sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4) - Phần 16 - Chương 13 + 14

13.

Khi hai vợ chồng Piotr bước vào phòng khách, bá tước phu nhân đang ở trong tình trạng thường ngày mỗi khi phu nhân đang cần phải vận dụng trí óc bằng cách xếp bài, cho nên thấy Piotr đến, phu nhân bực mình vì phải xao nhãng mất sức chú ý đang tập trung vào mấy con bài. Tuy vậy, theo thói quen, phu nhân vẫn nói những lời thường nói mỗi khi Piotr hay con trai trở về: "Có thế chứ, mẹ mong con mãi. Thôi cũng đội ơn Chúa, và trong khi nhận các quà tặng, phu nhân vẫn nói những câu quen thuộc khác: "Cái quí không phải là quà cáp đâu con ạ, cái quí là con đã nghĩ đến một bà già như mẹ". Phu nhân xếp bài xong mới chú ý đến các món quà. Quà biếu gồm một cái bao đựng bài rất đẹp, một cái chén uống trà bằng sứ Xevr, màu xanh xám có nắp đậy, có vẽ hình cô chăn cừu, và một chiếc hộp đựng thuốc lá bằng vàng có chân dung của bá tước mà Piotr đã đặt một người làm chân dung thu nhỏ ở Petersburg làm. - Đã từ lâu bá tước phu nhân muốn có một chiếc hộp đựng thuốc lá như thế.

Bấy giờ phu nhân chưa muốn khóc, vì vậy phu nhân nhìn bức chân dung một cách lãnh đạm và đặc biệt chú ý đến cái túi đựng bài.

- Cảm ơn con, con đã làm mẹ vui lòng. - Phu nhân nói, nhắc lại những câu thường ngày. - Nhưng điều đáng mừng hơn cả là con đã về đây. Nếu không thì chẳng còn ra làm sao nữa con phải mắng vợ con mới được. Rõ thật buồn cười! Vắng con nó như điên dại. Nó không thấy gì cả, không nhớ gì cả. Này bà Anna Timofeyevna. - Phu nhân nói thêm. - Bà xem cái túi bài con tôi nó mua cho tôi đẹp không này.

Bà Belova khen ngợi món quà và xuýt xoa trước tấm vải Piotr mua cho bà.

Piotr, Natasa, Nikolai, bá tước phu nhân Maria và Denixov thường cần nói với nhau những điều không thể nói trước mặt phu nhân, không phải vì họ giấu giếm gì phu nhân, nhưng vì phu nhân quá lạc hậu đối với tình hình, cho nên mỗi khi bắt đầu một câu chuyện trước mặt phu nhân họ cứ phải trả lời những câu không đâu của phu nhân và phải nhắc lại một lần nữa những điều họ đã nói với phu nhân nhiều lần: nào là người này đã chết, người kia đã lấy vợ, những điều mà phu nhân không tài nào nhớ được. Nhưng theo thường lệ, lúc uống trà họ vẫn ngồi trước ấm lò ở phòng khách và Piotr trả lời những câu hỏi của phu nhân, những câu hỏi chẳng cần thiết gì đối với phu nhân mà cũng chẳng thú vị gì đối với những người khác, cho phu nhân biết rằng công tước Vaxili đã già đi, bá tước phu nhân Maria Alekxeyevna gửi lời thăm phu nhân và xin phu nhân đừng quên bà ta v.v…

Cái lối trò chuyện chẳng thú vị gì cho ai nhưng cần thiết ấy vẫn kéo dài suốt cả buổi dùng trà. Xung quanh cái bàn tròn đặt ấm lò, có Sonya ngồi cạnh để rót nước, tất cả những người lớn trong gia đình đều quây quần lại. Lũ trẻ con, các gia sư và các: chị giữ trẻ đã uống trà xong, và có thể nghe tiếng họ nói chuyện trong gian phòng đi-văng ở bên cạnh. Mỗi người đểu ngồi ở chỗ thường ngày của mình. Nikolai ngồi cạnh lò sưởi trước cái bàn nhỏ trên đấy người ta dọn trà cho chàng. Milka, con chó săn già, con của con Milka trước kia, đang nằm trên một chiếc ghế bành đặt cạnh chàng; đầu nó trắng như bông, càng làm nổi bật cặp mắt đen lánh. Denixov, mái tóc quăn cũng như bộ ria mép và bộ râu má đều đã điểm bạc, mình mặc chiếc áo đuôi én của cấp tướng hở cổ đang ngồi cạnh bá tước phu nhân Maria. Piotr ngồi giữa vợ và lão bá tước phu nhân. Chàng kể lại những điều mà chàng biết là phu nhân có thể thích và hiểu được. Chàng nói đến, những việc ở bên ngoài, trong giới xã giao, và nói đến những người cùng lứa tuổi với phu nhân, ngày xưa vốn làm thành một nhóm riêng biệt thực sự hoạt động, nhưng bấy giờ đều phân tán ở khắp nơi và cũng như phu nhân, đang sống nốt trong những ngày còn lại bằng cách hái những bông lúa cuối cùng mà họ đã gieo trong đời họ. Tuy vậy đối với phu nhân chính những người này, những người cùng thời với phu nhân, lại là cái thế giới duy nhất chân chính và đứng đắn. Thấy Piotr phấn chấn, Natasa biết rằng cuộc hành trình của chàng rất thú vị rằng chàng có nhiều điều muốn kể, nhưng không dám nói trước mặt phu nhân.

Denixov không phải là người nhà cho nên không hiểu tại sao Piotr lại dè đặt, và vốn là một người bất mãn với thời cuộc, chàng rất quan tâm đến những việc xảy ra ở Petersburg, nên cứ luôn luôn giục Piotr nói đến chuyện vừa xảy ra trong trung đoàn Xemenovxki, hoặc nói về Arakseyev, về Hội thánh Kinh(1). Đôi khi Piotr cũng bị lôi cuốn theo và bắt đầu nói, nhưng Nikolai và Natasa mỗi lần như thế lại kéo chàng về với sức khỏe của bá tước Ivan hay của bá tước phu nhân Maria Antonova.

- Này anh xem tất cả cái trò điên rồ kia, tất cả bọn Goxner(2) và Tatannova(3) - Denixov hỏi. - Lẽ nào cứ tiếp tục được mãi như thế?

(1) Một tổ chức phản động do A.N. Golitxyn cầm đầu và được Alekxander đệ nhất bảo trợ, gồm có những quan chức và cao cấp và giáo sĩ thành lập ở Petersburg năm 1803. Chủ trương truyền bá Kinh Thánh

(2) Người Đức năm 1820 được bầu làm giám đốc hội Thánh kinh

(3) Người thành lập một giáo phái thần bí.

- Tiếp tục chứ - Piotr nói. - Còn tiếp tục mạnh hơn là khác: hội Thánh kinh bây giờ là tất cả chính phủ đấy!

- Con nói gì thế con? - Bá tước phu nhân hỏi khi đã uống trà xong và rõ ràng là đang muốn tìm một duyên cớ để nổi giận sau bữa ăn chiều. - Con nói gì chính phủ đấy, mẹ chẳng hiểu gì cả?.

- Thế này, mẹ ạ - Nikolai nói xen vào, chàng vốn biết cách diễn đạt bất cứ ý gì bằng thứ ngôn ngữ của mẹ chàng. - Công tước Alekxander Nikolaievich Golixyn có lập một hội, vì vậy người ta nói công tước rất có thế lực.

- Arakseyev và Golixyn, - Piotr buột miệng nói. - Hiện nay là tất cả chính phủ. Chính phủ gì lại như thế! Ở đâu họ cũng thấy toàn là âm mưu, cái gì họ cũng sợ.

- Nhưng công tước Aleckxander Nikolaievich thì có tội tình gì kia chứ? - Phu nhân nói. - Ông ta là một người đáng kính. Mẹ ngày trước thường gặp ông ta ở nhà bà Maria Antonova. - Phu nhân nói, giọng cáu kỉnh, và càng phát cáu khi thấy mọi người im lặng, phu nhân nói tiếp. - Một hội Phúc âm thì có gì là tai hại kia chứ? - Phu nhân đứng dậy (mọi người cùng đứng dậy theo) và vẻ mặt nghiêm khắc lững thững bước vào phòng đi-văng ngồi bên bàn mình.

Giữa cái không khí im lặng buồn tẻ này, từ phòng bên vẳng ra những tiếng cười nói của trẻ con. Rõ ràng là có một điều gì vui xảy ra giữa bọn chúng.

- Xong rồi? Xong rồi? - Tiếng cô bé Natasa reo lên vui vẻ át hết những tiếng khác. Piotr đưa mắt nhìn bá tước phu nhân Maria và Nikolai (chàng vẫn trông thấy Natasa) và nở một nụ cười sung sướng.

- Điệu nhạc ấy tuyệt trần! - Chàng nói.

Đó là chị Anna Makarovna đã đan xong đôi bít tất. - Bá tước phu nhân Maria nói.

- Ồ! Tôi phải sang xem mới được. - Piotr nói đoạn đứng phắt dậy. - Em có biết. - Chàng nói thêm và dừng lại ở cửa lớn. - Tại sao anh yêu thích đặc biệt điệu nhạc này không? Nó là những dấu hiệu đầu tiên báo cho anh biết rằng mọi việc đều tốt đẹp. Hôm nay trên đường về, càng về đến gần nhà anh càng sợ. Khi vào phòng ngoài anh nghe thằng Andriusa cười vang, anh biết như thế có nghĩa là mọi việc đều yên lành.

- Tôi cũng biết cái cảm xúc ấy. - Nikolai xác nhận. - Nhưng tôi không thể đến xem được vì đôi bít tất ấy là một món quà bất ngờ họ dành cho tôi đấy.

Piotr bước vào phòng các con và những tiếng cười reo càng to.

- Nào chị Anna Makrovna lại đây! - Piotr nói. - Đứng ở giữa phòng, và nghe tôi hô: một, hai… và khi nào tôi nói: ba, con thì đứng đấy, còn chú này thì ba bế nào. Đồng ý chứ: Một, hai… - Piotr nói. Một phút yên lặng. - Ba! - và những tiếng reo vui sướng hân hoan của lũ trẻ vang dội cả gian phòng.

- Hai chiếc, hai chiếc! - Bọn trẻ reo lên.

Đó là hai chiếc tất mà Anna Makarovna đã đan cùng một lúc theo một bí quyết mà chỉ một mình cô ta biết được, và bao giơ cô ta cũng rút chiếc này từ chiếc kia ra trước mặt bọn trẻ một cách trang trọng khi đã đan xong.

Phần XVI

Chương. - 14 -

Lát sau lũ trẻ vào chào để đi ngủ. Sau khi chúng hôn tất cả mọi người, các gia sư và các chị giữ trẻ cúi chào rồi dẫn chúng đi. Riêng Dexal và cậu học trò của ông ta ở lại. Người gia sư thì thầm bảo cậu học trò đi xuống nhà.

- Không ông Dexal ạ, tôi xin phép cô tôi cho tôi ở lại, Nikolai Bonkonxki cũng thì thầm đáp.

- Cô ơi! Cô cho cháu ở lại, - Nikolenka đến gần cô nói. Khuôn mặt của cậu lộ vẻ cầu khẩn, xúc động và hân hoan. Bá tước phu nhân Maria nhìn cậu và quay về phía Piotr.

- Mỗi khi có cậu ở đây là nó không tài nào rứt ra được. - Nàng nói với chàng.

- Chốc nữa tôi sẽ đưa cháu lại cho ông. Ông Dexal ạ, chào ông! - Piotr nói, bắt tay người gia sư Thuỵ sĩ và mỉm cười nói với Nikolenka. - Chúng ta đã lâu chưa được gặp nhau nhỉ, này chị Maria, độ này cháu nó bắt đầu giống anh ấy quá - Chàng nói thêm với bá tước phu nhân Maria. Giống ba cháu à? - Cậu bé hỏi, mặt bỗng đỏ bừng, và ngước đôi mắt sùng mộ sáng long lanh lên nhìn Piotr. Piotr gật đáp lại, đoạn tiếp tục câu chuyện bị lũ trẻ làm gián đoạn. Bá tước phu phân Maria đang ngồi thêu trên khung. Natasa nhìn chồng không rời mắt. Nikolai và Denixov sai lấy tẩu thuốc, vừa hỏi chuyện Piotr vừa hút thuốc và đón lấy những chén trà ở tay Sonya mệt mỏi nhưng kiên nhẫn ngồi cạnh ấm lò. Cậu bé ốm yếu, tóc quăn, mắt sáng, ngồi trong một góc phòng không ai để ý đến. Trên cái cổ mảnh khảnh nhô ra ngoài chiếc áo cổ bẻ mái đầu tóc quăn của cậu quay về phía Piotr. Chốc chốc cậu lại nhổm lên nói lẩm bẩm điều gì một mình, hẳn là đang có một cảm xúc mới mẻ và mãnh liệt.

Câu chuyện xoay quanh những tin kháo vặt truyền đi từ những giới cao cấp trong chính phủ, mà phần đông thường coi như những vấn đề quan trọng về nội chính. Denixov vốn bất mãn với chính phủ vì lận đận trên bước đường công danh, khoái trá lắng nghe tất cả những chuyện ngu xuẩn mà chàng cho là hiện nay người ta đang làm ở Petersburg và bình luận những câu chuyện của Piotr với những lời nhận xét táo bạo và gay gắt.

- Ngày trước thì phải là người Đức mới được, còn bây giờ thì phải khiêu vũ với bà Tatannova và bà Kruydner(1) phải đọc Ekartxthauzen(2) và đồng bọn. Quả thật tôi muốn thả anh chàng hảo hán Bonaparte của chúng ta ra một lần nữa, hắn sẽ biết cách trừ khở hết những trò ngu xuẩn kia. Tôi muốn hỏi, giao trung đoàn Xemonovxki cho cái tên lính Svartx(3) chỉ huy thì còn ra cái thể thống gì nữa, chàng quát lên, Nikolai tuy không muốn cho rằng mọi việc đều xấu xa như Denixov nghĩ, nhưng vẫn cho rằng việc phê bình chính phủ là một việc rất hệ trọng và đáng làm. Chàng cho rằng việc A được bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ nào đó, còn B được bổ làm tổng đốc tỉnh nào đó, việc nhà vua nói thế này, còn ông tổng trưởng nói thế kia là những việc rất quan trọng. Chàng cho rằng mình cần phải để ý đến những việc ấy, bèn hỏi Piotr. Câu chuyện nở ra quanh những câu hỏi của hai người không vượt ra ngoài phạm vi tính chất thông thường của những câu chuyện kháo vặt của giới cao cấp trong chính phủ.

(1) Bà thầy bói đã có thời rất ảnh hưởng với Alekxander đệ nhất.

(2) Nhà văn thần bí người Đức (1752 - 1803)

(3) Một người tay chân của Arakseyev đã đưa vào quân đội một chế độ kỷ luật roi vọt hà khắc gây nên những phản ứng dữ dội trong trung đoàn Xemonovxki

Nhưng Natasa vốn biết tất cả những thái độ và những ý nghĩ của chồng, thấy rằng Piotr đã từ lâu muốn kéo câu chuyện sang một hướng khác và nói rõ cái ý nghĩ thầm kín mà chàng đã đi Petersburg để bàn bạc với người bạn mới là công tước Feodor nhưng chàng vẫn chưa thực hiện được ý muốn đó, nên nàng bèn viện trợ chàng bằng cách hỏi xem câu chuyện của chàng với công tước Feodor(4) đã đến đâu rồi.

(4) Một người cầm đầu phái quý tộc tiến bộ sau này sẽ làm chủ cuộc khởi nghĩa Tháng chạp. (Ý định ban dầu của Lev Tolstoy là kể lại quá trình hình thành tư tưởng của một người Tháng chạp. - Piotr Bezukhov)

- Việc gì thế? - Nikolai hỏi.

- Thì chung quy cũng vẫn một việc ấy. - Piotr nói, mắt nhìn quanh. - Mọi người đều thấy rằng tình thế đã hỏng bét, đến nỗi không thể nào để yên như thế này được nữa, và nhiệm vụ của tất cả những người chính trực là phải ra sức chống lại.

- Những người chính trực có thể làm gì nào? - Nikolai nói, mày hơi cau lại. - Người ta có thể làm những gì nào?

- Đây này.

- Chúng ta vào thư phòng đi. - Nikolai nói.

Natasa, từ lâu đã đoán biết rằng người ta sắp đến tìm nàng vào cho con bú, nghe tiếng gọi của u già liền đi về phòng các con. Bá tước phu nhân Maria cũng đi theo. Nhóm đàn ông vào thư phòng, Nikolenka Bolkonxki cũng lẻn vào theo mà Piotr không biết và, ngồi trong bóng tối, cạnh cửa sổ, bên bàn làm việc.

- Thế cậu tính làm gì? - Denixov hỏi.

- Lúc nào cũng toàn những ảo tưởng. - Nikolai nói.

- Đây này. - Piotr bắt đầu nói, không ngồi xuống ghế, mà khi thì đi đi lại lại trong phòng, khi thì đứng lại, nói lúng búng và giơ tay khua lia lịa. - Đây, tình hình ở Peterburg là như sau: hoàng đế không thiết gì đến chính sự. Ngài hoàn toàn chìm đắm vào cái chủ nghĩa thần bí kia (ngày nay Piotr không thể dung thứ cho người nào theo chủ nghĩa thần bí). Ngài chỉ lo tìm sự yên tĩnh, và chỉ có những bọn không có đức tin mà cũng không có pháp luật mới đưa lại cho ngài được sự yên tĩnh ấy, bọn này chặn đứng và bóp chết tất cả: bọn Marnitxki, Arakseyev và cả lũ chúng nó! - Chàng quay sang nói với Nikolai. - Anh cũng phải đồng ý rằng nếu anh không tự lấy công việc điền trang mà chỉ muốn được yên thân, thì tên quản lý của anh càng tàn nhẫn bao nhiêu thì anh sẽ càng mau đạt mục đích bấy nhiêu.

- Nhưng cậu nói thế để đi đến đâu mới được chứ? - Nikolai hỏi.

- Ấy thế rồi tất cả sẽ sụp đổ. Ở các tòa án thì trộm cắp, trong quân đội thì chỉ có roi vọt, nào luyện tập ắc ê, nào di trú quân sự - Người ta làm khổ dân, người ta bóp nghẹt giáo dục. Tất cả những cái gì trẻ trung, chính trực đều bị tiêu diệt! Mọi người đều thấy rằng không thể cứ để yên thế này được. Sợi dây đã quá căng và thế nào cũng đứt. - Piotr nói (như xưa nay người ta vẫn nói khi nhìn vào hành động của bất kỳ chính phủ nào, từ khi có chính phủ cho đến nay). Ở Petersburg, tôi chỉ nói với họ một điều.

- Nói với ai? - Denixov hỏi.

- Anh biết là nói với ai rồi. - Piotr, mắt nhìn gườm gườm một cách đầy ý nghĩa. - Nói với công tước Feodor và tất cả những người khác. Khuyến khích việc truyền bá giáo dục và các tổ chức từ thiện, dĩ nhiên là rất tốt. Đó là một mục đích rất hay. Nhưng trong tình hình hiện nay việc cần làm những việc khác nữa.

Ngay lúc đó, Nikolai nhận thấy thằng cháu trai của chàng có mặt trong phòng. Gương mặt chàng sa sầm lại, chàng đến cạnh nó

- Mày ngồi làm gì ở đây?

- Sao thế? Cứ để mặc nó - Piotr nắm lấy tay cánh tay Nikolai nói tiếp. - Tôi bảo họ: làm như thế còn quá ít, bây giờ cần làm những việc khác nữa. Trong khi người ta đứng chờ cho sợi dây quá căng thẳng ấy đứt, trong khi mọi người cứ đợi cuộc chính biến tất yếu ấy xảy ra, chúng ta cần phải nắm tay nhau thật chặt, càng đông càng tốt, để chống lại mối tai họa chung. Tất cả những cái gì trẻ trung và khỏe mạnh đều bị lôi cuốn vào đấy và bị hủ hoá. Người thì bị đàn bà làm hư hỏng, người thì bị vinh hoa hay tiền bạc cám dỗ và chuyển sang phe bên kia. Những con người độc lập, tự do như tôi và anh bây giờ chẳng còn ai. Tôi nói: hãy mở rộng phạm vi của hội, khẩu hiệu của anh sẽ không phải là chỉ đạo đức mà còn là ý chí độc lập và hành động.

Nikolai rời đứa cháu trai, giận dữ đẩy chiếc ghế bành lại, ngồi vào ghế và trong khi nghe Piotr nói chàng bất giác ho húng hắng, mặt mỗi lúc một sa sầm xuống.

- Được nhưng hành động nhằm mục đích gì kia chứ? - Chàng quát lên. - Còn thái độ của anh đối với chính phủ như thế nào?

- Thì đây! Thái độ của những người cộng tác. Hội này có thể không phải là hội kín nếu như chính phủ cho phép. Không những nó không chống đối chính phủ, mà còn là hội của những người bảo thủ chân chính. Đó là hội của những người chính nhân quân tử theo ý nghĩa toàn vẹn của danh từ này. Chúng tôi chỉ muốn làm sao cho Pugatsov(5) đừng đến giết con tôi và con anh, và Arakseyev đừng đưa tôi đến một nơi di trú quân sự. Chỉ vì vậy mà chúng tôi nắm tay nhau với mục đích duy nhất là hạnh phúc và an ninh chung.

(5) Một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa chống lại Sa hoàng và giai cấp quý tộc (1726-1775)

- Được nhưng đó là một hội kín, tức là một đoàn thể thù địch và tai hại, chỉ có thể gây những cái ác.

- Tại sao lại thế? Hội Tughenbund(6), cái hội đã cứu châu Âu (lúc bấy giờ người ta vẫn nghĩ rằng chính nước Nga đã cứu châu Âu) có gây nên điều gì có hại đâu? Hội Tughenbund là một hội đạo đức: nó chủ trương bác ái, tương trợ, đó là những điều Jesus đã từng thuyết giáo trên cây thánh giá.

(6) Tughenbund Tegenbunđ (Đạo đức đồng minh). Hội của Đức thành lập vào năm 1808 bị Napoléon giải tán năm 1810, đã được lập lại khi Napoléon bị truất ngôi

Giữa câu chuyện, Natasa bước vào phòng, ngắm chồng vui sướng. Nàng vui sướng không phải vì những điều chàng đang nói. Thậm chí nàng cũng không quan tâm đến nữa vì nàng cho rằng tất cả nhứng điều đó đều hết sức đơn giản và nàng đã biết từ lâu (nàng có cảm giác như vậy vì nàng đã biết rõ hết cái cội nguồn của nó, tức là tâm hồn Piotr), nhưng nàng vui sướng khi thấy vẻ phấn chấn, say sưa của chàng.

Cậu bé có cái cổ mảnh khảnh lộ ra ngoài chiếc cổ bẻ, bị mọi người quên khuấy đi, còn nhìn Piotr một cách hân hoan sung sướng hơn nữa. Mỗi lời nói của Piotr đều làm cậu bừng cháy, và trong khi xúc động, ngón tay của cậu bất giác bẻ vụn những thỏi xi và những cây bút lông ngỗng đặt trên bàn làm việc của chú Nikolai vừa đúng tầm tay cậu.

- Hoàn toàn không phải như cậu tưởng đâu, còn cái Tughenbund của Đức ngày trước và cái hội của tôi đề nghị thì như thế này.

- Thôi đi anh. - Denixov nói oang oang, giọng dứt khoát. - Cái Tughenbund chỉ tốt cho bọn ngốn xúc xích (ý nói người Đức) mà thôi, tôi chẳng hiểu gì cái trò ấy hết, thậm chí tôi không phát âm được cái chữ đó nữa. - Mọi việc đều hỏng bét, mọi việc đều tệ lậu. - Cái đó thì tôi đồng ý, nhưng cái Tughenbund thì tôi không hiểu được, và nếu không bằng lòng thì bun(7) một trận, thế mới xong? Được như thế tôi sẵn sàng theo cậu.

(7) Bund tiếng Đức là liên minh, còn bunt tiếng Nga là nổi loạn, khởi nghĩa (hai chữ đều phát âm là "buot")

Piotr mỉm cười, Natasa cũng cười theo, nhưng Nikolai thì lại càng cau mày và bắt đầu chứng minh cho Piotr thấy rằng sẽ không có chính biến gì hết và tất cả các nguy cơ mà chàng nói đều chỉ có ở trong tưởng tượng của chàng mà thôi. Piotr chứng minh ngược lại, và vì chàng thông minh hơn và tế nhị hơn nên Nikolai lại cảm thấy mình lâm vào thế bí. Điều đó càng làm cho chàng phát cáu vì trong thâm tâm không phải lý luận mà do một cái gì còn mạnh hơn lý luận, chàng biết rằng những ý kiến của mình nhất định là đúng.

- Tôi nói với cậu thế này nhé - Chàng đứng dậy nói, tay bứt rứt cố đặt cái tẩu vào một góc nhưng không được, cuối cùng phải vứt nó đi. - Tôi không đủ sức chứng minh cho cậu thấy được. Cậu nói rằng ở nước ta mọi việc đều xấu xa và sẽ có chính biến, còn tôi thì tôi không thấy thế, nhưng cậu có nói lời thề là một trò ước định, tôi xin nói với cậu về việc đó: cậu là người bạn tốt nhất của tôi, cậu cũng biết đấy, nhưng nếu cậu lập một hội kín và bắt đầu chống lại chính phủ thì, dù đó là chính phủ nào đi nữa, tôi biết rằng bổn phận của tôi cũng vẫn là phục tùng chính phủ. Và nếu bây giờ Arakseyev ra lệnh cho tôi mang một kỵ đội đến chém xả vào các cậu thì tôi sẽ đi ngay không đắn đo một phút nào. Cậu muốn cho tôi là người như thế nào, cái đó tuỳ cậu.

Sau mấy câu ấy, một phút im lặng nặng nề trôi qua. Natasa là người đầu tiên lên tiếng, nàng bênh vực chồng và công kích anh.

Cách bênh vực của nàng yếu ớt và vụng về nhưng nàng đã đạt được mục đích. Câu chuyện lại tiếp tục và bây giờ không còn cái giọng thù địch khó chịu như những lời nói vừa rồi của Nikolai nữa.

Khi mọi người đứng dậy đi ăn tối, cậu bé Nikolenka Bolkonxki tiến đến gần Piotr, mặt tái mét, mắt sáng long lanh.

- Cậu Piotr… cậu à… không… nếu ba còn sống ba có đồng ý với cậu không? - Cậu bé hỏi.

Piotr hiểu rằng trong đứa bé chắc phải diễn ra một sự giằng co đặc biệt, độc lập, phức tạp và khó nhọc về tư tưởng và tình cảm trong khi nghe họ nói chuyện. Chàng sực nhớ đến tất cả những điều chàng nói và hối tiếc rằng thằng bé đã nghe. Nhưng bây giờ chàng phải trả lời nó.

- Cậu nghĩ rằng có - Chàng miễn cưỡng đáp và bước ra khỏi thư phòng.

Cậu bé cúi đầu và mãi đến bây giờ cậu mới nhìn thấy lần đầu những kết quả của công việc phá hoại mà cậu đã gây ở trên bàn. Cậu đỏ mặt và lại gần Nikolai.

- Thưa chú, chú tha lỗi cho cháu, cháu đã trót làm như thế này. - Cậu vừa nói vừa chỉ những cây bút lông ngỗng và những mảnh xi bị bẻ gãy.

Nikolai giật mình giận dữ.

- Thôi được thôi được…!

Chàng nói đoạn vứt những mảnh xi và những và những chiếc bút lông ngỗng xuống gầm bàn. Và chàng quay mặt đi, hẳn là phải cố gắng lắm mới nén được cơn giận đang trào lên.

- Đáng lẽ mày không nên ở đây một chút nào hết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx