Lan Trinh mở sắc tay lấy chiếc chìa lùa vào ổ khóa cánh cửa vòng rào bao quanh khu biệt thự.
Cô nữ sinh do dự, ngập ngừng trước hai con đường mòn uốn khúc bò qua cánh rừng thông. Đi đường nào về nhà cho tiện đây? Lối bên tay mặt xa hun hút, hay con đường tắt lượn theo bờ vịnh?
Hai phút sau, em đã quyết định đi theo đường tắt, ít lộng gió và quang đãng hơn, không vướng lấp nhiều cây, có thể phóng tầm mắt ra khơi, ngắm vùng trời cao, biển rộng được. Một điều lợi nữa là, thả bộ theo lối mòn đi tắt, Lan Trinh lại hy vọng gặp được cha, lúc này chắc đang lần mò bì bõm lội trong đám sình lầy nước đọng, rình rập đàn vịt trời. Ông Nguyễn Ngọc Lâm vốn là một nhà sinh vật học, chuyên khảo cứu về các loại chim chóc.
Dải đường mòn em đang đặt bước, loáng thoáng phủ rêu xanh, hai bên cỏ bồng mọc đầy trông như một mái tóc rẽ ngôi, rợp bóng mát nhờ những cây thanh yên mọc dại.
Hoàng hôn xuống thật mau. Nhưng bầu trời vẫn quang; nắng quái chiều hôm còn nhảy múa lung linh trên lá cây ngọn cỏ gió đùa. Mùi rong biển hòa lẫn mùi nhựa thông ngát vương trong không khí. Lan Trinh giang rộng hai cánh tay, ưỡn ngực hít một hơi thật dài. Em cảm thấy một niềm sống vui không bút nào tả xiết.
- Hà! Chả bù với năm ngoái, nghĩ hè trễ một tháng, giờ này mình còn đang vùi đầu vào gạo toán thi… Ừ! Còn anh Trung nữa!… người anh trai thân yêu của mình, nhập ngũ thấm thoắt thế mà đã được ba tháng rồi đó! Mau thật! Không biết anh mình hiện ở đâu và giờ này đang làm gì đây?
Lan Trinh vội vã gạt bỏ cái ý nghĩ buồn rầu đó. Rồi đưa mắt thích thú ngắm nhìn cảnh vật bao quanh.
Trước mắt, cánh rừng quang soải dài ra tới mép vịnh, rải rác nhiều bụi sim rừng, những cụm "mua" hoa tím nổi bật trên thảm cỏ xanh êm, thoáng trông như những cái nấm khổng lồ.
Giữa bãi rừng thưa, đột khởi một ngôi nhà lục giác, hình dáng như những loại nhà tròn trong các vườn bách thảo tiện cho du khách khi đói bụng có thể ngả cơm nắm thịt rim, bánh mì cặp giò chả ra ăn, rồi ngồi nghỉ lấy sức để tiếp tục cuộc du ngoạn; nhưng ở đây có vách tường xây kín, đặc biệt trên đỉnh mái lại làm nhô lên sáu ô cửa sổ quay ra nhìn sáu hướng, lắp toàn ô kính.
Ông Đông, bạn thân của ba Lan Trinh, người đã cho gia đình em mượn toàn khu biệt thự trong vụ hè này, thường lấy căn nhà "tròn" làm chỗ họp mặt với các bạn hữu đi săn bắn gà rừng.
Lan Trinh chợt có ý muốn leo lên chóp lồng kính trên mái. Em thích đứng trên cao ấy để phóng tầm mắt nhìn ra bốn bên xem phong cảnh, nhất là ngắm nước biển nhuộm ánh vàng cam lúc mặt trời lặn.
Thường thường thì căn nhà này vẫn khóa cửa. Nhưng Lan Trinh nhiều lần tinh nghịch lần mò leo trèo qua khe mái xây hở cho thông khói bếp, vẫn vào được.
Chiều nay, theo lối cũ, em lại lọt vào dễ như trở bàn tay.
Bên trong nhà tối sầm, nhất là vừa mới ở ngoài sáng vào. Nhưng Lan Trinh quen lối, vẫn bước đi được dễ dàng. Em chạy lẹ tới chân cầu thang làm bằng gỗ, uốn hình trôn ốc. Rồi, qua ô kính trên chóp mái, em đưa mắt thích thú ngắm làn nước biển sóng êm, loang loáng ánh mặt trời chiều. Mấy con hải âu bay ngang xẹt dọc, đôi khi sà sát hẳn xuống mặt nước kêu lên quang quác. Lan Trinh quét tia mắt lục lọi trong những lùm cói lác, lau sậy, vẫn không thấy bóng ông Lâm đâu.
- Ba mình chắc lại chui rúc, nấp kín một chỗ nào đó rồi. Ông già chịu khó can không nổi. Sương chiều lạnh thế này, phải kiên nhẫn lắm mới thu thập đủ tài liệu để viết nổi cả một cuốn sách khảo cứu về chim được chứ! Thương ba ghê!
Loáng tia mắt ôm gọn cả vùng trời trước mênh mông một lần cuối, em dợm chân quay xuống phía cầu thang. Bỗng tia nhìn của Lan Trinh đụng nhằm một vật gì là lạ, khiến em dừng bước.
- A! Cái gì kỳ quá ta! Và em cúi xuống lượm, đưa lên gần mắt.
Thì ra vật đó chỉ là môt chiếc mai cua bể vẫn thường thấy rải rác trên bãi cát ngoài bờ biển: dài khoảng năm phân, rộng hơn ba phân, trắng mịn như phấn, lốm đốm điểm những chấm nâu, phớt hồng tươi rất đẹp. Lan Trinh chợt nhớ lời cha nói: các tay thợ câu cá biển thường hay kiếm những con cua loại này để làm mồi câu rất tốt. Nếu ở ngoài bãi biển thì không có gì đáng nói. Một cái mai cua, cũng như trăm ngàn vỏ sò, vỏ hến khác, có gì đáng ngạc nhiên đâu. Có điều, nơi đây, tại căn nhà tròn hẻo lánh không người ở này, sự hiện diện của chiếc mai cua đốm, chỉ một chiếc thôi, cũng đã đủ khích động trí tò mò tìm hiểu của người ta rất nhiều. Lan Trinh ngẩn mặt, thừ người nghĩ ngợi:
- Quái! Mới hôm kia mình trèo lên đây, có thấy gì đâu...? Chẳng hiểu người nào đã lần mò, lén lút để vào đây? Ai nhỉ? Ai mà lại cũng biết lối trèo bí mật qua khe mái, lọt được vào đây? Và đặt chiếc mai cua ở ngay chỗ cửa sổ này để làm gì chứ? Hay một chú nhỏ nào…? Tụi nhỏ? À, mà quanh đây làm gì có trẻ con léo hánh tới đâu? Lạ thật! Lan Trinh cảm thấy buốt lạnh hai vai. Căn nhà bỏ hoang chợt có một vẻ gì bí hiểm đe dọa rờn rợn... khiến em rùng mình. Kể thì cũng ngớ ngẩn thật! Một chiếc mai cua đẹp liệu có gì đáng để phải hãi hùng như vậy? Nhưng, có điểm đáng ngại là… người đã đem mai cua tới đó, nếu y hãy còn lẩn quất đâu đây, và đang núp trong một xó xỉnh, góc tối nào đó?
Lan Trinh đứng chết trân tại chỗ, cổ họng khô đắng, hết sức lắng tai nghe ngóng.
Bên ngoài, đêm đã xuống hẳn, trời tối đen như mực. Gió nổi lên, luồn qua tàn cây rậm, gầm thét kinh hoàng. Một cánh cửa nhỏ bật chốt bị gió đập vào tường kêu lạch cạch; đôi lúc, mấy cái bàn ghế cũ vứt bỏ lay lắt trong nhà hoang, bị gió lay, lại chuyển mình răng rắc, lẫn với tiếng mọt đục gỗ nghe kèn kẹt như người nghiến răng.
Hoảng hốt, Lan Trinh run giọng tự nhủ:
- Trời ơi! Mình phải chuồn lẹ mới được!
Rồi tung chân, em chạy sầm sầm xuống cầu thang, nhảy ba bước đã hết sàn nhà dưới, leo tót qua chỗ cũ ra ngoài.
Gió mát lạnh khiến Lan Trinh hơi tỉnh lại.
- Rõ thật! Có ai đâu nào? Mình cũng ngốc tệ! Ừ, nếu có ai lẻn vào đây thì đã để lại vết chân trên mặt cát chứ!... À, không, không, dù có vết chân thì gió thổi, cát bay, cũng đã xóa lấp mất tiêu rồi còn gì.
Em bình tĩnh móc ổ khóa cũ rỉ vào khoen cửa đậy lỗ thông khói.
- Lần sau mình phải mua ổ khóa khác. Có thế mới mong giữ không cho người lạ lọt vào lối này được.
Đoạn, rảo bước, Lan Trinh cắm cổ đi nhanh về nhà. Càng về gần tới nơi, em càng thấy bình tĩnh hẳn lại. Và ngấm ngầm quyết định:
- Hừ! Chuyện chiếc mai cua đốm này có vẻ kỳ lạ lắm. Phải tìm hiểu bằng được mới nghe!
Khu biệt thự của ông Đông mang cái mỹ danh là Dạ Lan Trang, tọa lạc tại một khu vực hình dáng trông như một cái bán đảo, cách tỉnh lỵ Bà Rịa không đầy 10 cây số. Đi sâu vào phía trong nửa chừng ba cây số, là một thôn xóm dân chài đông đúc, có một tiệm tạp hóa rất lớn, bán cả đồ ăn thức uống. Bên trong vòng rào bao quanh biệt thự, đất rộng mênh mông, thông rừng và dạ lan hương to lớn, mọc chen chúc. Ra vào khu vực, phải qua một khung cửa lớn có khóa. Ngoài ra đều vây kín bằng dây kẽm gai. Trừ khi nước thủy triều lên, có thể tiến gần khu biệt thự bằng xuồng, ghe. Nếu không, thì không còn lối nào khác. Khi nước triều rút, bắt buộc phải đi vòng ra phía cửa chính mới vào được. Thêm nữa, khu vực lại ở xa tỉnh lỵ không có đông người chen chúc, việc kiểm soát những kẻ lạ mặt không mấy khó, nên gian phi không thể đột nhập bên trong khu vực Dạ Lan Trang được. Lan Trinh lúc đầu chưa quen với nơi chốn hẻo lánh này. Em thấy lòng buồn vô hạn vì phải xa cách bạn bè. Nhưng vì ba em đang cần nghiên cứu đời sống của loài vịt trời cánh xanh đuôi đỏ. Mà má em, bà Lâm, vì có một số học sinh xuất sắc yêu cầu bà luyện thêm cho họ về môn toán trong vụ nghỉ hè, phải ở lại Sàigòn, nên không theo chồng con ra hưởng gió bể được. Bà đã phải hết sức thuyết phục con gái:
- Xa ba và các con, má cũng buồn lắm! Ở nhà một mình thui thủi, trong khi cha con lại cần có má ở gần bên. trông nom cho miếng ăn, giấc ngủ. Nhưng biết làm sao! Gây uy tín của mình đối với học sinh không phải là chuyện dễ, đồng thời má cũng muốn kiếm thêm chút ít để kịp sửa chữa lại nhà cửa trước khi mùa mưa tới. Má chỉ còn trông cậy vào con. Chịu khó giúp má một tay: ra ngoài đó, cơm nước cho ba nghe!
Lan Trinh ngoan ngoãn vâng lời mẹ. Kỳ thật trong lòng em chẳng mấy vui.
Nhưng giờ đây, lâu ngày, ở đã quen, em lại thấy yêu mến cái không khí yên tĩnh bao quanh biệt thự Dạ Lan và vô cùng thích thú trước vẻ đẹp hùng vĩ của rừng cây, trời cao, biển rộng. Tâm hồn em thư thái nhẹ nhàng như một cụm mây trắng lâng lâng trên nền trời xanh trong vắt. Vậy mà bây giờ lại có vụ mai cua đốm này. Em cứ có cảm giác rằng có cái gì đó không bình thường. Nhưng có nên nói cho ba biết không nhỉ? Liệu có làm phiền ba vì những cái trẻ con đó không? Mấy lâu nay em cứ bâng khuâng vì thái độ hơi lạ của ông Lâm, cha em. Từ xưa tới nay, ba em vốn vẫn là một người ít nói, chỉ thích nghe nhiều. Nhưng có một điều kỳ quái là từ bữa hai cha con ra trú ngụ tại biệt thự của ông Đông, tức là nơi đây, ba lại im lìm một cách khác thường. Suốt ngày, từ 6 giờ sáng tới 6, 7 giờ chiều, ông cứ lần mò, tha thẩn, khi thì trên bãi cát, lúc lại bì bõm chỗ sình lầy um tùm lau sậy, cói lác mọc dại sum suê... rình mò mấy con vịt, ngỗng trời, để thu thập đầy đủ tài liệu viết sách.
Trí óc còn vấn vương vì sự hiện hiện kỳ dị của chiếc mai cua đốm trên thành cửa sổ căn nhà hoang, Lan Trinh về gần sát biệt thự lúc nào không hay. Đột nhiên, em khựng người đứng phắt lại: Trong sân biệt thự, có một chiếc xe vận tải cỡ nhỏ, cũ mèm, cửa sắt cửa kính đóng kín mít và thùng xe quây vải "bạt" bịt bùng. Hừ! Lại cái xe này nữa! Cửa vòng rào, lối duy nhất để vào khuôn viên Dạ Lan Trang, đã khóa kỹ, vậy cái xe kỳ dị này lọt qua lối nào đây. Khó hiểu thật! À! Mà xe kín mít thế kia, chắc chủ xe đã vào trong nhà rồi.
Lan Trinh xoay quả đấm, mở cửa bước vô. Có mỗi mình bé Khôi ốm yếu đang ngồi bật ngửa trên ghế bành giở sách hình ra coi. Em vui vẻ:
- Bé Khôi! Ngồi một mình đó hả?… Này, cái xe "tải" đậu phía ngoài sân của ai vậy?
Bé Khôi ngẩng đầu ngó chị:
- Ủa xe nào chị Trinh? Em đâu có biết! Ừa! Em có mỗi một mình hà! Chị Ba đi về rồi, chị ấy có dặn em là ba và chị cũng sắp về tới, đừng sợ gì hết!
Lan Trinh bỗng hỏi lớn tiếng:
- A! Vậy thì lạ thiệt! Không lẽ cái xe quỉ kia lại vượt dây kẽm gai mà vào? Tài xế lái nó chắc hẳn cũng chỉ quanh quẩn đâu đây thôi! Để chị ra tìm thử coi!
Dứt lời, em mở cửa chạy vụt ra, tiến lại gần bên xe. Cúi thấp người xuống, Lan Trinh đưa mắt quan sát tỉ mỉ. Số đăng bộ coi rất lạ, có vẻ như số xe tại DaLat hay Nha Trang gì đó. Mà không biết bên trong chứa hàng hóa gì mà đóng cửa, che tuồn kín bưng. Xoay tay cầm để mở, cánh cửa đã được khóa cứng ngắc. Đi dọc theo hông xe, em mò mò chỗ hổng định leo vào. Đột nhiên, phía sau lưng vang lên một câu nói ngắn gọn, có vẻ bực tức nhiễm đôi phần dọa nạt:
- Bỏ tay xuống!
Giật thót mình, Lan Trinh quay phắt lại: trước mặt em là một gã thanh niên cao dong dỏng, tóc đen nhánh bồng bềnh, đôi mắt sáng, tia nhìn loang loáng sau cặp kính trắng trong. Kỳ lạ! Gã lại cười phá lên thật ròn rã.
Lan Trinh kêu lớn:
- Úi chà! Anh Minh Tâm! Trời đất! Anh làm gì mà đến đây vậy? Và anh vào đây bằng cách nào đó?
Quả thật! Gã con trai đúng là Minh Tâm, bạn rất thân của Trung, anh ruột Lan Trinh. Người thanh niên cúi thấp người, trịnh trọng một cách khôi hài cố ý, nhiễm đôi phần giễu cợt tinh quái:
- Kính chào Lan Trinh cô nương! Rất hân hạnh được gặp lại Lan Trinh! Một Lan Trinh kháu khỉnh hơn trước quá xá!
Bất giác, cô nữ sinh hơi cau cặp chân mày:
- Này anh Tâm! Đừng có chế em đó nghe!
Gã con trai vội vã:
- Ấy! Lan Trinh đừng nghĩ lầm nhé! Thực tình tôi không có ý đó. À, em gặp tôi tại chốn này, chắc ngạc nhiên lắm hả? Thôi được, có dịp tôi sẽ nói rõ để Lan Trinh biết. Giây phút này, sương xuống nhiều, lạnh dữ! Trinh cho vào nhà sưởi ấm chút xíu thì hay quá! Tôi chờ lâu lắm rồì đó!
Minh Tâm đưa tia mắt nhìn quanh và nụ cười vui lại điểm trên viền môi tươi,
- Ha! Đúng là lâu đài của "nàng tiên ngủ trong rừng". Hà, hà!… À! Mà Lan Trinh đi đâu về đó?
Em chợt nhớ bài học về phép xã giao khi có khách tới nhà mà má em đã căn dặn:
- Ôi chà! Anh tha lỗi nghe anh Tâm! Mời anh vào đi! Em vừa ở bờ biển thả bộ về! Có ý kiếm ba em ngoài bãi cỏ rậm sình lầy đằng kia mà chẳng thấy. Ông cụ chỉ mải mê mấy con chim trời ngoài đó hoài. Chị Ba Thùy thì đã về nhà trong xóm chài rồi. Ở nhà còn mỗi mình bé Khôi.
Hai anh em vào nhà. Chợt Lan Trinh lên tiếng hỏi:
- Anh dùng cái xe đó chở gì vậy? À, xe gì mà trông phát khiếp thế hả, anh Tâm?
Minh Tâm loáng tia mắt nhìn cô em gái bạn thật nhanh:
- À… xe của tôi bị hư máy! Cho nằm bẹp chờ xem có mua được đồ phụ tùng thay thế không đó. Lan Trinh đừng thấy nó "cà tàng" như vậy mà xem thường nghe! Tốt lắm, được việc lắm nghe! Bốn vỏ bánh xe còn mới toanh hà!
Cô nữ sinh ngây thơ cũng không "căn vặn" nữa mặc dầu câu trả lời của Minh Tâm có vẻ "trật đường rầy" hết trơn, chẳng có điểm nào thỏa mãn được trí tò mò muốn tìm hiểu của cô em gái bạn. Nhưng Lan Trinh vẫn không ngăn nổi một câu hỏi đốt cháy môi em nếu không phát ra được thành lời:
- À, nhưng anh làm cách nào mà chạy vào tới tận đây được! Anh làm gì có chìa khóa mở cổng rào?
Câu trả lời lại bắt đầu tinh quái:
- À! Bí mật, bí mật!… Một ngày nào đó, Lan Trinh sẽ biết!
Em phùng miệng, chẩu môi, tia mắt nguýt dài người bạn của anh:
- Anh Tâm kỳ ghê! Lúc nào cũng coi em như con nít vậy. Em không thèm nói chuyện với anh nữa đâu!
Lại tiếng cười ròn rã của Minh Tâm. Bé Khôi chợt đứng phắt lên, chạy lại, lao vào lòng gã con trai, miệng reo to mừng rỡ: "Anh Tâm! Kẹo của em đâu?" - Minh Tâm móc túi lấy kẹo đưa cho bé Khôi rồi hai anh em ngồi xuống ghế bành ríu rít chuyện trò, trong khi Lan Trinh nheo mũi một cái rồi lủi thật nhanh xuống bếp.
Em thấy tâm trí bình tĩnh hẳn lại khi bắt đầu chuẩn bị bữa. Lắng nghe, trên nhà đã có tiếng ông Lâm nói cười với chàng thanh niên.
Lan Trinh chép miệng, giọng buồn buồn:
- Hừ! Ai cũng quí anh Tâm hết... trừ mình. Cứ kể ra thì cũng có thể quí mến anh ấy như anh Trung được đấy! Chỉ ghét cái tội cứ hay chế nhạo "người ta", coi "người ta" như con nít vậy!
Tết này là 15 tuổi chẵn rồi, nhưng Lan Trinh nhỏ người, nét mặt xinh xắn hồn nhiên. Và Minh Tâm, bao giờ cũng coi em như một cô bé con, và đùa vui, chế giễu đủ điều cho Lan Trinh tức mình chơi.
Khi Lan Trinh bưng khay bánh ngọt, cà phê sữa lên nhà, em được một tràng pháo tay tiếp đón. Miệng nở nụ cười tươi, đôi mắt Minh Tâm hau háu nhìn đĩa bánh ngọt, ly cà phê thơm bốc khói... đụng ngay cái nguýt thật dài của Lan Trinh.
Minh Tâm cười ha hả nói với ông Lâm:
- Chà! Bác ơi! Bây giờ cháu mới hết hoa mắt và khỏi hẳn cả đau bụng đó bác!
Vừa nói, gã con trai vừa ăn nốt chiếc bánh bông lan thứ sáu, chiêu một hớp cà phê ngon.
Một lúc sau, Minh Tâm đứng lên từ giã ông Lâm. Lan Trinh sốt sắng hỏi gã con trai định đi đâu bây giờ và có định về nhà ở Sài Gòn không?
- À không! Tôi còn quanh quẩn tại vùng này một thời gian để thanh toán xong một công việc cần thiết. Tôi ở trọ ngoài tỉnh, nhưng nếu bác và Lan Trinh cho phép, thì thỉnh thoảng tôi xin được ghé thăm bác và em. Và... nhất là cám ơn Lan Trinh về cái món bánh bông lan, cà phê ngon quá xá vừa rồi! Thôi, anh đi nghe, bé Khôi! Hôm nào trở lại, anh sẽ chở em đi một vòng, nghe!
Giáo sư Lâm thân hành tiễn Tâm ra đến tận chỗ để xe. Và hai người còn đứng lại nói chuyện gì lâu lắm. Khi cha quay vào nhà, Lan Trinh liến láu hỏi ngay:
- Ba ơi! Không hiểu làm sao anh Tâm lại có thể chạy xe vào tới tận đây được, hả ba? Cửa rào đóng khóa mà? Và hiện thời anh ấy đang bận làm công việc gì ở đây vậy, ba?
Sau gần một phút ngập ngừng, giáo sư Lâm lên tiếng:
- Ba đã giao cho nó một chiếc chìa khóa riêng vì lý do công việc của nó buộc nó phải vào đây luôn luôn. Và ba chắc là bác Đông cũng đồng ý như vậy. Còn cha con mình thì... khỏi nói rồi.
Cô bé tò mò giương to mắt:
- Công việc? Mà anh Tâm làm công việc gì đó, ba? Anh lái cái xe vận tải gì đâu coi xập xệ, kỳ quá hà! Anh làm công việc gì hả ba, con chịu, đoán không ra! Hỏi anh, anh cũng không chịu nói gì hết à!
Nét mặt ông Lâm tỏ vẻ đăm chiêu khó nghĩ. Lặng thinh một lúc lâu, ông mới nói:
- … Nếu Tâm nó không muốn nói cho con biết ắt hẳn cũng có một lý do riêng nào đó. Nếu là con, ba sẽ thôi không hỏi nó nữa làm gì. Ba chắc nó cũng đang lo làm một công việc gì đó có ích lắm chứ chẳng không đâu. Mà thôi, con còn bé, cũng chẳng cần tìm hiểu nhiều làm chi!
Trí tò mò không được thỏa mãn, Lan Trình bực mình lắm nhưng chỉ đành hậm hực ngấm ngầm. Suốt bữa cơm chiều em ngồi lặng thinh, cắm cúi ăn không nói một tiếng. Bé Khôi ngây thơ cứ láu táu "anh Tâm thế này...", "anh Tâm thế nọ..." khiến em càng thêm ức vì gã thanh niên khó hiểu này, quát lên bắt chú bé im miệng đi.
Cơm xong, Lan Trinh rủ bé Khôi đánh một ván cờ cá ngựa rồi đưa em đi ngủ. Thắc mắc hoài về chiếc xe kỳ quái và hành vi bí mật của Minh Tâm, Lan Trinh quên bẵng ngay chuyện chiếc mai cua đốm.
Khi bé Khôi đã ngủ say, em chợt có ý định ra ngoài đi dạo một vòng quanh vườn. Choàng thêm chiếc áo lạnh, Lan Trinh mở cửa bước ra. Trời sáng trăng vằng vặc in rõ hình từng gốc cây trên đường đi. Gió đêm lành lạnh. Cảnh vật im lặng, vắng vẻ tĩnh mịch. Lan Trinh bước theo con đường mòn dẫn tới những cồn cát nằm sát ngay bờ vịnh. Mặt biển êm, không một gợn sóng, bóng láng như mặt gương.
Em cảm thấy lạnh, vội vàng bước nhanh trên cát cho ấm người. Trên làn cát ấm, một vật gì trắng trắng phản chiếu ánh trăng lấp loáng. Lan Trinh cúi xuống lượm lên: một chiếc mai cua đốm giống hệt chiếc em đã bắt gặp trong căn nhà bỏ hoang.
Cảm giác rờn rợn lúc chiều chợt trở lại. Em hoảng hốt nhìn quanh. Vừa quay lại, Lan Trinh không ngăn nổi một tiếng la khẽ vì kinh ngạc: một khối lù lù đen trùi trũi, một nửa rút kín vào bụi, một nửa nhô ra ngoài, ngay dưới chân cồn cát lớn.
- A! Anh Tâm vẫn còn lẩn quẩn ở đây, chưa đi!
Đúng thế! Dưới ánh trăng vằng vặc, rõ ràng chiếc xe cà tàng của gã thanh niên tinh quái: Có điều khác là giờ đây nó không còn bưng bít như lúc ban ngày. Tấm bạt phía sau mở bung ra, vắt lên nóc xe. Nhưng bên trong tối mò không ngó thấy cái gì hết. Ngay bên thùng xe, bóng dáng cao dong dỏng của Minh Tâm đứng sừng sững, im lìm, quay lưng lại phía Lan Trinh. Và hai tay gã con trai giữ một vật gì, đưa lên áp chặt vào tai như chú tâm nghe ngóng.
Ngây người có tới mấy phút đồng hồ, Lan Trinh chợt có ý định chạy ù lại hỏi xem Minh Tâm đang mải mê làm cái chi vậy. Nhưng, lời cha dặn bỗng văng vẳng bên tai khiến em kìm chân lại kịp. Một lý do nữa khiến Lan Trinh không muốn giáp mặt gã thanh nìên: cái tính tình thích khôi hài diễu cợt, nét môi cười tinh quái cùng tia mắt loang loáng sau cặp kính cận của Minh Tâm.
Lan Trinh quay mạnh gót chân, đặt bước đi về biệt thự.
Làn nước mát từ vòi trong bồn rửa mặt chảy ra khiến tay và mặt em mát rượi. Trí óc tỉnh táo, em tự nhủ:
- Chà! Hôm nay là ngày gì mà lắm cái bất ngờ! Chắc còn nhiều chuyện lạ nữa đây chớ không đâu!
Gieo mình thoải mái ngồi lên tấm nệm vải căng trắng muốt, một ý nghĩ chợt đến trong đầu óc Lan Trinh như một tia chớp lóe nhanh trong màn đêm tăm tối:
- Hừ! Hay là anh Tâm có cái gì dính dáng đến chiếc mai cua lạ lùng này?
@by txiuqw4