sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Những Mặt Cửa Hàng

Trong nhiều năm, chính xác ra là cho đến tháng 11 năm 1938, tôi và cái trống của tôi đã bỏ ối thời gian nấp dưới các khán đài, quan sát những cuộc biểu tình thành công hoặc không mấy thành công, phá vỡ một số cuộc mít-tinh, làm cho nhiều diễn giả điên đầu, biến những bài hát ngợi và hành khúc thành các điệu van-xơ và fốc-xt’rốt.

Giờ đây tôi là một bệnh nhân trong một bệnh viện tâm thần và tất cả những cái đó đã trở thành lịch sử, thành chuyện cũ rích, đồ đồng nát, mặc dầu vẫn còn được bàn luận đến luôn. Tôi đã có đủ độ lùi cần thiết để đánh giá đúng đắn hoạt động đánh trống của mình dưới các khán đài. Tôi không bao giờ có ý tự xem mình như một người kháng chiến: có đáng kể gì nếu như tiếng trống của tôi đã phá vỡ sáu, bảy cuộc mít-ting và làm loạn nhịp bước của dăm ba đoàn người diễn hành? Cái từ “kháng chiến” ấy đã trở nên rất thời thượng. Người ta nói nào là “tinh thần kháng chiến”, nào là “giới kháng chiến”. Thậm chí người ta còn bán đến “kháng chiến hướng nội” hoặc “di cư tinh thần” nữa. Ấy là chưa kể những con người can đảm và không khoan nhượng tự gọi mình là Chiến sĩ Kháng chiến bởi lẽ họ đã chịu phạt vì đã không che kín đèn phòng ngủ khi có báo động không kích trong thời kỳ chiến tranh.

Ta hãy ngó nhìn một lần nữa bên dưới những khán đài của Oskar. Có phải Oskar đã đánh trống vì nhân dân không? Phải chăng, theo lời khuyên của ông thầy Bebra, nó đã giành quyền chủ động và kích thích dân chúng nhảy trước khán đài? Phải chăng nó đã làm rối trí Löbsack, người trưởng ban đào tạo sắc sảo và đầy bản lĩnh? Có phải chính nó, vào một ngày chủ nhật (với bữa ăn nhất món) tháng 8 năm 1936 và nhiều lần sau đó, đã phá vỡ những cuộc tập hợp của Đảng áo nâu bằng một cái trống tuy sơn đỏ và trắng nhưng không phải là Ba Lan?

Vâng, tôi đã làm tất cả những điều đó. Nhưng có phải vì thế mà tôi, cái thằng đang nằm trong nhà thương điên này, là một Chiến sĩ Kháng chiến không? Tôi phải trả lời: không, và tôi hy vọng cả quý vị nữa, những người không bị nhốt trong bệnh viện tâm thần, cũng đừng nhìn tôi như một cái gì khác hơn là một gã lập dị, gã này, vì những lý do riêng tư, hơn thế nữa, mang tính chất mỹ học, đồng thời cũng bởi tâm niệm lời dạy của ông thầy Bebra, đã khước từ kiểu cắt may và màu sắc của các bộ đồng phục, tiết tấu và âm điệu của loại nhạc thường được chơi ở các khán đài, do đó đã tấu lên tí ti phản kháng trên cái trống vốn chỉ là một thứ đồ chơi trẻ con.

Vào thời kỳ ấy, với một cái trống đồ chơi cà khổ, bạn có thể khiến những người trên và trước một khán đài nghe mình và phải nói rằng tôi đã hoàn thiện cái ngón này như đã hoàn thiện giọng ca tầm xa diệt-thuỷ-tinh. Bởi vì tôi không chỉ dùng tiếng trống tấn công các cuộc biểu tình sắc nâu. Oskar còn nấp cả dưới các khán đài của bọn Đỏ và bọn Đen, của bọn Hướng đạo sinh và bọn Áo Xanh, của tổ chức Nhân Chứng của Jehovah và băng Râu Đỏ, của Những Người Ăn Chay và Phong trào Thanh niên Ba Lan vì Tầng Ozone Sạch. Tha hồ cho họ muốn hát gì, đánh trống khua chiêng điệu gì, hô hào rao giảng gì, trống tôi vẫn át giọng tất.

Phải, công cuộc của tôi là hủy hoại. Và những gì cái trống của tôi không thắng nổi thì giọng tôi diệt nốt. Cho nên, cùng với những cuộc tấn công ban ngày vào sự đối xứng của các khán đài, tôi bắt đầu hoạt động cả ban đêm: mùa đông 1936-37, tôi sắm vai kẻ cám dỗ.

Chính bà ngoại Koljaiczek đã cho tôi những chỉ dẫn đầu tiên về nghệ thuật cám dỗ đồng bào tôi. Mùa đông khắc nghiệt năm ấy, bà tôi mở một quầy bán trong khu chợ mỗi tuần họp một lần ở Langfuhr; bà ngồi đó trong bốn chiếc váy, rao mời bằng một giọng ảo não: “Trứng tươi mới, bơ vàng óng, ngỗng choai choai không béo không gầy.” Phiên chợ vào ngày thứ ba, bà đáp chuyến tàu chợ trên đường ray hẹp từ Viereck; ít phút trước khi đến Langfuhr, bà thay đôi dép đi trên tàu bằng một đôi guốc thô xấu xí, xách hai cái làn đi về phía quầy hàng trong phố Bahnhof-strasse. Phía trên quầy có treo tấm biển: Anna Koljaiczek, Bissau. Dạo ấy, trứng mới rẻ làm sao! Một gulden được những hai tá rưỡi và bơ Kashubes còn rẻ hơn cả margarin. Bà tôi ngồi giữa hai mụ hàng cá, mụ này rao: “Cá thu!” mụ kia mời: “Mua cá bơn tươi đi!” Cái rét làm cho bơ rắn như đá, giữ cho trứng tươi lâu, biến vẩy cá thành lưỡi dao cạo và tạo việc làm cho một người đàn ông độc nhỡn tên là Schweirdtfeger: bác ta hơ nóng gạch trên ngọn lửa than, gói vào giấy báo rồi cho các bà bán hàng ở chợ thuê.

Cứ đúng đầu mỗi giờ, Schweirdtfeger lại đẩy một viên gạch nóng vào dưới bốn cái váy của bà tôi. Bác ta dùng một cái xẻng bẹt bằng sắt đẩy cái gói bốc hơi dưới những gấu váy chỉ hơi vén lên một tí, trút nó khỏi xẻng và thu hồi hòn gạch của giờ trước lúc này đã gần lạnh.

Sao mà tôi thèm được như những viên gạch gói trong giấy báo ấy, những cái kho chứa và ban phát hơi ấm ấy! Cho đến bây giờ, tôi vẫn ước ao được là một viên gạch nung nóng, luôn luôn được thay thế bằng chính mình, nằm dưới những cái váy của bà tôi. Quý vị sẽ hỏi: Oskar tìm kiếm cái gì dưới những cái váy của bà ngoại nó? Nó muốn bắt chước ông ngoại Koljaiczek của nó và giở trò luông tuồng với bà lão chăng? Hay nó tìm sự quên lãng, một mái ấm, một cõi Niết Bàn tối hậu?

Oskar xin trả lời: tôi tìm châu Phi dưới những cái váy hoặc có lẽ là Napoli, nơi mà – như quý vị đều biết – ai cũng muốn được thấy trước khi chết. Đó là đường phân thuỷ, tụ điểm của mọi dòng nước; nơi đây, những ngọn gió đặc biệt thường xuyên thổi, hoặc chẳng có ngọn gió nào hết; nơi đây, khô và ấm mà lại có tiếng mưa xào xạc; nơi đây, những con tàu cập bến hoặc nhổ neo ra khơi; nơi đây, Oskar ngồi bên Chúa Trời, cha chúng ta, vốn yêu sự ấm áp; nơi đây, quỷ Xatăng lau cái ống nhòm của hắn và các thiên thần chơi trò bịt mắt bắt dê; dưới những cái váy của bà tôi, bao giờ cũng là mùa hè, ngay cả vào thời điểm phải thắp nến trên cây Nô-en hoặc đi lùng những quả trứng cho ngày lễ Phục sinh, ngay cả vào dịp Lễ các Thánh. Không ở đâu tôi có thể thuận hoà với quyển lịch hơn là dưới những chiếc váy của bà ngoại tôi.

Nhưng bà hiếm khi cho tôi nương náu dưới cái lều của bà, và ở ngoài chợ thì lại càng tuyệt đối không. Tôi ngồi bên cạnh bà trên một cái hòm, nhận một chút gì như là hơi ấm từ cánh tay bà và nhìn những viên gạch đến rồi đi. Chính ở đây tôi đã học những thuật cám dỗ người của bà tôi. Đồ nghề của bà là cái túi tiền cũ của ông Vincent Bronski buộc vào một sợi dây. Bà vứt nó lên mặt tuyết đã rắn lại trên vỉa hè. Không ai ngoài bà tôi và tôi có thể nhìn thấy sợi dây lẫn với cát xám do xe và người qua lại rắc lên mặt tuyết trơn.

Các bà nội trợ đi đi lại lại. Mặc dầu hàng của bà tôi giá rất rẻ, họ vẫn không muốn mua; họ thích được cho không, hoặc nếu có thể, thêm thắt chút ít. Với tâm thế ấy, một bà nào đó có thể cúi xuống định nhặt cái hầu bao của ông Vincent, những ngón tay bà ta đã chạm vào nó. Bấy giờ bà tôi mới giật lưỡi câu, kéo cái con cá ăn mặc đẹp đẽ nhưng hơi bối rối về phía quầy mình: “Thế nào, bà thân mến, bà ưng thứ gì: một chút bơ giàu kem vàng óng hay mớ trứng tươi, một gulden hai tá rưỡi?”

Đó là cách bà Anna Koljaiczek bán hàng. Tôi học được ở đó ma thuật của cám dỗ, không phải cái kiểu cám dỗ đã kéo bọn con trai mười bốn tuổi ở chung cư chúng tôi xuống hầm nhà chơi trò thầy thuốc-bệnh nhân với con Susi Kater đâu. Cái đó không mảy may cám dỗ tôi. Tôi tránh nó như tránh hủi từ sau cái lần bọn tiểu yêu Axel Mischke và Nuchi Eyke, trong vai người hiến xêrum, và Susi, trong vai bác sĩ, bắt tôi, bệnh nhân, phải nuốt những thứ thuốc tuy không đầy sạn cát như món xúp gạch nhưng để lại một dư vị như cá thối rữa. Cám dỗ của tôi là phi vật thể và giữ khoảng cách với nạn nhân của nó.

Khá lâu sau khi đêm xuống, một hoặc hai giờ trước lúc các cửa hiệu đóng cửa, tôi trốn mẹ tôi và Matzerath lỉnh ra phố trong đêm đông. Đứng dưới một vòm cửa khuất gió, tôi phóng mắt qua con phố im lặng, hầu như vắng tanh nhìn sang những mặt cửa hàng bày những món ăn đặc sản, quần áo giày dép, đồng hồ, nữ trang, các thứ hàng vừa hấp dẫn vừa dễ mang. Tất cả các mặt cửa hàng đều không sáng đèn. Quả thật, tôi ưng nhằm những cửa hàng tôi tối nằm ngoài quầng sáng của những ngọn đèn đường, vì ánh sáng thu hút mọi người, kể cả những kẻ bình thường nhất, trong khi chỉ những người xuất sắc mới thích nấn ná trong khoảng tranh tối tranh sáng.

Tôi không quan tâm đến loại người la cà ngó nghiêng vào các tủ kính sáng choang, chú ý xem nhãn ghi giá hàng hơn chính bản thân hàng, hoặc những kẻ đứng soi mình vào mặt kính cửa hàng để xem mũ đội có ngay ngắn không. Loại người tôi rình ngóng trong những đêm rét khô, những đêm mà không trung đầy những bông tuyết lớn lặng lẽ, hoặc dưới vầng trăng mùa đông như sáp ong, là những người dừng chân nhìn vào các tủ kính cửa hàng như thể đáp lại một lời kêu gọi; mắt họ không láo liên vô mục đích mà nhanh chóng cố định ngay trên một vật duy nhất.

Tôi là người đi săn, họ là con mồi của tôi. Công việc của tôi đòi hỏi phải kiên nhẫn, lạnh lùng và con mắt tinh tường chuẩn xác. Có đủ những điều kiện ấy rồi, đến lượt giọng tôi ra chiêu hạ thủ con mồi, không đau đớn cũng chẳng chút đổ máu.. Bằng cách dụ dỗ. Dụ dỗ kiểu gì?

Dụ dỗ ăn cắp. Bằng tiếng kêu vô thanh nhất của mình, tôi cắt một đường tròn trên mặt kính cửa hàng ngang tầm với ngăn bên dưới, gần món hàng yêu thích. Rồi bằng một nhấn giọng cuối cùng, tôi hích nhẹ cho khoanh kính tròn vừa cắt rơi vào phía bên trong tủ bày hàng với một tiếng lanh tanh nhanh chóng tắt lịm, tuy nhiên đó không phải là tiếng thuỷ tinh vỡ. Oskar đứng ở quá xa không nghe thấy cái âm thanh đó. Nhưng người thiếu phụ mặc chiếc măng-tô nâu đã sờn và quàng khăn lông thỏ thì nghe thấy và đồng thời trông thấy cái lỗ tròn; nàng giật thót người làm chiếc khăn choàng lông thỏ rung rung và sắp sửa định bước đi qua lớp tuyết nhưng rồi lại đứng sững, có lẽ vì tuyết đang rơi dày hơn và mọi sự đều được phép khi tuyết đang rơi miễn là tuyết rơi dày. Tuy nhiên, nàng vẫn nhìn quanh, hoài nghi những bông tuyết, như thể đằng sau những bông tuyết, không phải chỉ là những bông tuyết khác mà còn có một cái gì khác nữa. Và nàng vẫn còn nhìn quanh khi rút bàn tay phải ra khỏi chiếc bao tay cũng bằng lông thỏ. Thế rồi nàng thôi không nhìn quanh nữa và thò tay qua cái lỗ tròn, gạt khoanh kính vừa rớt trên đối tượng thèm muốn, và lần lượt rút từng chiếc một của đôi giày da lộn màu đen qua cái lỗ mà không làm xước gót hoặc cứa tay vào cạnh thuỷ tinh sắc. Một cái bên trái, một cái bên phải, đôi giày biến vào trong túi áo măng-tô của nàng. Trong một thoáng vừa đủ cho năm bông tuyết rơi, Oskar trông thấy gương mặt xinh đẹp nhưng không có cá tính; có lẽ - nó chợt nghĩ – đây là một người mẫu của đại thương xá Sternfeld. Rồi nàng lẫn vào màn tuyết rơi, thoáng hiện trở lại một lần nữa trong quầng sáng vàng vàng của ngọn đèn đường tiếp theo và cuối cùng, dù là người mẫu tự do hay cô dâu mới, nàng cũng biến mất hẳn.

Công việc hoàn thành – và xin hãy tin tôi: rình núp chờ đợi mà không được đánh trống rồi dùng giọng khoét gọn một miếng tròn xoay trên mặt kính băng giá, là một công việc khó khăn gian khổ - tôi cũng lên đường về nhà, không có chiến lợi phẩm, nhưng với một ngọn lửa nóng rực và một ớn lạnh trong tim.

Thuật dụ dỗ của tôi không phải bao giờ cũng thành công rõ rệt như vậy. Một trong những tham vọng của tôi là biến một cặp tình nhân (hay vợ chồng) thành một cặp kẻ trộm. Hoặc cả hai đều không muốn, hoặc khi chàng đã thò tay thì nàng liền giật lại; hoặc giả nàng là người cả gan dám làm, trong khi chàng quỳ xuống van nài, kết quả là nàng nghe theo nhưng từ đó coi khinh chàng mãi mãi. Có lần tôi dụ dỗ một cặp tình nhân trẻ, trong tuyết rơi, nom họ lại càng trẻ măng. Lần này là một cửa hàng nước hoa. Chàng đóng vai người hùng và lấy một lọ nước hoa Cologne. Nàng khóc thút thít và nói nàng không muốn. Nhưng chàng muốn nàng phải thơm tho và cứ làm theo ý mình. Nhưng khi đến cột đèn gần nhất, cô gái trẻ kiễng chân lên hôn chàng – cử chỉ của cô trắng trợn như thể định trêu ngươi tôi – cho đến khi anh chàng đành quay lại đặt lọ nước hoa về chỗ cũ.

Tôi cũng đã nếm trải nhiều kinh nghiệm tương tự với những ông già mà bước chân thoăn thoắt của họ trong đêm lạnh hứa hẹn với tôi một cái gì, song kết quả lại không như tôi chờ đợi. Họ dừng lại thèm thuồng trước một cửa hàng bán xì-gà, trong khi ý nghĩ lại đang lang bang tận La Havana, Brazil, hay quần đảo Brissago. Nhưng khi giọng tôi hoàn thành lát cắt quen thuộc và một lỗ tròn hiện ra ngay trước một hộp “Black Wisdom” thì một con dao nhíp bỗng gập đánh tách trong tim họ. Thế là họ quay đằng sau, chống gậy sang đường và rảo bước qua trước vòm cửa nơi tôi đứng mà không hề nhìn thấy tôi, tạo cho Oskar một cơ hội để cười vẻ mặt nhớn nhác của họ, phải, nom họ như vừa bị quỷ dữ nát cho một trận run bắn người vậy. Nhưng có một thoáng lo lắng trong nụ cười của tôi vì các ông già tội nghiệp ấy – phần lớn các ông nghiện xì-gà thâm căn cố đế đều rất già – rõ ràng đã đổ mồ hôi lạnh và điều đó dễ khiến các ông đột quỵ vì cảm hàn, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi.

Phần lớn các cửa hàng trong khu ngoại ô này của chúng tôi đều đã mua bảo hiểm chống trộm cắp và mùa đông năm ấy, các công ty bảo hiểm phải trả những khoản bồi thường lớn. Tuy tôi không bao giờ tạo điều kiện cho những vụ cướp bóc quy mô lớn và cố ý khoanh những lỗ thật nhỏ chỉ đủ lọt một hay hai vật ra khỏi tủ bày hàng, nhưng những vụ trộm được báo cáo nhiều đến nỗi cảnh sát hầu như không lúc nào được nghỉ ngơi, vậy mà vẫn bị báo chí chỉ trích kịch liệt. Từ tháng 11/1936 đến tháng 3/1937 khi Đại tá Koc thành lập một Chính phủ Mặt trận Dân tộc ở Vacxava, sáu mươi tư vụ trộm hụt và hai mươi tám vụ trộm thành công đã được thống kê. Dĩ nhiên, đa số những bà già, con sen, thầy cô giáo về hưu nọ đâu có năng khiếu ăn trộm và thường thường, cảnh sát có thể thu hồi lại vật mất cắp ngay ngày hôm sau; hoặc giả tay đạo chích nghiệp dư, sau khi được món đồ bấy lâu ao ước, lại bị nó hành cho mất ngủ cả đêm, và sáng ra không nghĩ được điều gì đáng làm hơn là đến gặp cảnh sát mà rằng: “Ừm, tôi xin lỗi. Điều này sẽ không bao giờ tái diễn. Bỗng dưng hiện ra một cái lỗ ở mặt kính và khi tôi mới hoàn hồn được nửa phần thì đã thấy mình ở cách đó ba khối nhà và bàng hoàng phát hiện ra một đôi găng da bê đẹp tuyệt trần, chắc là đắc tiền lắm, nằm gọn trong túi ao ba-đờ-xuy của mình.”

Bởi chừng cảnh sát không tin rằng trên đời lại có phép lạ, nên cả những kẻ bị bắt với tang vật lẫn những người tự nguyện đến thú tội đều bị phạt giam từ bốn đến tám tuần.

Thi thoảng tôi cũng bị giam trong nhà vì đương nhiên mẹ ngờ rằng cái giọng diệt-thuỷ-tinh của tôi có liên quan đến đợt phạm tội này, tuy mẹ rất thận trọng, không thừa nhận với bản thân, càng không nói gì với cảnh sát.

Đôi khi, Matzerath lên mặt tuân thủ pháp luật, nghiêm nghị tra hỏi tôi. Tôi không chịu trả lời, lẩn tránh một cách ranh ma đằng sau cái lá chắn tạo nên bởi cái trống và trạng thái chậm phát triển của đứa trẻ mãi mãi ở tuổi lên ba. Sau những cuộc hỏi cung như vậy, bao giờ mẹ cũng kêu lên: “Chỉ tại cái lão lùn đã hôn lên trán nó. Xưa nay Oskar có bao giờ thế đâu. Ngay lúc trông thấy thế, tôi đã biết là sẽ có chuyện mà”.

Tôi phải thừa nhận là Bebra có một ảnh hưởng lâu dài đối với tôi. Ngay cả những đợt phạt giam tại gia cũng không ngăn nổi tôi “trốn trại” khoảng một tiếng gì đó, bất cứ lúc nào có thể; thời gian có đủ cho tôi cất giọng khoét cái lỗ tròn khét tiếng trên mặt kính một cửa hàng và biến một thanh niên đầy triển vọng, ngẫu nhiên bị những hàng bày cám dỗ, trở thành chủ nhân của một chiếc cà-vạt màu vang đỏ bằng lụa tinh chất.

Nếu quý vị hỏi tôi: phải chăng cái ác đã sai khiến Oskar gia tăng thêm sự cám dỗ vốn đã rất mạnh của một tủ kính cửa hàng bóng loáng, bằng cách mở một lỗ có thể thò tay qua? thì tôi phải trả lời: Vâng, đó là cái ác. Dù chỉ là do tôi nấp trong bóng tối của những cửa vào: hẳn ai cũng biết cửa vào nhà là nơi trú ngụ ưa thích của cái ác. Mặt khác – đây không phải nhằm giảm nhẹ tính chất hiểm độc của những hành động đó bởi giờ đây tôi chẳng còn cơ hội hoặc ham thích cám dỗ ai – tôi buộc phải nói với bản thân cũng như với Bruno tay y tá trông nom tôi: Oskar, mày không chỉ thoả mãn những ước muốn nhỏ bé và trung bình của những kẻ lặng lẽ đi trong mưa tuyết, những con người, nam và nữ, yêu thích một vật nào đó trong mơ ước; không, mày còn giúp họ thấu hiểu bản thân mình nữa. Nhiều phu nhân ăn vận sang trọng, nhiều ông già lịch sự phong nhã, nhiều bà độc thân lớn tuổi nhờ sùng đạo mà giữ mình được trẻ lâu, ắt sẽ không bao giờ biết được tên trộm ẩn trong tâm mình nếu như mày không cất giọng để dụ dỗ họ ăn cắp; đó là chưa kể là giọng mày đã làm thay đổi cách nhìn của những công dân chính trực trước đó vẫn coi tên vụng về nhất trong bọn ăn trộm vặt như một tội phạm nguy hiểm.

Tôi đã rình ông ta nhiều tối liền. Đã ba lần ông không chịu nhượng bộ, nhưng đến lần thứ tư thì trở thành tên trộm mà cảnh sát không bao giờ truy lùng ra. Ông là ai? Tiến sĩ Erwin Scholtis, vị Công tố uỷ viên đáng sợ của Toà Đại hình. Nghe nói ông đã trở thành một luật gia hiền hoà, khoan dung, gần như nhân đạo trong việc quyết án, chính bởi vì ông đã hiến tế cho tôi, á thần của giới đạo chích, bằng cách ăn trộm một cái chổi cạo râu bằng lông lửng chính cống.

Một đêm tháng 1/1937, tôi đứng hồi lâu run rẩy bên kia đường trông sang một hiệu kim hoàn được coi là một trong những cửa hàng vàng bạc đá quý lớn nhất của tỉnh mặc dầu nó nằm khuất ở cái phố ngoại ô yên tĩnh với hai hàng cây thích này. Cái tủ kính bày những đồ trang sức và đồng hồ thu hút một số con mồi mà tôi ắt sẽ bắn gục không chút do dự nếu như họ đang ngó vào những tủ bày hàng khác như tất lụa, mũ nhung hoặc rượu mùi.

Đó là do tác động của đồ kim hoàn. Anh bỗng trở nên kỹ tính, chậm phản ứng, chỉnh nhịp của mình theo những chuỗi hạt bất tận. Tôi không đo thời gian bằng phút nữa mà bằng năm-ngọc-trai, xuất phát từ nguyên lý là chuỗi hạt trai sống lâu hươn cổ người đeo nó, cổ tay rồi sẽ nhăn nheo nhưng vòng ngọc thì không, và những lăng mộ cổ vẫn còn đầy nhẫn trong khi những ngón tay đã tiêu từ lâu. Tóm lại, trong đám dòm-tủ-kính, tôi xét thấy người này thì quá kênh kiệu còn kẻ kia lại quá tầm thường không đáng đeo đồ châu ngọc.

Tủ kính mặt ngoài cửa hiệu kim hoàn của Bansemer không bày quá nhiều đồ. Mấy cái đồng hồ chọn lọc, đồ Thuỵ Sĩ hảo hạng, một bộ nhẫn cưới trên nền nhung xanh da trời và ở chính giữa là sáu-bảy mặt hàng thượng thặng. Một con rắn cuộn ba khúc làm bằng vàng nhiều màu, cái đầu chạm tinh vi với hai viên xa-phia làm mắt, được tôn giá trị và rực rỡ thêm bởi một viên hoàng ngọc và hai hột xoàn. Bình thường, tôi vốn không thích nhung đen, nhưng cái miếng nhung đen trên đó Bansemer đặt con rắn thì thật là hợp, cũng như miếng nhung xám toát ra một sự tĩnh lặng khêu gợi dưới những đồ bạc chạm trổ hết sức hài hoà. Một chiếc nhẫn gắn hạt ngọc đẹp đến mức có thể dám chắc nó sẽ làm lu mờ bất cứ bàn tay đẹp nào đeo nó và ngày càng đẹp hơn cho tới khi nó đạt đến độ bất tử vốn là đặc quyền của châu ngọc. Những chuỗi hạt không ai đeo vào mà không bị trừng trị vì mọi cái cổ mang chúng đều sẽ lộ rõ nét thô kệch. Và cuối cùng, trên một nệm nhung vàng nhạt được tạo hình đơn giản như một cái cổ, là một bộ dây chuyền cực nhẹ. Kết cấu tinh vi mà như đùa giỡn, một mạng tơ tưởng chừng chỗ nào cũng có thể đứt. Con nhện nào có thể thả tơ vàng để bặt bảy viên hồng ngọc, sáu nhỏ một lớn, trong mạng lưới này? Và con nhện ấy đâu, nó mai phục cái gì? Chắc chắn không phải để bắt thêm những viên hồng ngọc, mà nhằm một người nào đó thì đúng hơn; một người bị hút mắt vào những viên hồng ngọc sa lưới nằm đó như những giọt máu đóng khuôn – nói cách khác: tôi nên cho ai bộ dây chuyền ấy cho phù hợp với kế hoạch của tôi và của con nhện nhả tơ vàng?

Đêm mười tám tháng giêng năm 1937, một đêm mưa tuyết tỏa ra cái mùi như dự báo tuyết còn tiếp tục rơi, một đêm thuộc loại dành cho ai muốn đổ thừa cho tuyết phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì có thể xảy ra, tôi trông thấy, trên lớp tuyết đã rắn lại xào xạo dưới chân người, Jan Bronski đang đi sang đường cách vị trí quan sát của tôi không xa; tôi thấy bác đi qua hiệu kim hoàn không hề ngước nhìn lên, rồi bỗng nhiên ngập ngừng, đúng hơn, dừng sững lại như tuân theo một hiệu lệnh. Bác quay lại hay bị cưỡng bức quay lại – và kia, Jan Bronski đang đứng trước cái tủ bày hàng giữa lặng lẽ đám cây thích tuyết phủ trắng xoá.

Ông bác Bronsski đẹp trai, quá đẹp trai, bao giờ cũng hơi ốm yếu, phục tùng trong công việc và tham lam trong tình yêu, một con người đần độn đắm đuối vì sắc đẹp, Jan Bronski, người sống bởi da thịt mẹ tôi, người mà cho đến nay tôi vẫn nửa tin nửa ngờ là đã sinh tôi nhân danh Matzerath- đó, bác đang đứng trong chiếc pa-đờ-xuy trang nhã có lẽ do một tay kéo Vacxava cắt may và trở thành một pho tượng chân dung của chính mình, một biểu tượng hoá đó. Giống như Perceval [2] bác cũng đứng trong tuyết, chỉ khác cái là Perceval tập trung chú ý vào những giọt máu trên tuyết, còn Jan thì lại dán mắt vào những viên hồng ngọc của bộ dây chuyền vàng.

Lẽ ra tôi đã có thể lên tiếng hoặc gõ trống khuyến cáo bác đi khỏi. Cái trống ở kề bên tôi. Tôi có thể cảm thấy nó dưới áo măng-tô. Tôi chỉ việc cởi một cái khuy áo là nó sẽ lộ ra trong đêm giá lạnh. Tôi chỉ việc thò tay vào túi áo măng-tô là đôi dùi sẽ sẵn sàng hàng động. Chàng săn Hubert [3]ghìm mũi tên của mình lại khi con hươu vô thường hiện ra trong tầm ngắm. Saul trở thành thánh Paul 4]. Attitla [5] quay lui khi Giáo hoàng Leo[6] giơ ngón tay có đeo nhẫn lên. Nhưng tôi đã bắn mũi tên của tôi đi, tôi không cải giáo, tôi không quay lại, tôi, Oskar, vẫn là thợ săn quyết hạ con mồi, tôi không cởi khuy áo măng-tô cho cái trống phơi mình ra trong đêm giá lạnh, tôi không bắt chéo đôi dùi trên mặt trống trắng toát một màu trắng đông hàn, tôi không biến cái đêm tháng giêng này thành một đêm đánh trống, mà chỉ lặng lẽ cất tiếng kêu vô thanh, kêu như kiểu một ngôi sao kêu (có lẽ thế) hoặc một con cá dưới biển sâu có thể kêu. Tôi phóng tiếng kêu trước tiên vào đêm giá rét cho tuyết mới, cuối cùng có thể rơi, rồi phóng vào mặt kính, kính đậm đặc, kính quý, kính rẻ tiền, kính trong suốt, kính ngăn cách, kính giữa hai thế giới, lớp kính huyền bí, trinh bạch ngăn Jan Brosnki với bộ dây chuyền vàng hồng ngọc, khoét một lỗ vừa đúng cỡ chiếc găng của Jan mà tôi biết rất rõ. Tôi đẩy cho khoanh cắt rơi vào trong như một cái cửa xạp, như cửa thiên đường hay cửa địa ngục: và Jan không nao núng, bác rút bàn tay đeo găng da sang trọng ra khỏi túi pa-đờ-xuy, đưa về phía thiên đường; từ thiên đường (hay địa ngục), bàn tay ấy lấy về một bộ dây chuyền với những viên hồng ngọc có thể làm hài lòng tất cả các thiên thần trên đời, kể cả những thiên thần sa ngã. Bàn tay nắm đầy hồng ngọc và vàng quay trở về trong túi và bác vẫn đứng đó cạnh tủ kính há miệng mặc dầu nán lại đó là rất nguy hiểm, mặc dầu chẳng còn những viên hồng ngọc nhỏ máu để nhắc bác, hoặc Perceval, hướng mắt về đâu.

Ôi Cha và Con và Thánh Thần! Đã đến lúc giải tán thánh thần, chớ để điều gì xảy đến với Jan, người cha. Oskar, đứa con, cởi khuy áo măng-tô, nhanh chóng nắm lấy dùi và thúc trống lên tiếng gọi: Cha!cha! cho đến khi Jan Broski quay lại và chậm rãi, quá sức chậm rãi đi sang đường và tìm thấy Oskar, ở lối cửa vào.

Thật tuyệt vời: đúng lúc Jan – vẫn còn đờ đẫn trong cơn mê dại nhưng đã sắp giải cơn – quay lại nhìn tôi thì tuyết bắt đầu rơi. Bác giơ một tay ra đón tôi, không phải bàn tay đeo găng đã sờ vào những viên hồng ngọc, và dẫn tôi về nhà, lặng thinh nhưng không hề bối rối. Ở nhà, mẹ đang lo cho tôi và Matzerath, với vẻ nghiêm khắc thường ngày, đang doạ trình cảnh sát tuy không thật bụng định thế. Jan không giải thích gì cả; bác không ở lại lâu và cũng chẳng muốn chơi bài xì-cạt, mặc dầu Matzerath đã đặt bia lên bàn mời bác. Khi ra về, bác vuốt ve Oskar và Oskar hoang mang không hiểu là bác xin nó giữ chuyện hay chỉ là biểu hiện tình thân.

Mấy ngày sau, Bronski tặng mẹ tôi bộ dây chuyền. Chắc chắn là mẹ thừa biết nó ở đâu ra nên mẹ chỉ đem ra đeo khi Matzerath vắng nhà. Mẹ đeo nó cho riêng mình mẹ hoặc vì bác Jan Bronski và có thể vì tôi nữa.

Ít lâu sau chiến tranh, tôi đem nó ra chợ đen ở Düssendorf đổi lấy mười hai tút Lucky Strikes và một cái cặp da.

Chú thích:

[1] Hiệp sĩ dưới triều vua Arthur, người đi tìm Chén Thánh (do Chúa Jêxu dùng trong bữa ăn tối cuối cùng với các thánh tông đồ và sau đó được dùng để hứng máu Chúa).

[2] Giám mục vùng Maestricht và Liège. Theo truyền thuyết, Hubert được cải giáo trong một chuyến đi săn khi trông thấy một con hươu mang trên sừng một cây thánh giá sáng rực. Do đó, thành thánh bảo hộ người đi săn.

[3] Giám mục vùng Maestricht và Liège. Theo truyền thuyết, Hubert được cải giáo trong một chuyến đi săn khi trông thấy một con hươu mang trên sừng một cây thánh giá sáng rực. Do đó, thành thánh bảo hộ người đi săn.

[4]Attila (406?-453) vua Hung-nô trị vì từ 433(?) đến 453, được mệnh danh là “Mối hoạ của thượng đế” vì những cuộc chinh phục và tàn phá khắp châu Âu.

[5] Năm 452, Giáo hoàng Leo I đã thuyết phục được Attila thôi không đánh chiếm Roma.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx