sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2) - Phần 5 - Chương 19 - 20

Phần V

Chương - 19 -

Roxtov đến Tilzit đúng vào một ngày ít thuận tiện nhất để can thiệp giúp Denixov. Chàng không thể thân hành đến tìm viên tướng trực nhật bởi vì chàng mặc thường phục và đến Tilzit không có phép của thủ trưởng, còn Boris thì dù có muốn đi nữa cũng không thể làm việc ấy ngay hôm sau khi gặp Roxtov. Hôm ấy ngày hai mươi bẩy tháng sáu, những điều khoản đầu tiên của bản hòa ước đã được ký kết. Hai vị hoàng đế tặng huân chương cho nhau: Alekxandr nhận huân chương "Đoàn danh dự", Napoléon nhận huân chương "Andrey đệ nhất cấp", và cũng trong ngày hôm ấy sẽ có một bữa tiệc do một tiểu đoàn Pháp tổ chức để thiết đãi một tiểu đoàn của trung đoàn Preobrazenxki. Hai vị hoàng đế sẽ dự bữa tiệc này. Sau bữa ăn tối hôm ấy, Roxtov cảm thấy lúng túng trước mặt Boris, nên khi Boris ăn xong ghé vào phòng chàng thì chàng giả vờ ngủ, và hôm sau, từ sáng sớm, chàng đã ra đi, cố ý tránh mặt Boris. Nikolai mặc thường phục, đội chiếc mũ dạ tròn đi thơ thẩn ngoài phố nhìn bọn lính Pháp và quân phục của họ, nhìn những đường phố và những tòa nhà dành cho hoàng đế Nga và hoàng đế Pháp ở trên quảng trường chàng thấy người ta kê bàn chuẩn bị dọn tiệc, ở ngoài phố chăng những lá cờ Nga và cờ Pháp có chữ A hoa và N hoa to tướng, ở cửa sổ cũng có treo cờ và dính những chữ hoa như vậy.

"Boris không muốn giúp ta, vả lại ta cũng không muốn nhờ hắn nữa. Đó là một vấn đề đã giải quyết xong xuôi. - Roxtov nghĩ thầm. - Giữa hắn và ta thế là hết, nhưng ta sẽ không ra khỏi nơi này nếu chưa làm được tất cả những việc có thể làm để giúp Denixov và nhất là nếu ta chưa trao được bức thư cho hoàng đế. Trao cho hoàng đế? Người hiện ở đây?" - và bất giác chàng lại quay gót trở lại tòa nhà dành cho vua Alekxandr ở.

- Con ngựa cưỡi đang đứng đợi, trước thềm của tòa nhà có mấy sĩ quan hộ giá lục tục kéo đến, chắc là để chuẩn bị đón hoàng đế từ trong nhà ra.

"Chốc nữa mình có thể gặp người, - Roxtov tự nhủ. - ước gì mình trao được bức thư này tận tay Người và nói hết… Không khéo người ta bắt giam mình vì mình mặc thường phục. Không thể như thế được. Người sẽ biết rõ ai phải ai trái. Người hiểu hết, việc gì người cũng biết. Còn ai có thể công bằng hơn và đại lượng hơn Người nữa…? Vả chăng dù họ có bắt ta vì ta ở đây thì cũng có sao đâu" - Chàng nghĩ thầm khi thấy một sĩ quan bước vào nhà hoàng đế ở… - Đấy, người ta vẫn vào đấy! Chà! Toàn là những ý nghĩ vớ vẩn! Mình phải thân hành mang bức thư đến trình hoàng đế! Thây kệ cái anh chàng Drubeskoy đã buộc mình đi đến nước này". Và đột nhiên, với một sự quyết tâm mà chàng tưởng mình không thể nào có được, Roxtov thò tay nắn lại bức thư ở trong túi áo rồi tiến thẳng về phía tòa nhà.

"Lần này mình sẽ không bỏ lỡ cơ hội như lần sau trận Austerlix!" - Chàng tự nhủ, lòng khấp khởi hy vọng sẽ gặp hoàng đế ngay bây giờ, và khi nghĩ như vậy chàng lại thấy máu dồn mạnh lên tim "Ta sẽ phục xuống chân Người và cầu khẩn Người. Người sẽ đỡ ta dậy, nghe ta nói và thậm chí còn cảm ơn ta nữa". "Ta rất sung sướng khi có dịp làm việc tốt, nhưng trừ bỏ một điều bất công mới thật là hạnh phúc lơn lao nhất". - Roxtov tưởng tượng hoàng đế sẽ nói với mình như vậy. Và chàng bước lên thềm, dưới những cặp mắt tò mò của những người đứng cạnh đấy.

Từ bậc thềm, một cầu thang gác rộng rãi đưa thẳng lên tầng trên; ở bên phải có một cái cửa đóng kín. Ở dưới cầu thang có một cánh cửa khác dẫn xuống tầng dưới.

- Ngài cần tìm ai? - Có người hỏi.

- Tôi cần đưa một bức thư, một bức thư thỉnh cầu hoàng thượng. - Nikolai nói, giọng run run.

- Đơn thỉnh cầu à? Phải đưa cho sĩ quan trực nhật, ngài làm ơn đi về phía này (người ta chỉ cho chàng cái cửa dưới). Nhưng họ không tiếp ngài đâu.

Nghe giọng nói thờ ơ ấy, Roxtov thấy hoảng sợ về việc mình vừa làm: ý nghĩ sẽ được gặp hoàng đế dù hấp dẫn đến đâu cũng làm chàng hoảng sợ đến nỗi chàng suýt bỏ chạy, nhưng người hầu phòng vừa tiếp chàng đã mở cửa phòng viên sĩ quan trực nhật, và chàng bước vào.

Một người thấp và béo chạc ba mươi tuổi và đi ủng cao quá gối phía trên chỉ mặc một chiếc áo sơ mi bằng vải mịn, chắc là vừa mới mặc vào xong, đang đứng trong phòng; người hầu phòng ông ta đang cài những chiếc dải đeo quần mới tinh bằng lụa rất đẹp ở sau lưng, không hiểu sao cứ thu hút sự chú ý của Roxtov. Lúc bấy giờ ông ta đang nói chuyện với một người nào ở phòng bên.

- Người cân đối và đẹp mê hồn! - Ông ta nói, nhưng nhìn thấy Roxtov, ông ta im bặt và cau mày:

- Ông muốn gì? Đơn thỉnh cầu à?

- Cái gì thế. - Tiếng người ở phòng bên hỏi.

- Lại một anh đến thỉnh cầu. - Người đeo dải quần đáp.

- Bảo anh ta là để sau hẵng lại. Ngài ngự sắp ra bây giờ, phải đi ngay. Sau hẵng đến, ngày mai hẵng đến. Bây giờ muộn quá rồi.

Roxtov quay gót toan đi ra nhưng người mang dải quần đã cản lại.

- Thư thỉnh cầu của ai? Anh là ai?

Thư của thiếu tá Denixov - Roxtov đáp.

- Còn anh là ai? Sĩ quan à?

- Trung uý bá tước Roxtov.

- Thật là to gan! Hãy nộp lên cấp trên của anh theo đúng quy chế. Còn anh thì đi đi đi đi. - Nói đoạn ông ta xỏ tay vào bộ quần áo quân phục mà người hầu phòng vừa đưa lại.

Roxtov quay ra phòng áo và thấy nhiều sĩ quan và nhiều vị tướng mặc đại quân phục ngày lễ đang đứng ở trên thềm, muốn ra ngoài chàng phải đi qua trước mặt họ.

Lòng thầm nguyền rủa sự to gan của mình, tim như ngừng đập khi nghĩ rằng ngay bây giờ mình có thể gặp hoàng đế không biết chừng, ngay trước mặt Người có thể bị mắng một cách nhục nhã, có thể bị bắt nữa là khác và thấy rõ tất cả sự thất thố trong hành động của mình và hối hận về hành động đó, Roxtov cúi mặt xuống lẻn ra khỏi tòa nhà chật ních những người hộ giá sang trọng. Bỗng một giọng nói quen quen gọi chàng và một bàn tay giữ chàng lại.

- Anh làm gì ở đây mà mặc thường phục như thế? - Một giọng trầm trầm hỏi chàng.

Đó là viên tướng kỵ binh trước đây chỉ huy sư đoàn của chàng và nhờ những thành tích trong chiến dịch vừa qua đã được hoàng đế đặc biệt yêu quý.

Roxtov hoảng hốt toan thanh minh, nhưng thấy vẻ mặt vui vẻ hiền hậu của viên tướng, chàng kéo ông ta ra một nơi, và với một giọng xúc động chàng kể lại tất cả những việc đã xảy ra, yêu cầu ông ta can thiệp giúp Denixov mà ông ta có biết. Nghe xong viên tướng lắc đầu, vẻ nghiêm nghị.

- Thật ái ngại, thật ái ngại cho chàng trai gan dạ này! Anh đưa thư cho tôi.

Roxtov vừa kịp trao bức thư và kể lại đầu đuôi câu chuyện của Denixov thì những tiếng chân bước mau kèm theo tiếng cựa giày lách cách vang lên ở cầu thang. Viên tướng rời Roxtov đến đứng ở sát thềm. Những người trong đoàn tuỳ tùng của hoàng đế chạy xuống thềm và đến đứng cạnh máy con ngựa của họ. Viên sĩ quan giám mã Ene, chính viên sĩ quan trước đây đã có mặt ở Austerlix, dắt ngựa đến cho hoàng đế và trên cầu thang có tiếng giày nhè nhẹ mà Roxtov nhận ra ngay. Quên cả nỗi lo sợ bị người ta nhận mặt, Roxtov tiên đến sát thềm với mấy người hiếu kỳ khác và sau hai năm cách biệt chàng thấy lại cũng những nét mặt tôn quý ấy, cũng cái nhìn ấy, cũng cái dáng đi ấy, cũng cái phong dộ uy nghi mà hiền hậu ấy, và lòng sùng mộ say sưa đối với hoàng đế lại sống lại trong lòng chàng mãnh liệt như xưa. Hoàng đế mặc quân phục của trung đoàn Preobrazenxki, mặc quần dạ trắng đi đôi ủng cưỡi ngựa cao, ngực đeo một tấm huân chương mà Roxtov không biết là huân chương gì (đó là huân chương "Đoàn danh dự") xuất hiện trên thềm, tay cắp mũ và đang đi găng. Người dừng lại đưa mắt nhìn quanh một lượt khiến mọi vật sáng bừng lên. Ngài nói mấy lời với một vị tướng. Ngài nhận ngay ra viên cựu sư đoàn trưởng của Roxtov, mỉm cười với ông ta và gọi ông ta lại.

Tất cả đoàn tuỳ tùng rẽ ra và Roxtov thấy viên tướng này nói chuyện khá lâu với hoàng đế.

Hoàng đế đáp lại mấy tiếng rồi bước một bước về phía có ngựa đang đợi sẵn. Đoàn tuỳ tùng và đám người hiếu kỳ trong đó có Roxtov lại nhích tới gần. Hoàng đế dừng lại bên cạnh ngựa và tay đặt lên yên, hoàng đế quay về phía viên tướng kỵ binh và nói to với ông ta, hẳn là muốn cho mọi người đều nghe thấy.

- Ta không thể làm như vậy được, tướng quân ạ, và sở dĩ ta không thể làm được là vì luật pháp còn mạnh hơn ta.

Hoàng đế nói đoạn đặt chân lên bàn dạp. Viên tướng cung kính cúi đầu xuống. Hoàng đế lên yên và thúc ngựa phi nước đại trên đường phố. Roxtov phấn khởi hân hoan như cuồng dại cùng với đám đông chạy theo nhà vua.

Phần V

Chương - 20 -

Ở quảng trường, nơi hoàng đế cưỡi ngựa đến, một tiểu đoàn của trung đoàn Preobrazenxki đứng bên phải và bên trái là một tiểu đoàn cận vệ Pháp đội mũ lông đang đứng sắp hàng đối diện nhau.

Trong khi hoàng đế đi về phía bên sườn các tiểu đoàn đang bồng súng chào, thì một nhóm kỵ binh khác đi về phía sườn bên kia là Roxtov nhận ra người đi đầu. Đó là Napoléon không thể là người nào khác. Ông ta đội chiếc mũ nhỏ(1), dây thao huân chương Andrey thắt chéo qua ngực, mình mặc quân phục xanh để lộ chiếc áo gi-lê trắng, phi nước đại trên mình con ngựa Ả Rập thuần giống màu xám rất quý, lưng phủ tấm chăn ngựa màu huyết dụ thêu kim tuyến. Đến trước mặt Alekxandr ông ta cất mũ chào. Nhìn động tác này con mắt kỵ binh sành sỏi của Roxtov không thể không nhận thấy Napoléon cưỡi ngựa rất kém và ngồi trên yên không vững.

(1) Vào thời bấy giờ võ quan thường đội "mũ hai sừng" rất to, riêng Napoléon đội chiếc mũ đặc biệt, kích thước nhỏ hơn bình thường.

Các tiểu đoàn hô to: "Ua-ra" và "Hoàng đế vạn tuế".

Napoléon nói mấy tiếng với Alekxandr. Hai vị hoàng đế uống ngựa và bắt tay nhau. Một nụ cười vờ vĩnh khó chịu hiện lên gương mặt Napoléon, Alekxandr thân mật nói chuyện với ông ta.

Bất chấp vó ngựa của hiến binh Pháp đang đứng giữa đám đông, Roxtov vẫn theo dõi từng cử chỉ của Alekxandr và Buônapáctê. Roxtov ngạc nhiên, không ngờ vua Alekxandr lại đối xử ngang hàng với Buônapáctê, và Buônapáctê có vẻ ung dung thoải mái… Trong khi đối xử ngang hàng với hoàng đế Nga tựa hồ như sự thân mật này là lẽ tự nhiên và đã từ lâu trở thành một điều quen thuộc đối với ông ta. Napoléon và Alekxandr cùng với đoàn tuỳ tùng rất dài của họ đi về phía sườn bên phải của tiểu đoàn Preobrazenxki, tiến thẳng đến gần đám đông đang đứng ở đấy gần đến nỗi Roxtov đứng ở hàng đầu chợt có ý sợ rằng họ sẽ nhận ra mình.

- Thưa ngài, tôi xin phép Ngài cho tôi tặng huân chương Đoàn danh dự cho người dũng cảm nhất trong số các quân nhân của ngài! - Ông ta nói giọng sắc sảo, rành rọt, phát âm rõ đến từng chữ.

Đó là lời của Buônapáctê thấp bé vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt Alekxandr từ dưới lên. Alekxandr chăm chú nghe những lời Napoléon nói với mình, gật đầu tán thành và mỉm cười thân mật.

- Tặng người đã chiến đấu anh dũng nhất trong cuộc chiến tranh vừa qua! - Napoléon nói thêm, nhấn mạnh từng tiếng một.

Với một thái độ tự tin và bình tĩnh khiến Roxtov tức lộn ruột, ông ta đưa mắt nhìn những hàng quân Nga đang bồng súng chào, mắt dán chặt vào vị hoàng đế của họ.

- Hoàng thượng cho phép tôi hỏi qua ý kiến của đại tá đã chứ?

Alekxandr nói đoạn bước nhanh đến gần công tước Kozlovxki, người chỉ huy tiểu đoàn. Trong lúc đó Buônapanê đang tháo găng ra khỏi bàn tay nhỏ nhắn và trắng trẻo. Tình cờ chiếc găng bị rách, ông ta liền vất nó đi. Một sĩ quan phụ tá vội vàng chạy đến nhặt chiếc găng lên.

- Chọn ai bây giờ? - Hoàng đế Alekxandr hỏi thầm Kozlovxki bằng tiếng Nga.

- Xin tuỳ ý bệ hạ.

Hoàng đế cau mày có vẻ không bằng lòng và đưa mắt nhìn quanh, rồi nói.

- Nhưng cũng phải trả lời ông ta chứ.

Kozlovxki đưa mắt nhìn hàng quân một cách quả quyết. Cái nhìn của ông ta bao gồm cả Roxtov.

"Biết đâu là mình cũng nên" - Roxtov nghĩ thầm.

- Lazarev! - Viên đại tá cau mày hô to, và người đứng đầu hàng quân hiên ngang bước ra.

- Anh đi đâu. Đứng yên đấy! - Những tiếng nói thì thào bảo Lazarev, lúc bấy giờ chẳng biết mình phải đi đâu. Lazarev dừng lại liếc nhìn viên đại tá có vẻ lo sợ, và mặt anh ta run run như các binh sĩ vẫn thường run khi được gọi ra trước hàng quân.

Napoléon khẽ ngoái đầu lại và giơ bàn tay nhỏ nhắn béo múp míp ra đằng sau như muốn với lấy một vật gì. Các nhân vật trong đoàn tuỳ tùng hiểu ý ngay. Họ nhốn nháo lên, nói thì thầm, với nhau và trao tay nhau một vật gì không rõ, rồi một người thị đồng (chính người thiếu niên mà Roxtov đã gặp ở nhà Boris tối hôm qua) chạy đến và kính cẩn cúi đầu trên bàn tay của Napoléon đang giơ ra, và không để cho nó đợi một giây, đặt ngay vào lòng bàn tay một chiếc huân chương dải đỏ.

Napoléon không nhìn xuống, lấy hai ngón tay cầm gọn lấy chiếc huân chương rồi lại gần Lazarev trong khi anh ta mở mắt to cứ bướng bỉnh một mực chỉ nhìn hoàng đế của mình và đưa mắt cho hoàng đế Alekxandr như muốn nói rằng việc ông ta làm hiện nay chẳng qua cũng vì ngài muốn mà thôi. Bàn tay trắng trẻo nhỏ nhắn cầm tấm huân chương chỉ khẽ chạm vào khuy áo của Lazarev. Hình như Napoléon đinh ninh rằng muốn làm cho người lính kia sung sướng suốt đời, muốn làm cho anh ta được đề cao hẳn hơn mọi người khác trên thế gian thì chỉ cần bàn tay của ông ta, của Napoléon, khẽ chạm vào ngực anh ta một cái. Napoléon chỉ ấn cái huân chương vào ngực Lazarev và bỏ tay ra, đoạn quay về phía hoàng đế Alekxandr, tựa hồ như tin rằng tấm huân chương phải dính vào ngực. Quả nhiên tấm huân chương dính vào ngực Lazare thật.

Những bàn tay sốt sắng, Nga có Pháp có, lập tức vồ lấy chiếc huân chương mà gắn nó vào quân phục Lazarev, Lazarev hầm hầm đưa mắt nhìn con người thấp bé và có bàn tay trắng trẻo đã chạm vào người anh ta, và vẫn bồng súng chào không cử động, mắt cứ nhìn thẳng vào mắt Alekxandr như muốn hỏi xem mình có nên đứng như vậy hay phải đi, hay có lẽ làm một việc gì khác nữa chăng. Nhưng người ta không ra lệnh gì cho anh ta cả, nên anh ta đành đứng im như vậy một hồi khá lâu.

Hai vị hoàng đế phi ngựa đi. Binh sĩ trung đoàn Preobrazenxki giải tán hàng ngũ, xen lẫn vào quân cận vệ Pháp và ngồi cạnh những bàn tiệc đã dọn sẵn cho họ.

Lazarev ngồi vào ghế danh dự. Các sĩ quan Nga và Pháp ôm hôn anh ta, ngỏ lời mừng và bắt tay anh ta. Binh sĩ và thường dân kéo đến từng đoàn để nhìn anh ta. Tiếng cười, tiếng nói bằng tiếng Nga và tiếng Pháp vang dậy trên quảng trường xung quanh các bàn ăn.

Hai sĩ quan, mặt đỏ bừng, vui vẻ và sung sướng đi qua trước mặt Roxtov.

- Tiệc thật ra tiệc! Bát đĩa toàn bằng bạc hết. - Một người nói. - Anh có thấy Lazarev không?

- Có

- Nghe nói ngày mai quân Preobrazenxki lại thết họ đấy.

- Chà, thằng cha Lazarev thật là tốt số. Một ngàn hai trăm francs trợ cấp hàng năm, lĩnh cho đến trọn đời!

Một người lính trong trung đoàn Preobrazenxki đội một chiếc mũ lông của lính Pháp lên đầu, reo to:

- Anh em ơi, xem cái mũ bảnh chưa này!

- Đẹp quá! Tuyệt thật đấy!

- Cậu có biết khẩu lệnh mấy hôm nay thế nào không? - Một viên sĩ quan cận vệ nói với một người bạn. Ngày hôm kia là Napoléon, nước Pháp, dũng cảm; hôm qua là Alekxandr, nước Nga, vĩ đại, hoàng đế ta ra khẩu lệnh một hôm, hôm sau lại đến lượt Napoléon. Ngày mai nhà vua sẽ trao huân chương George cho người lính cận vệ anh dũng nhất của Pháp. Không thể khác được, phải đáp lễ chứ!

Boris và bạn là Zilinxki cũng đến xem bữa tiệc của binh sĩ trung đoàn Preobrazenxki. Lúc trở về Boris trông thấy Roxtov đứng ở góc một tòa nhà.

- Roxtov! Chào cậu! Thế là tối hôm kia chúng mình chẳng gặp lại nhau lần nào. - Chàng nói với Roxtov, và không thể nén mình không hỏi xem Roxtov có việc gì, vì bộ mặt của Roxtov thật ủ dột và thiểu não lạ lùng.

- Không, có gì đâu. - Roxtov đáp.

- Cậu đến nhà mình chứ?

- Được.

Roxtov đứng một hồi lâu trong góc, từ xa nhìn về phía đám người đang ăn tiệc. Trong tâm trí chàng diễn ra một cuộc giằng co đau đớn mà chàng không làm sao kết thúc được. Trong lòng chàng nổi lên những mối ngờ vực kỳ lạ. Khi thì chàng nhớ đến Denixov với vẻ mặt biến đổi hẳn đi, đến thái độ phục tùng và tất cả cái nhà thương với những bệnh nhân chân tay bị cưa cụt, đến cảnh bẩn thỉu và bệnh hoạn của nó, chàng có cảm giác là ngay bây giờ mình đang ngửi thấy cái mùi thịt thối trong bệnh viện. Cảm giác ấy mạnh đến nỗi chàng bất giác ngoái nhìn về phía sau để tìm xem nó có thể từ đâu đưa đến. Khi thì chàng sực nhớ đến cái anh chàng Bonaparte tự mãn với bàn tay trắng trẻo, con người hiện nay đã được xem là một vị hoàng đế và được hoàng đế Alekxandr yêu quý và kính trọng. Những cánh tay, những cái chân bị cưa cụt kia, những con người bị giết kia, tất cả những thứ đó phỏng có ích gì? Khi thì chàng sực nhớ đến Lazarev được thưởng, nhớ đến Denixov bị phạt và không được ân xá. Chàng chợt thấy mình có những ý nghĩ kỳ quặc đến nỗi nó làm chàng phát sợ.

Mùi thức ăn của binh sĩ trong trung đoàn Preobrazenxki và cơn đói kéo chàng ra khỏi tình trạng ấy: Phải ăn dăm ba miếng trước khi ra đi. Chàng đến một khách sạn mà chàng đã đi qua hồi sáng.

Trong khách sạn, chàng thấy có nhiều sĩ quan mặc thường phục như chàng. Khách ăn đông đến nỗi chàng phải khó khăn lắm mới gọi được thức ăn. Hai sĩ quan cũng thuộc sư đoàn chàng đến ngồi với chàng. Lẽ dĩ nhiên là câu chuyện xoay quanh việc ký hòa ước. Các sĩ quan bạn của Roxtov cũng như phần lớn quân sĩ đều bất bình về bản hòa ước được ký kết sau trận Fritland. Họ nói đáng lý phải cầm cự nữa mới phải. Napoléon sẽ gục, vì quân đội của y không còn lương khô và ngay cả đạn cũng đã hết. Nikolai lặng ngồi ăn và nhất là uống rượu rất nhiều. Chàng uống một mình hai chai rượu vang.

Cuộc giằng co đã nổi dậy trong lòng chàng vẫn không kết thúc được và vẫn cứ dằn vặt chàng. Chàng sợ buông mình theo những tư tưởng của mình nhưng vẫn không sao gạt những tư tưởng ấy đi được. Đột nhiên, nghe một viên sĩ quan nói rằng nhìn vào mặt bọn Pháp thật tức lộn ruột, Roxtov bỗng giận dữ quát tháo ầm ĩ. Chẳng ai hiểu tại sao chàng lại nổi xung lên như vậy, cho nên các sĩ quan rất ngạc nhiên.

- Anh làm sao dám xét đoán cái gì hơn, cái gì là kém? - Chàng quát to máu dồn lên mặt bừng bừng. - Làm sao chúng ta có thể phê phán về những hoạt động của nhà vua, chúng ta có quyền gì bàn bạc! Chúng ta không thể nào hìểu được mục đích và hoạt động của nhà vua.

- Nhưng tôi có nói gì đến nhà vua đâu. - viên sĩ quan phân trần.

Ông ta không còn biết cắt nghĩa cơn thịnh nộ của Roxtov bằng cách nào khác hơn là cho rằng Roxtov say.

Nhưng Roxtov không nghe viên sĩ quan, chàng cứ nói tiếp:

- Chúng ta không phải là những nhà ngoại giao, chúng ta chỉ là những quân nhân mà thôi. Họ ra lệnh cho chúng ta chết thì chúng ta chết. Họ phạt chúng ta, thế tức là chúng ta có vui lòng công nhận Bonaparte là hoàng đế và ký liên minh với ông ta thì tức là cần phải làm như thế mới được. Còn nếu việc gì chúng ta cũng phê phán và bàn luận vào thì sẽ không còn gì thiêng liêng nữa, cứ theo cái đà ấy chúng ta sẽ nói rằng không có Thượng đế, không có gì hết!

Nikolai đập bàn quát to lên, một tháỉ độ chẳng hợp cảnh tý nào theo quan niệm của những người đang nói chuyện với chàng, nhưng lại hết sức ăn khớp với dòng tư tưởng của chàng.

Việc của chúng ta là làm tròn bổn phận choảng cho mạnh và không suy nghĩ, có thế thôi! - Chàng kết luận.

- Và uống rượu nữa chứ - Một sĩ quan chêm vào, chừng không muôn cãi cọ.

- Phải rồi uống rượu nữa! - Nikolai tán thành. - Ê này! một chai nữa đây! - Chàng lớn tiếng gọi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx