sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cái Lưng Của Herbert Truczinski

Người ta nói không gì thay thế được một người mẹ. Không lâu sau đám tang, tôi bắt đầu cảm thấy nỗi thiếu vắng mẹ tôi. Không còn những chiều thứ năm đến thăm cửa hàng Sigismund Markus, không ai dẫn tôi đến với bộ đồng phục trắng của Xơ Inge, và nhất là những ngày thứ bảy càng khiến tôi đau đớn nhận ra rằng mẹ đã chết: mẹ không đi xưng tội nữa.

Thôi rồi khu phố, thôi rồi văn phòng bác sĩ Hollatz và thôi rồi Nhà thờ Thánh Tâm. Tôi mất hết hứng thú với các cuộc biểu tình. Và làm sao tôi có thể nhử khách qua đường tới những tủ kính cửa hàng khi mà ngay cả cái ngón nghề cám dỗ cũng trở nên nhạt nhẽo không còn hấp dẫn Oskar nữa? Không còn mẹ để đưa tôi đi xem kịch ở Nhà hát Stadt vào dịp lễ Giáụg Sinh hoặc đi đến rạp xiếc Krone hay Busch. Siêng năng nhưng mặt ủ mày chau, tôi quay về dùi mài kinh sử, lầm lũi đi qua các phố ngoại ô thẳng tắp đến đường Kleinhammer- weg, thăm Gretchen Scheffler; ở đây, cô Gretchen kể cho tôi nghe về những cuộc hành trình đến miền đất của mặt trời lúc nửa đêm do "Sức Mạnh thông qua Niềm Vui" tổ chức, trong khi tôi liều mạng so sánh Goethe với Rasputin, hoặc giả khi tôi chán ngấy cái sự luân phiên bất tận hết tăm tối lại huy hoàng mà xoay sang nghiên cứu lịch sử. Những cuốn chuẩn mực của tôi, Một cuộc chiến đấu vì Roma, Lịch sử thành Danzig của Keyser và Lịch Hàng hải của Köhler, đem lại cho tôi một thứ bán kiến thức bách khoa. Cho đến hôm nay, tôi vẫn có thể cung cấp cho quý vị những con số chính xác về việc xây dựng, hạ thủy, hoàn thiện, trang bị hỏa lực và quân số của tất cả các tàu đã tham gia trận Skagerrak, đã bị chìm hay hư hại trong dịp ấy.

Tôi đã gần mười bốn tuổi, tôi yêu thích sự cô đơn và rất hay đi dạo. Cái trống luôn theo tôi nhưng tôi tiết kiệm, ít dùng đến, vì sau khi mẹ mất, việc cung cấp trống thiếc một cách đều đặn cũng trở thành vấn đề.

Bữa ấy là vào mùa thu 1937 hay mùa xuân 1938 nhỉ? Chỉ nhớ là tôi đang đi dọc Đại lộ Hindenburg về phía thành phố, không xa tiệm cà- phê Bốn Mùa. Lá đang rụng hay chồi non đang hé, dù sao đi nữa cũng có một cái gì đang diễn ra trong thiên nhiên lúc đó - lúc tôi gặp người bạn và thầy Bebra của tôi, hậu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugène vậy là cháu của vua Louis XVI.

Đã ba, bốn năm nay chúng tôi không gặp nhau, tuy nhiên còn cách nhau khoảng hai mươi bước, chúng tôi đã nhận ra nhau, ông không đi một mình mà khoác tay một người đẹp phương Nam thấp hơn Bebra độ hai phân rưỡi và cao hơn tôi chừng ba ngón tay mà ông giới thiệu với tôi là Roswitha Raguna, người mộng du nổi tiếng nhất nước Italia.

Bebra mời tôi vào tiệm Bốn Mùa uống với họ một tách cà-phê. Chúng tôi ngồi trong phòng có bể cá cảnh và mấy mụ già rỗi mồm xì xầm: "Nhìn bọn lùn kìa, Lisbeth, thấy không? Chắc chúng ở đoàn xiếc của Krone. Chúng mình phải đi xem mới được".

Bebra mỉm cười với tôi, phô cả ngàn nếp nhăn li ti hầu như không nhìn thấy được.

Gã bồi bàn mang cà-phê đến cho chúng tôi cao lêu đêu. Trong khi Signora [1] Roswitha gọi thêm một miếng bánh ngọt, gã đứng cạnh đó như một cái tháp mặc đồ đen.

Bebra ngắm tôi: "Chàng Diệt Thủy-Tinh của chúng ta coi bộ không vui. Có gì trục trặc vậy, chú mình? Tại thủy tinh ngoan cố hay giọng đã yếu đi?"

Trẻ và bồng bột như tôi đây, Oskar muốn lập tức chứng tỏ là nghệ thuật của mình vẫn đang ở đỉnh cao phong độ. Tôi nhìn quanh tìm mục tiêu và đã tập trung vào mặt kính lớn phía trước của bể cá với những con cả cảnh cùng những loài cây mọc dưới nước. Nhưng tôi chưa kịp cất tiếng thì Bebra đã nói: "Không, không, anh bạn. Bọn ta tin chú. Chúng ta đừng có phá hoại gì, đừng gây lũ lụt, đừng làm cá chết, được không?"

Tôi ngượng ngùng xin lỗi, đặc biệt với Signora Roswitha lúc này đã rút ra một cái quạt nhỏ xíu và đang quạt lấy quạt để.

" Mẹ em đã chết," tôi nói để giải thích. " Đáng lẽ bà ấy không nên làm thế. Em không thể tha thứ cho bà ấy. Người ta thường nói: người mẹ thấy tất cả, người mẹ tha thứ tất cả. Đó là cái khẩu hiệu tào lao dành cho Ngày Bà Mẹ thôi. Đối với bà ấy, em bao giờ cũng chỉ là một thằng lùn. Nếu có thể thì ắt bà đã trừ bỏ quách thằng lùn đi cho rồi. Nhưng bà không thể trừ bỏ được em, bởi vì trẻ con, kể cả những thằng lùn, đều được khai trên giấy tờ, không thể xóa toẹt đi một cách đơn giản được. Hơn nữa, em lại là thằng lùn của bà ấy nên trừ bỏ em cũng tức như hủy hoại một phần của bản thân bà. Hoặc là ta, hoặc là thằng lùn, bà tự nhủ, và cuối cùng bà tự kết liễu mình; bà bắt đầu ăn toàn cá, chỉ cá thôi ngoài ra không gì hết, thậm chí cá tươi cũng không, bà đuổi tất cả những người tình và giờ đây, khi bà yên nghỉ ở Brenntau, mọi người đều nói, những người tình và cả những khách hàng đều nói: "Thằng lùn đã đánh trống đưa nàng xuống mồ. Vì Oskar, nàng đã không muốn sống nữa, nó đã giết nàng".

Tôi đã phóng đại lên khá nhiều. Tôi muốn gây ấn tượng với Signora Roswitha. Đa số, nhất là bác Jan, đều cho là tại Matzerath mà mẹ tôi chết. Bebra nhìn thấu tâm can tôi.

“Chú hơi quá lời đấy, bạn trẻ ạ. Chỉ vì ghen mà chú đâm giận người mẹ quá cố của chú. Chú cảm thấy nhục vì chính những người tình chán ngắt kia, chứ không phải chú, đã đẩy bà đến chỗ chết. Chú thật hão và độc ác - như một thiên tài tất phải thế". [1]

Rồi với một tiếng thở dài và một cái liếc về phía Signora Roswitha: ‘‘Đối với những người bé nhỏ như chúng ta, sống trót lọt được, không phải là chuyện dễ. Giữ được nhân bản mà không phải lớn lên về kích thước bề ngoài, thật là một nhiệm vụ phức tạp, một cái nghề gay go!’’

Roswitha Raguna, nàng mộng du của thành Napoli có làn da vừa nhẵn mịn vừa nhăn nheo mà tôi đoán chừng mười tám cái xuân xanh nhưng chỉ thoáng sau, đã chiêm ngưỡng như một bà lão chín mươi, Signora Roswitha vuốt vuốt bộ com-lê trang nhã may kiểu Ăng-lê của Me-xừ Bebra, chiếu cặp mắt Địa Trung Hải màu đen anh đào về phía tôi và nói bằng một giọng mịt mùng, hứa hẹn kết trái, một giọng làm tôi xúc động và biến tôi thành đá:" Carissimo Oskarnello! Tôi rất thông cảm nỗi đau buồn của bạn. Andiano, hãy đi với chúng tôi: Milano, Parigi, Toledo, Guatemala!"

Tim tôi chao đi. Tôi nắm lấy bàn tay thiếu nữ trăm tuổi của nàng Raguna. Biển Địa Trung vỗ dào dạt bờ tôi, những cây ô-liu rì rào bên tai tôi: "Roswitha muốn thay thế mẹ. Roswitha sẽ thông cảm. Roswitha, người mộng vĩ đại, nhìn thấu tâm can mọi người, hiểu tâm tư thầm kín nhất của mọi người, trừ của bản thân mình, mamma mia … chỉ trừ bản thân mình, Dio!’’

Kỳ lạ thay, nàng Raguna vừa mới bắt đầu dò đọc những ý nghĩ của tôi, X-quang tâm hồn tôi bằng tia nhìn mộng du của nàng, thì đột nhiên rụt tay lại. Phải chăng trái tim háo hức mười bốn tuổi của tôi đã làm nàng khiếp hãi? Phải chăng nàng vừa chớm cảm thấy rằng với tôi Roswitha, dù thiếu nữ hay lão bà, vẫn có nghĩa là Roswitha? Nàng thì thầm bằng tiếng Napoli, run lên, làm dấu thánh giá liên tục như thể phát hiện thấy trong tôi vô số điều ghê sợ và lặng lẽ lấy quạt che mặt.

Bối rối, tôi yêu cầu giải thích, đề nghị Me-xừ Bebra nói một điều gì. Nhưng ngay cả Bebra, mặc dù là con cháu trực hệ của Hoàng tử Eugène, cũng hoang mang, ông bắt đầu lắp bắp và cuối cùng, tôi nghe vỡ ra như thế này: "Thiên tài của chú mày, bạn trẻ ạ, cái khía cạnh thần thánh nhưng chắc chắn cũng là ma quỷ trong thiên tài của chú mày, đã làm Roswitha của ta bàng hoàng và cả ta nữa cũng phải thừa nhận rằng ở chú mày có một cái gì quá mức, một cái gì bùng nổ xa lạ đối với ta, tuy chưa đến nỗi là hoàn toàn không hiểu được. Nhưng, bất luận tính cách của chú mày như thế nào," Bebra trấn tĩnh lại, "hãy cứ đi với chúng ta, hãy gia nhập đoàn ảo thuật của Bebra. Với một chút cố gắng tự khép mình vào kỷ luật, chú mày sẽ có thể kiếm được một công chúng, ngay cả trong điều kiện chính trị hiện tại".

Tôi hiểu ra ngay. Bản thân Bebra, người đã khuyên tôi bao giờ cũng cố ở trên khán đài và đừng bao giờ ở trước nó, đã bị đẩy xuống hàng "bộ binh "quèn mặc dầu bác vẫn ở trong giới xiếc. Và quả thật, ông không hề thất vọng khi tôi lễ phép tỏ ý tiếc là không thể nhận lời mời của ông được. Signora Roswitha thở phào nhẹ nhõm đằng sau cái quạt và lại phô đôi mắt Địa Trung Hải với tôi một lần nữa.

Chúng tôi tiếp tục chuyện gẫu một lúc nữa. Tôi nói gã bồi bàn mang cho chúng tôi một cái cốc không và ra "giọng" mở một hình trái tim trên thành cốc. Bên dưới nhát cắt, giọng tôi khắc thêm dòng chữ với những nét hoa lá trang trí: "Oskar tặng Roswitha". Tôi trao cho nàng cái cốc và nàng rất hài lòng. Bebra trả tiền, để lại một món "boa" hậu hĩ và chúng tôi đứng dậy.

Họ tiễn tôi đến tận Cung Thể Thao. Tôi chỉ một chiếc dùi trống về phía cái khán đài trần trụi ở đầu đằng kia Đồng cỏ Tháng Năm và - bây giờ thì tôi nhớ ra rồi: đó là vào tháng Hai 1938 - kể cho sư phụ Bebra của tôi nghe về sự nghiệp đánh trống dưới gầm các khán đài của tôi.

Bebra nở một nụ cười bối rối, mặt Raguna tỏ ra nghiêm nghị. Khi nàng đứng tách ra mấy bước, Bebra, thay lời tạm biệt, nói nhỏ vào tai tôi: "Ta đã thất bại, bạn trẻ ạ. Làm sao ta còn có thể là sư phụ của chú được nữa? Chính trị, chính trị thật là chán ngắt!"

Rồi ông hôn lên trán tôi như hồi cách đây mấy năm khi tôi gặp ông giữa đám xe lăn. Nàng Roswitha giơ bàn tay như bằng sứ và tôi cúi mình trên đó rất trang nhã, gần như quá lịch lãm đối với cái tuổi mười bốn của tôi.

"Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau, con trai ạ," Me - xừ Bebra nói. "Dù thời thế thế nào, những người như chúng ta cũng không mất nhau."

" Hãy tha thứ cho các bậc cha chú của mình", Signora thuyết giảng. "Hãy làm quen với cuộc sống của chính mình để trái tim mình tìm thấy sự bằng an và Xatăng thì bối rối."

Tôi có cảm giác như Signora đang làm lễ rửa tội cho tôi lần thứ hai, và cũng lại phí công vô ích. Vade retro Sa tanas [3]- nhưng Xatăng không cút. Tôi rầu rầu nhìn theo và, lòng trống rỗng, giơ tay vẫy khi họ chui vào một cái taxi rồi biến mất hẳn trong đó - vì loại xe Ford được thiết kế cho người lớn nên chiếc taxi chở các bạn tôi đi nom như không có người, như đang chạy vòng vòng kiếm khách vậy.

Tôi cố nài Matzerath đưa tôi đi xem đoàn xiếc Krone biểu diễn nhưng không sao lay chuyển nơi ông; ông chìm đắm hoàn toàn trong nỗi đau nhớ tiếc mẹ tội nghiệp của tôi mà chưa bao giờ ông chiếm hữu hoàn toàn. Nhưng có ai hoàn toàn chiếm hữu được mẹ? Ngay cả Jan Bronski cũng không; nếu có thì chỉ là tôi thôi bởi vì chính Oskar là người đau khổ nhất vì mất mẹ, sự thiếu vắng ấy đã đảo lộn đời sống hàng ngày của nó, thậm chí đe dọa chính lý do tồn tại của nó. Mẹ đã bỏ rơi tôi. Chẳng thể chờ đợi gì ở các bậc cha chú của tôi. Thày Bebra của tôi đã tìm được thày mình ở nơi ngài Bộ trưởng Tuyên Truyền Goebbels. Gretchen Scheffler thì dốc hết tâm lực vào công việc Cứu tế Mùa Đông. Làm sao không ai đói, không ai rét. Tôi chỉ còn biết quay về với cái trống của mình thôi, tôi tấu nỗi cô đơn của mình trên mặt trống xưa trắng tinh, giờ đã mỏng đi vì dùng nhiều. Tối đến, Matzerath và tôi ngồi đối diện nhau, ông lần giở cuốn sách nấu ăn của ông, còn tôi than thở trên cái trống của tôi. Đôi khi ông úp mặt vào cuốn sách nấu ăn mà khóc. Jan Bronski ngày càng ít đến chơi hơn. Vì tình hình chính trị, cả hai người đều nghĩ cứ nên thận trọng thì hơn, làm sao biết được gió sẽ thổi chiều nào. Những chầu xì-cạt thưa hẳn đi; mỗi hội chơi đều bắt đầu vào tối khuya dưới ánh đèn treo trong phòng khách và tránh mọi bàn cãi chính trị. Bà ngoại Anna của tôi dường như đã quên đường từ Bissau đến nhà chúng tôi ở phố Labesweg. Bà giận Matzerath và có lẽ cả tôi nữa vì có lần tôi nghe thấy bà nói: " Agnès của tôi chết vì nó hết chịu nổi tiếng trống."

Mặc dù cảm thấy có phần trách nhiệm về cái chết của mẹ. tôi vẫn một mực bám riết lấy cái trống bị miệt thị của mình với một nghị lực tuyệt vọng. Nó không chết như một người mẹ có thể chết: tôi có thể mua một cái mới, hoặc nhờ già Heilandt hay bác thợ đồng hồ Laubschad chữa hộ, nó hiểu tôi, nó luôn luôn mang đến cho tôi câu trả lời đúng, nó khăng khít với tôi như tôi khăng khít với nó.

Vào thời kỳ ấy, căn hộ đã trở nên quá nhỏ đối với tôi, phố phường trở nên quá dài hoặc quá ngắn đối với cái tuổi mười bốn của tôi. Ban ngày, chẳng có cơ hội để chơi trò cám dỗ trước các tủ kính cửa hàng, còn ban đêm thì sự cám dỗ mình để đi cám dỗ người khác lại chưa cấp thiết đến độ khiến tôi phải đi rình trong bóng tối các cửa vào. Tôi chỉ còn nước lên lên xuống xuống bốn tầng gác khu nhà chung cư của chúng tôi theo nhịp trống; tôi đếm được một trăm mười sáu bậc, đến mỗi chiếu nghỉ lại dừng lại để ngửi những mùi thoát ra khỏi năm cửa chính của mỗi tầng, bởi lẽ, giống như tôi, các mùi cũng cảm thấy gò bó trong những căn hộ hai phòng.

Thoạt đầu thỉnh thoảng tôi cũng gặp may với Meyn - t’rompét. Tôi thấy anh ta nằm say mèm giữa đám khăn trải giường phơi la liệt trên tầng áp mái. Và đôi khi trong tình trạng ấy, anh thổi cây kèn của mình với một nhạc cảm kỳ diệu đến độ khiến trống tôi tràn đầy hoan lạc thật sự. Tháng năm 1938, anh thôi uống rượu gừng và gặp ai cũng nói: "Tôi đang bắt đầu một cuộc đời mới". Anh trở thành một thành viên của ban nhạc Kỵ đoàn SA. Đi ủng, mặc quần cụt ống đũng da và hoàn toàn tỉnh táo, anh lên xuống cầu thang thoăn thoắt năm bậc một. Anh vẫn nuôi bốn con mèo trong đó có con được đặt tên là Bismarck [4] vì như mọi người đoán chừng, thi thoảng rượu gừng cũng chiếm thế thượng phong khiến anh khao khát âm nhạc.

Tôi ít khi gõ cửa bác thợ đồng hồ Laubschad, một con người trầm lặng giữa hàng trăm cái đồng hồ. Việc đó có vẻ như là một sự lãng phí thời gian trên quy mô quá lớn, nên mỗi tháng tôi chỉ có thể làm không quá một lần.

Già Heilandt vẫn còn cái lán xưởng ở trong sân. Già vẫn uốn thắng lại những cái đinh quằn. Quanh đây vẫn nhiều thỏ và con cháu dòng giống của chúng như ngày xưa. Nhưng bọn trẻ con thì đã thay đổi. Bây giờ chúng mặc đồng phục, thắt cà-vạt đen và thôi không nấu xúp bột gạch nữa. Chúng đã cao lớn gấp đôi tôi và tôi hầu như không biết tên chúng. Đó là thế hệ mới; thế hệ tôi đã thôi không đến trường và đang học nghề. Nuchi Eyke là một thợ hớt tóc tập sự. Axel Mischke chuẩn bị để trở thành một thợ hàn ở xưởng đóng tàu Schichau. Susi đang học việc bán hàng ở thương xá tổng hợp Sternfeld và đã có bồ. Làm sao mọi sự có thể thay đổi nhanh thế trong vòng có ba bốn năm! Cái giá đập thảm vẫn còn đó và nội quy chung cư vẫn cho phép đập thảm vào các ngày thứ ba và thứ sáu, nhưng bây giờ họa hoằn mới thấy tiếng đập mà nghe ra có phần bối rối: từ khi Hitler lên cầm quyền thì máy hút bụi cũng lên ngôi; các giá đập thảm bị bỏ mặc cho lũ chim sẻ tha hồ đậu.

Tôi chỉ còn có khu cầu thang và tầng áp mái. Dưới mái ngói, tôi miệt mài đọc. Trong cầu thang, khi nào cảm thấy cần có người bầu bạn, tôi lại gõ cánh cửa thứ nhất bên trái của tầng hai và Mamăng Truczinski bao giờ cũng sẵn sàng mở. Từ khi Mamăng nắm tay tôi ở nghĩa trang Brenntau và dắt tôi đến bên huyệt mẹ tôi, bao giờ Mamăng cũng mở khi Oskar lấy dùi trống gõ vào cánh cửa.

" Đừng có gõ to thế, Oskar. Herbert còn đang ngủ, đêm qua nó lại bị một phen khốn đốn, người ta phải lấy xe cấp cứu đưa nó về nhà đấy". Bà kéo tôi vào nhà, rót cà-phê hạt muồng trộn sữa và cho tôi một miếng đường nâu ở đầu một sợi dây để nhúng vào cà-phê mà mút. Tôi uống cà-phê, mút đường và để cho trống nghĩ.

Mamăng Truczinski có cái đầu tròn nhỏ với mái tóc màu xám tro mỏng và thưa đến nỗi thấy cả da đầu hồng hồng nhẳn bóng. Những sợi tóc lưa thưa chụm lại về phía sau gáy thành một búi; cái búi ấy được giữ chặt bằng những kim đan và chỉ suýt soát bằng một viên bi da, nhưng có thể nhìn thấy từ mọi phía, bất kể bà xoay người theo tư thế nào. Sáng sáng, Mamăng Truczinski thoa cặp má tròn trĩnh (khi bà cười, nom chúng như được dán lên mặt) bằng thứ giấy lấy từ những gói rau diếp quăn, vừa đỏ lại vừa thôi màu. Thần thái bà tựa như một con chuột nhắt. Bốn con của bà tên là: Herbert, Guste, Fritz và Maria.

Maria bằng tuổi tôi. Nó vừa học xong tiểu học và hiện ở với gia đình một viên chức tại Schidlitz, học làm công việc nội trợ. Fritz làm ở một xưởng toa xe lửa, ít khi thấy ở nhà. Anh ta có hai, ba cô bồ thay phiên nhau tiếp anh trên giường của mình và thường đi nhảy với anh ở tiệm "Trường đua ngựa" ở Ohra. Anh ta nuôi thỏ trong sân, giống "Vienna xanh", nhưng người chăm nom chúng là Mamăng Truczinski, vì anh còn bận chăm nom các cô bồ. Guste, một tâm hồn trầm lặng khoảng ba mươi tuổi, là nữ tiếp viên của khách sạn Eden gần ga trung tâm. Chưa chồng, chị ở trên tầng thượng toà nhà chọc trời Eden cùng với các nhân viên khách sạn. Không kể Fritz thi thoảng về ngủ lại nhà, chỉ còn có Herbert, người con trai cả, ở nhà với mẹ. Herbert làm bồi bàn ở ngoại ô cảng Neufahawasser. Đã đến lúc phải nói về anh. Bởi lẽ trong một thời gian hạnh phúc ngắn ngủi sau khi mẹ tội nghiệp của tôi qua đời Herbert Truczinski đã là mục đích của đời tôi; cho đến nay, tôi vẫn gọi anh là thân hữu của tôi.

Herbert làm việc cho Starbusch, chủ tiệm bar "Thụy Điển" đối diện Nhà thờ của các thủy thủ Tin Lành. Khách hàng, như ta có thể đoán qua cái tên tiệm, phần lớn là người Xcăngđinavia. Nhưng cũng có nhiều người Nga, Ba Lan từ cảng tự do cùng đám công nhân bốc dỡ từ Holin và thủy thủ của các tàu chiến Đức ghé thăm cảng. Làm bồi bàn ở cái nơi tứ chiếng quốc tế này không phải là không nguy hiểm. Chỉ có kinh nghiệm tích lũy được ở "Trường đua ngựa" - cái tiệm nhảy hạng ba ở Ohra nơi Herbert đã làm việc trước khi đến Neufahrwasser - mới khiến anh có thể chế ngự được cái tháp Babe [5] ở bar ‘‘Thụy Điển’’ với thứ thổ ngữ Hạ Đức ngoại ô của anh pha trộn với dăm ba câu tiếng Ăng-lê và Ba Lan. Ngay cả như thế, mỗi tháng anh cũng phải một, hai lần về nhà bằng xe cấp cứu, ngoài ý muốn của anh nhưng được cái là miễn phí.

Sau đó, Herbert phải nằm xấp trên giường mà thở rốc mấy ngày vì anh nặng ngót nghét một tạ. Những hôm ấy, Mamăng Truczinski luôn mồm ca cẩm trong khi luôn chân luôn tay chăm sóc anh. Mỗi lần thay băng xong, bà lại rút một chiếc kim đan ở búi tóc ra gõ gõ lên mặt kính một tấm ảnh có sửa thêm treo đối diện với giường Herbert. Đó là ảnh một người đàn ông để ria, mắt nhìn đăm đăm, rất giống một vài người để ria ở những trang đầu cuốn album ảnh của tôi.

Tuy nhiên, cái ông mà Mamăng Truczinski lấy kim đan chỉ vào không phải là thành viên của gia đình tôi, đó là cha của Herbert, Guste, Fritz và Maria.

“Rồi một ngày kia, anh cũng sẽ kết thúc giống như bố anh thôi”, bà cằn nhằn anh chàng Herbert đang rên rẩm. Nhưng bà không bao giờ nói rõ ràng là người đàn ông trong bức ảnh lồng khung sơn mài đen kia đã chết như thế nào, đã đi tìm và gặp cái kết thúc của mình ở đâu.

"Lần này thì xẩy ra chuyện gì?" bên trên đôi cánh tay khoanh trước ngực, bộ mặt chuột nhắt với mái tóc tro xám hỏi.

"Như mọi khi. Bọn Thụy Điển và Na Uy." Cái giường cót két khi Herbert chuyển thế nằm.

"Như mọi khi, như mọi khi. Đừng có nói với tôi rằng vẫn là những thằng ấy. Lần trước là những gã ở tàu tập huấn, tên nó là gì hả, nói nghe nào, à phải rồi, tàu Schlageter. Đúng là thế rồi mà anh thì định bịp tôi là bọn Thụy Điển với Na Uy.

Tai Herbert - tôi không nhìn thấy mặt anh - đỏ đến tận vành. "Cái bọn Đức chết tiệt bao giờ cũng sủa ăng ắng và hùng hùng hổ hổ."

"Mặc kệ họ. Việc gì đến anh? Những lần họ được phép rời tàu vào thành phố, tôi thấy họ cũng đàng hoàng đấy chứ. Anh lại lên lớp họ về Lênin hay thuyết giáo về Nội chiến Tây Ban Nha chứ gì?"

Herbert không trả lời nữa và Mamăng Truczinski lệt xệt đôi dép quay vào bếp với món càphê hạt muồng của bà…

Lưng Herbert vừa khỏi một cái là anh cho tôi xem ngay. Anh ngồi trên chiếc ghế bếp, đai đeo quần buông thõng trên đùi, và cởi chiếc sơ-mi len một cách chậm rãi như thể bị những ý nghĩ nghiêm trọng ngáng trở.

Lưng anh tròn, luôn luôn chuyển động. Những bắp thịt cứ cuồn cuộn, cuồn cuộn. Một phong cảnh hồng hồng lấm tấm những vết tàn nhang. Hai bên cột sống lút trong mỡ, rậm rì một lớp lông bù xù chạy từ xương bả vai xuống đến tận bên dưới cái quần đùi len mà cả trong mùa hè, Herbert cũng vẫn mặc. Từ cổ xuống đến cạp quần đùi, lưng Herbert đầy những sẹo dày xen giữa đám lông, lấn cả những vết tàn nhang. Những cái sẹo nhiều màu, từ xanh đen đến lam nhờ nhờ, kết thành nếp, rất ngứa khi thay đổi thời tiết. Tôi được phép sờ những cái sẹo ấy.

Cái thằng tôi đang nằm đây, ngó ra ngoài cửa sổ, cái thằng tôi đã nhiều tháng nay cứ phải nhìn hoài những nhà phụ của cái bệnh viện tâm thần này và, qua chúng, khu rừng Oberrath đằng sau, thử hỏi tôi đã được sờ những gì nhạy cảm hơn, rắn hơn, xúc động hơn những cái sẹo trên lưng Herbert Truczinski? Vào cùng loại này, tôi có thể xếp: bộ phận kín của một số đàn bà và con gái, cái dương vật của chính tôi đây, cái vòi ô-doa bằng thạch cao của Jêxu hài đồng và cái ngón tay đeo nhẫn mà khoảng hai năm trước đây, con chó ấy đã tìm thấy ở một cánh đồng lúa mạch đen và mang về cho tôi, mà mới năm ngoái, tôi còn được phép giữ, dành rằng phải bỏ vào một bình bô-can để tôi không đụng được tới, nhưng vẫn rõ nét và trọn vẹn đến nỗi tới giờ, tôi vẫn có thể cảm thấy và đếm từng đốt của nó với sự trợ giúp của cặp dùi trống. Bất cứ lúc nào tôi muốn nhớ lại cái lưng của Herbert Truczinski, tôi lại ngồi trước cái ngón tay được bảo quản trong bô- can mà đánh trống, nhờ cái trống giúp cho trí nhớ. Khi nào tôi thèm dựng lại hình ảnh thân thể một người đàn bà - điều này không xảy ra thường xuyên lắm - Oskar, vì chưa tin chắc vào cảm nhận của mình về cái bộ phận giống thẹo ở đàn bà, cứ tái tạo lại những vết sẹo của Herbert Truczinski là xong. Nhưng tôi cũng có thể nói ngược lại: tiếp xúc đầu tiên của tôi với những vết sẹo trên cái lưng rộng của bạn tôi, ngay từ bấy giờ, đã hứa hẹn rằng tôi sẽ được biết và tạm thời chiếm hữu những khoảnh khắc làm cứng ngắn ngủi vốn là đặc trưng của người đàn bà sẵn sàng ân ái. Cũng giống như vậy, những biểu tượng trên lưng Herbert đã sớm hứa hẹn tới cái ngón tay đeo nhẫn và trước cả khi những sẹo của Herbert hứa, thì chính đôi dùi trống của tôi, từ bữa sinh nhật lần thứ ba của tôi đã hứa sẽ mang đến nào sẹo, nào cơ quan sinh dục và cuối cùng là ngón tay đeo nhẫn. Nhưng tôi phải trở lại xa hơn nữa, khi tôi còn là một cái bào thai, trước cả khi Oskar được gọi là Oskar, cái nhau của tôi, khi tôi ngồi chơi với nó, đã lần lượt hứa với tôi nào dùi trống, nào sẹo của Herbert, nào những cái miệng núi lửa thi thoảng bùng nổ của đàn bà - trẻ và không còn trẻ lắm - và cuối cùng, cái ngón tay đeo nhẫn; đồng thời, trong một phát triển song song khởi đầu với cái vòi ô-doa của Chúa Jêxu hài đồng, nó cũng hứa với tôi về cái của quý của chính tôi mà tôi bao giờ cũng mang theo, bất di bất dịch - cái tượng đài đỏng đảnh cho sự bất túc và những khả năng hạn chế của tôi.

Hôm nay, tôi trở lại với cặp dùi trống của tôi, Còn về những cái sẹo, những bộ phận mềm nõn, cái vũ khí chẳng mấy khi ngóng đầu lên kiêu hãnh của tôi, giờ đây tôi chỉ còn nhớ đến chúng một cái gián tiếp qua cái trống của tôi. Tôi sẽ phải đến tuổi tam thập nhi lập trước khi có thể mừng lại sinh nhật lần thứ ba của mình. Hẳn quý vị đã đoán ra: mục tiêu của Oskar là quay trở về đầu nguồn; đó là mục đích duy nhất đằng sau toàn bộ cố gắng đại ngôn này và lý do duy nhất khiến tôi phải dài dòng về những cái sẹo của Herbert Truczinski.

Trước khi tôi tiếp tục mô tả và diễn giải về cái lưng của bạn tôi, có lẽ cũng cần nêu một nhận xét mào đầu: trừ một vết cắn nơi ống đồng do một ả điếm ở Ohra gây nên, phía trước thân thể cường tráng của anh không hề có tí ti sẹo nào hết, một tấm bia tuyệt vời mà người ta chỉ có thể đánh trúng từ đằng sau. Chỉ có lưng anh là mang dấu tích những nhát dao găm Phần Lan và Ba Lan, những vết dao xỉa của bọn "cửu vạn" ở đảo kho Speicherinsel và dao thủy thủ của bọn học viên sĩ quan ở các tàu huấn luyện.

Khi Herbert ăn trưa xong - mỗi tuần ba lần, có món bánh khoai tây mà không ai có thể làm vừa mỏng, vừa giòn lại không mỡ như Mamăng Truczinski - khi Herbert gạt cái đĩa ăn sang bên, tôi liền đưa cho anh tờ Neueste Nachrichten (Tin giờ chót). Anh hạ đai đeo quần xuống, cởi sơ mi và trong khi anh đọc báo, tôi tra hỏi cái lưng của anh. Trong những cuộc tra hỏi ấy, Mamăng Truczinski thường nán lại bên bàn với chúng tôi: bà tháo len từ những chiếc tất cũ, đóng góp những nhận xét đồng tình hay - phản đối và thể nào cũng xen vào một đôi câu về cái chết khủng khiếp - cứ cho là thế - của người đàn ông trong tấm ảnh có sửa thêm được lồng kính treo trên tường đối diện với giường ngủ của Herbert.

Bắt đầu cuộc thẩm vấn, tôi dí ngón tay vào một trong những cái sẹo. Hoặc giả đôi khi tôi lấy một chiếc dùi trống đi vào.

“Ấn lại đi. chú bé. Anh chưa nhận ra cái nào. Có vẻ như nó đang ngủ."

Và tôi ấn lại, mạnh hơn một chút.

"À, cái ấy! Đó là một gã người Ukraina. Gã gây lộn với một cha người Gdingen. Thoạt đầu, họ ngồi cùng bàn thân thiết như anh em ruột. Thế rồi gã người Gdingen nói: Ruxki (người Nga). Gã Ukraina phật ý; muốn nói gì gã cũng được nhưng đừng có gọi gã là Ruxki. Gã đã chở gỗ xuôi sông Vistula và nhiều sông khác trước đó và gã có một xấp tiền nhét trong ủng. Gã đã tiêu nửa số tiền trong ủng để đãi những chầu rượu ở quán Starbusch thế mà cái cha người Gdingen kia lại gọi gã là Ruxki. Và anh phải can hai gã ra, theo cái cách nhẹ nhàng và nhã nhặn của anh. Mà Herbert này thì bưng bê đầy cả hai tay. Thế rồi gã Ukraina gọi anh là đồ Pôlắc [6] vét đĩa và cái cha Pôlắc làm việc trên tầu nạo vét bùn thì chửi anh câu gì nghe như là Nazi ấy. Hừm, chú bé, em lạ gì Herbert Truczinski này; một phút sau, thằng cha mặt mày xanh xao làm ở tàu nạo vét, hình như là thợ đốt lò, đã nằm gập đôi người cạnh phòng để áo ngoài. Anh đang sắp sửa dạy cho gã Ukraina biết sự khác nhau giữa một gã Pôlắc vét đĩa và một công dân thành Danzig là thế nào, thi gã đã xơi anh từ đằng sau - và duyên do cái sẹo là thế."

Khi Herbert nói "và duyên do cái sẹo là thế", bao giờ anh cũng nhấn mạnh lời của mình bằng cách lật giở các báo và ực một hớp cà phê hạt muồng. Và tôi lại được phép ấn cái sẹo tiếp theo, có khi một lần, có khi hai.

"À, cái này! Cái này chẳng có gì ghê gớm lắm. Đó là hồi cách đây hai năm khi hạm đội phóng ngư lôi từ Pillau đến bỏ neo ở đây. Lạy Chúa, chúng nghênh ngang, ra vẻ ta đây sang trọng, làm các em chip hôi mê như điên. Đến bây giờ anh vẫn không biết thằng cha Schwienel ấy làm thế nào mà vào được Hải quân. Hắn là người Dresden, hãy ráng mà hiểu, chú bé Oskar của anh, người Dresden. Nhưng mà chú không hiểu đâu, chú không thể biết là khi một thủy thủ có gốc gác từ Dresden, điều đó nghĩa là thế nào đâu."

Những ý nghĩ của Herbert cứ lẩn quẩn mãi với cái thành phố tươi đẹp bên bờ sông Elbe - quá dai dắng đối với ý thích của tôi. Để kéo những suy nghĩ đó trở lại Neuefahrwasser, tôi lại ấn vào cái sẹo mà anh cho là chẳng có gì ghê gớm lắm.

"Phải, như anh đã nói. Hắn là lính truyền tin hạng hai trên một tàu phóng ngư lôi. Ăn to nói lớn. Hắn định vây vo với một tay người Xcôtlen thuộc loại trầm tĩnh, tàu của tay này đang đậu ở ụ tàu khô để sửa chữa. Bắt đầu ba hoa về Chamberlain [7], về ô, về những thứ đại loại như thế. Anh khuyên hắn, rất bình tĩnh theo phong cách của anh, nên dẹp cái thứ chuyện tào lao ấy lại, nhất là vì tay Xcôtlen nọ chẳng hiểu cái cóc khô gì mà chỉ lấy ngón tay chấm rượu schnaps vẽ lên mặt bàn. Vậy nên anh bảo hắn để cho tay kia yên, cậu đâu có ở nhà mình, anh nói, cậu là khách của Hội Quốc Liên mà. Đến đây, gã Fritz – phóng ngư - lôi bèn gọi anh là ‘‘tên Đức giẻ rách", mà lại nói bằng thổ ngữ Xăcxông nữa cơ chứ. Lập tức, anh thoi cho hắn vài cú, làm hắn im mồm. Nửa giờ sau, anh đang cúi nhặt một đồng tiền bị lăn xuồng gầm bàn và không trông thấy gì bởi dưới gầm bàn tối om, thì tên Xắcxông rút dao ra, xỉa cho anh một nhát."

Herbert cười khanh khách, lật giở những trang báo Neueste Nachrchten và nói thêm: "Và thế là thành sẹo", đẩy tờ báo sang cho Mamăng Truczinski đang làu bàu, rồi vịn mép bàn chuẩn bị đứng dậy. Rất nhanh, trước khi Herbert kịp ra ngoài - nhìn mặt, tôi cũng biết anh định đi đâu - tôi ấn một cái sẹo đen đen tim tím rộng bằng cả chiều dài một cây bài xì-cạt, trên đó còn thấy cả vết chỉ khâu.

"Herbert phải đi đây, bé con ạ. Anh sẽ kể bé nghe sau." Nhưng tôi lại ấn tiếp và bắt đầu làm mình làm mẩy như đứa lên ba; miếng ấy bao giờ cũng trúng.

"Thôi được. Cốt cho chú yên. Nhưng anh sẽ kể tóm tắt thôi." Herbert lại ngồi xuống. "Đó là vào mùa Giáng Sinh năm 1930. Chẳng có việc gì làm ở cảng cả. Đám công nhân bốc dỡ nhênh nhang ở các góc phố, đánh cuộc xem ai nhổ xa nhất. Sau lễ chầu nửa đêm - bọn anh vừa pha rượu Punch xong - bọn Thụy Điển và Phần Lan từ Nhà thờ dành cho thủy thủ ở bên kia đường đổ ra. Anh thấy họ có vẻ không giầu thiện ý lắm. Anh đang đứng ở cửa, nhìn những gương mặt sùng đạo kia mà tự hỏi tại sạo bọn họ lại vân vê những chiếc khuy có hình mỏ neo như thế. Và đây chuyện đã nổ ra: dao thì dài mà đêm thì ngắn, Ồ phải, Phần Lan và Thụy Điển bao giờ cũng hầm hè nhau. Có trời biết tại sao Herbert Truczinski cứ phải dây với những nhân vật ấy. Chắc ở hắn ta có một cái ốc bị long, bởi vì cứ khi nào có chuyện là y như rằng Herbert phải can dự vào. Thế, đó là lúc anh chọn để ra ngoài, ông già Starbusch trông thấy anh và nói lớn: " Herbert, cẩn thận đấy!" Nhưng Herbert có nhiệm vụ phải làm: anh phải cứu mục sư, tội nghiệp chàng trai bé nhỏ mới tốt nghiệp chủng viện ấy, anh ta vừa từ Malmö tới và đây là lễ Giáng Sinh đầu tiên anh ta làm lễ với cánh Phần Lan và Thụy Điển trong cùng một nhà thờ. Cho nên ý định của anh là xòe cánh ra che chở cho anh ta về đến nhà không trầy da xước thịt. Anh vừa đặt tay lên áo ngoài của mục sư thì bỗng cảm thấy một cái gì lạnh buốt ở lưng và anh tự nhủ Chúc Mừng Năm Mới, mặc dù mới chỉ là Nô-en thôi. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trên quầy bar và dòng máu đỏ tươi của anh đang chảy vào những cốc bia miễn phí và Starbusch đang ở đó với túi thuốc Chữ Thập Đỏ của ông, cố buộc tạm cho anh một cái gọi là băng cấp cứu."

"Cái gi," Mamăng Truczzinski vừa nói vừa giận dữ rút cái kim đan khỏi búi tó, "cái gì khiến anh bỗng dưng quan tâm đến một ông mục sư khi mà từ bé đến lớn, anh không bao giờ đặt chân vào một ngôi nhà thờ?"

Herber phẩy tay bác bỏ sự bất bình của bà và, kéo theo sau sơ mi và đai đeo quần, anh đi ra cầu tiêu. Anh có vẻ bực mình, điều đó biểu hiện ở cả dáng đi lẫn giọng nói khi anh buông sõng: "Và thế là thành sẹo". Anh bước đi như thể muốn dứt khoát bứt khỏi cái nhà thờ nọ cùng những cuộc so dao gắn với nó, như thể cầu tiêu là nơi mà ở đó người ta có thể là, trở thành hoặc vẫn còn là một nhà tự do tư tưởng vậy.

Vài tuần sau, tôi thấy Herbert lầm lì, không bụng dạ nào để tôi phỏng vấn những cái sẹo của anh. Anh có vẻ chán nản, nhưng lưng anh không băng như thường lệ. Thực tế, tôi thấy anh nằm trên cái đi - văng phòng khách, chứ không dưỡng thương trên giường của mình; tuy nhiên, anh có vẻ bị thương nặng. Tôi nghe thấy anh thở dài, kêu cầu đồng thời nguyền rủa Chúa Trời, Marx và Engels. Thỉnh thoảng, anh vung nắm đấm lên không rồi lại để nó rơi xuống ngực mình; lát sau, nắm đấm kia cũng vào cuộc và anh tự đấm ngực mình như một tín đồ Thiên Chúa giáo kêu mea culpa, mea maxima culpa [8].

Herbert đã đánh chết một thuyền trưởng người Latvia. Toà án đã xử anh trắng án - anh đã hành

động ở thế tự vệ chính đáng, như vẫn thường xẩy ra trong nghề của anh. Nhưng mặc dù được trắng án, gã Latvia kia vẫn là một người Latvia chết và đè nặng lên tâm trí anh như cả một tấn gạch, tuy rằng tay thuyền trưởng, theo người ta nói, là một gã nhỏ bé gày gò, lại có bệnh dạ dày nữa.

Herbert không trở lại làm việc nữa. Anh đã báo trước cho chủ. Satarbusch, sếp của anh, đã đến thăm anh mấy lần. Ông ngồi cạnh chỗ anh nằm hoặc ngồi với Mamăng Truczinski ở bàn bếp. Ông rút trong cặp ra một chai Gin Stobbe cho Herbert và cho Mamăng Truczinski nửa pao cà-phê xanh từ cảng miễn thuế. Bao giờ ông cũng cố thuyết phục Herbert trở lại làm việc hoặc cố thuyết phục Mamăng Truczinski thuyết phục con trai bà. Nhưng Herbert rất kiên quyết - anh không muốn làm bồi bàn nữa, nhất là làm bồi bàn ở Neufahrwasser đối diện với Nhà thờ cho thủy thủ. Thực tế, anh hoàn toàn không muốn làm bồi bàn, vì làm bồi bàn có nghĩa là bị xỉa dao vào người và bị xỉa dao vào người có nghĩa là một ngày kia, buộc phải đánh chết một gã thuyền trưởng người Latvia để chỉ vì anh muốn giữ khoảng cách với gã để ngăn một con dao Latvia khỏi cộng thêm một cái sẹo Latvia vào những sẹo Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Danzig và Đức nhằng nhịt ngang dọc trên lưng Herbert Truczinski.

"Tôi thà đi làm thuế quan còn hơn là tiếp tục làm bồi bàn ở Neufahrwasser". Herbert nói. Nhưng anh cũng không đi làm thuế quan.

Chú thích:

[1] Tiếng Ý (ItaIia): bà, phu nhân.

[2] Chổ này bản tiếng Pháp của Jean Amster dịch ngược hẳn lại:..."như một thiên tài không được phép thế". Chúng tôi cho rằng dịch như bản liếng Anh đúng với khẩu khí của Bebra hơn.

[3) Tiếng La tinh: Cút đi, Xatăng

[4] Olio Lduard Leopold Bismarck-Schon hausen (1815 - 1898). hoàng thân chính khách Đức. Thủ tướng Đại Đức quốc và tể tướng Phổ từ năm 1871

[5] Theo Kinh Thánh, khi đến vùng đất Shinar. các con trai Noe đã quyết định xây tháp Babel với đỉnh vươn tới tận trời. Để trừng phạt sự ngông cuồng đó. Thượng lộ đã xóa trộn các ngôn ngữ làm cho không ai hiểu ai nữa (Sáng Thế Ký. Ch.XI)

[6] Tiếng miệt thị của người Ba

[7] Arthur Neville Chamberlain (1869-1940): Lãnh tụ Đảng Bảo Thủ Anh. Thủ tướng Anh từ tháng 5/1937. Tuyên chiến với Đức ngày 3/9/1939 sau khi quân đội phát-xít Hiller đánh chiếm Ba Lan. Từ chức Thủ tướng ngày 10/5/1940 sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

[8] Tiếng La tinh:tôi có tội, tôi có tội lớn nhất.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx