sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cái cười của thánh nhân - Chương 07 - 08 - 09 - 10

Phần Bảy: Mộng Hồ Điệp

Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết là Châu nữa.

Chợt tỉnh giấc, lại thấy mình là Châu.

Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu?

Châu và bướm ắt phải có tính phận khác nhau. Đó gọi là vật hóa.

Lời bàn:

Bàn đến cái Mộng và cái Thực mà đem chuyện chiêm bao hóa bướm, thật là kì diệu. Ý nghĩa tuy đa diện, nhưng tựu trung đều quy vào một lẽ là vượt lên vấn đề sinh tử. Sinh đây phải chăng là Tử đó, Tử đó phải chăng là Sinh đây. Vấn đề Hư Thực, Thực Hư quả đã được đặt ra một cách hết sức tài tình thi vị Nếu bảo Mộng, thì cảnh nào mà không phải là Mộng, mà bảo là Thực thì cảnh nào không phải là Thực

Người ta bảo thiên Tề Vật của Trang Châu là thiên tinh thâm kì diệu nhất trong Nam Hoa Kinh, nhưng kì diệu nhất trong thiên là ở vào đoạn cuối: Trang Châu mộng Hồ Điệp hay Hồ Điệp mộng Trang Châu?

Trong các loài, loài bướm là tượng trưng cho thuyết vạn hóa dễ nhận thấy hơn cả. Đó là cái tài hoa đặc biệt của Trang Châu.

Phần Tám: Ném Đá

Jésus đang giảng đạo giữa đám đông... Bỗng có nhiều nhà trí thức và tu sĩ lôi đến một dâm phụ bắt tại trận. Sau khi ném người đàn bà tội lỗi ấy giữa đám đông, họ nói với Jésus:

- Thưa ông, mụ gian phụ này đã bị bắt quả tang trong khi phạm tội. Theo luật Moise, thì phải bị ném đá. Vậy ông nghĩ thế nào?

Jésus không nói gì cả, lấy ngón tay viết trên cát: Bọn giả dối!

Nhưng bọn ấy cứ chất vấn mãi... Jésus, không thể làm thinh được nữa bèn ngước mặt lên, nói:

- Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi có quyền ném viên đá đầu tiên!

Khi nghe lời phán ấy, dân chúng bắt đầu tản lần từng người một. Sau cùng chỉ còn có Jésus và người đàn bà tội lỗi giữa công trường mà thôi.

Jésus bèn hỏi người đàn bà:

- Những kẻ tố cáo đi đâu cả rồi? Không một ai lên án ngươi cả sao?

Người đàn bà thưa:

- Không ạ!

Jésus nói:

- Ta cũng vậy! Thôi về đi.

Lời bàn:

U mặc tế nhị làm sao câu nói bất ngờ của Jésus!

Người ta thường quan niệm rằng người đạo đức là người rất ghét người tội lỗi. Càng ghét tội lỗi bao nhiêu càng tỏ ra mình đạo đức bấy nhiêu. Dân chúng tin rằng Jésus là người đạo đức rất cao, phen này mụ gái dâm loàn kia phải một phen điêu đứng.

Bất ngờ thay, Jésus lại bênh vực dâm phụ bằng cách không lên án, còn trở lại lên án tất cả: Ai chưa từng tội lỗi, được quyền ném viên đá đầu tiên.

Trong bài văn không thấy nói ai là người đầu tiên đã bỏ ra đi, nhưng chắc chắn những kẻ đầu tiên đã bỏ ra đi là những cụ già, nhất là những cụ già đầu bạc như thúng bông, thứ đến là những nhà trí thức tài cao học rộng, rồi các vị tu sĩ đạo mạo nghiêm trang mà trước đây đã hằn học lên án tử hình người đàn bà dâm dật này...

Nhưng biết tự xét và dám tự nhận là mình đã từng làm nhiều tội lỗi và có đủ liêm sĩ ra đi không dám gian dối ném viên đá đầu tiên, kể ra cái xã hội mà Jésus cho là giả dối ấy vẫn còn là xã hội hết sức lương thiện rồi! Đáng yêu không biết chừng nào.

Phần Chín: Rửa Tai

Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một ẩn sĩ ở trong đầm Thái Trạch.

Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc, phía Nam sông Dĩnh Thúy.

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do làm tổng quản cả chín châu. Hứa Do không muốn nghe chuyện nữa, bỏ ra bờ sông Dĩnh Thúy rửa tai. Ngay lúc bấy giờ Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông gặp Hứa Do đang rửa tai, hỏi:

- Vì việc gì mà anh phải rửa tai?

- Vua Nghiêu mời ra cầm quyền thiên hạ, ta không muốn bẩn tai ta.

Sào Phủ nghe nói, liền dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống.

Hứa Do hỏi. Sào Phủ nói:

- Ta sợ trâu ta uống phải nước bẩn của tai anh!

Nhưng rồi lại cười bảo:

- Anh đã làm gì đến đỗi vua Nghiêu biết anh là người hiền trong thiên hạ để đoán anh ra làm vua?

Lời bàn:

Câu chuyện Sào Phủ, Hứa Do quả là một câu chuyện u mặc thượng thừa của thời xưa.

Nhưng u mặc độc đáo không phải là chuyện Hứa Do rửa tai, cũng chưa phải là chuyện Sào Phủ dẫn trâu lên trên dòng sông để tránh cho trâu uống phải nước bẩn danh lợi... mà câu hỏi bất thần của Sào Phủ: "Anh đã làm gì đến đỗi vua Nghiêu biết anh là người hiền trong thiên hạ để đoán anh ra làm vua?"

Trong sạch như Hứa Do, vậy mà trước câu hỏi đột ngột và sâu sắc này của Sào Phủ có lẽ đã phải một phen sửng sốt để mà kiểm thảo cái gọi là hành động "trong sạch"của mình.

Phần Mười: Dùng Chó Bắt Chuột

Tề có người xem tướng chó rất giỏi.

Nhà láng giềng nhờ mua một con chó hay để bắt chuột.

Một năm trời mới mua được, bảo nhà láng giềng:

- Con chó này tốt lắm.

Người láng giềng nuôi con chó ấy mấy năm mà không thấy nó bắt chuột, bèn hỏi anh xem tướng chó. Anh này bảo:

- Con chó này tốt lắm đấy! Nhưng cái chí của nó là bắt hươu nai, cầy, cáo, chứ không muốn bắt chuột. Vậy, phải cùm chân nó lại!

Nhà láng giềng làm y theo lời. Quả về sau, con chó hay bắt chuột.

Lời bàn:

Bài văn này ở xã hội tự do, thì có thể cười được. Ở những xã hội độc tài, chắc chắn sẽ không thể cười, mà phải khóc to lên... mới được.

Là một con chó có tài bắt hươu, nai, cầy, cáo... mà bị "cùm chân" nên cam phận đi làm công việc bắt chuột, quả đáng thương hại lắm rồi! Nhưng, không ai "cùm chân" mình cả, mà lại tự ý "cùm chân", chịu nhận lãnh vai trò bị "cùm chân" để được vinh hoa phú quý, thì thật không biết nên cười hay nên khóc?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx