sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Trời trở nóng, ngay cả ban đêm cũng tương đối ấm. Trên cái cây anh đào bị đạn bắn tơi tả trước bờ công sự của chúng tôi cũng đã xuất hiện những chùm quả nhỏ. Tắm sông không còn là tra tấn mà đã trở thành niềm vui. Những cây hồng dại, với những chùm hoa to bằng cái đĩa con mọc rải rác trên cánh đồng bị đạn cày xới xung quanh Torre Fabian. Phía sau mặt trận thỉnh thoảng lại thấy một người nông dân cài trên kẽ tai một bông hồng như thế. Buổi tối họ thường mang những chiếc lưới màu xanh đi săn chim cút. Người ta chăng lưới trên ngọn cỏ rồi nằm xuống và giả làm tiếng cút mái. Chim đực nghe thấy là bay lại ngay. Khi chim đã chui vào lưới thì chỉ ném một hòn là nó sẽ sợ, bay lên và mắc lưới liền. Chắc là người ta chỉ bẫy được chim đực, tôi nghĩ thế là không công bằng.

Bên cạnh chúng tôi là đơn vị người vùng Andaluse. Tôi không biết họ đến đây bằng cách nào. Người ta nói rằng họ chạy từ Malaga tới, nhưng chạy nhanh quá đến nỗi vượt qua cả Valencia mà không biết. Nhưng đây dĩ nhiên là do những người vùng Catalonia nói, họ vốn coi dân Andaluse là những người bán khai. Mà quả thật, dân Andaluse dốt nát lắm. Rất ít người biết đọc biết viết, có vẻ như họ không biết mình thuộc đảng phái nào, một điều mà người Tây Ban Nha nào cũng biết. Lúc thì họ nghĩ thuộc phái vô chính phủ, khi thì lại cho rằng thuộc phái cộng sản. Đấy là những người nông dân chất phác, quê mùa, vốn là thợ chăn cừu hay nông dân làm thuê trên những cánh đồng trồng ôliu, mặt đen sạm vì ánh nắng gay gắt của miền Nam. Họ quấn thuốc lá rất khéo và thường giúp chúng tôi làm việc này. Thuốc điếu không còn được phát nữa, nhưng ở Monflorite đôi khi vẫn có thể mua được những bịch thuốc rất rẻ, trông chẳng khác gì rơm vụn. Mùi vị không đến nỗi nào, nhưng thuốc khô đến nỗi ngay cả khi đã vấn xong nó vẫn có thể rơi hết ra ngoài, chỉ còn lại một cái ống rỗng. Thế mà mấy người Andaluse vẫn có thể quấn thành những điếu thuốc rất đẹp mắt, đầu điếu thuốc còn xoắn chặt lại nữa.

Hai chiến sĩ người Anh bị ốm vì say nắng. Tôi nhớ nhất là cái nóng ban trưa, lưng trần với những bao cát nặng đè trên đôi vai rám nắng; quần áo, giầy dép đều rách như xơ mướp cả. Chúng tôi còn phải đánh vật với con la chuyển đồ ăn tới, nó không sợ tiếng súng trường nhưng lại bỏ chạy ngay khi nghe thấy tiếng trái phá nổ trên không trung. Rồi muỗi (chúng bắt đầu hoạt động mạnh) và chuột, chuột dạn đến nỗi chén cả thắt lưng lẫn bao đạn bằng da. Không có gì xảy ra cả, nếu không tính những vụ thương vong do bọn bắn tỉa hay những quả đạn pháo hoặc những vụ bỏ bom mà thỉnh thoảng mới xảy ra ở Huesca. Cây đã mọc đầy lá, chúng tôi làm những cái sàn bắn tỉa, giống như những cái chòi của thợ săn, ngay trên những cây dương mọc dọc chiến hào. Ở phía bên kia của Huesca, sức tấn công của quân ta đang yếu dần. Quân vô chính phủ bị thiệt hại rất nặng nề và không còn đủ sức phong toả con đường đi Jaca nữa. Họ đã tiến đến gần con đường để giữ nó trong tầm ngắm của súng máy và khống chế, không để cho xe chạy qua, nhưng hai bên vẫn còn đóng cách cách nhau cả cây số, nhờ thế mà bọn phát xít có thể đào được cả một giao thông hào lớn cho xe tải đi. Bọn đào ngũ nói rằng ở Huesca còn nhiều vũ khí, nhưng lương thực thực phẩm thì đã sắp cạn. Nhưng rõ ràng là thành phố sẽ không đầu hàng. Với mười lăm ngàn người được trang bị kém như thế này thì tấn công là việc bất khả thi. Sau này, trong tháng sáu, chính phủ đã rút các đơn vị khỏi Madrid và tập trung ở Huesca đến ba mươi ngàn người cùng với rất nhiều máy bay, thế mà thành phố vẫn không thất thủ.

Tôi đi phép sau khi đã ở mặt trận tất cả là 150 ngày, lúc đó tôi cho rằng đây là một trong những giai đoạn vô ích nhất của cuộc đời. Tôi tham gia lực lượng dân quân là để đánh nhau với chủ nghĩa phát xít, nhưng hầu như tôi chẳng phải đánh nhau gì hết. Tôi chỉ sống qua ngày như một kẻ thờ ơ, nếu không tính đến cảnh rét mướt và mất ngủ thì có thể nói tôi đã chẳng làm gì để đền đáp lại khẩu phần ăn mà người ta vẫn phát cho tôi. Có thể đấy chính là số phận của tất cả những người lính trong hầu hết các cuộc chiến tranh. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi không còn lấy làm tiếc về giai đoạn đó nữa. Đúng là tôi muốn giúp đỡ chính phủ Tây Ban Nha một cách hiệu quả hơn, nhưng nếu xét theo quan điểm cá nhân, xét theo quan điểm từ sự tiến bộ của tôi thì ba bốn tháng ngoài mặt trận không đến nỗi vô ích như tôi nghĩ lúc đó. Đấy là một giai đoạn khác hẳn, khác với quá khứ mà có thể khác với cả tương lai, nó đã dạy tôi những điều mà chỉ có ở đấy tôi mới có thể học được.

Cái chính là tôi đã bị cách li trong suốt thời gian này – ngoài mặt trận người ta gần như bị cách li hoàn toàn với thế giới bên ngoài: ngay cả những sự kiện ở Barcelona chúng tôi cũng chỉ biết rất mù mờ - mặc dù tôi sống giữa những người có thể gọi, tuy không thật chính xác lắm, là những nhà cách mạng. Đấy là do cách làm việc của lực lượng dân quân, trên mặt trận Aragon, cho đến mãi tháng 6 năm 1937, cách làm việc của nó vẫn chẳng có thay đổi gì đáng kể. Các đơn vị dân quân do các công đoàn đứng ra thành lập và bao gồm những người có cùng quan điểm chính trị đã tập hợp vào một chỗ những thành phần cách mạng nhất của đất nước. Do một sự tình cờ mà tôi đã rơi vào một cộng đồng, có thể nói là duy nhất ở Tây Âu, nơi mà giác ngộ chính trị và lòng hoài nghi chủ nghĩa tư bản được coi là hiện tượng bình thường. Trên mặt trận Aragon này tôi chỉ là một trong hàng chục ngàn người, đa số, tuy không phải tất cả, đều là công nhân; mọi người đều sống như nhau và hoà vào nhau theo lẽ công bằng. Về lí thuyết thì đấy là công bằng tuyệt đối, trên thực tế thì cũng gần như thế. Theo nghĩa nào đó, có thể nói tôi đã được nếm mùi chủ nghĩa xã hội, ý tôi là mình đã được sống trong không khí của chủ nghĩa xã hội rồi. Rất nhiều hiện tượng bình thường của đời sống như thói hợm hĩnh, lòng tham, sợ hãi cấp trên… đơn giản là đã biến mất. Trong cái không khí bị đồng tiền làm cho băng hoại như ở nước Anh, người ta sẽ không thể nào tưởng tượng được rằng sự phân chia giai cấp đã không còn. Ở đây chỉ có chúng tôi cùng với những người nông dân, không còn ai là chủ ai là tớ nữa. Dĩ nhiên là tình trạng đó không thể kéo dài được lâu. Đấy chỉ là một hoạt cảnh ngắn và có tính khu vực của một trò chơi lớn đang được triển khai trên toàn thế giới mà thôi. Nhưng nó đã kéo dài khá lâu, đủ sức để lại dấu ấn cho tất cả những người đã từng tham gia vào cuộc chơi này. Mặc dù lúc đó chúng tôi đã nguyền rủa tất cả mọi thứ, nhưng sau này chúng tôi mới hiểu rằng mình đã được tiếp xúc với một hiện tượng kì lạ nhưng rất có ý nghĩa. Chúng tôi đã sống trong một cộng đồng, nơi mà thái độ thờ ơ và yếm thế đã phải rút lui để nhường chỗ cho niềm hi vọng, nơi mà từ “đồng chí” có nghĩa là những người đồng chí hướng, chứ không phải như tại đa số các nước khác, là để bịp bợm. Chúng tôi đã từng được thở hít cái không khí bình đẳng đó. Tôi biết rõ rằng bây giờ phải nói chủ nghĩa xã hội chẳng có liên quan gì đến sự bình đẳng mới là đúng mốt. Nước nào trên thế giới cũng có một lũ viết thuê mang tính đảng và các giáo sư ti tiện bóng mượt đang cố “chứng minh” rằng chủ nghĩa xã hội chỉ là chủ nghĩa tư bản nhà nước được kế hoạch hoá, còn động cơ chụp giựt thì vẫn y nguyên như cũ. May mắn là đâu đó vẫn còn tồn tại một quan điểm khác hẳn về chủ nghĩa xã hội. “Bí kíp” của chủ nghĩa xã hội chính là tư tưởng công bằng, chính nó đã lôi kéo những người dân bình thường đến với chủ nghĩa xã hội, làm cho họ sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình. Đối với phần lớn người dân thì chủ nghĩa xã hội nghĩa là xã hội phi giai cấp, không có nó thì chẳng thể nào gọi là chủ nghĩa xã hội được. Mấy tháng phục vụ trong lực lượng dân quân có giá trị đối với tôi là vì như thế. Lực lượng dân quân Tây Ban Nha, đấy là nói lúc nó còn tồn tại, là một mô hình thu nhỏ của chủ nghĩa xã hội. Sống trong cộng đồng, nơi không còn những kẻ bon chen, tuy thiếu thốn mọi thứ nhưng không còn đặc quyền đặc lợi và cảnh nịnh hót, người ta có thể đã nhìn thấy bức tranh sơ lược về những giai đoạn ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Rốt cuộc, không những tôi đã không thất vọng mà còn bị nó hớp hồn nữa. Bây giờ ước muốn chủ nghĩa xã hội được thiết lập còn mạnh hơn trước. Một phần có thể là do may mắn mà tôi được sống với người Tây Ban Nha, những người trung thực bẩm sinh và luôn luôn có xu hướng vô chính phủ; nếu có điều kiện họ có thể làm cho ngay cả những giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội thành ra chấp nhận được.

Dĩ nhiên là lúc đó tôi chưa nhận thức được những thay đổi đang diễn ra trong tư tưởng của mình. Giống như tất cả những người xung quanh, tôi chỉ thấy buồn chán, nóng, lạnh, bùn bẩn, chấy rận, thiếu thốn và những hiểm nguy thỉnh thoảng lại xảy ra mà thôi. Hiện nay thì hoàn toàn khác. Cái giai đoạn tưởng chừng như vô ích và chán ngắt đó lại trở thành cực kì quan trọng đối với tôi. Nó khác hẳn với cuộc sống trước đây của tôi và có ma lực giống như kỉ niệm về những tháng ngày xưa cũ vậy. Lúc đó thấy thật là kinh khủng, nhưng hoá ra nó lại là mảnh đất tốt cho sự phát triển trí óc của tôi. Tôi rất muốn chuyển đến độc giả không khí của thời ấy. Hi vọng rằng tôi đã thành công phần nào trong những chương trước của tác phẩm này. Trong tâm trí tôi chỉ còn lại cái lạnh mùa đông, những người lính rách rưới, những khuôn mặt trái xoan của người Tây Ban Nha, tiếng súng máy nghe như tiếng lạch cạch của máy điện báo, mùi nước đái và mùi bánh mì thiu, và những món hầm đầy mùi sắt tây nuốt vội trong những chiếc bát sắt cáu bẩn.

Tất cả giai đoạn này vẫn còn sống động trong tâm trí tôi. Tôi vẫn còn tưởng tượng được những sự kiện nhỏ nhặt tưởng chừng chẳng đáng nhớ làm gì. Tôi như thấy mình đang nằm trên một phiến đá, dùng làm giường, trong hầm trú ẩn ở Monte Pocero, còn anh chàng Ramon thì gí mũi vào bả vai tôi mà xỉ. Rồi tôi thấy mình lang thang trong chiến hào đầy bùn, sương mù dày đặc chẳng khác gì làn hơi nước lạnh vần vũ xung quanh. Và tôi thấy mình đang bò trên sườn đồi, vừa giữ thăng bằng vừa nhổ cây hương thảo về làm củi. Mấy viên đạn vô tình réo rắt ở trên đầu.

Tôi đang nằm trong một bụi thông nhỏ ở giữa thung lũng phía tây Monte Oscuro, bên cạnh là Kopp, Bob Edwards và ba người Tây Ban Nha nữa. Phía bên phải, trên sườn đồi trọc mầu xám là một đám lính phát xít đang leo lên, trông như một đàn kiến. Tiếng kèn hiệu của bọn phát xít vang lên ngay đằng trước. Kopp liếc nhìn tôi rồi hếch mũi chỉ về phía tiếng kèn hiệu, y như một cậu học trò.

Tôi đang đứng giữa sân ở La Granja. Đám đông đang cầm bát sắt chen nhau xung quanh chảo thịt hầm. Người đầu bếp to béo và mệt mỏi đang dùng cái muôi để xua họ tránh ra xa. Ở cái bàn bên cạnh có một người đàn ông râu ria xồm xoàm với một khẩu súng lục to tướng ngang hông đang cắt những chiếc bánh mì ra làm năm phần. Phía sau tôi là một giọng hát mang âm hưởng vùng ngoại ô London (đấy là Bill Chambers, tôi đã cãi nhau một trận kịch liệt với anh ta, sau này anh đã hi sinh ở ngoại ô Huesca):

Chuột, chuột, chuột.

Chuột to như mèo…

Một quả đạn rú rít ngay trên đầu. Mấy cậu bé mới mười lăm tuổi vội nằm úp mặt xuống đất. Người đầu bếp vội nấp sau cái chảo. Mọi người cùng ngượng ngập đứng lên khi thấy viên đạn đã bay qua và nổ cách đó chừng một trăm mét.

Tôi đang đi tuần dọc theo chiến hào, dưới những tán dương rậm rạp. Trong con mương đầy nước bên cạnh, lũ chuột đang bơi bì bõm chẳng khác gì rái cá. Khi bình minh màu vàng vừa ló rạng ở phía sau, tôi thấy anh lính gác người Andaluse kéo áo choàng kín đầu và cất giọng hát. Phía bên kia vùng đất tranh chấp, cách chỗ chúng tôi chừng một trăm đến hai trăm mét, mấy thằng lính gác phát xít cũng bắt đầu hát.

Ngày 25 tháng tư, sau nhiều lần mañanas (ngày mai) một đơn vị khác đã đến thay thế cho chúng tôi. Chúng tôi bàn giao súng, sắp xếp ba lô và hành quân trở về Monflorite. Tôi không cảm thấy buồn khi phải rời mặt trận. Rận sinh sôi nảy nở nhanh hơn số bị giết rất nhiều. Đã gần một tháng nay tôi không còn tất, giầy thì gần như đã mòn hết đế, thành ra tôi hầu như phải đi chân không. Người đã từng có một cuộc sống văn minh không thể khát khao mãnh liệt bất cứ cái gì bằng tôi khát khao được tắm nước nóng, được mặc quần áo sạch sẽ và được ngủ giữa chăn êm nệm ấm. Chúng tôi ngủ vài tiếng đồng hồ trong một nhà kho ở Monflorite, rồi nhảy lên một chiếc xe tải ngay từ sáng sớm, kịp đón chuyến tàu năm giờ ở Barbastro, may mắn lên được chuyến tầu tốc hành ở Lerida và vào lúc ba giờ chiều ngày 24 tháng tư thì đến Barcelona. Rắc rối bắt đầu từ đấy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx