sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Quyển I - Cái Váy Ụp - Tặng Anna Grass

O phải: tôi đang nội trú ở một bệnh viện tâm thần. Tay y tá để mắt theo dõi tôi; có một lỗ nhòm ở cánh cửa và mắt của tay y tá lại màu nâu không thể điện quang được tôi bởi vì mắt tôi màu xanh lơ.

Vậy thì người canh giữ tôi không thể là kẻ thù của tôi. Tôi đã thấy mên mến anh ta. Khi tay gián điệp rình sau cánh cửa ấy bước vào phòng tôi, tôi thường kể cho anh ta nghe vài mẩu đời tôi để anh ta hiểu tôi bất chấp cái lỗ nhòm. Anh chàng tốt bụng có vẻ khoái những chuyện tôi kể, vì tôi vừa cho anh ta nuốt chửng một chuyện khá hoang đường thì anh đã khoe ngay một kiểu nút dây do anh mới sáng tác để tự giới thiệu mình. Anh ta có phải là một nghệ sĩ hay không, cái đó còn phải xem đã. Tuy nhiên, các tác phẩm của anh ta, nếu đem triển lãm, chắc sẽ được báo chí hoan nghênh: thậm chí, có thể còn có một số người mua là đằng khác. Anh ta thắt nút những sợi dây tạp nhạp được gom nhặt và gỡ rối sau các buổi người nhà vào thăm bệnh nhân; anh ta bện chúng thành những vật còi cọc phức tạp, giâm vào thạch cao, để cho chúng cứng lại và lấy những kim đan cắm chúng lên những cái đế gỗ nhỏ.

Anh ta luôn ve vuốt ý nghĩ tô màu cho những tác phẩm của mình. Tôi ráng khuyên anh đừng có làm thế; tôi nêu cái giường kim loại láng trắng của tôi làm ví dụ so sánh và đề nghị anh thử tưởng tượng cái giường đó bị đem sơn lại lòe loẹt. Khiếp đảm, anh ta giơ hai bàn tay y tá của mình lên chắp vào nhau trên đầu, cố bắt bộ mắt đơ đơ của mình biểu lộ tất cả các vẻ kinh hãi rồi từ bỏ dự định tô màu nọ.

Thế là cái giường kim loại của tôi thành một vế so sánh. Đối với tôi, nó còn hơn thế nữa: cái giường của tôi, đó là mục tiêu, rốt cuộc, đã đạt, là niềm an ủi của tôi, và đó có thể là tôn giáo của tôi nếu như ban quản trị bệnh viện chấp nhận cho sửa đổi đôi chỗ: tôi muốn nâng cao chấn song sắt lên để trốn mọi tiếp xúc.

Mỗi tuần một lần, ngày thăm bệnh nhân quấy rối cõi yên tĩnh trong đó tôi sống đằng sau những chấn song kim loại màu trắng. Vào ngày đó, kéo tới những người muốn cứu vớt tôi, những người tìm tiêu khiển trong việc yêu thương tôi, những người cần đến tôi để tự trân trọng, tự tôn vinh, tự biết mình. Sao mà họ mù quáng, bồn chồn, quê kệch! Họ lấy những móng tay như gọng kìm cào cào hàng song sắt láng trắng ở giường tôi, lấy bút bi hoặc bút chì vẽ nguệch ngoạc lên lớp vẹc-ni những hình người dài ngoằng khiếm nhã. Tay trạng sư biện hộ cho tôi vừa tới đã chụp chiếc mũ ni-lông lên cọc giường tôi và chào hỏi oang oang tưởng đến làm sập cả phòng bệnh. Chừng nào y còn ở lại trong phòng - lạ gì cái thói bẻm mép của dân thày cãi - hành vi bạo lực của y còn làm tôi mất thăng bằng và thư thái.

Sau khi đặt quà cáp lên chiếc bàn một chân phủ tấm vải sơn màu trắng kê dưới bức tranh thuốc nước vẽ cỏ chân ngỗng và kể lể chi tiết những kế hoạch cứu chữa mà họ đang hoặc sắp sửa thực thi, nhằm nhồi vào đầu tôi, đối tượng của những xoay sở không biết mệt của họ, ý thức về mức độ tận tâm của họ, những con người này lại thấy tràn trề yêu đời và từ giã tôi. Lúc đó, tay y tá của tôi mới đến; anh ta làm thông thoáng phòng rồi gom nhặt các sợi dây buộc những gói quà. Nhiều khi, thông phòng xong, anh còn có thì giờ vừa ngồi bên giường tôi gỡ dây vừa toả ra mênh mông im lặng đến nỗi cuối cùng, tôi gọi im lặng là Bruno và Bruno là im lặng.

Bruno Münsterberg - thôi không đùa nữa: đó là tên người y tá của tôi - mua cho tôi năm trăm tờ giấy viết. Nếu số dự trữ này không đủ, Bruno, vốn độc thân, không vợ không con, quê ở Sauerland, sẵn sàng đến cái xưởng giấy nhỏ một lần nữa (ở đây bán cả đồ chơi) kiếm cho tôi những gì cần thiết để hoàn thành bài tập hồi ký của mình, tôi hy vọng thế. Tôi ắt chẳng bao giờ có thể yêu cầu những người đến thăm tôi giúp cho việc ấy, không thể nhờ cha trạng sư chẳng hạn, hoặc Klepp cũng không được. Lòng yêu mến ân cần, lo lắng, chắc chắn sẽ ngăn các bạn tôi mang một vật nguy hiểm như giấy trinh bạch vào đây để phó mặc cho sự bài tiết ngôn từ của trí não tôi.

Khi tôi bảo Bruno: “Này! Bruno, anh có vui lòng mua giúp tôi năm trăm tờ giấy còn trinh không?” thì anh ta ngước nhìn trần nhà và chĩa ngón tay trỏ lên đó mà rằng: “Giấy trắng như thế kia ấy à, ông Oskar?”

Tôi thích cái từ “còn trinh” ấy và tôi bảo Bruno đến cửa hàng cũng cứ nói thế. Khi anh ta trở về vào cuối buổi chiều với xấp giấy, tôi thấy là anh ta đang có những khúc mắc trong lòng. Mấy lần, anh nhìn thật lâu lên trần nhà, nơi anh kiếm tìm mọi cảm hứng của mình, rồi lát sau bật ra: “Ông đã dặn tôi nói cái từ cần nói. Lúc tôi hỏi mua giấy trinh nguyên, cô bán hàng đỏ rừ mặt trước khi mang hàng ra cho tôi.”

Nỗi sợ phải lao vào một cuộc trò chuyện kéo dài về đề tài các cô gái bán hàng ở xưởng giấy khiến tôi đâm tiếc là đã dùng cụm từ giấy còn trinh: bởi thế tôi im lặng và chờ cho Bruno rời khỏi phòng; bấy giờ tôi mới mở cái gói bọc năm trăm tờ giấy ra.

Một lát sau, không lâu lắm, tôi thử nhấc xấp giấy khá cứng và nâng nó lên. Tôi đếm lấy mười tờ và cất số còn lại vào tủ nhỏ cạnh giường; tôi lấy chiếc bút máy trong ngăn kéo, cạnh quyển album ảnh: bút đầy mực. Tôi có đủ mực dự trữ và tôi bắt đầu.

Như thế nào đây? Người ta có thể bắt đầu từ đoạn giữa rồi, bằng một cung cách táo bạo, làm rối beng đoạn đầu và đoạn cuối. Người ta có thể chọn loại hình mô-đéc, xóa nhòa các thời kỳ và các khoảng cách rồi sau đó tuyên bố hoặc để cho tuyên bố là rốt cuộc, người ta đã giải quyết được vấn đề không gian - thời gian. Người ta cũng có thể tuyên bố ngay từ đầu rằng ngày nay, viết tiểu thuyết là điều bất khả, rồi, cách nào đó chính bản thân mình cũng không biết (nếu có thể nói thế), đẻ luôn ra một pho tiểu thuyết dày cộp để ra cái điều ta đây là tiểu thuyết gia cuối cùng còn tồn tại. Tôi cũng nghe nói là muốn tốt và hợp cách thì tiên chưng hãy nêu lên thành định đề: không còn có nhân vật chính của tiểu thuyết nữa vì không còn có những kẻ cá nhân chủ nghĩa, vì cá tính đã mất tiêu, vì con người là cô đơn, mà giờ mọi người đều cô đơn y hệt nhau, bị tước mất nỗi cô đơn cá thể và hợp thành một khối đoàn kết vô danh không có nhân vật chính. Chung quy, điều đó đâu phải là bất khả. Nhưng về phần chúng tôi - tôi đây, Oskar, và anh chàng y tá Bruno của tôi - tôi muốn khẳng định thẳng thừng: cả hai chúng tôi đều là nhân vật chính, những nhân vật chính khác hẳn, anh ta đằng sau lỗ nhòm, tôi đằng trước; và khi anh ta mở cửa là thôi rồi: bất chấp tình bạn giữa chúng tôi và nỗi cô đơn của mỗi chúng tôi, cái còn lại chỉ là một khối vô danh không có nhân vật chính...

Tôi sẽ bắt đầu từ thời điểm khá lâu trước khi có tôi; bởi vì chẳng ai nên mô tả đời mình mà không chừa thời gian trước cuộc tồn sinh của chính mình để tưởng niệm nửa số ông bà nội ngoại. Hỡi các vị đang sống một cuộc sống rốỉ rắm cách xa cái bệnh viện tâm thần này, tất cả các vị, bạn bè và khách thăm hằng tuần, vốn không ngờ đến chuyện tôi tích trữ giấy, tôi xin giới thiệu với quý vị bà ngoại của Oskar.

Vào một buổi chiều tà tháng mười, bà ngoại tôi Anna Bronski đang ngồi xệp dưới đất trong mớ váy lòe xòe bên một ruộng khoai tây. Nếu đó là buổi sáng, ắt ta đã có thể thấy bà lấy cào vun những lá khoai thành từng đống nhỏ xinh bằng những động tác khéo biết chừng nào. Buổi trưa, bà đã ăn một lát bánh mì ướp mỡ lợn quết nước mật rồi cuốc xới nốt mảnh ruộng. Bây giờ đây bà đang ngồi xệp dưới đất trong mớ giữa hai cái thúng đã gần đầy. Trước những đế ủng đựng ngược hai mũi xáp gần nhau của bà, phập phù một ngọn lửa hen xuyễn đốt bằng lá khoai, tỏa trên mặt đất thoai thoải một làn khói bẹt ngập ngừng. Dạo ấy vào năm 1899. Bà tôi đang ở giữa xứ sở người Kashubes [1] gần Bissau, nhưng đúng ra là về bên phía nhà máy gạch. Bà ngồi bệt dưới đất, cách Ramkau không xa, đằng sau Viereck, mặt hướng con lộ Brenntau, giữa Dirschau và Karthaus, quay lưng lại cánh rừng Goldking sầm tối, và với một nhành cây phỉ đã cháy thành than ở chỗ đầu nhọn, bà vùi những củ khoai tây xuống lớp tro nóng.

Sở dĩ tôi vừa đặc biệt nhắc đến cái váy của bà tôi, sở dĩ tôi đã nói khá rành rõ: “Bà ngồi xệp dưới đất trong mớ váy” - sở dĩ tôi đặt tên chương này là “Cái váy ụp”, đó là vì tôi biết rõ mình mang nợ cái món trang phục ấy những gì. Bà tôi không chỉ mặc một, mà những bốn cái váy chồng lên nhau. Không phải bà mặc một chiếc váy dài và ba chiếc váy ngắn; bà mặc bốn cái váy dài như nhau, cái nọ đỡ cái kia; bà mặc váy theo một hệ thống riêng, mỗi ngày lại đổi trật tự chồng váy. Cái hôm qua mặc ngoài cùng, hôm nay cho vào trong, dưới một lớp, cái thứ hai thành cái thứ ba. Cái thứ ba hôm trước giờ ôm sát người. Cái váy bữa qua tiếp xúc với da thịt bà tôi giờ phô ra họa tiết, nghĩa là chẳng có họa tiết gì: những chiếc váy của bà ngoại Anna Bronski đều thuần một sắc thái khoai tây như nhau. Hắn là cái sắc thái này hợp với màu da bà.

Ngoài cái sắc độ ấy, những cái váy của bà tôi còn khác thường ở tầm rộng quá mức của khổ vải. Chúng khum tròn thành hình chuông, phồng lên và kêu phần phật khi gió thổi, xẹp xuống khi tắt gió và cả bốn cái xòe ra phía trước bà khi bà đi xuôi gió. Muốn ngồi xuống, bà phải thu gọn chúng quanh mình.

Ngoài bốn cái váy thường xuyên phồng lên hoặc rũ xuống, quấn quanh hay dựng đứng, cứng sững và trống rỗng, bà tôi còn có một cái váy thứ năm bên cạnh giường nằm. Cái này chẳng có gì khác với bốn cái kia, cũng màu khoai tây. Hơn nữa, cái váy thứ năm không phải là bất di bất dịch. Giống như các chị em của nó - bởi vì váy vốn là giống cái mà - nó cũng phải phục vụ theo chế độ luân phiên, có mặt trong số bốn cái váy được mặc vào người và cũng như chúng, cứ đến phiên (nghĩa là năm tuần một lần vào ngày thứ sáu) lại phải đem giặt trong chậu, sáng thứ bảy đem phơi trên dây trước cửa sổ nhà bếp và khi nào khô, đem là trên tấm ván là.

Cứ sau một ngày thứ bảy bù đầu với công việc nội trợ - nào bếp núc, nào giặt giũ, là ủi - sau khi vắt sữa con bò cái và cho nó ăn, bà ngoại tôi ngâm mình từ đầu đến chân vào bồn tắm, bỏ lại một chút bản thân vào trong nước và bọt xà-phòng, sau đó bước ra ngồi lên mép giường, mình quấn tấm vải hoa, lúc ấy, trên sàn trước mặt bà đã xếp sẵn bốn chiếc váy vừa mặc và chiếc váy sạch. Bà đưa ngón tay trỏ bên phải ấn lên mí mắt dưới bên phải, không hỏi ý kiến bất kỳ ai, kể cả ông anh trai Vincent; vì thế, bà quyết định khá nhanh. Đứng trên đôi chân trần, bà lấy ngón chân gạt sang bên cái có màu khoai tây bợt nhất trong số bốn cái váy. Bây giờ, cái váy sạch bèn được thế vào chỗ vừa bỏ trống.

Sáng chủ nhật, bà đi lễ nhà thờ ở Ramkau và khai trương trật tự mới trong chồng váy để tỏ lòng tôn kính Chúa Jêxu - ý niệm của bà về Chúa Jêxu rất rõ ràng. Bà tôi mặc cái váy mới giặt như thế nào? Đây không chỉ là một phụ nữ sạch sẽ mà còn là một phụ nữ hơi phù phiếm, cho nên bà trưng cái váy tươm tất nhất ra ngoài, đặc biệt vào những ngày nắng đẹp.

Vậy mà cái buổi chiều bà tôi ngồi bệt dưới đất đằng sau đống lửa lá khoai ấy lại nhằm đúng một ngày thứ hai. Cái váy mặc bên ngoài hôm chủ nhật, sang ngày thứ hai, xích lại gần người bà thêm một lớp; trong khi đó cái váy hôm trước còn ấm hơi da thịt bà, giờ chít ngang hông, rủ xuống buồn bã bên ngoài những cái khác. Bà vừa huýt sáo bâng quơ vừa lấy cành phỉ cời tro moi ra củ khoai tây đầu tiên vừa chín tới. Bà đẩy củ khoai ra xa đống lửa cho gió làm nguội đi. Rồi dùng một que nhọn xiên củ khoai đen xì, vỏ xém giòn, nứt toác đưa lên gần miệng, đôi môi khô nẻ lúc này không huýt sáo nữa mà ráng thổi cho sạch tro và đất bám trên vỏ khoai.

Bà ngoại tôi cứ nhắm mắt mà thổi. Khi cho rằng thổi vậy là đủ, bà bèn mở một mắt ra, rồi cả mắt kia nữa; những chiếc răng cửa thưa nhưng cực đẹp vừa cắn lại nhả ra liền; củ khoai bồn bột quá nóng, bốc hơi trong hốc miệng đang há ra của bà; bên trên hai lỗ mũi phập phồng nhả khói cùng khí lạnh tháng mười, đôi mắt bà trợn tròn nhìn vượt qua cánh đồng về phía chân trời bị ngắt từng đoạn bởi những cột điện báo, trong đám này cao vọt lên ống khói nhà máy gạch.

Có một cái gì đang chuyển động giữa những cột điện báo. Bà tôi ngậm miệng, bặm môi lại, nheo mắt và bắt đầu nhấm nháp củ khoai. Có cái gì đó chuyển động giữa những cột điện báo; cái gì đó nhảy chồm chồm. Ba người đang chạy giữa những cột điện báo, cả ba đều hướng về phía ống khói nhà máy gạch, rồi họ lượn một đường vòng và một trong số đó chạy theo chiều ngược lại, tốc độ mỗi lúc một tăng. Anh ta vượt qua xưởng gạch. Vóc người anh ta thấp và bè bè; hai người kia thì cao, mảnh. Rồi sau xưởng gạch, họ lại chạy giữa những cột điện báo; nhưng tay thấp và bè bè chạy ngoắt ngoéo và có vẻ vội vã hơn hai tay cao, mảnh; và hai tay này lại quay trở lui về tận chỗ nhà máy gạch vì tay kia đã lại phóng đi như mũi tên khi hai tay nọ chỉ còn cách có hai mét; và tất cả lại xuất phát, rồi đùng một cái chẳng còn ai, thôi chả chơi nữa, tay thấp bé nhảy phốc một cái từ trên ống khói, biến mất đằng sau chân trời.

Họ dừng ở đó. Đây là lúc nghỉ giải lao. Hoặc là họ thay phục trang, hoặc là họ lại nặn gạch lấy tiền công.

Lợi dụng lúc nghỉ giải lao, bà tôi định xiên một củ khoai thứ hai nhưng trượt mất vì đúng lúc đó cái gã thấp bè bè lại nhô lên từ chân trời. Anh ta không hề thay đổi trang phục. Anh ta bước qua chân trời như thể bước qua một hàng rào, tựa hồ anh ta dần bỏ rơi những kẻ đuổi bắt mình giữa đám gạch hoặc trên quốc lộ Brennlau. Vậy mà anh ta vẫn có vẻ hối hả như trước, muốn đi nhanh hơn cả các cột điện báo. Anh ta bước những bước dài, đi xuyên qua cánh đồng; bùn bắn lên từ những đế giày, anh ta ra sức bứt mình khỏi lớp đất dính và mặc đầu bước rõ dài, anh ta vẫn chậm rề rề trên lớp đất dính. Đôi lúc tưởng như phần dưới của anh ta bị dán chặt xuống, thế rồi anh ta lại lơ lửng trên không một thoáng vừa đủ để lau mồ hôi trán trước khi lại cắm chân xuống cánh đồng mới cày ải bên cạnh năm sào khoai tây.

Và anh ta đã tới chỗ con đường trũng. Cái bóng thấp và bè bè của anh ta vừa khuất vào con đường trũng thì những cái bóng cao và mảnh của hai cha kia lại xuất hiện ở chân trời, có lẽ trong lúc vừa rồi, họ đã tranh thủ thăm xưởng gạch. Cao và mảnh chứ không gày, chân đi ủng, họ sải bước trên lớp đất dính hăm hở đến nỗi bà tôi một lần nữa lại xiên trượt củ khoai tây: bởi lẽ đâu phải ngày nào ta cũng có dịp thấy ba người lớn hắn hoi, tuy vóc dáng có khác nhau, nhảy lò cò quanh những cột điện báo, đe dọa quật đổ ống khói nhà máy gạch, rồi, người đi đầu thấp, bè bè cách hai người kia cao, mảnh một quãng, cả ba hì hụi như nhau, kéo theo đế ủng một lớp bùn mỗi lúc một dày thêm, cùng xuyên qua cánh đồng vừa được Vincent cày ải hôm kia, để rồi khuất vào con đường trũng.

Vậy là không còn nhìn thấy ai nữa và bà tôi lại có thể xiên được một củ khoai tây. Bà thổi nhanh cho sạch đất và tro, rồi bỏ tọt cả củ vào trong mồm và nghĩ bụng (ví bằng bà có nghĩ gì) chắc đó là người xưởng gạch. Và bèn nhai tới nhai lui, đảo cả hàm, vừa lúc một người nhô ra khỏi con đường trũng. Một cái nhìn dữ dằn vượt qua bộ ria của anh ta; nhảy phốc hai bước, anh ta đã ở cạnh đống lửa. Cùng một lúc, anh ta ở cả đằng trước, đằng sau và hai bên đống lửa. Anh ta chửi thề. Rõ ràng là anh ta sợ, không biết đi đâu, không thể quay lui vì hai cha kia, cao và mảnh, đang rượt theo trong con dường trũng. Anh ta đập tay vào hai đầu gối, đôi mắt như sắp bật ra khỏi đầu: mồ hôi ròng ròng trên trán. Và hổn hểnr bộ ria mép rung rung, anh ta đánh liều bò bốn chân đến tận trước đế giày của bà tôi. Anh ta lại sát cạnh và nhìn bà tôi như thể anh ta là một con vật nhỏ. Bà thở dài: không thể tiếp tục nhai khoai tây được nữa. Bà thu chân về; bà thôi không nghĩ đến gạch, đến xưởng gạch, đến những thợ làm gạch nữa, mà vén cái váy, à quên xin cải chính, nhất loạt vén cả bốn cái váy lên độ cao vừa đủ cho anh chàng thấp-bè-bè ấy (dứt khoát không phải là người xưởng gạch rồi) chui cả người vào. Giờ thì chẳng thấy anh ta đâu nửa, kể cả bộ ria mép, anh ta không còn cái vẻ của một con thú bị săn đuổi nữa, không phải người vùng Ramkau hay Viereck gì hết.

Anh ta đã biến mất dưới cái váy cùng với nỗi sợ của mình và thôi không đập tay lên hai đầu gối nữa, không thấp cũng chẳng bè bè nữa, tuy nhiên vẫn chiếm một chỗ cho riêng mình. Anh ta quên cả hổn hển, quên cả run và quên cả đập tay lên hai đầu gối. Và tất cả bỗng im lìm như trong ngày đầu tiên của cuộc Sáng Thế hay ngày Tận Thế, một làn gió mơn man ngọn lửa lá khoai, những cột điện báo lặng lẽ tự điểm danh, ống khói xưởng gạch đứng sững trong tư thế nghiêm. Còn bà tôi thì đưa tay vuốt chiếc váy trên cùng cho phẳng phiu. Bà hầu như không cảm thấy người đàn ông qua bốn lần váy của mình; cái váy thứ ba thậm chí không hề biết là có một điều gì mới mẻ và khác thường đang xảy đến với làn da dưới lớp váy thứ tư. Phải, thật là khác thường, nhưng vì cái váy ngoài cùng đã được vuốt thẳng thớm còn cái thứ hai và thứ ba thì chẳng biết mô tê gì, nên bà bèn moi từ đống tro ra hai ba củ khoai tây, lấy bốn củ sống trong cái rổ đặt dưới khuỷu tay trái vùi vào tro nóng và dùng que cời cời cho khói bốc lên cuồn cuộn - thử hỏi bà còn biết làm gì khác nữa.

Những cái váy của bà tôi vừa mới được soạn lại cho tươm tất, làn khói sền sệt của ngọn lửa lá khoai, bị những động tác vung chân, đập tay và đảo tro làm chệch hướng, vừa mới nương theo gió chỉnh lại đường bay về phía đông-nam, thì đùng một cái, hai tay cao-mảnh nhô ra khỏi con đường trũng. Họ đuổi theo gã thấp-bè-bè lúc này đang ở dưới bốn lớp váy, và có thể thấy là hai tay cao-mảnh này, vì lý do nghề nghiệp, mang đồng phục cảnh sát.

Lao đi như hai mũi tên, họ suýt nữa vượt quá chỗ bà tôi. Một cha thậm chí đã nhảy qua đống lửa. Nhưng, chợt nhớ ra là mình mang ủng, họ bèn dùng ủng làm phanh hãm. Mình vận đồng phục, chân đi ủng, họ bơi trong khói, rồi vừa ho sặc sụa vừa tiến lại gần, đồng phục của họ kéo theo chút khói và họ vẫn tiếp tục ho khi nói với bà tôi; họ muốn biết bà có trông thấy tên Koljaiczek không, bởi chăng bà tất phải trông thấy hắn vì bà ngồi ngay cạnh con đường trũng mà hắn, cái tên Koljaiczek ấy, thì chạy trốn theo con đường trũng.

Bà tôi chẳng thấy tên Koljaiczek nào cả bởi vì bà không biết ai tên là thế. Hắn có làm ở xưởng gạch không, bà hỏi lại, vì bà chỉ biết cánh thợ làm gạch thôi. Nhưng hai tay đồng phục mô tả tên Koljaiczek như một kẻ không liên quan gì với gạch ngói cả, mà có dáng người thấp bè bè. Bà tôi chợt nhớ là có trông thấy một gã như thế chạy theo hướng này - củ khoai tây bốc khói đầu que xiên chỉ về phía Bissau và cứ theo như củ khoai tây thì Bissau ắt hẳn ở khoảng giữa hai cột điện báo thứ sáu và thứ bảy tính từ xưởng gạch đổ về bên phải. Còn như cái gã trốn chạy ấy có phải là Koljaiczek không thì bà chẳng biết vì bà còn đang loay hoay với cái đống lửa mịt mù cháy chẳng ra cháy dưới chân, đầu óc đâu mà để ý đến những kẻ chạy qua hay dừng lại trong đám khói, vả lại, bà chẳng bao giờ bận tâm đến những người bà không quen biết; và bà chỉ quen những người ở Bissau, Ramkau, Vlerick và xưởng gạch thôi - chừng nấy là đủ với bà.

Nói vậy rồi, bà khẽ thở dài, vừa đủ để khiến bọn đồng phục hỏi tại sao bà thở dài. Bà hất hàm về phía ngọn lửa, ý nói bà thở dài vì nó cháy tồi và phần nào cũng vì các người dừng lại trong đám khói nữa; rồi bằng những chiếc răng cửa thưa, bà cắn đôi củ khoai tây, bắt đầu nhai lấy nhai để, mắt trợn ngược lên.

Bọn cảnh sát không rút ra được thông tin gì từ cái nhìn trân trân lơ đãng của bà tôi. Họ phân vân không biết có nên tìm Bissau đằng sau những cột điện báo hay không. Để tỏ vẻ ta đây, họ thục vài nhát lê vào mấy đống lá khoai không chịu bén lửa bên cạnh. Bất chợt nẩy ra sáng kiến, họ đồng loạt lật nhào hai thúng đầy khoai tây mà bà tôi đang tì khuỷu tay lên; và phải một lúc lâu sau họ mới hiểu ra tại sao chỉ có những củ khoai tây lăn ra trước mũi ủng của họ chứ không phải là một tên Koljaiczek. Nghi nghi hoặc hoặc, họ đi quanh đống khoai tây, làm như thể Koljaiczek có thể trong nháy mắt đã chui vào trong đó; họ nhằm cẩn thận xọc lưỡi lê vào đó, nhưng chẳng thấy ai kêu vì bị đâm trúng. Sự nghi ngờ của họ không bỏ qua một bụi cây còi cọc, một lỗ chuột nhắt nào, rà soát một loạt hang chuột chũi rồi quay lại chia vào bà tôi đang ngồi xệp như mọc rễ dưới đất, miệng thở dài, mí mắt cụp xuống chỉ để lộ lòng trắng con ngươi và lẩm nhẩm đọc tên tất cả các thánh bằng tiếng Kashubes với một giọng lu loa than vãn vì nồi lửa không chịu bốc và hai thúng khoai tây thì đổ tung tóe.

Bọn đồng phục ở rán lại nửa tiếng đồng hồ, lúc thì đứng cách xa đống lửa, lúc lại sán đến gẩn. Họ nhằm ống khói xưởng gạch, tính chuyện chiếm Bissau, rồi quyết định hoãn cuộc tiến công lại và xòe những bàn tay tím tái trên ngọn lửa cho đến khi bà tôi, vẫn không ngừng thở dài, cho mỗi gã một củ khoai tây nướng cắm trên đầu que xiên. Nhưng mặc đầu mồm đang bận nhai, họ vẫn còn rảnh đầu để chợt nhớ ra là mình đang vận đồng phục và thế là hấp! họ chạy một mạch đến đầu kia cánh đồng cách khoảng một tầm ném đá, xộc tới bụi kim tước bên rìa con đường trũng khiến một chú thỏ rừng chạy té ra, song có điều tên chú không phải là Koljaiczek. Họ trở lại bên đống lửa và những củ khoai bột ấm nóng mùi than hồng và bắt tay vào công việc hòa bình là xếp trả vào thúng những củ khoai tây mà vừa nãy, cúc cung tận tụy với nhiệm, vụ, họ đã đổ tung tóe ra đất.

Mãi đến khi buổi chiều ép từ bầu trời ra được một cơn mưa nhỏ chênh chếch và một hoàng hôn đen như mực, họ mới hối hả, nhưng có phần miễn cưỡng, rời đi thám sát một cột mốc đằng xa đang chìm dần trong bóng tối. Hoàn thành nốt nhiệm vụ này là đủ, họ lại duỗi chân duỗi cẳng một chút và hơ những bàn tay ban phước lên đống lửa đang bị mưa làm lụi dần trong khói mù. Ho sặc sụa một thôi nữa trong khói xanh, ứa một giọt nước mắt nữa trong khói vàng, họ cất bước về phía Bissau, vừa ho vừa khóc. Nếu tên Koljaiczek không còn ở đây thì ắt là hắn đang ở Bissau. Đối với một cảnh sát thì bao giờ cũng chỉ có hai khả năng mà thôi.

Đám khói mãi không tan bao quanh bà tôi như một cái váy thứ năm rộng mênh mông, thành thử cả bà tôi cùng những tên thánh bằng thổ ngữ Kashubes và bốn cái váy bà đang mặc cũng ở dưới váy như Koljaiczek.

Khi bọn đồng phục chỉ còn là những cái chấm lắc lư chìm dần trong chiều tà giữa những cột điện báo, bà tôi mới từ từ đứng dậy một cách khó nhọc, như thể bà đã mọc rễ và giờ đây gắng nhổ mình lên khiến đất vụn và rác rơi lả tả quanh người.

Koljaiczek cảm thấy lành lạnh khi bị phơi ra đột ngột dưới làn mưa. Anh vội cài lại khuy quần mà nỗi lo sợ cùng nhu cầu tìm kiếm một chỗ nương náu đã khiến anh cởi ra dưới những lớp váy. Những ngón tay anh làm việc nhanh thoăn thoắt vì anh sợ của quý của mình mau chóng trở nên buốt giá trong tiết thu đầy đe dọa.

Bà tôi tìm thấy dưới tro bốn củ khoai tây nóng sốt nữa, Bà cho Koljaiczek ba, còn một dành cho mình. Trước khi đưa lên miệng cắn, bà còn hỏi lại một lần nữa anh ta có phải là người xưởng gạch không mặc dầu bà biết rõ rằng Koljaiczek có thể từ bất cứ nơi nào đến, nhưng không phải dân làm gạch. Không cần đợi trả lời, bà giao cho anh ta cái thúng nhẹ hơn, còn mình thì còng lưng dưới cái kia, nặng hơn. Bà còn rảnh một tay để cầm cái cào và cái cuốc; rồi, với thúng khoai tây, cào và cuốc, bà giong buồm-bốn-váy xuôi về phía mỏ đá Bissau.

Không phải đích thị Bissau mà hơi chếch về mạn Ramkau. Vậy là họ bỏ lại xưởng gạch bên tay trái và đi về phía khu rừng đen với Goldkrug ở giữa và Brennlau phía sau. Ngay trước khu rừng, trong một dải đất trũng, là mỏ đá Bissau. Joseph Koljaiczek, vẫn thấp bè bè, theo bà tôi đến đó, không cách chi rời khỏi những cái váy của bà nữa.

Chú thích:

[1] Dân tộc Tây Xlavơ đã Đức hoá sống ở vùng Tây Phổ cũ và Đông Bắc Pomerania, cho đến năm 1945, khoảng 150.000 người vẫn nói tiếng Kashuhcs như tiếng mẹ đẻ. Tiếng Kashubes thành một thổ ngữ trung gian giao tiếp giữa người Ba Lan và người Tây Pomerania. (Tất cả các chú thích trong cuốn sách này đều của người dịch).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx