sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

- Vận Nô nghe tôi đi, mẹ cô mất đã hai tháng rồi, cô tính rồi đây ra sao, phải quyết một bề đi, suốt ngày ngồi trong nhà lau nước mắt thì không xong đâu. Khóc mãi ốm người mất, mà cũng chẳng giải quyết được việc gì. Hơn nữa để mẹ cô mãi trong miếu không phải là kế lâu dài, phải đưa linh cữu về quê chứ? hay định chôn ở đây? Hay đi tìm ông cậu rồi bàn cách giải quyết? - Thím Lý ngồi bên cạnh Vận Nô, đặt tay lên vai cô, ân cần khuyên bảo.

- Ôi, thím Lý ơi, quả thật cháu không biết tính thế nào cả! - Vận Nô cúi đầu, không ngừng vặn chiếc khăn lụa trong tay - Trước kia, việc gì cháu cũng biết nghe theo mẹ cháu, bây giờ, mỗi mình cháu là con gái, chẳng biết tính ra sao. Cháu chỉ buồn là đã không đi theo mẹ cháu thôi.

- Cô bé nói dở quá đi, tuổi còn trẻ thế này, biết đâu lại chẳng gặp nhiều may mắn về sau! - Thím Lý kéo tay Vận Nô, nhẹ nhẹ vuốt ve an ủi Vận Nô, có phải trước kia mẹ cháu thường nói đi tìm cậu ở thành X đấy sao? Nay sao cháu không đi?

Trước khi mất mẹ cháu cũng bảo cháu đi tìm ông cậu, nhưng... nhưng... nhưng từ đây đến đó hàng mấy trăm dặm mà cháu thì trong người không có nổi một đồng xu, tiền quan tài của mẹ cháu còn phải nhờ thím và Chu công công, đến tiền thuê căn nhà này của thím cháu cũng đã trả được đâu.

- Thôi nào, Vận Nô, nói đến tiền nhà mà làm gì, hai gian nhà này của thím để không thì cũng đến vậy mà thôi. Cháu phải rời bỏ quê hương, gặp bao nhiêu biến cố thế này, chúng tôi chẳng giúp thì ai giúp? - Thím Lý ôn tồn nói và nhìn Vận Nô thương cảm - Vận Nô ạ, giá mà giúp được cháu một chút tiền thì tốt quá, nhưng cháu biết đấy, thím cũng chẳng giàu có gì...

- Ôi, thím Lý ơi, thím giúp cháu nhiều lắm rồi mà, cháu thật không thể để thím phải tốn kém nhiều cho cháu nữa. Cháu nghĩ... cháu muốn đi may vá thuê để kiếm một chút tiền... - Vận Nô nghẹn ngào nói.

- Không phải nói để cháu nản đâu, Vận Nô này, nếu cháu định may thuê vá mướn để kiếm kế sinh nhai và về quê thì có kiếm suốt đời cũng chẳng đủ. Ở đây là trấn nhỏ nhà cửa thưa thớt, người ít, có ai phải thuê người may vá đâu, họ đều tự làm lấy cả. Chỉ có nhà họ Châu ở phía Tây thành là giàu có, nhưng họ đã nuôi mấy người trong nhà để khâu vá rồi. Thím thấy cách của cháu có lẽ không được đâu.

- Vậy thì... vậy thì... cháu còn biết làm thế nào nữa? Cháu... cháu còn biết ít chữ...

- Cái đó cũng chẳng dùng được có ai mời thầy giáo đàn bà đâu. Vận Nô cúi đầu thấp hơn nữa, đôi mắt đen ngơ ngác dưới mái tóc chỉ che trước trán trông thân thương và tuyệt vọng, hàm răng trắng nhỏ cắn vào môi buồn bực, bứt rứt. Thím Lý nhìn cô suy nghĩ rất lâu rồi chợt như nghĩ được kế gì, vụt đứng lên nói:

- Đúng rồi, Vận Nô thím có cách rồi.

- Gì cơ?

- Thím nhớ cái hôm mẹ cháu mất, cháu có cầm một chiếc vòng...

- Vòng pha lê! - Vận Nô nói

- Phải, vòng pha lê đó có thể có giá đấy...

- Nhưng... nhưng... lúc mẹ cháu sắp đi, còn cố lắp bắp định nói gì với cháu về chiếc vòng này, nhưng đã không kịp nói thì..., mẹ đã bán đi tất cả mọi thứ, chỉ còn chiếc vòng này không nỡ bán, lại nói đó là báu vật bảo cháu phải giữ gìn cẩn thận sợ rằng đó là báu vật gia truyền, cháu không bao giờ dám bán đi đâu!

- Ồ, đó là của báu gia truyền ư? - Thím Lý tự nhiên cụt hứng đứng dậy, chậm rãi bước quanh căn phòng, tay khoanh trước bụng. Lúc sau, thím chợt đứng lại trước mặt Vận Nô.

- Vận Nô này, thím xem chiếc vòng pha lê đó một chút được không?

- Được ạ?

Vận Nô lấy cái tráp đỏ ra, mở khóa, lấy túi thêu và trịnh trọng rút chiếc vòng ra đưa cho thím Lý. Thím cũng cầm lấy một cách rất cẩn thận và chăm chú xem. Chiếc vòng trong vắt, phát sáng long lanh, những nét điêu khắc nhỏ hơn sợi tóc trên đầu, trên cánh trên đuôi chim phượng không khỏi khiến người xem tấm tắc thán phục! Thím Lý suýt xoa sống quá nửa đời người, mới lần đầu nhìn thấy một vật báu hiếm có trên thế gian như vậy! Thím buộc miệng khen.

- Trời, thật là quá đẹp!

- Mẹ cháu cũng nói đó là của quí mà.

- Thôi cất đi đi, không thím cầm cũng lo lắm, chỉ sợ đánh rơi vỡ mất thì chết - Nhìn thấy Vận Nô cất vòng xong, trầm ngâm giây lát, thím lại nói - Thím lại nghĩ ra cách rồi.

- Cách gì cơ ạ?

- Có biết tiệm cầm đồ "Hữu Lợi" ở trấn này không?

- Có ạ - Vận Nô đã hơi xấu hổ vì đến trấn này mới hơn bốn tháng mà đã đến tiệm cầm đồ đó những mấy lần.

- Người coi tiệm ở đó đều rất sành hàng hóa, sao cháu không đem vòng pha lê đến để cầm cho họ lấy một khoản tiền nhỉ? Cháu xem nhé, cầm đồ không giống bán đứt đâu, chỉ cần trước khi đến hạn, mình có thể đưa tiền ra chuộc là đồ của mình vẫn nguyên vẹn về tay mình. Thím tính cho cháu nhé: tốt nhất cháu hãy đi cầm cái vòng để lấy một khoản tiền rồi đi ngay đến thành X mà tìm ông cậu, tìm được cậu rồi, cháu có thể quay về an táng cho mẹ và chuộc vòng của cháu. Đấy như vậy có phải là vẹn cả mấy đường không? Vừa giữ được vòng quí, vừa gặp được cậu cháu.

Vận Nô suy nghĩ một lúc lâu.

- Tốt thì có tốt, nhưng... nếu cậu cháu không chịu đến thì sao?

- Mẹ cháu đã phải cố lặn lội đường xa như vậy để đi tìm cậu, chắc cũng tin là việc có thể thành. Thím nghĩ ông cậu chẳng đến nỗi không nhận một người ruột thịt nghèo như cháu. Với lại, cháu không đi hỏi ông ấy xem, biết đâu ông ấy biết lai lịch chiếc vòng kia! Nếu quả thật đó là vật báu gia truyền thì ông ấy cũng sẽ không để cho nó thất lạc ra ngoài đâu.

Vận Nô cắn môi, nghĩ ngợi cân nhắc rất kỹ, cảm thấy hình như ngoài cách của thím Lý ra, cũng chẳng còn cách nào khác. Nghĩ lại lúc lâm chung, mẹ đã trịnh trọng trao chiếc vòng cho mình như là trong đó có gì bí hiểm lắm, phải chăng mẹ cũng muốn mình nhờ vào nó mà đến được thành X nhỉ? Không, không, mẹ đã nói rõ là phải giữ gìn cẩn thận cơ mà? nhưng bây giờ thì không thể làm gì được nữa rồi. Trong khi nguy cấp không thể không tìm thấy một lối ra! Cô gái cắn răng, gật mạnh đầu:

- Thôi được rồi! Thím Lý ạ, chiều nay cháu sẽ đến tiệm cầm đồ thử xem sao. Hi vọng họ có thể ứng cho cháu một món tiền đáng giá.

Và thế là chiều hôm đó, Vận Nô đã ôm chiếc túi thêu bước vào tiệm cầm đồ Hữu Lợi.

Đi cầm đồ với Vận Nô không có gì là lạ lẫm cả. Từ khi lên đường rời quê hương, mẹ con cô đã từng vào nhiều tiệm cầm đồ rồi. Các tiệm đó bố trí gần giống như nhau: một bức rèm châu treo trước cửa lớn, bên trong cửa là ánh sáng lờ mờ, một bục tủ cao cao, một người trông quầy đứng nấp sau bục tủ, một cái cửa nhỏ để đưa đồ vào cầm. Tuy không còn lạ nhưng Vận Nô vẫn không nói nổi những tâm trạng bức xúc, hồi hộp bất an và hơi xấu hổ. Khi còn ở quê nhà, Vận Nô cũng là một khuê tú trong một nhà có tiếng tăm, ông bố đã từng làm quan ở kinh thành, chỉ vì thời vận không đến, mới từ quan về quê sống bằng nghìn mẫu ruộng tốt của nhà. Cuộc sống cũng vẫn mười phần dễ chịu, Vận Nô vẫn là thiên kim tiểu thơ có a hoàn nhũ mẫu hầu hạ. Lúc đó, cô nằm mơ cô cũng không nghĩ được rằng, một ngày nào đó mình sẽ trở thành người lang thang cơ nhỡ đơn độc trên đường ly biệt quê hương, co ro cúm rúm bước vào tiệm cầm đồ thế này, ôi giá như quê nhà không mắc phải thiên tai, hết hạn đến lụt rồi lại ôn địch... giá mà cha mình không quá hảo tâm phát tán hết cả của cải để cứu người nghèo đến thế, hoặc cha không mất sớm như vậy... giá mà những họ hàng thân thích kia không phải là những tên cùng hung cực ác đã bắt nạt quả phụ cô nhi, hoặc mình còn có một người anh em trai có thể thừa kế nối dõi tông đường... giá mà... Ôi, nếu không có bao nhiêu cái giá mà đó, thì làm sao mà bà mẹ lại chết khổ ở nơi đất khách quê người? làm sao cô phải cô đơn khổ cực không còn lối thoát thế này?

Vận Nô đứng trước quầy hàng trong lòng đương thổn thức nghĩ ngợi lan man. Người trông quầy nhìn qua cửa quầy, thấy Vận Nô đứng đấy, nét mặt vừa bần thần vừa có vẻ ngượng ngùng. Những người trông quầy thường là loại gặp nhiều hiểu rộng, chỉ cần quan sát qua cử chỉ quần áo của Vận Nô là đã biết cô vốn là con gái nhà giàu chẳng may sa cơ lỡ vận.

- Cô định cầm đồ phải không? - Ông ta hỏi một cách ôn hòa.

- Vâng, mời ông xem hàng - Vận Nô thận trọng rụt rè đưa cái túi thêu ra - Xin ông nhẹ tay cho, kẻo vỡ mất.

Người trong quầy rút chiếc vòng pha lê ra, giơ lên ánh sáng, ông ta xem rất chăm chú, hồi lâu dường như giật mình, ngẩng đầu lên nhìn Vận Nô một cách rất nghi hoặc. Ông ta nhìn đi nhìn lại cô gái, ánh mắt rất kỳ dị và đầy vẻ không tin tưởng. Rất lâu sau, ông ta mới đứng dậy hơi có ý căng thẳng và nói:

- Thưa cô, mời cô ngồi sang bên này đợi một chút uống chén nước chè nóng, để tôi còn đưa vòng cho ông chủ nghiên cứu kỹ thêm, chắc cô cũng biết đây không phải là một vật tầm thường?

Quả nhiên là một báu vật rồi. Vận Nô gật gật đầu, theo chân người trông quầy đi sang một gian nhà nhỏ khác, ngồi xuống một chiếc ghế bằng gỗ đàn tía. Người trông quầy cầm vòng đi vào trong nhà, chắc là để cùng ông chủ xem xét đánh giá nó. Vận Nô thấp thỏm ngồi chờ, trong lòng hồi hộp nghĩ đến giá trị của chiếc vòng pha lê, Lát sau, một đồ đệ nhỏ bưng đến cho cô một cốc nước chè thơm ngon nóng bỏng tay; lại một lát nữa, chú nhỏ khác đưa đến cho cô chiếc lồng ấm sưởi tay; chỉ tội không biết là người trông quầy ở đâu mà mãi không trở lại.

Vận Nô uống một ngụm trà, ôm lồng ấm trong vạt áo, và cố công ngồi đợi, cô không ngờ là họ lại nghiên cứu cái vòng lâu đến thế. Cô thấy chú nhỏ vừa bưng trà cho cô chui qua bức rèm và đi ra ngoài phố, cô thấy một con mèo vàng đang gừ gừ trên mặt quầy... chén trà của cô đã nguội hẳn từ lâu.

Cuối cùng người trông quầy cũng đã trở ra, nhưng tay ông ta không có chiếc vòng.

- Thưa cô, cô đợi thêm một chút - Ông ta mỉm cười, nhưng ánh nhìn của ông ta lại có vẻ đang dò hỏi xét nét một cái gì thâm thúy lắm - Ông Triều Phụng đang xem vòng của cô! Thưa cô, trước nay cô có đến đây rồi thì phải.

- Vâng - nỗi thấp thỏm của Vận Nô tăng lên. Có thể là cô không nên mang vòng đi cầm, hay là cái vòng quá quí, không thể đánh giá được.

- Cô định cầm chiếc vòng đó lấy bao nhiêu bạc ạ?

- Ông xem có thể được bao nhiêu? - Vận Nô bẽn lẽn nói - tất nhiên cũng hy vọng được nhiều một chút, tôi chỉ định cầm độ nửa năm thôi, có khi còn phải chuộc lại cũng nên.

- Ủa - Người trông quầy thốt ra một tiếng và tia mắt ông ta lại chĩa sang phía cô, đánh giá, soi mói cô từ đầu đến chân. Không hiểu tại sao trong đáy mắt ông ta lại còn chứa đựng cái gì đó như là tiếc thương và hồi hộp - chiếc vòng này, chắc hẳn là... chắc hẳn là... đồ gia truyền của nhà cô chăng?

- Đúng là của gia truyền, vì vậy mới cần chuộc lại.

- Ồ, vâng, thưa cô - Người kia vẫn tiếp tục cái nhìn xét nét, làm cho Vận Nô thấy càng áy náy không yên. Nhưng, chẳng biết cô đã nghe ai nói chăng, " cầm đi thì dễ, chuộc về thì khó " chưa?

à, thì ra là ông ta sợ mình không đến chuộc? Vận Nô ôm chặt cái lồng ấm hơn và ngồi thẳng lưng lên.

- Nhất định tôi sẽ đến chuộc, tôi chỉ thiếu có một ít tiền đi đường thôi.

- Cô định rời khỏi đây ư?

- Vâng tôi định đến thành X, để tìm cậu tôi - Vận Nô nói, và cô bắt đầu cảm thấy khó chịu. Cô đến để cầm đồ, chứ đâu phải đến để nói chuyện phiếm, cầm có một cái vòng mà lôi thôi rắc rối thế này ư? Đang trầm ngâm suy nghĩ thì nghe tiếng mành cửa rung lên, chú nhỏ vừa ra phố đã quay lại, đi cùng với hắn là những mấy người đàn ông cao to lực lưỡng. Người trông quầy lập tức rời bỏ cô để đón tiếp những người mới đến, một mặt nói với cô:

- Xin cô ngồi lại một lúc nữa là được.

ông ta đưa mấy người đàn ông vào phía trong, rõ ràng mấy người này đến không phải để cầm đồ, mà họ là bạn của ông chủ tiệm. Vận Nô tiếp tục ngồi ở đó, bàn tay rỗi việc mân mê cái lồng sưởi nhỏ. Chú nhỏ lại xuất hiện, rót trà nóng cho Vận Nô và đứng luôn bên cạnh đó không đi đâu nữa. Vận Nô tự nhiên cảm thấy rợn rợn, một nỗi sợ hãi kinh khủng kỳ lạ nào đó trùm lên người cộ Bây giờ cô mới mơ hồ cảm thấy như từ lúc bắt đầu đưa ra chiếc vòng pha lê thì mọi việc xảy ra với cô đều trở nên không bình thường. Cô hoang mang nhìn xung quanh, căn phòng lặng ngắt âm u này, bộ tủ quày nặng nề kia, tấm rèm đung đưa theo gió ngoài cửa và chú nhỏ đang đứng tráo mắt canh chừng nó... Nỗi sợ hãi càng tăng lên, đè nặng cô xuống. một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng, dần dần dâng lên đầu. Cô đứng bật dậy bảo chú nhỏ:.

- Nói với mấy ông giữ quầy, đưa trả vòng cho tôi, tôi không cầm nữa.

Chú nhỏ còn chưa kịp nói gì thì người trông quầy đã bước gấp ra ngay, theo sau ông ta là mấy người đàn ông lực lưỡng kia và ông chủ tiệm cùng với Triều Phụng. Họ đi thẳng đến chỗ Vận Nô và đứng lại, Vận Nô chợt nhận ra mình đã bị bao vây trong một lớp bình phong bằng người sống, dày đặc rồi. Bốn phía đều là những đôi mắt trợn trạo dữ dằn, và những bộ mặt không có gì là thiện ý. Vận Nô nhìn bọn họ toàn thân bỗng run bắn, miệng lắp bắp nói:

- Các... các ông... định làm gì?

Một người đàn ông bước lên trước một bước, bàn tay hộ pháp của y đột nhiên túm chặt lấy cổ tay cô như một con diều hâu quắp con gà con vậy; một người khác rút ra sợi đây thừng to tướng:

- Các... các ông... các ông sao lại... sao lại... - Vận Nô sợ hết hồn hết vía, mặt trắng bệch ra - Các ông... các ông định lấy vòng... hay định bắt người.

- Cả vòng lẫn người! - một người nói và quặc tay cô ra sau lưng trói nghiến lại.

- Xin... xin các ông tha cho tôi, cái vòng... cái vòng... vòng các ông lấy đi, biếu các ông!

Vận Nô run bần bật, nước mắt lưng tròng. Thật không thể nào ngờ được, đi cầm chiếc vòng đó mà lại bị sa vào cái họa sát thân! cô ngẩng mặt nhìn người coi quầy cầu cứu:

- Thưa ông, xin ông làm ơn làm phúc, xin ông làm ơn làm phúc!

Nước mắt thành dòng rơi xuống đôi má trắng bệch của cô, thân hình nhỏ nhoi của cô bị quay tròn trong tay bọn công sai lực lưỡng để cho cái dây thừng to lớn quấn chặt cô lại. Trông cô thật quá nhỏ bé đơn độc đáng thương xót

- Chà, cô gái ạ - người coi quầy hơi có vẻ xúc động chép miệng một tiếng, nói với Vận Nô - thật không phải với cô, nhưng tôi không có cách nào cứu cô được, tôi phải phục tùng mệnh lệnh, phải theo việc công. Ai bảo cô đem vòng ra cầm nào? Tất cả các nhà cầm đồ chúng tôi đều đã có bản vẽ của chiếc vòng đó đấy!

- Cái vòng đó... cái vòng đó... cái vòng đó thì có gì là không tốt? - Vận Nô cãi lại, cô tức run người, nước mắt lã chã:

- Đừng hỏi nữa, đi theo chúng ta! Đừng ở đây mà vờ vịt! - một tay công sai kéo dây trói trên mình cô - Thật không thể nhận ra được tên kẻ cắp lại là cái cô xinh xắn thế này!

- Kẻ cắp - Vận Nô giật nảy mình, lúc nào cô mới nhận ra mấy người cao to lực lưỡng kia chính là bọn công sai chuyên đi bắt người của phủ huyện, răng cô đánh lập cập, mắt mở to đến hết mức - Trời ơi! tôi đã làm kẻ cắp bao giờ?

- Lại còn cãi nữa! cô muốn nói thì gặp quan huyện mà nói! - bọn họ giải cô đi ra cửa. Ngoài cửa tiệm đã có một đám đông những người hiếu sự đang xúm xít đứng xem, chỉ chỉ trỏ trỏ bàn tán xôn xao làm cho Vận Nô vừa xấu hổ, vừa sợ hãi, vừa buồn bực, vừa phẫn nộ. Cô chỉ muốn chết đi cho rảnh. Cô khóc nức lên:

- Thế tôi đã ăn cắp cái gì cơ chứ?

- Những thứ khác thì chưa biết, nhưng cái vòng pha lê kia thì đích là ăn cắp của nhà họ Châu ở phía Tây thành rồi! họ đã báo quan từ mấy tháng trước kia, đã vẽ lại hình và đưa các nơi tra xét từ lâu rồi, còn cô ăn cắp những thứ gì nữa thì tự ra mà nói ở ngoài công đường!

- Vòng pha lê! Vòng pha lê! - Vận Nô đau đớn kêu, ngửa mặt lên trời, mặt lại nhòe nước - Trời ơi, cái vòng pha lê chết người kia, Mẹ Ơi, mẹ đưa con cái vòng đó, rốt cuộc là có ý gì đây?

ông Trình Chính là huyện thái gia đã phải thăng đường, ông ngồi trên đài cao nhìn Vận Nô đang quì trước mặt. Vận Nô bị bắt hôm qua và bị giam suốt đêm ở nhà lao đàn bà, đã khóc sưng đỏ cả hai mắt, đầu tóc rối bù. Mặc dầu chẳng phấn son, không chải chuốt, ở cô vẫn toát lên vẻ sáng sủa, thanh thoát ưa nhìn. Đôi mắt trong sáng, nét mặt thẳng thắn thật thà, cô không mảy may mang dáng nét gì có vẻ yêu ma tà khí. Ông Trình Chính vốn là một quan thanh liêm, trước nay đều sáng suốt minh bạch, xem xét sự việc rạch ròi công tâm. Nhìn Vận Nô ông quả không dám tin cô là kẻ cắp, trước nay ông vẫn tin vào khoa " xem tướng mặt" nếu cô gái quì trước mặt ông mà đúng là kẻ cắp thật thì thuật xem tướng của ông kể như hỏng cả.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx