Thầy hiệu trưởng đứng cạnh ô cửa sổ, lưng quay ngược với hướng mặt trời chiếu vào, tựa khuỷu tay vào chiếc rèm màu nâu. Khi ông cười và nói, Stephen đứng trước mặt ông, theo dõi những cử chỉ của ông trong chốc lát. Ánh nắng yếu dần của một ngày hè dài lê thê phủ lên mái nhà; đôi mắt cậu dõi theo những hành đồng chậm chạp khéo léo của những ngón tay thầy tu. Toàn bộ khuôn mặt cha xứ nằm trong bóng râm, nhưng ánh nắng yếu dần sau lưng ông chạm vào thánh đường và những đường cong của trên đầu.
Stephen cũng chú ý lắng nghe giọng nói và cách ngắt nhịp của cha xứ khi ông từ tốn và thân mật thay đổi những chủ đề đời thường: kì nghỉ vừa mới kết thúc, trường đại học ở nước ngoài, việc thay đổi vị trí của các cha. Giọng nói thân mật và từ tốn tiếp tục với những câu chuyện tào lao và khi ông tạm dừng lại, Stephen lại một lần nữa đưa ra những câu hỏi lễ phép kính cẩn và rồi thầy hiệu trưởng lại tiếp tục.
Stephen biết rằng những câu chuyện chỉ là sự bắt đầu và tâm trí cậu chờ đợi những gì sẽ tiếp diễn. Kể từ khi nghe lệnh triệu tập của thầy hiệu trưởng, cậu phải suy tư để tìm ra điều mà ông ấy muốn nói với cậu. Và, trong suốt khoảng thời gian dài bồn chồn ngồi đợi thầy hiệu trưởng, Stephen ngồi trong phòng khách của trường, mắt cậu lướt nhìn những bức tranh lòe loẹt trên tường, hết bức này đến bức khác; tâm trí cậu lang thang từ suy đoán này sang suy đoán khác cho đến khi cậu gần như hiểu được thầy hiệu trưởng muốn nói gì với mình. Sau đó, cậu mong rằng một nguyên nhân bất ngờ nào đó xảy ra để thầy hiệu trưởng sẽ không đến được. Cậu nghe thấy tay nắm cửa kêu lạch cạnh và tiếp theo là tiếng sột soạt của chiếc áo xutan.
Ông ta bắt đầu nói về luật dòng tu của thầy tu dòng Đô-mi-ních và thầy tu dòng Fran-xít, đồng thời cũng nói về tình bằng hữu giữa thánh Thomas và thánh Bonaventure. Chiếc áo choàng của thầy tu dòng Fran-xít, ông ta nghĩ, cũng khá hơn...
Stephen đáp lại nụ cười mê hoặc của cha xứ, cậu cũng không băn khoăn khi đưa ra ý kiến riêng của mình. Stephen nhẹ nhàng nhấp môi.
- Ta tin rằng, - thầy hiệu trưởng tiếp tục, - hiện nay có người nói về những thầy tu dòng Fran-xít gạt bỏ nó và theo gương của những thầy tu khác.
- Con nghĩ rằng họ sẽ giữ được nó trong cuộc sống ở tu viện? - Stephen nói.
- Ồ, chính xác, - thầy hiệu trưởng nói. - Trong tu viện thì được nhưng ở ngoài đường ta thực sự nghĩ là sẽ tốt hơn nếu gạt bỏ nó, con đồng ý không?
- Con tưởng tượng rằng sẽ rất phiền toái đấy.
- Dĩ nhiên là như vậy! Hãy tưởng tượng rằng khi ta ở Bỉ, ta thường xuyên nhìn thấy họ đạp xe trong mọi điều kiện thời tiết với cái của nợ này cao lên đến tận đầu gối! Thực sự là lố bịch. Váy đàn bà! Ở Bỉ người ta gọi họ như thế. Nguyên âm bị thay đổi nhiều thành ra không rõ ràng.
- Họ gọi chúng là gì ạ?
- Váy đàn bà.
- Ôi!
Stephen mỉm cười lần nữa khi đáp lại nụ cười mà cậu không thể nhìn thấy trên khuôn mặt tối sầm của cha xứ, hình ảnh này hay điều sợ hãi ám ảnh chỉ nhanh chóng vụt ngang qua tâm trí cậu giống như một giọng nói thận trọng dè dặt rót vào tai cậu. Stephen điềm tĩnh nhìn chăm chỉ trước mặt ông ta dưới bầu trời đã xế chiều, vui mừng bởi sự mát mẻ của buổi chiều tối và ánh sáng vàng yếu ớt giấu bớt đám lửa nhỏ xíu trên má cậu.
Tên các loại quần áo đàn bà hay loại chất liệu mềm mềm làm ra chúng luôn mang đến tâm trí cậu một mùi hương nhẹ nhàng đầy tội lỗi. Khi còn nhỏ, cậu tưởng tượng nó như dây đeo cổ ngựa bằng lụa và nó làm cậu rùng mình nghĩ tới bộ yên cương ngựa bằng da trơn nhờn ở Stradbrooke. Và nó cũng làm cậu ghê sợ khi lần đầu tiên cậu cảm nhận thấy thứ vớ của phụ nữ trên đầu những ngón tay run run. Cậu không dám cảm nhận dưới lớp đó có cơ thể hay tâm hồn của một người phụ nữ mềm dịu đang chuyển động.
Nhưng lời nói từ miệng cha xứ thì phải thật bởi cậu biết một cha xứ sẽ không nói một cách nông nổi về chủ đề này. Cách diễn đạt nhẹ nhàng kém minh họa làm Stephen cảm thấy rằng đôi mắt trong bóng tối đang lần tìm khuôn mặt cậu. Bất cứ cái gì cậu nghe thấy hay đọc được về các tiểu xảo của những kẻ giả nhân giả nghĩa đều bị gạt sang một bên vì chúng chưa được xác nhận bởi chính kinh nghiệm của cậu. Những thầy giáo của cậu, ngay cả khi họ không làm Stephen cuốn hút, dường như luôn tỏ ra là những cha xứ thông minh và nghiêm túc, hay những thầy quản giáo khỏe mạnh và vui vẻ. Stephen nghĩ về họ như những người đàn ông khỏe mạnh tắm trong nước lạnh và mặc những đồ vải lanh mát mẻ sạch sẽ. Trong suốt những năm tháng sống cùng họ ở trường Clongowes và ở trường Belvedere cậu chỉ phải nhận hai trận oan uổng, cậu biết rằng cậu thường xuyên tránh được sự trừng phạt. Trong suốt những năm tháng đó, cậu chưa từng được nghe một lời nói suồng sã nào từ bất cứ một người thầy nào; họ là những người đã dạy cậu những học thuyết của Cơ đốc giáo và mong muốn cậu tìm được một cuộc sống tốt đẹp, và khi cậu sa lầy vào những tội lỗi trầm trọng, chính họ là những người chỉ đường cho cậu quay trở lại hưởng ơn huệ của Chúa. Sự hiện diện của họ đã làm cậu khác với cậu học sinh bé nhỏ hồi nào ở trường Clongowes cũng như trong khi cậu còn đang phân vân về vị trí của mình tại trường Belvedere. Cảm giác đó liên tục ở trong tâm trí cậu cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời học trò. Stephen chưa bao giờ không vâng lời hay cho phép những người bạn ngỗ nghịch dụ dỗ cậu thoát ra khỏi thói quen nghe lời; và, ngay cả khi cậu nghi ngờ một vài câu nói của thầy giáo, cậu không bao giờ dám nghi ngờ một cách công khai thẳng thắn. Mới đây, Stephen phải nghe một vài sự phán xét có vẻ rất trẻ con và những phán xét đó làm cậu cảm thấy đáng tiếc như thể cậu đang dần thoát khỏi một thế giới thân thuộc và đang phải nghe thứ ngôn ngữ đó một lần cuối cùng. Một ngày nào đó, khi vài cậu bé xúm lại xung quanh một cha xứ trong một nhà xưởng gần nhà thờ, cậu nghe thấy cha xứ nói:
- Ta tin rằng Chúa Macaulay là người chắc chắn là chưa từng phạm trọng tội trong suốt cuộc đời Ngài. Ở đây muốn nói đến một trọng tội có chủ tâm. Vài cậu bé đã hỏi cha xứ rằng Victor Hugo có phải là nhà văn vĩ đại của Pháp không? Và cha xứ đã trả lời rằng Victor Hugo, khi quay lưng lại với nhà thờ, viết không hay bằng một nửa so với hồi ông là người Thiên Chúa giáo.
- Nhưng có rất nhiều nhà phê bình Pháp lỗi lạc cho rằng ngay cả Victor Hugo, vĩ đại như thế, không thuần khiết tuân theo phong cách Pháp như Louis Veuillot. - cha xứ nói.
Ngọn lửa nhỏ mà cha xứ ám chỉ hất lên má của Stephen lại lẳng xuống một lần nữa và đôi mắt cậu vẫn bình thản nhìn lên bầu trời không màu sắc. Nhưng một sự ngờ vực liên tục xuất hiện đâu đó trong tâm trí cậu. Những kí ức bị che đậy nhanh chóng băng qua cậu: Stephen nhận ra những khung cảnh và những con người, song cậu vẫn ý thức được rằng cậu đã thất bại khi lĩnh hội vài chi tiết quan trọng từ chúng. Stephen nhìn thấy chính mình đi bộ xung quanh những bãi đất và quan sát những trận đấu thể thao ở trường Clongowes và đang gặm chiếc mũ crickê. Vài thầy tu đang đi bộ trên đường dành cho xe đạp với những quý bà. Những tiếng vọng của lời nói từ trường Clongowes phát ra từ những hốc xa xôi trong tâm trí cậu.
Đôi tai cậu đang lắng nghe những tiếng vọng xa xôi đó giữa sự yên tĩnh của phòng khách nhà trường, khi cậu nhận ra rằng cha xứ đang nói với cậu bằng một giọng nói khác.
- Stephen, ta gọi con đến đây gặp ta hôm nay bởi vì ta có một chuyện rất quan trọng muốn nói với con.
- Vâng, thưa thầy.
- Đã bao giờ con cảm thấy mình có một định hướng nghề nghiệp chưa?
Stephen khẽ mở miệng để trả lời “Dạ có ạ,” sau đó bất chợt kìm nén những từ đó lại. Cha xứ đợi câu trả lời và bổ sung thêm:
- Ý của ta là, đã khi nào con cảm thấy mình, tâm hồn mình xứng đáng để tham gia vào giáo hội chưa? Hãy suy nghĩ về việc này.
- Con cũng thỉnh thoảng nghĩ đến điều này - Stephen trả lời.
Cha xứ để dây trợ thính sang một bên và nắm tay lại, chống cằm.
- Trong một trường học như thế này - cuối cùng ông ta nói một cách chi tiết - chỉ có một, có lẽ hai hoặc ba người mà Chúa kêu gọi đi tìm một cuộc đời mộ đạo. Những học sinh như vậy được phân biệt với các bạn đồng môn khác bởi lòng mộ đạo, bằng một tấm gương tốt mà mọi người khác nhìn nhận thấy. Và Stephen, con là một học sinh xuất sắc trong trường này, thành niên tốt của hội tôn giáo Đức mẹ đồng trinh. Có lẽ con là cậu học trò trong trường này Chúa có ý định gọi đến với Ngài.
Một chút tự hào làm tăng thêm trọng lượng trong giọng nói của cha xứ và làm cho trái tim Stephen đập mạnh hơn.
- Được nhận lời đề nghị đó, Stephen, - thầy hiệu trưởng nói, - là một vinh hạnh to lớn mà Đấng tối cao dành cho một người. Không một ông vua hay hoàng đế trên trái đất này có được sức mạnh và quyền uy như cha xứ với sức mạnh của Chúa. Không một thiên thần nào trên thiên đường, không một vị thánh nào, và thậm chí ngay cả Đức mẹ đồng trinh, có được sức mạnh và quyền uy như cha xứ với sức mạnh của Chúa: quyền lực của các chìa khóa, một quyền lực để ràng buộc và giải phóng khỏi tội lỗi; sức mạnh của lời phù phép, sức mạnh để đuổi những kẻ bề tôi của Chúa; sức mạnh, quyền lực, để làm cho Chúa tối cao trên thiên đường bay xuống án thờ và hóa thân thành bánh mì và rượu. Một sức mạnh và quyền lực khủng khiếp, Stephen!
Một ngọn lửa nhỏ lại bắt đầu rung rinh trên má của Stephen như thể cậu nghe được trong buổi nói chuyện đầy tự hào này một tiếng vọng về sự mơ màng lộng lẫy này. Bao nhiêu lần cậu coi mình như là một cha xứ giảng giải một cách lặng lẽ và khiêm tốn về quyền lực khủng khiếp khiến các thiên thần và thánh tôn trọng và yêu quý nhau. Tâm hồn cậu thích thú nghĩ đến điều này một cách bí mật. Stephen đã thấy một cha xứ trẻ và ít nói, vội vàng bước vào phòng xưng tội, đi lên những bậc thang của án thờ, đốt nhang cúng, quỳ gối. Trong cuộc sống mà cậu đang cố tưởng tượng, cậu đã giả bộ những giọng nói, điệu bộ, cử chỉ mà cậu nhận thấy được ở nhiều cha xứ khác nhau. Cậu cũng khoanh chân, áo choàng cũng tung xõa khi quay trở lại án sau khi đã ban phước cho mọi người. Cậu sung sướng tưởng tượng ra những khung cảnh đó. Stephen rụt lại khi chợt nghĩ tất cả sẽ kết thúc trong chính con người cậu hay là nghi thức tôn giáo phân công cậu quá rõ ràng và không thay đổi được nữa một lễ nghi. Stephen mong được vào phòng lễ, được mặc áo ngắn của người trợ tế mặc khi hành lễ, đứng ở xa bệ thờ, không bị mọi người chú ý. Đôi vai cậu được choàng một chiếc khăn quàng, tay cầm đĩa đựng bánh thánh cùng với các con chiên. Khi công việc tế lễ được thực hiện xong, cậu đứng trên các bậc ở dưới linh mục chủ trì lễ ban thánh thể như một người trợ tế trong một chiếc áo thụng xẻ tà vàng óng ánh, hai bàn tay đan vào nhau và khuôn mặt hướng về phía các con chiên, và hát “Hãy về nhà! Buổi lễ kết thúc.” Nếu cậu nhìn thấy chính mình trong vai trò của linh mục chủ trì lễ ban thánh thể thì hệt như trong những bức ảnh của buổi lễ trong cuốn sách lễ của cậu khi còn nhỏ, trong một nhà thờ không có người theo đạo, dành cho những thiên thần bị đưa ra làm vật hiến tế, tại một bệ thờ xơ xác, và chỉ vừa mới được phụng sự của một thầy dòng còn trẻ con hơn cả chính cậu. Trong màn trình diễn hiến tế này, ý chí của Stephen bắt gặp thực tại; và đó là sự thiếu một phần nghi lễ chính thức nào đó làm cho cậu cảm thấy gượng ép dẫn đến sự thiếu linh hoạt, dù cậu đã để cho sự im lặng che lấp sự tức giận, lòng tự phụ; hay chỉ phải kìm nén một cái ôm mà cậu muốn dành cho ai đó.
Stephen lắng nghe trong sự im lặng tôn kính bài giảng của cha. Qua những lời giảng đó, cậu thậm chí nghe thấy rõ ràng hơn một giọng nói ra lệnh cho cậu tiến lại gần, gợi ý cho cậu một kiến thức bí mật và một sức mạnh bí mật. Rồi sau đó, Stephen sẽ biết tội lỗi của Simon Magus là gì và tội lỗi nào chống lại Thánh thần không thể tha thứ. Stephen sẽ biết những vấn đề mơ hồ khó hiểu, mà chúng bị che giấu khỏi mọi thứ khác, khỏi những người được thụ thai và sinh ra những kẻ bị trời chu đất diệt. Stephen sẽ biết mọi tội lỗi: những ham muốn tội lỗi, suy nghĩ tội lỗi và những hành động tội lỗi của người khác; sẽ được nghe các bà các cô tủi thẹn thì thào vào tai cậu trong phòng xưng tội trong một nhà thờ u ám. Stephen sẽ cầm giữ những kiến thức và sức mạnh bí ẩn, vô tội như người ngây thơ trong trắng, và cậu sẽ trở thành một cha xứ mãi mãi theo y như trật tự của Melchisedec.
- Ta sẽ tuyên bố vào buổi cầu nguyện sáng mai - thầy hiệu trưởng nói - rằng Chúa toàn năng khám phá ra ý chí của Người trong con. Stephen, Chúa để cho con làm một buổi cầu nguyện đặc biệt đến thần hộ mệnh của con, kẻ đầu tiên tử vì đạo, người đầy quyền lực cũng như Chúa, để Chúa sẽ khai sáng tâm hồn con. Nhưng Stephen, con phải rất chắc chắn rằng con có thiên hướng trở thành một cha xứ bởi vì sẽ rất tồi tệ nếu sau đó con nhận ra rằng con không có thiên hướng đó. Hãy nhớ rằng, khi đã thành cha xứ rồi con sẽ luôn luôn là cha xứ. Sách giáo lí vấn đáp dạy con rằng lễ ban thánh thể là một trong những nghi lễ chỉ được nhận duy nhất một lần, bởi vì nó sẽ in sâu vào linh hồn của con một vết lằn thiêng liêng không thể tẩy sạch được. Vì thế trước đó con phải cân nhắc cẩn thận, không phải là sau này. Stephen, đó là một câu hỏi thiêng liêng, bởi vì từ đó con có thể tìm thấy sự giải thoát cho linh hồn bất diệt của con. Nhưng chúng ta sẽ cùng nhau cầu nguyện Chúa.
Ông mở cánh cửa phòng to nặng và đưa tay cho Stephen như thể cậu đã là người đồng hành trong cuộc đời giáo hội. Stephen chạy băng qua một bục rộng bên trên những bậc cầu thang và cậu cảm nhận rõ không khí êm dịu của buổi chiều. Hướng đến nhà thờ Findlater, một nhóm bốn bạn trẻ đang tay nắm tay sải dài bước chân, lúc lắc cái đầu và nhanh nhẹn bước theo nhịp đàn côngxectina của người đội trưởng. Tiếng nhạc thoảng qua giải tỏa tâm trí cậu như làn sóng xô đi ụ cát bọn trẻ con hay nghịch. Khuôn mặt tươi cười, Stephen ngước mắt lên nhìn khuôn mặt mệt mỏi cuối ngày của cha xứ.
Khi Stephen bước xuống những bậc cầu thang, ấn tượng còn để lại trong cậu là khuôn mặt mệt mỏi cuối ngày ở ngưỡng cửa trường đại học. Lát sau, bóng tối của cuộc sống trong trường học băng qua ý thức của Stephen. Nó là một nơi chôn vùi, một cuộc sống ngăn nắp và tẻ nhạt chờ đón cậu, một cuộc sống mà không phải bận tâm về vật chất. Stephen phân vân không hiểu đêm đầu tiên trong tiểu chủng viện sẽ như thế nào và điều hoảng hốt nào sẽ đánh thức cậu dậy vào buổi sáng trong phòng nội trú. Cái mùi khó chịu của những hành lang dài tại trường Clongowes quay trở lại với Stephen và cậu nghe thấy những tiếng rì rầm dè dặt của ngọn lửa ga đang rực cháy. Ngay lập tức, mọi sự băn khoăn lo lắng của Stephen bùng lên. Dòng máu nóng trong người cậu như chảy mạnh hơn, những lời nói vô nghĩa làm cho ý nghĩ của cậu rối bời lên. Hai lá phổi của cậu phồng lên rồi xẹp xuống như thể cậu đang hít vào không khí ẩm ướt và một lần nữa cậu nhớ cái mùi không khí nóng ẩm trong nhà tắm của trường Clongowes với những giọt hơi nước lờ lờ đục.
Những bản năng thức dậy trong kí ức và mạnh hơn cả giáo dục và lòng mộ đạo đã sống lại trong Stephen ở mọi đường đi tới cuộc sống đó: một bản năng tinh tế và thù nghịch, che chở cho cậu chống lại sự phục tùng. Sự lạnh giá và trật tự cuộc sống làm cậu cảm thấy chán chường. Stephen thấy mình đứng dậy trong một buổi sáng giá lạnh; xếp hàng đi xuống buổi cầu nguyện sớm cùng với những người khác; cố gắng cầm cự với cái dạ dày đói đến xỉu người trong buổi cầu nguyện. Stephen thấy mình đang cùng ăn tối với cộng đồng trong trường học. Vậy thì cái gì đã biến thành thói nhút nhát ăn sâu bám rễ vào Stephen, làm cho cậu phải sợ ăn uống dưới mái nhà xa lạ? Đâu rồi cái niềm kiêu hãnh trong tâm hồn Stephen luôn khiến cậu tự tin mình thuộc về bất kì trật tự nào?
Đức Cha Stephen Dedalus, S.J.
Cái tên trong cuộc đời mới này xuất hiện trước mắt cậu và với cái Tên này, sẽ có một cảm giác tinh thần mới với một khuôn mặt hay màu sắc của một khuôn mặt không định rõ. Màu sắc đó bạc đi và trở nên mạnh hơn giống như sự thay đổi màu sắc của viên gạch chuyển sang đỏ rực. Có phải đó là màu đỏ thâm tím mà Stephen vẫn thường nhìn thấy trên cằm dưới đã được cạo của những cha xứ? Khuôn mặt không có mắt, chua chát, điểm bởi những tia đỏ tức giận đến nghẹt thở. Có phải đó là điều ám ảnh tinh thần trên khuôn mặt của một trong những thầy tu bọn trẻ gọi là Lantern Jaws hay Foxy Campbell?
Lúc đó Stephen đang đi ngang qua trước ngôi nhà của thầy tu dòng Tên trên phố Gardiner và cậu thoáng tự hỏi đâu là cửa sổ của cậu nếu cậu gia nhập giáo hội. Sau đó Stephen lại tự hỏi về sự tự do của mình trong tâm trạng hết sức xa xăm, trong nơi xa thẳm nhất của tâm hồn mà cậu có thể tưởng tượng tới. Giọng nói của thầy hiệu trưởng củng cố niềm tin và lòng tự hào về nhà thờ trong Stephen với những điều huyền bí, sức mạnh và quyền năng của lễ nghi tôn giáo được lặp đi lặp lại một cách vu vơ trong kí ức của cậu. Tâm hồn cậu không chuẩn bị để lắng nghe và chào đón nồng nhiệt những lời khích lệ của thầy hiệu trưởng, và bây giờ cậu nhận ra rằng lời cổ vũ mà cậu đã được nghe đã trở thành một câu chuyện tầm phào vô ích. Stephen sẽ không bao giờ đung đưa bình li hương phía trước hòm thánh như một linh mục. Số phận của Stephen là phải tránh xa vị trí xã hội và trật tự tôn giáo. Những lời kêu gọi khôn ngoan của thầy hiệu trưởng không làm cậu lay chuyển nhanh. Số phận của Stephen là tự học sự khôn ngoan cho mình hoặc học sự khôn ngoan của người khác để đối phó với những cạm bẫy của cuộc sống.
Những cạm bẫy của cuộc sống chính là những con đường tội lỗi. Cậu sẽ ngã. Stephen chưa từng bị ngã nhưng cậu sẽ ngã trong yên lặng, trong một chốc lát. Không phải vấp ngã là quá khó. Và cậu cảm nhận được sự sụp đổ lặng lẽ của tâm hồn, như thể sẽ đến trong chốc lát: ngã, rồi ngã, vẫn chưa ngã, chưa ngã, nhưng sắp ngã.
Stephen băng qua cầu, vượt qua dòng suối ở Tolka, lạnh lùng ngoảnh mặt lại trong giây lát hướng về phía ánh sáng xanh đang phai dần của đền thờ Đức mẹ Mary nằm giữa những túp lều nghèo xơ xác. Sau đó, Stephen rẽ trái, đi theo lối nhỏ dẫn đến nhà cậu. Mùi bắp cải thối bốc lên từ cái vườn cạnh bếp của ngôi nhà nằm trên sông. Cậu mỉm cười khi nghĩ rằng, chính cái bừa bộn, sự lộn xộn và mất trật tự trong ngôi nhà của cha cậu và sự trì trệ của cuộc sống toàn rau lại là điểm nhấn của cả ngày hôm nay đối với tâm trí cậu. Lát sau, cậu bật cười khi nghĩ về bàn tay của những nông dân cô độc quanh quẩn trong vườn rau đằng sau ngôi nhà của họ. Họ là những người có biệt danh là “người đàn ông và chiếc mũ.” Một lát nữa, lần thứ hai cậu cười to hơn lần thứ nhất khi cậu nghĩ về “người đàn ông với chiếc mũ” làm việc, chỉ bốn điểm trên bầu trời, sau đó nuối tiếc bổ cái cuốc xuống đất.
Stephen đẩy cánh cổng có mái che vào nhà và chạy xuyên qua phòng khách trống trải vào bếp. Mấy đứa em của cậu đang ngồi xung quanh chiếc bàn ăn. Chè đã gần hết và chỉ còn lại nước chè lần hai trong đáy của bình thủy tinh đựng nước chè. Những mẩu bánh mì vụn có đường, cáu bẩn do bị ngấm nước chè vứt bừa bãi trên bàn. Thỉnh thoảng có vài vũng nước chè trên mặt bàn, và một con dao gãy cán kẹp giữa khe bàn.
Một ánh sáng buồn xanh xám của một ngày lụi tàn xuyên qua cửa sổ và cánh cửa đang mở, che lên toàn bộ và làm dịu đi một cảm giác ăn năn hối lỗi chợt xuất hiện của Stephen. Tất cả những gì phủ nhận các em trai cậu thì cậu phải nhận vì là con trai cả; nhưng ánh sáng dịu dàng của buổi chiều chiếu cho cậu thấy trong khuôn mặt của những đứa em cậu không có sự hiềm khích hay ganh ghét.
Stephen ngồi cạnh các em bên bàn ăn và hỏi xem bố và mẹ đang ở đâu. Một đứa trả lời:
- Đi xem nhà rồi.
Lại chuyển nhà nữa! Một thằng tên là Fallon ở trường Belvedere vẫn thường hỏi Stephen với nụ cười ngờ nghệch là tại sao họ lại chuyển nhà thường xuyên như vậy. Trán cậu sậm lại vì khinh bỉ khi một lần nữa cậu nghe thấy điệu cười ngờ nghệch của cái kẻ hỏi cậu.
Cậu hỏi:
- Tại sao chúng ta lại phải chuyển nhà một lần nữa? Đó có phải là một câu hỏi khó trả lời không?
- Vì chủ nhà đuổi mình đi.
Tiếng cậu em út cất lên từ phía đầu kia của lò sưởi phá tan bầu không khí tĩnh mịch của buổi tối. Lần lượt từng đứa một lên tiếng cho đến khi một dàn hợp xướng với đủ các giọng vang lên. Chúng sẽ hát như vậy hàng giờ, hết giai điệu này đến giai điệu khác, hết bè này đến bè khác, cho đến khi ánh sáng yếu ớt cuối cùng tắt đi, cho đến khi những đám mây đen đầu tiên xuất hiện và màn đêm buông xuống.
Stephen chờ đợi trong vài khoảnh khắc, lắng nghe, trước khi cậu cũng hòa cùng chúng. Cậu đang lắng tai nghe trong sự đau đớn của tinh thần, trong tình trạng mệt mỏi đằng sau những giọng nói yếu đuối trong trẻo và ngây thơ của những người em mình. Trước khi chúng chuẩn bị bước vào đời, chúng có vẻ như đã cảm thấy mệt mỏi vì chặng đường sắp tới. Một lần nữa gia đình Stephen lại phải chuyển nhà vì không đủ tiền trả tiền thuê nhà. Họ phải tìm một căn nhà khác tồi tàn hơn.
Stephen nghe thấy bài hợp xướng trong bếp vọng ra và tăng thêm bởi một tiếng vọng dữ dội liên tục không ngớt của dàn hợp xướng trẻ con từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và cậu nghe thấy toàn bộ tiếng vang và mỗi tiếng vang cũng là một nốt nhạc tuần hoàn lặp đi lặp lại của đau đớn và mệt mỏi. Tất cả đều có vẻ mệt mỏi với cuộc sống ngay cả trước khi bắt đầu cuộc sống. Cậu cũng nhớ lại là Newman cũng đã nghe thấy những nốt nhạc này trong Virgil “tiếng thét, như tiếng nói của thiên nhiên về sự đau đớn và mệt mỏi nhưng mang hi vọng về những điều tốt đẹp hơn mà các con của người trong bất kì thời đại nào cũng đã được hưởng.”
* * * *
@by txiuqw4