sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 8 Điều Không Mong Đợi

Trong quá trình thu thập dữ liệu cho cuốn CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP, đôi khi tôi bất ngờ bắt gặp một câu chuyện đăc biệt. Trong bốn câu chuyện sau đây, Người Ám Sát thu hút tôi nhất khi một mảng riêng tư được phơi bày.

NGƯỜI ÁM SÁT

Đôi khi số phận đẩy chúng ta vào một con đường không hề định trước – tương tự như chuyến trở lại Việt Nam đã làm thay đổi thái độ của tôi trước kẻ thù cũ. Sự kỳ lạ của số phận cũng đã dẫn tôi tới cuộc gặp gỡ với Thiếu tướng Trần Hải Phụng. Trong cuộc phỏng vấn với ba người này, tôi rất kinh ngạc khi biết được rằng một phần tư thế kỷ về trước, ông suýt chút nữa đã giáng thảm họa lên gia đình chúng tôi.

Vì muốn tìm hiểu về địa đạo Củ Chi – hệ thống hầm ngầm ở mạn Tây Bắc Sài Gòn được người Việt Nam sử dụng suốt chiến tranh – tôi lên kế hoạch phỏng vấn người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của địa đạo ấy. Ông lag vị tư lệnh quân địa đạo Củ Chi, Tướng Phụng.

Từng chiến đấu dưới địa đạo thời chống Pháp từ thập niên 1940 nên ông Phụng biết rất rõ hệ thống này. Ông đã kể tỉ mỉ về lịch sử địa đạo, cách thức thiết kế, xây dựng, việc chuyển đổi tính năng từ một căn cứ phòng thủ sang bàn đạp tấn công, v.v. – Tất cả đều được đề cập trong cuốn sách này.

Ông Phụng giải thích cho tôi biết rằng nhiệm vụ của ông trong chiến tranh bao gồm tổ chức và chỉ huy các cuộc đột kích vào nhiều loại mục tiêu tạo Sài Gòn và vùng kế cận – những cuộc tấn công chỉ được tiến hành theo sau một kế hoạch cặn kẽ và có sự phối hợp nhịp nhàng. Tôi chăm chú nghe ông liệt kê ra một loạt mục tiêu mà ông từng tấn công: “… Dinh Tổng thống, đài phát thành, Đại sứ quán Mỹ, tổng hành dinh hải quân…”. Khi ông Phụng nói đến mục tiêu cuối cùng ở trên, tôi đã cắt ngang với một loạt câu hỏi:

“Ý ông là Tổng hành dinh của Hải quân Mỹ?”, tôi chất vấn.

“Đúng vậy”, ông đáp. Khi ông đáp lại bằng một nụ cười, tôi thấy con người này dường như biết rõ những câu hỏi mà tôi sắp đưa ra.

“Đó là Tổng hành dinh Hải quân Mỹ ở Sài Gòn?”, tôi hỏi tiếp.

“Đúng thế”, ông lại đáp.

“Đó là năm 1969?”, tôi lại hỏi.

“Đúng rồi”, ông lại cười. (Tôi thấy mình giống như một chuyên gia chất vấn trong chương trình truyền hình “Nghề của tôi là gì?” nổi tiếng thời thập niên 1950/1960, trong đó người hỏi sẽ tiếp tục đặt câu hỏi chừng nào người trả lời còn đưa ra những câu khẳng định).

“Mục đích của cuộc tấn công đó là gì?”, tôi chất vấn và nín thở chờ câu trả lời.

“Để giết vị đô đốc chỉ huy Hải quân Mỹ ở Việt Nam”, ông đáp.

Tôi cần một câu trả lời cuối cùng để xua đi cái hoàn cảnh trớ trêu này. Tôi không chắc lúc đó mình thực sự muốn biết câu trả lời ấy.

“Ông có biết người đó là ai không?”, tôi hỏi.

“Có chứ, ông ấy là cha của ông”.

Không thể tin được. Tôi nhớ lại lần đầu tiên nhận được tin về vụ tấn công hồi mùa xuân năm 1969. Vụ việc diễn ra vào ngày 11 tháng 5 năm 1969. Khi đó tôi đang nghe đài phát thanh, đến phần điểm tin chiến sự. Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ rõ lời phát thanh viên hôm ấy: “Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự cho Việt Nam vừa cho biết có một nỗ lực ám sát nhằm vào tư lệnh Hải quân Mỹ ngay tại tổng hành dinh ở Sài Gòn. Không có báo cáo về thương vong”.

Tôi không thể nghe phần tiếp theo của bản tin – sau khi bị sốc vì phần mở đầu này. Phải mất nhiều tiếng đồng hồ tôi mới gọi điện được đến trụ sở của cha tôi và biết ông vẫn bình an.

Nhiều năm sau, tôi đã có dịp nói chuyện trực tiếp với người chịu trách nhiệm mưu sát cha tôi và qua đó có thể sắp xếp lại những tình tiết của câu chuyện mà tôi chỉ biết rất mơ hồ vào thời đó.

Ông Phụng đã dành nhiều tuần để lên kế hoạch sau khi người của ông thoe dõi hoạt động tại trụ sở của cha tôi. Tổng hành dinh COMNAVFORV ở trung tâm Sài Gòn có tường bê tông rất dày, cao hơn hai mét bao quanh. Bốn mặt giáp với các con phố đông đúc. Tường che có tác dụng bảo vệ an ninh tương đối tốt, không những ngăn sự xâm nhập của Việt Cộng từ bên ngoài mà còn che đậy cho hoạt động bên trong. Nhưng điều mà người Mỹ không hề biết, đó là quân của ông Phụng đã theo dõi cơ sở này khá kỹ từ các vị trí thuận lợi cả từ bên trong và ngoài khu nhà – trinh sát bên ngoài được một điệp viên bên trong hỗ trợ. Sau nhiều lần quan sát kỹ, ông Phụng phát hiện ra một kiểu hoạt động đặc thù của những con người bên trong khu trụ sở.

Là Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam, cha tôi làm việc theo một lịch trình khá cố định. Ông thường bắt đầu một ngày bằng việc chạy bộ bên trong khuôn viên trụ sở vào lúc sáng sớm, tiếp đó là họp với nhân viên. Tùy vào nội dung bản báo cáo về chiến sự diễn ra vào đêm hôm trước mà ông có thể ở lại trụ sở hoặc bay trực thăng ra gặp những người đang chiến đấu ngoài mặt trận.

Như đã nói ở Phần mở đầu, ngay sau khi tới nhận nhiệm vụ, cha tôi đã triển khai một chiến lược chiến tranh mới trên hệ thống sông nước Việt Nam. Chiến lược này đã mang lại hiệu quả lớn cho Hải quân trong việc ngăn chặn sự tiếp vận của Việt Cộng vào miền Nam. Quân nhu bị cắt đứt, hoạt động của Việt Cộng ở vùng đồng bằng giảm xuống, thương vong của Lục quân Mỹ cũng giảm. Ông Phụng biết rõ thành công của cha tôi.

Cha tôi thường tới căn cứ ở trong rừng để thăm các thủy thủ vừa chiến đấu đêm hôn trước và các chuyến thăm kết thúc vào cuối buổi sáng. Sau đó, cha tôi trở về trụ sở, triệu tập thêm một cuộc họp nữa để rút kinh nghiệm. Buổi họp kết thúc vào giờ ăn trưa. Tuy nhiên, cha tôi cùng một vài nhân viên thường tập thể dục chứ không ăn trưa. Khuôn viên trụ sở có một sân bóng chuyền nằm sát vách tường ngăn cách với một đường phố tấp nập. Những pha bóng sôi nổi hằng ngày giúp các nhân viên tạm thời quên đi không khí chiến tranh xung quanh.

Điều đáng tiếc là bên trong khuôn viên, nhiều người tỏ ra chủ quan. Trong thời chiến, chủ quan sẽ dẫn đến thảm họa. Cha tôi luôn hối thúc hạ cấp không được chủ quan – ông lệnh cho họ phải thường xuyên thay đổi chiến thuật và lịch trình làm việc để khiến kẻ thù khó đoán định được để mà lợi dụng. Nhưng có vài lần hiếm hoi cha tôi không thực hiện được điều mà ông chủ trương.

Khi nhận được thông tin tình báo về hoạt động của cha tôi, Tướng Phụng liền lên kế hoạch hành động. Ông biết rằng để cho cú đấm thành công, cần phải hội đủ một số yếu tố quan trọng.

Trước hết là yếu tố bất ngờ. Cần phải tiếp cận mục tiêu ở cự ly rất gần trước khi tung ra cú đánh. Ông Phụng cho rằng phải sử dụng một lực lượng gọn nhẹ.

Tiếp theo, ông Phụng cũng hiểu rõ dùng một lực lượng nhỏ để đột kích khu trụ sở chẳng khác gì tự sát. Dù đoán vành đai an ninh khá lỏng lẻo, ông vẫn nghĩ rằng cần phải sử dụng một lực lượng lớn hơn để tấn công trực tiếp, nhưng phương cách này lại làm giảm yếu tố bất ngờ.

Cuối cùng, cần có kế hoạch rút lui cho nhóm hoạt động. Phương tiện hỗ trợ rút lui cần phải gọn nhẹ để các tay súng có thể tiếp cận dễ dàng và rút đi trong chớp mắt.

Kế hoạch cuối cùng của ông Phụng có cả ba yếu tố trên. Ông lập một nhóm tấn công gồm hai người, yêu cầu phải thực hiện tất cả những công đoạn đã được vạch ra.

Hóa trang cẩn thận, hai sát thủ đi trên một chiếc xe gắn máy. Một người cầm lái, người kia ngồi phía sau ôm theo một bọc trước bụng. Xế trưa một ngày rất nóng vào tháng 5, chiếc xe gắn máy hòa vào dòng người tấp nập trên đường phố áp với trụ sở COMNAVFORV, phía bức tường che chắn sân bóng chuyền.

Hai người biết rõ cần đi bao xa dọc con phố này sẽ đến được vị trí tương ứng với sân bóng chuyền phía bên trong bức tường. Nội gián bên trong khu trụ sở là một đầu bếp, người này đã lén đánh dấu trên bức tường bên ngoài chỗ sân bóng chuyền. Tới được nơi này, những kẻ tấn công chỉ còn cách mục tiêu một bức tường bê tông cao hơn hai mét.

Người ngồi phía sau xe liếc nhanh qua đám lính gác. Một người lính đứng ở góc đường tỏ ra mất tập trung. Khi lái xe giảm tốc độ, ngay lập tức, người ngồi sau quẳng cái bọc ôm trước bụng – là một bọc thuốc nổ - qua bức tường, nhằm vào sân bóng chuyền bên trong khuôn viên.

Người này định vị và ném rất chính xác, khối thuốc nổ rơi ngay giữa sân. Chiếc xe máy lập tức rồ ga, lách qua dòng người đang chạy chầm chậm trên đường để thoát khỏi sự truy đuổi.

Vài giây sau, một tiếng nổ chấn động khu dinh thự. Đất và mảnh vỡ bay tứ tung ra cả con phố bên cạnh khiến mọi người nháo nhào tìm nơi ẩn nấp.

Cuộc tấn công mà ông Phụng chỉ đạo là kết quả của hàng tháng trời thu nhập tin tức và lên kế hoạch cẩn thận. Vụ tấn công đã diễn ra trót lọt – nhưng thất bại. Cha tôi vẫn tuân theo các hoạt động thường nhật nhưng ông Phụng lại mắc sai sót. Vị tướng này chỉ phạm một sai lầm đơn giản nhưng rất hệ trọng – ông đã không thể xác định được vị trí của mục tiêu trước khi phát động tấn công.

Ngay trước khi các nhân viên chuẩn bị chơi bóng chuyền, cha tôi được triệu tập tham dự cuộc họp tại trụ sở Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam. Vì thế, trận bóng thường lệ bị hủy vào phút chót. May mắn cho cha tôi nhưng không may cho ông Phụng là khối thuốc đã nổ trên mặt sàn trống trơn.

Lúc tôi phỏng vấn xong, Tướng Phụng đứng dậy bắt tay: “Khi nào gặp lại cha anh, cho tôi gửi lời xin lỗi”, vị tướng nói. “Nhưng cũng hãy nói cho ông ấy rằng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ của một người lính”. Là một quân nhân, tôi hiểu rõ điều ông Phụng nói. Tôi cảm ơn về lời xin lỗi và nói thêm: “Thật may là ông đã đánh hụt mục tiêu!”.

Tôi muốn nói về sự trớ trêu và những cảm xúc trong thời khắc ấy. Tôi đang đứng đối diện với người từng tìm cách giết cha tôi hai mươi bảy năm về trước. Nhưng, tôi đang bắt tay ông trong tình ái hữu. Khi Tướng Phụng đã đi, tôi trải qua một cảm xúc nữa. Trong tôi trỗi dậy lòng trắc ẩn và sự tha thứ cho kẻ thù cũ bởi tôi biết rõ rằng ông ấy chỉ làm nhiệm vụ của một người lính.

Cuộc phỏng vấn Tướng Phụng diễn ra trước khi cha tôi qua đời; đêm hôm đó, tôi đã gọi điện từ Sài Gòn để thuật lại câu chuyện cho ông. Sau cùng, tôi nói: “Nhưng mà cha ơi, con đã cho ông ấy địa chỉ mới của cha rồi!”. Tôi nghe vọng lại từ đầu dây bên kia giọng cười nồng ấm.

VỀ MỘT LẦN BẮT PHI CÔNG

Nhiều năm sau chiến tranh, Trung sĩ Nguyễn Ngọc Huân đọc được bài viết về một cựu tù binh Mỹ trên báo chí Việt Nam. Bài báo nói về phi công Hải quân John S. McCain ở bang Arizona mới vừa đắc cử thượng nghị sĩ liên bang. Theo bài viết, máy bay của McCain bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào ngày 26 tháng 10 năm 1967. Ông Huân nhớ rất rõ: số phận đã mang ông tới Hà Nội một tháng trước đó, cho phép ông tham gia vụ bắt giữ một phi công Mỹ vào ngày hôm ấy.

Trong lúc đọc báo, Huân nhớ lại cái ngày 26 tháng 10 năm 1967 và kể về xảm giác khi, trong một khoảnh khắc, đã nắm trong tay tính mạng của con người sau này sẽ trở thành một thượng nghị sĩ khả kính của nước Mỹ. Ngày hôm ấy, khi chiếc máy bay bị bắn cháy và viên phi công bung dù giữa bầu trời Hà Nội, ông Huân, với tất cả sự giận dữ, đã chuẩn bị tinh thần để giết người Mỹ này ngay lập tức.

Ông nhớ cảnh lửa phụt ra từ máy bay, viên phi công nhảy ra phía trên một hồ nước nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Ông lao tôi hồ nước, giương súng lên trong khi viên phi công vẫn còn lơ lửng ở độ cao vài trăm mét. Hướng nòng súng về phía người phi công đang bất lực, ông khẽ đặt ngón tay lên cò.

“Nếu hôm đó tôi bóp cò thì ông người Mỹ này đã không bao giờ có một sự nghiệp chính trị như hôm nay”, ông Huân nghĩ bụng khi đọc bài báo về cuộc tranh cử của ông McCain. Ý nghĩ ấy luôn hiện lên trong đầu Huân kể từ khi McCain đắc cử nghị sĩ và tên tuổi ông được báo chí Việt Nam nhắc đến thường xuyên, trở thành một trong những cựu tù binh nổi tiếng nhất.

Sau đây là những hồi tưởng của Huân về việc ông có mặt tại Hà Nội trong thời khắc đặc biệt đó và đã tham gia vụ bắt giữ một viên phi công trẻ tuổi người Mỹ đang bị thương vào một ngày tháng 10.

Những ai từng biết đến vụ phi công John McCain bị bắt sẽ sớm nhận ra rằng câu chuyện mà ông Huân kể có nhiều điểm khác biệt. Và trong một sự tiết lộ đáng kinh ngạc, có thể thấy rằng cả hai câu chuyện đều là thật, dù có một ngoại lệ lớn.

Cuộc đời binh nghiệp của Huân bắt đầu vào tháng 4 năm 1963, khi ông được biên chế vào một trong những sư đoàn nổi tiếng nhất của quân lực Bắc Việt – Sư 308. (Người Pháp đã đầu hàng Sư đoàn 308 tại Điện Biên Phủ vào năm 1954). Tháng 5 năm 1964, ông được biên chế vào Đoàn 959, hoạt động tại căn cứ ở Sầm Nưa, Lào. Đơn vị này có hai nhiệm vụ cơ bản: hướng dẫn xe quân sự đi qua vùng này và bảo vệ an ninh cho sĩ quan cấp cao. Ông Huân làm rất tốt nhiệm vụ, chưa bao giờ để mất một chiếc xe hay một sĩ quan cấp cao nào.

Công tác bảo vệ sĩ quan cấp cao đến thăm được giao cho các nhóm đặc trách gồm ba người. Đội bảo vệ chỉ giới hạn ba thành viên bởi nếu có quy mô lớn hơn, họ rất dễ gây chú ý. Mỗi thành viên của đội được huấn luyện sử dụng nhiều loại vũ khí nhỏ.

Thông thuộc địa hình cũng như được cung cấp thông tin tình báo mới nhất về hoạt động của địch trong khu vực, Huân và đồng sự luôn đảm bảo an toàn cho người và xe trên đường ra chiến trường. Nhưng trong khi luôn thành công trong việc tránh chạm trán với lực lượng mặt đất với kẻ thù, ông cũng không thể tránh được không kích.

“Hồi ở Lào, chúng tôi bị ném bom thường xuyên”, ông Huân kể. “Địch liên tục thả bom cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi thậm chí không ngủ được”.

Bản thân ông Huân may mắn sống sót qua các trận ném bom nhưng nhiều đồng đội của ông không có may mắn ấy. Ông không thể quên những đợt ném bom và những người bạn đã mất. Những ký ức đó lại trỗi dậy mạnh mẽ vào một ngày tháng 10 năm 1967, khi ông đứng giương súng sẵn sàng kết liễu viên phi công mất khả năng kháng cự đang hạ xuống mặt đất.

Đầu tháng 10 năm 1967, nhóm cận vệ của ông Huân tháp tùng một sĩ quan cấp tướng, cùng với thư ký riêng, đầu bếp và bác sĩ của ông này từ Lào sang Hà Nội dự họp. Họ khởi hành vào tuần đầu tiên của tháng 10, lúc đi bộ lúc đi xe dọc Đường mòn Hồ Chí Minh.

Ông Huân phát hiện ra rằng tháp tùng cho một vị tướng có nhiều thuận lợi, chẳng hạn như được ưu tiên xe cộ, đường sá. Các ưu tiên này cho phép nhóm hoàn tất hành trình chỉ trong một tuần. Khi tới Hà Nội, ông Huân được nghỉ ngơi tương đối thoải mái tại một doanh trại quân đội trong thời gian vị tướng dự họp.

Sáng 26 tháng 10, Hà Nội khá thưa người, ông Huân nhớ lại. Có nhiều thông tin dự báo máy bay Mỹ sẽ oanh tạc trong tuần nên nhiều cư dân đã rời khỏi thành phố. Bản thân Huân thì chẳng thấy lo lắng gì bởi ông đã vượt qua vô số vụ ném bom khi còn ở trong rừng. Thêm nữa, ông cũng muốn tập trung hưởng thụ một tiện nghi mà ông chưa bao giờ có được – tắm vòi hoa sen nước nóng.

“Hồi đó chúng tôi trẻ và hăng đánh nhau lắm”, ông Huân thừa nhận. “Chúng tôi luôn tận dụng cơ hội để chiến đấu, sẵn sàng lao về phía hiểm nguy”.

Lúc 10 giờ sáng, Huân đi tắm, không thèm quan tâm tới còi báo động máy bay đang rúc lên. Tiếp nối còi báo động là âm thanh súng phòng không liên hồi. Bực mình vì chuyện tắm táp bị gián đoạn, Huân chạy ra ngoài xem sự tình. Nhìm lên trời, ông thấy một chiếc máy bay vừa trúng đạn.

“Nhìn về hướng đông, tôi thấy một chiếc bốc cháy và phi công đã bung dù trên hồ Trúc Bạch”, Huân nhớ lại. Ông liền chạy vào doanh trại xách khẩu AK-47 nạp đầy đạn. Súng trong tay, ông lao về phía chiếc dù đang sà xuống.

“Giống như cái lò xo bị nén vừa được buông ra, tôi lao theo đường tắt, chạy hết tốc lực tới đền Quán Thánh trên đường Thanh Niên. Khi tôi tới bờ hồ, chiếc dù vẫn còn lơ lửng ở độ cao cả trăm mét. Tôi thấy nét mặt viên phi công có vẻ đau đớn”.

Giữa lúc viên phi công từ từ hạ xuống, ông Huân giương súng lên.

“Lúc bấy giờ tôi chỉ nghĩ đến các đồng chí đã chết trong rừng ở Lào khi những phi công Mỹ như thế này ném bom. Họ gây ra cho chúng tôi rất nhiều tổn thất. Cơn giận trong người tôi cứ thế dâng lên”.

Với một sự bộc trực đáng kinh ngạc, ông Huân kể: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến việc bắn chết viên phi công. Thậm chí tôi còn muốn khiến anh ta chịu nhiều đau đớn trước khi chết. Tôi đặt tay lên cò súng và tìm vị trí thuận lợi để nổ súng. Tôi chỉ nghĩ tới việc giết viên phi công… tất cả những gì cần làm là siết cò và tay kia sẽ chết”.

Tuy nhiên, khi viên phi công hạ thấp xuống nữa, có một điều gì đó ngăn cản Huân trong vai trò một kẻ hành quyết – ông thấy mình không thể kết liễu người Mỹ kia. Súng vẫn chĩa thẳng nhưng ông Huân cố nén giận và lặng lẽ nhìn viên phi công đáp xuống.

“Khi bước những bước cuối cùng đến vị trí có thể xả súng, tôi nhớ tới mệnh lệnh của sĩ quan chỉ huy – rằng tất cả tù binh đều phải được đối xử nhân đạo”, ông Huân nhớ lại. “Sự lưỡng lự trong chốc lát đó đã cứu sống viên phi công”.

“Có một ít cây cối quanh hồ và chiếc dù vướng vào cành cây kêu sột soạt”, ông kể. “Anh ta rơi xuống bên bờ hồ, ngã ngửa ra, một chân duỗi thẳng còn đầu gối chân kia nhô lên… Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta. Nét hoảng hốt hiện rõ. Ban đầu tôi cho rằng anh ta sợ tôi nổ súng nhưng nhìn kỹ thì có vẻ như không phải thế. Tôi vẫn chĩa súng vì sợ rằng anh ta có thể mang vũ khí. Khi tôi thấy anh ta có vẻ nhợt nhạt, tôi biết rằng người này đã bị thương”, cơn giận của Huân chùng xuống, thay vào đó là một niềm trắc ẩn.

Điều gì khiến ông quyết định, vào phút chót, không bắn? Huân cho rằng có hai nhân tố tác động một cách không điều kiện vào quyết định ấy – sự chuyên nghiệp của một người lính và sự thấu hiểu hoàn cảnh của người phi công kia. “Tôi chỉ hành xử như một người lính chuyên nghiệp”, ông giải thích, “trong đó có việc phải cảm thông với con người”.

Nhận thấy rằng người tù binh không thể kháng cự, ông Huân liền cởi bộ đồ bay của anh ta ra. Ông nhận thấy viên phi công bị thương nặng ở chân.

“Tôi thấy bắp chân anh ta bị thủng. Lỗ thủng to tới mức tôi có thể thấy mạch máu bên trong. Sau khi tôi cởi bộ đồ bay, anh ta chỉ còn lại đồ lót. Tôi thét gọi một cô gái trẻ gần đấy mang băng tới. Cô ấy chạy đi tìm băng và một cô gái khác băng bó cho anh ta. Giữa lúc đó thì tôi lục soát tư trang và tịch thu một khẩu súng ngắn chứa một viên đạn. Tôi còn tìm thấy chìa khóa, ảnh, một con dao nhỏ, một số tiền Mỹ (21 USD) và một tấm kim loại khắc tên. Vài phút sau, một chiếc xe chạy tới, mọi người cáng anh ta lên xe và đưa đi”.

Đó là lần cuối cùng ông Huân nhìn thấy người phi công ấy. Mãi đến nhiều năm sau, khi đọc tin một cựu tù binh Mỹ bị bắn rơi máy bay trên bầu trời Hà Nội vào ngày 26 tháng 10 năm 1967 vừa đắc cử thượng nghị sĩ, ông mới kể với bạn bè rằng đấy chính là John McCain mà ông đã tham gia bắt giữ thuở xưa. Ông tiếp tục kể về vụ bắt giữ phi công McCain và báo chí Việt Nam đã đăng tải câu chuyện này.

“Lần đầu tiên tôi nhận thấy rằng mình không chỉ bắt giữ mà còn suýt bắn chết ngài nghị sĩ tương lai của nước Mỹ”, ông Huân bày tỏ. Từ khi ông McCain đắc cử thượng nghị sĩ, nhiều binh sĩ ở Hà Nội đã đua nhau khẳng định rằng chính mình đã bắt ông này thời chiến tranh.

Ông Huân tỏ ra chân thực nhưng có thể thấy rằng câu chuyện của ông rất khác so với những gì chúng ta biết về vụ bắt phi công McCain. Đúng là McCain bị thương nặng vào ngày đó – nhưng xương đầu gối phải bị vỡ và gãy hai tay – chứ không phải bị thương ở bắp chân. Ông ấy nhảy dù phía trên một cái hồ ở Hà Nội và rơi xuống nước chứ không phải trên bờ. Một nhóm binh sĩ, chứ không phải một người duy nhất, đã bơi ra bắt ông và sau khi bị bắt ông đã bị đám đông cuồng nộ đâm lưỡi lê và đánh vào vai, không hề có một cô gái trẻ băng bó vết thương.

Dù có quá nhiều điểm khác biệt như thế, Huân vẫn khẳng định những gì ông kể là chính xác – vụ bắt giữ đã xảy ra đúng như lời ông miêu tả.

Nếu là thực, thì chỉ có duy nhất một cách giải thích cho câu chuyện của ông Huân.

Sáng 26 tháng 10 năm 1967, hai mươi máy bay Mỹ đã tấn công một loạt mục tiêu ở Hà Nội. Chiếc A-4E Skyhawk của McCain không phải là chiếc duy nhất bị bắn rơi hôm ấy – còn hai chiếc nữa cũng bị bắn rơi, một F-8 Crusader và một A-4E Skyhawk khác. Phi công hai chiếc máy bay kia cũng nhảy dù và bị bắt. Một trong hai người phi công kia khi được hỏi đã nói rằng ông không phải là nhân vật trong câu chuyện của Huân, phi công còn lại thì không muốn tiết lộ. Vì thế, không thể xác định được rằng liệu người này có phải là phi công mà ông Huân bắt hôm đó hay không.

Bản thân ông Huân không hề biết rằng vào ngày 26 tháng 10 năm 1967 có tới ba phi công Mỹ bị rơi máy bay và bị bắt sống. Ông luôn nghĩ hôm đó chỉ có một phi công bị bắt mà thôi. Và do báo chí khi đề cập đến Thượng nghị sĩ John McCain thường nhắc tới ngày máy bay bị bắn và ông bị bắt nên Huân luôn khẳng định rằng McCain từng là tù nhân của mình.

Tới hôm nay, ông Huân đã biết rằng người phi công mà ông cho rằng là McCain hóa ra không phải. Nhưng cho dù không còn khẳng định rằng mình từng bắt giữ ông McCain, ông Huân cũng cảm thấy thanh thản khi nghĩ về ngày ấy, ngày mà ông đã quyết định không kéo cò, để cho một người phi công Mỹ tiếp tục cuộc sống.

CÁI NHÌN MỚI VỀ CUỘC CHIẾN

NỖI BUỒN CHIẾN TRANH, cuốn tiểu thuyết của một cựu chiến binh miền Bắc – Bảo Ninh, là tác phẩm văn chương đầu tiên viết về cuộc xung đột tại Việt Nam từ góc nhìn của đối phương. Nhân vật chính tên Kiên trở về sau chiến tranh, luôn “trăn trở với những cảnh bạo tàn mà anh từng chứng kiến, để từ đó nói lên ý nghĩa của cái chết, tình yêu và mất mát – cũng như chính sự sống sót của anh”.

Sau khi cuốn sách xuất hiện tại Mỹ, một nhà phê bình văn học bình luận: “Cơn chấn động đầy bạo lực của chiến tranh đã tạo ra những cơ hội đau đớn cho nhiều tiểu thuyết vĩ đại chào đời. Cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất nói về trải nghiệm trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất – mà nhiều người cho rằng về bất cứ cuộc chiến nào – đó là MẶT TRẬN PHÍA TÂY YÊN TĨNH1, do một người Đức viết. Cuốn sách không chỉ là thông điệp đối với những người đồng hương của tác giả mà còn đối với bất cứ ai tham chiến. NỖI BUỐN CHIẾN TRANH của Bảo Ninh có thể không phải là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất về Chiến tranh Việt Nam, nhưng câu chuyện đầy sức mạnh về những cuộc đời bị chiến tranh hủy hoại đã nhận được nhiều sự khen ngợi quốc tế và dường như là một thông điệp có sức thuyết phục cả đối với người Mỹ lẫn những người đồng bào của tác giả”.

Nhà phê bình này chưa gặp Bảo Ninh bao giờ. Chính vì thế, ông cũng không biết rằng nhận xét của mình chính xác đến nhường nào. Sau khi đọc NỖI BUỒN CHIẾN TRANH, tôi đã gặp Bảo Ninh để trao đổi về, giữa nhiều vấn đề, động cơ thôi thúc ông viết cuốn sách ấy. Khi phỏng vấn Ninh, tôi nhanh chóng nhận ra từ đâu mà ông đã vẽ nên nhân vật chính của mình – bởi Kiên có rất nhiều điểm chung với người sáng tạo ra nhân vật ấy.

“Chúng tôi đều lớn lên ở Hà Nội và đều chiến đấu ở Tây Nguyên. Nhưng Kiên dũng cảm chứ không như tôi”, ông nói một cách khiêm tốn. Đó là Ninh khiêm tốn; bởi đã xung phong nhập ngũ trước tuổi, nên ông – tương tự nhân vật hư cấu Kiên – thực sự là một người dũng cảm.

Sinh trưởng tại Hà Nội, thuở nhỏ, Ninh đã chứng kiến trận ném bom đầu tiên. Trải nghiệm đó nung nấu trong con người ông ước nguyện phụng sự đất nước. Vì thế năm 1969, ở tuổi 17, ông tình nguyện nhập ngũ. Vì ưới tuổi nên ông cần sự cam kết của cha mẹ. Cha ông đồng ý còn mẹ thì không. Thế rồi ông cũng tìm được cách để gia nhập quân đội.

Ông so sánh mình với người cựu chiến binh trẻ tuổi Ron Kovic trong bộ phim “Sinh ngày 4 tháng 7”.

“Còn rất trẻ nhưng tôi luôn khát khao chiến đấu”, ông nhớ lại. “Tôi thấy mình có nghĩa vụ cầm súng dù mới mười bảy tuổi. Đất nước đang bị chia cắt – tinh thần dân tộc tổn thương nghiêm trọng. Chúng tôi phải chiến đấu cho sự thống nhất đất nước – thanh niên tập hợp dưới ngọn cờ dân tộc”.

Ninh nhận ra rằng thanh niên Mỹ cũng có động cơ chiến đấu nhưng đó là một động cơ hoàn toàn khác, và rốt cuộc ông thấy rằng động cơ đó hoàn toàn sai. “Người Mỹ được cổ vũ đánh cộng sản… nhưng chúng tôi không phải cộng sản”, Ninh nói. “Tôi không thấy mình cộng sản chút nào. Người Mỹ đang chiến đấu chống lại những người dân tộc chủ nghĩa tại Việt Nam – không phải cộng sản. Nhưng thân phận người lính thì nước nào cũng giống nhau”, ông kết luận. “Dù về mặt cá nhân có dị biệt, nhưng rốt cuộc, khi đối mặt với cái chết, chúng tôi cũng tương tự nhau”. (Phát biểu của Ninh tương đồng với lời của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Abbot Low Moffat, chủ nhiệm Ban Đông Nam Á. Ông nhận xét về vị lãnh tụ của Việt Nam: “Tôi chưa bao giờ gặp một người Mỹ, dù là quân nhân, nhân viên của OSS, nhà ngoại giao hay nhà báo nào không có niềm tin rằng: Hồ Chí Minh là nhân vật dân tộc chủ nghĩa đầu tiên và lỗi lạc nhất của Việt Nam”).

Nhớ về những ngày huấn luyện, ông Ninh kể: “Tân binh của bất kỳ quân đội nào cũng phải được huấn luyện. Họ được rèn luyện để quên đi cuộc sống và gia đình ở hậu phương, được dạy kỹ năng bắn súng, tinh thần chấp hành mệnh lệnh, chịu đựng gian khổ… chúng tôi chỉ biết bắn nhau”.

Sau ba tháng huấn luyện, Bảo Ninh được điều vào Nam. Ông và đồng đội đã trải qua cuộc thử lửa đầu tiên rất sớm trước khi đến đích. “Dọc Đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi thường xuyên bị ném bom”, ông kể.

Khi đến Tây Nguyên, Bảo Ninh được phân công ở trong một tổ ba người – trực thuộc một đội chiến đấu mười hai người. Đôi khi đơn vị của ông chiến đấu ở quy mô đại đội, nhưng thường thì hoạt động theo tiểu đội mười hai người.

Bảo Ninh có cảm nhận khác nhau về khả năng chiến đấu của các đơn vị quân Mỹ mà ông đối mặt. Ông rất nể phục một số đơn vị Lục quân, chẳng hạn Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, đơn vị mà “chúng tôi luôn muốn tránh”; các đơn vị khác thì không thiện chiến bằng hoặc có hoạt động dễ dự đoán. Đề cập tới trường hợp thứ hai, ông Ninh nói: “Dù là tân binh nhưng chúng tôi cũng nhanh chóng nhận ra rằng hoạt động của một số đơn vị Mỹ là rất dễ dự đoán”. Ông đưa ra một ví dụ về cách thức Lục quân Mỹ đặt pháo trên chiến trường: “Lính Mỹ không mấy linh hoạt. Họ tới bằng trực thăng, đáp xuống một ngọn đồi, phát quang mọi thứ, đặt trận địa pháo và sau đó bắn bừa bãi”.

Ninh kể về trải nghiệm chiến đấu đầu tiên: “Đó là một trận đánh nhỏ mà qua đó tôi nhận ra rằng đánh đấm thật khác xa trong phim – chúng tôi cứ bắn nhau và chạy”.

Tiểu đội của Ninh được chia thành bốn tổ ba người, trong đó mỗi tổ chịu trách nhiệm một số mục tiêu nhất định. Là lính trẻ, ông được phân công về chung tổ với người chỉ huy tiểu đội. Ngay sau khi nhập ngũ, tiểu đội hoạt động ở khu vực Plei Me, nơi có khoảng 200 quân Mỹ đang chốt trên một vùng đất cao. Vành đai phòng ngự của Mỹ được đánh dấu bằng các hố cá nhân. Ban ngày, tiểu đội của ông định vị chính xác các hố cá nhân. Khi màn đêm buông xuống, bốn tổ vào vị trí chiến đấu. Tiểu đội trưởng sử dụng một khẩu phóng lựu M-79 thu được, sẽ ra hiệu tấn công.

Khi bắt đầu quen với bóng đêm, các binh sĩ định vị lại mục tiêu tấn công của tổ mình. Bài học chiến đấu đầu tiên của Ninh là “lính Mỹ rất dễ mất cảnh giác”. Một người lính Mỹ bất cẩn đã tạo sơ hở để tiểu đội dễ dàng tiếp cận mục tiêu. Nấp trong hố cá nhân, anh này vô tình tiết lộ vị trí của mình khi châm thuốc hút. Ninh còn rút ra bài học chiến đấu thứ hai, rằng “trong chiến đấu, ai hút thuốc ban đêm là tự sát”.

Viên chỉ huy chĩa khẩu M-79 về phía điếu thuốc đang cháy rực trên môi người lính khinh suất – và khai hỏa. Khi quả đạn nổ ngay mục tiêu, các thành viên khác của tiểu đội đồng loạt xả súng vào mục tiêu của mình. Dù không thấy rõ mục tiêu nhưng Ninh vẫn bắn. Khi bên kia bắn trả, tiểu đội của Ninh lập tức rút lui. Quân Mỹ bắn pháo sáng soi rõ một vùng rộng lớn. Nhưng ánh sáng đó chỉ cho thấy các vị trí chiến đấu trống không của đơn vị vì cả tiểu đội đã rút vào rừng. Sáng hôm sau, bốn tổ chiến đấu gặp nhau tại địa điểm hẹn trước. Không có tổn thất nào.

Đây không phải là lần đầu tiên tiểu đội của Ninh lợi dụng sự mất cảnh giác của lính Mỹ. Một sớm nọ, tiểu đội ngạc nhiên phát hiện lính Mỹ tụ họp ngoài trời, quỳ gối trước một người đang đứng giảng giải điều gì đó. Nhóm của Ninh hiếm khi bắt được một mục tiêu “tập thể” như vậy. Họ xả súng ngay lập tức. Về sau, ông mới biết rằng nhóm lính kia đang hành lễ ngày Chủ nhật. Ông thấy thật là trớ trêu khi người ta bị giết chết trong lúc đang cầu Thượng Đế che chở. Sự kiện này ban đầu khiến Ninh trăn trở nhưng rồi ông đã chấp nhận nó – bởi vì đó là tất cả những gì ông có thể làm. “Chiến tranh là tàn bạo và bất hợp lý”, ông kết luận.

Là một người đọc nhiều sách, khi được hỏi rằng cuốn nào có ảnh hưởng lớn đối với tác phẩm của mình, Ninh đã kể về một cuốn sách có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đối với ông. Ông đọc cuốn sách ấy thời chiến tranh, sau một cuộc kỳ ngộ. Năm 1973, đơn vị của ông đọ súng với quân Việt Nam Cộng hòa. Khi trận đánh kết thúc, Ninh và đồng đội lục soát trên chiến trường. Ninh lục ba lô một người lính Việt Nam Cộng hòa tử trận để tìm thức ăn. Trong số những vật dụng mà ông tìm thấy, có một cuốn sách. Ông nhét sách vào túi nhưng chẳng có thời gian để đọc. Đến lúc có cơ hội đọc, Ninh thấy thật là trớ trêu khi cuốn sách mà ông có được sau một trận đánh đẫm máu lại truyền tải thông điệp phản chiến mạnh mẽ. Cuốn sách gây cho ông cảm xúc mãnh liệt, để về sau ông viết NỖI BUỒN CHIẾN TRANH.

Khi được hỏi nhan đề cuốn sách, Ninh nói rằng đó là MẶT TRẬN PHÍA TÂY YÊN TĨNH – chính là cuốn mà nhà phê bình người Mỹ nọ đã liên hệ tới khi bình luận về NỖI BUỒN CHIẾN TRANH!

Cuộc chiến kết thúc, Ninh được tiếp xúc với nhiều tác phẩm, cả phim ảnh lẫn văn chương, đề cập tới chiến tranh Việt Nam và người lính chiến ở cả hai phía. Ông nhận thấy bộ phim “Trung đội” của Mỹ khá hay nhưng không công bằng khi miêu tả lính miền Bắc Việt Nam là những người tàn bạo. Ninh tin rằng cả hai phía đều có những cá nhân độc ác, nhưng tập thể thì không. Tương tự như lòng can đảm, ông nói, tàn bạo là một tính cách cá nhân.

Ở trang bìa cuốn NỖI BUỒN CHIẾN TRANH có đoạn giới thiệu về Bảo Ninh: “Thời chiến tranh Việt Nam, ông phục vụ tại Lữ đoàn thanh niên 27 anh hùng. Trong năm trăm người lên đường ra mặt trận cùng đơn vị năm 1969, ông là một trong mười người sống sót”.

Bảo Ninh nói rằng lời giới thiệu có thể là một sự cường điệu xuất phát từ óc tưởng tượng của nhà xuất bản. Ninh xác nhận khoảng ba tới bốn trăm thanh niên trong vùng nhập ngũ cùng lúc nhưng ông không rõ bao nhiêu người sống sót qua cuộc chiến.

Ở cả Kiên và Bảo Ninh, người ta có thể nhận thấy những tác động mạnh mẽ của chiến tranh lên cuộc đời của họ. Sau quãng tuổi trẻ hồn nhiên bị tước đoạt, họ trở về nhà để nhặt nhạnh và chắp ghép lại từng mảng cuộc sống. Câu chuyện này không quá dị biệt đối với phần đông người Mỹ trở về từ cuộc chiến ấy. Trở lại đời thường sau chiến tranh, cựu chiến binh cả hai phía đều có những ước nguyện và nỗi niềm tương đồng – đó là nhiệm vụ chu toàn cuộc sống cho bản thân và gia đình; đó là được sống trong hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. “Chiến tranh luôn tàn bạo và bất hợp lý, nhưng có lẽ ‘nỗi buồn chiến tranh’ lớn nhất mà chúng ta nhận thấy sau cuộc chiến, đó chính là giữa ta và kẻ thù tương đồng nhau tới nhường nào”, Ninh đúc kết.

_______________________________

1. Mặt trận phía Tây yên tĩnh hay Phía Tây không có gì lạ (tiếng Đức: Im Westen nichts Neues) là cuốn tiểu thuyết phản chiến của Erich Maria Remarque (1898-1970), một cựu chiến binh Đức từng tham gia Thế chiến thứ nhất. Tác phẩm ra mắt lần đầu vào năm 1928.

CỬA VIỆT CÁT BAY

Tống Huy Tịnh nhập ngũ năm 1971 ở tuổi 18. Anh từng tham gia dân quân nên chỉ cần được huấn luyện thêm một thời gian ngắn trước khi xuôi Đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam.

Tịnh may mắn hơn nhiều người khác vì hành trình của anh chỉ mất chưa đầy một tháng. Anh đi tàu từ Hà Nội vào Vinh, rồi từ đó đi xe tải vào sông Gianh. Mọi người cùng đợi trời tối để qua phà Long Đại.

Sau khi qua sông, đơn vị của Tịnh – Sư đoàn 320 – đi bộ trong chặng cuối vào Nam. Theo nguyên tắc chung – được thiết kế nhằm hạn chế tổn thất trong các trận ném bom dọc Đường mòn – sư đoàn được chia ra thành nhiều đơn vị nhỏ, cấp đại đội.

“Tôi nhớ rõ nhất là thời điểm đơn vị chia nhỏ ra trong chặng hành quân cuối cùng”, Tịnh kể. “Chúng tôi tạm biệt nhau và không biết bao giờ mới có thể gặp lại. Nói lời tạm biệt còn nặng nề hơn cả việc di chuyển dọc đường Trường Sơn”.

Mang theo ba lô nặng tới 50 cân là một thách thức thể lực thực sự. “Khi leo lên con dốc dựng đứng, chúng tôi phải dùng dây thừng”, Tịnh kể. Sau hành trình mệt nhọc, họ tới Lào.

Với kinh nghiệm tham gia dân quân, chàng trai trẻ Huy Tịnh được cử làm tiểu đội trưởng. Sư đoàn ngay lập tức tham gia những trận đánh lớn nên chàng tiểu đội trưởng trẻ tuổi nhanh chóng trở thành một chiến binh dày dạn kinh nghiệm. Nhưng một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Tịnh đó là việc đón tân binh. Anh biết rằng phần lớn họ đến đây là để thay thế số vừa chết hoặc bị thương, những người mà anh cũng mới tiếp nhận vài ngày trước.

Suốt hai năm sau đó, sư đoàn của Tịnh thường di chuyển từ Lào qua Quảng Bình, rồi Vĩnh Linh và cuối cùng là Quảng Trị. Tháng 1 năm 1973, đơn vị đến Cửa Việt. Chính tại nơi này, sư đoàn được giao một nhiệm vụ đặc biệt – tấn công tàu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.

Cửa Việt nằm ngay bờ biển. Quân Việt Nam Cộng hòa thường hoạt động dọc bờ biển này với sự hỗ trợ của tàu Hải quân Mỹ ở cận bờ, vốn luôn bị sư đoàn của Tịnh theo dõi chặt chẽ. Sư đoàn được lệnh dồn hỏa lực vào những chiếc tàu này.

Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Tịnh nhớ rằng tàu Mỹ thường ngang nhiên chạy tới chạy lui song song với đường bờ biển, đôi khi chạy theo từng hàng hai chiếc một. Do lo ngại rằng quân Việt Nam Cộng hòa có thể dùng tàu để đổ bộ nên sư đoàn thường xuyên bắn quấy rối. Nhiệm vụ của Tịnh là gửi thông điệp cho Hải quân Mỹ rằng bất kỳ cuộc đổ bộ nào cũng sẽ phải đối đầu với một hỏa lực rất mạnh.

Trung đoàn của Tịnh, được chia thành nhiều đơn vị chiến đấu cấp trung đội, có nhiệm vụ bắn quấy rối. Lợi dụng bóng đêm, các tổ chiến đấu tiến tới vị trí cách mép nước biển chừng một cây số. Suốt đêm, họ tìm cách thọc sâu ra bờ biển. Để phòng thủ trước bất kỳ cuộc tấn công đổ bộ nào từ biển, đơn vị của Tịnh được trang bị sáu xe tăng. Xe tăng được chôn xuống cát, ngập tới tận tháp pháo và được ngụy trang bằng lá cây.

Sáng hôm sau, Tịnh ngạc nhiên khi thấy rằng đơn vị của anh chỉ cách vị trí của quân Việt Nam Cộng hòa có một cây số. Thông thường, sau khi phát hiện như vậy thì đơn vị sẽ lập tức chủ động khai hỏa. Tuy nhiên, Tịnh được lệnh là không để lộ quy mô của đơn vị mình. Chỉ khi quân Việt Nam Cộng hòa khai hỏa trước thì mới nổ súng đáp trả.

Phía Việt Nam Cộng hòa cũng đã phát hiện ra đơn vị Tịnh vào buổi sáng hôm đó nhưng không phát động tấn công. Tịnh không hiểu nguyên do. Anh cho rằng có lẽ quân bên kia cũng được lệnh không nổ súng để tránh bị lộ quy mô đơn vị.

“Thật kỳ lạ”, Tịnh nhớ lại. “Tình hình lúc đó cứ như thể hai bên đã có thỏa thuận ngừng bắn vậy. Đôi lúc chúng tôi nổ súng vào ban đêm nhưng tới 3 giờ sáng thì tất cả ngưng chiến đấu”.

Vũ khí duy nhất có thể quấy rối tàu của Hải quân Mỹ là DKZ 82, một loại súng cối tầm xa thường được sử dụng để chống tăng. Mỗi tổ chiến đấu trong trung đoàn được trang bị một khẩu. Một buổi tối nọ, các tổ vào vị trí dọc bờ biển để có thể tấn công tàu. Họ chờ đợi mục tiêu tiến vào tầm bắn.

Khi mắt đã bắt đầu quen với bóng tối, các thành viên nhìn ra phía đường chân trời để tìm tàu Hải quân Mỹ đi qua. Tàu chiến Mỹ luôn tuân thủ nguyên tắc không bật đèn nên chỉ có thể thấy được hình ảnh mờ mờ mà thôi. Việc dùng DKZ 82 để bắn xe tăng vốn đã khó, nhưng sau đó Tịnh nhanh chóng nhận ra rằng dùng loại súng này để bắn vào những chiếc tàu mờ xa trên biển còn khó gấp bội.

Các tổ chiến đấu được phép khai hỏa bất kỳ lúc nào. Tổ của Tịnh nhanh chóng phát hiện ra một mục tiêu. Tuy nhiên trước khi nổ súng họ đã nghe tiếng nổ của DKZ 82 ở các vị trí khác dọc bờ biển. Tịnh biết rằng giờ đây vấn đề thời gian là cực kỳ quan trọng. Tổ của Tịnh phải nổ súng và nhanh chóng chuyển tới vị trí chiến đấu khác – bởi vì con mồi ngay sau đó sẽ trở thành kẻ săn mồi, khi mà chiếc tàu chiến mục tiêu sẽ sớm phản công. Thế là khẩu DKZ 82 của họ gầm lên, sau đó họ lập tức chuyển tới vị trí mới đã được chọn sẵn.

Nhưng những phát đạn trả đũa đã không xuất hiện như dự đoán. Tịnh nhận thấy rằng vị trí của đơn vị khá gần với nơi đóng quân của lính Việt Nam Cộng hòa vô hình trung lại là một lợi thế. Chiếc tàu chiến kia sợ bắn nhầm vào quân Việt Nam Cộng hòa gần đó nên đã chọn giải pháp im lặng.

Trong hai tuần kế tiếp, đơn vị của anh tiếp tục hoạt động theo cách thức này, chỉ thay đổi thời gian tấn công sau mỗi đêm. Tịnh thấy tình cảnh thật lạ lùng: “Ban đêm, chúng tôi nhả đạn vào những chiếc tàu Mỹ không dám bắn trả; ban ngày, chúng tôi nghỉ ngơi ngay trong tầm mắt của các binh sĩ miền Nam”.

Trong sáu chiếc tăng của đơn vị Tịnh, năm chiếc đã bị quân Việt Nam Cộng hòa bắn hủy sau vài cuộc đọ súng chừng mực vào ban đêm. Về sau, đụng độ gia tăng. Bấy giờ, với hai năm kinh nghiệm chiến đấu, Tịnh đã trở thành một chiến binh dày dạn trận mạc, được chuẩn bị kỹ càng – ít nhất là trong suy nghĩ của anh – để đối phó với bất kỳ tai ương nào. Nhưng rồi anh nhanh chóng nhận ra rằng, cuộc chiến trên bãi biển Cửa Việt có một khía cạnh mà anh chưa hề được chuẩn bị.

Khi giao tranh tạm ngưng trong chốc lát, cả hai phía tranh thủ thực hiện một nhiệm vụ khó khăn, nhưng rất cần thiết, đó là chôn người chết. Một khu vực ở trên bãi biển được sư đoàn của Tịnh chọn làm nghĩa trang. Các nhóm mai táng thường được điều đi để chôn cất người tử trận. Có một lần Tịnh đi theo đoàn mai táng. Việc chôn cất đồng đội ngã xuống chẳng phải là điều gì mới lạ đối với Tịnh, nhưng khi thực hiện công việc này tại Cửa Việt, anh nhanh chóng nhận ra một thực tế ghê người.

Thông thường, chỉ vài ngày sau khi được chôn, các thi thể lại lộ ra trên mặt đất. Nhìn xác người đang trong quá trình phân hủy là một điều thật ghê khiếp. Không phải con người mà chính là thiên nhiên đã quật mộ. Gió lớn thường xuyên ở Cửa Việt đã tàn phá bãi biển, thổi bay lớp cát dày trên bề mặt và làm lộ thiên các thi thể vừa được chôn. Bằng cách ấy, thiên nhiên tại Cửa Việt đã phơi trần sự khủng khiếp của chiến tranh mà con người muốn chôn giấu. Một khi gió làm lộ thiên thi thể nào thì các nhóm mai táng tìm cách chôn cất lại.

“Tôi thực hiện việc này rất nhiều lần”, Tịnh kể. “Đôi khi chúng tôi chôn rất sâu nhưng gió vẫn quật lên. Có khi phải chôn đi chôn lại tới lần thứ ba, thứ tư và thật là khủng khiếp khi nhìn thấy thi thể của một người bạn đang phân hủy”.

Nhiều năm sau khi cuộc chiến đi qua, hình ảnh thi thể bị phân hủy của bạn bè dưới những ngôi mộ cát vẫn còn in đậm trong tâm trí Tịnh.

“Nhiều lần tôi vẫn còn nhìn thấy gương mặt của họ”, Tịnh nói.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx