Cái nắng chói lóa xanh biếc như tia lửa đầu que hàn xì cùng với những cơn gió nóng hầm hập từ phía tây thổi sang làm khô đỏ những đồi cỏ gianh, đã lui dần cùng với mặt trời chiếu. Sương trút xuống như mưa trên các rặng núi.
Cả trung đội 2 đã chuẩn bị gọn ghẽ, vũ khí phần lớn để lại, trên lưng mỗi người một chiếc xẻng mài sắc như dao, đợi lệnh xuất phát. Họ phải chờ cái phút nhá nhem này qua đi, cái phút thằng địch đặc biệt chú ý vì chúng cho là quân ta có thể tiến vào giữa để tấn công chúng. Phải đợi đến khi bóng tối đã tràn đầy thung lũng, cơn sôi bụng của đại bác địch xẹp dần, là nhanh chóng vượt qua những "cửa tử" lọt vào chân đồn địch, tiếp tục thúc mũi chiến hào ngập sâu thêm vào đồn địch.
Trong khi chờ đợi, từng hầm, các chiến sĩ ngồi gác đùi gác vế lên nhau tán chuyện.
Chính trị viên Thọ bữa trước ra thao trường bị ngã trẹo khớp xương hãy còn đau, tập tễnh đi xuống định dặn dò ban chỉ huy trung đội chú ý hoàn thành tốt đoạn chiến hào cuối cùng của đơn vị về phía "ụ thằng người" tối nay. Anh gặp hai đồng chí cán bộ trung đội và một chiến sĩ có tuổi đang ngồi nói chuyện.
Đồng chí trung đội phó mặt xanh rớt, ngồi ôm đôi đầu gối nhọn hoắt, đang mào đầu một câu chuyện...
- Người ta mỗi người mỗi tính chả biết ra thế nào... Đơn vị tôi ở trước có một cậu chiến sĩ quê ở Thanh Hóa. Cậu ta lấy vợ năm hai mươi tuổi, được một đứa con thì đi bộ đội. Xa nhà ba năm liền không có dịp về thăm. Kỳ vừa rồi đơn vị về Thanh Hóa học tập chính trị, đại đội giải quyết cho về tranh thủ ba hôm. Về đến nhà thì bà vợ...
Trong khi trung đội phó chưa biết tìm tiếng gì nói cho sát, thì chính trị viên giúp luôn:
- Bị bệnh "báng" chứ gì?
- Vâng, bị bệnh "báng"... Chị vợ thấy chồng về, cứ cúi mặt xuống không dám nhìn, lủi hết góc bếp này đến góc bếp khác...
Trung đội trưởng hỏi:
- Vẫn ở nhà chồng à?
- Vẫn ở nhà chồng. Nhà cậu ta cũng chẳng còn ai, chỉ còn một bà mẹ già lòa, và đứa con của cậu ta. Mẹ thấy con về chỉ khóc và nói: "Sự việc như thế rồi, giờ anh về thì tùy anh, tôi không biết ra thế nào nữa!". Cậu ta đi một vòng quanh xóm tìm mấy cậu bạn thân hỏi tình hình, rồi về nhà im lặng không nói năng gì. Đêm hôm đó, cậu ta gọi vợ vào buồng, cài chặt cửa lại. Bấy giờ, mới bắt đầu tra hỏi. Cậu ấy bắt chị vợ phải kể thật tỉ mỉ... phải với thằng nào?... Đi lại mấy lần?... Ở những chỗ nào?... Chị ta khai là phải với một thằng đã có vợ, đi lại với nhau ba lần. Chị ta nói là thằng kia khéo nói và mình thì xa chồng lâu ngày trót dại, xin chồng tha thứ. Thế nào ngay đêm đó chị ta lại trở dạ. Cậu ta không gọi bà mụ, ở nhà tự tay làm lấy hết. Cậu ta săn sóc như chị ta đã đẻ con với mình, tắm giặt cho con, cho mẹ, cơm nước, làm quần quật suốt ngày đêm, im lặng đến nỗi hàng xóm nhiều người cũng không biết chị ta đẻ. Thằng cha kia thấy cậu này về trốn biệt. Chắc là nó trao đổi với vợ nó, chị này không biết sợ chồng hay sợ xảy ra chuyện lôi thôi, nghe tin vợ cậu này đẻ, chị ta đến xin giúp đỡ giặt giũ, và xin đứa con đem về nuôi. Cậu ta hỏi ý vợ và bảo tùy cho cô ta tự quyết định. Chị vợ sợ nếu đưa đứa con về bên kia thì nó sẽ khổ nên bảo chồng: "Nếu anh thương mà cho em nuôi nó thì em xin giữ lại em nuôi". Thế là cậu ta giải quyết cho chị vợ giữ đứa bé lại. Cậu ta bảo chị kia về nói với chồng: "Chúng tôi đi đánh giặc đổ xương đổ máu cho ai? Nó ở nhà cứ phá hoại hạnh phúc gia đình của những người đang chiến đấu đi, một lần nữa nó sẽ biết tôi". Thế rồi cậu ta trở về đơn vị.
Trung đội trưởng nhoai người, vứt mẩu thuốc lá đã cháy đến váng đầu ngón tay ra trước cửa hầm rồi hỏi:
- Chị vợ vẫn ở nhà cậu ta ư?
- Vẫn ở nhà.
- Cả đứa con nữa?
- Thì đã nói là cậu ta cho giữ đứa con lại nuôi.
- Mẹ kiếp? Tớ thì tớ đá phốc mẹ nó cả đi. Làm thằng con trai, bỏ vợ ấy ta lấy vợ khác. Vợ chồng sau này còn sống với nhau cả đời, đứa con hủ hóa lù lù ra chịu thế nào được!
Một chiến sĩ có tuổi, giọng nói đặc sệt miền Trung:
- Việc nớ cũng khó... Hắn ta còn vướng bà tra (bà già) đui với đứa con nít...
- Con thì nó đi nó đem theo. Mẹ thì có chi bộ địa phương lo gì! Đến nước ấy mà còn chịu! Có phải lỡ làng gì một lần cho cam, đằng này nó hàng trăm lần rồi...
Trung đội phó nhắc lại:
- Ba lần.
- Thì khác gì trăm lần! Một lần thì còn nói nhỡ, đằng này từng ấy lần... còn lỡ làng gì! Đúng là cố tình rồi.
Chính trị viên cũng mắt tròn thô lố ngồi nghe từ nãy đến giờ, không đợi cuộc tranh cãi ngã ngũ, anh tham gia ý kiến của mình luôn:
- Tớ thì tớ phục cách giải quyết của cậu ta đấy! Ở trường hợp ấy không chắc tớ đã làm được thế, mà khéo tớ sai nhiều... Tớ nghĩ người phụ nữ trong trường hợp ấy mà vẫn ở nhà nuôi mẹ chồng lòa, nuôi con là họ đã nhìn thấy khuyết điểm của mình rồi. Người phụ nữ dám nói thẳng thắn sai lầm của mình, dám giữ lại đứa con kia để nuôi, thì tớ thấy người đó phần tốt nhiều hơn phần xấu... Và với cách giải quyết của người chồng như vậy, tớ tin rằng người vợ nhất định trở thành tốt. Giải quyết như cậu, vứt bỏ ngay đi thì có khác gì cách giải quyết của bọn phong kiến. Chúng ta ngày nay nhìn nhận vấn đề khác ngày xưa, cách giải quyết cũng phải khác. Tớ thì tớ nghĩ rằng: Cái đạo đức lớn nhất ngày nay là anh có kiên quyết chống đế quốc, phong kiến hay không?... Và trong phạm vi vợ chồng thì điều cốt yếu là có còn thương yêu nhau nữa hay không? Chứ không phải một đôi việc khuyết điểm, lỡ làng này khác. Chúng ta còn nhìn việc đời bằng cặp mắt ngày xưa nên chúng ta hay quá thổi phồng những khuyết điểm về một sinh hoạt chứ các cậu bảo cứ đem những khuyết điểm trong trận chiến đấu vừa qua của chúng mình: xét cho kỹ, tớ thấy còn nặng gấp trăm gấp nghìn. Nhưng có phải vì thế mà đem thi hành kỷ luật tất cả đi không?
Lát sau câu chuyện đã chuyển sang vấn đề kiến thiết trận địa tối nay lúc nào không biết.
Bác quản lý ghé đầu vào cửa hầm.
- Gì đấy cụ? - Thọ hỏi.
- Báo cáo đại đội, xin đại đội quân số nấu bồi dưỡng đêm nay.
Tình hình lương thực, đạn được ở mặt trận đang hết sức khó khăn, từng người phải tiết kiệm từng viên đạn hạt gạo. Trận đánh trước, khi bộ đội sắp xuất quân, bác quản lý đã lên hỏi anh quân số nấu ăn ngày hôm sau. Cân nhắc xong. Thọ nói với bác chỉ cần nấu cho một nửa số người đi chiến đấu. Nhưng bác đã không làm theo lời anh. Và hôm sau, đại đội thừa năm chục suất ăn.
Thọ biết tại sao bác lại nhằm lúc anh đang ngồi ở đây để hỏi vấn đề này.
Anh nói:
- Trung đội 2 đi làm nhiệm vụ đào trận địa, đồng chí biết rồi còn hỏi gì?
Bác quản lý lập tức vui vẻ:
- Rõ ạ. Tôi nắm được rồi ạ.
Rồi bác vội vã rời cửa hầm.
Bên ngoài có tiếng một chiến sĩ nào đó đang gọi đồng chí quản lý:
- Chị cả ơi! Sáng mai đừng nấu cơm em nữa nhé!
- Bậy nào? Cố rồi đi. Sớm mai về, chị chuẩn bị cho một nồi chè bà cốt thật ngon, có cả gừng và đỗ, lạc...
Đêm nay đào trận địa ở ngay giáp chân đồn địch, rất khó tránh khỏi thương vong. Nhưng Thọ nghĩ, lát nữa đây anh sẽ không nói gì thêm với đồng chí quản lý. Anh không đành lòng với điều mình sẽ quyết đoán sáng mai có một số người đang ngồi đây với anh sẽ không trở về...
*
* *
Tờ mờ sáng hôm sau. chính trị viên Thọ chống gậy lên tiểu đoàn để báo cáo tình hình tổ chức chiến đấu. Anh vừa ngồi xuống chưa kịp báo cáo thì nghe tiếng bom reo và một tiếng nổ rung chuyển phía trận địa. Tiểu đoàn trưởng Vinh đang ngồi họp vội chui ra khỏi hầm, oang oang gọi đồng chí giữ điện thoại, hỏi địch ném bom vào chỗ nào. Khi Vinh hỏi lại lần thứ hai, người giữ điện thoại bảo anh lại máy nói chuyện với đại đội trưởng đại đội 1. Đầu dây đằng kia tiếng Cương hớt hải:
- Đồng chí Vinh đấy à!... Báo cáo đồng chí, trung đội 2 đi kiến thiết trận địa đêm qua, sớm nay về, có lẽ hy sinh nhiều. Bom bỏ vào ngã ba giao thông hào trục vừa lúc anh em đi tới. Lúc nó bỏ bom, đài quan sát của chúng tôi có theo dõi nên nhìn thấy rõ. Bảo đảm với anh là đúng như vậy...
Chính trị viên Tuấn bảo Thọ gọi điện thoại về đơn vị cử một trung đội ra tìm thương binh, và lượm lặt thi hài của tử sĩ đem về chôn cất.
Thọ cầm điện thoại nói, hai hàm răng cứ va vào nhau lập cập. Anh nhắc đi nhắc lại người trung đội trưởng đang nhận lệnh:
- Nhớ cho anh em đi từng người, thật thưa ra!
Lát sau Thọ ngồi vào cuộc họp báo cáo tình hình, chuẩn bị tổ chức chiến đấu của đơn vị mình. Thỉnh thoảng Tuấn lại hỏi: "Có kể trung đội 2 hay không?".
Tại bếp anh nuôi của đại đội 1, đồng chí quản lý già đang múc chè ra những chiếc bát sắt. Anh đã tính sẽ chia đều cho hai mươi tám suất.
Chất chè dẻo quánh đọng cả ở đầu muôi không muốn chảy. Mùi thơm xông lên làm mặt mày người chị cả nở nang ra. Anh lẩm bẩm:
- Đúng rồi, kể cả hai ông trung đội là hai mươi tám người...
@by txiuqw4