sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1) - Phần 1 - Chương 08 - 09

Phần I

Chương - 8

Khách và chủ im lặng một lúc. Bá tước phu nhân nhìn bà khách, mỉm cười nhã nhặn, song nụ cười của phu nhân cũng không giấu diếm rằng nếu bà khách có đứng dậy ra về, thì phu nhân cũng không hề mảy may luyến tiếc. Cô con gái của bà khách đã kéo tà áo lên, mắt nhìn mẹ có ý dò hỏi, thì bỗng từ phòng bên nghe có tiếng chân chạy về phía cửa ra vào, tiếng giày nam giới xen với tiếng giày của phụ nữ, tiếng một chiếc ghế bị vướng vào áo đổ kềnh ra sàn nhà, rồi một cô gái mười ba tuổi vụt chạy vào phòng khách, tay thu thu một vật gì dưới chiếc váy sa ngắn. Cô bé chạy đến giữa phòng thì dừng phắt lại. Hẳn là cô bé chạy quá đà mà tình cờ đâm bổ vào phòng khách. Ngay lúc ấy ở khung cửa hiện ra một chàng sinh viên mặc áo có ve cổ màu gụ, một sĩ quan cận vệ, một cô gái mười lăm tuổi và một cậu bé hồng hào mặc áo chẽn trẻ con.

Bá tước vụt đứng dậy và dang rộng hai tay, nhún nhảy bước đến ôm lấy cô bé vừa chạy vào, cười lớn nói:

- A! Đây rồi, cô bé được ăn mừng ngày lễ thánh đây rồi! Con gái yêu của tôi đây rồi!

Bá tước phu nhân làm ra vẻ nghiêm nghị nói:

- Con ơi, chơi đùa cũng phải tuỳ lúc chứ con? - Rồi phu nhân quay sang phía chồng. - Eli(1) mình thì lúc nào cũng nuông nó quá.

(1) Elie (tức Ilya) gọi theo lối Pháp.

- Chào cô bé, - Bà khách nói, - Tôi xin có lời mừng cô! - Đoạn quay về phía bá tước phu nhân nói thêm. - Cô bé kháu quá nhỉ!

Cô bé không đẹp, nhưng rất lanh lợi, có đôi mắt đen, cái miệng hơi rộng, đôi vai xinh xinh để hở hơi trật ra khỏi lồng áo vì vừa chạy nhanh, mớ tóc đen lượn sóng hất ngược ra phía sau, hai cánh tay mảnh dẻ để trần; phía đưới chiếc quần đăng-ten, đôi chân thon thon đi giầy hở mu; cô gái đang ở vào cái tuổi đáng yêu khi người thiếu nữ không còn là đứa trẻ nữa, nhưng đứa trẻ cũng chưa thành người thiếu nữ.

Cô bé gỡ hai tay bá tước ra rồi chạy lại bên mẹ, và không hề để ý đến lời quở trách nghiêm nghị của bá tước phu nhân, cô bé úp cái mặt đỏ ửng vào chiếc áo choàng thêu đăng ten của mẹ và cười rúc rích. Không biết cô ta thú cái gì mà cứ cười mãi, vừa cười vừa nói líu ríu những câu đứng quãng về con búp bê mà cô ta vừa kéo ở dưới váy ra.

- Đấy? Con búp bê… Mi mi… Đấy!

Rồi Natasa buồn cười quá không nói được nữa (cái gì cô ta cũng thấy buồn cười). Cô ta ngả người vào lòng mẹ và phá lên cười, cô cười to và giòn đến nỗi mọi người, ngay cả bà khách kiểu cách kia, cũng bất giác cười theo.

Bá tước phu nhân vờ giận dữ ẩy con gái ra nói:

- Thôi đi đi, mang con búp bê quái quỉ ấy đi đi cho rảnh? - Rồi phu nhân quay sang bà khách nói tiếp. - Cháu gái út đấy.

Natasa cất đầu lên khỏi chiếc áo choàng đăng ten của mẹ một lát, ngước nhìn lên mẹ, đôi mắt còn ướt vì những giọt nước mắt ứa ra trong trận cươi hồi nãy, rồi lại dúi đầu vào áo mẹ.

Bà khách buộc phải chứng kiến cái cảnh nội bộ gia đình này.

Tự thấy mình cần phải tham dự phần nào đấy, bà nói với Natasa:

- Này cô bé, cái cô Mini ấy với cô là thế nào nhỉ? Con gái của cô đấy phải không?

Natasa không ưa cái giọng bề trên cố hạ mình xuống lấy giọng trẻ con nói chuyện với cô như vậy. Cô bé không đáp, nghiêm trang đưa mắt nhìn bà khách.

Trong khi đó cả bọn trẻ: chàng sĩ quan Boris, con công tước phu nhân Anna Pavlovna Mikhailovna; chàng sinh viên Nikolai, con trai đầu của bá tước, Sonya, cháu gái của bá tước, năm nay mới năm tuổi; và cậu bé Petrusa. - Con út của bá tước, đã ngồi trong phòng khách. Trên từng nét mặt lộ rõ vẻ phấn chấn và hớn hở, và có thể thấy rõ họ đang cố gắng kìm hãm bớt những niềm vui bồng bột để khỏi mất khỏi vẻ lịch sự. Hẳn là trước khi chạy vào đây, họ đang nói với nhau một câu chuyện gì thú lắm, vui hơn câu chuyện vu vơ về những việc lặt vặt trong thành phố, về thời tiết và về bá tước phu nhân Apraksin nhiều. Thỉnh thoảng họ lại đưa mắt nhìn nhau, và có vẻ như khó nhọc lắm mới nhịn được cười.

Hai chàng thiếu niên, mọt người là sinh viên còn người kia là sĩ quan, kết bạn với nhau từ thửa nhỏ. Họ cùng một lứa tuổi với nhau, cả hai đều rất khôi ngô, nhưng mỗi người một vẻ. Boris là một chàng trai cao dong dỏng, tóc vàng, với những đường nét thanh tú đều đặn trên một gương mặt điềm đạm và tuấn tú. Nikolai là một thanh niên người tầm thước, tóc quăn, nét mặt cởi mở thẳng thắn. Môi trên chàng đã có một lớp lông măng đen, và nhìn chung gương mặt chàng biểu lộ một tâm tính nhiệt thành và bồng bột.

Nikolai vừa vào phòng khách đã đỏ rừ mặt lên. Hẳn là chàng ta muốn tìm một câu gì để nói nhưng tìm mãi chẳng ra; Boris thì trái lại, tự chủ được ngay và cất giọng bình tĩnh hài hước kể cho mọi người nghe chuyện cô bé Mimi, chàng ta quen cô Mimi ấy từ khi cô ta hãy còn trẻ và mũi chưa bị sứt kia, nhưng nếu chàng ta nhớ không lầm thì từ bấy đến nay đã năm năm, cô Mimi đã già đi rồi, đầu óc nứt nẻ ra cả. Nói đoạn, Boris nhìn Natasa. Natasa quay mặt đi, nhìn vào cậu em trai đang đứng run cả người lên cười không thành tiếng, mắt híp lại. Rốt cuộc, Natasa cũng không sao nhịn được bèn vùng aậy thả hết tốc lực của đôi chân thon nhỏ chạy vụt ra khỏi phòng. Boris vẫn không cười.

Chàng quay sang phía mẹ, mỉm cười nói:

Hình như mẹ cũng muốn về phải không ạ? Có cần bảo thắng xe không?

- Ừ, có, đi đi, đi bảo nó sửa soạn cho mẹ, - Công tước phu nhân mỉm cười đáp.

Boris bước nhẹ ra cửa và đi theo Natasa; cậu bé béo mũm mĩm liền chạy theo, vẻ giận dữ như vừa bị người ta quấy rầy trong khi đang bận.

Phần I

Chương - 9

Nếu không kể cô con gái lớn của bá tước phu nhân (cô ta hơn em gái bốn tuổi và dáng điệu đã như người lớn) và cô con gái của bà khách, thì trong đám thanh mên chỉ còn Nikolai và cô cháu gái Sonya ngồi lại trong phòng khách. Sonya là một cô gái nhỏ bé, mảnh khảnh, có đôi mắt dịu hiền rợp bóng hai hàng mi dài, làn tóc đen rậm tết lại thành bím quấn hai vòng quanh đầu, nước da hơi phơn phớt vàng, nhất là trên cổ và trên đôi tay để trần hơi gầy nhưng rắn chãc và xinh xắn, với những cử động khoan thai, với đôi tay và đôi chân mềm dẻo, với dáng điệu dè dặt và hơi kiểu cách, Sonya trông giống một con mèo con chưa trưởng thành nhưng đã hữa hẹn sẽ trở nên một ả mèo cái tuyệt đẹp. Hình như cô ta thấy rằng mình cần phải cười để tỏ ra có chú ý đến câu chuyện của mọi người; nhưng dưới đôi hàng mi dài và rậm, đôi mắt cô ta cứ bất giác nhìn vào cậu anh họ sắp tòng ngũ, vẻ tha thiết, say mê đến nỗi nụ cười của cô không có phút nào lừa được ai hết, và người ta có thể thấy rằng con mèo ấy bây giờ có ngồi yên cũng chỉ để chốc nữa lại chơi đùa nhảy nhót hăng hơn nữa với cậu anh họ, khi hai người đã thoát ra khỏi phòng khách như Boris và Natasa.

- Đấy bà xem. Bạn nó được đăng vào sĩ quan, thế là vì tình bạn, nó cũng không muốn rời thằng Boris, nó bỏ trường đại học, cả tôi nữa già nua thế này nó cũng bỏ lại để đi tòng ngũ đấy, bà ạ.

- Thế là việc bổ dụng nó vào sở lưu trữ đã xong xuôi cả rồi chứ có phải… Tình bạn là như vậy đấy hẳn? - Bá tước nói thêm, giọng có ý dò hỏi.

Bà khách nói:

- Tôi nghe nói là tuyên chiến rồi.

- Nghe nói từ lâu rồi, - Bá tước nói. - Rồi người ta sẽ còn nói nữa, nhưng nói đấy rồi bỏ đấy cho mà xem. Bà ạ, tình bạn là thế đấy!- Bá tước lặp lại- Thằng Nikolai nó đăng vào quân phiêu kỵ(1) đấy!

(1) Loại kỵ binh hạng nhẹ, vũ trang bằng gươm và súng ngắn, quân phục rất sáng trọng và sặc sỡ gồm áo đôm-man có cúc thêu kim tuyến chạy ngang ngực, áo khoác ngắn lót bông-cô có ngù.

Bà khách không biết nên nói gì, nên chỉ lắc đầu.

- Hoàn toàn không phải vì tình bạn. - Nikolai đáp, mặt đỏ bừng, vẻ mặt như muốn chống đỡ một lời thoá mạ nhục nhã - Hoàn toàn không phải vì tình bạn. Mà chỉ vì con cảm thấy mình có khiếu quân sự.

Nikolai quay lại nhìn cô em họ và con gái bà khách: cả hai đều nhìn anh, miệng cười tủm tỉm tỏ ý đồng tình.

- Hôm nay đại tá Subert, chỉ huy trung đoàn phiêu kỵ - Pavlograd dùng bữa chiều ở nhà chúng tôi. Ông ta hiện đang nghỉ phép ở đây và khi đi sẽ đem cháu đi luôn. Biết làm thế nào được?

Bà bá tước nhún vai nói:

- Việc này chắc đã làm cho bá tước buồn phiền rất nhiều, nhưng ông vẫn nói đến nó với một giọng bỡn cợt.

- Kìa ba, - Cậu con trai nói. - Con đã thưa với ba rằng nếu ba không muốn cho con đi, thì con xin ở lại. Nhưng con biết rằng ngoài việc quân ra, con không còn có thể làm được trò trống gì nữa; con không phải là nhà ngoại giao, không phải là quan lại, con không biết che giấu những cảm nghĩ.

Nikolai vừa nói vừa nhìn Sonya và con gái bà khách, với cái vẻ làm duyên mà những người thiếu niên đẹp trai thường có.

Con mèo Sonya mắt dán chặt vào cậu anh họ, tưởng chừng như lúc nào cũng nhấp nhổm chực nhào ra nô giỡn và lộ rõ rất căn bản chất mèo của mình.

- Thôi được rồi, được rồi!- Bá tước nói. - Anh chàng này bao giờ cũng nóng nảy…, cái thằng cha Bonaparte nó làm cho bọn chúng phát cuồng cả lên rồi đấy; anh nào cũng cứ tưởng có thể từ thiếu uý nhảy lên làm hoàng đế như hắn cả. Thôi thì cũng phó mặc ý trời, - Bá tước nói thêm, không để ý thấy nụ cười chế nhạo của bà khách.

Nhóm người lớn quay sang nói chuyện về Bonaparte. Julya(2) con gái Karaghin, nói với chàng thanh niên Nikolai Roxtov:

- Hôm thứ năm anh không đến nhà họ Arkharov rõ tiếc. - Rồi cô ta mỉm cười âu yếu nói thêm. - Không có anh tôi thấy chán quá.

(2) Juli, tức Julie (là cách gọi theo lối Pháp).

Chàng thanh niên thích chí nở một nụ cười đỏm dáng, ngồi nhích lại gần và bắt đầu nói chuyện riêng với cô khách đang cười tủm tỉm, không hề nhận thấy nụ cười hồn nhiên của mình đã đâm một phát dao đau nhói vào lòng ghen tuông của Sonya, bấy giờ đang đỏ mặt lên và cố gượng cười. Giữa chừng câu chuyện Nikolai nhìn cô em họ. Sonya đưa mắt hờn giận và nụ cười gượng gạo, đứng dậy bước ra khỏi phòng. Vẻ linh hoạt của Nikolai vụt biến mất.

Chàng đợi đến chỗ câu chuyện hơi ngừng một tí liền ra khỏi phòng, ve mặt nhớn nhác bổ đi tìm Sonya.

Anna Mikhailova nhìn theo Nikolai nói:

- Chà, những chuyện bí ẩn của các cô các cậu này thật như vải đen may chỉ trắng. - Rồi bà nói thêm. - Anh em họ ở với nhau cũng như lửa gần rơm ấy mà.

- Phải. - Bá tước phu nhân nói, khi ánh nắng xuân lúc nãy cùng lũ thanh niên kia lùa vào phòng khách đã dập tắt hẳn, như muốn đáp lại một câu hỏi mà không ai đặt ra, nhưng vẫn luôn luôn khiến mình bận tâm. - Khổ sở lo lắng bao nhiêu, ngày nay mới được trông thấy chúng nó khôn lớn mà mừng! Mà đến bây giờ nữa quả thật cũng vẫn lo sợ nhiều hơn là vui sướng. Thật không lúc nào khỏi lo sợ? Chính cái tuổi này là tuổi nguy hiểm nhất cho chúng nó, con gái hay con trai cũng vậy.

- Cũng tuỳ cách giáo dục cả - Bà khách nói.

- Phải, bà nói đúng đấy. - Bá tước phu nhân nói tiếp. - Từ trước tới nay nhờ trời các cháu nó xem tôi như bạn và hoàn toàn tin cậy ở tôi, cũng như nhiều bậc cha mẹ khác, phu nhân cứ tưởng rằng đối với mình các con không hề có điều gì giấu giếm. Tôi biết rằng tôi bao giờ cũng là người bạn tâm sự của hai cháu gái, còn thằng Nikolai nhà tôi tuy tính tình bồng bột, nhưng nó có nghịch ngợm (con trai thì bao giờ chả thế) thì cũng không phải như các ông tướng ở Peterburg.

- Phải, bọn chúng khá lắm, khá lắm, - Bá tước xác nhận, ông ta bao giờ cũng giải quyết những vấn đề khiến mình bối rối bằng cách cho rằng tất cả đều "khá" như vậy. - Đấy bà xem, nó muốn vào quân phiêu kỵ binh cơ đấy! Bà muốn thể nào nữa hở bà bạn?

- Cô con gái út của ông bà hay quá! Thật như thuốc súng vậy! - Bà khách nói:

- Phải, thuốc súng đấy. Giống tính tôi lạ lùng! Mà giọng hát của nó thì thật là… tuy là con tôi, không tôi cũng phải nói thật: thế nào cháu cũng sẽ trở thành một nữ danh ca cho mà xem, cháu sẽ thành một Salamoni(3) mới! Chúng tôi đã thuê một người ý về dạy cho cháu.

(3) Salamoni nữ danh ca Ý, biểu diễn trong đoàn kịch Đức ở Moskva vào đầu thế kỷ 19.

- Như vậy có sớm quá chăng? Họ bảo là vào tuổi này mà học hát thì hại giọng.

- Ồ không đâu, còn sớm gì nữa! - Bá tước đáp. - Thì các bà lớp trước cứ đến mười hai, mười ba tuổi là đi lấy chồng cả đấy thôi.

- Cái con ấy chưa chi mà đã cảm cậu Boris rồi đấy? Bà thấy nó thế nào? - Bá tước phu nhân nói, miệng hơi mỉm cười mắt nhìn sang bà mẹ Boris, và hình như để đáp lại một câu hỏi lâu nay vẫn khiến mình bận tâm, phu nhân nói tiếp. - Đấy, bà xem, tôi mà nghiêm khắc với nó, cấm đoán này nọ… thì rồi có trời biết chúng nó còn vụng trộm những gì với nhau (ý phu nhân muốn nói rằng nếu thế chắc chúng sẽ hôn hít nhau), nhưng có lẽ như vậy mà hơn đấy. Còn con chị thì tôi xử nghiêm hơn.

- Vâng, cháu thì được giáo dục khác hẳn. - Cô con gái lớn, bá tước tiểu thư Vera xinh đẹp, mỉm cười nói.

Nhưng nụ cười không làm khuôn mặt của Vera đẹp thêm như ở những người con gái khác; trái lại, nó làm cho khuôn mặt có vẻ thiếu tự nhiên hơi khó chịu. Vera đẹp, cô cũng không đến nỗi khờ khạo, cô học rất giỏi, có nền nếp, giọng dễ ưa, câu nói vừa rồi của cô cũng phải lễ và đúng chỗ; nhưng lạ thay, là khách cũng như bá tước phu nhân nghe nói đều ngoảnh lại nhìn Vera dường như ngạc nhiên không hiểu tại sao cô lại nói điều đó, và hai người đều thấy ngượng nghịu. Bà khách nói:

- Với đứa con đầu lòng bao giờ cũng vậy: người ta bao giờ cũng làm khôn khéo, ai cũng muốn làm một cái gì cho thật phi thường.

Bá tước nói:

- Chả giấu gì bà bạn, nhà tôi làm khôn làm khéo với con Vera thật đấy. - Rồi bá tước nhìn sang Vera nháy mắt có vẻ đồng tình nói thêm. - Mà kể ra thì kết quả cũng khá đấy chứ.

Mẹ con bà khách đứng dậy ra về, hứa sẽ trở lại dự bữa tiệc chiều nay. Bá tước phu nhân tiễn khách ra xe. Khi khách đã đi, phu nhân nói:

- Cái lối ở đầu mà ngồi dai thế không biết?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx