Hai người cán bộ dừng bước trước căn hầm dào hàm ếch vào chân Đồi Cháy. Người trắng trẻo có dôi mắt sắc, ghé đầu vào cửa hầm. Hai chiến sĩ ngồi lau súng bên trong, Một chiến sĩ đang cau có:
- Đã không biết lại còn cứ cãi cố!
Nhìn ra thấy người cán bộ, anh chiến sĩ reo lên:
- Phái viên đây rồi! Đồng chí vào đây, giải quyết hộ chúng tôi cái này tí!
Rõ ràng họ đang có vấn đề gì tranh cãi. Người trắng trẻo mỉm cười quay lại bảo người cùng đi:
- Ta vào đây ngồi chơi một lúc, phân xử "vụ” này xem sao?
Người đi sau, nhiều tuổi hơn, cao và gày, cũng mỉm cười. Lúc anh cười, một bên má đã nhận lúm xuống một chút xoáy nước, làm cho bộ mặt nghiêm khắc của anh dịu hẳn đi.
Hai chiến sĩ nhắc súng ngồi vào trong, nhường chỗ cho những người mới tới. Người đã có tuổi hỏi bằng giọng ồm ồm:
- Các đồng chí đang thào luận vấn đề gì?
Một chiến sĩ môi trên dày mọng, lúc nói cứ cong lên để hở cả lợi đỏ chon chót:
- Các đồng chí bảo cho chúng tôi: Bác Hồ có lên mặt trận Điện Biên Phủ này không? Tôi bảo nhất định là có. Cậu này thì lại cứ bảo không.
Người cán bộ mặt trắng trẻo nghe xong cười phá lên. Anh cởi nút khăn dù nguỵ trang buộc túm cổ, rồi nói:
- Vấn đề khó quá nhỉ? "Vụ” này thế mà khó giải quyết đây...
Người cao cao nhấc chiếc mũ nan đặt vào cạnh hầm, để lộ mái tóc cắt ngắn dày và cứng, đã hoa râm.
- Các đồng chí nêu lý lẽ của mình đi xem nào!
Người chiến sĩ nói tiếp:
- Tôi bảo là chiến dịch nào to Bác cũng đi hết. Chiến dịch Biên Giới không to bằng một phần mười cái Điện Biên này. Bác cũng đi đấy thôi! Bác đến nói chuyện với bộ đội ở dường số 4. Bác không lên đây sao ngày mai ra trận hôm nay đã có thư của Bác?... - Anh ta nói rất trôi chảy.
- Lý lẽ cũng khá! Hồi chiến dịch Biên Giới, đồng chí đã ở đại đoàn này rồi đấy à? - Đôi mắt sáng của người cán bộ trắng trẻo chăm chú nhìn anh chiến sĩ da mặt nhỏ mịn chưa in dấu vết của nắng gió.
- Chưa. Tôi mới đi đầu năm 54 thôi. Nhưng tôi được nghe anh em kể lại.
- Được rồi... Còn đồng chí, lý lẽ thế nào?
Anh chiến sĩ kia trán dô, hai đầu lông mày xoắn lên trông đến hay.
- Tôi không cần nói nhiều. Hôm nọ phái viên nhà báo ra đây, tôi hỏi: "Bác Hồ có lên đây không?". Anh ấy nói, chiến dịch này chỉ có Đại tướng lên thôi. Bác còn bận chỉ huy nhiều nơi khác nữa. Bác chưa lên.
Chiến sĩ kia nói luôn:
- "Bác chưa lên", anh nhớ lấy! Anh nói "Bác chưa lên"... Vậy từ hôm ấy đến giờ. Bác đã lên rồi thì sao?
Người cán bộ trắng trẻo nhìn hai người có vẻ ngạc nhiên, không hiểu vì sao họ tranh cãi hăng như thế. Rồi anh mỉm cười nói:
- Lý lẽ đôi bên đều sắc bén cả. Một bên thì căn cứ vào ý kiến anh em, một bên thì căn cứ ý kiến "phái viên nhà báo". Bây giờ tôi phân xử thế này có được không nhé...
Hai chiến sĩ ngừng tay lau súng, đôi cặp mắt cùng mở to, người nào cũng như đang chờ đợi phần thắng sẽ về mình.
- Theo tôi, Bác có ở Điện Biên hay không? Đó là một điều bí mật, ta không nên tranh cãi làm gì. Chỉ có điều này thì các đồng chí đã rõ: Bác ở đâu không biết, nhưng Bác vẫn theo dõi sát từng diễn biến của chiến dịch. Bác luôn luôn chỉ thị cho chúng ta những điều mà nếu chúng ta làm theo đúng, thì chúng ta sẽ giành được thắng lợi. Các đồng chí đã thấy là trước, sau một trận đánh, Bác đều có thư cho chúng ta. Các đồng chí có đọc bài "Đêm nay Bác không ngủ” đăng trên báo Quân đội nhân dân hay không?
Anh ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Sắp đến tháng Năm rồi...
Một chiến sĩ nhanh nhảu:
- Mười chín tháng Năm, sinh nhật Bác.
Chiến sĩ kia nói tiếp theo:
- Ở nhà năm nào chúng tôi chả kỷ niệm.
- Ở đây chúng ta cũng kỷ niệm. Bộ đội là những người được Bác dạy dỗ, săn sóc nhiều, lại càng phải kỷ niệm to hơn, thiết thực hơn. Cách kỷ niệm tốt nhất là các đồng chí cố gắng lập công mừng ngày sinh Bác. Bác hay gặp các chiến sĩ có công lắm. Đồng chí nào lập được công to có khi được Bác gọi về cho gặp đấy!
Người cán bộ có tuổi nhìn các chiến sĩ mỉm cười, rồi nói tiếp lời đồng chí kia:
- Chúng tôi phân xử cho các đồng chí xong rồi, bây giờ chúng tôi hỏi lại các đồng chí... Ở ngoài này các đồng chí ăn cơm có no không?
- Tàm tạm thôi... Bảy lạng, ăn xong cuốc mấy nhát lại đói veo.
- Cơm ăn với gì
- Hôm thì mắm kem, hôm thì thịt lạp, - nhưng thịt ôi lắm! Thỉnh thoảng anh nuôi cũng kiếm cho được một bữa canh.
- Ăn cơm nóng hay cơm nắm?
- Mấy hôm nay được ăn cơm nóng rồi. Dạo nọ ăn toàn cơm nắm. Ăn xong rét buốt đến tận ruột.
- Các đồng chí tắm giặt thế nào?
- Dạo nọ hàng chục ngày cũng chẳng tắm, chẳng thay quần áo. Bây giờ đại đội tổ chức luân phiên nhau mỗi ngày vài người về chỗ anh nuôi tắm giặt. Hầm này, hôm nay cũng có một cậu đi rồi đấy!
Đồng chí có tuổi nghe người chiến sĩ trả lời, đầu gật gù. Người cán bộ trắng trẻo lại hỏi:
- Nó có hay bỏ bom gần đây không?
- Cũng khá. Có lần nó bỏ ngay trên đỉnh đồi này.
- Các đồng chí có sợ không?
- Cũng có người sợ, người không.
- Tôi hỏi riêng đồng chí?
- Tôi ấy à..., cũng bình thường. Tôi cứ nghĩ thế này: Ở nhà đánh đáo với nhau, lúc cả cái vào lỗ mà có đứa đứng ngoài nó nói làm ngượng tay còn thả không trúng nữa là nó bay trên trời, mình ở kín dưới đất: lại có cao xạ của ta bắn thì nó bỏ trúng thế nào được? Tôi cho nó có thả trúng một hai quả cũng là hú họa.
Hai người cán bộ đều gật gù. Đồng chí tóc hoa râm lại hỏi:
- Các đồng chí có yêu cầu cấp trên giải quyết thêm gì không?
- Cũng có đấy. Chúng tôi thì không sao, nhưng các anh lớn thèm thuốc lào lắm. Anh nào có một điếu thì chuyền nhau hút đến xái ba, xái tư. Mình không nghiện nhưng thức đêm đào hầm lắm lúc cũng thấy mồm nó đắng kinh. Giá trên cho ăn thêm được ít nữa thì tốt quá! Ở sâu trong kia còn tự túc được tí rau tàu bay, tí củ mài, húp sột soạt với nhau. Ở ngoài này khói lửa "tuyệt đối"... Giá cấp trên cho mỗi tiểu đội một tờ báo thì cũng tốt. Cả trung đội xem chung một tờ báo Quân đội nhân dân, ban chỉ huy lại không cho tập trung quá tổ ba người, thành chuyền tay nhau cả tháng chả xem hết.
Vừa lúc đó, Cương đến trước cửa hầm. Sáng hôm nay, tư lệnh trưởng đại đoàn gọi dây nói cho anh, báo sẽ ra thăm trận địa. Từ sớm đến giờ, Cương đi khắp nơi, gặp cán bộ nắm lại quân số khỏe, yếu, bị thương, người cũ người mới, và đôn đốc anh em lau chùi lại vũ khí, sủa soạn lại chỗ nằm cho ngăn nắp, sạch sẽ. Trận địa phòng ngự của anh đã được mở rộng từ A1 sang Đồi Cháy. Quân số của anh từ một trung đội tăng lên ba trung đội. Cương đã trở thành đại đội trưởng đại đội 2. Mấy ngày hôm nay, trận địa bị máy bay địch ném bom dữ dội. Mỗi lần nghe tiếng tàu bay ầm ì hay tiếng đại bác địch dội lên phía sau, Cương lại nóng ruột bồn chồn. Anh ngồi một chỗ không yên, cứ chạy đi chạy lại luôn luôn. Vừa rồi, anh lên đồi kiểm tra lại căn hầm anh đã chọn làm nơi cho tư lệnh trưởng đứng quan sát tối nay. Lúc quay về, thấy mấy đồng chí vệ binh, liên lạc đứng ở đường hào này, đoán là tư lệnh trưởng đã tới, anh băng mình chạy xuống. Ngó vào hầm, thấy cả tư lệnh trưởng và chính ủy đang ngồi, Cương nói:
- Báo cáo bộ tư lệnh đại đoàn, tôi có mặt.
Hai người quay ra nhìn anh mỉm cười gật đầu. Chính ủy hỏi tiếp người chiến sĩ:
- Đồng chí năm nay bao nhiêu tuổi?
Người chiến sĩ lúc này mới nhận ra từ nãy đến giờ mình vẫn ngồi tán chuyện với bộ tư lệnh đại đoàn, chân tay anh luống cuống cả lên:
- Báo cáo ban chỉ huy, tôi mười tám ạ.
- Đồng chí này?
- Tôi cũng thế ạ.
Tư lệnh trưởng mặt còn đỏ bừng vì những trận cười vừa rồi, cầm chiếc mũ đội lên mái tóc hoa râm, nói với các chiến sĩ:
- Thuốc lào, ăn thêm, báo, các thứ các đồng chí đề nghị, chúng tôi nhớ cả rồi. Cố gắng được đến đâu sẽ giải quyết đến đấy. Nhưng các đồng chí cũng cần nhớ là chúng ta chiến đấu ở đây được là nhân dân Tây Bắc, nhân dân toàn quốc phải đóng góp, hy sinh nhiều lắm. Một cân gạo mang từ Thanh Hóa lên đến nơi phải mất mười chín cân ăn để vận chuyển dọc đường. Nhân dân đã dốc hết sức lực ra tiền tuyến. Trung ương Đảng chú ý đến chúng ta rất nhiều, nhưng chưa bao giờ chúng ta mở một chiến dịch to và dài ngày thế này nên còn gặp nhiều khó khăn. Các đồng chí và chúng tôi đều phải thấy, chúng ta đang được vinh dự hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử chưa từng có. Nhân dân toàn quốc, nhân dân thế giới đang theo dõi chúng ta từng giờ từng phút. Chúng ta phải cố chịu khổ, chịu khó hơn nữa. Cắm cờ được lên nóc hầm thằng Đờ Cát rồi... thì cái gì cũng sẽ có.
Khi hai người đi khỏi, hai chiến sĩ ngồi Lạng yên ngơ ngác. Họ cố nhớ lại xem mình đã nói những gì, có những cử chỉ gì trước mặt bộ tư lệnh đại đoàn. Một anh lẩm bẩm: "Thấy ông ấy cứ hỏi ăn cơm với gì, gạo như thế nào, mình lại tưởng ông ấy là cán bộ cung cấp".
Cương đưa tư lệnh trưởng và chính ủy về hầm mình, chờ trời tối hẳn sẽ lên đài quan sát. Chinh ủy hỏi:
- Hai đồng chí vừa rồi là tân binh cả phải không?
- Vâng. Mới bổ sung ra đây được nửa tháng. Có lẽ lúc các anh mới tới, họ không biết là ai.
- Chúng tôi cũng đang mong anh em đừng nhận ra chúng tôi.
- Hai cậu ấy hay tán lắm đấy ạ.
- Tinh thần chiến đấu thế nào?
- Chiến đấu cũng khá. Cái cậu trăng trắng hay nói láu táu, hôm họ đánh phòng ngự, một mình với khẩu tiểu liên đã đánh lui một nửa tiểu đội địch.
Chính ủy giọng trầm trầm:
- Thực là lớp người đáng quý. Chúng ta cần phải học tập thái độ lạc quan vui tươi của họ. Đơn vị mà có được nhiều anh em như vậy rất tốt. Cần khuyến khích cho anh em sống, sinh hoạt bình thường như ở hậu phương. Chúng ta đang chiến đấu trong một hoàn cảnh gay go, ác liệt kéo dài, càng cần phải như vậy. Tôi thấy nhiều cán bộ còn trẻ lắm, nhưng qua mấy tháng chiến dịch đã cằn đi hơn cả loại chúng tôi. Mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó, cù vào mạng mỡ cũng khó lấy được một tiếng cười. Rất hoan nghênh các đồng chí lúc nào cũng suy nghĩ tới công việc. Nhưng yêu cầu các đồng chí phải nghĩ tớ công việc với một thái độ phấn khởi vui tươi, nhất là cán bộ, thái độ của cán bộ ảnh hưởng tới đơn vị rất nhiều... Đó là nhân sinh quan mới của chúng ta.
Chính ủy trầm ngâm. Đúng là những người trẻ tuổi này đang dạy cho anh cả một thái độ trước cái sống cái chết, một cách nhìn đúng đắn trước nhiệm vụ. Anh quay sang nói với tư lệnh trưởng:
- Các cậu này khi cách mạng thành công thì mới đeo khăn quàng đỏ đánh trống ếch chứ gì! Tân binh như thế này thì cũng không đáng lo lắm đâu...
Tư lệnh trưởng gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Đồng chí đó cũng đang tư lự Anh đang tự hỏi mình: Anh em như thế, mình phải làm gì? Cuộc chiến đấu mỗi ngày một đổi mới, làm thế nào cho thích ứng được với hoàn cảnh, thật khó khăn. Người cán bộ chiến đấu lâu năm này luôn luôn bị nung nấu, giày vò vì những tổn thất của đơn vị trong trận chiến đấu vừa qua. Anh thấy mình phải chịu trách nhiệm lớn. Lần đầu anh phải nhận những lời khiển trách nghiêm khắc của cấp trên. Trước trận đánh, anh đã không nhận định đúng tầm quan trọng của vị trí A1. Anh đánh giá sự đối phó của địch không cao hơn nhiều lắm, so với những trận công kích trước mà đơn vị anh hầu hết giành được thắng lợi. Khi bất thần bị địch đối phó mạnh, chống cự bằng hầm ngầm, dùng viện binh phản kích ác liệt, anh đã lúng túng trong việc đề ra những cách giải quyết cụ thể cho cấp dưới. Anh chỉ nhắc nhở những nguyên tắc chiến đấu chung chung, và lại những mệnh lệnh nghiêm khắc để duy trì quyết tâm cho cán bộ. Sau trận đánh anh nhìn rõ sai lầm chủ quan, quan liêu của mình... Cái tác phong nắm tình hình chỉ bằng những bản báo cáo của cấp dưới của một người chỉ huy, dù đã ở cấp đại đoàn, vẫn rất là tai hại. Khi được đồng chí chính ủy về hội ý, trung đoàn trưởng Trang chủ trương đánh một mũi bị một số cán bộ phản đối, anh đã kịp thời chỉ thị cho trung đoàn phải đánh hai mũi để làm phân tán sự đối phó của địch. Trung đoàn đã đánh hai mũi. Nhưng trong thực tế, hai mũi đó chỉ cách nhau khoảng ba, bốn chục thước. Như vậy chẳng khác gì đánh một mũi. Địch vẫn dồn được tất cả sức lực ra một phía để đối phó với ta. Khi nghe dưới báo cáo gần đồn địch có một khe suối cạn, có thể lợi dụng được để tiến quân, không phải kiến thiết thêm chiến hào, anh đã bắt đơn vị báo cáo thật kỹ lưỡng kích thước con suối. Với báo cáo của họ, anh thấy rõ ràng là thiên nhiên đã giúp cho đơn vị một đoạn chiến hào mà nếu phải đào, bộ đội sẽ đổ khá nhiều mồ hôi, xương máu. Nhưng đến khi chiến đấu, con suối cạn Pom Loi đó trong thực tế khác xa một đoạn giao thông hào. Nó đã đem bộ đội anh làm mồi cho hàng trăm khẩu pháo lớn, nhỏ của địch, bắt anh phải trả sự quan liêu của mình bằng một giá quá đắt... Những việc như thế, không phải anh chưa từng gặp trong những chiến dịch trước. Một quân đội cách mạng trẻ tuổi, thoát thai từ du kích, tránh sao được những điều đó. Nhưng trong những chiến dịch trước, quy mô chiến đấu còn nhỏ, có gặp khó khăn thì tác hại cũng không lớn lắm. Và nhiều lần, với tinh thần chiến đấu anh dũng, sự ứng phó linh hoạt của một quân đội Cách mạng, đơn vị anh đã vượt lên những khó khăn do thiếu sót của mình gây ra, giành được chiến thắng vẻ vang. Sau mỗi trận đánh, ta đều có kiểm điểm. Nhưng khi đã chiến thắng rồi, thì những khuyết điểm chỉ như những đám mưa bóng mây, tan ngay dưới ánh hào quang rực rỡ của chiến thắng. Cái lối qua loa, xuê xoa như vậy, bây giờ anh đã thấy tai hại biết chừng nào. Bài học xương máu của trận chiến đấu vừa rồi đã dạy cho anh, người chỉ huy phải tìm hiểu tình hình bằng đi tận nơi, nhìn tận mắt, chứ không phải chỉ căn cứ trên giấy tờ.
Trời tối, Cương đưa tư lệnh trưởng và chính ủy đi theo một đường hào quanh co, nhỏ hẹp, lên một căn hầm trên đồi. Anh nói:
- Báo cáo các đồng chí, đài quan sát cũ hôm nọ đã bị địch ném bom phá hủy. Đài quan sát mới hiện nay công sự sơ sài, trên đỉnh đồi địch lại giội đại bác luôn nên không để bộ tư lệnh lên đó. Tôi đã chọn được căn hầm trung liên này, công sự tốt, có thể nhìn bao quát được A1 và trận địa tấn công của ta. Nhưng cũng có nguy hiểm, vì ụ súng này đã có lần bị địch bắn sang đúng lỗ châu mai. Ban đêm trời tối, địch khó nhìn rõ lỗ châu mai, nhưng các anh cũng không nên quan sát lâu.
Ba người chui vào một căn hầm súng tối om. Tư lệnh trưởng đến trước lỗ châu mai nhìn ra ngoài. Những khi đèn dù tỏa sáng, trận địa địch hiện ra rất rõ. Từ lưng chừng đồi lên tới đỉnh, ụ súng lỗ chỗ như tổ ong. Phía đồn địch ta đã chiếm được, dây thép gai đã bị quét hết. Chiến hào của ta như những con rắn khổng lồ trườn mình trên mặt ruộng đã ngóc đầu lên đến lưng chừng đồi. Theo các báo cáo anh nhận được thì những chiến hào của ta không phải chỉ mới tới đó, mà còn những đoạn chạy ngầm dưới đất vào sát địch.
Cương chỉ cho anh một ụ đất lớn nhô lên giữa đỉnh đồi, nói:
- Hầm ngầm của nó đấy anh ạ.
Cái ụ đất đỏ hỏn này chính là chiếc nhọt bọc đã nằm bao ngày trên cơ thể anh, lúc này nó lại làm anh nhức buốt đến tận ruột.
- Cửa đường hầm của ta ở chỗ nào?
- Báo cáo anh, ở chỗ cái lô cốt đổ lưng chừng đồi bên phía tay phải, có dây thép gai đen đen.
Cách đây ít hôm, đại đoàn đã hạ lệnh cho đơn vị công binh bí mật đào một đường hầm từ góc đồi ta chiếm được để đưa bộc phá vào đặt dưới hầm ngầm của địch. Nếu việc làm này kết quả, thì cả cái hầm ngầm khốn kiếp kia sẽ bị bốc đi trong phút chiến đấu đầu tiên, để làm hiệu lệnh xung phong cho các đơn vị. Công việc của các chiến sĩ công binh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn ra sức khắc phục. Từ nay đến đó, chiếc nhọt bọc này còn tiếp tục những ngày nung mủ trên cơ thể anh.
Nhìn về phía trái, cạnh đường 41, mũi chiến hào mới của ta cũng đã tiến vào gần chân đồi. Trước trận đánh, anh đã có ý kiến là nên kiến thiết một đường hào ở đây. Nhưng cán bộ dưới nêu nhiều khó khăn vì phải đào giáp vị trí A3 địch, anh đã bỏ qua. Lần này, Bộ chỉ huy Mặt trận đã quyết định đơn vị anh phải mở thêm mũi này. Lúc mới đặt vấn đề với cán bộ tiểu đoàn, họ vẫn nêu nhiều khó khăn. Anh đã kiên quyết hạ lệnh cho họ phải tiến hành. Và bây giờ kết quả cụ thể trước mắt anh, đường chiến hào này sắp hoàn thành. Một trong những nguyên nhân chính của thất bại kỳ trước là ta đã không tính đến chuyện chặn viện. Trong khi chỉ định tiêu diệt đồn địch với một số quân có hạn, ta đã phải chiến đấu với tất cả bọn quân ứng chiến địch từ Mường Thanh đùn lên, lớp nọ tiếp lớp kia gần như vô tận. Theo báo cáo của cơ quan tham mưu, với việc đào thêm đường chiến hào này, vấn đề chặn viện coi như đã giải quyết xong.
Nhưng hôm nay, nhìn đồn địch trên thực địa, một câu hỏi mới đặt ra cho người tư lệnh trưởng. Trước mắt anh, ta chỉ mới hiểu được nửa quả đồi này ở phía ngoài. Nửa đồi bên trong, quay về Mường Thanh, vẫn còn là một bí mật. Mũi chiến hào này nhằm ngăn chặn quân tiếp viện? Điều đó ta có thể làm được, nếu con đường tiếp viện của địch nằm giáp ngay nơi bộ đội ta đang đào hào vào. Nhưng với địa hình này, con đường tiếp viện đó cũng có thể nằm sâu bên trong...? Như vậy tình hình sẽ khác, vì ta không nhằm trúng mục tiêu công kích. Đã có một số cán bộ đoán là địch có một con đường hầm đào từ Mường Thanh lên A1. Theo anh, khả năng này ít. Nhưng nếu căn cứ vào tính chất quan trọng của A1 - một vị trí mà gần dây địch đã gọi là "chiếc chìa khóa sống của Điện Biên Phủ”, với trình độ kỹ thuật chiến tranh hiện đại của địch, khi ta chưa hiểu tình hình đích xác, ta không thể coi khả năng đó hoàn toàn không có. Người chỉ huy phải tính đến những khả năng xấu nhất. Nếu trong trận đánh tới, tình hình cũ lại tiếp tục diễn ra, viện binh địch có cả xe tăng, thiết giáp không biết từ đâu cứ tuôn ra giữa đồn...? Tư lệnh trưởng cười gằn một tiếng.
Chính ủy nhìn những chiến hào từ các phía dồn về đồn địch như những dòng nước lũ không sức nào ngăn cản được, thấy qua đó kết quả công tác đấu tranh tư tưởng kiên trì không mỏi mệt những ngày qua... Rõ ràng là khi đã có quyết tâm thì không có khó khăn nào là không vượt được. Nghe tiếng cười gằn của đồng chí tư lệnh trưởng, anh nghĩ ngay, đồng chí đó lại vừa tìm ra một điều gì không được như ý đây...
Tư lệnh trưởng nói với chính ủy:
- Chúng ta sang bên kia một lát xem anh em làm việc như thế nào.
- Vâng.
Tư lệnh trưởng quay sang bảo Cương:
- Đồng chí đưa chúng tôi sang chỗ anh em công binh làm việc.
Cương nói hơi hấp tấp:
- Báo cáo các anh, đường hào sang bên đó nhiều xác chết chỉ mới lấp qua, thối lắm! Hào trống, địch bắn pháo và ném lựu đạn luôn luôn. Có lẽ các anh không nên sang.
- Ấy chính vì thế mà... có lẽ... chúng tôi càng nên sang, đồng chí ạ - Chính ủy nói với Cương bằng một giọng vui vẻ, gần như đùa cợt, nhưng Cương thấy rõ, đồng chí đó vừa ra lệnh cho mình.
@by txiuqw4