sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13

Vinh ở trung đoàn về, thái độ không vui. Đôi giày da chiến lợi phẩm số nhỏ, tiểu đội trưởng liên lạc Huy đã mất nhiều công mới kiếm được cho anh vì chân cẳng thằng Tây nào cũng to cả, mọi khi được anh chú ý giữ gìn, trưa nay bọc đầy bùn và đất đỏ. Anh vứt mũ, không cởi giày, tháo súng, cứ thế lăn ra trên miếng vải dù trắng nuột mới lót trong hầm vài hôm nay.

Nhìn Vinh nằm tay vắt trên trán, Tuấn đoán lại có việc gì không hay mới đến với người tiểu đoàn trưởng của mình.

Gần đây, trong công tác chuẩn bị chiến đấu, Vinh tỏ ra sốt sắng và kiên quyết. Ngày chiến đấu càng gần, Tuấn cảm thấy mình và anh ta càng gần nhau hơn. Những thử thách hàng ngày, hàng giờ đã giúp họ hiểu nhau cả mặt hay lẫn mặt dở. Vinh thấy cái cậu chính trị viên này hình như đã nhìn thấy mình rất rõ, và cậu ta không hề có ác ý với mình, anh ta Lạng lẽ làm mọi công việc, anh ta hơi kín đáo, nhưng Vinh nghĩ đó chỉ là cá tính, không sao. Còn Tuấn, Tuấn tìm thấy ở người tiểu đoàn trưởng của mình, thực ra là một con người dễ hiểu, khi hăng hái, lúc hoang mang, khi vui khi buồn... mọi người dễ thấy ngay. Đó chính là cái đơn giản đáng mến của anh. Gần anh ta còn dễ chịu gấp bội những người trong cuộc sống luôn luôn làm “những cái thừa" (đó là kiểu nhận xét riêng của Tuấn): họ vừa tự làm mệt mình lại làm mệt người khác rất nhiều; chẳng thể nào hiểu rõ họ nếu không có dịp nhìn tận mắt khi quyền lợi cá nhân của họ bị va chạm. Tuấn coi đó là cái đơn giản do cuộc sống chiến đấu đem lại. Ở anh ta, ngọn lửa còn chưa bốc cao, nhưng rõ ràng anh đang cố gắng đến lên phía trước. Hàng ngày, công việc thắt dần thêm họ lại. Khi một người phải đi họp vắng, người ở đơn vị đã thấy rõ mình thiếu người để trao đổi, bàn bạc công việc, và hơn nữa còn cảm thấy trống trếnh...

Thái độ của Vinh đã truyền ngay sang Tuấn một sự lo lắng. Anh toan hỏi Vinh có chuyện gì, nhưng thấy Vinh còn đang căng thẳng vì suy nghĩ nên Tuấn lại thôi. Anh tin là thể nào lát nữa Vinh cũng đem chuyện đó nói với mình.

Vinh nằm im một lúc rồi nhỏm dậy cởi giày, tháo súng. Anh gọi Tuấn:

- Ông Tuấn này, bọn mình hội ý một chút. Bây giờ trung đoàn giao cho mình đem một trung đội bộc phá xuyên qua hàng rào của A3, tìm xem con đường tiếp viện của nó từ Mường Thanh lên nằm ở chỗ nào.

Tuấn hỏi lại:

- Bộc phá xuyên qua hàng rào của A3 à?

- Mình đi họp ở đại đoàn về đến trung đoàn thì tham mưu trưởng gọi vào bảo như thế, và ông ấy nói là lệnh của đại đoàn, ông ấy chuyển đạt lại.

- Ta bộc phá thì nhất định địch phải biết...

- Đào công sự gần nó, cái xẻng cái cuốc chạm vào nhau nó còn biết nữa là bộc phá! Đánh dăm chục quả là ít! Tôi đã nêu khó khăn với ông ấy rồi nhưng ông ấy nói: "Đây là lệnh của đại đoàn, khó khăn cũng phải làm, khi ra lệnh trên đã tính toán rồi, phải chịu hy sinh nhỏ để tránh thương vong lớn".

- Ta triệu tập cán bộ lại, đem ra bàn xem nên làm cách nào?

- Mình đã nghĩ rồi... Cũng chẳng cần bàn! - Vinh thủng thẳng.

- Định giải quyết thế nào?

- Tớ định sẽ không chấp hành. Đánh điểm thì bảo tôi mở bốn năm trăm thước rào tôi cũng cho anh em mở. Nhưng đi tìm đường tiếp viện mà bảo bộc phá mở rào thì tôi không chơi... ông ấy đề ra thì ông ấy xuống mà làm.

- Cẩn thận không phạm nguyên tắc lại kiểm điểm tướt đấy! - Tuấn nói với giọng lo lắng.

- Chẳng phạm nguyên tắc gì cả! Nguyên tắc là tiêu diệt địch giành thắng lợi. Đem quân di nướng thì nguyên tắc nào?

- Ấy thế mới phải đem bàn. Bàn xem làm thế nào chấp hành được lệnh trên mà lại đỡ thương vong. Lần trước bọn mình bị gay chính là vì không ngăn được quân tiếp viện của nó.

Vinh tỏ ra rất bực bội vì quyết định này.

- Chẳng xem xét vấn đề cụ thể thế nào cả, cứ mệnh lệnh bừa đi. Tớ cho lại chỉ mấy thằng tham mưu vẽ chuyện - Vinh vẫn không phục đồng chí tham mưu trưởng vì khuyết điểm của anh ta trong trận vừa rồi.

Tuấn nghĩ đến cương vị của mình, anh không có quyền được nóng nảy, lệnh của tham mưu trưởng vẫn là lệnh của cấp trên. Anh cắn môi suy nghĩ một lát rồi nói:

- Nếu ta thấy vấn đề chặn viện là cần thì ta bàn cách thi hành lệnh. Nếu thấy không cần thì có khi ta phải đề đạt lại xem sao. Nhưng... theo ý tôi phải chặn viện mới bảo đảm đánh thắng được.

Vinh im lặng, Tuấn biết Vinh rất bực và đã có tính toán, nhưng tinh thần câu chuyện văn là muốn trao đổi thêm với mình. Và anh ta đã nguôi nguôi... Nhưng Tuấn lúng túng không biết nên đưa thêm những ý kiến gì thiết thực hơn để bàn bạc với Vinh. Lúc này anh mới thật bực với mình vì không am hiểu về quân sự... Chợt nghĩ một điều gì Tuấn nói với Vinh:

- Đồng chí nên chuẩn bị ý kiến trước đi, chiều nay Quân về ta cùng bàn một thể.

Sau đó, Tuấn lẳng lặng ra gặp Cương ở Đồi Cháy.

Cương đang ngồi hí húi viết trong hầm, thấy Tuấn vào bất chợt, bối rối, mặt đỏ ửng lên. Tuấn vô tình hỏi:

- Đồng chí làm gì thế?

- Tôi.. đang viết cái này.

- Viết nhật ký?

- Không... Viết thư anh ạ.

- Viết thư về gia đình à?

- Không...

Tuấn đã nhận ra vẻ lúng túng của Cương, biết Cương không muốn mình rõ công việc anh đang làm, anh định tìm một câu chuyện khác thì Cương nói:

- Tôi... viết thư cho Jan-nét. Lúc nào thư thả anh cho hỏi ý kiến anh.

Cương vừa nói vừa đưa quyển sổ tay cho Tuấn. Lá thư Cương viết nháp từ hơn nửa tháng nay, lúc này đã thành hình.

"Bạn Jan-nét thân mến!

Tôi đã nhận được lá thư viết ngày 26 tháng 10 năm 1953 của bạn. Chắc bạn không thể nghĩ ra là thư ấy đến với tôi trong trường hợp như thế nào? Thư đến với tôi trên một quả đồi không còn một ngọn cỏ, đất đã bị đại bác xới lộn lên và nát nhừ như ruộng người ta bừa đám mạ ấy. Chúng tôi chỉ cách địch có ba mươi thước, luôn luôn nhìn thấy chúng nó. Đại bác địch có thể rơi xuống đầu tôi bất cứ lúc nào. Đọc thư bạn tôi nhớ lại những ngày vui tươi ở Bá Linh. Tôi luôn luôn nhớ tới hình ảnh những đàn chim bồ câu hòa bình ngày bế mạc đại hội. Trên đầu chúng tôi lúc này chỉ toàn quạ đen thôi, nó bay lượn để chờ dịp sà xuống rỉa xác người chết...

Bạn ơi, hôm qua tôi vừa đọc báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận thấy có đăng một bài địch của nhà văn Nga Goóc-ba-tốp. Goóc-ba-tốp viết như thế này: "Tôi yêu cuộc sống quá. Tôi chỉ nghĩ đến đi chiến đấu vì muốn sống cho ra sống chứ không phải sống làm trâu, chó. Chiến đấu vì hạnh phúc của Tổ quốc, vì hạnh phúc của toàn thể nhân dân, của con tôi. Tôi rất tiếc cuộc đời tôi nhưng tôi cũng không sợ chết. Người quân nhân muốn sống phải là người quân nhân đi chiến đấu để sống...". Đọc đoạn này tôi sung sướng quá bạn ạ.

Hàng tuần này tôi định viết cho bạn một điều mà tôi viết mãi không ra. Bây giờ thì nhà văn đã nói hộ tôi rồi.

“Trong thư bạn có nói bao giờ đến ngày hòa bình bạn muốn sang Việt Nam để tham gia kiến thiết Tổ quốc chúng tôi... Bạn bảo tôi đừng cười bạn về ý nghĩ này. Sao bạn lại nghĩ là tôi có thể cười bạn? Điều mong mỏi của bạn cũng chính là điều mong mỏi của tôi. Bạn ơi, chúng ta tuy ở hai đầu góc trời, xa nhau mười hai ngàn cây số, nhưng nếu chúng ta có quyết tâm thì không gì ngăn cản được chúng ta gần nhau. Cuộc kháng chiến của chúng tôi là trường kỳ nhưng không phải là vô kỳ hạn bạn nhỉ... Tôi cũng mong ước ngày tươi sáng đó chóng đến như bạn... Tôi muốn nói thật nhiều nữa về điều này, nhưng tôi không thể viết dài được bạn ạ... Tôi đã viết thư này cho bạn trong một căn hầm chỉ nằm được chứ không đứng thẳng lên được. Bàn viết của tôi là cái mũ. Cái mũ tre này ngày ở đại hội bạn rất thích nó, bây giờ nó không còn ra hình thù cái mũ nữa, nó như là cái cốt của một ông thợ hàng mã ấy...

Tôi sắp di chiến đấu đây bạn ạ... Nếu trận này chúng tôi thắng thì không gì sung sướng bằng. Bảy năm trước, chúng tôi chỉ mới dành được những đồn lẻ địch đóng một trung đội. Bây giờ bọn địch cứ thấy chúng tôi đâu là vội co ngay lại thành tập đoàn cứ điểm để khỏi bị tiêu diệt. Ở đây chúng đóng tới gần hai vạn quân. Nếu chúng tôi đi tiêu diệt được nữa thì chúng còn phải co lại thành những tập đoàn cứ điểm to hơn: Vậy thì quân Pháp ở cả Đông Dương này đóng được bao tập đoàn cứ điểm bạn nhỉ? Bao nhiêu làng mạc của chúng tôi không còn những đồn bốt lẻ, sẽ được giải phóng. Quê tôi cũng sẽ được giải phóng. Tôi sẽ được gặp bố tôi. Tôi mất mẹ từ sớm lắm. Sao mà tôi thèm có mẹ, có chị như thế? Bố tôi năm nay hơn sáu mươi tuổi rồi. Nhà tôi nghèo lắm. Có lúc tôi nghĩ khi nào về nhà tôi chơi, bạn sẽ không quen với sinh hoạt của gia đình tôi... Nhưng tôi chắc là tôi nghĩ sai. Nếu bạn thích nghe chuyện kháng chiến thì không ai nhiều chuyện bằng bố tôi. Bố tôi là du kích đấy bạn ạ. Xã tôi tuy là ở giữa vùng tạm chiếm nhưng chưa tề một ngày nào...".

Bức thư mới viết đến đây. Thấy Tuấn đọc xong, Cương nói:

- Tôi viết mãi mới được từng này dòng. Tôi vẫn lo tôi viết có nhiều điều sai anh ạ.

- Một lá thư chính là như thế này. Người khác không thể viết được như đồng chí.

Đôi mắt đen sâu thẳm của Cương vẫn lộ ra vẻ băn khoăn:

- Những điều tôi nói trong thư có gì sai không anh?

- Sai thế nào? Sao đồng chí lại nghĩ là trong đó có điều sai?

- Cái chỗ tôi nói về kháng chiến, về hòa bình...

Tuấn đọc lại đoạn thư này rồi nói:

- Không, không có gì sai. Chúng mình chiến đấu để làm gì? Nếu không vì hạnh phúc của nhân dân, của gia đình, của bản thân chúng ta nữa, thì cần gì phải cố gắng? Chúng ta có muốn chiến tranh đâu! Chúng ta cố chiến đấu chính là để cho chiến tranh chóng chấm dứt sớm ngày nào hay ngày ấy.

- Tôi... tôi định viết xong rồi sẽ nhờ đồng chí dịch hộ.

- Dịch được hết tinh thần bức thư của đồng chí... với tôi cũng hơi khó. Nhưng tôi xin hứa là sẽ cố gắng, đồng chí cứ viết cho xong đi.

Mặt Cương rạng rỡ lên.

- Bây giờ ta bàn về công tác một chút đồng chí Cương nhé...

Lúc đó Cương mới nhớ ra, chính trị viên tiểu đoàn ra đây không phải để đọc lá thư của mình. Tuấn nói lại với Cương, ý định của trên là phải bộc phá xuyên qua hàng rào của A3 để tìm đường địch tiếp viện quân từ Mường Thanh lên. Cương hỏi lại ngay:

- Trung đoàn có nói cụ thể là phải bộc phá không anh? Bộc phá thì lộ, nó biết, nó cản mình mất.

- Đồng chí Vinh hội ý lại là trung đoàn ra lệnh như thế.

- Bây giờ ta không bộc phá mà cắt rào có được không?... Cắt bí mật anh ạ. Cắt thấp thôi, chỉ để đủ một người bò lọt qua. Cắt khéo thì ban ngày địch cũng không biết. Ở trên này, chúng tôi nhìn rõ A3. Nếu ta cắt đúng hướng thì chỉ cần hai đêm là có thể xuyên qua hàng rào lọt được vào bên trong. Các anh đồng ý làm thế thì tôi xin nhận nhiệm vụ. Chỉ cần một tổ ba người. Đi càng nhiều càng khó giữ bí mật, không lợi. Các anh điều cho tôi một số dụng cụ cắt dây thép gai. Tôi huấn luyện luôn cho anh em cách gỡ mìn. Cái gì chứ mìn thì đây sẵn lắm, tha hồ mà thực tập...

Trên đường về, Tuấn huýt sáo không ngớt. Gặp Vinh, anh hỏi ngay:

- Sáng nay tham mưu trưởng có ra lệnh cụ thể là phải dùng bộc phá để mở rào tìm đường tiếp viện không?

- Ông bảo không bộc phá thì làm cách nào mở được đường?

- Nếu bây giờ mình cắt rào thì sao? Ta bí mật cắt rào có được không? Hay là lệnh trên bắt cứ phải bộc phá?

- À cái đó là tùy mình. Cái chính là phải tìm ra đường tiếp viện.

Lúc này Vinh mới nhớ rõ, sáng hôm nay tham mưu trưởng chỉ chuyển đạt cho anh lệnh của đại đoàn là phải làm sao mở đường qua hàng rào của A3 để tìm đường tiếp viện của địch. Lúc ấy anh đã nghĩ như vậy chỉ có cách dùng bộc phá. Và khi về đến nhà, trong đầu óc nóng bỏng của anh, lệnh của đại đoàn với ý nghĩ riêng của anh đã hòa vào với nhau thành cái lệnh mới mà anh đã nói với Tuấn.

Tuấn nhắc lại với Vinh những ý kiến của Cương. Nghe xong Vinh nói:

- Cũng được...Để gọi cậu ấy về đây bàn xem sao. Có thể giao hẳn việc này cho cậu ấy. Trông tướng con gái mà chiến đấu khá ra phết!

Vừa rồi khi Tuấn đi khỏi, nhớ tới nét mặt, giọng nói của đại đoàn trưởng khi nhắc đến vấn đề kỷ luật chiến trường, Vinh cũng thấy lo. Anh rút bao thuốc lá trong túi ra chìa cho Tuấn. Trong lúc đánh diêm châm thuốc, Vinh nói:

- Thế này thì mấy bữa nữa ông thay tôi chỉ huy nốt cả quân sự thôi... Lần đánh này trong dự kiến khi cần thay thế tôi, tôi đề nghị ông đấy!

Tuấn đỏ bừng mặt. Anh vốn không thích ai khen mình trước mặt. Anh nghĩ là Vinh đùa mình, nhưng sao anh vẫn cảm thấy sung sướng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx