sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chết dưới tay Trung Quốc - Chương 06 - Phần 1

6- Chết bởi những doanh nghiệp Mỹ phản bội: Khi màu xanh đô la che lấp màu cờ Mỹ

General Electric có kế hoạch ném hơn 2 tỉ USD vào Trung Quốc từ nay đến 2012. Tập đoàn này tiếp tục chuyển các nhà máy từ Mỹ sang Trung Quốc và tạo ra hơn 1000 việc làm mới… Tháng vừa rồi, GE đã quyết định đóng cửa nhà máy bóng đèn tại Virgina và chuyển 200 việc làm đó đến Trung Quốc. —London’s Daily Mail

Không có danh dự trong đám trộm cắp – và không có lòng yêu nước trong các công ty Mỹ. Đó là thông điệp rất rõ ràng mà các công ty như General Electric, Caterpillar, và Evergreen Solar đang chuyển đến người dân Mỹ trong những ngày này, bằng hành động đóng cửa các nhà máy già cỗi tại Hoa Kỳ và khai trương các nhà máy sáng bóng, công nghệ hiện đại nhất tại vùng đất của Rồng. Bằng cách tháo chạy qua Trung Quốc, những con chuột Lemmut phản bội này không những đẩy đất nước của họ đến bên bờ vực thẳm mà còn ký vào một bản cáo tử cho chính công ty họ. Trước kia đâu có vậy.

Đầu thế kỷ này, khi Trung Quốc lần đầu tiên gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO và bắt đầu mang tư tưởng con buôn tấn công vào nền tảng sản xuất của Hoa Kỳ, các giám đốc doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chung vai sát cánh cùng công nhân phản đối mạnh mẽ các điều khoản thương mại không công bằng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những lời cảnh cáo nghiêm khắc đó của liên minh doanh nghiệp – người lao động đã rơi vào các lỗ tai điếc trong bộ máy Nhà Trắng có tư tưởng cứng nhắc dưới thời ông Bush, những kẻ không phân biệt được sự khác biệt nghiêm trọng giữa  thương mại tự do có lợi cho tất cả và thương mại bất công chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Bây giờ, một thập kỷ sau, liên minh giữa những doanh nghiệp và lao động Hoa Kỳ đã chết giống như những người đấu tranh vì dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn. Trong bài toán chính trị mới, với mỗi việc làm của người Mỹ và mỗi nhà máy được chuyển sang Trung Quốc, những tổ chức mệnh danh “Mỹ” như Bàn tròn Kinh doanh, Hiệp hội Quốc gia các nhà chế tạo, và Phòng Thương mại Hoa Kỳ cũng bị biến từ các nhà phê bình gay gắt thành những kẻ biện hộ ngoan ngoãn cho một nước Trung Quốc mang tư tưởng con buôn và bảo hộ mặc sức làm gì thì làm với kinh tế Mỹ và công nhân Mỹ.

Cái trớ trêu trong sự phản bội của các doanh nghiệp Mỹ là ở chỗ: trong quá trình giúp đỡ Trung Quốc tàn phá nền tảng sản xuất của nước Mỹ, đa số các doanh nghiệp phản bội này cũng đang tàn phá tương lai của chính công ty mình. Họ đang làm như vậy bằng cách dâng hiến cho Trung Quốc không chỉ những công nghệ hiện tại mà còn cả khả năng sáng tạo ra công nghệ mới.

Để hiểu vấn đề tại sao lại như vậy, tại sao nhiều giám đốc doanh nghiệp Mỹ sẵn lòng để cho sự tôn thờ đồng đô la xanh che khuất mầu cờ đỏ trắng xanh của nước Mỹ, trước hết chúng ta phải hiểu và phân tích “Ba làn sóng chuyển dịch ra nước ngoài” mô tả đặc tính của cuộc di tản hàng triệu việc làm từ Mỹ sang Trung Quốc.

Làn sóng chuyển dịch thứ nhất: Công xưởng Trung Quốc thức dậy

Làn sóng chuyển dịch ra nước ngoài đầu tiên bắt đầu chậm rãi ngay sau khi Đảng cộng Sản mở cửa “Thiên Đường Nhân công” của Trung Quốc cho phương Tây vào năm 1978. Nó được biết đến với tên gọi “Cải cách theo thị trường”, tước bỏ một cách hữu hiệu các lợi ích về y tế và hưu trí đi cùng quyền lợi về điều kiện an toàn lao động và thu nhập tương đối khá khỏi tay công nhân – trong khi vẫn duy trì sự thống trị trớ trêu đối với nền kinh tế Trung Quốc của các công ty nhà nước và các nhà hoạch định trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà trong vài thập kỷ, các công ty phương Tây như Mattel, Reebok, và Schwinn bắt đầu sản xuất ra ngày càng nhiều các sản phẩm giá trị thấp, thâm dụng lao động như đồ chơi, giày thể thao, xe đạp – bằng nhân công giá rẻ của Trung Quốc.

Chính trong làn sóng chuyển dịch này, mô hình hợp đồng lao động khắc khổ phổ biến ở Trung Quốc ngày nay đã được hoàn thiện. Trong các công xưởng, các nam nữ thanh niên trẻ (và không ít trẻ em) mới từ nông thôn ra, ký các hợp đồng ràng buộc hà khắc mà họ không đủ trình độ để hiểu. Họ làm việc vai kề vai trong các xưởng máy đông nghẹt, nóng, và dơ bẩn, từ 12 đến

16 giờ một ngày. Họ ăn và ngủ trong các khu ký túc xá chật chội thường bị chắn bởi song sắt cửa sổ hoặc vây bởi hàng rào trong khu vực công ty. Nếu họ cố trốn thoát, họ sẽ bị đánh đập. Nếu họ định tổ chức đình công, họ sẽ bị đánh đập và sau đó sa thải.

Đó thật sự là những nô lệ lao động thời hiện đại, làm việc chỉ với 40 xu 1 giờ nhưng vẫn làm ra các đồ chơi cho trẻ con chúng ta hài lòng, đúc những đế giày đẩy bước chúng ta đang đi, và may những chiếc áo chúng ta đang mặc. Một sự thật đau khổ trong chuỗi dây xích vô tận ràng buộc những người nhân công này với “Thế giới Dickens kiểu Trung Quốc”, là nhiều người vẫn thấy hạnh phúc hơn trong sự nghiệt ngã đó, bởi vì dù các công xưởng của Rồng có tồi tệ đến đâu, chúng vẫn còn hơn cuộc sống của người nông dân nghèo.

Làn sóng thứ hai: Nếu bạn không thể đánh bại được họ thì hãy theo họ

Làn sóng thứ hai bắt đầu ngay khi Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001 và bắt đầu tấn công trực diện vào nền tảng sản xuất Mỹ bằng “Vũ khí hủy diệt việc làm” như trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp và thao túng tiền tệ. Trong vòng vây của các nhà máy Trung Quốc, ngày càng nhiều giám đốc doanh nghiệp Mỹ nhận ra rằng: nếu tận dụng ưu thế mạng lưới trợ cấp bất hợp pháp tinh vi cho hàng xuất khẩu, họ có thể sản xuất giá rẻ hơn trên đất Trung Quốc so với Mỹ, và nếu họ không làm thì các đối thủ của họ chắc chắn sẽ làm. Các doanh nghiệp Mỹ nhận ra sự thật trong câu nói nổi tiếng “ Nếu bạn không đánh bại được Trung Quốc, hãy theo họ”. Ngay sau đó, làn sóng chuyển dịch thứ hai mạnh lên thành Tsunami.

Rất quan trọng để nhấn mạnh rằng trong làn sóng thứ hai này, mục tiêu cơ bản của các nhà kinh doanh Mỹ không phải là bán hàng cho 1,3 tỉ người tiêu dùng nghèo đói tại thị trường Trung Quốc. Đó là sản xuất để xuất khẩu ra phần còn lại của thế giới – bao gồm bán ngược lại cho nước Mỹ. Một điều rõ như pha lê ở đây là, các giám đốc kinh doanh Mỹ tin rằng cái mà họ tận dụng được trong làn sóng này không chỉ là nhân công rẻ mạt (một vài nước như Bangladesh, Campuchia  và Việt Nam cũng có nhiều lao động rẻ). Mà họ bị cám dỗ bởi những thủ đoạn thương mại không công bằng, điều khoản môi trường, an toàn lao động lỏng lẻo, và chế độ trợ cấp xuất khẩu giả tạo. Nếu chính phủ Mỹ không xóa bỏ các thủ đoạn thương mại không công bằng của Trung Quốc (bộ máy của Bush có những nỗ lực quý giá nhưng nhỏ bé trong trong cuộc phong tỏa này), thì ít ra là các cổ đông, giám đốc kinh doanh (không phải cả công nhân) của các công ty này vẫn thấy có lợi khi dịch chuyển sản xuất của họ đến Trung Quốc.

Làn sóng thứ ba: Ảo tưởng lớn về 1,3 tỉ người tiêu dùng

Làn sóng thứ ba và nguy hiểm nhất về quy mô trong chuyển dịch ra nước ngoài của Mỹ hiện đang xảy ra. Nó được kết hợp bởi một phần nhân công rẻ trong làn sóng thứ nhất và một phần lòng tham về lợi thế sản xuất tại Trung Quốc trong làn sóng thứ hai. Nhưng xa hơn trong sự thúc đẩy đầy ma lực trong làn sóng thứ ba là ảo tưởng của các nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ về cơ hội lớn sắp đến với họ trong khả năng tiếp cận 1,3 tỉ người tiêu dùng đang cư ngụ tại nước đông dân nhất thế giới này. Làn sóng này rõ ràng là nguy hiểm nhất bởi vì nó bị dẫn dắt bởi ảo tưởng là phần lớn ngưới tiêu dùng Trung Quốc có khả năng mua sắm thích hợp để thúc đẩy thị trường – trong khi thực tế là rất nhiều người nghèo đói. Làn sóng dịch chuyển nguy hiểm này yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ muốn bán hàng vào Trung Quốc phải chấp nhận ba điều khoản bảo hộ trong chính sách “Sáng tạo bản địa” của Trung Quốc.

Điều kiện bảo hộ thứ nhất yêu cầu sở hữu thiểu số; các công ty Mỹ phải liên doanh với đối tác Trung Quốc và sở hữu không quá 49% doanh nghiệp. Rõ ràng là, điều khoản này làm công ty Mỹ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp. Sau đó là, điều kiện này cho phép đối tác sở hữu đa số (thường là các công ty nhà nước) quyền được truy xuất bất cứ thông tin nào của liên doanh, bao gồm các bí mật thương mại.

Điều khoản bảo hộ thứ hai là một trong những vi phạm trắng trợn của Trung Quốc về quy định tự do thương mại; điều khoản này yêu cầu bắt buộc chuyển giao công nghệ. Có nghĩa là các công ty Mỹ bắt buộc giao nộp sở hữu trí tuệ cho các đối tác Trung Quốc như một điều kiện để gia nhập thị trường. Hiệu quả thực của điều khoản này là tạo sự thuận tiện cho việc phổ biến nhiều công nghệ khác nhau không chỉ trực tiếp đến các đối tác Trung Quốc mà còn tới chính phủ Trung Quốc và các đối thủ Trung Quốc tiềm tàng khác. Với việc đầu hàng chấp nhận điều kiện này, trong thực tế, các công ty phương Tây đã tự tạo ra các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc chỉ trong nháy mắt.

Điều khoản thứ ba là bàn tay con buôn trong trong cái vỏ bọc bảo hộ của điều khoản thứ hai bắt buộc chuyển giao công nghệ. Nó cũng bắt buộc xuất khẩu các cơ sở nghiên cứu và phát triển của phương Tây vào Trung Quốc – thêm một vi phạm nghiêm trọng nữa về quy định tự do thương mại của WTO. Đây là nhát cắt tàn nhẫn nhất, tương đương với bán ngô giống của Mỹ. Như tất cả các nhà kinh tế nói, chính nghiên cứu và phát triển tạo ra sự sáng tạo công nghệ cần thiết để tạo ra việc làm mới. Nếu nghiên cứu và phát triển đó và sự sáng tạo đó xảy ra tại mảnh đất Trung Quốc mà không phải tại Mỹ, bạn đoán xem nước nào sẽ gặt hái được miếng to, ngon nhất trong cái bánh tạo ra việc làm mới?

Đến đây đã quá rõ tại sao các công ty Mỹ nào đầu hàng ba điều khoản bảo hộ của chính sách sáng tạo bản địa sẽ đảm bảo hủy hoại chính họ. Một khi mà công ty Mỹ giao nộp quyền kiểm soát, công nghệ hiện tại, và khả năng phát triển công nghệ tương lai, thì vấn để chỉ còn là thời gian khi các công ty Trung Quốc “xơi” công nghệ đó và sử dụng nó để tự quay lại cạnh tranh với công ty Mỹ - không chỉ ngay chính trên đất Trung Quốc mà còn trên thị trường toàn cầu. Bằng cách này, các công ty Mỹ trả giá đắt cho bài học là sự hấp dẫn của 1,3 tỉ người tiêu dùng Trung Quốc chỉ là ảo tưởng trong tiếng còi báo động hơn là những đồng đô la thực sự . Cũng bằng cách này, “ chết bởi các doanh nghiệp phản bội” biến thành sự tự sát của các doanh nghiệp.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx