sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4) - Phần 14 - Chương 13 + 14 + 15 + 16

13.

- Về chỗ! - Bỗng có tiếng quát.

Đám tù binh và lính áp giải vui vẻ nhốn nháo lên và như đang chờ đợi một cái gì vui sướng và long trọng. Bốn bề vang lên những tiếng hô, và từ bên trái hiện ra một tốp người mặc quần áo chỉnh tề cưỡi những con ngựa tốt phóng nước kiệu vượt qua đoàn tù binh.

Trên mọi gương mặt đều lộ ra cái vẻ khẩn trương thường thấy mỗi khi thất sắp có những nhân vật cao cấp đến, tù binh dồn lại thành một tốp, họ bị dồn sang một bên lề đường! Đoàn lính áp giải sắp lại thành hàng ngũ.

- Hoàng đế! Hoàng đế! Nguyên soái! Quận công! - và ngay sau đoàn lính hộ tống no đủ, một cỗ xe kiệu thắng ngựa xám hàng dọc đi qua, bánh xe lăn ầm ầm. Piotr thoáng nhìn thấy khuôn mặt béo tốt trắng trẻo, đẹp đẽ, điềm tĩnh của một người ngồi đội mũ ba góc. Đó là một vị nguyên soái, nguyên soái đưa mặt nhìn bóng dáng to lớn rất dễ nhận thấy của Piotr, và cau mày ngoảnh mặt đi.

Trông vẻ mặt của vị nguyên soái ngoảnh đi, Piotr thấy hình như ông ta có ý ái ngại cho chàng và muốn che giấu cảm giác đó.

Viên tướng chỉ huy đoàn vận tải, mặt đỏ gay có vẻ hốt hoảng, thúc con ngựa gầy phóng theo cỗ xe kiệu. Mấy viên sĩ quan xúm lại binh lính quây quần bên họ. Ai nấy vẻ mặt đầy căng thẳng và xúc động.

- Ngài vừa nói gì thế? Ngài nói gì thế?

Khi xe nguyên soái đi qua, đoàn tù binh dồn lại thành một tốp, và Piotr trông thấy Karataiev. Sáng hôm nay, chàng chưa trông thấy bác ta lần nào. Karataiev mặc áo khoác ngồi tựa lưng vào một cây bạch dương. Trên mặt bác ta, ngoài cái vẻ cảm khích vui sướng như khi kể chuyện về ông già vô tội bị đày ải, còn sáng ngời lên vì một vẻ gì trang trọng mà trầm tĩnh.

Karataiev nhìn với đôi mắt tròn hiền hậu bấy giờ đang rưng rưng nước mắt, và hình như muốn gọi Piotr để nói một điều gì.

Nhưng Piotr sợ cho mình quá. Chàng giả vờ như không trông thấy Karataiev nhìn mình, và vội vã lánh đi.

Khi đoàn tù binh lại lên đường, Piotr ngoảnh mặt lại nhìn phía sau. Karataiev ngồi bên lề đường, dưới gốc bạch dương, hai tên lính Pháp đang đứng nói gì với nhau ở bên cạnh bác ta. Piotr không nhìn lại nữa. Chàng khập khiễng bước lên dốc.

Phía sau, ở chỗ Karataiev ngồi, có tiếng súng nổ. Piotr nghe rõ tiếng súng nổ này, nhưng ngay giây lát chàng nghe thấy nó, Piotr sực nhớ rằng mình chưa tính xong những chặng đường từ đấy đến Smolenxk mà chàng đã bắt đầu tính từ lúc viên nguyên soái chưa đi xe qua. Và chàng lại nhẩm tính toán. Hai tên lính Pháp, trong đó có một tên cầm súng trường còn bốc khói, chạy qua cạnh Piotr. Mặt cả hai đều tái mét, và vẻ mặt của họ - Một trong hai tên rụt rè liếc nhìn Piotr - Có một cái gì giống như vẻ mặt mà Piotr đã thấy ở tên lính Pháp trẻ tuổi trong buổi hành hình dạo trước. Piotr nhìn tên lính và nhớ rằng hôm kia trong khi ngồi sưởi, hắn ta đã cháy mất chiếc áo sơ mi và bị chúng bạn chế giễu.

Con chó cất tiếng gào lên ở phía sau, chỗ Karataiev ngồi lúc nãy. "Đồ ngu, sao nó lại rống lên như thế?" - Piotr nghĩ thầm.

Các bạn tù binh đi cạnh Piotr cũng như chàng không nhìn lại chỗ có tiếng súng nổ và có tiếng chó giống lên; nhưng trên mọi gương mặt đều hiện lên một thần sắc nghiêm nghị.

Phần XIV

Chương. - 14 - 15 -

Đoàn vận tải, đoàn tù binh và đoàn xe chở đồ của nguyên soái đóng lai ở làng Samsavo. Mọi người đều chen chúc quanh đống lửa.

Piotr lại gần một đống lửa ăn miếng thịt ngựa nướng, nằm quay lưng về phía lửa và ngủ thiếp đi. Giấc ngủ của chàng bấy giờ lại giống như giấc ngủ dạo trước Mozaisk sau trận Borodino.

"Cuộc sống là tất cả. Cuộc sống là Thượng đế. Mọi vật đều di chuyển, và sự vận động ấy chính là Thượng đế. Và một khi còn cuộc sống thì còn lạc thú tự nhận thức được cái bản chất Thượng đế của mình. Yêu cuộc sống là yêu Thượng đế. Khó hơn cả và đáng quý hơn cả là yêu cuộc sống ấy với những nỗi đau khổ mà mình phải chịu mặc dầu vô tội".

- Karataiev! - Piotr nhớ lại.

Và Piotr lại thấy hiện lên hình ảnh ông thầy giáo già hiền lành hồi trước dạy địa lý cho chàng ở Thuỵ sỹ, tưởng chừng như ông hãy còn sống vậy. "Khoan", - Ông già nói, đoạn cho Piotr xem một quả cầu Quả địa cầu này là một hình sinh động phập phồng không có kích thước, cả bề mặt quả địa cầu làm bằng những giọt nước dính sát vào nhau. Và những giọt nước này không ngừng chuyển động, đổi chỗ, và khi thì mấy giọt nhập lại thành một, khi thì một giọt lại tách ra thành nhiều. Mỗi giọt đều muốn phình ra, chiếm thật nhiều không gian, nhưng các giọt khác cũng muốn thế, nên ép giọt kia lại, đôi khi tiêu diệt nó, đôi khi lại hòa làm một với nó.

- Cuộc sống là như vậy đấy, - Ông thầy giáo già nói.

- "Đơn giản và rõ ràng quá. - Piotr nghĩ, - Làm sao trước đây ta lại không biết nhỉ".

Ở trung tâm là Thượng đế, và mỗi giọt đều muốn phình rộng thêm ra để phản ánh Thượng đế cho thật nhiều. Và mỗi giọt đều lớn lên, lan ra, teo lại, và mất đi trên bề mặt, chìm xuống chiều sâu, rồi lại nổi lên. Đấy Karataiev cũng lan rộng ra và mất đi như vậy.

- Đã hiểu chưa con? - Ông thầy giáo già nói.

Đã hiểu chưa, đồ chết tiệt? - Có tiếng quát, và Piotr bừng tỉnh.

C hàng nhổm người lên rồi ngồi dậy. Bên đống lửa có một tên lính Pháp ngồi xổm. Hắn vừa đuổi một người Nga sang bên để lấy chỗ ngồi nướng miếng thịt xóc ở đầu que thông nòng súng. Ánh than hồng soi khuôn mặt rám nắng hầm hầm, với đôi mày cau lại.

- Hắn thì cần gì? - Tên lính càu nhàu, quay phắt về phía một tên khác đứng sau lưng… đồ kẻ cướp!

Và người lính vừa quay que thông nòng vừa nhìn Piotr gườm gườm. Piotr quay mặt đi, nhìn vào bóng tối. Một người tù binh Nga, người vừa bị tên Pháp xô ra, đang ngồi bên đống lửa và lấy tay vuốt vuốt một vật gì. Nhìn sát hơn, Piotr nhận ra con chó lông tía đang ngoắt đuôi ngồi cạnh người lính.

- À đã về đấy hử? - Piotr nói. - Chà, pla… chàng không nói hết.

Trong tư tưởng của chàng cùng một lúc hiện lên một mớ hình ảnh hòa trộn lẫn vào nhau, hình ảnh đôi mắt của Platon nhìn chàng khi ngồi dưới gốc cây bạch dương, tiếng súng phát ra từ chỗ ấy, tiếng chó rống lên, vẻ mặt tội lỗi của hai tên lính Pháp chạy qua cạnh chàng, khẩu súng trường bốc khói, sự vắng mặt của Karataive ở trạm nghỉ này và chàng đã sẵn sàng hiểu rằng Karataiev đã bị bắn chết, nhưng ngay giây lát ấy, trong lòng chàng, chẳng biết từ đâu đến, lại hiện lên những kỷ niệm buổi tối mùa hè năm nào chàng cùng cô thiếu nữ Ba Lan xinh đẹp ngồi hóng mát trên bao lơn một tòa nhà ở Kiev. Và cũng không liên hệ những kỷ niệm ngày hôm nay lại với một phong cảnh mùa hè pha lẫn với một buổi tắm sông, hình ảnh quả cầu phập phồng, và chàng buông mình xuống nước, cho đến khi nước ngập quá đầu.

Trước khi mặt trời mọc, Piotr choàng người dậy vì những tiếng súng nổ liên hồi rất to và tiếng quát tháo. Mấy tên lính Pháp chạy ngang qua mặt Piotr.

Suốt hồi lâu Piotr không sao hiểu được chuyện gì vừa xảy ra.

Từ phía chàng nghe những tiếng reo hò mừng rỡ của các bạn tù.

- Anh em ơi! Các cậu ơi! - Những người lính già vừa khóc vừa nổi người khi ôm lính cô-dắc và lính phiêu kỵ. Lính phiêu kỵ và lính cô-dắc xúm quanh tù binh và đem nào áo, nào giày, nào bánh mì ra mời họ; Piotr ngồi giữa đám đông khóc nấc lên không thốt lên lời; Chàng ôm lấy người lính đầu tiên đến cạnh chàng và vừa ôm và vừa khóc vừa hôn lên anh ta.

Dolokhov đứng bên cổng tòa nhà đổ nát nhìn tốp lính Pháp đã bị tước khí giới đi qua. Đang xúc động vì những việc vừa xảy ra, quân Pháp bàn tán với nhau rất to tiếng; nhưng khi đi qua Dolokhov đang cầm roi ngựa đập đập vào ủng và nhìn nhìn họ với đôi mắt lạnh như thuỷ tinh, một cái nhìn chẳng hứa hẹn điều gì là tốt lành gì cả, họ liền im lặng. Bên kia cổng, một người lính cô-dắc của Dolokhov đứng đếm số tù binh, cứ một trăm tên lại gạch một phần lên cổng.

- Bao nhiêu? - Dolokhov hỏi người cô-dắc đang đếm tù binh.

- Hơn một trăm rồi ạ, - Người cô-dắc đáp.

- Đi đi, đi đi! - Dolokhov giục. Chàng đã học được cái giọng này ở quân lính Pháp, và khi bắt gặp mặt những tên tù binh đi ngang, khóe mắt chàng ngời lên một ánh sáng tàn nhẫn.

Denixov, mặt lầm lầm, bỏ mũ xuống đi theo mấy người cô-dắc đang khiêng xác Petya Roxtov đến cái huyệt mới đào xong ở ngoài vườn.

15.

Kể từ ngày hai mươi tám tháng mười, khi trời bắt đầu giá rét, cuộc bỏ chạy của quân lính Pháp chỉ thêm bi đát vì cảnh những người chết cóng hoặc chết bỏng ở các bếp lửa, và cảnh hoàng đế, các quốc vương và các quận công mặc áo choàng ấm tiếp tục ngồi xe kiệu cùng với nhiều của cải cướp được; vì thực chất thì quá trình trốn chạy và tan rã của quân đội Pháp. Kể từ khi ở Moskva, ra đi cũng không hề mảy may thay đổi.

Từ Moskva đến Vyazma, quân đội Pháp từ bảy vạn ba nghìn người, không kể quân cấm vệ (đạo quân này trong suốt cuộc chiến tranh chẳng làm gì ngoài việc cướp bóc) từ bảy vạn ba nghìn người ấy chỉ còn ba vạn sáu nghìn (trong số này chỉ có năm nghìn người bị chết trong các trận đánh). Đó là vế đầu của cấp số quyết định các cấp số sau khi cách tính chính xác như toán học.

Quân đội Pháp vẫn theo tỉ số ấy mà tan rã và bị tiêu diệt từ Moskva đến Vyazma, từ Vyazma đến Smolensk. Từ Xmoleaxk đến Betrya, Berezina, từ Berezina đến Vilna, không kể trời lạnh đến mức như thế nào, bất chấp những cuộc truy kích, những cuộc chặn đường và những điều kiện khác xét riêng từng cái. Sau Vyazma quân Pháp không đi thành ba đạo nữa mà nhập lại thành một lũ và cứ thế mà đi cho đến cùng. Bertie có viết cho vua ông ta như sau (ta đã biết rõ các nhà chỉ huy quân sự thường cho phép mình đi xa sự thật đến nhường nào khi mô tả tình hình quân đội).

"Tôi thấy cần phải tâu để bệ hạ rõ tình hình của quân đội bệ hạ trong các quan đoàn mà tôi đã có dịp quan sát trong hai ba ngày nay ở nhiều chặng hành quân khác nhau. Quân đội đã hoàn toàn tan rã. Trong hầu hết các trung đoàn số binh sĩ đi theo các quân kỵ giỏi lắm chỉ còn một phần tư, còn lại thì đi lẻ ra nhiều hướng vì nhiều mục đính riêng tư, hy vọng tìm lương ăn và thoát khỏi bị kỷ luật.

Nói chung, họ xem Smolensk như nơi họ nghỉ cho lại sức. Mấy ngày gần đây nhưng người ta thấy nhìn thấy nhiều binh sĩ vứt đạn vứt súng đi. Trong tình trạng này thì dù ý định của bệ hạ có thế nào chăng nữa, quyền lợi quân sự của bệ hạ cũng yêu cầu tập hợp lại quân đội ở Smolensk, bắt đầu bằng việc thanh toán những phần tử không chiến đấu như những kỵ binh mất ngựa, những hành lý và những đồ đạc của pháo binh không còn cân xứng với lực lượng hiện nay nữa, ngoài những ngày nghỉ ngơi ra, lương thực cũng rất cần cho binh sĩ đã kiệt sức vì đói và mệt.

Mấy ngày gần đây đã có nhiều người chết dọc đường hay ở các trại lộ chiến.

Tình hình mỗi ngày một thêm trầm trọng và khiến ta phải nghĩ rằng nếu không có phương sách gì để cấp tốc để bổ cứu, tôi sợ đến khi có chiến tranh ta không còn làm chủ được quân đội nữa. Ngày mùng tám tháng mười một, cách Smolensk 30 dặm Nga".

Sau khi ùa vào Smolensk là nơi họ xem như cõi đất hứa hẹn, quân Pháp giết nhau để tranh giành lương thực, cướp phá cả các kho lương thực của họ, và khi đã cướp đi hết sạch, họ lại tiếp tục chạy trốn.

Mọi người đều đi mà chẳng biết mình đi đâu và để làm gì.

Napoléon với cái thiên tài của ông ta, còn biết điều đó ít hơn ai hết, vì không có ai ra mệnh lệnh cho ông ta cả. Tuy thế ông ta và những người thân cận vẫn giữ những tập quán cũ: viết mệnh lệnh, thứ tự, báo cáo, nhật lệnh; gọi nhau là "Bệ hạ, hiền huynh, công tước Ecmuun, quốc vương Napoli v.v…" Nhưng những mệnh lệnh và báo cáo đều chỉ có thể trên giấy tờ, không có việc gì được thực hiện theo những mệnh lệnh đó cả, vì không nào thực hiện được, và tuy họ gọi nhau bằng những chức tước long trọng và xưng hô như anh em cùng họ, mọi người đều cảm thấy mình là những con người thảm hại và xấu xa đã làm nhiều điều ác mà nay họ phải trả nợ. Và tuy họ giả vờ lo lắng đến quân đội, mỗi người chỉ nghĩ đến cái thân mình và nghĩ cách làm sao trốn thoát cho nhanh.

Phần XIV

Chương. - 16 -17 -

Hoạt động của quân Nga và quân Pháp trong thời kỳ chiến dịch rút lui từ Moskva đến Neman giống như một trò bịt mắt bắt dê, trong đó cả hai người chơi đều bị bịt mắt và người trốn thỉnh thoảng lại rung chuông để cho người tìm biết chỗ. Lúc đầu người trốn rung chuông, không sợ địch thù, nhưng khi nguy hiểm đến nơi thì hắn ta lại cố lặng lẽ chuồn đi cho khỏi bị người ta bắt và nhiều khi tưởng là chạy trốn mà hóa ra là xông thẳng vào tay đối thủ.

Lúc đầu quân Napoléon còn cho biết nó đang ở đâu. - Đó là vào thời kỳ đầu cuộc rủt quân trên con đường Kaluga, nhưng về sau, khi kéo lên con đường Smolensk, nó chạy trốn, tay giữ chặt lấy quả chuông và nhiều khi tưởng là mình chạy trốn mà hóa ra là đâm thẳng vào quân Nga.

Vì quân Pháp chạy trốn và quân Nga đuổi theo đều rất nhanh, và do đó, ngựa đều kiệt sức cả, cho nên cái phương tiện chủ yếu để tìm hiểu vị trí phỏng chừng của quân địch. - Tức là những cuộc trinh sát của kỵ binh. - Nay không còn nữa. Ngoài ra, hai quân đội lại luôn luôn thay đổi vị trí và thay đổi rất nhanh cho nên những tin lức báo về, dù là tin tức gì, cũng đều không còn xác thực nữa. Nếu ngày mồng hai có tin cho biết là ngày mồng một quân địch ở một nơi nào đấy, thì đến ngày mồng ba, khi đã có thể tiến hành một việc gì quân đội đã đi được hai chặng đường rồi và đã đến một vị trí khác hẳn.

Quân đội này chạy trốn, quân đội kia đuổi theo. Từ Smolensk quân Pháp có thể chọn nhiều đường rút khác nhau; và người ta có thể tưởng ở đây, sau bốn ngày đóng trại, quân Pháp có thể biết được quân địch ở nơi nào, nghĩ ra một cái gì có lợi và mưu tính một việc gì mới. Nhưng sau bốn ngày đóng trại, đám quân hỗn loạn ấy lại bỏ chạy, không phải sang phải, cũng không phải sang trái, mà lại theo đường cũ. Con đường bất lợi hơn cả, con đường Kraxnoye và Orsa, không hề có kế hoạch và chiến thuật gì hết, chỉ theo vết cũ mà chạy.

Đinh ninh rằng quân địch ở sau lưng chứ không phải ở trước mặt, quân Pháp chạy thành một tuyến dài, mỗi toán cách nhau đến hai mươi bốn tiếng hành quân. Người chạy trước ai hết là hoàng đế, sau đến các quốc vương rồi đến các quận công. Quân Nga tưởng Napoléon sẽ đi chếch sang phải về phía đông Dniepr, và chỉ có làm như vậy mới hợp lý, nên cũng đi chếch sang phải và đi lên đường cái lớn dẫn đến Kraxnoye. Và ở đấy, như trong trò bịt mắt bắt dê, quân Pháp đâm sầm vào đạo tiến của quân ta. Bỗng đâu trông thấy địch ngay trước mặt, quân Pháp hoảng hốt dừng lại nhưng rồi lại bỏ chạy, bỏ mặc những bạn đồng ngũ đang theo sau.

Ở đấy suốt ba ngày quân Pháp như len qua hàng ngũ quân của Nga, từng đơn vị lần lượt kéo qua, đầu tiên là quân của phó vương, rồi đến quân Davu, và sau đó đến quân Ney. Tất cả đều bỏ rơi lẫn nhau, bỏ rơi tất cả những thứ nặng nề, bỏ hết đại bác, bỏ lại một nửa quân số và chạy miết, chỉ đến đêm mới len đi vòng qua cánh phải quân Nga thành những hình bán nguyệt.

Ney rút sau cùng vì còn bận chôn mìn phá thành Smolensk tuy những bức thành này chẳng làm phiền ai cả (mặc dầu tình cảnh quân Pháp rất bi đát, hoặc chính vì vậy, cho nên như đứa trẻ bị ngã đau họ muốn đạp nền nhà họ). Rút sau cùng với quân đoàn của ông gồm một vạn người, Ney chỉ còn được một nghìn quân khi chạy đến Orsa họp với Napoléon, sau khi đã bỏ hết quân lính và đại bác rồi thừa lúc đêm tối lẻn qua lừng vượt sông Dniepr.

Từ Orsa, họ tiếp tục chạy theo con đường đến Vilna và cũng vẫn trò chơi bịt mắt bắt dê với đạo quân truy kích họ đúng như trước Đến sông Berezina(1), họ lại lâm vào tình trạng hỗn loạn, nhiều người bị chết đuối, nhiều người đầu hàng, nhưng những ai qua sông được lại tiếp tục chạy. Vì tổng tư lệnh của họ mặc vội áo da lông, ngồi trên xe trượt tuyết và bỏ các bạn chiến đấu chuồn đi một mình, ai có thể chốn được cũng chốn theo, còn ai không chốn được thì đầu hàng hay chết.

(1) Phụ lưu bên phải của sông Dniepr. Tháng mười một năm 1812 quân đội Pháp bỏ chạy với bị tổn thất nặng nề ở đây. Napoléon chạy thoát và chín nghìn người đến Vinno. Toàn quân gần như bị tiêu diệt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx