sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 1) - Phần 4 - Chương 09 - 10

Phần IV

Chương - 9

Công tước phu nhân nhỏ nhắn nằm dựa trên đống gối, đầu chụp một cái mũ vải trắng (nàng vừa trải qua một cơn đau). Mấy món tóc đen uốn cong trên hai má nóng bừng và ướt đẫm mồ hôi của nàng.

Đôi môi tươi thắm xinh đẹp, ở phía trên thoáng bóng lông tơ, đang hé mở: nàng mỉm cười vui vẻ. Công tước Andrey bước vào và dừng lại trước mặt nàng, dưới chân chiếc đi-văng mà nàng đang nằm. Đôi mắt sáng long lanh với cái nhìn xúc động và sợ hãi của trẻ con, nhìn chàng, không đổi thần sắc. Cái nhìn của nàng như muốn nói: "Tôi yêu thương tất cả các người, tôi không ác với ai cả, vậy thì tại sao tôi lại phải chịu đau đớn thế này? Hãy cứu giúp tôi với". Nàng trông thấy chồng, nhưng không hiểu ý nghĩa sự có mặt của chàng trong lúc này. Andrey đi vòng qua đi-văng và đặt một chiếc hôn lên trán nàng.

- Em yêu dấu. - Chàng dùng một chữ mà trước đó chàng chưa từng dùng bao giờ. - Chúa rất từ bi…

Nàng nhìn chàng có ý gạn hỏi đôi mắt đầy vẻ trách móc nũng nịu, trẻ con của nàng như muốn nói: "Em tưởng anh đến cứu em, thế mà chả thấy gì, chả thấy gì cả. anh cũng chỉ như người khác mà thôi!".

Chàng về không làm cho nàng ngạc nhiên; nàng không hiểu rằng chàng đã về. Sự có mặt của chàng không thể có quan hệ gì với cơn đau của nàng và không thể làm cho nàng bớt đau. Cơn đau lại nổi lên và Maria, bà Bogdanovna khuyên công tước Andrey hãy tạm ra ngoài.

Bác sĩ bước vào phòng. Công tước Andrey ra và bắt gặp lại công tước tiểu thư Maria, chàng lại đến gần nàng. Hai người nói chuyện thì thầm với nhau nhưng mỗi lúc câu chuyện lại bị bỏ lửng, vì họ đang mải chờ đợi và lắng tai nghe ngóng.

- Anh vào đi, anh ạ! - Công tước tiểu thư Maria nói. Công tước Andrey lại trở về căn phòng của vợ và ngồi đợi ở phòng bên. Một người đàn bà từ trong phòng nàng đi ra, vẻ sợ hãi, và khi nhìn thấy công tước Andrey thì lộ vẻ luống cuống. Chàng đưa hai tay bưng mặt và cứ ngồi như thế một lát. Những tiếng rên thảm thiết, những tiếng rên của một con vật bất lực từ sau cánh cửa vẳng ra. Nhưng đã có ai đứng chặn lấp cánh cửa ở phía trong.

- Không được, không được! - Một giọng hoảng hốt từ sau cánh cửa đưa ra. Chàng bắt đầu đi đi lại lại trong gian phòng. Tiếng rên im bặt, mấy giây nữa trôi qua. Đột nhiên, một tiếng hét khủng khiếp. - Không phải tiếng kêu của nàng, nàng không thể kêu lên như vậy được. - Vang lên trong phòng bên. Chàng đến cửa; tiếng hét im bặt, và nghe có tiếng trẻ con khóc.

- Ai đem trẻ con đến đây làm gì nhỉ? - Thoạt tiên công tước Andrey tự hỏi. - Một đứa trẻ à? Đứa trẻ nào thế? Tại sao lại có một đứa trẻ ở trong ấy? Hay là một đứa trẻ vừa mới sinh?

Khi chàng đột nhiên hiểu được ý nghĩa vui mừng của tiếng kêu ấy, nước mắt bỗng trào ra khiến chàng nghẹn ngào: chống hai khuỷu tay trên thành cửa sổ, chàng khóc thút thít như trẻ con. Cửa mở và người thầy thuốc không mặc áo đuôi tôm, hai ống sơ mi xắn lên, mặt tái xanh và hàm dưới run rẩy, bước ra khỏi phòng. Công tước Andrey muốn hỏi, nhưng ông ta ngơ ngác đưa mắt nhìn chàng và đi vượt qua không nói một tiếng. Một người đàn bà khác chạy ra, nhưng trông thấy công tước Andrey thì ngập ngừng trên ngưỡng cửa. Chàng bước vào phòng vợ. Công tước phu nhân Liza đã chết. Nàng vẫn nằm trong cái tư thế mà chàng vừa thấy năm phút trước đây, và tuy hai con mắt đã đứng tròng và hai má đã tái nhợt, nàng vẫn giữ cái thần sắc lúc nãy, trên gương mặt trẻ con kiều diễm, với cái môi thoáng bóng lông măng đen, gương mặt đáng yêu tuyệt vời, gương mặt tội nghiệp, gương mặt đã chết như muốn nói: "Tôi yêu thương tất cả các người, tôi không ác với ai cả; sao các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?" Trong một góc phòng, có cái gì nhỏ xíu, đỏ hỏn đang kêu lí nhí trong hai bàn tay trăng trẻo run lẩy bẩy của bà Maria Bogdanovna.

Hai giờ sau, công tước Andrey lặng lẽ vào phòng làm việc của cha. Ông cụ đã biết hết. Ông đang đứng ngay cạnh cửa, và khi cánh cửa mở ra, ông ôm chầm lấy cổ con trong hai cánh tay khô cứng, cằn cỗi, như trong đôi gọng kìm, và khóc òa lên như một đứa trẻ.

Ba ngày sau được, lễ an táng công tước phu nhân Liza được cử hành. Để từ biệt nàng, công tước Andrey lần từng bực bước lên nhà quàn. Trong quan tài cũng vậy, mặt nàng cũng vẫn như trước, tuy hai mắt đã nhắm nghiền. Gương mặt ấy vẫn như muốn nói: "Trời ơi sau các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?" và công tước Andrey cảm thấy có một cái gì bị xé rách trong lòng mình, chàng cảm thấy mình có lỗi, một lỗi mà chàng không thể nào chuộc lại được, và cũng không thể nào quên được. Chàng không khóc được.

Đến lượt ông cụ cũng hôn bàn tay trắng như sáp điềm tĩnh đặt trên bàn tay kia, và gương mặt ấy cũng lại nói với ông: "Ôi, sao các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?". Và trông thấy vẻ mặt ấy, ông già ngoảnh đi nơi khác.

Sau đó năm ngày nữa, họ làm lễ rửa tội cho tiểu công tước Nikolai Andreyevich. Người vú em áp sát ngực giữ lấy tã lót trong khi giáo sĩ cầm lông ngỗng phết đầu vào lòng bàn tay và lòng bàn chân đỏ hỏn và nhăn nheo của đứa bé.

Ông nội nó làm cha đỡ đầu cho nó; ông cụ ẵm nó đi chung quanh chậu nước rửa tội bằng thiếc và có nhiều chỗ móp, tay run run vì sợ đánh rơi đứa bé, rồi trao nó cho mẹ đỡ đầu của nó, công tước tiểu thư Maria.

Công tước Andrey lòng thấp thỏm chỉ sợ người ta làm đứa bé chết đuối, đang ngồi trong phòng bên cạnh để chờ cho xong buổi lễ. Khi người vú ẵm đứa bé đến, chàng vui sướng nhìn con và gật đầu tán thành khi chị ta kể lại rằng trong chậu nước rửa tội, viên sáp quấn tóc của nó không chìm xuống mà lại nổi lềnh bềnh trên mặt chậu(1).

(1) Theo phong tục Nga, lúc rửa tội người ta quấn một sợi tóc của đứa bé vào một viên sáp đem thả vào chậu, nếu sáp và tóc nổi lên mặt nước là điềm tốt.

Phần IV

Chương - 10

Việc Roxtov tham dự vào cuộc đấu súng của Dolokhov và Bezukhov đã được dìm đi, nhờ công chạy chọt của lão bá tước, và Roxtov đã không bị cách chức như chàng vẫn chờ đợi, mà lại được bổ làm sĩ quan phụ tá của viên tướng tổng đốc Moskva. Do đó: chàng không thể đi theo gia đình về nông thôn mà phải ở lại cả mùa hè ở Moskva để làm chức vụ mới của mình. Dolokhov đã bình phục, và Roxtov càng thêm khăng khít với hắn trong thời gian bình phục này. Khi vết thương còn nguy kịch, Dolokhov nằm ở nhà mẹ hắn, người mẹ yêu quý hắn yêu thiết tha. Bà Maria Ivanovna có lòng trìu mến Roxtov vì tình thân của chàng đối với Fedya(1) của bà và thường đem chuyện con ra nói với chàng.

(1) Cách gọi âu yếm Fiodor Dolokhov.

- Phải, bá tước ạ, con tôi nó cao thượng quá, trong sạch quá, so với cái thời buổi thối nát này. Chả ai ưa người có đức. Đức hạnh làm cho người ta khó chịu. Đấy, bá tước xem, hành động của Bezukhov có phải lẽ không: có lương thiện không. Fedya cũng vì sẵn tấm lòng cao thượng nên quý anh ta, đến bây giờ nó cũng không hề nói xấu anh ta, ở Petersburg cái chuyện đùa nghịch viên quận trưởng cảnh sát (tôi chả biết rõ như thế nào), có phải cả hai người cùng dính vào nhau không nào? Thế nhưng Bezukhov thì chả việc gì, mà Fedya thì phải gánh lấy hết. Biết bao là khổ nhục! Bây giờ họ đã phục chức cho nó, vẫn biết thế, vì không phục chức sao được? Những người dũng cảm, những người con của Tổ quốc như nó, tôi tưởng là phải nhiều. Thế rồi bây giờ lại đến cái việc đấu súng ấy. Bọn họ có biết tình nghĩa là gì, danh dự là gì không? Biết nó là con một, mà vẫn thách nó ra đấu súng rồi bắn thẳng tay vào nó! May sao Chúa rủ lòng thương chúng tôi. Mà nó có tội tình gì? Đời bây giờ, ai là người không dan díu? Hắn ghen, phải không? Tôi hiểu lắm, đáng lẽ hắn phải ngỏ ý từ trước, vì câu chuyện đã kéo dài một năm chứ có phải ít đâu. Thế mà hắn ta lại thách Fedya đấu súng, chắc cũng tưởng đâu nó sẽ không đấu, vì Fedya có mượn tiền của hắn ta. Hèn hạ quá! Ghê tởm quá! Tôi biết lắm, ông đã hiểu lòng của Fedya, bá tước thân yêu ạ, vì vậy tôi hết lòng quý một tâm hồn cao cả, một tâm hồn của thượng giới.

Chính Dolokhov, trong lúc dưỡng bệnh, cũng thường nói với Roxtov những lời mà người ta không ngờ hắn có thể nói được.

- Người ta cho tôi là một kẻ độc ác, tôi vẫn biết. - Dolokhov nói. - Được, họ cứ nói. Tôi chỉ đếm xỉa đến những người mà tôi yêu quý nhưng tôi đã yêu quý người nào thì tôi yêu đến mức có thể dâng cả đời tôi cho họ; còn những kẻ khác thì tôi sẽ nghiến nát hết nếu họ cản đường tôi. Tôi có một bà mẹ mà tôi sùng bái, một bà mẹ vô giá, hai hay ba người bạn thân, trong đó có cậu, còn như những kẻ khác, tôi chỉ nghĩ đến họ trong chừng mực họ có ích hay có hại. Và hầu hết là có hại, nhất là bọn đàn bà.

- Phải, bạn à, - Hắn nói tiếp. - Tôi đã từng gặp những người đàn ông có tâm huyết, có những tình cảm quý báu, cao cả; nhưng những người đàn bà mà không phải là đồ dĩ thoã - Dù là những bá tước phu nhân hay là những con ở nấu bếp cũng thế thôi. - Thì tôi chưa từng gặp bao giờ. Tôi chưa hề được thấy cái lòng trinh bạch thần thánh và cái lòng tận tuỵ hy sinh mà tôi vẫn tìm ở người phụ nữ. Nếu quả tôi tìm được một người đàn bà như thế, thì tôi sẽ dâng cả dời tôi cho người ấy. Còn những bọn kia! - Hắn khoát tay khinh miệt. - Và tôi nói thế này không biết cậu có tin không: sở dĩ tôi còn muốn sống ở đời chỉ vì là tôi chưa mất hết hy vọng được gặp một người thiên giới có thể đưa lại cho tôi sống lại về tinh thần, có thể làm cho tôi trong sạch và cao cả lên. Nhưng cậu không hiểu đâu!

- Có chứ, tôi hiểu lắm. - Roxtov đáp, lúc này đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của người bạn mới.

Đến mùa thu, gia đình Roxtov lại trở về Moskva. Đầu mùa đông, Denixov cũng về đấy và đến nhà Roxtov. Mùa đông năm 1806 mùa đông đầu tiên mà Nikolai Roxtov sống ở Moskva, là một trong những thời kỳ hạnh phúc nhất và vui vẻ nhất đối với chàng và gia đình chàng. Nikolai đã thu hút được số đông thanh niên đến chơi nhà cha mẹ chàng. Vera bây giờ đã là một giai nhân hai mươi tuổi; Sonya là một cô gái mười sáu tuổi với tất cả vẻ yêu kiều của một đoá hoa chớm nở; Natasa thì nửa là thiếu nữ nửa là trẻ con, khi thì ngộ nghĩnh như một em bé, khi thì lại có sức làm đắm đuối lòng người của một nàng trinh nữ.

Hồi ấy nhà Roxtov đượm nhuần cái không khí yêu đương đặc biệt của những gia đình có những cô con gái rất trẻ và rất xinh. Khi thấy những khuôn mặt cởi mở và tươi cười (chắc hẳn là cười với hạnh phúc của mình, những chuyến ra vào qua lại rộn rịp, khi nghe tiếng cười nói thỏ thẻ, tuy chẳng có mạch lạc gì nhưng là hậu tình đối với mọi người và tràn đầy hy vọng, khi nghe những âm hưởng rời rạc, khi thì tiếng nhạc, khi thì tiếng can những người trẻ tuổi đến chơi nhà cũng nhiễm cái tâm trạng đón chờ tình yêu và hạnh phúc mà bọn thiếu niên nam nữ trong gia đình Roxtov đều đang cảm thấy.

Trong số các bạn trẻ mà Nikôlai đưa về nhà thì Dolokhov là một trong những người thân nhất, hắn dược lòng mọi người: trừ Natasa. Nàng đã suýt bất hòa với anh nàng vì Dolokhov. Nàng quá quyết rằng hắn là một người xấu, và trong một cuộc đấu súng với Bezukhov, Piotr là phải mà Dolokhov đã quấy, rằng Dolokhov khó chịu và không tự nhiên.

- Em chả cần biết cái gì hết! - Nàng nói to, giọng bướng bỉnh. Hắn là người ác, hắn không có tình. Này nhé cái anh Denixov ấy mà, em thích anh ấy lắm, anh ấy cũng chơi bời đủ cả, nhưng em cũng cứ thích anh ấy thế nghĩa là em cũng hiểu chứ có phải không đâu. Em không biết nói thế nào cho anh rõ bây giờ, còn cái anh Dolokhov thì cái gì cũng tính toán trước, mà đó là một điều em không thích. Denixov thì…

- À Denixov thì khác. - Nikolai đáp, chàng muốn ngụ ý rằng so với Dolokhov thì Denixov chả thấm vào đâu. - Phải biết cái anh Dolokhov ấy, tâm tình anh ấy ra sao, phải biết anh ta ăn ở với em như thế nào, một tấm lòng vàng!

- Cái đó em không biết, nhưng tiếp xúc với anh ta em thấy khó chịu lắm. Thế anh có biết anh ta phải lòng Sonya rồi không?

- Chỉ nói bậy…

- Em biết chắc như thế, rồi anh xem.

Natasa nói đúng. Dolokhov vốn là người không thích giao du với phụ nữ, thì nay đã trở thành một người khách thường ngày của gia đình và chẳng bao lâu, mọi người đều biết chắc rằng chàng đến đây vì Sonya (tuy không nói ra), Sonya không dám nói nhưng cũng biết thế và mỗi khi thấy Dolokhov đến mặt nàng cứ đỏ lên như hoa mẫu đơn.

Dolokhov thường hay ăn bữa chiều ở nhà Roxtov, không vắng mặt ở một buổi diễn kịch nào có gia đình này dự, và cũng thường đến hội khiêu vũ nữ thiếu niên ở nhà Yôghel vì gia đình Roxtov cũng đến đây rất nhiều. Hắn tỏ ra đặc biệt ân cần đối với Sonya, và nhìn nàng một cách khác thường đến nỗi mỗi khi bắt gặp đôi mắt hắn, nàng không tài nào giữ được sắc mặt bình thường, không những thế, ngay cả bá tước phu nhân và Natasa trông thấy cũng phải đỏ mặt.

Mọi người đều thấy rằng con người cường tráng và lạ lùng ấy đang mê mẩn vì cô thiếu nữ tóc đen duyên đáng yêu kiều bấy giờ đang yêu một người khác.

Roxtov nhận thấy có cái gì khác trước giữa Dolokhov và Sonya, nhưng chàng không tìm cách xác minh xem mối quan hệ mới ấy là thế nào. "Các cô ấy khi nào cũng phải yêu một người nào đấy" - Chàng tự nhủ khi nghĩ đến Sonya và Natasa. Nhưng chàng thấy có cảm giác gì lúng túng khó chịu khi ở trước mặt Sonya và Dolokhov cho nên chàng ít ở nhà hơn trước.

Từ mùa thu năm 1806, người ta lại nói đến chiến tranh chống Napoléon một cách hăng hái hơn năm trước. Có sắc lệnh ban xuống là cứ một nghìn dân thì tuyển mộ mười người vào quân đội, ngoài ra, cứ một nghìn dân lại tuyển mộ chín người dân binh. Ở đâu đâu người ta cũng nguyền rủa Buônapáctê, ở Moskva không ai nói gì ngoài chuyện chiến tranh ấy, bao nhiêu sự quan tâm của gia đình Roxtov đều tập trung vào một việc ấy là Nikolai nhất định không chịu ở lại Moskva và chàng chỉ còn chờ Denixov hết hạn nghỉ để cùng anh lên đường trở lại binh đoàn, sau những ngày thánh tiết.

Ngày ra đi gần gũi ấy không những không ngăn cấm chàng vui chơi, mà lại còn khuyến khích chàng là khác. Phần lớn thời gian chàng sống ở ngoài gia đình, vào những cuộc yến tiệc, dạ hội và khiêu vũ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx