ở vào khoảng tuổi hắn tôi cũng có những cử chỉ anh hùng rơm như hắn. Tôi muốn gọi hắn lại một chỗ nào trống, nói nhỏ vào tai hắn:

"Cậu đừng nóng nảy".

Tôi định thực hiện. Nhưng sực nhớ đến hoàn cảnh không tốt đẹp của mình tôi lại thôi.

Tôi đi đi lại lại không biết gì cả. Nhiều lúc tôi sống vô tri như vậy và lấy làm khổ sở lắm. Đám đông vẫn lao nhao như khi tôi mới bắt đầu bước chân vào bót ngánh này.

Một lúc sau, chán quá, tôi bỏ ra phía trước. Ý nghĩ dại dột xuất hiện qua óc tôi: thừa lúc mọi người không chú ý, giả vờ như đã đóng tiền phạt rồi, cứ bình tĩnh ra ngoài, thong thả dẫn xe đi. Rồi đến một ngã tư nào gần nhất, cắm đầu chạy. Vâng, cắm đầu chạy như tôi đã từng cắm đầu chạy trong những trường hợp và những hoàn cảnh khác sau khi giở một trò lưu manh nào và biết chắc chắn không sớm thì muộn người ta cũng khám phá ra. Tôi muốn nói thẳng vào tai thiếu niên:

"Cậu ạ. Cậu dại dột lắm. Cậu hãy nghe tôi. Cậu dừng nhiều lời trong trường hợp này. Vô ích lắm".

Tôi bước xuống thềm. Ngó trước ngó sau. Bình tĩnh. Khôn ngoan. Trân tráo. Bởi tôi đã định cắm đầu mà chạy.

Vào lúc đó, tôi thấy thiếu niên gặp một người bạn cũng đi xe đạp đi học về qua đó và cũng bị mời về bót:

"Ê Lộc? Sao mầy ngu vậy?"

"E Ngạn? Sao mày… khôn vậy?"

Hai thiếu niên đối đáp nhau làm mọi người không nín cười được. Đứa này cho đứa kia ngu, đứa kia cho đứa nọ khôn một cách mỉa mai.

Rốt cuộc hai đứa đều ngu.

Đứa thứ nhất, tên là Lộc. Đứa mới vào tên là Ngạn.

Ngạn hỏi Lộc:

"Mày ơi, tao chỉ còn có mười lăm đồng".

"Ấy, được rồi, tao còn đúng năm đồng". Lộc đáp.

"Thì ra chỉ đủ tiền phạt cho một đứa được lấy xe về".

"Tao hay mày?"

"Mày hay tao?"

"Thôi đánh tù tì đi!"

Căn nhà bị bắt còn lại trong bót có dịp cười òa lên. Không đứa nào chịu nhường cho đứa nào hết.

Hỡi Lộc, hỡi Ngạn thân yêu, sao các cậu dại vậy? Các cậu nên đốt hết sách vở đi. Tôi không hân hạnh được biết thật ra các cậu có chơi thân với nhau không. Nhưng tôi đoán chắc dù sao các cậu cũng là bạn với nhau. Mà đã là bạn với nhau sao các cậu còn dại dột làm trò cười giữa thiên hạ như vậy? Sao các cậu không tính một nước khác? Vâng, sao không tính với nhau một nước khác?

Lúc đó, tôi sực nhớ ra một trong hai thiếu niên: Lộc. Phải, tôi nhớ thiếu niên này vẫn thường đi ngang nhà tôi, hay đúng ra cái quán sửa xe đạp của tôi. Hắn đi học rất đúng giờ giấc.

Mỗi sáng khi thấy hắn vừa đạp xe đi qua là chỉ một chốc nữa thôi, đã nghe đồng hồ quả lắc bên cạnh gõ bảy tiếng. Tôi nhớ có lần hắn đã đem xe đạp nhờ tôi vá hộ. Bữa đó tôi túng tiền quá nên tôi thừa lúc nó ngó lơ, đâm thêm hai lỗ nữa. Vá xong, đáng lẽ lấy đúng chín đồng là giá tối đa cho ba lỗ, tôi làm bộ ơn nghĩa anh em nghèo với nhau tính có tám đồng. Không hiểu hắn đọc được gì trong mắt tôi mà khi đưa tiền sòng phẳng xong cho tôi, hắn nói một câu cuối cùng khi đạp xe ra khỏi quán:

"Tao tin mày sẽ cùn mạt về cái hành động bất lương của mày. Sao mày không đem gai hay đinh nhỏ rắc ở ngoài đường gần quán mày để dễ bề làm ăn hơn? Ồ, tao biết hết. Có điều tao không thèm nói đó thôi".

Tôi nhìn rõ mặt hắn. Và bây giờ tôi nhớ mặt hắn lại rõ ràng. Tôi biết tôi nhớ không lầm lộn ai được. Nhưng tôi tin chắc hắn đã quên tôi vì tôi biết khuôn mặt tôi không có gì đặc biệt để người ta nhớ lâu. Nhưng tôi cũng thừa biết nếu tôi tạo hoàn cảnh gần gũi quá thì người ta cũng dễ dàng nhớ lại như thường.

Cho nên, thú thật, tôi cảm thấy run, run khi đứng trước mặt hắn. Vậy mà tôi còn có ý nghĩ mượn cả hai đứa cho đủ số tiền hai chục đồng kia nộp phạt cho phần tôi lấy xe ra về trước khi xin thề danh dự sau khi thoát khỏi cái bót này sẽ tìm cách chạy đâu cho ra bốn chục đồng để đem đến cứu hai chúng nó ngay đêm nay.

Tôi xê lại gần Lộc và Ngạn và ngỏ lời. Ngạn nói:

"Được lắm, nhưng bồ phải để một cái gì lại làm tin. Chứ khi ra khỏi bót, bồ phóng mạng về nhà nằm luôn thì tụi em út này đâu có chịu. Mà tôi xem tướng bồ ẩu lắm, tuy cái bề ngoài làm bộ nghiêm trang".

Tôi nói:

"Tôi miễn thề danh dự với hai cậu. Tôi đưa cho hai cậu cái kiểm tra trưng binh và thẻ căn cước của tôi để làm tin. Giữ kỹ chứ không tôi bỏ đời đó".

Tôi tưởng dự tính thành tựu. Nhưng vừa lúc đó ông trưởng bót chạy đến can thiệp ngay:

"Đã vào đây, không ai được giữ giấy tờ của ai hết".

Tôi biết Lộc và Ngạn còn "đánh tù tì ra cái gì ra cái này" nhiều lần nữa nhưng rốt cuộc không ngã ngũ ra sao hết.

Tôi thì vì biết cách cắm đầu mà chạy không xuôi nên đành ở lại.

12 giờ khuya. Tất cả mọi người đã ra về bằng cách này hay cách khác. Chúng tôi ba đứa bị tạm giữ ở một phòng trống. Bây giờ đã muộn dù một đứa bằng lòng hy sinh tiền cho đứa kia thoát ra. Bởi phòng giấy đã ngưng làm việc.

Lộc nói với Ngạn:

"Tao nghĩ nếu được ra thì ra hết, nếu ở lại thì ở lại hết, hợp lý chứ?"

"Hợp lý cái khỉ khô gì!" Ngạn đáp.

"Thế sao mày không chịu đưa mười lăm đồng cho tao để tao đủ hai chục đồng, lấy xe tao ra về, rồi tao sẽ liệu cho mày sau?"

"Tin mày sao được?"

"Mày không tin tao sao?"

"Tin cái khỉ mốc gì!"

"Phải. Để bây giờ ngồi đây chịu trận cả hai".

Tôi ngáp dài, hậm hực và ngao ngán:

"Thôi ngủ đi, mai hãy hay. Đụ mẹ anh cũng buồn ngủ quá mạng rồi các em ạ!"

Tôi gục đầu trong xó tường hôi hám mơ mơ màng màng với ý nghĩ tự trách chua chát rằng, thật ra chỉ có những kẻ cùng chung số phận và hoàn cảnh mới thường làm hại nhau dễ dàng mà thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx