sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lời Tựa

LỜI TỰA CỦA THƯỢNG TƯỚNG HOÀNG VĂN THÁI

Nhà xuất bản Văn học đã đưa tôi đọc cuốn “Cao điểm cuối cùng” được tác giả sửa chữa và bổ sung thêm trước khi in lại lần thứ hai, để góp ý kiến, đồng thời Nhà xuất bản cũng yêu cầu tôi viết lời giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc nhân dịp kỷ niệm mười năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tôi không phải là nhà văn, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học. Tôi chỉ là một người chỉ huy quân sự có mặt tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhưng tôi rất vui lòng làm công việc này, vì cuốn sách đã đem lại cho tôi nhiều xúc cảm, gợi cho tôi một số suy nghĩ, và cũng vì tôi nhận thấy việc làm này có thể giúp ích phần nào đối với bạn đọc.

Từ ngày quân dân ta chiến thắng tại Điện Biên Phủ, mười năm đã qua. Công việc trước mắt bận rộn khiến tôi ít có dịp hồi tưởng lại những ngày đầu xuân, đọc lại cuốn sách này, tôi đã thấy hiện ra trước mắt khung cảnh hùng vĩ của Điện Biên Phủ, tôi đã gặp lại ở đây những người đồng chí, những người bạn chiến đấu đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu đựng và vượt qua những thử thách trong mùa xuân năm đó.

Mùa xuân 1954, cuộc kháng chiến của chúng ta đã bước sang năm thứ chín. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành. Cuộc phát động quần chúng đấu tranh đòi Cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đang thổi vào lòng người dân Việt Nam cũng như người chiến sĩ trong quân đội một luồng gió phấn khởi, mạnh mẽ. Những chiến thắng liên tiếp của chúng ta trong nhiều năm đã làm cho đế quốc Pháp ngày càng suy yếu. Nhưng một kẻ thù nguy hiểm hơn, là đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, đã nhảy tới ra sức hà hơi cho Pháp, thúc đẩy Pháp tiếp tục và mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Kế hoạch Na – va thể hiện âm mưu thâm độc của bọn thực dân hiếu chiến Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ, nhằm giành lại quyền chủ động, trong mười tám tháng, bình định xong miền Nam và chuyển toàn bộ lực lượng ra Bắc để tiêu diệt chủ lực ta, hòng đặt lại ách thống trị lên đầu lên cổ nhân dân ta một lần nữa. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được hình thành và trở nên xương sống của kế hoạch Na – va. Đó là một hệ thống gồm bốn mươi chín cứ điểm kiêm cố mà các nhà quân sự có tiếng tăm của Pháp và bọn cố vấn Mỹ đã nhiều lần lớn tiếng tuyên bố là “bất khả xâm phạm”.

Sau ba tháng bao vây và năm mươi nhăm ngày liên tục chiến đấu, chiều mồng 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta đã pháp phới bay trên nóc hầm sở chỉ huy của tướng Đờ Cát – tơ – ri. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị san phẳng. Giấc mộng của thực dân Pháp và âm mưu can thiệp để mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ trên đất nước này bị ta vỡ. Chúng buộc phải ngừng bắn và ký kết hiệp nghị Giơ – ne – vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ba tiếng Điện Biên Phủ đã trở nên vô cùng thân thiết và thành niềm tự hào của chúng ta. Điện Biên Phủ mở ra một trang mới chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta, và đã trở thành đề tài của nhiều nhà văn, nhà thơ.

Là một cán bộ trong quân đội, Hữu Mai đã có mặt ở Điện Biên Phủ những ngày đó. Anh đã dựng lại trong “Cao điểm cuối cùng” cuộc chiến đấu trên đồi A1, nơi quân địch đã gọi là “chiếc chìa khóa sống của Điện Biên Phủ”. Chúng đã dồn hết sức lực ra để bảo vệ quả đồi này khi bọ đội ta tiến đánh, vì chúng biết rõ nếu để mất quả đồi này là toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ bị tiêu diệt.

Những trang sách của Hữu Mai đã làm sống lại khung cảnh hùng vĩ, khốc liệt và vô cùng anh dũng của Điện Biên Phủ mùa xuân năm 1954, với những chiến hào bùn lầy đọng máu mà chúng tôi hiểu rõ giá trị của từng tấc đất, những rừng hoa ban, nơi chúng tôi đã chia nhau miếng củ mài, bát canh rau tàu bay, cũng như san sẻ với nhau những lo lắng trước khó khăn, những niềm vui khi chiến thắng. Nhưng đáng quý hơn là tác giả đã giúp chúng tôi gặp lại ở đây những người bạn chiến đấu năm xưa. Những nhân vật trong “Cao điểm cuối cùng”, từ người chiến sĩ cũ, người chiến sĩ mới, đến những cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, các đồng chí tư lệnh trưởng đại đoàn…, những người có tên hay không có tên trong cuốn sách đều gợi cho tôi hình ảnh thân thiết của những con người thực tại Điên Biên Phủ ngày đó. Đó là những con người bình thường, giản dị, yêu cuộc sống nhưng không sợ hy sinh, những người hiền lành, còn bỡ ngỡ trước một cuộc chiến tranh hiện đại, nhưng lại chiến thắng những kẻ địch hung dữ xảo quyệt có trong tay nhiều vũ khí tối tân.

Qua những nhân vật này, người viết đã nêu lên được trong cuốn sách, vai trò lớn lao của quần chúng. Đó là những người dân bị áp bức, được sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng đã cầm vũ khí đứng lên quyết định vận mệnh của dân tộc mình.

Hữu Mai đã nói được vì sao những người nông dân như Khỏe, Quân, Cương, Chư, Ngọ… đã không chịu lùi bước trước mọi thử thách hiểm nghèo của cuộc chiến đấu. Con đường đi của những người tiểu tư sản như Tuấn, như Vinh có khúc khuỷu, quanh co, chông gai hơn, nhưng cuối cùng họ vẫn đi tới đích… Tác giả đã nói được vì sao những cậu học sinh lớn lên trong Cách mạng, không phải chịu sự áp bức bóc lột, vừa rời khhori ghế nhà trường đã bước ngay vào một cuộc chiến đấu hiểm nghèo bậc nhất này, vẫn thích ứng với hoàn cảnh, vẫn lập nên được những chiến công vẻ vang… Với sự giáo dục của Đảng, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thấm nhuần vào mỗi người dân, làm cho họ cảm thấy tủi nhục khi phải lùi bước trước kẻ thù, và sự xấu hổ khi phải thua kém bạn đồng đội trong cuộc thi đua tiêu diệt bọn cướp nước.

Nhiều lần, trong cuốn sách, ta thấy tác giả đã miêu tả tỉ mỉ, bằng một thái độ cảm phuc, những hành động dũng cảm của những người chiến sĩ vô danh. Họ là những người bị lạc khỏi đơn vị trong khi đánh nhau, những người được bổ sung ra mặt trận giữa hai đợt chiến đấu. Trong lúc không có người chỉ huy, không có ai biết tên tuổi họ, họ vẫn chiếm giữ trong đồn địch, tìm súng đạn của chúng bổ sung cho mình, tìm thức ăn ăn cho đỡ đói, rồi tự mình tìm cách xông lên tiêu diệt kẻ thù. Họ đã nêu cao tinh thần anh dũng độc lập chiến đấu, họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trên chiến trường Điện Biên bao la và khốc liệt này, những chiến công của những người chiến sĩ vô danh vô cùng to lớn. Những con người đó chỉ có thể xuất hiện một cách đẹp đẽ như vậy trong chế độ chúng ta. Tác giả đặt biệt chú ý đến họ. Do đó, anh đã nói lên được một cách đúng đắn vai trò của quần chúng, vai trò của những người quyết định chiến thắng. Họ đã tiếp tục truyền thống của ông cha ngày xưa trong cuộc chiến tranh chống xâm lăng và đang xây đắp thêm những truyền thống mới của quân đội ta.

Tác giả cũng đã tỏ ra không giản đơn khi viết về chủ đề này. Ngày đó, cuộc chiến tranh đã đặt trước quân dân ta những nhiệm vụ khó khăn vượt rất xa sức mình. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta chỉ mới đánh những cứ điểm do một tiểu đoàn địch chiếm đóng. Đến chiến dịch này, chúng ta phải đánh một tập đoàn cứ điểm với quân số tương đương hai mươi bốn tiểu đoàn. Kẻ địch có máy bay, xe tăng, pháo 155 ly, súng phun lửa và súng liên thanh có tia hồng ngoại. Đổi lại, ngoài một số pháo ít ỏi, chúng ta chỉ có toàn vũ khí nhẹ, những gói thuốc nổ và những tri thức quân sự rút ra trong quá trình kháng chiến.

Những thử thách của cuộc chiến đấu ở đây rất gay gắt. Chỉ cần lùi về phía sau một bước trong một phút yếu hèn là người cán bộ, người chiến sĩ có thể trở thành một tên đào ngũ xấu xa. Trước một cuộc chiến đấu như vậy, những diến biến tư tưởng chung của bộ đội hay của từng người không giản đơn. Nhiều người đã đi vào cuộc chiến đấu một cách thanh thản. Nhưng cũng có những người mỗi khi vượt qua một thử thách đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gay go. Tác giả đã đi sâu vào những diến biến nội tâm phức tạp này. Anh không giấu giếm là có những kẻ đã lùi bước trong cuộc đấu tranh. Anh cũng đã nói lên những dấu hiệu sút kém về tinh thần của một số người sau ngày cuộc chiến đấu gặp khó khăn. Nhưng anh đã nói rõ, trong lúc đó, bàn tay mẹ hiền của Đảng luôn luôn ở bên chúng ta, nâng chúng ta dậy, chỉ con đường vinh quang cho chúng ta đi, và chung quanh ta lúc nào cũng có sự tiếp sức lớn lao của quần chúng. Tác giả tỏ ra rất coi trọng nghị lực, tinh thần tự đấu tranh của từng người trong trường hợp đứng trước thử thách. Do đó, những người có tâm hồn còn ít nhiều yếu đuối như Tuấn, như Vinh, cuối cùng vẫn vượt qua những thử thách gay go nhất. Qua nhân vật Tuấn, tác giả muốn nói: “Chúng ta phải luôn luôn tự đấu tranh với sự yếu hèn trong con người của mình, đừng có bao giờ để nó lấn ta, những lúc khó khăn nhất cũng là những bước thử thahcs ý chí sắt đá của con người. Anh muốn chứng minh trong khi đề cập đến cuộc đấu tranh này tác dụng to lớn của sự giáo dục lý tưởng chiến đấu của Đảng.

Kẻ địch trong cuốn sách đã được diễn tả sinh động với tính chất nham hiểm, quỷ quyệt, ngoan cố trong cuộc chiến đấu và những mặt trái xấu xa của chúng. Nhiều sự thật lịch sử ở đây đã được tôn trọng. Qua đó tác giả càng làm nổi rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ huy sáng suốt và đầy tinh thần trách nhiệm của cán bộ ta, trí tuệ của quần chúng và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội ta.

Tuy tập trung vào miêu tả cuộc chiến đấu, nhưng qua một vài nét phác nhanh, một đôi hình ảnh đậm đà về người dân công địch hậu, tác giả cũng đã làm cho người đọc thấy được một phần sự đóng góp lớn lao của nhân dân ta, một yếu tố đã góp phần quyết định chiến thắng.

Hữu Mai không chỉ có phản ánh cuộc chiến đấu, anh còn muốn tìm tòi phân tích, giải thích vì sao chúng ta đã giảnh được chiến thắng. Anh không phải chỉ viết về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân đội, mà người đọc còn thấy anh đề cập đến một vấn đề về công tác chính trị, công tác lãnh đạo tư tưởng, vấn đề chiến thuật, vấn đề tổ chức, chỉ huy bộ đội…

Ngày đó, quân đội thực dân xâm lược Pháp đã giội xuống đầu chúng tôi tất cả những thứ sắt thép mà chúng tôi và đế quốc Mỹ đã mang đến đất nước ta. Cuộc chiến đấu phải kéo dài hơn dự định. Bộ đội ta đã phải trả giá đắt mỗi tấc đất giành giật lại trong tay kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trước sự sống còn của dân tộc, vì tự do ngày hôm nay của chúng ta và ngày mai của những thế hệ mai sau, bộ đội ta đã siết chặt đội ngũ tiến lên phía trước, lớn lên trong khói đạn, và cuối cùng đã chiến thắng.

Đây là sự chiến thắng của đường lối quân sự đúng đắn, của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có lẽ đó là điều chủ yếu chúng ta thấy tác giả muốn nói lên trong cuốn sách này. Anh muốn ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của bộ đội như anh đã ghi lại ở trang đầu cuốn sách lời nói của Hồ Chủ Tịch:

“Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Anh đã đạt được mục đích của anh. Anh đã chứng minh được yếu tố quyết định thắng lợi của quân đội ta là “con người” là “tinh thần hy sinh chiến đấu cho chính nghĩa”. Bản anh hùng ca Điện Biên PHủ đã nói thêm một cách hùng hồn rằng không có một quân đội xâm lược thiện chiến nào có hể chiến thắng và khuất phục nổi một dân tộc khi họ đã đoàn kết và quyết tâm đấu tranh vì chính nghĩa giành lại độc lập tự do.

Là một chiến sĩ Điện Biên Phủ, tôi đã tìm thấy qua “Cao điểm cuối cùng” một người thân thiết xa cách từ lâu. Cuốn sách đã rung động tôi vì nó đã phản ánh được khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên một trang sử chói lọi của dân tộc. Tính chân thực đặc biệt của bối cảnh lịch sử, sự việc diễn biến và các nhân vật được xây dựng nên trong cuốn tiểu thuyết đã làm cho nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, đồng thời tạo ra cho “Cao điểm cuối cùng” trong một chừng mực nào đó, giá trị một sử liệu.

Tuy nhiên, trong khi miêu tả phân tích tinh vi những diễn biến tâm lý, tình cảm của các nhân vật cán bộ, đặc biệt là những cán bộ tiểu tư sản, Hữu Mai đã tỏ ra còn bị hạn chế khi đi sâu vào tâm hồn của những cán bộ, những chiến sĩ xuất thân từ những thành phần cơ bản. Điều đó đã hạn chế một phần sự thành công của anh.

Đó là những điều tôi muốn nói với các bạn trước khi đọc cuốn sách này.

Hà nội, ngày 20 tháng 2 năm 1964

Thượng tướng

HOÀNG VĂN THÁI


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx