sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4) - Phần 13 - Chương 08 + 09 + 10

Phần XIII

Chương. - 8 - 9 -

Napoléon tiến vào Moskva sau trận thắng oanh liệt trên sông Moskva; không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một thắng lợi, vì sau trận đánh này chiến trường ở trong tay quân Pháp. Quân Nga rút lui và bỏ ngỏ kinh đô Moskva đầy ắp lương thực, vũ khí, đạn được và vô số của cải, lọt vào tay Napoléon. Quân đội Nga, chỉ mạnh bằng nửa quân đội Pháp, suốt một tháng ròng không lần nào thử giao chiến. Tình thế của Napoléon thật là lạc quan. Để dốc một lực lượng mạnh gấp đôi đánh vào đám tàn quân Nga và tiêu diệt nó đi, để ký kết một hòa ước có lợi hay nếu người Nga không chịu, sẽ tiến quân uy hiếp Petersburg, để khi vạn nhất có thất bại, có thể trở về Smolensk hay Vilna, hoặc giả ở lại Moskva, nói tóm lại là để duy trì cái tình thế lạc quan của quân đội Pháp lúc bấy giờ, tưởng cũng chẳng cần có một thiên tài lỗi lạc gì cho lắm. Muốn thế chỉ cần làm một việc hết sức đơn giản và dễ dàng là không để cho quân lính đi cướp phá chuẩn bị trang phục mùa đông (ở Moskva có thể kiếm đủ cho cả quân đội và tập trung một cách chu đáo số lương thực này đủ dùng cho toàn quân đội trong nửa năm). Napoléon, thiên tài vĩ đại nhất trong các thiên tài và có thừa quyền hành để điều khiển quân đội như các nhà sử học vẫn khẳng định, không hề làm một việc gì như thế cả.

Không những ông ta không làm gì cả trong số những việc đó, mà ngược lại còn dùng quyền hành của mình để chọn lấy đường lối hành động ngu xuẩn nhất và tai hại nhất trong những đường lối có thể theo. Trong tất cả những việc mà Napoléon có thể làm được: nghỉ lại mùa đông ở Moskva, tiến đánh Petersburg, tiến đánh Nizni Novgorod rút về phía sau, theo hướng bắc hay hướng nam, theo con đường mà sau này Kutuzov đã đi, không thể tìm được một việc nào ngu xuẩn và tai họa hơn cái việc mà Napoléon đã làm, tức là ở lại Moskva cho đến tháng mười để mặc cho quân đội cướp phá thành phố, rồi để lại một đội tuần thủ, ngập ngừng ra khỏi Moskva tiến về phía Kutuzov, không tìm cách mở trận, tiến chếch sang bên phải đi đến Maly Yaroxlav, vẫn không tìm cơ hội chọc thủng trận tuyến, không theo con đường của Kutuzov đi, mà lại lùi về Mozaisk trên con đường Smolensk qua những miền bị tàn phá tan hoang, - Quả không tài nào nghĩ ra được một hành động nào ngu xuẩn hơn và tai hại cho quân đội: điều này sẽ được những hậu quả về sau chứng minh rõ rệt. Các nhà chiến lược tài ba nhất hãy thử tưởng tượng rằng mục đích chính của Napoléon là làm sao cho quân đội mình tiêu vong, rồi thử nghĩ ra một cách chắc chắn, bất luận quân Nga hành quân ra sao: họ sẽ không thể nghĩ ra được cách nào công hiệu hơn cái cách mà Napoléon đã chọn.

Napoléon, con người thiên tài, đã làm việc ấy. Nhưng nói rằng Napoléon làm cho quân đội mình tiêu vong là vì ông ta muốn hay là vì ông ta rất ngu xuẩn thì cũng sai như nói rằng Napoléon mang quân đội đến tận Moskva vì ông ta muốn thế và vì ông ta rất thông minh và thiên tài. Chẳng qua là trong cả hai trường hợp, hoạt động cá nhân của mỗi người lính, đã phù hợp với những quy luật chi phối hiện tượng đang xảy ra.

Các nhà sử học khẳng định hoàn toàn sai lầm (chỉ vì các hậu quả đã không biểu lộ cho hoạt động của Napoléon) rằng lực lượng của Napoléon bị suy yếu trong thời gian ở Moskva. Hồi ấy cũng như trước kia và sau này vào năm 1823, Napoléon đã vận dụng hết tài năng và sức lực của mình để đem lại thắng lợi tối đa cho bản thân ông ta và quân đội ông ta. Hoạt động của Napoléon hồi ấy cũng kỳ diệu như hồi ở Ai Cập, ở Ý, ở Áo và ở Phổ. Ta không được biết chính xác cái thiên tài của Napoléon đã biểu lộ cụ thể như thế nào ở Ai Cập, nơi mà bốn mươi thế kỷ chiêm ngưỡng sự vĩ đại của ông ta(1), vì ta chỉ được biết những chiến công vĩ đại đó qua những lời miêu tả của người Pháp, ta không còn cách nào phê phán cho đúng đắn về cái thiên tài của ta ở áo và ở phổ, vì phải rút những tài ltệu về hoạt động của ông ta từ những sách vở của Pháp và của Đức, và việc làm cho các quân đoàn nộp vũ khí mà không tốn một viên đạn và các pháo đài hàng phục mà không cần vây hãm, tất phải khiến cho người Đức có xu hướng thừa nhận thiên tài của ông ta. - vì đó là cách giải thích duy nhất có thể dùng cho cuộc chiến tranh diễn ra ở Đức. Nhưng chúng ta thì nhờ trời không việc gì phải thừa nhận thiên tài của ông ta để chữa thẹn chúng ta đã giành được quyền nhìn thẳng vào sự việc một cách đơn giản, và chúng ta sẽ không nhường bỏ cái quyền đó.

(1) Ám chỉ một lời của Napoléon nói với binh sĩ khi đi ngang các kim tự tháp, trước khi glao chiến với quân mamluk của Ai Cập: "Hỡi binh sĩ, từ trên các đỉnh kim tự tháp kia, bốn mươi thế kỷ đang chiêm ngưỡng các người!"

Hoạt động của Napoléon, ở Moskva cũng kỳ diệu và thiên tài không kém bất cứ nơi nào. Từ khi tiến vào Moskva cho đến khi ra khỏi thành này, ông ta không ngừng ban bố hết mệnh lệnh này đến, mệnh lệnh khác, vạch hết kế hoạch này đến kế hoạch khác. Việc Moskva không còn cư dân và không cử đoàn đại biểu không làm cho ông ta nao núng. Ông ta không hề sao nhãng phúc lợi cho quân đội mình, cũng như hoạt động của quân địch, cũng như phúc lợi của các dân tộc Nga, cũng như việc quản lý các công việc ở Paris, cũng như những sự suy tính ngoại giao về những điều kiện hòa ước nay mai.

9.

Về phương diện quân sự, ngay khi tiến vào Moskva, Napoléon đã ra nghiêm lệnh cho tướng Sebastien theo dõi những cuộc vận chuyển của quân đội Nga, điều các lữ đoàn đi tỏa ra các nẻo đường và ra lệnh cho Mura phải tìm cho ra Kutuzov.

Sau đó Napoléon lo việc củng cố thành Kreml cẩn thận: rồi vạch ra một kế hoạch tác chiến thiên tài cho chiến dịch sắp tới trên khắp tấm bản đồ nước Nga. Về phương diện ngoại giao, Napoléon cho triệu tập đại uý Yakovlev đến. - viên đại uý này mắc nghẽn ở Moskva và đã bị cướp sạch không còn một mảnh áo, - Trình bày tỉ mỉ cho Yakovlev biết chính sách và lượng khoan hồng của mình, rồi viết một bức thư cho hoàng đế Alekxandr nói rằng ông đã tự thấy có nhiệm vụ phải báo cáo cho người bạn và người anh em của mình biết rằng Raxtovsin đã làm hỏng việc rất nhiều ở Moskva đoạn sai Yakovlev đem bức thư đến với Tutolmin cũng tỉ mỉ như thế, Napoléon phái luôn cả ông già này đến Petersburg để thương lượng.

Về phương diện pháp lý, ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, Napoléon ra lệnh tìm cho ra bọn thủ phạm đem hành hình. Và tên tội phạm Raxtovsin đã bị trừng trị bằng cách thiêu huỷ tòa nhà hắn ở.

Về phương diện hành chính, Napoléon ban bố cho Moskva một hiến chương, cho thành lập một tòa thị chính và sai ra bản tuyên cáo sau đây:

"Cơn hoạn nạn của các người thật là tàn khốc, nhưng Hoàng đế và Quốc vương bệ hạ muốn chấm dứt những nỗi thống khổ đó.

Những tấm gương khủng khiếp đã làm cho các người thấy rõ. Ngài trừng trị những kẻ bất tuân lệnh và những kẻ phạm tội ác như thế nào. Những biện pháp nghiêm ngặt đã được thi hành nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn và phục hồi nền an ninh chung. Một cơ quan hành chính thân ái do chính các người bầu ra, sẽ thành lập tòa thị chính hay ban quản trị thành phố của các người. Cơ quan này sẽ quan tâm đến các người, đến những nhu cầu và những quyền lợi của các người. Những người trong cơ quan sẽ đeo một dây băng đỏ quàng qua vai, còn thị trưởng thì thắt thêm một dải thắt lưng trắng. Nhưng ngoài thời gian thừa hành công vụ, họ chỉ đeo một cái băng đỏ trên cánh tay trái thôi.

Cơ quan cảnh sát thị xã đã được thành lập trên những cơ sở cũ, và nhờ hoạt động của nó, trật tự đã khả quan hơn. Chính phủ cử ra hai tổng uỷ viên hay cảnh sát trưởng và hai mươi uỷ viên hay quận trưởng đặt ở khắp các khu phố. Các người sẽ nhận ra được những quan chức này nhờ cái băng trắng mà họ mang ở cánh tay trái. Một số nhà thờ thuộc nhiều tòa giáo khác nhau đã được mở, và nay việc lễ bái được tiến hành không hề có gì trở ngại. Hằng ngày đã có những người dân Moskva trở về nhà cũ, và chính quyền đã ra mệnh lệnh cần thiết để cho họ được giúp đỡ và che chở sau cơn hoạn nạn.

Trên đây là những biện pháp mà chính phủ dùng để phục hồi trật tự và cải thiện tình cảm của các người; nhưng muốn đạt tới mục đích đó, các người cần phải ra sức hợp tác với chính phủ, các người cần cố quên những nỗi khổ cực đã trải qua nếu có thể, phải hy vọng một số phận không đến nỗi hẩm hiu như vậy, phải tin chắc rằng một cái chết nhục nhã không sao tránh khỏi đang chờ đợi những kẻ nào dám xâm phạm đến các người và những của cải còn sót lại của các người, hãy tin chắc rằng những của cải đó sẽ được bảo vệ, vì đó là ý muốn của vị hoàng đế vĩ đại và công minh nhất trong các vị hoàng đế! Hỡi binh sĩ và dân cư, vô luận là người dân tộc nào! các người hãy khôi phục lại lòng tin cậy vào chính phủ, cội nguồn hạnh phúc của quốc gia, các người hãy sống như anh em, hãy giúp đỡ và che chở nhau, hãy đoàn kết lại để phá tan âm mưu của những kẻ có ác ý hãy phục tùng các nhà chức trách văn võ, và nước mắt của các người chẳng bao lâu nữa sẽ ngừng chảy".

Về phương diện tiếp lương cho quân đội, Napoléon đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị lần lượt vào Moskva để hôi của và chuẩn bị lương thực dành cho quân đội dùng sau này.

Về phương diện tôn giáo, Napoléon đã ra lệnh đưa các ông Pop về và phục vụ việc thờ phụng trong các nhà thờ.

Về phương diện thương mại, và để tiếp tế lương thực cho quân đội khắp nơi đều có dán tờ tuyên cáo sau đây:

TUYÊN CÁO

"Hỡi các người: những cư dân yên lành của thành Moskva, những nhà tiểu công nghệ và thợ thuyền mà cơn hoạn nạn đã buộc phải lánh xa thành phố, và các người nữa, những người dân cày sống rải rác mà một nỗi sợ hãi vô căn cứ đang giữ lại nơi thôn đã, hãy nghe đây! Hòa bình đã trở lại khắp thủ đô, và trật tự đã được hồi phục. Đồng bào của các người đang mạnh dạn ra khỏi những nơi ẩn náu vì thấy rằng chính phủ tôn trọng họ. Bất cứ hành động hung bạo nào xúc phạm đến họ và tài sản của họ đều bị trừng trị tức khắc Hoàng đế và Quốc vương bệ hạ che chở cho họ, và trong đám các người không có ai bị xem là kẻ thù địch của ngài, trừ những kẻ không chịu tuân theo lệnh ngài. Ngài muốn chấm dứt những nỗi tai ương của các người và hoàn lại nhà cửa và gia đình cho các người.

Vậy các người hãy hưởng ứng những ý định ân đức của ngài và hãy đến với chúng ta không chút sợ hãi. Hỡi các cư dân? Hãy yên tâm trở về nhà cũ, các người chẳng bao lâu sẽ tìm được những phương tiện thỏa mãn nhu cầu của mình? Hỡi các nhà thủ công nghệ và các thợ huyền? Hãy trở về với công việc làm ăn: những ngôi nhà, những cửa hàng, những đội bảo vệ an ninh đang chờ các người, và các người sẽ được trả công thích đáng! Và các người nữa, hởi các nông dân, hãy ra khỏi các khu rừng trong đó các người đang ẩn náu vì sợ hãi, hãy yên tâm về nhà, hãy tin chắc rằng các người sẽ được bảo vệ. Những kho lương thực đã được tổ chức trong thành phố, nông dân có thể mang những lương thực và những hoa màu đến bán. Chính phủ đã thi hành những biện pháp sau đây để đảm bảo cho họ được tự do bán hàng:

1. Kể từ ngày hôm nay, nông dân và những người dân ở ngoại thành Moskva có thể chở lương thực dự trữ của mình, bất luận là loại lương thực gì, vào thành phố (không sợ có gì nguy hiểm và đem đến hai kho lương thực ở Mokhovaya ở Okhotuy Raid.

2. Những lương thực này sẽ được mua với giá thỏa thuận giữa người bán và và người mua; nhưng họ đòi hỏi, họ có thể mang số lương thực của mình về, và không ai được cản trở điều đó dù dưới hình thức gì.

3. Ngày chủ nhật và ngày thứ 4 hàng tuần được lấy làm ngày chợ phiên; cho nên cứ đến thứ 3 và thứ 7 một số quân đầy đủ sẽ được bố trí dọc tất cả các đường lớn, cách thành phố một quãng thích hợp để bảo vệ những xe tải lương về.

4. Những biện pháp nói trên cũng sẽ được thi hành để bảo đảm cho nông dân với xe, ngựa của họ không gặp trở ngại trên đường về.

5. Sẽ lập tức dùng những phương pháp cần thiết để khôi phục những chợ búa.

Hỡi các cư dân thành thị và nông dân, hỡi các thợ thuyền và các nhà tiểu công nghệ, vô luận là người dân tộc nào! Các người hãy hưởng ứng những ý định nhân từ như cha mẹ của hoàng đế và quốc vương bệ hạ và góp sức với ngài xây dựng hạnh phúc chung. Hãy đặt dưới chân Người lòng sùng kính và tin cậy, và hãy mau mau trở về liên kết với chúng ta!".

Về phương diện cổ vũ tinh thần quân đội và dân chúng, những cuộc duyệt binh và khen thưởng kế tiếp theo nhau không ngớt.

Hoàng đế cưỡi ngựa dạo qua các phố và uý lạo dân cư; và tuy bận lo quốc sự ngài cũng thân hành đến thăm những kịch viện xây dựng theo lệnh của ngài.

Về phương diện từ thiện, viên ngọc sáng nhất trên mũ miện của các bậc đế vương, Napoléon cũng làm đủ tất cả những gì thuộc quyền của mình. Trên các tòa nhà từ thiện ông ta cho đề: "Nhà của mẹ ta", và như thế phối hợp được tất cả lòng hiếu thảo của một người con với đại lượng của một bậc đế vương. Ông ta đến thăm viện cô nhi, cho các trẻ mồ côi được ông ta cứu vớt hôn đôi bàn tay trắng trẻo của ông ta, ân cần nói chuyện với Tutolmin. Sau đó, theo những lời hùng hồn của Tyer thuật lại, ông ta ra lệnh phát cho quân đội những tờ giấy bạc Nga giả mạo do ông sai làm ra. Nâng cao giá trị của việc sử dụng những phương tiện này bằng một hành động xứng đáng với Người và với quân đội Pháp, - Napoléon ra lệnh phát chẩn cho những người bị hỏa hoạn. Nhưng vì lương thực quá hiếm không thể đem phát chẩn người ngoại quốc phần lớn là thù địch, Napoléon đã chọn cách phát tiền cho họ tự mua lấy lương thực ở ngoài hơn và ra lệnh phát rúp giấy cho họ.

Về phương diện kỷ luật quân đội, Napoléon liên tiếp ra lệnh trừng trị nghiêm khắc những hành động bất tuân thượng lệnh và ban bố những mệnh lệnh nhằm chấm dứt những vụ cướp bóc.

Phần XIII

Chương. - 10 -

Nhưng lạ thay, tất cả những mệnh lệnh, những biện pháp và những kế hoạch này, là những cái tuyệt nhiên không thua kém gì những cách thức mà người ta thường làm trong những trường hợp tương tự, đều không động chạm đến thực chất của vấn đề, và như đôi kim trên một cái mặt đồng hồ bị tách rời ra khỏi bộ máy, nó quay lung tung, không có mục đích, không dính dáng gì đến bộ bánh xe trong máy.

Về phương diện quân sự, bản kế hoạch tác chiến thiên tài mà Tyer có nói là: thiên tài của Người chưa bao giờ tưởng tượng ra được một cái gì thâm thuý hơn, khôn khéo hơn và đáng khâm phục hơn, và trong khi bút chiến với ông Phan, Tyer lại còn chứng minh rằng kế hoạch này soạn ra ngày mười lăm tháng mười chứ không phải ngày mồng bốn, bản kế hoạch thiên tài ấy không bao giờ và không thể nào được thực hiện, vì nó không có chút gì sát với thực tế.

Việc củng cố thành Kreml mà muốn thực hiên cần phải phá huỷ cái đền Hồi giáo. (Napoléon gọi nhà thờ Vaxili Blazenny như vậy) hoàn toàn không có ích lợi gì cả. Việc đặt mìn dưới thành Kreml chỉ góp phần thực hiện ý muốn của hoàng đế khi rút ra khỏi Moskva, tức là muốn cho thành Kreml nổ tung, nghĩa là làm cái việc đánh vào nền nhà để dỗ đứa trẻ vừa bị ngã xuống đấy. Việc truy kích quân đội Nga, một việc khiến Napoléon bận tâm rất nhiều, là một hiện tượng lạ kỳ chưa từng có: các tướng lĩnh Pháp đã mất hút bóng đạo quân sáu vạn người này, và theo lời Tyer, may mà nhờ sự khéo léo và thậm chí cái thiên tài của Mura cho nên mới tìm lại được đạo quân Nga sáu vạn người này, chẳng khác nào tìm một cái kim găm.

Về phương diện ngoại giao, tất cả những lời biện luận của Napoléon về lòng đại độ và sự công minh của mình, trước mặt Tatolmin cũng như trước mặt Yokovlev, mà mối lo chủ yếu lúc bấy giờ là làm sao kiếm được một chiếc áo khoác và một cái xe tải, những lời biện luận ấy đều tỏ ra vô hiệu: Alekxandr không tiếp các sứ giả này và không phúc đáp.

Về phương diện hành chính, cơ quan thị chính không ngăn chặn được các vụ cướp bóc và, chỉ đem lại lợi ích cho một vài nhân vật có tham gia vào các cơ quan thị chính này: họ lấy cớ giữ gìn an ninh để cướp bóc dân Moskva hay để bảo vệ cho tài sản riêng của họ khỏi bị cướp bóc.

Về phương diện tư pháp, sau khi hành hình những người bị gán tội đốt nhà, phần nửa còn lại của Moskva cũng bốc cháy nốt.

Về phương diện tôn giáo, cái phương sách thăm viếng các đền thờ đã dùng ở Ai Cập này chẳng đem lại kết quả gì. Hai giáo sĩ tìm được ở Moskva cũng có thử thi hành ý muốn của Napoléon, nhưng một người trong bọn họ đã bị một tên lính Pháp tát tai trong khi làm lễ, còn về người kia thì một viên quan chức Pháp có báo cáo như sau:

"Người linh mục mà tôi tìm ra được và mới làm lễ lại như cũ đã quét dọn và đóng cửa nhà thờ. Nhưng đêm hôm qua lại có kẻ đến phá cửa lớn, bẻ khoá, xé sách và gây nhiều việc lộn xộn khác"

Về phương diện thương mại, tờ tuyên cáo kêu gọi "các nhà tiểu công nghệ cần cù và tất cả các nông dân" không thể thu được một tiếng vang nào. Nhà tiểu công nghệ cần cù thì không có, còn như nông dân thì những tên phái viên nào dám đi quá xa để phát tờ tuyên cáo này đều bị họ bắt hoặc giết đi.

Rồi phương diện giải trí cho dân chúng và quân đội bằng kịch viện, công việc cũng chẳng khả quan hơn. Những nhà hát tổ chức trong thành Krem và trong nhà Pensnyakov lập tức phải đóng cửa, vì các nam nữ diễn viên đều bị cướp hết của cải.

Rồi đến việc từ thiện cũng không đưa lại những kết quả mong muốn. Giấy bạc giả và giấy bạc thật tràn ngập khắp Moskva và không có giá trị gì hết. Đối với bọn lính Pháp đang cố vơ vét của cải thì chỉ có vàng là cần thiết. Không những giấy bạc giả mà Napoléon ban phát cho những người khốn khổ một cách nhân từ vậy đã hết giá trị, mà ngay cả bạc nén nữa cũng bị đem đổi lấy vàng với tỷ lệ rất thấp.

Nhưng hiện tượng kỳ lạ nhất về sự vô hiệu của những biện pháp của Napoléon vào thời kỳ ấy là sự thất bại của ông ta trong việc cố gắng chặn các vụ cướp bóc và phục hồi kỷ luật.

"Những vụ cướp bóc vẫn diễn ra trong thành phố, tuy đã có lệnh chặn đứng nó lại. Trật tự vẫn chưa được phục hồi, và không có một nhà buôn nào trở lại buôn bán một cách hợp pháp. Chỉ có bọn bán rong là dám bán hàng, mà cũng chỉ bán những của ăn cắp".

"Một khu vực trong quận tôi vẫn bị quân lính thuộc lữ đoàn ba cướp phá. Giành giật những đồ đạc ít ỏi còn sót lại của những người khốn khổ đang trốn tránh dưới các hầm nhà; vẫn chưa vừa lòng, quân lính còn nhẫn tâm dùng gươm chém họ bị thương, như tôi đã từng thấy nhiều trường hợp.

"Không có gì mới ngoài việc quân lính vẫn tự tiện trộm cướp. Ngày mười chín tháng mười".

"Trộm cướp vẫn hoành hoành. Trong quận chúng tôi có một toán kẻ trộm, rồi đây cần phải đưa những đội quân hùng hậu đến bắt. Ngày mười một tháng mười".

"Hoàng đế rất đỗi bất bình khi thấy rằng tuy đã ra lệnh chặn đứng những vụ cướp bóc, nhưng lúc nào cũng chỉ thấy những toán quân vệ binh đi ăn cướp trở về điện Krem. Trong đạo quân vệ binh kỳ cựu, tình trạng hỗn loạn và việc cướp bóc lại tái diễn vào ngày hôm qua, đêm qua và ngày hôm nay một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hoàng đế rất phiền lòng khi thấy những binh sĩ tinh nhuệ được chọn để hộ vệ ngài, lẽ ra phải nêu gương kỷ luật, thì lại lăng loàn đến mức xông vào đập phá các hầm rượu và các kho lương dành cho quân đội. Một số khác lại tồi tệ đến nỗi không chịu nghe những người lính canh và những sĩ quan đi tuần, lại còn chửi bới và đánh đập họ nữa.

"Quan lễ nghi đại thần của hoàng cung hết sức than phiền. - viên tổng đốc viết. - rằng tuy đã nhiều lần ra lệnh cấm mà quân lính vẫn đại tiện ở khắp các sân và thậm chí ngay cả dưới cửa sổ của hoàng đế".

Cái quân đội ấy như một đàn súc vật thả rông, giẫm nát dám có lẽ ra có thể cứu chúng khỏi chết đói, cứ tan rã dần, và càng ở Moskva thêm ngày nào nó lại càng đi dần vào cõi chết ngày ấy.

Nhưng nó vẫn không nhúc nhích.

Mãi đến khi quân Nga cướp những xe lương trên con đường Smolensk và khi nhận được tin trận Tarutino nó mới phát hoảng lên mà bỏ chạy. Napoléon được tin này một cách đột ngột khi đang duyệt binh. Như Tyer có nói, tin này khiến cho ông ta nóng lòng muốn trừng phạt bọn Nga, và ông ta liền ra lệnh dời quân, một mệnh lệnh mà toàn quân đều nức lòng mong đợi.

Ở Moskva chạy chốn, binh sĩ trong đạo quân này vơ theo tất cả những gì họ đã cướp được. Napoléon cũng chở theo một kho tàng riêng. Trông thấy đoàn xe kềnh càng trẩy theo đoàn quân, Napoléon rất kinh hãi (như Tyer có nói). Nhưng vì đã có nhiều đồ như ông đã từng làm với các xe chở đồ của một viên thống chế trong khi quân tiến về phía Moskva. Ông ta nhìn những cỗ xe kiệu và xe hòm chở lính đi và nói rằng sau này dùng những chiếc xe kia để chở lương thực và chở thương binh, bệnh binh thì rất tốt.

Tình cảnh của toàn thể quân đội giống như tình cảnh của một con vật bị thương đang cảm thấy mình chết và không biết mình đang làm gì. Nghiên cứu những hành động khôn khéo và những mục đích của Napoléon và của quân đội ông ta từ khi tiến vào Moskva cho đến khi bị tiêu diệt cũng chẳng khác gì nghiên cứu ý nghĩa của những sự giãy giụa của một con vật bị thương đang hấp hối. Nhiều khi con vật bị thương nghe thấy tiếng sột soạt, lao mình về phía trước khiến cho người đi săn có dịp bắn nhanh hơn.

Napoléon cũng làm như vậy dưới sức ép của toàn thể quân đội ông ta. Tiếng vang của trận Tarutino khiến con thú hoảng sợ, nó trốn về phía trước, chạy đến tận mũi súng người đi săn, rồi lại quay đi, và cuối cùng, cũng như bất cứ con thú nào, nó chạy lùi trở lại theo con đường bất lợi, nguy hiểm nhất, nhưng là con đường quen thuộc, còn in vết chân cũ của nó.

Napoléon, mà ta tưởng là kẻ chi huy toàn bộ cuộc vận chuyển này (cũng như một người mông muội tưởng rằng cái hình khắc ở mũi thuyền chính là cái sức mạnh chỉ huy con thuyền), Napoléon trong suốt thời gian hoạt động của ông ta cũng giống như một đứa trẻ ngồi cầm những cái dải dính trong hòm xe mà tưởng tượng rằng mình đang đánh xe đi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx